Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mùa Quách Rụng Tác Giả: Trương Văn Tuấn    
    Đấy, những điều trước các em nói về con đường là không sai, cách dẫn chứng cũng hay. Nhưng chưa đủ đúng không? Phải qua con đường ấy mới biết ý nghĩa của thành công, mới rèn luyện được bản thân, mới biết rằng giây phút ngồi học trong lớp cùng bạn bè là nhẹ nhàng, thoải mái, mới biết bữa cơm chiều nay ăn cùng gia đình là bình yên, hạnh phúc nhất.
    Rõ ràng có một trái quách vừa rớt “phịch”. Đáng lẽ phải còn lăn lóc ngoài sân nhưng nó nhìn hoài mà không thấy. Chắc là đã rụng sang sân bên nữa rồi. Thôi kệ, trời vào đông, đưa mặt qua cửa sổ tìm một trái quách để phải đương đầu với cái lạnh lúc 5 giờ sáng thế này thì không đáng. Nó đóng của sổ, khoác vào cái áo dài tay. Ngày mới bắt đầu.
    “Người ta bắt đầu bập bẹ lúc một tuổi nhưng chưa hẳn đến 16 tuổi người ta đã biết nói.”
    Sao lại thế chứ? Chẳng phải 44 thành viên trong cái lớp này ai cũng nói dai, nói dài, kiên trì và bền bĩ với nghề nói đó sao? Sổ đầu bài lúc nào cũng phê là quá ồn hay lớp ổn. Để rồi học trò không ngại mà giáo viên phải ngại với mấy lời phê cũ xì, buộc phải đổi trật tự câu cho có tính sáng tạo và mới mẻ, thành ra: ồn quá, ồn nguyên lớp. Khi giáo viên chủ nhiệm đổi chỗ cho tất cả thì một lần nữa khả năng nói lại được phô bày. Lớp ồn hơn vì chúng nó phải làm quen lại từ đầu. Trong giờ học cứ liên tiếp có những cuộc đối thoại: “Ủa vậy hả, tui tưởng bà ghét tui chứ?”, “Tui cũng mê phim đó lắm”, “Ông sinh ngày nào, cung gì?”, “Cái kẹp này mua ở đâu mà dễ thương vậy?”, “Trị mụn hả, tui biết nè.”
    Vậy đó, mà thầy dạy Văn lại kêu gọi người ta phải luyện nói. Thầy đã gọi nó, đứa học trò khá giỏi Văn của thầy:
    – Đang là mùa gì hả em?
    – Mùa quách rụng thầy ạ.
    – Ô!
    Thầy cảm thán rõ ra mặt, thầy đã nghĩ rằng nó sẽ bảo là mùa đông chứ không phải là mùa quách rụng. Nhưng quan trọng hơn, rất trùng hợp, thầy lại rất mê cái cụm từ “mùa quách rụng”.
    – Vậy em có thể nói gì về mùa quách rụng?
    Những ý nghĩ mộc mạc thoáng qua trong đầu nó: Quách chín năm ngàn tới bảy ngàn một ký. Nhà em có một cây duy nhất, trái to và nhiều, nhưng mỗi ngày nó rụng sang bên kia hết mấy trái, tiếc tiền nhưng thôi, em không qua đòi lại làm gì… Nói thế là nói điều mình thích, nói đúng nhưng có hay, có vừa lòng người nghe không ta? Nó suy nghĩ, ngập ngừng rồi bẽn lẽn:
    – Em không biết.
    Thầy cười thật tươi, thầy không thất vọng, vì biết rằng những học sinh viết giỏi chưa chắc đã nói tốt. Bởi vậy, mới cần luyện nói chứ.
    Thầy lại đổi đề tài nói về con đường mà ngày ngày mình đi qua. Cái này thì dễ nói hơn nè. Vậy là cả lớp thi nhau kể tội con đường. Nào là nhiều ổ gà, ổ voi, xe lớn, xe nhỏ tranh nhau chạy, bụi quá nhiều, mùa mưa thì đọng vũng, xe tải hay bắn nước vào người đi xe đạp, đi học rất khổ… Khi cả lớp có vẻ hả hê vì được trút xong nỗi lòng, thầy chậm rãi hỏi:
    – Hết rồi à? Thế một đường đi khó khăn như vậy tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống nhỉ?
    Cả lớp xôn xao:
    – Những vất vả, nghèo khổ trong cuộc sống.
    – Khó khăn trong học tập.
    Thầy lại cười thật tươi:
    – Đường đi khó thật, nhưng cuối cùng cũng đến đích. Đến nhanh hay chậm là phụ thuộc vào đầu nào?
    – Đi xe máy hay xe đạp.
    – Bậy bạ! Là lòng kiên trì.
    – Nỗ lực của bản thân.
    Thầy lại cười.
    – Đấy, những điều trước các em nói về con đường là không sai, cách dẫn chứng cũng hay. Nhưng chưa đủ đúng không? Phải qua con đường ấy mới biết ý nghĩa của thành công, mới rèn luyện được bản thân, mới biết rằng giây phút ngồi học trong lớp cùng bạn bè là nhẹ nhàng, thoải mái, mới biết bữa cơm chiều nay ăn cùng gia đình là bình yên, hạnh phúc nhất. Đúng không?
    Cả lớp gật gù thán phục. Thầy đúng là thầy! Nó thấy mắt thầy long lanh khi nhắc đến bữa cơm chiều cùng gia đình…
    
- o O o -

    Vậy là thầy ra đi thật. Buổi học hôm nay là một buổi tiễn đưa. Cả lớp thay phiên bày tỏ nỗi lòng. Nếu đây là tiết luyện nói, chắc chắn là một tiết học thành công. Lời nói của ai cũng xúc động hết. Một bài học được rút ra: lời nói trong tận đáy lòng luôn là những lời đúng, hay, tình cảm và dễ nói nhất.
    Cuối cùng cũng đến lượt nó, một người không thành công trong giờ luyện nói lần trước. Nó chẳng biết nói gì đây. Thôi thì cứ nói về mùa quách rụng.
    Nhà em có một cây quách, thật cao, trái to và nhiều. Quách chín từ năm đến bảy ngàn một ký. Đến mùa quách rụng, em ra nhặt và đem đi bán. Thường có vài trái rụng sang bên kia bức tường. Bên kia là nhà trọ. Bắt đầu từ năm rồi, khi em còn là học sinh cấp hai, cũng vào mùa quách rụng, có một người từ nơi rất xa đến ở trọ. Một hôm quách lại rụng sang bên kia, như mọi khi, tiếc tiền nên em đã leo lên thang nhìn sang và định gọi người nào đó ra để xin lại. Lần ấy, em thấy có một người đứng tựa vào bức tường, tay cầm trái quách, trông thật buồn, đang nói chuyện điện thoại cùng ba mình. Người ấy bảo nhìn cây quách mà nhớ nhà quá, nhớ lúc trước mẹ rất thích ăn quách… Em thấy vậy, không đành lòng đòi lại. Từ đó, thỉnh thoảng vào buổi chiều, em hay nghe bên kia có người điện thoại nói về cây quách, nói về nỗi nhớ. Năm nay em lên lớp 10 được học với người khách trọ ấy. Người ấy mỗi chiều đứng dưới cây quách lại rất buồn nhưng lên lớp lại luôn cười. Tiếc quá, em chỉ được học người ấy trong vài tháng thôi. Năm rồi, người ấy đến đây khi quách vừa chín giờ lại ra đi khi quách bắt đầu rụng, bước tiếp một chặng đường khác…
    Đôi mắt thầy long lanh.
    – Thầy không biết, thầy cứ tưởng bên kia là sân sau của ngôi biệt thự, họ trồng quách chỉ để làm kiểng nên thầy đã không ném trả trở lại.
    – Không thầy ạ. Ngôi biệt thự không có sân sau. Phía sau là nhà em, nhỏ và thấp hơn bức tường rào. Đường vào nhà em không chung với đường vào biệt thự, do vậy chưa bao giờ thầy nhìn thấy em.
    – Vậy là năm nay em sẽ không bị thất thu đâu. Không còn ai nhặt mất quách của em nữa.
    Thầy lại cười.
    ….Chiều nay nó lại ra sân nhặt quách. Nó đếm từng trái quách như đếm lại những yêu thương, trân trọng mà suốt một năm người ta đã dành cho nhau. Năm nay quách nhiều quá. Những trái quách làm nó thấy ấm hơn giữa một mùa đông khá lạnh.

Kết Thúc (END)
Trương Văn Tuấn
» Gội Đầu Cho Mẹ
» Mùa Quách Rụng
» Hợp Đồng Tình Bạn
» Người Chạy Theo Người
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò