Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cô Nhặng Tác Giả: Đặng Thị Thúy    
     Cô càng cố gắng làm lụng chắt bóp lấy tiền nuôi cô Nhặn ăn học. Cô Nhặn học xong, được phân công về nhà máy làm, được ở nhà tập thể, thi thoảng mới về quê. Lấy chồng xong, cô ấy càng ít về, hầu như chỉ tranh thủ về vào ngày giỗ bố mẹ. Còn cô Nhã bị ế, già rồi chả ai lấy nên giờ vẫn ở một mình.
    Nhà cô Nhặn ở gần cuối lô, thuộc hàng khá giả trong khu tập thể. Cô Nhặn làm ở phòng KCS của nhà máy, nghe nói cô từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Chồng cô tên là Hiếu, kỹ sư cơ khí từng được đi học Tiệp Khắc về. Cô có hai đứa con gái khá xinh xắn và hiền lành, đứa lớn là Huệ, đứa bé là Hồng, cách nhau 3 tuổi. Nước da chúng trắng bóc, có thể do thừa hưởng từ bố mẹ, cũng có thể do chúng không bao giờ ra ngoài đày nắng như những đứa trẻ khác trong khu tập thể này. Bởi vì hàng ngày, trước khi đi làm, chú Hiếu và cô Nhặn luôn bắt con tự chốt cửa bên trong, cô chú khóa cái cổng sắt ngoài cùng bằng ổ khóa Việt Tiệp to tướng, đen sì. Nhà giàu mới có tường xây và cửa sắt, chứ những nhà khác chỉ có hàng rào và cổng đan bằng tre nứa, dẫu có khóa thì lũ trẻ vẫn vạch rào chui ra ngoài được. Hai đứa nó, lúc cuồng chân lắm cũng chỉ dám mở cửa ra chơi ở cái khoảnh sân chừng chín mét vuông. Bố mẹ chúng cấm tuyệt đối không được mở khóa và bước chân ra ngoài cánh cổng sắt.
    Cả dãy tập thể có hai lô song song, cách nhau cái lối đi bằng đất rộng độ ba mét, như thế, tất thảy có ba mươi sáu nhà, hầu như nhà nào cũng có trẻ con, đếm sơ sơ cũng tầm trên năm chục đứa trong độ tuổi từ 5 đến 14. Những đứa dưới 5 tuổi thì đi nhà trẻ. Trên 5 tuổi thì bị nhốt ở trong nhà khi bố mẹ đi làm vắng. Nhà nào có hai đứa trở lên mà đứa lớn nhất trên 7 tuổi, đứa bé nhất dù mới 3 tuổi cũng phải ở nhà để anh chị trông. Chuyện nhốt con như thế không chỉ có mỗi cô Nhặn, mà nhà nào cũng thế. Nhốt và trang bị cho con một chùm chìa khóa để chúng còn đi học. Quy định đối với bọn trẻ là đi học thì khóa cửa, cầm chìa khóa đi, mà không đi học thì phải ở trong nhà, khóa trái cửa lại, vừa an toàn vừa phòng chống trộm. Chị em con Thy tuy không có bố mẹ ở cùng nhưng cũng vẫn luôn tự giác thực hiện cái nề nếp ấy.
    Chuyện cấm con ra ngoài chơi cũng không chỉ có một mình cô Nhặn, mà nhà nào cũng cấm. Có điều, cứ bố mẹ đi khuất thì tất cả bọn trẻ con đều mở khóa phi ra ngoài chơi, trừ chị em con Huệ. Không phải chúng không thích, mà hẳn là chúng không dám. Bọn trẻ con nghĩ chúng sợ ăn đòn. Trong quá khứ, hai chị em nhà nó đã từng trốn ra ngoài chơi như những đứa khác nhiều lần. Nhưng một ngày kia, con Hồng cay cú vì chị vào hùa với bọn hàng xóm, om nó trong trò chơi sập bô suốt buổi sáng, tối về nó tố tội con Huệ, thế là lộ. Hai chị em nó bị mẹ nọc ra, cho ăn lươn toét đít. Bọn trẻ con bu đầy ngoài cổng, chen nhau xem. Đứa nào cũng sợ xanh mắt cáo khi chứng kiến cảnh cô Nhặn cầm cái roi bằng cành dâu, vừa vụt đen đét vào mông hai đứa vừa rít lên:
    – Tiên sư chúng mày, dám trốn ra ngoài chơi à, tao đã dặn như nào, một mét vuông có đến mấy thằng ăn cắp, không trông nhà, bọn nó khuân sạch hả… hả… hả!
    Mỗi chữ hả là một cái roi vụt xuống, hai cái mông nảy lên, hai đứa khóc oai oái. Cô Nhặn có nước da trắng là thế nhưng lúc giận mặt không đỏ lên như người khác mà lại tím ngắt mới lạ. Mắt cô long lên, lòng trắng bình thường đã ít hơn lòng đen, giờ trông càng sắc lạnh, dữ phát sợ. Đánh mắng một hồi vẫn chưa hả giận, cô bắt hai đứa đứng úp mặt vào tường, còn cô ngồi, một chân thõng, một chân gác mép giường, chửi tiếp: “Mẹ cha chúng mày, tao đã bảo với chúng mày hết nước hết cái rồi, khóa trái cửa mà học hành cho tử tế. Mình là con nhà trí thức, phải học để mà làm người trí thức, chứ có phải con nhà lao động chân tay, lam lũ, khố rách áo ôm đâu mà chơi bời lêu lổng như chúng nó. Chơi cho lắm vào rồi lớn lên chỉ có nước làm cu ly, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Có làm công nhân cả đời cũng chỉ trông vào mấy cái tem phiếu để mà chết đói à. Chúng mày xem, nhà người ta quần áo không đủ mặc, ăn gạo sổ mốc còn không đủ no, cả tuần chỉ độc có ba lạng thịt bèo nhèo. Còn chúng mày được ăn trắng mặc trơn, thịt thà giò chả ăn ngập răng, sướng không biết đường sướng, tao sắm cho hai cái thúng với quang gánh mà đi gánh cứt”.
    Bài chửi của cô Nhặn có thể còn dài lắm nếu mấy ông bố bà mẹ từ những nhà xung quanh không vội vã chạy sang lôi con về, có vài đứa còn bị bố mẹ chửi oan vì cái tội rủ rê chị em con Huệ chơi, rằng: Cái thân mày con nhà khố rách áo ôm, cu ly biết chưa, từ nay cấm chỉ chơi với chị em nó, nó khinh cho.
    Bố mẹ dặn là một chuyện, nhớ hay không lại là chuyện khác, hơn nữa trong cái câu “nó khinh cho”, chả xác định được “nó” là ai. Bằng chứng là ngay hôm sau, bọn trẻ con trong lô đã lại rủ rê chị em con Huệ ra ngoài chơi nhảy ngựa. Nhưng chị em con Huệ tuyệt nhiên không dám. Lũ trẻ nghĩ chị em con Huệ quá sợ đòn, chỉ có con Thy nghĩ khác. Con Thy nghĩ, chị em nhà kia không sợ đòn mà là sợ phải đi gánh cứt, vì khi chen chúc trong đám trẻ con xem ăn đòn, nghe cô Nhặn chửi con đến đoạn đấy, con Thy đã thấy rùng cả mình.
    Con Thy rùng mình không phải vì sợ cô Nhặn, mà là vì nghĩ đến cái hố xí công cộng của khu tập thể này. Cái hố xí luôn là nỗi ám ảnh kinh khủng của nó. Bốn dãy nhà, bảy mươi hai hộ gia đình, gần ba trăm con người mà có mỗi một dãy nhà xí công cộng tám ngăn, nửa dành cho nam, nửa dành cho nữ. Đấy là hố xí ngồi xổm, xung quanh tường xây cao nhưng bức chắn trước mặt chỉ cao ngang ngực người lớn, cửa vào rộng chừng một mét và không có cánh cửa. Mỗi lần ngồi trong là phải chìa tay ra hiệu để ở ngoài biết là có người. Chuyện đang ngồi giải quyết nỗi buồn mà bỗng dưng có người khác xộc vào, hai bên cùng giật thót là chuyện xảy ra như cơm bữa. Lý do thường bởi vì mảnh giấy báo được mang vào để chùi, nhưng lại có mẩu tin hay nên khổ chủ tranh thủ đọc, quên việc giơ tay báo hiệu. Cũng bởi thế mà vô hình chung, nhiều người có thói quen hắng giọng trước khi bước vào.
