Giữa cái rét run đầu tháng Chạp, dân buôn cây cảnh vẫn đi lùng sục khắp vùng tìm mai vàng. Cái giống cây cho hoa Tết ấy chưa bao giờ mất giá, nhưng phải thực sự sốt giá là từ đầu năm ngoái, khi một ông lãnh đạo ở một tỉnh miền trung phát động phong trào mỗi công sở, mỗi nhà dân nên trồng một cây mai trước ngõ. Ý tưởng hay và nó khiến giá mai cao gấp đôi, gấp ba, thậm chí những cây mai tòa lâu năm có giá đến bạc tỷ. Thợ nề thợ mộc, tài xế xe ôm nhiều anh bỗng dưng nghỉ nghề để đi buôn mai.
Ngã giá xong xuôi, đội đào cây xuống cuốc xẻng hạ đất, đánh bầu. Gặp chỗ đất thịt thì trong một buổi là xong, những chỗ có đá sỏi, cùng lắm một ngày. Thỉnh thoảng, có thể gặp chuyện rắc rối. Chẳng hạn khi moi lớp đất trên mặt thấy bộ gốc quá đẹp, chủ nhà đòi thêm tiền. Cũng có khi gặp một cái rễ già cắm trúng chỗ đất ngập bị thối, người mua cây nhăn mặt ỉ ôi xin chủ nhà bớt cho ít nhiều. Và hy hữu, sẽ gặp phải điều bất ngờ khiến đôi bên lưỡng lự, như chuyện đào cây mai nhà ông Bình.
Khi nhát xẻng xắn xiên vào chuẩn bị khoanh bầu thì phát ra một tiếng "bộp".
"Mẹ kiếp, lại gặp đá rồi". Cậu thợ đào chửi tục cằn nhằn rồi phập tiếp một nhát xẻng. Chỗ đất hiện ra một tấm kim loại màu đen đen.
"Đồng hả. Phen này trúng đồng đen bỏ nghề thợ đào đất luôn đi mày".
Người lúc nãy buông xẻng, ngồi thụp xuống cái hố đã đào, đưa tay phủi phủi tấm kim loại thì thấy nó không phải màu đen mà đã ngả xanh, xanh lục, lấm tấm những chỗ bị rỉ sét.
"Chết cha con rồi".
Cậu ta vọt lên khỏi hố, lồm cồm bò rồi chạy vào hiên nhà, mặt tái mét. Hai người trong đội đào cây nhào theo. Ông Bình từ trong nhà nghe tiếng kêu cũng đi nhanh ra.
"Hộp đạn ông ơi. Khéo chút nữa con teo rồi. Hú ba hồn bảy vía".
Vừa vội vàng vừa nhẹ nhàng, ông Bình đi ra sân, nghiêng đầu nhìn vào hốc đất. Giật mình, nhưng ông đã kịp định thần.
"Két đại liên thật. Sao ở đây lại có một cái thùng đạn thế chứ".
Cây mai nhà ông Bình thuộc dạng hàng bảo tồn, ấy là nói theo cách của dân chơi cây, tức là cây già tuổi, gốc đế thân cành mập mạp khỏe khoắn. Cây được trồng từ thời quê hương giải phóng, mà cũng chả biết ai trồng, hay nó tự mọc lên từ hạt. Nửa thế kỷ một đời người dài thế nào thì ngần ấy năm một cây mai nó cũng già thế ấy. Năm xưa khó khăn, cha con ông thường tới Tết lại cưa một vài cành đem lên phố bán lấy tiền sắm sửa. Mấy chỗ cưa trên thân cây nay đã liền sẹo, tạo nên những u sần trông rất già cỗi.
Tuổi của cây mai, cũng chính là quãng thời gian hòa bình vãn hồi đến nay. Những lần ông cụ gặp mặt bạn lính chiến ở nhà, thường chỉ trỏ cây mai mà tính năm tháng thanh bình. Cây mai thế mà có dấu mốc kỷ niệm vui. Nhưng ai ngờ dưới gốc nó lại có một cái vật nhắc nhớ thời đoạn đau thương.
"Nổ được thì nó đã nổ rồi. Đào tiếp đi".
Gã mua cây nói như ra lệnh. Khó khăn lắm mới săn được một cây mai già kiểu này, có thể gọi là lão mai. Và nhất là lúc nãy khơi lớp đất, lộ ra một bộ đế nom đã mắt, các rễ lớn vâm váp đâm từ thân xuống đất khỏe khoắn. Nhất đế nhì thân tam cành tứ nụ, dân chơi cây cảnh đều biết câu này, là tiêu chuẩn để đánh giá một cây mai. Cứ bộ chân đế ụ lên thì thế nào cũng ngon ăn, mà đúng thôi, bởi cành nhánh nó có thể mọc thêm hay uốn nắn, chứ bộ rễ là của trời cho.
Hôm qua gã đã ra giá đến lần thứ năm ông Bình mới gật đầu đồng ý. Hai trăm triệu là giá chốt, cả vùng này chưa ai bán ai mua một cây mai với giá đó. Mạnh vì gạo bạo vì tiền, gã tâm đắc câu này, đi buôn cây nói không phải mê tín chứ giống món cờ bạc, càng sợ thua thì càng dễ bị lỗ. Gã cũng đã kịp chụp ảnh quay phim cây mai gửi chào hàng mấy đại gia cây cảnh ở Huế, có khách đã ướm giá nửa tỷ bạc. Trời, một chiều một sáng làm gì lãi được đến ba trăm triệu, cú này thì ăn Tết ấm no rồi. Nghĩ đến khoản tiền lời, gã bất chấp tất cả.
"Đạn éo gì mà đạn. Để tao xuống moi nó lên cho".
"Thôi thôi. Rủi mà nổ một phát, chú mày thiệt thân còn tôi đây cũng khốn đốn đủ đường".
Nghĩa là sao, chẳng lẽ đi tong ba trăm triệu bạc sắp cầm chắc trong tay. Mà, với cái đế nôm vừa khui ra, khéo giá cây còn lên nữa.
"Bà Thường, bà Thường đâu rồi, lấy cho tôi cái chén cái dĩa".
Ông Bình gọi với vào nhà kêu vợ. Chắc ông cũng hoảng quá nên quên khuấy mất là bà vợ đã đi chợ từ hồi sáng. Mừng lắm, bà cầm được hai chục triệu tiền đặt cọc mua cây cất trong tủ, sáng nay rút mấy tờ đi chợ rồi. Mấy khi mà được một cục tiền, ai chả mừng.
Kỳ thực ông Bình không hám bán cây cối, bởi nó lưu đầy kỷ niệm. Chính bà Thường vợ ông xúi bán quách cho rồi vì mai đang được giá, chứ năm ngoái chưa sốt, cỡ cây này năm chục triệu là cao tay. Không bán rồi qua đợt này giá lại rẻ hều. Đấy, cứ xem cây sanh, cây lộc vừng mấy năm trước giá trên trời, nay thì chả ai thèm mua.
Cây mai nằm chính giữa sân, án ngữ như một cái bình phong mà ở quê nhà ai cũng có. Tán cây xòe ra tròn đều bốn phía, cành đan chi chít. Cái giống mai cũng hay, năm nào năm nấy cho hoa đúng dịp Tết dù chả chăm sóc gì. Cây to nụ nhiều, từ giữa tháng Chạp đã bắt đầu bung lụa và nở vàng rực tới gần hết tháng Giêng.
Ngày Tết khách đến chơi đều khen đất và người có duyên nên cây mai mới nở đẹp. Ông kê một bộ bàn mây tre dưới tán mai làm chỗ uống trà. Những sớm sương xuân âm ẩm, hương thơm của mai dịu ngát, cái mùi hương sâu đậm mà chỉ giống mai vàng đọt xanh miền trung có được. Hèn gì khi xưa vua chúa trong kinh rất thích, và nay chính xứ ấy lại hừng hực khí thế trồng mai trước ngõ.
Ông Bình vào nhà lấy bộ chén dĩa, rút thêm nén nhang đi ra. Xòe tay, hai đồng tiền xu âm dương được ông đặt vào dĩa.
"Chú muốn mua mà tôi cũng muốn bán. Nhưng chú cũng sợ chết mà tôi cũng sợ liên lụy. Thế có khổ không. Hay ta xin keo một quẻ coi ý trời đất thế nào. Chẵn là thuận, lẻ thì thôi nhé. Thắp giùm cây nhang".
Hai trăm triệu bán cây mai tối hôm qua vợ chồng ông đã dự tính khoản nào ra khoản đó rồi. Sửa lại nhà cửa cho tử tế để ở, mái ngói cũ dột gió bão nó lùa đi lúc nào không biết. Nâng nền và nâng sân lên cao chút nữa để đỡ mấy trận lụt hằng năm. Muốn nâng sân thì phải dời cây mai chứ không lẽ chôn luôn mấy cành của nó, thế nên bán là hợp lý. Một khoản nữa để xây lăng cho ông cụ ở chỗ đất mộ phần làng cấp. Cụ nay cũng gần đất xa trời rồi, tuổi tính bằng ngày, mắt mày còn rõ thì xây cho cụ thấy cái chỗ nằm sau này để cụ mừng. Tính thế cũng trọn cả đôi đường, bán cây là bán cả mấy chục năm kỷ niệm nhưng bù lại có được chỗ ở tươm tất và còn lo chữ hiếu trọn vẹn nữa. "Thế chắc ông không buồn đâu, ông nhỉ", bà Thường hỏi ông cụ, nhận được mấy cái gật gù.
Ông Bình chưa kịp xin keo đã thấy bà Thường xách giỏ đi chợ về. Ông đặt chén dĩa xuống, chạy đến túm lấy bà chỉ trỏ. Hai vợ chồng trầm trồ một chút thì ông Bình mắt sáng lên, dường như bay tưng mấy cái sợ hãi hoảng hốt.
"Thôi không bán mua gì nữa. Sự việc này cũng là ngoài mong muốn. Tiền thì ai cũng cần, nhưng mạng người quan trọng hơn. Chú thông cảm, tạm nhận lại tiền cọc nhé. Lúc nào giải quyết xong chuyện này tôi sẽ kêu chú tới mua cây".
Bà Thường đã cầm ra xấp tiền cọc, đưa cho gã buôn cây bảo đếm lại. Gã không cần kiểm, nhét luôn vào túi quần.
"Như người ta là trả cọc phải đền gấp đôi đấy bác ạ. Nhưng thôi, mình sống có trước có sau. Bác nhớ xử lý xong cái hộp sắt thì gọi cho em nhé. Đừng bán cho thằng nào đấy".
Khác với vẻ bất chấp lúc trước, bây giờ gã có vẻ cũng hết háo hức lấy cây mai. Mấy trăm triệu ăn nhằm gì so với mạng sống. Gã kêu mấy tay thợ đào thu dọn cuốc xẻng dây chạc để về. Cái hố đất thì cứ để như vậy cho gia chủ tự xử lý.
Bà Thường xách ra một túi bóng.
"Có cân lòng heo tôi định làm dĩa mồi để các chú nhắm. Các chú mang về tự lo vậy. Mà này, đừng nói chuyện cái hộp đạn cho ai biết. Chứ không thiên hạ đồn đại lên, rồi Tết nhất chả ai dám đến đây chơi".
Đám người buôn cây đi khuất, ông Bình đóng cổng, tra luôn ổ khóa cho chắc ăn.
"Ông có từng nghe trong nhà ai nói về chuyện dưới gốc mai có chôn gì không?".
"Làm gì có. Hồi tôi nhỏ đã thấy cây mai này. Từ đó đến nay chả ai chôn cái gì xuống dưới đâu".
"Ý tôi là trước đó, thời ông bà của mình ấy".
"Để tôi nhớ xem. Hồi đó nghe nói ông bà nội tôi thuộc hạng khá giả, ruộng vườn bát ngát, bị quy địa chủ. Sau ruộng bị tịch thu chia lại cho dân làng, chỉ còn mỗi mảnh đất này để ở. Ông nội chết từ cái đận đấu tố đó, bà thì sống thêm hơn chục năm nữa nhưng cũng không được minh mẫn thì phải".
"Có khi của nả ông bà cho vào đấy rồi chôn giấu đi vì lo bị phát hiện tịch thu. Sau rồi bà sợ liên lụy quá, không dám cho ai biết".
"Bà nói cũng có lý. Nhưng tôi ngờ, là ngờ cái đận năm bảy hai kia".
Mùa hè đỏ lửa 1972, chiến trận ác liệt, cả làng đều đi sơ tán lúc vụ lúa vừa gieo xong. Mấy tháng sau quay về cánh đồng vàng rộm được mùa. Nghe bảo trong khói súng có chất hóa học như phân bón nên lúa tốt. Những lùm tranh mọc khắp cồn bãi, cây tranh cao quá đầu người, tha hồ bứt về bện lợp lại nhà. Cỏ cũng mặc sức mà lên, trong khu vườn nhà nào nhà nấy cỏ mọc rậm rạp, đúng thật nhà bỏ hoang. Ông Bình khi ấy mới mười tuổi, nhưng hình ảnh ngày trở về làng khắc sâu trong ký ức, không nguôi chút nào. Khi mở cửa vào nhà thì thấy còn mắc một cái võng vải dù rằn ri của lính Mỹ để lại. Cha của ông bảo mấy mẹ con ngồi yên, để ông đi một vòng quanh vườn kiểm tra cho chắc chắn đã rồi mới bắt tay sắp đặt dọn dẹp. Khi dọn vạt cỏ trước sân đã thấy một cây mai nhỏ xíu bằng cái tăm xỉa răng mọc ở đây nên mọi người vun gốc cho nó.
"Rất có thể thùng đạn được lính Mỹ chôn ở đấy".
"Thùng đạn mà chôn sâu chi dữ vậy, cả mét đất chứ ít đâu".
"Vậy bà nghĩ cái chi?".
"Vàng bạc của nả mới chôn kỹ".
Chuyện đào đất gặp vàng không hiếm. Trước nay trong vùng cũng có người đào móng làm nhà đã gặp một hũ sành đựng vàng bạc xưa. Ở trong miền nam có người đi làm rẫy đã đào được một két đạn đựng toàn vàng nhẫn dây chuyền, báo chí có đăng tải, đúng cái thùng đạn đại liên bảy lít như cái thùng sắt đang nằm ở dưới gốc mai kia. Loại thùng này nắp roăng đậy kín, ngày xưa ai có thì đều dùng để cất đồ quý giá, bây giờ thì nhiều người dùng nó làm thùng đựng đồ nghề sửa xe.
"Vậy bà có gan thì ra mà lôi nó lên coi. Tôi sợ".
"Để vào hỏi ông. Biết đâu ông còn nhớ".
Bà Thường đi vào căn buồng bên trái, vén màn. "Ông ơi, con hỏi cái này. Nhà mình có hũ chìm hũ nổi không? Ông có chôn gì dưới gốc cây mai không? Vàng hả ông? Hay đạn bắn chiu chiu?".
Sau mỗi câu hỏi của bà Thường là ông cụ lại gật đầu một cái. Chứng bệnh Alzheimer đã theo ông cụ từ mấy năm nay rồi, có nhớ gì đâu. Suốt ngày cụ ở trên giường, ai hỏi gì cũng gật.
Buổi trưa, bà Thường bảo ông Bình lấy xe máy ra chở bà đi về miệt biển. Dưới ấy có bà cô coi bói hay hay, bà đã đi mấy lần, thấy cũng đúng. Ông Bình không tin mấy chuyện bói toán, nhưng chiều ý bà, ông chở bà đi. Với lại, chuyện này quá sức hệ trọng, thay đổi số phận như chơi ấy chứ, ông cũng thử một phen, biết đâu.
Bà coi bói còn trẻ, tầm bốn chục tuổi, thế mà một hai bà Thường cứ gọi bằng cô, xưng con.
"Thưa cô. Đất nhà con phía trước có cây mai".
"Cây mai nằm ở hướng chính nam, đúng không?".
Ông Bình định chối, nhưng bà Thường đã kịp ấn tay ra hiệu.
"Dạ, cô xem cho ở dưới có bom đạn gì không?".
"Không đâu, an toàn. Thích làm nhà chỗ ấy thì cứ đào mà làm. Qua năm, tháng Giêng đặt đá".
Bà Thường nhìn quanh, có vài người ngồi ở ngoài cửa đang chờ tới lượt. Bà khẽ lí nhí.
"Thế, có vàng bạc gì ở dưới không cô?".
"Đất nào chẳng là đất vàng đất bạc".
Dọc đường về, ông Bình cằn nhằn.
"Đã bảo tin gì mấy trò này. Bà đó mới sinh sau này, biết chi chuyện xa xưa mà nói".
"Ông thì hay lắm. Quyết đi".
"Gọi cho chú An".
"Chẳng phải hôm qua ông đã gọi rồi à. Chú ấy bảo toàn quyền ở vợ chồng mình. Mà chú ấy nói thế là phải, vì mình sống trong nhà, còn lo cho cha nữa. Bán cây mai thì cũng để lo việc nhà chung, chẳng lẽ đòi chia. À, nhưng giờ cái thùng kia thì chưa biết đâu, ông khoan vội".
"Chia với chác. Chưa chi đã nổi tánh tham".
Bà Thường òa lên khóc.
"Tôi nghèo, vớ phải ông cũng nghèo. Nay sắp có chút lộc thì ông chửi tôi tham. Đó, anh em ông tự mà chia nhau đi. Cả tiền cây mai nữa tôi cũng chả thèm".
"Ý tôi là chú ấy làm trên tỉnh, có liên quan bên dự án rà phá bom mìn. Chú ấy sẽ nhờ được người về rà thử coi có đạn trong thùng không. Làm kheo khéo thế mới không bị lộ ra".
Ngay chiều hôm đó, sau khi hệ thống dò rà không phát hiện nguy hiểm, cái thùng đạn được lấy lên. Hồi hộp mở ra xem. Phía trong chỉ có một tấm bạt màu xanh sẫm được gấp gọn gàng. Trải tấm bạt giữa nền nhà, hóa ra đấy không phải bạt mà là một cái túi hình chữ nhật to cỡ mặt bàn.
"Túi này bọn cháu gặp rồi. Nó làm hoàn toàn từ nylon, để bao lâu cũng không bị hư hoại. Lính Mỹ ngày trước mỗi người đều có một cái này cất trong ba-lô, đề phòng chết thì dùng đựng xác".
Mọi người có chút ớn lạnh rùng mình. Song rõ ràng cái túi lép xẹp kia không thể đựng thứ ghê rợn ấy được. Kéo khóa mở túi, thấy một nắm dây dù buộc thắt như hình con rối.
"Ở đây còn có một tờ giấy nữa. Toàn chữ tây, chú An biết thì đọc thử coi nó ghi gì".
Hôm nay cha vừa nhận được tin con đã chào đời. Ở cách xa nửa vòng trái đất, cha vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Cha lấy dây dù bện cho con gái một cái búp bê đáng yêu. Nhưng ở đây rất ác liệt, cha không chắc mang theo được con búp bê này về Mỹ cho con. Vậy nên cha để nó vào cái túi nylon rồi chôn xuống đất, đánh dấu vào ngày này, ở nơi này cha nhận được niềm vui nhất đời. À, mà từ nay cha đã có con nên chắc chắn cha sẽ không cần cái túi đó nữa, cha phải sống và mong sớm chấm dứt cuộc chiến tồi tệ này để về gặp con. Lát nữa cha sẽ trồng lên trên mặt đất một cái cây mà cha vừa tìm thấy, nghe dân ở đây bảo là cây mai. Rồi đây cha cũng sẽ đặt cho con một cái tên Việt Nam là Mai, nghĩa là Tomorrow. Khi nào cha con mình quay lại đây tìm, chắc cây mai đã nở hoa rồi đấy. Yêu thương con. Quảng Trị ngày 7/2/1972, David Anderson.
Cây hoàng mai Tết năm nay vẫn ở nhà ông Bình, nở hoa vàng rực, ai đến chơi Tết cũng trầm trồ. Có người chép miệng hai "xị" được giá rồi sao không bán. Lại có người khuyên cứ để thế có khi nó lên thêm mấy trăm triệu ấy chứ. Ông bà Bình, Thường cười bảo giờ có bạc tỷ đi nữa cũng chẳng bán đâu.
Kết Thúc (END) |
|
|