Từ ngoài cửa ra vào, có ánh mắt tràn đầy nỗi u sầu nhìn về phía ngôi nhà, nước mắt trực trào rơi xuống những bông hồng đỏ sẫm như máu đang lấp ló gần chân anh. Những bông hoa thật xinh đẹp nhưng trông thật u buồn vì giọt nước mắt của anh đã bao phủ lên những cánh hoa ấy, anh đang bồn chồn xem xét lại mọi thứ xung quanh, như thể đang đoán trước một sự kiện khủng khiếp nào đó. Với mái tóc đã sớm bạc, đôi mắt to và sự mệt mỏi hiện rõ như sắp rơi vào một cái hố sâu, khuôn mặt mờ nhạt, một người đàn ông cao và hơi gầy tưởng như đang dần chết ngạt vì những suy nghĩ buồn bã mà anh đã phải chịu đựng. Những suy nghĩ đáng lo ngại ấy đã được thể hiện hết trên bộ mặt của anh. Từ những thông tin mà anh vừa nghe được, não anh dường như bị tước đi khả năng hiểu biết những gì đang xảy ra.
Sau bao năm mong mỏi, giờ anh mới tìm được cơ hội về với mảnh đất quê hương. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, sau khi bị thương, anh bị bắt đưa đi, từ đó tình yêu Tổ quốc trong anh không bao giờ rời xa. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, khi đối mặt với cái chết, niềm tin và tình yêu cuộc sống vẫn không thể làm mất đi ý chí của con người. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cuộc chia ly này kéo dài đã mười sáu năm.
Chiếc xe buýt rời khỏi Baku lúc nửa đêm, đến trung tâm quận vào buổi sáng. Để tìm một chiếc xe trong làng quê của mình, anh sải rộng những bước chân tới chiếc xe buýt nhỏ. Cuối cùng, anh bước vào, ngồi xuống một trong những chiếc ghế ở hàng cuối cùng và nhìn ra ngoài cửa sổ, quan sát quang cảnh, mọi thứ xung quanh. Trạm xe buýt được chuyển đến khu vực phía Nam của thành phố và cũng được cải thiện hiện đại hơn. Ở đây, cây cối được trồng thành một hàng và chúng phát triển đáng kể, trong cái nóng của mùa hè này, với những chiếc lá to đại như vậy, chúng đã có thể bảo vệ con người thoát khỏi ánh nắng mặt trời nóng bức. Đôi khi có một cơn gió yếu ớt làm những chiếc lá lay động, khiến anh vui sướng và thích thú, như thể anh đã sẵn sàng sải rộng đôi cánh muốn bay lên trời cao. Tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng người qua lại, và tiếng xe cộ đã tạo nên một khung cảnh hỗn hợp ồn ào.
Cuối cùng, vài phút sau chiếc xe buýt rời khỏi bến xe.
Chiếc xe qua một công viên mới, trong giây lát anh đã nhìn thấy tượng đài được xây bên đó. Dù có cố gắng thế nào, anh cũng không thể nhớ nổi tượng đài ấy là gì. Có lẽ nó mới được xây. Cảnh tượng về chàng hiệp sĩ này, với thanh kiếm giơ cao, trông thật giống với hình ảnh trong tác phẩm của nhà thơ Azerbaijan vĩ đại Nizami Ganjavi “Khosrov và Shirin”, nơi Farkhad đã rơi vào lưới tình với Shirin, đập tan những tảng đá trên núi Bisutun. Nhưng anh nghĩ việc hỏi người khác về điều đó là việc không cần thiết. Bởi vì, anh đã định không tiết lộ danh tính của mình cho bất kỳ ai. Chỉ sau khi tìm hiểu thông tin chi tiết về gia đình và bạn bè, anh mới có thể tiết lộ danh tính của mình.
Chiếc xe buýt rẽ trái trước nhà ga, chầm chậm chạy về phía ngôi làng mà bao năm nay anh mong chờ được đến.
Việc gặp gỡ gia đình và bạn bè có thể khiến anh trật đi một nhịp tim. Trong thâm tâm, anh đang cố gắng chịu đựng một cảm giác lo lắng khó tả nào đó. Nó biến trái tim anh thành một tượng đài làm bằng đá hoa cương và cũ kĩ theo năm tháng, như một bông hoa héo úa với một ước mơ nhen nhóm, anh mơ được sang bên kia bờ sông Agstafa.
Hít một hơi thật sâu, đưa một mùi hương dễ chịu vào phổi, anh nhìn ra ngoài khung cửa sổ, cố gắng ghi nhớ hết những hình ảnh đã thay đổi trong trí nhớ của mình.
Chợt, anh bỗng nhớ lại mảnh ký ức tuyệt vời còn sót lại của thời thơ ấu. Anh cảm thấy mình như một đứa trẻ. Vào một ngày mùa thu, trở nên cao hơn so với người thân xung quanh, thân người gầy gò, cậu bé là anh khi ấy vui vẻ đi trên con đường lầy lội hướng về phía trung tâm quận.
Dù chân lấm tay bùn, quần áo lấm lem bùn đất, cậu vẫn vui cười, mừng rỡ gấp bội vì được mẹ mua cho chiếc quần mới ở khu chợ tập thể nông trường. Cậu nghĩ, “Mình sẽ khoe các bạn cùng lớp bộ quần áo mới của mình. Mặc dù chiếc áo sơ-mi trắng của anh trai mình phần cổ đã bị sờn, nhưng mẹ đã gập ngược lại và may nó lại, to hơn một chút với chiếc quần tây mới mua. Đôi giày ba-ta trông vẫn bình thường, vẫn có thể đi được.”
Cũng vào buổi tối hôm đó, mặc bộ quần áo mới, cậu liền chạy tới chỗ bố khoe:
- Bố, hãy nhìn này, quần mới thật đẹp làm sao, - hết sức mừng rỡ, cậu nói tiếp - Con thích màu xanh lam lắm”.
Người bố, Amiraslan, ngắm con trai ông từ trên xuống dưới:
- Ừ, con trai, trông chúng rất hợp với con, chỉ có chiếc quần là hơi dài một chút. Con cần phải có một chiếc thắt lưng - Nói rồi ông gọi vợ mình - Amina, đem ra đây chiếc thắt lưng cũ của tôi nào.
Amina tìm thấy một chiếc thắt lưng trong tủ và đưa nó cho con trai. Chiếc thắt lưng thật dài, bố cậu phải dùng dao cắt bỏ đi một phần, ông dùng chiếc dùi nhỏ đục những chiếc lỗ mới trên thắt lưng.
Anh Rahman đứng bên cạnh cũng ngắm anh từ trên xuống dưới. Sau đó, chiếc quần lập tức trở nên vừa vặn với một chiếc áo sơ-mi trắng muốt như thể nó là chiếc áo mới vậy.
- Ahmed, con trai, con cảm thấy chúng như thế nào, - người mẹ nói, kéo con trai vào lòng và thơm nhẹ.
Những cảm giác dễ chịu này làm cho tâm hồn cậu tràn đầy sự thích thú, phấn khởi. Đó là cảm giác mà không một thế lực nào khác có thể mua được trong bất kỳ thời điểm nào.
Việc anh sớm gặp lại cha, mẹ, anh trai, người bạn đời Gatiba và cậu con trai duy nhất Huseyn dường như đã thôi thúc anh, và anh đã cố gắng đi thật nhanh để có thể gặp được họ. Ban đầu, anh tự hứa với bản thân sẽ không nhờ vả bất cứ ai. Nhưng anh không thể chịu đựng được khi chiếc xe buýt chạy tới một dải rừng, hỏi thăm một người đang ngồi ở đó, người đàn ông ấy tên là David, hẳn ông đã già hơn trước rất nhiều.
- Xin lỗi bác, bác cho cháu hỏi nhà của Amiraslan nằm ở đâu trong làng này ạ?
Người đàn ông ngạc nhiên nhìn khuôn mặt xa lạ:
- Cháu ơi, cháu không phải người ở đây sao?
Sau câu hỏi ấy, Ahmed không biết phải trả lời sao cho đúng. Sau một hồi suy nghĩ, anh nói:
- Cháu đến thăm người quen thôi ạ - Anh nói vậy để ông già khỏi nghi ngờ điều gì.
Chú David xem xét anh từ trên xuống dưới và cẩn thận nói:
- Con trai à, con không biết rằng người đàn ông ấy đã mất từ rất lâu rồi sao.
Sau câu nói ấy, ông già bày tỏ sự nuối tiếc và thông cảm với người đối diện, nói rằng ông Amiraslan là một người rất tốt.
Ahmed đắm chìm trong suy nghĩ. Anh không tin rằng anh sẽ phải đối mặt với thông tin khủng khiếp như vậy. Cái chết của bố khiến anh cảm thấy choáng váng. Nhưng chỉ một lúc, anh đã che giấu cảm xúc của mình khi đã kiểm soát được nó.
- Vậy còn người vợ của ông ấy, dì Amina, liệu cô ấy vẫn còn sống chứ? Anh lo lắng hỏi.
- Amina là một trong những người phụ nữ trung thực nhất. Nhưng cô ấy đã không thể chịu đựng được sau cái chết của chồng. Họ đã khao khát người con trai Ahmed trở về, họ đau buồn đến tột cùng. Dù tin xấu ập tới, nhưng họ nhất quyết không tin, họ vẫn tiếp tục chờ đợi con trai. Nhưng tất cả mọi thứ đều vô ích. Những người bạn tội nghiệp ấy, từ niềm nhớ thương đau đớn về đứa con trai của họ, họ quyết định dâng hiến linh hồn của mình cho Chúa. Cầu cho họ được yên nghỉ; ông nói với vẻ kiên nhẫn.
Ahmed không thể nghe thêm câu nói nào từ David nữa. Đầu đau như búa bổ. Những giấc mơ thiêng liêng vỡ vụn, tan thành mây khói. Bằng một cách nào đó, anh tỉnh táo lại và vội vã tìm hiểu về số phận của người vợ và con trai mình.
- Con trai à, cháu có quan hệ thế nào với gia đình ấy? - Cuối cùng, người đàn ông hỏi.
- Bố cháu đã từng là bạn với ông Amiraslan - Ahmed buộc phải nói dối – Hồi trước bố cháu đã đưa vợ chồng ông Amiraslan tới Ganja để bán hoa quả.
- Thế đấy - David nói, ông hít một hơi thật dài - Xin Chúa hãy trừng phạt những kẻ đã khơi mào chiến tranh. Nguyên nhân của mọi rắc rối, khó khăn, chết chóc của con người đều là do chiến tranh. Biết bao nhiêu con người dũng cảm không quay trở về từ mặt trận. Các gia đình chỉ còn lại những giọt nước mắt của các góa phụ - không chồng không con - không cha. Gia đình nhà Amiraslan cũng đã bị chiến tranh tàn phá, con trai ạ. Người con trai cả Rahman trở thành người tàn tật, một bệnh nhân chỉ nằm liệt giường. Thật may mắn khi cậu ấy có một người bạn tuyệt vời, một con người thật sự, cô ấy đã chăm sóc cho cậu ta rất tốt. Bên cạnh ngôi nhà của người cha, họ đã xây dựng cho mình một ngôi nhà mới. Họ có hai đứa con và chúng đều đã đi học. Còn đứa con trai thứ hai của Amiraslan, Ahmed, cậu ấy đã không quay về sau chiến tranh. Vợ cậu, Gatiba, cô đã đợi anh ấy trong nhiều năm. Cô luôn đổ lỗi cho bản thân, người phụ nữ ấy đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn và gian khổ. Lúc nào cô ấy cũng nói rằng Ahmed sẽ trở về, dù đã rất muộn nhưng Ahmed vẫn sẽ quay trở về. Cháu biết không, để giữ một người phụ nữ ở bên cạnh là rất khó. Sự cô đơn làm tan nát trái tim cô, cô đã phải tự mình đi buôn bán, bán hoa ở chợ, mua sắm trang bị cho ngôi nhà. Vì Amiraslan và Amina không muốn Gatiba phải cô đơn nuôi con sau khi họ mất đi, nên bà Amina cuối cùng đã sắp xếp cho cô một cuộc sống gia đình với anh Bakir, một nông dân ở một trang trại tập thể. Bây giờ họ sống cùng nhau trong ngôi nhà của Amiraslan. Bakir chăm sóc cậu con trai của Gatiba như thể cậu là con ruột của mình. Họ sống trong hòa bình, yên ổn. Có lẽ sắp tới, Huseyn sẽ sớm tốt nghiệp ra trường.
Thời tiết nóng nực, chiếc xe buýt đông nghịt người nên thở không nổi. Anh đau đớn bởi những thông tin khủng khiếp mà anh không hề nghĩ tới đã bót nghẹt trái tim anh. Như thể có thứ gì đó bên trong anh vỡ vụn. Mọi suy nghĩ rối rắm trong đầu, mồ hôi tuôn trào khắp người anh. Cái chết của những người thân yêu, người bạn đời đi kết hôn với người đàn ông khác, tất cả những điều này đã khiến tâm trạng anh bất ổn. Điều khiến anh buồn đến nghẹt thở đó là đứa con trai duy nhất của mình lại gọi một người đàn ông khác là cha, mà không phải là anh.
Anh nhớ lại một bức thư anh gửi cho Gatiba được viết từ vùng Baltic. Năm 1943. Cũng trong năm đó, tại đây xảy ra một trận chiến đẫm máu, anh đã bị trọng thương. Trong hai tháng, anh đã được điều trị trong một bệnh viện và đã có lần anh đối mặt với tử thần. Trong giai đoạn khủng khiếp ấy, khi trận chiến không phải là sự sống, mà là cái chết, anh đã nhờ một người đàn ông đến từ quận Tauz, tên là Asker, viết một bức thư cho gia đình mình với nội dung như sau:
“Nếu anh không thể an toàn trở về quê nhà, em hãy kết hôn với một người đàn ông xứng đáng với em hơn anh, trung thực với em hơn anh và cao hơn anh về mọi thứ, em nhé.”
Cho đến bây giờ, khi anh nghĩ lại về bức thư đó, nỗi buồn bao phủ lấy anh, nội tâm anh như bùng cháy trong sự dày vò và day dứt.
Ô! Tại sao số phận của anh lại trở thành như thế này? Biết bao nhiêu đau thương dày vò, bao nhiêu tháng ngày đẫm máu chiến tranh, đói khát, tù đày, chịu đựng bao nhiêu thử thách khủng khiếp tưởng chừng không thể vượt qua. Ôi Chúa ơi! Ngày gì thế này?! Nỗi đau của anh chắc phải cao hơn núi, sâu hơn sông biển… Anh rơi vào những dòng suy nghĩ ngốn ngang, như lướt qua những trang sách của một cuộc đời đau khổ mà anh đã sống.
Cũng như bao người khác, anh tình nguyện tham gia cuộc chiến chống phát xít Đức. Trong một trận đánh ác liệt, một quả đạn pháo của địch phát nổ, khiến anh bị thương ở đầu và nhiều bộ phận trên cơ thể bị mảnh đạn tàn phá. Năm 1943 đó, vào mùa thu, sau khi bị thương, Đức Quốc xã đã bắt anh làm tù binh. Đây là khởi đầu của cuộc sống bị giam cầm của một người thương binh. Anh ước điều này đừng xảy đến với bất cứ ai. Đầu tiên ở Büchenwald, sau đó trong trại tù Osvensija cho tới khi chiến tranh kết thúc, anh đã sống một cuộc sống đầy những đau khổ. Nếu như vẫn có thể gọi đó là cuộc sống. Trước khi mất hết sức lực, chúng bắt tù nhân lao động, bắn những người không thể lao động được nữa, đem họ đi thiêu sống trong lò thiêu, đặt họ ngồi vào ghế, trói lại và chích điện vào người, chúng cho tù binh những loại cực hình tra tấn dã man và tàn khốc. Bị đánh bại trong Thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã đã tiêu diệt hàng triệu người thuộc các quốc tịch khác nhau. Ý chí của anh biến thành sắt, thành thép, để có thể chống chọi lại tất cả. Anh đã cầu nguyện, xin Chúa giúp anh được sống sót.
Sau thất bại của Nhật Bản, khi cuộc chiến tàn khốc kết thúc, hàng triệu người thiệt mạng, anh buộc phải sống cùng một gia đình người Đức. Gia đình này không hành hạ, làm khổ anh, đôi khi họ còn tỏ ra quan tâm, tôn trọng cảm xúc của anh. Anh cũng biết rằng, nếu trở về nhà sau khi bị giam cầm, có thể họ sẽ bắt anh và đối xử tệ bạc với gia đình anh. Vì vậy, ban đầu anh thực sự không muốn quay trở về nhà chút nào, nhưng khao khát được trở về quê hương, được gặp lại những người thân yêu và gia đình, làng xóm của mình, đã khiến anh bừng dậy. Tin vào lời kêu gọi ân xá của Stalin, anh quyết định rời Đức, và trở về Liên Xô năm 1946. Anh đã bị bắt ở biên giới. Qua nhiều năm, anh đã phải chịu đựng cảnh xa gia đình và bạn bè của mình. Ở nhà, họ chẳng biết gì về anh. Anh ấy đã vượt qua một chặng đường dài để đến Baku.
- Chà, con trai à, chúng ta đã đến nơi! - ông David nói.
Ahmed đột nhiên giật mình. Anh ngẩng đầu lên, nhìn về phía ông già. Ông lão đang đợi anh đi xuống xe.
- Nhìn kìa, đây là nhà của Amiraslan, ông chỉ.
- Cảm ơn ông! - Ahmed nói khó khăn.
Xuống xe buýt, anh đợi chiếc xe rời đi. Anh không muốn trở về nhà nữa. Anh đã nghĩ rằng mọi quan hệ với gia đình anh đã bị cắt đứt. Anh không muốn phá hủy gia đình, cuộc sống mới của vợ anh. Đúng vậy, anh đang cảm thấy căng thẳng, lo lắng và chịu đựng nó trong từng khoảnh khắc. Trong sâu thẳm trái tim, anh đã cho rằng mọi chuyện xảy đến với mình đều là do duyên số sắp đặt.
Rồi đột nhiên, không kiểm soát được chính mình, anh bật khóc một cách thảm thương. Nước mắt chảy dài như thác nước, nhớ về tuổi thơ, tuổi trẻ, cuộc sống gia định ngắn ngủi của mình, anh đứng trước cửa nhà. Lấy hai tay che lại khuôn mặt thảm thương, anh khóc nức nở suốt quãng đường cho tới khi thấy nhẹ lòng. Sau đó, anh tỉnh táo lại một chút. Để người qua đường không nghi ngờ điều gì, anh lấy khăn tay ra lau nước mắt và chăm chú nhìn vào ngôi nhà. Ngôi nhà trông vẫn vậy, chỉ khác là bức tường đã được quét vôi trắng, cửa sổ được sơn lại và ngôi nhà được phủ một lớp gốm trang trí. Khu chuồng nuôi gia súc vẫn vậy, không thay đổi chút nào, chỗ chuồng gà được mở rộng hơn một chút. Những tán cây đã được anh trồng xong, vườn nho xưa cũng tự tay anh làm. Vườn nho lá rộng phủ kín bề mặt. Phía bên dưới được đặt một cái quầy và một cái bàn. Cây dâu do bố anh trồng đã che chở cho những tia nắng mắt trời. Anh nhớ lại cách uốn một cành cây nhỏ, ăn tutu, hát những bài hát, và vui vẻ nô đùa với bạn bè.
Lòng anh dấy lên sự xót xa, nhìn cây cối mà chẳng muốn rời xa. Anh nhìn thấy mái lán do chính anh dựng lên để xếp củi, khi còn đi học, anh nhớ lại lúc đó anh đã bị thương ở ngón tay, dùng búa đóng vào một chiếc đinh như thế nào. Bố đã mắng anh vì đã làm những thứ như vậy một mình, khuyên anh nên nhờ tới anh trai hoặc bạn bè giúp đỡ.
Rồi Amina trấn an chồng mình, mẹ anh nói:
- Anh muốn điều gì ở đứa trẻ tội nghiệp này chứ? Củi bị ẩm ướt vì mưa và tuyết, con chỉ muốn giúp để đống củi không bị ướt thôi mà.
Rồi người cha nói:
- Tôi lo vì con đã làm một mình mà không có ai ở cạnh giúp đỡ, và công việc này một người không thể làm được.
Amiraslan giơ tay lên, không một tiếng động. Ông cũng giơ nốt tay kia lên, đập hai tay vào nhau, một âm thanh phát ra. Ông nói: “Con thấy đó. Không có âm thanh nào được tạo ra chỉ từ một tay.”
Con trai à, khi làm việc, lúc con cần giúp đỡ thì hãy mạnh dạn nhờ người khác tới giúp.
Những lời này như thể đã khắc sâu trong tâm trí của Ahmed.
Ở phía bên phải của ngôi nhà có một phòng ngủ, nơi anh từng có những đêm gần gũi ấm áp mặn nồng với Gatiba. Họ đã rất yêu nhau. Cha của Gatiba đã ngay lập tức đồng ý gả con gái mình cho Ahmed. Ahmed là một thanh niên đẹp trai và tử tế. Anh luôn làm việc có ích, giúp đỡ cha mẹ, bạn bè trong mọi việc. Vợ anh đã sinh cho anh một bé trai kháu khỉnh. Đứa trẻ ra đời đã mang lại hạnh phúc cho ngôi nhà.
Ahmed bỗng nghe thấy tiếng trò chuyện ở bên cạnh, anh nhanh chóng quay lại nhìn. Ở đó có ba người trẻ tuổi, họ đang nói chuyện và đi về phía anh. Anh muốn chứng tỏ rằng anh không liên quan gì tới ngôi nhà này. Vì vậy, anh cúi người xuống vờ lau ống quần và do dự một chút. Khi anh đứng thẳng dậy, anh nhìn thấy trước mặt mình là một thân hình cao lớn, đầy đặn, với đôi mắt màu hạt dẻ, ánh mắt thân thiện, một thanh niên mặc áo sơ-mi cộc tay và chiếc quần tây màu xanh lam.
- Chú có chuyện gì sao? Chú đang tìm ai sao? Cậu thiếu niên hỏi.
Giọng nói nghe thật dễ chịu, đầy quan tâm hỏi Ahmed. Anh nhìn cậu thanh niên ấy. Từ trên xuống. Như thể cấu trúc khuôn mặt của cậu ấy trông thật giống Ahmed. Cậu con trai nhìn rất giống bố. Nhịp tim anh đập dồn dập, tăng dần.
- “Cuộc gặp gỡ kiểu gì thế này, Chúa ơi?!” ý nghĩ lướt qua đầu anh trong giây lát. Khi anh về đến quê, nghe tin cha và mẹ đều đã mất. Trong nhiều năm tuổi thơ và thanh niên, với ước mơ được về nhà đến tột cùng, anh đã không thể đến được đó, bởi là một tù nhân.
Anh liếc xung quanh, rồi hỏi một cách ân cần:
- Con trai, con có sống trong ngôi nhà này không?
- Chú à, đây đúng là nhà của gia đình cháu, -Cậu thanh niên trả lời với vẻ kiềm chế, một cái nhìn quan tâm - Có vẻ như chú đang không được ổn phải không? - Cậu nói rồi mời anh vào nhà.
- Cảm ơn con trai, đúng là chú đã gặp chuyện khá tệ, - Ahmed buồn bã trả lời.
- Chú đứng dậy đi, mời chú vào nhà cháu ngồi, - Cậu thanh niên vẫn kiên trì.
- Không, con trai à, cho chú hỏi con tên gì?
- Huseyn ạ.
Sau câu nói ấy, một cảm giác sợ hãi lướt qua trái tim anh. Anh vô thức loạng choạng đứng lên. Cố gắng giữ thăng bằng cho bản thân không ngã quỵ. Như thể trong một khoảnh khắc cuộc gặp gỡ mà anh đã trông chờ từ rất lâu có thể khiến anh quên đi tất cả những dằn vặt, đau thương. Anh đã mong đợi những phút giây hạnh phúc này bao nhiêu lâu, anh đã phải chịu đựng những gì để có được ngày hôm nay. Dù giây phút hạnh phúc ở ngay trước mắt, để được ôm đứa con trai yêu dấu duy nhất của mình vào lòng, nhưng điều đó là không thể. Chỉ với ánh mắt và cái nhìn trông thật buồn bã, quen với cảnh bị giam cầm, anh kiểm tra con trai của mình. Đưa tay phải lên và đặt nhẹ lên vai con trai, anh nói thật nhanh:
- Trời ơi, con đã lớn như vậy rồi sao. Hồi chú gặp con, con mới chỉ được hai tuổi thôi.
Cậu thanh niên ngạc nhiên nhìn vào người đàn ông xa lạ:
- Chú ơi, cháu không biết chú là ai, chú có vẻ là lần đầu tiên tới làng này đúng không? - Cậu hỏi.
Ahmed dõi theo từng lời nói, cử động của con trai mình và cố gắng nhớ mãi.
- Chú đã từng ở nhà của cháu, con trai à. Hitler và bọn phát xít chết tiệt! Biết bao người dân vô tội đã chết, bao nhiêu ngôi nhà bị phá hủy, những gia đình đã mất đi trụ cột. Lần đầu tiên sau chiến tranh, chú được đi vào một ngôi làng.
Không chịu được chấn động, anh cởi cúc áo và hỏi: “Cha cháu đâu?” Cậu thanh niên không ngờ anh lại hỏi như vậy.
Cậu ngượng ngùng và đáp:
- Chú à, bố cháu đã hy sinh trong chiến tranh. Theo những gì cháu được biết, ông ấy đã chiến đấu ở các nước vùng Baltic, ông đã chiến đấu thật anh dũng. Ngay cả sau khi qua đời, ông vẫn được trao tặng huy chương “Lòng dũng cảm!” Mẹ cháu đã giữ lại tất cả cho tới tận bây giờ. Cháu là con trai của Ahmed Aleskerov!
Ahmed cảm thấy thật tự hào khi nghe được những lời nói ấy, anh xoa đầu cậu thanh niên:
- Con trai à, chú xin lỗi, chú đã không biết về điều đó. Chú biết rất rõ về cha của cháu. Chú quý ông ấy lắm, với tư cách là một người anh em, đồng thời cha cũng bọn chú cũng là bạn thân của nhau,” anh nói dối. Nếu không, bí mật sẽ bị phát hiện, và số phận của Gatiba sẽ trở nên phức tạp. Vì vậy, Ahmed không muốn hủy hoại cuộc sống của vợ cũng như của con trai mình. Đối với những người dân quê, làm sao anh có thể giải thích được rằng anh không hề có tội?! Mọi người sẽ hỏi: “Anh có thể giải thích rõ không?” Anh, bị coi là kẻ thù của nhân dân, không ai có thể tin rằng tất cả các quyền công dân của anh đã bị tước đoạt, và họ sẽ buộc tội anh.
Cậu thanh niên cố gắng tiếp tục cuộc trò chuyện mà cậu vừa nghe:
- Chú à, cháu thương mẹ cháu lắm. Vì cháu mà mẹ đã khổ sở rất nhiều. Linh hồn của bố luôn ở bên cạnh cháu. Chúng cháu đã chờ đợi ông ấy quay trở về trong một khoảng thời gian dài. Chiếc ảnh của ông đang mặc bộ quân phục được gửi về nhà, bức ảnh đã được phóng to lên và treo trong ở trong phòng khách. Mỗi lần cháu mở mắt, cháu đều nhìn vào bức ảnh ấy và nói chuyện với ông. Suốt mấy năm nay, mẹ cháu đã được sắp xếp về ở với một người đàn ông khác. Mẹ cháu đã chấp nhận điều đó vì sự ngoan cố của ông bà nội. Chú Bakir mặc dù không phải là cha ruột của cháu, nhưng chú ấy là một người tốt. Chú ấy luôn đối xử lịch sự và tốt với cháu, cháu luôn tôn trọng chú ấy. Chú ấy không có con nên cũng coi cháu như con của chú. Bà và ông mất sớm do không chịu nổi cái chết của người con trai. Cháu đã luôn mơ ước được trở thành một anh hùng giống như cha mình. Vì vậy, cháu sẽ nộp hồ sơ vào Học viện Quân sự, cháu sẽ cố gắng trở thành một quân nhân chuyên nghiệp để có thể bảo vệ Tổ quốc trước những kẻ thù thâm độc.
Ahmed bất ngờ trước những lời nói của con trai mình. Bước đi mà Gatiba thực hiện là ước mơ của Amiraslan và Amina, và thậm chí đó cũng là ước muốn của anh trong bức thư cuối cùng anh viết. Cha mẹ rời bỏ thế giới này, nếu Gatiba không thành lập một gia đình mới, liệu một mình cô sẽ sống như thế nào, còn anh trai anh cũng đã trở nên ốm yếu và bệnh tật mà?! - suy nghĩ đó đã lướt qua trí não anh.
Anh quay ra nhìn con trai và nói lời tạm biệt:
- Chào tạm biệt, con trai, những câu nói của cháu khiến chú cảm thấy được hy vọng. Chú tin rằng mọi giấc mơ của cháu sẽ thành hiện thực, cháu sẽ là người đứng lên để bảo vệ Tổ quốc, - sau khi nói xong những lời ấy, anh đã ôm đứa con trai duy nhất của mình thật chặt, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, anh ôm và hôn vào trán người con trai. Nụ hôn này dù chỉ trong giây lát, cũng khiến anh quên đi tất cả mọi thứ anh đã từng khổ cực trải qua. Tới giờ anh đã trở nên bình tĩnh hơn, không quay đầu nhìn lại, mặc dù anh không biết điều gì đang chờ anh ở phía trước, bất chấp điều gì để anh có thể trở về, nơi một số phận mới đang chờ anh. Bởi một người con trung thành và tử tế của Azerbaijan đã sống và lớn lên trong căn nhà của anh.
Với cái nhìn đầy tự hào, Ahmed nhìn con trai mình lần cuối, tại ngôi nhà nơi anh đã từng sống trước đây, và anh bắt đầu quay trở lại, tự tin vào ước mơ của mình.
Lúc này, từ ngoài sân vang lên một giọng nói quen thuộc:
- Con đang nói chuyện với ai vậy con trai? Bác ấy có đem tin tức gì về cha con không?
Kết Thúc (END) |
|
|