    Câu chuyện giải quyết nhu cầu đầu ra của người trong khu tập thể hằng ngày cũng lắm gian nan. Sáng sáng, mọi người phải xếp lốt chờ nhau, gặp phải ca táo bón thì quá khổ luôn, khổ cả người trong lẫn người ngoài. Người trong ngồi lâu giữa hôi thối, lại còn bị người khác giục giã, hối thúc, cằn nhằn không yên. Người bên ngoài thì chờ lâu, càng cố nhịn càng mót, càng cáu. Có khi vằng nhau, chửi nhau cũng chỉ vì phải đợi chờ. Phía dưới bệ ngồi xổm là cái bể chứa phân, rộng nhưng không có nắp, cho nên ngồi vệ sinh mà gió cứ thổi vi vút từ dưới lên, mang theo mùi thối nồng nặc. Ra khỏi cái nhà tám gian đó, người ai cũng ám mùi thối, có thời gian thì tắm dội qua, không thì tranh thủ cầm cái quạt nan phẩy phành phạch cho bay bớt mùi còn nhanh chóng kịp đi làm, đi học. Đến tầm 9 giờ hằng ngày, có một bà lao công bịt khăn áo kín mít chỉ hở hai con mắt, mặc bộ bảo hộ xanh công nhân, chân đeo ủng cao su đến múc phân gánh đi. Dụng cụ lao động của bà lao công là đôi gầu bằng tôn, cán dài tầm mét rưỡi, đôi quang gánh với hai cái thúng tre quét nhựa đường đen sì trong lòng. Chất thải được múc lên đổ vào hai cái thúng ấy, chẳng đậy điệm gì, cứ thế gánh sóng sánh kĩu kịt qua ngõ, thản nhiên bốc mùi nồng nặc. Bọn trẻ con đang chơi mà phát hiện kịp thời cũng chỉ kịp chạy dạt ra nhường đường, lấy tay bịt mũi một lúc lâu. Con Thy rùng mình khi cô Nhặn dọa cho con đi gánh phân là vì tưởng tượng thấy cái cảnh như thế. Nó chỉ nghĩ đến thôi là đã thấy kinh tởm rồi, huống chi nhà cô Nhặn lại ở gần cuối lô, tức là gần cái nhà vệ sinh công cộng ấy, nên cô Nhặn dọa thế hai đứa kia sợ chết khiếp là đúng rồi.
    Nhưng con Thy cũng biết, chị em con Huệ không còn phải chịu cảnh hôi thối lâu nữa. Bởi vì mới tuần trước, lúc hai đứa đang ngồi giải quyết nỗi buồn ở hai ngăn hố xí cạnh nhau, con Huệ khẽ gọi:
    – Ê, Thy, nhà tao sắp sửa thoát khỏi cái mùi hôi thối này rồi.
    Con Thy ngạc nhiên:
    – Là sao, người ta chuyển hố xí đi chỗ khác à?
    – Mày ngu thế, cái hố xí này chuyển được đi đâu? Là nhà tao chuyển, hiểu chưa?
    – Ủ ôi, nhà mày chuyển đi đâu đấy?
    – Lên phố. Bố mẹ tao được phân nhà mới trên phố, với điều kiện phải các thêm một khoản tiền. Hôm nay mẹ tao phải xin nghỉ làm để về quê đấy, vay thêm mới đủ tiền đóng cho nhà máy.
    – Chuyển đến chỗ không có hố xí à?
    – Con ngu, không có hố xí thì đi ị ở đâu. Khu tập thể mới cao 3 tầng cơ. Nhà tao ở tận tầng 3, vừa mát vừa thoáng, chắc chắn không bao giờ thấy mùi thối nữa, bố mẹ tao bảo thế.
    – Uầy, mày sướng nhé.
    – Hứ, bố mẹ tao là cán bộ mà lị!
    
- o O o -

    Ngày nào con Thy tan giờ học sáng về đến nhà cũng là mười một rưỡi, đúng lúc cái loa nón trên cột điện đầu lô vang lên giọng nói dịu dàng quen thuộc: “Mời các bạn nghe ba mươi phút dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam”. Sau đó là nhạc hiệu của chương trình, rồi thì chèo, hoặc cải lương, vọng cổ các kiểu réo rắt, rền rĩ ngân lên. Cha mẹ ơi, những hôm không đói còn đỡ, chứ gặp phải ngày bụng réo ùng ục như hôm nay thì cứ gọi là nhão hết cả ruột, não hết cả lòng với dân ca và nhạc cổ truyền. Từ sáng đến giờ chưa ăn gì, con Thy đang bực em gái nó vì cái tội hớ hênh. Đã dặn đè viên gạch lên vung nồi để chống chuột mà con Hà cứ quên. Có hai bát cơm nguội chừa lại từ tối qua bị chuột ăn mất rồi. Sáng dậy, con Thy sờ đến cái nồi gang thì ôi thôi, vung nằm chỏng chơ một bên, nồi sạch nhẵn, đành ôm bụng rỗng đi học.
    Trưa tháng chín. Nắng vẫn rang rang. Đi học về, con Thy thấy một người đàn bà trung tuổi đứng trước cửa nhà cô Nhặn. Nó nghĩ đấy là bà ăn mày vì dạo này, ngày nào cũng có ăn mày vào lô xin ăn, nhất là tầm bữa trưa, nghe nói do mưa lũ nên bị mất mùa, đói kém. Mấy bà ăn mày đi đến cửa nhà nào cũng dừng lại trình bày lý do, nào thì mất mùa, đói kém do bão lũ, nào thì già cả không lao động được nhưng con bất hiếu nó không nuôi và ti tỉ nguyên nhân khác khiến họ phải tha hương đi ăn mày. Lý do nào cũng đáng thương cả, nhiều người động lòng, lúc thì cho đồng bạc lẻ, có lúc lại vào mở thùng gạo bốc cho một hai nắm hoặc xúc cho lưng bơ. Nếu gặp đúng bữa ăn, chủ nhà thương tình đơm cho lưng cơm với tí thức ăn, người ăn mày thường ngồi luôn ở mép cửa, ăn vội vã rồi trả bát cho gia chủ, mải mốt đi sang nhà khác. Mấy dãy này toàn công nhân, nhà nào không cho thì cũng từ chối nhẹ nhàng, không ai nỡ xua đuổi, hắt hủi hay nặng lời với những con người khốn khổ ấy. Chỉ có cô Nhặn là hay lớn tiếng, vừa xua vừa mắng: “Đi đi, không có gì cho đâu, còn khỏe mạnh sao không làm lấy mà ăn lại đi xin”. Gặp bà nào năn nỉ ỉ ôi thêm, cô Nhặn chẳng nói chẳng rằng, cầm cái ca sắt trắng men, múc vội ca nước, Ahất cái roẹt một cái ra cửa. Kẻ ăn mày dai dẳng nào cũng phải vội vã dời bước đi ngay. Nghĩ đến đấy, con Thy chợt tò mò: Ô, thế thì cái người đàn ngồi ở cửa nhà cô Nhặn kia chắc chắn không phải là ăn mày rồi, vì ăn mày thì không thể ngồi ỳ ở cửa nhà cô ấy như thế được. Hay là nhân lúc cô Nhặn chưa về, con Huệ lại lén đem cho bà ăn mày cái gì đó.
    Con Thy rảo bước lại gần cái cổng sắt nhà cô Nhặn. Đứng cạnh chỗ ngồi của người đàn bà kia, nhòm vào trong hỏi:
    – Ê, Huệ. Mày cho bà ăn mày này cái gì à, không mau lên để bà ấy đi, chứ mẹ mày mà bắt gặp thì mày chết đòn.
    Con Huệ đang ngồi trên cái giường sắt kê sát cửa sổ, nghe gọi liền nhổm lên, hai tay bám vào song cửa, chõ mồm ra ngoài đáp lời:
    – Ai bảo mày đấy là bà ăn mày, bác tao đấy, ở quê mới lên.
    – Sao không mở cửa cho bác vào nhà.
    – Nhưng mẹ tao dặn không bao giờ được mở cửa cho ai vào nhà.
    – Kể cả bác á?
    – Đã bảo là không ai mà lị.
    – Thế bác mày ăn cơm chưa?
    – Làm gì còn cơm mà ăn, sáng mẹ tao để phần cơm vừa đủ cho hai chị em, bọn tao ăn hết rồi. Nấu thừa cơm, để đến chiều có mà thiu rớt ra à.
    Con Thy nhìn chị gái cô Nhặn. Người đàn bà ấy ăn mặc gần giống như bà nội của con Thy dưới quê, quần vải đen ống rộng, áo ba vạt màu nâu, chiếc khăn chéo màu đen, nhăn nhúm quàng trên vai, hai đầu buộc túm vào nhau phía trước ngực. Nét mặt già nua, khắc khổ, mệt mỏi. Có lẽ do bác ấy phải đi đường xa lên đây, lại chầu chực giữa trời nắng như này, chắc vừa đói vừa khát. Con Thy tự dưng thấy thương hại, nó nghĩ trong bụng, hay cứ mời bác ấy sang ăn bát cơm, ngồi trong nhà mình cho mát, chứ chầu cả trưa đến tận chiều ngoài này có mà chết nắng. Bình thường, chị em nó thi thoảng còn cho mấy bà ăn xin tí cơm, tí gạo, chả nhẽ lại không cho bác con Huệ được bát cơm. Nghĩ vậy, nó nói:
    – Bác, hay bác sang nhà cháu ăn tạm bát cơm rồi ngồi chờ, đằng nào tí nữa chị em con Huệ nó cũng khóa cửa đi học chiều. Chiều cháu nghỉ ở nhà, bác cứ ngồi chờ trong nhà cháu cho đỡ nắng.
    Bác con Huệ ngần ngại:
    – Thôi, bác chờ ở đây cũng được, nhà cháu không có người lớn ở nhà, bác không nên vào, nhỡ mất mát cái gì thì khổ. Rồi chiều bố mẹ cháu về lại bảo bác lợi dụng trẻ con.
    Con Thy vẫn vồn vã:
    – Bác lo gì, nhà cháu chỉ có hai chị em ở với nhau, nhà thì nghèo, có cái gì mà sợ mất. Bác sang đi, ngồi đây đến 5 giờ chiều có mà chết đói.
    Bác con Huệ tần ngần một lúc, có vẻ không còn lựa chọn nào tốt hơn nên cũng ngần ngại bước theo con Thy.
    Mâm cơm của chị em con Thy có độc một bát dưa củ cải muối lõng bõng nước và bát mắm. Tiêu chuẩn mỗi tuần được 3 lạng thịt ba chỉ giá 2000 đồng, chị em nó kho mặn ăn dè được hai hôm, có cố đến hôm thứ ba thì cũng bị thiu không ăn được nữa. Dưa củ cải thường là món chính, mua 500 đồng ở nhà bà Hái quen rồi. Cứ thấy chị em nó vác cái bát sành sang là bà Hái đơm đầy 1 bát con, rồi múc đầy bát nước dưa đổ thêm vào. Chị em nó rắc thêm tí mỳ chính, trộn đều để ăn với cơm, nước dưa chan thay canh luôn.
    Hôm nay thứ bảy, tiền chỉ còn có 1000 đồng chi cho 2 ngày, tận chiều chủ nhật dì nó mới xuống đưa tiền cho tuần sau. Lúc sáng trước khi đi học, con Thy đã dặn em hái rau đay trước cửa nấu với mắm tôm, thế mà con Hà không nghe, lại đã mua dưa về. Nhìn mâm cơm, con Thy hỏi:
    – Sao không nấu canh rau đay như tao dặn?
    Con Hà đáp:
    – Làm gì còn mắm tôm, chả lẽ nấu với muối không à?
    – Hết thì nấu muối với mỳ chính mà chả được, mai hết tiền còn chả có gì mà ăn ấy.
    Con Thy lậu bậu rồi ngồi xuống. Chợt nhớ ra bác con Huệ đang theo sau, nó hất hàm bảo con Hà:
    – Xuống lấy thêm bát đũa, xới cả cơm cho bác này ăn, bác ấy là chị cô Nhặn.
    Con Hà, đi xuống bếp, vừa đi vừa lẩm bẩm:
    – Biết thừa, người ta ở nhà cả buổi sáng.
    Con Hà ăn mải mốt vừa xong cũng là lúc chị em con Huệ đi ngang qua. Trẻ con các nhà khác cũng lạch cạch khóa cửa. Chúng ríu rít gọi nhau đi học cùng.
    Còn hai người, bác con Huệ mới ngập ngừng hỏi chuyện:
    – Sao nhà cháu lại có hai chị em thôi, bố mẹ cháu đâu?
    – Mẹ cháu ốm nằm viện, bố cháu đi Liên Xô rồi, chỉ có hai chị em cháu trông nhau thôi.
    – Thế mà lúc đầu nghe cháu nói, bác tưởng cháu cũng mất bố mẹ như nhà bác, nghĩ tội nghiệp.
    – Bác không có bố mẹ à, thảo nào cháu chả bao giờ thấy ông bà ngoại con Huệ, chỉ thấy ông bà nội thỉnh thoảng ra chơi.
    Câu chuyện giữa con Thy và chị cô Nhặn bắt đầu như thế. Chị cô Nhặn tên là Nhã, hơn cô Nhặn 2 tuổi. Nhà họ chỉ có hai chị em gái, bố mẹ họ chết bom từ hồi cô Nhã mới mười ba. Hai chị em cứ thế nuôi nhau lớn lên. Hồi bé, cô Nhặn rất thích học nên cô Nhã thương em, thường cố làm hết việc nhà, cô Nhặn chỉ việc nấu cơm, rửa bát rồi học thôi. Cô Nhặn học xong lớp 10, được vào đại học. Cả làng cô hồi ấy chỉ có hai người được học đại học thôi, nên cô Nhã hãnh diện về em mình lắm. Cô càng cố gắng làm lụng chắt bóp lấy tiền nuôi cô Nhặn ăn học. Cô Nhặn học xong, được phân công về nhà máy làm, được ở nhà tập thể, thi thoảng mới về quê. Lấy chồng xong, cô ấy càng ít về, hầu như chỉ tranh thủ về vào ngày giỗ bố mẹ. Còn cô Nhã bị ế, già rồi chả ai lấy nên giờ vẫn ở một mình.
    Lúc đầu nghe chuyện, con Thy chả biết sao cô Nhã lại kể với nó những chuyện đó, nó mới chỉ là đứa trẻ con mười tuổi. Hay người nhà quê dễ bộc bạch, dễ lấy câu chuyện làm quà như thế. Nhưng sau nó cũng hiểu, là vì cô Nhã nghĩ, chị em nó nhìn có vẻ giống chị em cô thuở nhỏ, rồi có khi nó cũng phải nuôi em như cô hồi xưa, nên sau khi kể chuyện, cô bảo nó:
    – Không có chồng con, ở một mình buồn lắm. Giờ cô chưa đến năm mươi mà sức khỏe đã yếu lắm rồi, việc cày cấy ruộng vườn không thể làm được như hồi trẻ, lại hay đau ốm lắm, nhưng chả biết trông vào ai. Của nả thì chả có gì ngoài căn nhà nát bố mẹ để lại. Nên khi còn trẻ, dẫu có phải lo toan cho ai, có bận mải thế nào cũng phải biết lo cho mình đã, cũng phải yêu đương rồi lấy được tấm chồng cho yên ổn, cho có chỗ mà trông cậy về sau, cháu ạ! Anh chị em thì kiến giả nhất phận, mình mà giàu có thì còn đỡ, chứ mà nghèo khó, quê mùa làm người ta xấu hổ, người ta khinh cho.
    Nói xong câu đó, cô Nhã thở dài, mắt hoe hoe, rơm rớm nước.
    
- o O o -

    Quãng gần 5 giờ chiều, con Thy nghe tiếng lách cách mở khóa bên nhà cô Nhặn. Nó chạy ra nhìn, rồi quay vào gọi:
    – Bác Nhã ơi, cô Nhặn về rồi kìa!
    Chị cô Nhặn mải mốt đi ra, hướng về phía em, mừng rỡ:
    – Nhặn, em về rồi đấy à, chị ra từ trưa, chờ em mãi.
    Con Thy tưởng cô Nhặn thấy chị gái chắc phải vui lắm, vồn vã lắm cơ. Nhưng không, khi nghe tiếng gọi, cô ấy quay lại, cũng bất ngờ thoáng qua, nhưng rồi nét mặt lạnh băng lại ngay, nói:
    – Chị lên đây làm gì, tôi đã bảo là tôi không có tiền để thêm vào cho chị sửa nhà đâu. Chị có một mình, tôi còn phải lo cho cả gia đình tôi, nuôi con cái ăn học tốn kém vất vả lắm, chị làm sao mà biết được.
    Con Thy không vào nhà nữa, mà tò mò đứng nép sau cánh cửa nghe lỏm. Bác Nhã giọng ôn tồn:
    – Không đâu, em từ từ, chị bảo…
    Không để bác Nhã nói tiếp, cô Nhặn chặn lời luôn:
    – Chị không cần phải phân bua làm gì. Chị ra đây rồi mà không thấy nhà tôi đang phải ở chỗ hôi thối như này à. Tôi đã cất công về tận quê vay chị thêm tí tiền để đổi nhà cho cháu chị đỡ khổ, mà chị dứt khoát không cho vay. Tôi biết thừa tính chị thích sỹ diện, chị khăng khăng đòi sửa nhà để sĩ với làng nước là mình giỏi giang chứ gì.
    Bác Nhã nói, giọng đầy nhẫn nại:
    – Cứ vào nhà đã, chị bảo.
    – Chị nói luôn đi, cho tôi còn đi chợ kẻo muộn.
    – Thôi được, chị nói luôn. Chị nghĩ kỹ lắm rồi, chị vốn định sửa nhà để lấy chỗ thờ cúng bố mẹ cho tươm tất, mọi người từ phố về quê có chỗ tử tế mà nghỉ ngơi. Nhưng thực ra thì các em các cháu cũng ít về, mỗi năm chỉ một đôi lần, mà ngoài này thì cứ phải ở mãi cái chỗ này cũng khổ, cơ hội đổi nhà chỉ có một lần. Nhà quê không sửa lúc này thì sửa lúc khác, chị một mình, ở mãi như thế có sao đâu. Nên chị quyết định không sửa nhà nữa, đem tiền lên đây để em thêm vào mà đổi nhà. Đây, tiền đây. À không, vàng đây, em bán lấy tiền mà dùng. Bốn chỉ là đủ, đúng không. Chị góp được có ba chỉ, phải vay thêm thím Na một chỉ nữa, nhưng chị sẽ làm để trả thím ấy, em không phải lo.
    Bác Nhã nói liền một mạch, nói nhanh như thể nếu ngừng thì không có cơ hội để nói hết ý của mình. Rồi bác lật bật lần giở cạp quần, lôi ra cái túi vải có cái dây dài quấn quanh thắt lưng, lôi từ đó ra một cái khăn vuông màu cháo lòng, cuộn gọn gàng, dúi vào tay cô Nhặn. Đấy chắc là bốn chỉ vàng, con Thy nghĩ.
    Cô Nhặn có vẻ quá bất ngờ, lúng túng cầm gói vàng, lắp bắp:
    – Thế này là … là…
    – Thì là thế đấy. Thôi đi chợ đi, chị về!
    – Chị… về luôn á?
    – Ừ, còn nhà cửa lợn gà.
    Bác Nhã nói xong, kéo sụp cái nón xuống mặt, mải mốt đi luôn. Cô Nhặn đứng như trời trồng trong sân, hết nhìn gói vàng lại nhìn theo bác Nhã đi ra phía đầu lô. Mãi đến lúc bác Nhã khuất dạng sau rặng dâm bụt nhà ông Tưởng, cô Nhặn mới sực nghĩ ra, mải mốt khóa cử rồi chạy đuổi theo. Giờ này chả còn chuyến xe nào, chị cô làm sao mà về quê được. Một lát, con Thy thấy cô Nhặn về lấy xe đạp, rồi lại vội vã phóng đi. Nhưng chị cô đã mất dạng giữa phố đông giờ tan tầm. Cô đành quay về, xách cái bao dứa chị cô để lại giữa sân mang vào nhà. Con Thy biết trong đấy là gạo quê, là túm khoai lang và mấy quả ổi bác Nhã khoe là quà quê mang lên cho cháu.
    Độ chục ngày sau, nhà cô Nhặn chuyển đi. Nghe nói khu tập thể mới của nhà máy ở phố Lê Đại Hành, thuộc khu vực trung tâm thành phố. Thế là chị em con Huệ từ đấy thành gái phố, chắc sẽ khác hẳn với bọn trẻ con ở xứ mù này.
    
- o O o -

    Đầu mùa đông năm đó, mẹ con Thy bị bệnh viện trả về, họ không cho điều trị liên tục quá lâu dù mẹ vẫn nằm bất động trên giường, cần phải có người nâng lên đặt xuống. Chị em con Thy tạm biệt lũ trẻ con trong lô tập thể để lên ở cùng với mẹ và em út trên nhà bà ngoại.
    Nhà bà ngoại ở gần ngã tư Thành đội, cạnh công ty điện thoại nên ông ngoại mở quán chè chát bán cho bộ đội và công nhân. Một buổi chiều, con Thy đang cùng bà ngoại dọn quán chuẩn bị về ăn cơm thì có một bà ăn xin đi vào. Bà ta đi chân đất, quần áo vá chằng vá đụp, đeo cái bị cói to tướng bên vai, cái nón méo vành, rách tua rua. Bà ta cất giọng khẩn khoản:
    – Lạy bà, bà cho tôi xin đồng tiền nắm gạo qua ngày, quê tôi lũ lụt, đói kém quá!
    Bà ngoại bảo con Thy cho bà ăn xin một trăm đồng. Nó mở ngăn kéo bàn, lấy ra tờ tiền giấy một trăm đồng hơi nhàu, đặt vào bàn tay run run của bà ăn mày. Bất chợt nó nhận ra khuôn mặt quen quen.
    – Ô, bác là bác Nhã, chị cô Nhặn đúng không.
    Bà ăn mày nhìn vào mặt con Thy, giật thót: Không, cháu nhận nhầm người rồi.
    Vừa nói bà ta vừa cụp cái nón xuống mặt và cuống quýt bỏ đi.
    Bà ngoại con Thy bảo, bác này cũng mới ăn xin ở đây thôi, chắc người ta hoàn cảnh quá khó khăn nên mới phải đi ăn xin, chứ cứ phải lạy ông lạy bà kiếm miếng ăn như này, cực thân lắm.
    Con Thy ngậm ngùi nhìn theo bác Nhã. Nó bỗng nhớ đến cô Nhặn, nhớ những lần cô Nhặn đuổi ăn xin ra khỏi nhà, nhớ cách cô Nhặn đối xử với chị gái mình hôm ấy, nhớ cái bọc vải có bốn chỉ vàng mà cô Nhặn nhận từ tay chị mình. Giờ này, chắc cô Nhặn đang cùng gia đình vui vẻ bên mâm cơm tối ở căn hộ mới đẹp đẽ và không có mùi thối của hố xí thoảng vào. Căn hộ đó, nếu đi thẳng đường Cầu Đất thì chỉ cách chỗ này chừng hơn một cây số thôi. Thế nhưng, nó lại thấy cái dáng khắc khổ của bác Nhã vừa rẽ trái về phía đường Tô Hiệu. Những lời tâm sự của bác Nhã hôm nào bỗng nhiên vang lên, thầm thĩ bên tai nó. Một cơn gió lạnh buốt thổi ào qua, mắt nó chợt cay xè.

Kết Thúc (END)
Đặng Thị Thúy
» Mạch Sống
» Cô Nhặng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt