Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
» Cư Kỉnh Tác Giả: Hồ Biểu Chánh    
    Tại Châu Thành Ô Môn, có một cái rạch nhỏ bắt đầu chỗ góc nhà thương tẻ vô làng Ô Môn, rồi chạy thẳng qua miền Ba Se đụng ngọn rạch Cần Thơ quanh co lò lên tới đó.
    Con rạch nhỏ này người ta kêu là rạch Cái Tắc, có lẽ là tại người ở Ô Môn nhờ đường nước ấy mà đi tắt qua Ba Se, Cầu Nhiếm, Phong Điền được, khỏi phải đi vòng ngã Cần Thơ xa xôi cách trở.
    Rạch Cái Tắc đã tiện lợi cho sự giao thông mà lại đẹp đẽ về phong cảnh nữa. Hai bên rạch vườn tược thạch mậu, nhà cửa liên tiếp, hễ đến lúc nước lớn đầy thì những thảo mộc nhờ nước mà được sum sê, rồi phải hiệp nhau che tàn mà đậy mặt nước, nên vẻ ra cái bức tranh tốt tươi vui vẻ, gây nên cái không khí mát mẻ u nhàn. Bên mé rạch, phía tay mặt, lại có đắp một con đường làng rộng rãi cao ráo, dọc theo đường trồng hai hàng dừa bị, gốc hai hàng mà ngọn de ra rạch, mấy khoảng trồng lại trồng xen những mít, dâu, nhất là trồng đu đủ, cây nào cũng lùn thấp mà có trái đeo đầy cổ, với tay hái được, chẳng cần phải trèo leo.
    Ngó ra con đường này, cách Châu Thành Ô Môn chừng vài trăm thuớc, có một toà nhà nguy nga, nền đúc đá, cửa cuốn gạch, tường trắng toát, nóc đỏ lòm, trước nhà có một cái sân lớn chứa kiểng vật tốt tươi, bông hoa đủ sắc còn hai bên và phía sau nhà, thì vườn tược sởn sơ rậm rạp. Người ta trông thấy cảnh này thì tự nhiên biết đó là chỗ ở của một người phong lưu mà phú túc. Thiệt như vậy, toà nhà nguy nga với sở vườn thạch mậu này thuộc của ông Huyện Hàm Tân, người có ruộng đất nhiều, có danh dự lớn, mà lại cũng được làng dân kính mến.
    Tiết tháng giêng, một buổi chiều, tuy trời còn nắng, song nhờ mặt trời đã sụp xuống dưới ngọn cây sau vườn, nên phía trước sân đã mát. Ông Huyện với bà Huyện đi ra vườn hoa, ông cầm cái kéo mà hớt đọt sửa nhánh cho những cặp kim quít, cần thăng, huỳnh mai, bùm sụm trồng trong những chậu lớn, còn bà thì đi vòng theo mấy buị hường và mấy liếp huệ mà coi chừng cho hai đứa gia dịch tưới bông.
    Ông Huyện Tân mới bốn mươi lăm tuổi, hình vóc dong dãy, gương mặt ôn hoà. Bà Huyện đã được ba mươi tám tuổi rồi, đã có ba mặt con, nhưng mà nhờ bà có sẵn sắc đẹp thiên nhiên, lại nhờ bà thong thả trí, chẳng có buồn lo về sự chi hết, nên dung mạo của bà vẫn còn tuấn tú,vẻ tươi của bà vẫn còn đâỳ đủ, người lạ tưởng bà chưa tới ba mươi xuân.
    Ông Huyện đương lum khum nhấm cây huỳnh mai mà uốn nhánh, bà Huyện bước lại gần rồi bà nói:
    - Người mua nhà của Xã Nhẫn muốn dọn về ở hay sao, mà nghe bầy trẻ nói từ hồi sớm mai tới giờ có người lo quét dọn ở đẳng.
    - Vậy hả?... Họ mua thì tự nhiên họ dọn dẹp mà ở chớ sao.
    - Hôm toà đấu giá phát mãi, ông hkông thèm tranh mà mua, để họ mua uổng quá.
    - Mình mua làm chi bà?
    - Đất giáp với đất mình, mua đặng mở vườn mình rộng thêm nữa.
    - Có vài công đất, nhiều nhỏi gì đó. Vườn mình gần hai mẫu, mặc sức mà trồng,mở rộng thêm nữa làm chi?
    - Ông nói kỳ quá. Đất rộng thêm chừng nào càng quí thêm chừng nấy, có hại chi đâu mà sợ.
    - Mình có một đứa con trai, sở vườn của mình đây đã đủ rồi cần gì phải lo mở rộng thêm nữa.
    - Còn hai đứa con gái nữa chi?
    - Ối ! Thứ con gái, hễ gả nó lấy chồng thì nó theo chồng, nó có ở với mình đâu mà mình phải lo cho nó.
    Hai ông bà đương nói chuyện tới đó thì có một chú lính hăm hở bước vô cửa ngõ. Ông Huyện đứng ngay mà ngó; bà Huyện cũng ngó,đợi nghe coi chú lính đến nói chuyện gì.
    Chú lính chào hai ông bà rồi thưa rằng:
    - Bẫm ông, quan lớn tính tới năm giờ chiều nầy đi với bà lớn vô thăm ông bà, song quan lớn sợ ông bà đi khỏi, nên dạy cháu vô hỏi trước coi có ông bà ở nhà hay không.
    Ông Huyện liền đáp:
    - Xin chú vể bẩm với quan lớn rằng có vợ chồng tôi ở nhà đủ và vợ chồng sẵn lòng tiếp quan lớn bà lớn.
    Chú lính từ giả rồi xây lưng trở ra đường.
    Bà Huyện nói với chồng:
    - Thôi,ông vô nhà đặng sửa soạn tiếp khách.
    - Còn sớm mà,mới bốn giờ. Tôi mặc áo dài, bịt khăn đen thì xong, có sửa soạn chi đâu.
    - Để tôi sai bầy trẻ đi mua sẵn nước đá đặng lắt nữa đãi rượu.
    - Cũng biểu nó nấu nước sôi đặng chế trà, nghe.
    - Nước sôi thì có sẵn... Cha chả, quan Chủ quận đổi lại, tôi chưa kịp đi thăm bà lớn, nay quan lớn bà lớn đến thăm mình trước như vậy, tôi ái ngại quá.
    - Phận tôi thì hôm qua quan lớn đến lãnh việc, tôi có hiệp với điền chủ trong quận mà yết kiến quan lớn rồi. Theo lễ thì bà phải đến thăm bà lớn trước rồi bà lớn sẽ thăm trả lại.
    - Quan lớn với bà lớn mới lại tới hôm qua. Tôi tính để ít bữa dọn đồ đạc xong rồi tôi sẽ đi thăm. Tôi không dè bà lớn lại đi thăm tôi trước.
    - Người lớn mà đi thăm trước là tỏ lòng hạ cố. Vậy lát nữa bà phải cám ơn,rồi bà xin lỗi về sự bà chưa kịp đi thăm.
    - Người ta nói quan lớn đây là con của ông Hương sư Kinh ở trên Thốt Nốt hồi trước, phải hay không vậy ông?
    - Tôi cũng nghe nói như vậy, song hkông biết chắc. Lát nữa quan lớn bà lớn vô, bà đừng có hỏi việc đó nghe hôn. Hỏi như vậy saí lễ nghĩa lắm.
    - Tôi biết mà.
    Bà Huyện trở vô nhà sai gia dịch đứa đi mua nước đá, đứa lau bàn ghế, đứa rửa chén rửa ly, sắp đặt sẳn sàng đặng tiếp khách. Cách một hồi ông Huyện cũng vô rửa mặt rửa tay, thay quần đổi áo. Cô Túy, là con gái của ông Huyện bà Huyện, năm nay cô đã được mười bảy tuổi, hồi nhỏ cô học tại trường Ô Môn, thi đậu bằng sơ học rồi cô lên Sài Gòn học thêm vài năm. Vì ông Huyện bà Huyện cưng không muôn cho cô đi xa nữa, nên năm ngoái bắt cô về nhà, mà cũng chưa chịu gả cô lấy chồng.
    Trong nhà lại còn cô Huyên, hai mươi tuổi cháu kêu bằng chú ruột, vì cha khuất sớm mẹ ở bên Sa Đéc thì nghèo, nên ông Huyện đem về nuôi đặng chơi với con gái ông cho có bạn. Nghe nói sẽ có khách thì cô Túy với cô Huyên lăng xăng lo giúp với bà Huyện mà sắp đặt cuộc tiếp khách, song cô Huyên thì giúp thiệt, còn cô Túy thì lo son phấn và lo áo quần nhiều hơn.
    Đúng năm giờ chiều, có một chú hầu đi theo chỉ đường. Ông Huyện bà Huyện ra ngoài cửa mà tiếp chào và rước vô nhà. Cô Túy với cô Huyên đứng trong, chừng khách vô, hai cô cũng cúi đầu chào đủ lễ.
    Chủ nhà mới khách đi thẳng vô bộ sa-lông lớn để phía trong mà ngồi, rồi hai cô bưng trà đãi khách. Bà Huyện nói với bà Chủ quận:
    -Tôi chưa kịp đi thăm bà lớn, mà bà lớn đến thăm vợ chồng tôi trước, thiệt tôi có lỗi nhiều lắm.
    - Với người ta thì vợ chồng tôi phải giữ gìn cho hạp lễ nghĩa, chớ với ông Huyện bà Huyện thì vợ chồng tôi đi thăm trước không hại chi hết. Xin bà Huyện đừng ái ngại. Hai cô đây là con của bà Huyện phải hôn?
    -Bẩm, con nhỏ là con, còn con lớn là cháu kêu ông Huyện tôi bằng chú.
    Quan Chủ quận liền hỏi ông Huyện:
    - Ông Huyện có được mấy cậu mấy cô hết thảy?
    - Bẩm, tôi có ba đứa con, một trai hai gái. Thằng con trai lớn của tôi, hai mươi mốt tuổi, thi đậu Thơ toán, quan trên mới cấp bằng cho nó làm việc tại Sài Gòn chừng vài tháng nay. Con Túy đây là con kế đó, năm nay mười bảy tuổi. Còn đứa con út, tên Ngọ, mười tuổi, còn học tại trường Ô Môn.
    - Cậu lớn làm Thơ toán trên Sài Gòn đó tên chi?
    - Bẩm, nó tên Thanh.
    - Có vợ con rồi hay chưa?
    - Bẩm, chưa có vợ. Vợ chồng tôi đương lo kiếm chỗ mà định đôi bạn cho nó, song kiếm chưa được.
    - Còn cô ba đây, ông Huyện đã có hứa nơi nào hay chưa?
    - Bẩm,chưa. Nó còn nhỏ, để lo cho anh nó rồi sẽ hay.
    Em Ngọ, là con Út của ông Huyện, đi học về nó vừa bước lên thềm, nó ngó thấy trong nhà có khách, nên thối lui mà đi vòng ra ngã sau. Bà Chủ quận ngó thấy, liền biểu kêu nó ra cho bà biết mặt. Em Ngọ phải ra chào khách. Cô Túy với cô Huyên coi cho người ở bưng ly và rượu ra đặng đãi khách. Quan Chủ quận cãi rằng:
    -Tôi xin khai thiệt, vợ chồng tôi không biết uống rượu. Xin ông Huyện bà Huyện bãi rượu đi, để dùng trà mà thôi.
    Muốn làm vừa lòng khách, nên ông Huyện phải dạy bưng rượu vô. Quan Chủ quận thình lình hỏi ông Huyện:
    - Ông Huyện có lẽ biết tôi chớ?
    - Bẩm. Tôi xin lỗi...Tôi không...nhớ.
    - Cách mười hai năm trước, tôi có xuống nhà ông Huyện một lần.
    - Lâu quá, nên tôi quên.
    - Tôi là con của ông Hương sư Kinh hồi trước ở trên Thốt Nốt đây. Hôm qua ông đi với mấy vị điền chủ đến thăm tôi. Tôi ngó thấy thì tôi nhớ ông liền. Nhưng vì hôm qua không có giờ nhiều, nên tôi không hỏi thăm ông bà được. Bữa nay rảnh, vợ chồng tôi mới vô thăm ông bà.
    - Bẩm, hôm có giấy đổi quan lớn lại đây, thì tôi có nghe người ta nói quan lớn là con của anh Hương sư. Nghe như vậy tôi có lòng mừng, song không biết tin ấy thiệt hay không, nên tôi không dám hỏi. Đức Khổng Tử dạy về đại hiếu, ngài có nói rằng:"Lập thân hành đạo dương danh ư thế hậu,dĩ hiển phụ mẫu,hiếu chi chung dã ". Quan lớn học thành tài rồi ra trị dân giúp nước, làm rỡ ràng cho cha mẹ như vầy, thì quan lớn trọn thảo với cha mẹ lắm. Tôi lấy làm mừng cho quan lớn. Chị Hương sư hôm nay đã trộng tuổi rồi, chị còn ở trên Thốt Nốt hay là theo quan lớn?
    - Má tôi mất, đã mản tang hôm tháng chạp.
    - Ủa ! Vậy hay sao?... Chị mất tôi không hay chút nào hết.
    - Khi tôi học xong rồi, tôi ra giúp viẹc với Nhà nưóc, thì tôi đem má tôi theo đặng mẹ con gần nhau. Hồi năm kia tôi tùng sự tại Sài Gòn. Má tôi có bịnh rồi mất ở trển.
    - Thiệt tôi không hay. Tôi với anh Hương sư hồi trước là bạn nho học với nhau,nên tôi thương ảnh lắm. Chẳng may ảnh khuất sớm, làm cho tình bằng hữu mất đi. Tưởng là chị Hương sư được sống, té ra chị cũng mất nữa. Ở đời sự còn mất, thiệt không biết sao mà liệu trước được.
    - Tôi làm nên thì cha mẹ đã mất hết, không còn mà chung hưởng chút phú quí với tôi. Hễ tôi nghĩ đến chỗ đó thì tôi tủi phận lắm.
    - Người có hiếu, dẫu làm việc gì, dẫu ngồi địa vị nào, cũng không quên công ơn của cha mẹ. Quan lớn được cao sang, mà quan lớn biết tiếc không còn cha mẹ đặng chung hưởng với quan lớn, bao nhiêu đó đủ chỉ rõ quan lớn là người có hiếu. Sự còn mất là tại mạng trời định, tôi tưởng quan lớn chẳng nên buồn lắm. Ngày nay quan lớn làm nên, tuy không còn cha mẹ mà nuôi dưỡng, song quan lớn lập được thanh danh làm cho vong linh của cha mẹ được rỡ ràng, rồi ngày đêm quan lớn còn biết suy ân niệm nghĩa nữa, đó cũng là một cách trả thảo cho đứng sanh thành, chẳng lựa là phải nuôi dưỡng. Ấy vậy tôi xin quan lớn nên vui, chớ chẳng nên buồn.
    - Hồi tôi còn nhỏ, ông thân tôi thường dặn tôi hễ bước chân vào đường đời thì phải lấy câu này mà định tâm:"Tri mạng, thuận thời, thịnh thiên." Tôi vẫn nhớ lời dặn ấy hoài, nhờ vậy mà tôi bớt buồn được chút đỉnh. Thiệt , đối với vong linh của cha mẹ tôi, thì tôi buồn mà thôi, chớ tôi khỏi hổ. Tuy vậy mà tôi nghĩ tôi lập được thân danh, làm rỡ ràng chút ít cho vong linh của cha mẹ đây, phần nhiều là nhờ có lòng quảng đại của ông Huyện bà Huyện giúp tôi hồi trước, nên tôi mới lập thân được. Ơn nghĩa ấy tôi hằng nhớ hoài, chẳng bao giờ tôi quên; bởi vậy đến Ô Môn từ hôm qua, thì tôi trông có chút thời giờ rảnh đặng vợ chồng tôi đến thăm ông Huyện bà Huyện mà tỏ lòng còn nhớ ơn xưa.
    - Xin lỗi quan lớn, có ơn gì đâu mà quan lớn phải tỏ.
    - Sao lại không ơn ! Chớ còn đợi sao nữa mới gọi là ơn được ! Ngày ông thân tôi mất, trong nhà không còn một đồng tiền. Có mười mẫu đất thì ông thân tôi đã cố cho ông Huyện, mà còn mắc nợ riêng của bà Huyện mấy trăm đồng bạc nữa. Trong nhà má tôi thì yếu đuối, lại phải nuôi một bầy con thơ. Tôi là lớn, mà tôi đương học nửa chừng, làm sao giúp đỡ má tôi. Hồi đó tôi chắc tôi phải thôi học. Còn tiền đâu mà học nữa; mà đi học nữa thì sao má tôi có cơm mà nuôi sắp em tôi. Lúc ấy cảnh gia đình của tôi khốn khổ buồn thảm hết sức. Cảnh ấy xảy ra cách mười năm trước, mà đến ngày nay tôi vẫn còn thấy tỏ rõ trước mắt tôi hoài. Tôi còn nhớ, một buổi sớm mơi, trời mưa lâm râm, má tôi dắt tôi xuống Ô Môn mà thăm ông Huyện bà Huyện. Trong lòng mẹ con tôi chứa chan sầu não cũng như cảnh trời mưa lâm râm đó vậy. Má tôi xin với ông Huyện cho mẹ con tôi đoạn mãi mười mẫu đất đặng trừ luôn số nợ thiếu bà Huyện cho thanh thỏa, chờ không thể nào trả số nợ ấy cho nổi. Ông Huyện bà Huyện theo an ủi má tôi, cầm mẹ con tôi ở ăn cơm, rồi ông lấy bằng khoán ruộng, bà lấy giấy nợ mà đưa hết lại cho má tôi, ông bà nói rằng ông bà cho ruộng lại đặng má tôi làm mà nuôi em tôi và cho luôn hết nợ nần khỏi trả. Ai mà có lòng quảng đại đến như vậy? Ơn đó còn ơn nào lớn hơn?
    Quan Chủ quận nói tới đó rồi động lòng nên ngài ứa nước mắt, không nói được nữa, làm cho bà Chủ quận và ông Huyện bà Huyện cũng cảm xúc. Muốn đổi cái không khí buồn bực ấy ra vui vẻ một chút nên ông Huyện đáp:
    - Tôi với anh Hương sư hồi trước là bạn đồng đạo. Tại cái mạng ảnh không được làm giàu, nên ảnh làm việc gì cũng thất bại hết thảy. Hồi ảnh còn sanh tiền thì tôi giúp đỡ ảnh chút đỉnh, chớ có phải cho vay đặt nợ chi đâu. Chẳng may ảnh khuất thì thôi; nếu vợ chồng tôi làm theo ý chị Hương sư làm sao mà nuôi con cho được. Việc vợ chồng tôi làm đó là việc thường, người biết điều ai cũng phải làm như vậy, có lạ chi đâu. Chẳng cần quan lớn phải hạ mình mà tạ ơn.
    - Người làm ơn dẫu không muốn cái ơn của mình làm, mà người chịu ơn không được phép quên cái ơn của mình chịu. Tôi nhớ ông thân tôi hồi trước hay nói:"Bất suy ân,vô dĩ bảo thế tử ". Tôi thọ ơn của ông Huyện bà Huyện,mà tôi không thèm nhớ, thì làm sao tôi nên được. Huống chi nhờ có ông Huyện bà Huyện trả ruộng hủy nợ, má tôi mới có thể nuôi sống sắp em tôi, tôi mới có thể học đến thành chung rồi được làm quan đây. Ấy vậy tôi lập được thân danh mà trả thảo cho cha mẹ là nhờ ơn ông Huyện bà Huyện giúp cho tôi đó. Ơn nghĩa ấy chẳng bao giờ tôi quên được. Vì vậy nên đổi lại đây vợ chồng tôi phải lật đật đến mà cám ơn ông Huyện bà Huyện.
    - Nếu thiệt nhờ việc nhỏ mọn của vợ chồng tôi làm năm trước mà quan lớn mới được trọn thảo với cha mẹ, thì vợ chồng tôi vui trong lòng lắm. Sự vui ấy là cái phần thưởng xứng đáng của trời ban cho vợ chồng tôi rồi, quan lớn khỏi phải nhọc lòng nhớ tới việc ấy nữa.
    - Lời khiêm nhượng ấy càng làm cho tôi kính mến ông Huyện nhiều hơn nữa. Tôi đến đây, bổn tâm của tôi có hai mục đích, thứ nhứt đến đặng cám ơn, thứ nhì đến đặng hỏi việc nầy, tôi làm quan, tôi phải giữ thái độ nào mà trị dân cho hiệp với đạo đức thảo thân của tôi, mà cũng hiệp với nghĩa vụ của đứng dân chi mẫu và cho vẹn toàn cái trách nhiệm của Nhà nước phó thác cho tôi? Vì ông thân tôi khuất sớm nên tôi không được hấp thụ cái gia đình giáo dục cho nhiều. Ông Huyện là bạn đồng đạo của ông thân tôi, lại có ơn tác thành tôi, nên tôi trọng cũng như thân sanh tôi vậy. Tôi xin ông làm ơn chỉ giáo giùm cái cái đường phải cho tôi đi đặng khỏi thất hiếu với kẻ sanh thành tôi, khỏi trái với nghĩa vụ của tôi và khỏi lỗi với trách nhiệm của nhà nước vì tin cậy nên phó thác cho tôi.
    Ông Huyện Tân thuở nay chưa từng nghe ai vấn kế về một câu chuyện quan hệ mà lại cao thượng như vậy, bởi vậy ông nghe quan Chủ quận nói dứt lời rồi thì ông ngẩn ngơ, không biết phải đáp thế nào cho xứng với ý tứ của người hỏi. Ông ngồi suy nghĩ, sực nhớ lời của Trịnh Cung đối đáp với Khổng phu tử trong sách Luận ngữ, ông hội ý mới đáp với quan Chủ quận:
    - Theo ý tôi,quan lớn trị dân, quan lớn thiệt hành năm chữ nầy:"Cư kỉnh nhi hành giãn" thì có lẽ quan lớn khỏi lỗi với nghĩa vụ, mà cũng khỏi lỗi với trách nhiệm.
    -"Cư kỉnh nhi hành giãn" nghĩa là sao?
    - Nghĩa là lúc bình thường, đối với quan lớn thì phải thận trọng dè dặt, đừng để trái với lương tâm, rồi đến lúc hành chánh, đối với nhân dân, thì quan lớn phải quảng đại dễ dàng, đừng câu chấp việc nhỏ.
    - Tôi rất cám ơn ông Huyện. Tôi sẽ dùng câu ông dạy tôi đó mà làm biểu hiện để trị dân.
    - Tôi xin quan lớn hãy xét lại ; Tôi thuộc phái cựu học. Tôi sợ e ý và lời của tôi không hợp thời chăng?
    - Lời đạo đức thì hợp thời luôn luôn, dầu đời tấn hoá đến bậc nào đi nữa cũng không bỏ đạo đức được. Tôi tin chắc như vậy.
    - Quan lớn làm quan mà quan lớn tôn trọng đạo đức thì quí báu biết chừng nào.
    - Ông quan nào cũng phải vậy, chớ nào phải một mình tôi hay sao mà ông khen. Nếu không lấy đạo đức mà trị dân thì làm sao mà được người ta kêu là "dân chi phụ mẫu ".
    - Bẩm,quan lớn nói phải lắm.
    Quan Chủ quận ngó cô Túy rồi hỏi ông Huyện:
    - Sao ông không cho cô em đây đi học?
    - Tôi ít con, nên má nó cưng nó lắm, không chịu rời nó ra. Nó học trường Ô Môn, hồi năm kia thi đậu bằng sơ học rồi có lên Sài Gòn học vài năm, má nó nhớ nên bắt nó ở nhà, không cho đi học nữa. Tôi nghĩ con gái học chút đỉnh đủ biết thì thôi, học nhiều mà không đi làm việc thì không dùng chi hết, bởi vậy tôi cũng xuôi theo,không ép đi học thêm.
    - Ở nhà mà không có công việc chi làm hết, thì có lẽ cô em buồn chớ.
    - Nó đọc tiểu thuyết và nhựt trình tối ngày, có ở không đâu.
    - Theo ý tôi thì nên cho cô em đi học hơn là cho đọc tiểu thuyết.
    - Nó mê tiểu thuyết lắm, quyển nào hễ xuất bản thì nó có hết thảy. Hai năm nay nó mua mà đọc rồi để dành đầy một tủ.
    - Không tốt. Con gái không nên đọc tiểu thuyết. Mà cô đọc thì phải lựa thứ nào hợp luân lý sẽ cho đọc, bởi vì tiểu thuyết đời nay xen lộn nhiều bộ tồi phong bại tục thái quá. Đàn bà con gái mà đọc những bộ dâm thơ ấy thì phải loạn trí não; đọa tánh tình.
    - Vậy hay sao? Tôi không dè. Để tôi biểu nó đừng có đọc nữa.
    - Xin ông phải cần lưu tâm về việc ấy. Có con, nhất là con gái, phải lựa sách mà cho nó đọc, chẳng nên để nó đọc thong thả.
    - Cám ơn quan lớn.
    Bà Chủ quận đi xem nhà cửa rồi bà trở ra phòng khách. Trời gần tối nên quan Chủ quận từ giã mà về, hứa khi nào rảnh rỗi sẽ vô nói chuyện chơi lâu hơn.
    Ông Huyện bà Huyện đưa khách ra tới ngoài cửa rào rồi mới từ biệt nhau.Chừng đi trở vô,ông Huyện nói với bà:
    - Anh Hương sư Kinh sanh con như vậy thiệt là có phước, mà dân xứ nầy có được quan Chủ quận đó thiệt cũng có phước lắm.
    
    
- o O o -

    
    Cách mười ngày sau. Một buổi chiều,ông Huyện Hàm Tân thay đổi y phục, sửa soạn ra ngoài quận đặng đi dự đám cúng thần Cầu an dưới làng Tân Thới với quan Chủ quận.
    Bà Huyện mở tủ lấy cái khăn đem đưa cho ông và nói:
    - Người mua nhà của Xã Nhẫn đã về ở mấy bữa rày.
    - Phải,tôi ngó thấy... Bà cứ nói cái nhà đó hoài. Tiếc làm chi không biết.
    - Uổng lắm chứ, tôi tiếc hoài. Để họ ở ít ngày rồi coi như họ muốn bán thì tôi mua lại, dầu mắc hơn đôi ba trăm tôi cũng mua.
    - Mua làm chi không biết.
    -T ôi mua rồi tôi dỡ cái nhà đặng mở rộng vườn của mình qua phía đó.
    - Chớ chi tôi dè bà muốn quá như vậy thì hôm trước tôi đấu giá mà mua cho.
    - Tôi có nói, tại ông làm lơ, nên tôi không dám đốc nữa.
    - Có lẽ người mua đó ở không lâu đâu.
    - Sao ông biết họ ở không lâu?
    - Nhà văn sĩ mà về vườn thì buồn quá, ở lâu sao được.
    - Văn sĩ hay sao?
    - Ừ,nghe Hương quản nói người đó viết tiểu thuyết hay lắm.
    - Hừ !... Viết tiểu thuyết hay?... Ông nào vậy kìa?... Con Túy nó biết tên mấy tiểu thuyết gia hết thảy, hễ nói tên thì nó biết liền.
    - Nghe nói tên Chí Cao, Chí Thấp gì đó không biết.
    Cô Túy ở trong buồng lật đật bước ra nói:
    - Té ra người mua nhà của Xã nhẫn đó là ông Chí Cao hay sao? Ông Chí Cao là tiểu thuyết gia trứ danh đa ba. Ông viết được gần mười bộ tiểu thuyết, bộ nào cũng thâm thúy đặc sắc. Con xem những tác phẩm Một đóa hoa hường, Dưới bóng trăng thanh, Nhắn bạn Hằng Nga của ông con phục tài ông lắm. Được ông về đây ở gần thì qúi hóa biết chừng nào.
    Ông Huyện đứng ngó con trân trân, đợi con nói dứt rồi ông mới nói:
    - Con thích tiểu thuyết dữ ! Tính ham đọc sách là tính tốt. Nhưng mà phải lựa sách mà đọc, chẳng nên đọc những dâm thơ. Ba muốn con mua sách luân lý mà đọc, chớ đừng có đọc tiểu thuyết nữa.
    Bà Huyện tiếp mà đáp thế cho con:
    - Sách luân lý đọc buồn quá, con nít có chịu đọc đâu.
    - Buồn mà có ích, vui mà hư tánh nết, thì vui làm chi.
    Bà Huyện với cô Túy không dám cãi. Ông Huyện từ vợ con mà đi ra dinh quận. Bà Huyện chúm chím cười mà nói với cô Túy:
    - Té ra người mới dọn về ở là Chí Cao.
    - Quyển Nhắn bạn Hằng Nga con mới đọc cho má nghe bữa hôm đó,má nhớ hay không má?
    - Nhớ.
    - Hay lắm phải hôn?
    - Ừ,hay.
    - Tác giả tả cảnh tả tình, dùng điệu văn réo rắt, khiến cho người đọc có khi phải bàng hoàng rồi mơ mộng, có khi phải suy nghĩ rồi bồi hồi. Tiểu thuyết nhu vậy mà ba chê chớ.
    - Ba con theo xưa tự nhiên không ưa sách đời nay. Con đừng có khen tiểu thuyết trước mặt ba con nữa.
    - Để con lựa những tác phẩm của ông Chí Cao con để riêng đặng con đọc lại. Các tiểu thuyết bây giờ con thích văn của Chí Cao hơn hết...
    Cô Túy ngó ra ngoài trước mà kêu bà Huyện mà nói:
    - Má, ai đi vô kìa... Phải ông Chí Cao đó hay không?
    Bà Huyện ngó ra, thấy một người trai tráng ngoài cửa ngõ chẫm hẫm đi vô sân, đầu chải láng muốt, mình mặc một bộ đồ túc so may thiệt khéo, nút gài thẳng băng, túi trên giắt một cái khăn lụa màu khói nhang để ló ra ngoài một góc. Người ấy vừa đi vừa ngó hoa kiểng hai bên, bộ hân hoan, mặt sáng sủa. Khoan thai bước lên thềm, bộ không bợ ngợ chút nào hết, người ấy đi ngay vô cửa giữa, thâý bà Huyện với cô Túy ở trong nhà đương chong mắt ngó mình, thì đứng lại cúi chào rất có duyên mà trúng lễ, rồi chúm chím cười và nói:
    - Tôi là văn sĩ Chí Cao, mới dọn vể ở một bên đây, vì sợ thất lễ xã giao, nên lật đật đến xin ra mắt quan Huyện bà Huyện đặng trước dâng câu phước, sau kết niềm lân cận.
    Nghe xưng Chí Cao thì bà Huyện cô Túy đều mừng, bà mừng vì có dịp hỏi thăm miếng đất, cô mừng vì biết mặt tiểu thuyết gia mình ưa, bởi vậy hai mẹ con đều vui vẻ cúi đầu đáp lễ. Bà Huyện liền mời Chí Cao vô nhà và nói:
    - Ông mới đến thăm lần thứ nhất mà rủi quá, ông Huyện tôi không có ở nhà, mới đi ra ngoài dinh đặng đi làm cúng đình với quan lớn.
    Chí Cao cười mà đáp:
    -Rủi thiệt, nhưng mà quan Huyện đi khỏi, song có bà ở nhà, thì sự rủi của tôi chỉ mới nửa phần mà thôi, chớ chưa đến nổi rủi hoàn toàn.
    Vì theo đời nay cái lễ nam nữ giao tiếp đã nới rộng ra nhiều, lại cũng vì bà Huyện muốn làm quen đặng hỏi thăm miếng đất, bởi vậy bà mời Chí Cao ngồi tại phòng khách phía ngoài rồi dạy cô Túy biểu gia dịch đem nước và thuốc mà đãi khách. Bà Huyện bước qua ngồi tại bộ ván ngang đó và hỏi:
    - Ông mua cái nhà Xã nhẫn đó hay là ông mướn?
    - Thưa tôi mua, đấu giá mua giữa Toà.
    - Ông là văn sĩ mà ông mua vườn ông ở sao được.
    - Thưa, tôi chán cái thú thành thị rồi, chộn rộn quá không thể suy nghĩ đặng nảy nở ra một tư tưởng gì hết. Tôi mua vườn về ở đây, chủ tâm của tôi và tìm chốn thanh tịnh để nằm đọc sách, để ngồi suy tưởng, rồi viết tiểu thuyết mà cống hiến cho đồng bào.
    - Tôi chắc ở đây buồn rồi ông không ở lâu đặng.
    - Xin lỗi với bà, tôi đã quyết chí lánh chỗ vui, tìm chỗ buồn, nếu chỗ này buồn, theo như lời bà nói, thì tôi thích ở lắm chớ.
    - Ông mua vừa nhà vừa đất hết thảy bao nhiêu?
    - Thưa, kể luôn về sở phí hết thảy hơn sáu trăm, mà tôi còn phải tốn tiền sửa nhà nữa. Ngưòi ta nói tôi mua mắc. Thưa bà, theo ý bà thì mắc hay rẻ?
    - Mắc một chút, bởi vì đất ít, mà cái nhà lại cũ.
    - Dầu mắc thì tôi cũng vui bởi vì trước nhà có rạch, chung quanh có vườn, cái cảnh êm đềm trù mật đó nó có thể trau dồi tâm hồn, nắn đúc tư tưởng cho tôi viết tiểu thuyết được thì thôi. Đã vậy mà tôi còn được ở gần một bên bà với quan Huyện thì chỗ ở của tôi càng quí lắm vậy.
    - Ông ở đây đặng viết tiểu thuyết mà thôi chớ không tính làm việc chi khác nữa hay sao?
    - Thưa bà, nhà văn sĩ thì chỉ biết viết văn, viết có mệt mỏi thì nằm lim dim mà mơ mộng chớ có biết việc chi khác đâu mà làm.
    Cô Túy nãy giờ ngồi phía sau bà Huyện mà nghe nói chuyện,bây giờ cô mới xen vô mà hỏi Chí Cao.
    -Thưa ông,những tác phẩm của ông đã xuất bản rồi đó, ông xuất vốn in mà bán,hay là ông nhượng bản quyền cho họ xuất bản.
    -Tôi có một mình,ngày như đêm cứ cặm cụi ngồi viết hoài, không có giờ mà lo việc chi khác. Mình viết tiểu thuyết nhất là tên của mình được công chúng yêu mến, nếu mình ra tiền xuất bản mà bán thì có lời nhiều. Ngặt vì văn sĩ không có cái óc thương gia, nên bán sách bất tiện nhiều bề lắm. Tại như vậy nên tôi phải buộc lòng nhượng bản quyền cho ấn quán họ xuất bản.
    - Thưa, tiểu thuyết của ông, quyển nào cũng được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt. Ông nhượng quyền cho người xuất bản, thì họ lời nhiều lắm.
    - Thưa cô, tôi dư biết việc đó, nhưng mà biết làm sao bây giờ?
    - Ông nhượng quyền cho họ xuất bản như vậy, mỗi tác phẩm họ trả cho ông bao nhiêu tiền?
    - Không có giá nhất định, hoặc 500 trăm, hoặc 300, tùy theo tác phẩm dài hay ngắn. Theo lời cô hỏi tôi đó, thì tôi chắc cô có đọc tiểu thuyết của tôi.
    - Thưa, phải. Các tác phẩm của ông, em có mua mà đọc đủ hết.
    - Mua nhà về ở đây, tôi không dè đã có sẵn một độc giả rất xinh đẹp ở một bên tôi chớ. Tôi cưới người giống như trí mình tưởng tượng vậy thì mới được. Tại như vậy đó nên khó kiếm vợ một chút.
    - Ông kén lựa quá như vậy thì làm sao mà có vợ cho được. Đời này sợ không có người như cô Thanh Xuân trong tiểu thuyết Nhắn bạn Hằng Nga đó đâu.
    - Xin bà cho phép tôi cãi lời bà mới nói đó. Trong chốn thâm sơn thì có đá với cây mà thôi. Tuy vậy mà nếu người ta gay công tìm kiếm, thì người ta cũng lượm được nhiều cục ngọc quí vô giá. Ấy vậy ở chốn dương gian này có lẽ nào lại không có người đẹp để mà cao thượng như cô Thanh Xuân. Tôi vẫn tin chắc phải có, bởi vậy tôi cứ bền lòng mà tìm hoài, tìm cho được cô Thanh Xuân tôi mới phỉ dạ.
    - Tôi sợ ông tìm thất công mà không gặp đâu.
    - Dầu mình không có duyên mà gặp được, mà mình có chí tìm kiếm, thì lúc mình tìm đó mình nuôi cái hy vọng sẽ tìm được, tự nhiên sự sống của mình cũng được vui vẻ trong cảnh mơ mộng.
    Bà Huyện không muốn kéo câu chuyện ra dài thêm nữa, nên bà không đáp lời. Chí Cao lại không muốn về, nên chàng hỏi bà:
    - Té ra bà cũng có đọc tiểu thuyết của tôi nên bà mới biết cô Thanh Xuân?
    - Con nhỏ nó có mua, nên khi nào rảnh thì tôi xem chơi, chớ tôi không có giờ mà đọc hết.
    - Xin bà chịu khó đọc cho đủ các tác phẩm của tôi, thì bà mới chịu thấu hiểu tâm hồn của tác giả được.
    Bà Huyện quyết dứt câu chuyện nên bà day lại phía sau mà nói nhỏ với cô Túy, khuyên cô đi vô trong biểu gia dịch lo dọn cơm. Cô Túy đi rồi, bà Huyện liền đứng dậy mà nói với Chí Cao:
    - Ông qua thăm vợ chồng tôi, tôi rất cám ơn. Để ông Huyện tôi về rồi tôi sẽ thưa lại cho ông Huyện tôi hay, đặng bữa nào rảnh ông Huyện ông Huyện tôi sẽ trả lễ.
    Chí Cao muốn ngồi lâu nữa, song thấy cử chỉ rồi nghe câu nói của chủ nhà như vậy, thì hiểu người ta tỏ ý muốn mình đi về, bởi vậy chàng thủng thẳng đứng dậy và nói:
    - Thôi để bửa nào có quan Huyện ở nhà rồi tôi sẽ qua đặng làm quen với ngài. Tôi ở gần, hai nhà qua lại đàm luận chơi, chắc là vui lắm.
    Chí Cao vừa nói vừa đi lần ra cửa. Bà Huyện cũng đi theo, ý muốn đưa khách, song bà đi xa xa. Chí Cao ngó bà vừa cười vừa nói nho nhỏ:
    - Có lẽ bà quên tôi, chớ tôi biết bà từ hồi bà còn xuân xanh chưa có chồng.
    Bà Huyện chưng hửng. Chí Cao nói tiếp:
    - Tôi là con của ông thầy giáo Sum, hồi còn nhỏ chúng ta ở một dãy phố với nhau dưới Cần Thơ, bà nhớ hôn?
    Bà Huyện tỉnh táo đáp:
    - Tôi biết thầy giáo. Còn ông thì tôi quên.
    Chí Cao nói:
    - Lúc bà lấy chồng thì tôi mới mười hai mười ba tuổi. Tuy lúc ấy tôi còn con nít nhưng mà tôi đã biết mến nết na đằm thắm của bà... Đã hơn hai mươi năm rồi, mà cái vẻ đẹp ấy vẫn còn y nguyên, chưa phai lợt chút nào hết.
    Nghe mấy lời ấy, bà Huyện vừa mắc cở, vừa tức giận, bà muốn mắng đứa vô lễ đặng răn dạy nó về sau, nhưng vì sợ làm vỡ lỡ mang tiếng mà gây buồn cho chồng, nên bà dằn lòng mà nói:
    - Ông đi về đi.
    Chí Cao cứ cười chúm chím mà nói tiếp:
    - Bà là cô Thanh Xuân của tôi tả trong quyển tiểu thuyết Nhắn bạn Hằng Nga đó.
    Bà Huyện xây lưng vô, phiền giận cành hông, đỏ au sắc mặt.
    

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 5 (Kết Thúc)
Cư Kỉnh
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
 
Những Khác