Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Li Hôn Tác Giả: Sưu Tầm    
    Vừa bước xuống thang sàn, ông trưởng họ đã bị tiếng oang oang thốc vào tai chói gắt.
    -Thật không thể chịu được thêm ngày nào nữa. Nhờ bác viết cho cháu nó cái đơn rồi muốn ra sao thì ra.
    – Hẵng từ từ, có gì mà phải vội vàng thế. Chuyện cả đời người, cứ hòa giải xem đã.
    – Đấy! Bác xem, mặt mũi tím bầm kia kìa- Người đàn ông kéo cái nón, ẩy đứa con gái đang đứng nép sau lưng về phía ông trưởng họ- Nhiều lần xô xát, thằng chồng xin lỗi nhưng lại đâu vào đấy. Lần này quá lắm rồi, bác xem xét giúp cháu nó giải quyết càng nhanh càng tốt, tôi không nhịn thêm một được giây nào nữa.
    -Thôi được. Đã quyết thế thì tôi không can thiệp nữa. Nhưng vấn đề là các khoản án phí án phiệc ấy. – Ông trưởng họ nói nhỏ như sợ người ngoài nghe thấy- Nhiều tiền ra phết mà chưa chắc đã êm xuôi, còn nhiều thủ tục nhiêu khê lắm đấy…
    – Trăm sự nhờ bác. Hết bao nhiêu bác cứ bảo để cháu nó chuẩn bị. Nhất là tay trắng- Ông bố lại nhổm lên trên ghế
    – Tạm thời thế này.Tách hai đứa ra, đứa nào ở nhà bố mẹ đứa đấy. Cháu dịu về trước đi, đơn từ để bác lo cho. Bác nói trước là phải hết cỡ từng ấy tiền. Ông Lành ở lại, tôi bàn tí việc.
    Dịu bước sấp ngửa ra về. Từng ấy tiền nhẩm tính ra hết cỡ từng đấy nương sắn với từng này lứa gà, từng kia đầu lợn hay là cả một con bê thau tháu. Được. Dù có phải vất vả cũng quyết kiếm đủ tiền để li hôn ngay. Người ta cũng đi làm vợ sẵn nhà cửa đoàng hoàng, mình về lăn ra làm lụng quần quật vẫn thiếu ăn mà còn bị đánh thâm tím mặt mũi. Con người đâu phải cái bị bông…
    Trời nổi cơn giông, cái nón úp xụp vào mặt mấy lần làm vết đau nhức lên giần giật. Cát bụi thốc vào mắt cay xè. Dịu bước liêu xiêu như người mất phương hướng.
    
- o O o -

    Hôm nay thằng bé ốm quá, đau bụng và nôn từ sáng tới giờ mặt xanh nhớt. Ông bà ngoại và các bác đi làm nương xa. Mẹ cu Thành muốn đưa con đi trạm y tế mà không có xe. Bí quá, quyết định chạy bộ vào xóm tìm bố cu Thành. Giờ này biết tỏng hắn đang ngủ muộn. Thôi thì cứ trơ ra mà nhờ vả, coi như nhờ bác hàng xóm, có lẽ nào không được.
    Nghe nói con ốm, bố Thành tá hỏa mượn trộm xe máy còi của ông anh cả. Đạp lòi kèn xe mới nổ, vù ra đến cổng sực nhớ, phanh kít:
    – Đi không?
    Mẹ thành ngài ngại rồi cũng ríu chân chạy theo, leo lên xe ngồi xa hơn mọi bận. Xe xóc chồm chồm trên bờ ruộng khiến hai người lúc chúi vào nhau, lúc xô nghiêng về hai ngả.
    -Ngồi sát vào! Ngồi thế, khó lái bỏ mẹ- Bố cu lại gắt khẽ.
    Mẹ cu đành ngoan ngoãn dịch sát vào cái lưng dài cay cay mùi mồ hôi quen thuộc trên áo. Bố cu thi thoảng lại thấy ngực mẹ cu âm ấm êm êm dần vào lưng. Ờ nhỉ, lâu rồi quên khuấy mất cái quả cam sành của mẹ nó lăn lẳn như thế.
    Bố cu cũng vẫn chưa góp đủ tiền nộp án phí, đành chờ vậy. Ruộng của nhà cho luôn mẹ con nó, đàn ông tay không sợ gì đói. Dạo này vắng vợ chợt nhớ ra cái ruộng cái nương nhà mình cần phải có người chăm nom. Trước kia một tay mẹ cu Thành cấy gặt tất tật, giờ không có ai hắn mới phải đi thăm lúa. Ruộng riêng của nhà cu Thành ngay sát ruộng của ông bà nội. Trên đám cỏ tranh thấy có chai nước, cái nón cũ và cái ớp( gùi) đầy rau tập tàng. Mẹ cu thì đang lúi húi phát bờ. Người đâu mà tốt, cứ tưởng ghét nhau ghét cả đường đi thế mà nó còn làm giúp bố mẹ mình. Cái dáng khom lưng ong lăn lẳn, vai nhấp nhô phát cỏ, bắp chân trắng tròn bên đám lúa non gợi những điều quen thuộc thân thương. Thế mà mấy tháng trước hắn thấy ghét cái mặt gằm gằm mỗi khi gã uống rượu say về. Cái mặt không cười như muốn đuổi đám bạn của gã mỗi khi tụ tập ở nhà, nhờ nó mua chịu chai rượu nhất định không đi. Hễ mở mồm là kêu hết tiền. Cãi nhau cũng vì hết tiền. Hỏi nó mấy đồng giắt lưng để sĩ với chúng bạn nay nó bảo còn để dành con đóng tiền đi học, mai là giỗ nhà này kia cưới nhà nọ…bực cả mình.
    Trước kia chưa lấy vợ hắn cũng chăm chỉ làm ăn cấy hái, có đồng ra đồng vào. Hai năm nay hắn theo đám bạn đi đào vàng, mong giàu nhanh hơn là theo đít trâu thế nhưng gặp vận đen đủi. Hầm sập, thằng chết, thằng què. Trắng tay, về nhà thất nghiệp lại còn mắc chứng sốt rét. Cái nghèo cứ bám lấy như con đỉa hút cạn mọi niềm vui trong người, bữa ăn cũng gượng gạo. Ở nhà mãi cũng chán nên hay tụ tập bạn bè cho khuây khỏa, đàn ông thi thoảng cũng lân la chỗ bài bạc nhưng có tiền đâu mà đánh. Con vợ lại cứ ghen lồng lên với cô Mận bán quán, mà cô ấy thì cũng ngon thật, mặt thơm mùi phấn, nâng rượu hầu cơm tận mồm, nói năng nhẹ nhàng mới đáng làm vợ cho ra vợ. Nhưng mà cô Mận ai đến đấy mà nó chả ngả ngớn, đàn ông thì mất đếch gì đâu mà phải ghen. Đã thế, mụ vợ lại còn làm mất sĩ diện của hắn chỗ đông người nữa. Ai đời dám sang tận chiếu bạc the thé gọi chồng về. Bị bọn bạn nó khích vào, mình sôi máu lỡ đấm nó mấy quả vào mặt, ấy là vì đang say, thế mà nó dám ẩy mình ngã vào đống củi, sứt miếng da đầu khâu mấy mũi. Phân bua đúng sai chán chê, hắn tức khí nói bừa.
    – Được. Tao bất tài vô dụng ăn bám mẹ con mày. Mày lấy được thằng nào hơn tao thì lấy. Mai viết đơn đi ! kí ngay.
    Sẵn muốn đuổi vợ chồng thằng em trai ra khỏi cái nhà chật chội và nghèo túng, bà chị dâu cả róng riết:
    – Vợ đâu có loại vợ sát chồng. Phải tay chồng tôi, nó lót lá chuối dắt ra ngõ.
    – Bỏ ngay. Làng này không thiếu gái tơ. Nhé! Bà đẻ nó ra chưa dám đánh muỗi cho nó mà mày làm nó toác đầu. Loại đàn bà mất nết- Bà mẹ xót con tay chống nạnh, gầm lên mà rỉa rói.
    Đang lúc nóng, thế là cả nhà nhất quyết: Bỏ.Vợ hắn thì cũng nhanh lắm, gói ngay một bọc áo quần, cắp thằng bé đi luôn như chạy chả thèm xin xỏ một câu. Cứu như thể nó muốn đi từ lâu lắm rồi mà chưa có dịp. Thế mà từ dạo tách ra chờ li hôn, hơn nửa năm rồi, hắn quên khấy mất vết thương trên da đầu. Chỉ như là đi củi bị gai cào vào thành sẹo, có gì mà to tát đâu nhỉ.
    Phát bờ một hồi giật mình quay lại, thấy bố cu đang ngồi hí hoáy tra lại cái cán quốc. Đúng là đàn bà, cái cuốc để long như răng ông lão. Bố Thành lẩm bẩm thế.
    – Thằng cu muốn ăn cháo lươn mà tôi không biết đi soi, ốm xong ăn lại bữa mà nhà chả có con gà nào mà nấu cháo- Mẹ cu khe khẽ ngồi xuống, vừa quạt vừa rỉ rả than vãn – Không có chuồng, nuôi được một đôi gà nhép chồn nó vồ mất cả.
    – Để tôi xem lúc rỗi, tôi hộ cho- Bố Thành buột mồm nói xong chợt thấy như là lời hứa, chả rút lại được, đành phải làm vậy.
    Không làm thì thôi chứ làm là phải đẹp, phải chuẩn. Bố Thành vốn khéo tay mà. Loáng cái, cây bương với vài cây hóp và cây tre đực già sau vườn bị kéo về đầu sân. Cu Thành đeo ống phốc vừa được bố làm, ngồi chầu hẫu bên cạnh xem đan cái nơm úp gà. Đan xong bố cu úp luôn Thành vào đấy, cu cậu vờ la oai oái gây sự chú ý rồi lại liếc sang bố, ngoảnh sang phía mẹ đang nhặt rau gần đấy mắt anh ánh vui. Bố Thành xắn tay đóng cái chuồng gà, tre pheo răm rắp vào mộng lên khung. Sẩm tối đã có cái chuồng hai tầng ba ngăn, sàn lót dát bương cứng cáp. Dư sức dốt chục đôi gà cựa.
    Đương nhiên là muộn quá thì ở lại ăn cơm. Bố cu nghĩ, cứ coi như ăn cơm thợ, có sao đâu nhỉ. Thằng bé ăn cơm với cá khô mặn chan canh rau ngót, nuốt dài cả cổ. Bố cu ăn thấy ngon hơn mọi ngày, mẹ cu thèn thẹn đảo xới mãi nồi cơm mà chưa ăn được một bát. Bố ngắm nhìn thằng bé ốm dậy cái cổ nho nhỏ, cái đầu tóc xoăn làm mặt bé hơn dạo trước. Bà nội vẫn bảo cu Thành: “Giống y chang thằng bố mày ngày bé”. Bố cu thương cảm nghĩ: Mình ngày bé cũng như thế này thật sao? tóc xoăn gầy nhẳng, ngoan ngoan, ôm ốm…thế thì thương quá đi thôi.
    -Mẹ cu có cái pin nào sáng không? Không à? Đúng là nhà đàn bà, động dạng không có cái mà soi.
    – Nhà có gì đâu mà lo trộm chứ- Mẹ cu lí nhí đáp.
    – Ờ. Nhưng mà ngộ nhỡ đêm hôm ra ngoài con rắn con rết thì sao?- Bố cu hỏi gặng rồi bất giác thở dài.
    Một loáng sau có pin, mượn của bác cả cách đó một khoảng nương vừa phát cỏ. Bố cu đeo đèn lên trán, xách cái xô con, cầm bao dao đi phăm phăm ra ruộng. Kiểu gì mai thằng cu cũng có lươn nấu cháo, gì chứ khoản này bố Thành chả nhất cũng nhì làng. Tiền không có mua sữa này bánh nọ chứ cá tôm thừa sức kiếm cho cả nhà ăn chán. Tạm thời tòa chưa giải quyết, ta cứ vỗ cho thằng bé hai má hồng lên hẵng hay. Gần khuya, bố cu về. Thằng bé ngái ngủ nghe rậm rịch choàng dậy, ngó đầu vào cái chậu nhôm méo khoái chí xem những con lươn vàng ươm uốn éo cuộn như sóng, tiếng bọt nhớt kêu lép tép vui vui. Những con tôm càng to, xanh bóng mẹ cu lựa riêng ra rá tre đang búng mình tanh tách. Ba người ngồi bên bếp lửa, mùi thơm khen khét béo ngậy của tôm nướng trên xiên tre làm cu tỉnh cả ngủ. Mẹ cu bóc, bố cu nướng còn cái mồm Thành chỉ việc háo hức há ra như lũ chim sáo non chờ mồi. Khuya. Bố cu lưỡng lự chống gối dợm bước về, mẹ cu tần ngần đưa đèn pin và dúi cái xô con con bảo mang bớt lươn về bên ấy cho bà nội. Thằng cu dặn với theo nhắc bố hôm nào làm thêm cái cung tre, nó đi xách xô, soi đèn cho bố bắn tôm dưới suối. Mẹ cu nhìn mãi anh đèn pin loang loáng, nhỏ dần rồi khuất hẳn dưới chân đồi, thở dài, hạ cái phên nứa xuống khung cửa trống.
    Mẹ cu đi cỏ lúa, tiện tay làm luôn cho nhà ông bà cu Thành. Đổi công, bố cu thấy mình có trách nhiệm cầy vỡ khoảng nương vừa phát của mẹ con vừa được bên ngoại chia, rộng vung vinh. Đúng là đàn bà, không có mình nó gãi chắc nửa tháng mới cuốc được bằng cái chiếu rách. Nói vậy chứ bố cu cũng thấy mệt thật, chân tay mặt mũi lấm lem than mới đốt nương. Lâu lắm mấy năm mải đi làm ăn, về chỉ theo bạn bè rủ rê uống rượu chè, một tay mẹ nó ruộng ruộng vườn vườn cũng mệt ra phết. Còn việc làng việc xóm nữa, chả biết dạo này còn đi văn nghệ với hội phụ nữ nữa hay không?
    Thêm đàn gà xuống ổ, gà con lông đen nhưng nhức lích rích trong cái nơm thật vui mắt. Từ ngày có chuồng, bà ngoại cho mấy cặp gà giò, cho cả gà mẹ, cu Thành có trứng ăn, giờ lại có mấy lứa gà con gối nhau mà lớn. Anh em chú bác mỗi người một tay giúp đào giếng, lợp bếp, người thì cho con cún con…Cuộc sống ổn định dần. Tháng nữa thu hoạch sắn là có tiền nộp bác trưởng họ. Thi thoảng bác vẫn hỏi tiền án phí đến đâu rồi. Bất giác mẹ Thành lại thấy thương cái dáng cao nghều đang lúi húi ngoài nương, mồ hôi ướt đầm lung áo. Bố cu cũng thương yêu vợ con lắm, xét lại cũng tại mình không biết nhịn khi chồng uống rượu vào. Người say thường mất khôn mà. Cũng tại nhà ở đông đúc chật hẹp quá, tiền thì không có, cái khó bó cái khôn làm người ta hay cáu lẫn nhau. Đàn ông thất nghiệp hay mặc cảm bất tài, hay chán đời lẽ ra mình phải khe khẽ động viên mới phải. Từ dạo mẹ con ra ở đây, bố Thành ở nhà buồn quá. Họ hàng anh em cha mẹ chỉ ồn ào nhất quyết cho bỏ vợ, mẹ con về ngoại được mấy hôm cũng lại ai vào việc nấy. Bác cả thì sớm tối quây quần với gia đình của họ thành thử bố cu như người thừa trong nhà. Quần áo thay ra cũng phải tự giặt, nếu có bầy bừa lười biếng chút thì chị dâu có vẻ bóng gió khó chịu, đánh con chửi cái cứ như mắng vào mặt. Buồn quá bố cu thi thoảng lẩn ra ở với cu Thành cho đỡ nhớ. Tối nào nấn ná ngủ lại thì bố cu cắp Thành ngủ trên cái phản gỗ tạp kê dưới đất, một mình mẹ cu ngủ trên giường tre. Bố cu cả đêm cứ nghe thấy tiếng mẹ cu giở mình trằn trọc mãi. Giả thử chưa viết đơn li hôn thì lăn tất lên đó mà ngáy o o. Mà có sao đâu nhỉ! đơn viết rồi nhưng khi nào đủ tiền nộp mới li hôn cơ mà. Hẵng cứ thế đã. Chỉ khổ nỗi vẫn là vợ chồng có khác gì đâu sao từ hồi tách ra chờ li hôn, ở lại chơi với con lại thấy mình như đang lén lút vụng trộm. Hễ có ai sang chơi mà thấy bố cu là có cảm giác họ đang xoi mói, dò xét điều gì đó. hai vợ chồng bỗng dưng thấy gượng gạo ngay trong căn nhà của mình. Khổ thế. Vậy mà bẵng đi cũng đã gần năm trời rồi.
    
- o O o -

    Thấy ông trưởng họ đến chơi, mẹ cu lo quá tay cứ run lập cập làm bát nước chè xanh sánh cả ra ngoài.
    -Mẹ cu Thành sớm mai xuống xã học lớp may nhé, mai khai mạc 7 giờ đấy. Rồi hỏi cánh chị Bền hội phụ nữ mà theo đi may hàng công nghiệp.
    – Dạ, vâng! – mẹ cu vẫn lo lắng.
    -Ơ! thế Bố cu ở đây à. Thế nào? Bố mẹ cu Thành đã đủ tiền chưa mà thấy im ỉm. Gần một năm rồi là người ta hủy đơn, nhé!- Thấy bố mẹ cu thành nhìn nhau im lặng, ông càng hỏi dồn.
    – Có cần nộp đơn lần hai không? Sao thế? Chưa đủ tiền án phí à?
    Bố Thành gãi đầu bối rối. Mẹ cu cúi mặt xuống mái tóc chua nắng của con, mắt rơm rớm…
    -Thế này, mai cái Dịu sang nhà bảo bác gái bắt cho đôi lợn con, lứa này hai đàn đẻ sai được những hăm mấy con cơ, cho chúng bay nuôi đến khi bán, lúc ấy nhiều ít gọi là giả tiền bèo cám cho lợn mẹ- Ông dừng lại, nhìn sang bố cu ướm lời.
    – Bố Thành có muốn đi làm thì mai đi với anh cu An nhà bác. Khai thác gỗ keo. Sau đó ta giao cho mảnh rừng đấy mà chăm nom. Nhé!- Ông trưởng họ loay hoay mở cặp lấy ra tờ giấy, cười bảo:
    – Đơn li hôn vẫn cất ở đây. Chưa đưa ra tòa đâu, tôi giả anh chị, cho cu Thành gấp máy bay này.
    Bố cu mừng quýnh, bụng bảo dạ: May quá chưa nộp đơn.Tần đấy, tần đấy tiền tội gì mà cho tòa án. Kiếm được tần ấy mình mua con bê con, nuôi được khối lợn gà…
    -Cái tiền tích cóp được mẹ nó đưa đây tôi, góp lại mai mua cái máy bơm nước. Bán vụ sắn này mẹ nó mua cho cu Thành cái ti vi re rẻ để nó khỏi chạy đi xem nhờ- Bố ôm cu Thành vào lòng, xoa xoa cái chân cẳng- Hôm nọ đi xem khuya nó ngã toạc cả đầu gối đây này, bác ạ.
    Mẹ cu mắt rơm rớm, nhìn má phinh phính của cu Thành mà mừng. Chỉ vì nghèo mà bát đĩa xô đến nỗi nghĩ dại. Ấy mà cũng vì nghèo, vay vỏ chả được nên đến giờ này chưa đủ tiền để ra tòa nên gương vỡ lại lành, chứ đương lúc nóng mà có đủ án phí thì đã ai đi đường nấy. Giờ đây đã có nhà cửa, ruộng vườn độc lập, vợ chồng con cái khe khẽ làm ăn lại thấy vui vầy như hồi mới cưới. Bụng cứ thấp thỏm lo ông trưởng họ đến đòi “món nợ” li hôn. Hôm nay lấy lại đơn rồi, phải mổ con gà mời ông trưởng họ chứng kiến bố mẹ cu Thành rút lại lời dại hồi trước mới được.
    Ông trưởng họ cười tủm tỉm, nghĩ: Cái mức án phí cao tần ấy…tần ấy…là do ông đặt ra thế mà hiệu quả. Đơn từ ông cất kĩ trong cặp rồi. Con cháu trong họ cấm ai cho nhà đấy vay tiền mặt. Có giúp thì giúp công, giúp sức thôi. Kế sách “lấy nghèo cứu khó” kể ra cũng không phải là không hay. Vui thật !
    Chiếc máy bay giấy phóng vút lên khoảng trời đầy nắng như một cánh cò chao nghiêng trong mắt cu Thành. Làn gió đồng thơm dịu trườn qua mái nhà như một hơi thở phào nhẹ nhõm. Gió làm mắt cay cay.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Một Thoáng Yêu Đương
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Người Phụ Nữ Bố Yêu