Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ông Già Sóc Nấu Và Sấu Sót Tác Giả: Đỗ Tiến Thụy    
    Nhiều lần ông toan cúi xuống nhặt một quả sấu, chùi vội vào vạt áo, đưa lên miệng. Nhưng ông đành kìm lại. Ông không muốn bị coi là lão già nhặt lá đá ống bơ…
    Phòng làm việc của ông ở tầng hai một ngôi biệt thự được xây từ thời Pháp thuộc, phía trước là đường phố có hai hàng cây trồng từ lâu lắm, thời gian đã tích vào gốc cây những vết u nần.
    Mặc dưới lòng đường xuôi ngược người xe, trên vòm cây vẫn có những chú chim giấu mình trong lá, chíu chít tươi vui. Và sóc. Những chú sóc chạy nhoăn nhoắt theo những dây điện giăng giăng nối tán cây với những mái phố rêu loang.
    Thẳng cửa sổ phòng ông là một cây sấu có tổ sóc. Ông biết điều này là bởi hôm ấy, một chú sóc nâu liều lĩnh đu từ cành sấu sang cây đại ở sân cơ quan, rồi nhảy xuống bậu cửa sổ phòng ông, nơi ông đặt mấy chậu xương rồng nhỏ, thứ có thể chịu hạn cả tháng nếu ông đi công tác lâu ngày. Chú sóc ngó vào mấy chậu cảnh rồi tiến vào giương cặp mắt lồi đen láy ngắm lão già đeo hai mảnh thủy tinh dày đục trên mắt, cất giọng thăm dò: “Huýt hùy!”.
    Sinh ra ở quê, chơi với chim chóc chó mèo gà vịt từ nhỏ nên ông có khả năng hiểu tiếng động vật. Đây là chú sóc chào ông: “Lão già!”.
    Ông rời bàn viết, đứng lên, nghiêng đầu thích thú ngắm nghía. Vẻ tinh nghịch của chú sóc làm ông nghĩ ngợi.
    “Huýt hùy huýt hùy? Lão già nghĩ gì?”
    Nghĩ gì ư? Ta đang nghĩ về tuổi tác đời người… Mới ngày nào ta cũng trẻ trung như mi. Ta cũng được vô tư chạy nhảy như mi. Vậy mà, mi thấy đấy, ta già rồi, mặt mày nhăn nheo hết cả…
    Chú sóc cất tiếng “Chít chì, chít chí! Biết rồi, mặt xấu!”.
    A, mi chê xấu làm ta nhớ… một cây sấu. Một cây sấu cổ thụ trong khu vườn của ông già hàng xóm. Vườn nhà ông rộng, có nhiều loại cây. Cũng lắm chim. Nhưng sóc thì không. Người lớn quê ta thường hay bảo những đứa trẻ hơn một tuổi “làm mặt xấu đi”. Mặt sấu hay mặt xấu? Dân quê ta ngọng sờ với xờ. Nhưng có vẻ xấu cũng liên quan tới sấu. Vị chua sói của quả sấu xanh khiến bất cứ ai cắn vào đều nhăn mặt. Mặt nhăn thì xấu. Nhưng đứa trẻ giả vờ nhăn nhó làm mặt xấu thì lại đẹp.
    Chú sóc ban đầu còn cảnh giác, đứng thế sẵn sàng bật lùi. Nhưng rồi thấy lão già có vẻ chơi được, chú vươn cổ ngó vào phòng, đảo mắt một vòng rồi buông tiếng “Hứt hứt hứt, chít chít chịt. Toàn sách là sách, chả ăn được”. Rồi chú nhảy sang cây đại, đu về vòm sấu. Trong tiết hanh hao chớm thu, thân hình chú rực lên như một đốm nắng nhảy nhót trên vòm lá xanh.
    Ông đứng lặng, dõi theo cuộc tìm kiếm của chú sóc. Trước đó hai tháng, những ngày giữa hạ, ông cũng đứng như thế, ngắm những người hái sấu xanh. Ông nhớ cây sấu vườn nhà hàng xóm ngày xưa luôn được bán đứt ngọn cho người mua từ đầu năm. Tới tháng sáu, người mua dùng dây leo lên, dùng sào dài ngoặc từng chùm quả ném xuống, người dưới đất hứng bỏ vào sọt, mang đi. Những sọt sấu xanh ấy được bán ở chợ để người quê thả vào nồi nước luộc rau muống làm thức canh giải nhiệt. Xem ra việc hái sấu xanh đất thủ đô ngày nay cũng không khác quê ông ngày xưa là mấy. Cũng có một đội quân chuyên nghiệp dùng dây leo cây và sào dài ngoặc quả ném xuống, bỏ sọt. Sấu xanh được bán ở chợ vỉa hè, một số được dân phố mua ướp đông trong tủ lạnh dành cho món vịt om, một số được liệm đường chờ ngày tan thây trong ly nước sấu dầm.
    Vòm sấu còn vài quả sót chín vàng như những vì sao lấp ló trên nền trời chiều muộn. Chúng đang lẳng lặng tụ mật, ươm hương. Nước miếng ông tứa ra.
    Ngày xưa, mỗi năm vào dịp cuối thu, chú bé nhà quê luôn bị mẹ mắng vì tội mong bão. Lúa đã chín đỏ đồng, bão về như hất đổ nồi cơm. Nhưng bão cũng sẽ hái giúp chú bé những trái sấu sót còn treo tít cành cao. Trong tiếng gió rít gào, nhà nhà chặt cửa, chú bé len lén chui rào sang vườn hàng xóm. Những trái sấu chín rơi xuống thảm lá mục ướt đẫm, ánh lên thứ hào quang dâng hiến. Nhót một quả, ăn nhanh. Quả vỡ giòn vòm miệng. Vị ngọt chua thanh trộn nước mưa mát lành. Lòng chú bé bùng lên một niềm khoái thú vô bờ bến. A ha, ta đã được chén cả một ngày giông bão.
    Chú sóc vẫn lộn xuống, nhoi lên như một chiếc thoi nâu giữa thảm lá xanh. Chú chuyền ra đầu cành nhưng không màng tới những quả sấu sót. Sóc ơi, hái sấu chín mà ăn. Mày không ăn, sấu rụng mất.
    Nhà ở quê xa mấy chục cây số, ông được ưu tiên làm việc và nghỉ tại cơ quan. Nhiều đêm trong căn phòng này ông rơi vào tâm trạng mái buồn nghe sấu rụng như câu thơ của một bậc tiền bối.
    Nhiều khi đi dạo, thấy những trái sấu chín lăn lăn trên hè như ca từ của tay nhạc sĩ tài hoa lãng tử trước vẻ thờ ơ của dân đô thị, ông tiếc ngẩn ngơ. Nhiều lần ông toan cúi xuống nhặt một quả, chùi vội vào vạt áo, đưa lên miệng. Nhưng ông đành kìm lại. Ông không muốn mình bị coi là lão già nhặt lá đá ống bơ…
    Sau một hồi tìm kiếm, chú sóc quay trở lại nhìn ông, ánh mắt thất vọng, kêu lên hai tiếng “Huýt huýt. Tôi đói”.
    Ông nghiêm mặt:
    “Đói thì hái sấu chín mà ăn. Tao đang chết thèm mà mày lại chê”.
    Chú sóc giương mắt nhìn ông. Ông cũng trân trân nhìn lại. Tao là người chỉ thích những thứ cay đắng mặn mòi, không ưa đồ ngọt. Trái cây tao cũng không háo, trừ sấu sót. Nhưng đã lâu lắm rồi tao không được hưởng thức quả thần sầu ấy nữa, mày hiểu không?
    Chả biết chú sóc có hiểu không. Chú tỏ ra buồn bã rồi lủi thủi quay về.
    Lòng dấy lên nỗi ân hận, ông ngồi vào máy tính gõ Google “Sóc ăn gì?” Kết quả: “Thức ăn chủ yếu của sóc là những loại hạt giàu protein, một số loại quả chín có vị ngọt bùi…” À, ra thế. Sấu ngọt chua thanh, sóc không màng là phải.
    Hôm sau, khi đi ăn sáng, ông ghé hàng hoa quả mua một cân hồng xiêm không hạt, về phòng chọn quả chín tới, đặt lên đĩa, bỏ lên bậu cửa sổ. Hồng xiêm không thơm khi chưa bổ, thế mà chú sóc đã ngửi thấy, phóc sang. Chú nhảy một vũ điệu thăm dò, chiếc đuôi lúc phất cao như một bông lau chín rực dưới hoàng hôn, khi cuộn lại tròn cong như một vòng lửa tỏa, đôi tai tròn ngắn dựng căng, chiếc mũi nhỏ xinh hấp hỉnh.
    “Tao dành cho mày đấy, ăn đi!”.
    Chỉ đợi thế, phắt, chú sóc ôm nhanh quả hồng vào ngực, chạy bằng hai chân như một nghệ sĩ xiếc từ cửa sổ sang cành đại về cây sấu. Ông bất giác nở một nụ cười thơ trẻ.
    Sáng sau ông lại chọn một quả hồng xiêm vừa chín, nhưng vừa mở cửa sổ ông đã sững người. Giữa chiếc đĩa là một quả sấu chín mọng, vàng hươm. Ngước mắt nhìn lên, ông thấy chú sóc đang chờ trên cành đại, đôi mắt tinh anh hấp háy. “Huýt huy huýt huy. Ăn đi, ăn đi”.
    Không rửa, ông hấp tấp bỏ quả sấu vào miệng. Chầm chậm nhai. Cả một vừng ký ức ngọt lành ùa về, tan chảy, thẩm thấu vào từng tế bào của kẻ ưa hoài niệm. Khi cổ họng nổi cơn co rút điên cuồng muốn kéo tuột cái hạt sấu bọc lớp cùi trắng ngọt bền xuống dạ dày, ông vụt nhớ tới lời bà nội dặn năm xưa: “Không được nuốt hạt sấu. Nuốt vào nó mọc cây trong bụng đấy!”.
    Ngày ấy chú bé nhớ ngay đến câu chuyện mới đọc. Bác thợ săn vào rừng mùa thu, gặp một chú hươu. Vì vội quá, không kịp lấy đạn, bác nhả ngay hạt hạnh nhân đang ăn trong miệng ra, nạp vào súng, bóp cò. Bị hạt hạnh nhân cắm vào trán, chú hươu co giò phóng đi. Mùa xuân, bác thợ săn lại vào rừng và sững sờ bắt gặp một chú hươu với cây hạnh nhân mọc trên đầu trổ những nhánh xanh tươi…
    Sống quá nửa đời người, ông vẫn tin câu chuyện cổ tích đó. Vẫn tin sẽ có một cái cây mọc lên trong bụng nếu tham lam nuốt hạt sấu này. “Ăn quả, nhả hạt”, lời bà nội dặn văng vẳng. Ông nhả hạt sấu ra lòng bàn tay, loay hoay tìm chỗ vứt. Rồi tiện tay ông bỏ ngay lên đĩa.
    Sớm sau chú sóc lại sang. Ông ngạc nhiên khi hạt sấu đã biến mất, thay vào đó là một quả sấu mới. A, ông reo lên với phát hiện mới mẻ: Sóc thích ăn hạt sấu. Vậy thì chú cứ hái quả mang đây, ta sẽ ăn cùi, nhường chú phần hạt.
    Nhón lấy sấu, đặt lại hồng xiêm, ông nheo mắt cười: “Này sóc, chúng ta không nợ nần gì nhau nhé!”.
    Trò chơi đổi quả dừng lại ở lần thứ ba. Chú sóc chỉ mót được đúng ba quả sấu sót mang đến cho ông và mang đi ba cái hạt. Còn ông, vẫn thưởng hồng cho sóc tới mùa đông.
    Vào đông. Chợ hoa quả không có loại nào sóc thích.
    Dễ đến cả tháng không thấy chú sóc sang. Ông buồn rầu nghĩ đến việc chú đã bỏ đi tìm nơi ở mới. Mỗi buổi chiều lạnh, đứng nhìn những quầng khói xe quẩn đặc nơi vòm lá, ông rùng mình nghĩ lại. Thức ăn không có, không khí thì độc hại thế kia, có lẽ chú sóc đã chết.
    Nhưng vào một buổi sáng sương mù rét buốt, chú sóc lại sang, thân hình gầy nhom, bộ lông xơ xác. Chú cất tiếng kêu “Nhoọc nhoọc nhoọc” mà ông chưa kịp hiểu là gì. Ông vội lục tìm trong phòng. Chả có gì cho sóc.
    Đêm ấy, sau cuộc bia hơi với bạn bè về khuya, ông giật mình thấy chú sóc nhảy vào xe rác trước cổng cơ quan tìm thức ăn thừa. Lòng ông dào lên vị chua xót. Sóc ơi, nếu mày ở rừng thì đâu đến nỗi.
    Từ hôm đó, mỗi khi đi uống bia hơi ông hay gọi thêm một gói lạc rang húng lìu mang về. Nhưng chú sóc có vẻ ngảnh ngót với món hạt tẩm ướp hương vị này.
    Lại gõ Google đọc kỹ ông mới biết sóc thích ăn ngô. Ông sang bãi giữa sông Hồng mua chục bắp, về tẽ ra từng hạt bỏ lên đĩa. Và bất ngờ khi thấy chú sóc vô cùng phấn khích dùng hai tay nhặt từng hạt ngô đút vào miệng hết hạt này đến hạt khác, hai má phồng lên. Chú chỉ ngậm hạt mang về tổ. Một ngày, hai ngày, ba ngày… bao nhiêu ngô tẽ đặt trên đĩa đều hết. Ông bắt đầu nghi hoặc: Chả nhẽ một con sóc lại ăn được nhiều thế sao?
    Ông mua một chiếc ống nhòm hồng ngoại, rắp tâm theo dõi. Cả ban ngày lẫn ban đêm, hốc cây kín đáo ấy vẫn chỉ có mình chú sóc thí thó vào ra.
    Một ngày nắng hửng, vừa mở cửa sổ ông vội gỡ mục kỉnh dụi mắt. Chú sóc cùng một đàn sóc nhỏ ba con lông óng mịn như nhung đang lích nhích bám víu nơi cành đại. Chú sóc, à không, phải gọi là cô sóc mới đúng, đang tập cho con bài học đầu tiên: chuyền cành.
    Lũ sóc con còn nhát, đứa cưỡi trên lưng mẹ, đứa đu cổ, đứa bấu chân… Một cú lắc người cương quyết nhưng mềm mại, sóc mẹ đã gỡ được cả ba con ra. Rồi nó làm một loạt động tác nhào lộn, bám đu uyển chuyển và chính xác giữa những cành, miệng kêu lên những tiếng đầy yêu thương khích lệ. “Chuỵt chùy! Chuỵt chùy!”. “Sợ gì! Sợ gì!”.
    Đàn sóc con ban đầu còn ẹp bụng, móng bấu cứng, đuôi dán bết vào cành cây, bò từng bước rón rén nhưng chúng dần mạnh bạo, đồng thanh “Chuỵt chùy! Chuỵt chùy!” và nâng người bật nhảy. Mỗi khi một con bị trượt chân rơi xuống, nhanh như một cánh chim cắt, sóc mẹ đã vút xuống cành dưới đưa tay ôm đón, đưa trở lại cành cao…
    Những bài dạy con của sóc mẹ diễn ra buổi sáng mỗi ngày trước ô cửa sổ. Đu dây, đuổi bắt, trốn tìm… đến khi mệt lừ, sóc mẹ dẫn đàn con nhảy sang đĩa hạt ngô.
    “Ăn đi, ăn đi! Hay ăn chóng lớn. Gì chứ ngô thì tao có thể nuôi nhà mày cả đời” – ông âu yếm nói với đàn sóc. Những chú sóc con sà vào đĩa hạt, láu táu ăn tại chỗ.
    Rồi mấy ngày liền không thấy sóc mẹ dạy con thêm bài mới, ông nghĩ chắc hết bài rồi. Chừng đó bài học là đủ để cho sóc tồn tại giữa phố phường.
    Nhưng đêm ấy, đọc sách mãi vẫn không ngủ được, nằm nghĩ miên man một hồi, bỗng nhớ tới bầy sóc, ông trở dậy cầm ống nhòm. Con đường vắng lặng. Những bụi mưa xuân bay tơi dưới ánh đèn đường vàng ấm.
    Và kìa, mẹ con nhà sóc thoay thoáy tụt từ cây sấu xuống, vượt qua tường rào, vào sân cơ quan. Cái sân rộng, nhiều người muốn thuê để mở quán cà phê hoặc hàng ăn uống nhưng mọi người sợ ồn ào nên chỉ đồng ý cho một bác vốn là lái xe cũ của cơ quan bán đôn sứ, chậu hoa, cây cảnh.
    Nghiêng ngó một hồi, sóc mẹ tìm tới một chậu cảnh đặt sát tường rào, bới đất tạo một hố nhỏ, cẩn thận nhả một hạt ngô vào, rồi lấp đất xóa dấu vết. Vừa làm sóc mẹ vừa kêu rủ rỉ với đàn con.
    Rồi nó nhảy lên tường rào, đứng thẳng bằng hai chân, quay trước quay sau cảnh giới. Ba con sóc con, mỗi con được mẹ chỉ cho một chậu cây cảnh to bày sát tường rào mấy năm chưa bán được để các con giấu hạt. Công việc kết thúc, sóc mẹ kêu lên một tiếng “Tuýt”, đàn sóc vút về tổ.
    Một sớm tháng hai, vừa xuống sân, ông sửng sốt thấy trên những chậu cây cảnh sát tường rào, những mầm ngô vừa nhú xanh mướt. Bác bán chậu cảnh ngạc nhiên khi thấy ông chỉ hơn chục chậu cây cảnh, đề nghị: “Bán cho tôi số chậu cây này”.
    “Ông mang về quê à?”.
    “Không, tôi mua và gửi bác chăm tại đây, nhưng không được nhổ bỏ mấy cây ngô dưới gốc này”. Bác bán chậu cảnh còn đang tròn mắt thì ông tiếp: “Một hàng ngô trổ cờ, đậu bắp trước sân cơ quan chẳng phải là một cảnh tượng đẹp lạ hay sao!”.
    Ý nghĩ này làm ông xốn xang cả khi đã về phòng. Mở cửa sổ với tách trà nóng trên tay, ông lại thêm một lần kinh ngạc. Trên ba chậu cảnh nhỏ đặt trên bậu cửa sổ, ba mầm cây vừa đội đất nhô lên, hai lá mầm vươn căng vẫn còn vương vỏ hạt sấu. Ông thần người, nhớ tới cây sấu nhà hàng xóm ngày xưa, khi nó bị chặt đi vì già cỗi, chú bé láng giềng đã tiếc ngẩn ngơ. Tiếc, nhưng đến tận bây giờ chưa bao giờ ông có ý định tự tay trồng một cây sấu mới. Có một hạt mầm ngủ quên trong ông bỗng cựa mình. Mặt ông nóng bừng.
    Ông mang ba cây sấu con về vườn quê. Khi hạ cây, vun đất, ông mỉm cười nghĩ tới một viễn cảnh. Vườn quê. Hai ông cháu. Cậu bé mười tuổi sau khi hưởng thức quả thần thánh trong mưa, hỏi ông nội:
    “Ông ơi những cây sấu này ai trồng?”.
    Ông già thành thật trả lời:
    “Do sóc trồng cháu ạ!”.

Kết Thúc (END)
Đỗ Tiến Thụy
» Chênh Vênh
» Ông Già Sóc Nấu Và Sấu Sót
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam