Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mặt Trời Chói Lóa Tác Giả: Mai Tiến Nghị    
    Y là người vô duyên! Điều này do chính mồm y nói ra. Dù rằng y đang là một hiệu trưởng trường Trung học cơ sở- cách nói văn hoa của các nhà cải cách giáo dục để chỉ trường cấp hai ngày xưa.
    Cái sự vô duyên của y lại do người khác phát hiện ra và chỉ cho y một cách rất vô tình. Một hôm có một giáo viên của trường hỏi y: “Hôm nay anh có rửa xe không?”. Y tưởng tay giáo viên kia muốn mượn xe máy để đi đâu; vốn tính rộng rãi, y bảo: “Cần gì phải rửa! Đi đâu thì cứ lấy mà đi!” Tay giáo viên nói: “Mai em định dỡ cái bếp ra làm lại nhưng đang lo trời mưa. Hễ anh mà rửa xe thì em không làm nữa mà để hôm khác.”Y ngớ người ra. Rồi y bảo không. Nhưng buổi tối ngồi rỗi, thấy xe bẩn, y mang xe ra rửa. Sáng hôm sau thì trời mưa thật. Tay giáo viên kia nhăn nhó: “Anh đã bảo không mà lại cứ rửa … báo hại em.”
    Mấy lần sau y thử lại: quả là đang nắng chang chang, hễ y rửa xe là trời lại mưa. Nói với vợ điều này, vợ y bảo: “ Vậy là anh vô duyên!”. Ngẫm ra y thấy mình vô duyên thật. Vô duyên ở hai nhẽ: Thứ nhất, mình cố cho sạch thì giời lại bắt mình phải chịu… bẩn. Thứ hai, mình chỉ biết được cái sự vô duyên của mình sau người khác…
    Nhưng rồi y lại khoái cái sự vô duyên ấy. Y tuyên bố là y điều khiển được cả giời. Bằng chứng là nếu muốn có mưa là giời sẽ mưa. Cái điều mà y tuyên bố được khẳng định vài ba lần, hễ bể nước mưa của mọi người hết nước là y rửa xe. Thế là nhà nào nhà nấy nước mưa lại đầy bể…
    Hôm y nói chuyện này với tôi, tôi bảo: “ Vậy ông có bắt giời đang mưa lại nắng lên được không”. Y nhìn lên giời, lát sau mặt lạnh đi: “Chịu !…”
    Nhà tôi cạnh nhà y, lại cùng tuổi, nên có chuyện gì của y, tôi cũng biết. Và ngược lại. Gần đây y bị chuyển đi làm hiệu trưởng ở trường khác. Y buồn lắm. Tất nhiên tôi cũng buồn. Buồn thì…muốn viết. Vậy là tôi viết về y.
    Học xong cấp ba, thi đỗ Đại học Kiến trúc, y đi bộ đội. Đánh Mỹ mấy năm, nhờ phúc ấm của tổ tiên, y lành lặn trở về với mấy cái bằng dũng sỹ và một cái khung xe đạp ( giá bây giờ có cho cũng chẳng ai thèm lấy ). Đến lúc giải ngũ lên trường xin vào học thì người ta bảo phải thi lại vào năm sau… Chán quá y về nằm khoèo ở nhà. Gặp ngay năm ấy tỉnh mở trường sư phạm hệ cấp hai. Thế là y xin vào thi. Đỗ ngay. Y theo nghiệp dạy học từ ngày ấy.
    Nhờ học giỏi và cũng đã đi bộ đội về nên y được phân công về một trường trọng điểm của huyện. Dạy ở đó được mấy năm thì y được đề bạt làm hiệu trưởng một trường cạnh thị trấn quê hương yêu dấu của y. Cái thời y được đề bạt là cái thời mà chả ai muốn làm hiệu trưởng. Giáo viên đói ăn bỏ nghề chạy tứ tung. Lúc người ta gọi y lên giao việc, y đắn đo… rồi nghĩ: Làm thì làm. Đánh nhau chết còn chả sợ… Thế là y có cái mác hiệu trưởng từ đấy.
    Là hiệu trưởng nhưng mà y nghèo nhất trường ( nghèo thật chứ chả phải nghèo giả như một số người thời bấy giờ) bởi vì lúc ấy ai nghèo mới là người cách mạng chân chính. Thực ra y có muốn không chân chính cũng chẳng được… Làm anh giáo trường làng, ngoài lương còm ra thì chả có gì nữa. Không thể bổ bán vào đâù học trò được. Bọn trẻ ngày ăn một bữa, đến trường ngồi xuống đất viết trên ghế. Lớp dột toang hoang. Bảo vệ che cửa lớp bằng mấy cành chà rào…Chưa tan học, chúng đã nhấp nhổm về nhà ngay để còn bèo cám lợn gà- những công việc mà bố mẹ đã dành sẵn cho trẻ con như là một tục lệ truyền kiếp…Giáo viên cũng chẳng hơn gì. Trống tan trường vừa điểm, họ đã có mặt ngoài chợ, tự hoá phép thần thông từ một giáo viên đạo mạo biến thành một thương nhân mẫn cán và không kém phần nanh nọc. Y không muốn chiềng mặt ra ngoài chợ. Và y lại có lắm tài lẻ như biết kẻ vẽ, có giọng hát hay, lại có chút năng khiếu viết lách. Tội gì không dùng! Thế là để tồn tại, y nhận ruộng khoán, rồi đi hát thuê cho đội văn nghệ xã, cắt khẩu hiệu thuê cho văn hoá xã và viết thuê các bài diễn văn cho lãnh đạo xã. Những cái thuê ấy mỗi vụ cũng cho y thu nhập thêm khoảng hai tạ thóc. Mọi người đều vỗ tay trước những sản phẩm làm thuê của y. Y có thu nhập thêm nhưng vẫn còn được cái vẻ đạo mạo của một nhà giáo trước con mắt của mọi người.
    Ở xã thì chả mấy ngày lại không có hội nghị. Có lẽ lãnh đạo xã chủ yếu có hai nhiệm vụ là đi họp ở huyện và tổ chức họp ở xã. Và để thành hội nghị thì phải đủ các thành phần ban ngành đoàn thể, dĩ nhiên hiệu trưởng nhà trường bao giờ cũng phải có mặt. Cũng tiện cho y vừa phục vụ vừa họp: y đi sớm treo cái tít hội nghị lên, sau đó cùng đội văn nghệ nghêu ngao hát vài ba bài vừa cổ động vừa dẹp trật tự cho hội nghị. Chuẩn bị khai mạc thì y dúi cho lãnh đạo bài phát biểu đã được y viết từ đêm hôm trước. Rồi y nhẹ nhàng rời hội nghị về trường làm việc. Cũng chả ai để ý đến y vì nhiều hội nghị chẳng liên quan gì tới giáo dục, vả lại y đã nắm chắc nội dung và còn… chỉ thị cho hội nghị thông qua bài phát biểu viết cho lãnh đạo rồi …
    Cái nghiệp viết diễn văn thuê cũng không phải là không vất vả. Trước đây các lãnh đạo xã thường nói vo, gặp gì nói nấy, chung chung thập toàn đại bổ. Thành thử nghe mãi cũng chán. Cử toạ ngồi dưới ngáp chảy cả nước mắt chờ cho lãnh đạo nói xong để đi ăn cơm. Lãnh đạo cũng chỉ ngừng nói khi tay cán bộ chăn nuôi HTX kiêm phụ trách hậu cần chạy đến ghé vào tai diễn giả: “ Báo cáo anh, xong rồi..”… Vì vậy y phải có trách nhiệm đổi mới các bài phát biểu ấy. Y tìm tòi nghiên cứu hàng đêm cho từng bài diễn văn để phù hợp với từng đối tượng, từng hội nghị. Chí ít cũng phải rõ được các nhiệm vụ của từng đoàn thể, của từng phong trào…Về mặt này thì cũng không phải lo lắm. Bởi trước một hội nghị bao giờ cũng có một cuộc họp trù bị để lãnh đạo duyệt báo cáo. Y cũng được triệu tập đến nghe. Y ghi chép cẩn thận rồi viết lời phán. Và sau đó thì nâng cốc cùng lãnh đạo. Nhưng láu cá hơn, bao giờ y cũng lồng tý giáo dục vào bài diễn văn, nên đến khi y cần cho nhà trường việc gì thì được ngay vì đã có chủ trương của lãnh đạo nói từ hôm ấy,…hội nghị ấy… Nhưng ngẫm cho cùng thì y vẫn thiệt. Vì rằng những bài hùng biện của y, qua mồm các lãnh đạo, cử toạ vỗ tay rầm rầm, lãnh đạo cấp trên về dự ngồi nghe gật sái cả cổ. Nhưng không có ai khen y, trừ ông bí thư, ông thường gặp riêng mình y, dúi cho y một bao thuốc Tam Đảo rồi bắt tay y lắc lấy lắc để: “Cậu đúng là nhà giáo …ưu tú, lần sau cứ thế…hẩy!”
    Cũng nhờ cái nghiệp viết thuê mà y thoát được một tai nạn hiểm nghèo. Vào cái năm tám nhăm, tám sáu gì đó, trên hô hào phải thi nghiêm túc và giao cho các nhà trường tự coi, chấm thi tốt nghiệp. Y sướng quá! Phải thế chứ! Bởi vì ở giáo dục bệnh thành tích nặng lắm. Chính quyền cũng vậy: người ta bắt bằng mọi giá phải phổ cập nên thành thử chẳng có trẻ lưu ban bao giờ. Học cuối cấp hai rồi mà còn viết chữ như giun bò theo như kiểu thư pháp hiện nay, “Thầy giáo “ chúng viết thành “Thần gió”, bảng cửu chương thì “chín bảy sáu mốt”… Bọn ra trường bảo bọn đang học: “ Học làm đếch gì, chả ai dám bắt mày học lại đâu, thế nào mà chả lên lớp , chả tốt nghiệp…” Phụ huynh tự hào con mình mỗi năm lên một lớp, năm nào cũng có giấy khen…Năm ấy y tổ chức một kỳ thi nghiêm túc thật sự. Kết quả: Năm mươi hai phần trăm học sinh trượt tốt nghiệp.
    Dân tình ngao ngán. Có người đến tận nhà chửi y …Lãnh đạo xã cho gọi y lên làm kiểm điểm để xử lý kỷ luật. Trong hội nghị, y cãi: “ Kỳ thi vừa rồi không có học sinh nào trượt oan”. Ông bí thư chỉ tay vào mặt y: “ Thầy là loại người vô nhân đạo. Các xã khác con em người ta đỗ trăm phần trăm. Tại sao xã ta lại chỉ có bốn tám …Khẩu hiệu tất cả vì tương lai con em chúng ta thầy không nhớ à. Thầy… thầy… giết tương lai con em xã ta …”. Y lục được bài diễn văn y viết cho Bí thư phát biểu hôm 26-3 trước toàn thể đoàn viên học sinh nhà trường, đại thể yêu cầu phải học thật thi thật để có chất lượng thật. May sao đài truyền thanh còn giữ cuốn băng ghi lại ý kiến quý báu của đồng chí bí thư. Y mở cuốn băng. Tất cả đều cười… rồi giải tán…sau khi lĩnh tiêu chuẩn hội nghị!
    Vụ ấy, y không việc gì nhưng cái nghiệp viết thuê diễn văn thì mất đứt. Người ta ngại y… Sau vụ ấy y thành ra người nổi tiếng. Từ một “ nhà giáo… ưu tú”, y trở thành một hung thần “giết tương lai con em xã ta”. Đến nỗi vài năm sau người ta định cho y về làm hiệu trưởng ở thị trấn quê hương yêu dấu của y thì lãnh đạo thị trấn chối đây đẩy: Họ không muốn có một hung thần “giết tương lai con em thị trấn ta”.
    Nhưng qua cái kỳ thi lịch sử ấy thì mọi người đều tỉnh ra, tức thì tức thật nhưng lãnh đạo cũng băn khoăn, những con số báo cáo trước đây chỉ là những con số ma. Y cũng tỉnh ra và giáo viên cũng cũng tỉnh ra. Phụ huynh học sinh và cả bọn trẻ con cũng nhận ra một điều: mình cũng chẳng giỏi giang gì. Lựa gió phất cờ, hung thần “giết tương lai con em xã ta” bám riết lãnh đạo, dựa vào các ban ngành đoàn thể để đòi trường ra trường, lớp cho ra lớp. Y sục sạo dự giờ giáo viên, bắt các tổ trưởng phải tìm tòi nghiên cứu các chuyên đề giảng dạy. Bản thân y mượn sách vở tự học nội dung phương pháp tất cả các bộ môn. Y nói với giáo viên: “Tôi dự giờ mà tôi còn không hiểu thì bài giảng của các vị là… vứt”. Y phân công giáo viên tối đến về từng xóm kiểm tra hướng dẫn học sinh tự học; bản thân y cũng sùng sục đi kiểm tra…Cả trường thành guồng máy quay tít mù. Những giáo viên tâm huyết ra sức ủng hộ giúp đỡ y. Nhưng cũng có nhiều người oán: Đang tự dưng tự lành lại bị “hung thần” hành hạ. Có kẻ độc mồm còn bảo: y chết đi để mình đỡ khổ…
    Còn nặng căn nặng quả nên y không chết, không ốm. Nhưng mỗi ngày người ta lại thấy y cao lên một ít, nhẹ đi một ít. Và sự thật là y chỉ còn chưa đầy năm mươi ký với chiều cao hơn mét bảy, hệt như một cây cau lênh khênh giữa giời nắng gió. Có cô giáo viên là vợ sếp, thân hình thon thả như cái chum nước muốn mượn tiếng chồng ra oai: “ Anh nhà tôi bảo…,” “ Nhà tôi anh ấy nói…”. Cây cau liền bảo cái chum: “ Chồng cô nói với cô chứ không phải nói với tôi. Chồng cô là sếp huyện, sếp tỉnh thì kệ chồng cô. Các cô là giáo viên nhà trường, là viên chức do tôi quản lý phải thực hiện các nền nếp và phải hoàn thành nhiệm vụ được phân công!”. Cô ta đành im re, không dám ho he đòi ưu tiên…mặc dù vẫn thụi ngầm y bằng cách về nỉ non với chồng kèm thêm sự hư cấu, phân tích về việc “hung thần” bắt làm nhiều để đến nỗi chúng em kém phần nhan sắc…Có sếp gọi điện cho y. Sau một hồi đấu khẩu không phân thắng bại, sếp tức quá bảo: “ Rồi anh sẽ biết tay tôi!”. Y cũng độp luôn: “ Tôi bắt tay anh rồi! Lạ gì! Nhũn như cá khoai ươn. Lạnh như tay ma!”
    Cũng vì vậy mặc dù nổi danh vì mẫn cán và có năng lực nhưng y vẫn giữ nguyên chức hiệu trưởng suốt hai mấy năm ròng. Y không lên chức được nhưng nhà trường lại lên chất lượng– lên thật chứ không phải lên bằng báo cáo. Bởi vì chẳng mấy khi y nộp báo cáo, mà có nộp thì các báo cáo của y thường là trái khoáy và “không phù hợp với sự phát triển của phong trào giáo dục…” Từ vị trí yếu kém, nhà trường của y vươn lên trở thành đơn vị có chất lượng thi vào cấp Ba cao nhất nhì toàn huyện, có năm còn hơn “trung tâm chất lượng cao”. Dân chúng phấn khởi. Đoàn thể vui mừng. Học sinh háo hức. Con em các xã bạn ùn ùn kéo đến xin vào học trường của y…Học sinh đã ra trường có lần còn tặng nhà trường cả một bức ảnh to tướng chụp ngôi trường với lá cờ tung bay và dòng chữ “Trường THCS…. Một địa chỉ đáng tin cậy”. Vinh quang ngời ngời. Giáo viên nở mặt nở mày tự hào mình là giáo viên trường Xuất sắc. Từ một hung thần “giết tương lai con em xã ta” y lại thành một anh hùng…“đáng tin cậy”.
    Nhưng y- người anh hùng “đáng tin cậy”của chúng ta vẫn chẳng được gì ngoài mấy lời khen suông và những cái bắt tay chặt hơn. Đã vậy y lại còn thiệt thòi hơn các bạn đồng cấp. Bởi vì y lại có bằng đại học. Bằng là bằng chuyên tu hàm thụ nhưng mà là bằng thật và học thật. Chả là sau cái vụ trở thành hung thần “giết tương lai con em xã ta” thì y quyết tâm đi học. Ngày ăn một bữa để học đại học. Thời đó người ta học thật, thi thật chứ chả phải lệ phí, thuế ngu như bây giờ. Khốn khổ cho y vì cái bằng: Sau mấy lần cải cách lương, cho đến lúc này thì y có thể tự hào mà công bố một định lý toán học là: Bằng cấp và lương là hai đại lượng tỷ lệ nghịch. Y chứng minh định lý ấy bằng phương pháp quy nạp không hoàn toàn mà mẫu thứ nhất chính là trường hợp của y…Trong một nhà trường định lý ấy luôn đúng với những anh bằng cấp cao, thâm niên cao và tinh thần làm việc cao.
    
- o O o -

    Năng lực và sự mẫn cán làm cho y nổi tiếng. Thành tích làm cho trường y nổi tiếng. Nhưng chỉ những anh mà người ta đầu tư tiền của, đầu tư sự ưu ái người ta mới đầu tư lời khen. Trường của y vượt ra khỏi cái quy luật ấy. Người ta khó chịu khi buộc phải công nhận thành tích một nhà trường không hề có được một sự đầu tư, ưu ái nào, hay nói một cách khác chỉ là vô danh tiểu tốt không nằm trong bộ nhớ của lãnh đạo, mà thành tích ấy lại được tạo dựng bởi một kẻ vừa vô duyên vừa ngang ngạnh. Thế rồi nhà trường của y bỗng trở thành nỗi thèm khát của nhiều người. Người ta có biết đâu để có những vinh quang ấy, y đã phải trả giá…và khi bàn tay của sếp bắt tay y chặt hơn thì có nghĩa là nó đang nắm lại chuẩn bị ra đòn. Y mơ hồ nhận thấy điều đó nhưng không biết nó đến từ hướng nào và bao giờ nó sẽ đến.
    Phó hiệu trưởng nhà trường vốn được đào tạo từ nguồn sư phạm Mười cộng Hai. Cái thời bấy giờ thì đó là bằng cấp cao nhất của giáo viên cấp Hai. Sau hơn ba mươi năm công tác và quản lý thì bỗng có một ngày người ta phát hiện ra: chưa đủ chuẩn đào tạo. Kỳ lạ là cả tỉnh có tới gần hai trăm học cùng khoá, hiện còn đang dạy học cả và cũng non trăm người đang đảm nhiệm công tác quản lý thì người ta chỉ phát hiện ra một người. Và người ta gọi lên và cho về vườn mặc dù vị hiệu phó này luôn là Chiến sỹ thi đua và điều hành công việc cùng với y không chê vào đâu được. Thế là Ban Giám hiệu nhà trường còn một mình y độc diễn. Trường đông lớp, đông học sinh, một mình y tối tai tối mắt mà cũng không xuể hết việc…
    Khoảng mười ngày sau khi một mình y độc diễn- Ông cán bộ tổ chức huyện lùn tịt, đầu hói như quả lê Tàu đến trường gặp y:
    – Cậu chuẩn bị phương án đề nghị về việc bổ nhiệm hiệu phó đi nhá. Thế theo ý cậu là đề bạt tại chỗ hay đưa nơi khác về.
    – Chỗ tôi đầy người. Việc gì phải đưa nơi khác về.
    – Vậy cậu định đưa ai?
    – Thì cứ theo danh sách nguồn đã thông qua bỏ phiếu tín nhiệm, đảng uỷ đã xác nhận mà năm ngoái đã gửi các anh…
    – Là đứa nào nhỉ?
    – Hai người. Người thứ nhất: Tổ trưởng Tự nhiên, tay này đáng lẽ phải lên lâu rồi! Còn người thứ hai: Tổ phó tổ Xã hội, tốt nghiệp đại học được bốn năm rồi…
    – Đều là đảng viên chứ?
    – Dĩ nhiên.
    – Vậy cứ làm tờ trình đi nhé.
    Ông ra về, nét mặt đăm chiêu như vừa đi trinh sát đồn địch, đang suy nghĩ phương án tác chiến…
    Nhìn ông cán bộ tổ chức, không hiểu sao y lại có cảm giác mệt mỏi…Trước đây ông ta là đồng cấp với y. Lúc ấy, ông là hiệu trưởng trường bên, vợ là giáo viên kiêm nấu rượu. Ông chả biết làm gì thêm ngoài mấy cái cây cảnh… Một hôm lãnh đạo về kiểm tra nhà trường, buổi trưa sau khi chủ khách đã say sưa, ông mời các anh về nhà em nghỉ trưa để lấy sức khoẻ chiều làm việc tiếp. Lãnh đạo vào nhà ông, trầm trồ khen đôi cây thế đẹp. Ông nói người ta đã trả giá hai chục triệu…Mấy hôm sau đôi cây ấy đã toạ lạc vững vàng ở nhà lãnh đạo. Và…. ông bàn giao nhà trường để lên huyện làm tổ chức cán bộ. Chỗ của đôi cây nhà ông được thay vào bằng một đôi cây mới đẹp hơn do tay hiệu trưởng kế nhiệm mang tới. Hoá ra ông lãi to cả cây lẫn ghế! Trong một thời điểm người và cây cùng tịnh tiến song song…Hồi còn làm hiệu trưởng ông cũng gầy còm như y bây giờ. Thế mà lên huyện được mấy năm thì cơ thể ông trở nên hai khối tròn rõ rệt. Khối trên nhỏ được đỡ bằng khối dưới đồ sộ, trông như cái gì nhỉ? …. À! Y nghĩ ra: Con lật đật …
    Ông Lật Đật vừa đi khỏi, y chột dạ. Nhưng y lại nghĩ: Chả thể nào khác được. Tập thể đã bàn, thông suốt từ trên xuống dưới. Thâm tâm y muốn có người phụ trách chuyên môn vững vàng để cùng y đưa nhà trường tiếp tục vươn lên.
    Nhưng sự thể thì không như vậy. Hai hôm sau, một cú điện thoại gọi đến nhà y vào buổi tối: “ Mời anh đến… anh em mình giao lưu …” Đó là điện thoại của tay chủ tịch xã bên. Tay này maphia có tiếng, hắn kết nghĩa anh em với đủ mặt cán bộ chủ chốt từ huyện đến tỉnh. Cỡ tép riu như y thì chưa bao giờ hắn tỏ ra muốn giao lưu. Vậy lời mời này có ý gì đây? Y phải từ chối ngay với lý do bận. Tay kia ra sức vật nài và cuối cùng đành chịu.
    Rồi cô tổng phụ trách với dáng vẻ bẽn lẽn khác hẳn ngày thường đến nhà y. Chiều hôm ấy y nghỉ ở nhà. Thấy lạ, không vòng vo, y hỏi luôn:
    – Cô có việc gì? Sao buổi sáng không báo cáo ở trường?
    Cô ta khẽ khàng trình bày:
    – Báo cáo anh! Em nghĩ… đây là… cơ hội ngàn năm có một…
    Y nhìn vào nhà trong: Vợ y đi dạy học, chỉ mình y ở nhà … Cô ta lại bảo là cơ hội ngàn năm…
    – Vâng. Đúng là cơ hội ngàn năm! Em vừa học xong đại học… Vì vậy đề nghị anh giúp đỡ tạo điều kiện để… đề bạt em…làm hiệu phó…
    – Làm hiệu phó? Cô không đùa đấy chứ?
    – Gớm chả nhẽ em lại dám nói đùa với anh! Mong anh chiếu cố…
    Y từ tốn bảo:
    – Thế này nhé: Đúng là hiện nay tôi đang rất vất vả vì không có hiệu phó. Nhưng mà có hai lý do để tôi từ chối đề nghị của cô: Một là căn cứ cơ sở dự nguồn đã được tín nhiệm. Mà dự nguồn là những ai thì cô và cả hội đồng đã được biết rồi đấy. Hai là: Về chuyên môn cô còn phải cố gắng nhiều! Cô thử nói hộ tôi: Trong nhà trường này chuyên môn cô hơn những ai, chỉ cần cô chỉ cho tôi lấy một hai người thì tôi sẽ đưa cô vào danh sách ngay.
    Cô ta gượng gạo:
    – Em cũng tự kiểm điểm thấy là mình còn non về chuyên môn, nhưng em sẽ cố gẵng vừa làm vừa học… lại được anh giúp đỡ…
    Y nóng mặt, cố nhịn:
    – Tôi cần người để làm việc chứ không cần người học việc. Mà tôi hỏi thật cô: bổ béo gì cái danh hiệu phó mà phải cố. Hiệu trưởng như tôi cũng chả có ăn hơn ai cái gì nữa là phó…
    – Nhưng mà là cơ hội! Ối đứa còn dốt bằng vạn em vẫn làm hiệu phó ở các trường…
    Y điên tiết:
    – Ở đâu kệ họ! Ở trường này không giỏi chuyên môn thì nói ai nghe. Cô không lên được đâu. Cô về đi. Tập trung học tập cho giỏi chuyên môn cái đã! Rồi tính sau!
    – Báo cáo! Các anh ở trên đã đồng ý…
    – Trên là anh nào? Các anh ấy có ở trường đâu mà biết. Lên mà bảo với các anh ấy: Các anh không biết được năng lực chuyên môn của giáo viên nhà trường này bằng tôi được đâu! Tôi không bao giờ đồng ý chấp nhận cô làm hiệu phó.
    “Các anh ở trên đã đồng ý”…Sao cô ta lại nói như vậy? Hỏi ra y được biết Lật Đật là anh em kết nghĩa với tay chủ tịch xã (người đã gọi điện đến cho y), tay chủ tịch xã lại có đứa con gái được em con ông chú của chồng cô tổng phụ trách nhà trường xếp vào học ở một trường trên Bộ… Y hú hồn, nếu mà đi giao lưu với tay chủ tịch xã kia thì không khéo nó cho vào bẫy: gài vài cô ca-ve bá vai bá cổ rồi chụp ảnh thì có mà chối đằng giời với tổ chức và với… sư tử Hà Đông ở nhà…
    Những ngày tiếp sau; y tiếp khách đến mệt nhoài. Đầu tiên là ông thiếu tá ở huyện Công an đưa vợ đến. Sau một bài diễn thuyết khá dài về mối quan hệ khăng khít giữa hai ngành Giáo dục – Công an, mối thân tình giữa các lãnh đạo hai đơn vị và ảnh hưởng to lớn của mình trong ngành và trong huyện từ nhiều năm nay… Ông công an đặt vấn đề nếu nhận vợ ông về làm hiệu phó thì nhà trường sẽ có nhiều cái lợi – nhất là về mặt an ninh- bởi vì như ông nói “ Chúng tôi ăn cây táo phải rào cây táo”.
    Y lộn tiết nghĩ: Thì các ông đang rào chúng tôi đấy thôi. Và chối phắt.
    Bây giờ thì y mới nhận thấy giáo dục và các ngành quả là có liên quan mật thiết: Ông Bảo vệ thực vật, ông Thuế vụ, ông Quản lý Thị trường, ông Vật tư nông nghiệp, ông Văn hoá thông tin…đều đến gặp y để đề xuất đưa vợ các ông về làm hiệu phó…. Chẳng ngần ngại, y từ chối tuốt. Thì ra cái sự xã hội hoá Giáo dục đã ngấm vào máu thịt của cán bộ các ngành. Người ta nhìn giáo dục bằng con mắt như đã từng nhìn Thương nghiệp, Lương thực trong thời bao cấp. Họ tưởng đấy là mảnh đất màu mỡ. Lúc nhà trường mình khó khăn, chẳng có ma nào nhìn đến. Vừa mới làm nên ăn ra đã thấy lũ lượt nhòm ngó…Mà thời buổi này cũng lạ: toàn đàn ông đi chạy chức cho vợ…Tự nhiên y cảm thấy mình cao thêm được vài xăng ti mét…
    Tờ trình đã lập và gửi lên huyện. Bận bù đầu. Hai tháng sau không có hồi âm. Y lên huyện:
    – Đề nghị các anh cho làm thủ tục bổ nhiệm hiệu phó.
    Ông Lật Đật gãi cái đầu hói bảo:
    – Tay tổ trưởng tự nhiên đã bốn nhăm. Hơi nhiều tuổi. Không đề bạt được! Tay tổ phó xã hội thì còn non…
    Y tức tốc chạy ngược về trường lấy cái công văn hướng dẫn công tác tổ chức cán bộ đưa lên. Lật Đật lại gãi đầu, không nhìn cái chỉ thị kia, ra ý biết rồi. Lần này thì ông ta ngập ngừng:
    – Nhưng mà tay tổ trưởng kia nó hơi rỗ… Làm quản lý phải quan hệ ngoại giao. Ngoại hình như vậy không ổn.
    Không chịu nổi nữa, y điên lên dồn cho một hơi:
    – Các anh đừng có nhìn người mà đặt tiêu chuẩn. Tôi nói để các anh biết: Nó bị từ nhỏ; Ngành Giáo dục đã nhận thì nó phải có quyền như những người khác. Vậy cái tay hiệu phó trường A vừa ngọng líu ngọng lo vừa nói lắp …Tại sao vẫn đề bạt được?
    Lật Đật xoa cái đầu hói:
    – Ấy! Cậu đừng nóng! Uống nước đi đã. Ừ thì… Chúng tớ lưu ý giải quyết ngay!
    Y đành ra về. Người ta đã hứa rồi. Chả có nhẽ gì cứ vật nài mãi.
    Độ ba bốn ngày sau, Lật Đật điện xuống:
    -Này, không thể được đâu, cái trường hợp thứ nhất í mà!
    -???
    -Vì cậu là dân toán. Thằng kia cũng toán. Chẳng nhẽ giám hiệu toàn dân toán?
    – Ơ hay! Vừa tháng trước, các anh đề bạt ba tay dạy toán vào ban giám hiệu ở một trường đấy thôi.
    – Ở đâu?
    – Ông làm tổ chức mà còn hỏi ngược. Trường B…….đấy chứ đâu!
    – Ờ nhỉ !… Nhưng….Thôi được.
    Bẵng đi đến hơn hai tháng nữa vẫn không thấy gì. Y lại đề nghị. Trên vẫn vững như thành đồng. Thấm thoắt đã sang tháng tư. Tính ra vai trò độc diễn của y đã được sáu tháng.
    Tiếp tục đề nghị thì cấp trên bảo: thôi sắp hết năm học rồi. Nghỉ hè đã. Để sang năm học mới hãy tính.
    Thực ra y không được nghỉ hè vì còn phải hoàn tất cả đống hồ sơ tổng kết năm học, rồi lại chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Trước đây có hai người thì y đỡ vất hơn. Còn bây giờ chỉ có một mình, y phải lo tất: cơ sở vật chất, tuyển sinh, phân công giáo viên, biên chế lớp, học chuyên môn và các cuộc họp ở huyện và xã…Y rạc người với những công việc và đủ loại báo cáo, đề án mà cấp trên hối thúc. Mà cấp trên của y thì ngoài giáo dục còn đủ các ban ngành đoàn thể, thành thử nhà trường là trung tâm thực hiện các công văn dồn xuống và là nơi phải có nghĩa vụ phát tán các loại báo cáo lên trên.
    Đầu tháng Tám. Một hôm ngồi làm việc một mình tại nhà trường thì y được tiếp một khách quen. Tay này là chồng một giáo viên trong nhà trường, hắn làm ở chi nhánh điện nhưng lại là chỉ điểm cho các cấp lãnh đạo về cây cảnh và đồ cổ. Hắn thường le ve đi khắp mọi nhà để xem cây cảnh, xem đồ cổ và có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo về giá trị của những thứ đó. Sau đó lãnh đạo bố trí tranh thủ thời gian vàng ngọc tới thăm, khen…và chỉ vài ngày sau thì gia chủ phải có trách nhiệm vào một buổi tối nào đó (khi ngoài đường đã vãn người đi lại), chở những thứ đó đến nhà lãnh đạo cung kính “ kỷ niệm để anh thư dãn sau những giờ làm việc căng thẳng”… Nhà y không có cây cảnh, cũng chẳng có đồ cổ nên tay này đến trường. Vì là chồng của giáo viên đến chơi, nên y cũng cho là chuyện bình thường. Tay Chi nhánh Điện- Chỉ Điểm nhẹ nhàng:
    – Vất vả quá anh nhỉ. Sao tình hình vẫn chưa có hiệu phó à?
    – Thì thế mới khổ thân tôi! Năm nay có được nghỉ hè đâu! Chả biết vì lý do gì mà người ta không chịu bổ nhiệm cho. Chín tháng rồi…
    – Thế… đã có dự kiến chưa?
    – Có từ lâu rồi! Các quy trình đã xong. Chỉ còn đợi dân chủ hoá bằng phiếu tín nhiệm.
    – Ôi dào! Cần quái gì quy trình! Cần quái gì dân chủ! Chỉ cần chữ ký của Sếp Gộc là xong hết.
    – Cái chú này nói lạ! Làm gì có chuyện đó …
    – Vậy mà có đấy!
    – Ở đâu thì tôi không biết. Chứ ở trường này, còn tôi thì nhất định không có chuyện đó.
    – Đấy rồi anh xem….Mà em nói để anh biết nhá. Trên người ta không chấm cái trường hợp mà nhà trường này đề xuất đâu.
    – Vì sao?
    – Vì sinh con thứ ba …
    – Nhưng nó sinh năm tám nhăm cơ mà. Con nó đã đi học đại học …
    – Ấy vậy mà vẫn không được!
    – Sao lại không được, sao ông X… sinh con thứ ba năm chín mươi vẫn vào thường vụ, vẫn lên….
    Cuộc nói chuyện tưởng thế là xong. Y cũng chả nghĩ ngợi gì. Nhưng vài hôm sau Lật Đật gặp y:
    – Này ông làm hiệu trưởng ở trường này bao nhiêu năm rồi?
    – Các ông định đề bạt tôi hay sao mà hỏi số năm ở trường này? Lâu rồi! Hăm bốn năm.
    Lật Đật mở cuốn sổ tìm tên y, ghi con số 24 vào đó và mạnh mẽ dứt khoát như một vị chỉ huy quân sự quyết định dứt điểm một mục tiêu trên bản đồ tác chiến, ông khoanh một vòng tròn quanh con số, cười: “ Cảm ơn.”
    Y lạnh cả sống lưng!
    
- o O o -

    Ngày 17 tháng 8 lãnh đạo ký quyết định luân chuyển cán bộ quản lý theo đề nghị của Phòng Giáo dục trong tờ trình ngày 18 tháng 8 (? !)
    Y là người được có tên đầu tiên trong danh sách! Ban Giám hiệu trường đã bị xoá sổ hoàn toàn! Và y ra đi khi vẫn chưa bổ nhiệm được Hiệu phó. Sau đó ít ngày, người ta đưa vợ tay Chi nhánh Điện- Chỉ điểm vào danh sách bầu cùng với nhiều cái tên khác. Không có tên những người trong dự nguồn.
    Đảng uỷ, Uỷ ban, các đoàn thể và Nhà trường tổ chức các cuộc chia tay. Công lao của y, thành tích của y và năng lực của y được đánh giá cao trong các diễn văn trước khi nâng cốc… Y không cảm thấy xúc động lắm. Tự dưng y thấy mình lạc lõng…
    Chỉ đến một buổi tối, một cụ già đến nhà y báo cáo cháu cụ là học sinh của nhà trường bỏ nhà đi hai ngày nay chưa về. Y nói: “Tôi đã chuyển đi làm hiệu trưởng ở trường khác đã được hơn hai chục ngày rồi!”. Cụ nhìn y.. rồi mếu máo: “Sao thầy lại đi… thầy đi thì lũ cháu chúng tôi hỏng hết… Bố mẹ chúng đi làm ăn xa…”
    Vợ y an ủi: “Nhà tôi đi! Nhưng những người mới đến sẽ làm tốt hơn, cụ yên tâm…”
    Y chạy vội vào nhà trong, gạt nước mắt.
    Phụ huynh học sinh và người ngoài bảo nhau: “Ấy là do thầy làm tốt, nên cấp trên điều đi nơi khác xây dựng phong trào cho tốt như trường ta.” Y nghe thấy cũng không biết nên buồn hay vui. Một lần gặp nhau, Lật Đật hớn hở khoe: “Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ về thăm, khen huyện ta đi đầu làm trước khi có ý kiến của Bộ trưởng…”. Y thầm nghĩ: Vô duyên …
    
- o O o -

    Bây giờ thì y đã về trường mới công tác. Nơi công tác mới là một trường ven biển với bao khó khăn như nhà trường cũ của y cách đây mười năm. Hàng ngày y phải đi hơn mười cây số đến trường. Buổi sáng trên đường, mặt trời chiếu thẳng vào mặt. Y không bao giờ đeo kính râm. Vì theo y chả việc gì phải che đi hoặc bôi xám cái cửa sổ tâm hồn. Những ngày nắng, mặt đường và mặt trời tương phản đến nhức nhối: mặt đường nhựa thì đen sì dưới nắng gắt còn mặt trời thì trắng loá. Ngày mưa xuống nắng lên, mặt đường loáng nước phản chiếu ánh mặt trời. Những tia nắng phản xạ vào đúng mắt y: Mặt đường chói loá như mặt băng… Nhiều khi chói quá, y dừng xe, dụi mắt quay lại phía đằng sau: Chẳng thấy gì ngoài nhập nhoà xam xám… Phải một lúc sau thì sự vật mới hiện ra… Tất cả vẫn chuyển động. Chỉ có điều người đi cùng chiều với y hơi thưa thớt. Nhiều lần y chợt bật cười: “ Có lẽ tại mình vô duyên!”. Những lúc ấy y thoáng buồn, nhưng lại chợt thấy vui. Bởi kiểm lại dù thưa thớt nhưng chưa lần nào y hết bạn đồng hành.
    Y tin rằng mọi sự trên đời sẽ khấm khá lên, người đi cùng chiều sẽ nhiều hơn và mai này vùng biển nơi y đang đi đến cũng sẽ khấm khá lên. Chắc chắn là như thế!

Kết Thúc (END)
Mai Tiến Nghị
» Thủ Trưởng
» Đại Kỵ
» Mặt Trời Chói Lóa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má