Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mùa Gặt Tác Giả: Đinh Hạ    
    Chiều. Trời vẫn nắng oi ả, không một gợn mây. Nhà nhà đóng kín cửa như sợ cái nóng hầm hập trên 40 độ len vào. Chỉ có phía gốc đa đầu làng là vẫn ồn ã. Đã hơn 3 giờ chiều mà ngoài đồng Yên Trung, Mạ Lốc vẫn tịnh chẳng một bóng người. Những vạt lúa đã vàng hươm báo hiệu một vụ mùa bội thu. Giống lúa mới năm nay lão Khuyếnh (Trưởng thôn) đưa về sây hạt, chắc bông khiến cho lão lúc nào cũng cười tủm tỉm. Kiểu này lão có quyền nói: “… được mùa là do chỉ đạo”.
    Cây đa làng Thọ nằm ngay ở đầu làng, trông từ xa như ngọn hải đăng dẫn lối về yêu thương cho những đứa con xa quê lưu lạc. Cây được các cụ bô lão trong làng trồng vào những năm 90 của thế kỉ trước. Nguồn gốc cây được ông Tấn đào từ trên Khe Răm mang về để lại cho xóm. Dù là một cựu chiến binh nhưng vì hoàn cảnh vất vả, con còn nhỏ nên hết chiến tranh về ông lại đi củi, lạt khắp các cánh rừng phía Tây, và tình cờ một lần ông đã tìm thấy cây đa đỏ đọt rất quý thân vừa bằng cán rựa này.
    Cây được trồng thế vào nơi gốc đa cũ trước đó chết róc vì già cỗi. Mới gần bốn mươi năm mà gốc đã gần ba người ôm mới xuể. Thân cây nổi lên những u cục xù xì, cành lá tỏa ra râm mát cả hơn một sào ruộng. Đây chính là trung tâm hội nghị thông tin của xóm. Dưới những rễ giọt đã buông xuống đất uốn éo như những con mãng xà, lão Khuyếnh cùng ban cán sự xóm đã cho đặt mấy chiếc ghế đá do một doanh nghiệp vận tải trúng thầu chở cát, sỏi khi làm đường nông thôn mới lại quả.
    Trời nắng cộng thêm gió lào thổi rát mặt, quạt điện lại càng nóng nên mấy ông bà rủ nhau ra đây hóng những đợt gió nồm. Không gian thoáng đãng cộng thêm bóng mát của gốc đa giúp mọi người cảm thấy dễ chịu hơn. Thỉnh thoảng, cơn gió nồm từ dưới biển, băng qua những khối vuông bê tông, qua mặt đường nhựa thổi lên cũng mát được đôi phần. Mấy bà vừa xõa tóc ra bắt chấy vừa huyên thuyên những chuyện dưa cà mắm muối không đầu không cuối. Các ông lại bàn những chuyện quốc gia đại sự kiểu tình hình đối đầu ở bãi Tư Chính có vẻ căng lắm. Đại dịch Covid-19 như thế này rồi cuộc sống sẽ ra sao. Nhân sự khóa mới của TW chắc có nhiều thay đổi sau khi lò của cụ Tổng nhen củi vẫn cháy đượm. Mấy tay cán bộ xã ăn đất đợt này tòa lại hoãn xử không biết đến khi nào. Xử mấy năm, đền mấy tỉ thì làm cho dứt khoát đi chứ để dân cứ ngóng cổ chờ…
    Chợt ngoài phía bờ kênh, chiếc xe tải chở theo máy gặt đang nặng nề rẽ vào làng. Mồ hôi nhễ nhại, tay lơ xe nhảy xuống hỏi thăm đường, giọng Thái Bình:
    – Các bác cho em hỏi thăm đường vào nhà anh Chí với ạ?
    Chắt Nghiêu, sau khi vừa chỉ dẫn tận tình cho tay lơ xe xong, quay lại cười bảo:
    – Vụ mùa năm nay lúa tốt, máy lại về nhiều, khỏi phải giành giật, đợi chờ như mấy vụ trước.
    Nghe thế, Huấn – một lão chuyên ăn nói bỗ bã hớt ngang:
    – “C..ứ..t bãi chó bầy”, nhiều máy chắc chi đã mừng hay lại kèn cựa nhau như mấy vụ trước, rồi lại chỉ tổ làm khổ dân thôi. Mật đó mà húp.
    
- o O o -

    Nhớ thuở trước, làng còn tranh tối tranh sáng, cứ đến mùa gặt về, nhà nhà lại rải lúa cùng sân, dùng trục lúa để trục cho ra hạt. Trục được làm từ những tảng đá lèn xanh nguyên khối đục tròn, hai đầu có hai lỗ để làm chỗ ngoắc dây vào kéo. Một người có sức khỏe hơn kéo trục, đi sau hai ba người dùng nạng tre, gỗ để đẩy. Hồi ấy, thanh niên đi chơi sợ nhất là đến nhà con gái đang trục lúa. Vào cũng dở mà ra cũng không xong. Sau mới có anh nghĩ cách là dùng hòn sỏi ném vào, nếu nghe êm thì rút lui, nghe lóc cóc thì vào. Rồi sau nữa hiện đại hơn là máy tuốt. Con người không phải trục nhưng cũng vất vả vì phải bốc lúa, làm rơm… Điều đó đã thành dĩ vãng, những chiếc liềm, hái, trục đã thành những kỉ vật lưu niệm trong kí ức làng quê.
    Mấy năm trở lại đây, từ khi có máy gặt, mỗi vụ mùa lại là một cuộc chiến tranh giành địa bàn của các tay có máu mặt trong làng, xã. Mỗi chiếc máy gặt trị giá khoảng 4, 5 trăm triệu không phải là dân không có người đủ sức mua. Nhưng ở quê, ruộng đồng ít, lại manh mún. Đi làm ăn xa thì vất vả, bấp bênh với đống vốn to như vậy nên không mấy ai mua. Chính vì thế, mấy gã giang hồ thôn bắt tay với anh chị xã hội đen điều máy từ miền Bắc về. Vì thời vụ chênh lệch nên cũng thuận lợi.
    Mỗi máy như thế, khi rẽ quốc lộ 1 về đồng là phải mất mấy triệu bạc tiền mua đồng để bọn chúng dàn xếp. Về đến làng nào thì lại có một tay giang hồ thôn bảo kê, nuôi ăn ở tại chỗ luôn. Mỗi sào gặt lại phải trích lại phần trăm tiền gặt cố định cho chúng. Muốn làm ăn lâu dài, máy nào cũng đều phải tuân thủ quy tắc ngầm ấy cả.
    Làng Thọ năm nay, ngoài hai máy đã về quen thuộc từ trước do Phạm Tính và Lê Nhàn bảo kê. Phạm Tính vốn trước đây nhà mở quán thịt chó kiêm luôn mấy bàn bi – a cho thanh niên trong làng chơi. Dần dà, gã kiêm luôn nghề cho vay nặng lãi và bao ghi lô đề cho tay trùm dưới chợ Sy. Hoàn cảnh làm ăn giúp gã quen nhiều tay chơi máu mặt trong vùng nên gã nghĩ mình cũng là tay máu mặt, dù tạng người nhỏ thó. Gã còn lại là Lê Nhàn, vốn trước đây chuyên nghề sữa chữa xe đạp. Vì mấy lần tiêu thụ xe ăn trộm của tay Khoán bán lại nên đã có án. Sau khi thụ án trở về, gã luôn bất cần đời, chẳng kiêng sợ ai. Cứ uống vài chén là gã lại vỗ ngực kể chuyện ở tù rồi ra vẻ ta đây chẳng ngán bố con thằng nào. Mấy năm nay, hai gã cầm hai máy thầu hai cánh đồng, cùng với ruộng của mấy nhà anh em họ hàng. Nước sông không phạm nước giếng, cứ thế thu tiền mặc dân có kêu ca vì đắt hay chờ đợi lâu. Nay đột nhiên lại xuất hiện thêm máy của tay Chí này về mọi thứ đảo lộn.
    Tay Chí vốn người làng Thọ nhưng sau một vụ thua bài cách đây mười mấy năm đã bỏ làng đi biệt xứ. Lang thang khắp các tỉnh miền Nam, sang cả Campuchia chán chê rồi cũng trở về. Ngày về, gã mang theo một cô gái không biết bồ hay vợ, hình như người An Giang hay Tiền Giang gì đó. Hai đứa về chẳng nghề ngỗng gì lại không quen cảnh chân lấm tay bùn nên cứ ăn bám cha mẹ già. Được mấy tháng, chán chường mụ đàn bà ấy cũng bỏ gã mà đi biệt tăm với tay tài xế lái xe Bắc Nam. Cũng may hai đứa chưa có con cái gì nên cũng đỡ day dứt. Và cũng từ đó, gã Chí càng trở nên quẫn chí. Thi thoảng gã lại bỏ làng đi biệt tích dăm bảy tháng mới về. Dân làng kháo nhau gã đã nghiện ma túy, nhưng mỗi khi ở làng, tuyệt nhiên không ai thấy gã hút chích bao giờ. Mấy tháng nay, gã bỏ đi, vừa về nhà vài hôm thì bà con lại được phen ngỡ ngàng vì gã đem theo máy gặt về khi mùa đã cận kề. Vậy là làng Thọ mùa gặt năm nay hình thành thế chân vạc.
    
- o O o -

    Đúng như lão Huấn nói, chẳng phải cứ đưa máy về là ngon. Chẳng phải mật mà húp. Vừa thấy máy của Chí về, người nhà của Phạm Tính, Lê Nhàn liền a lô cho hai gã về lập tức. Tối hôm đó, tại quán thịt chó của Phạm Tính, chỉ bày duy nhất một mâm cỗ, khách đến uống rượu đều được vợ gã từ chối khéo. Cuộc rượu phải sẩm tối mới diễn ra. Trên mâm bày ra hai đĩa thịt luộc đầy vút, một đĩa dồi rán vàng khươm, hai tô thịt nấu thơm lừng riềng sả cùng một tô xáo gà phòng có người không ăn thịt chó. Bày quanh là lá mơ, rau má, khế chua cắt lát cùng chuối bao tử ăn kèm. Một hũ rượu ngâm chuối rừng cũng được vợ Phạm Tính bưng ra. Ngồi quanh mâm là Phạm Tính, Lê Nhàn, lão Khuyếnh đại diện cho chính quyền xóm. Chí cũng được mời vì chuyện quanh bữa rượu hôm nay chủ yếu liên quan đến chuyện gã đưa máy gặt về. Rượu mồi đã sẵn sàng nhưng Phạm Tính vẫn cứ rề rà chưa khai tiệc như cố ý chờ đợi ai. Phải mươi phút sau, nghe tiếng ô tô đỗ xịch ngoài cổng, Phạm Tính đon đả ra mời khách vào. Hai gã bước vào, cất chiếc mũ lưới trai lộ rõ những chiếc đầu trọc lóc, tay chân xăm trổ đầy hình rồng phượng. Thì ra Phạm Tính đã mời được tay Sỹ – là giang hồ nổi nhất huyện và cu Long bốn ngón, đàn em thân tín của Sỹ.
    Cuộc rượu vừa được vài tuần thì Phạm Tính cầm chén rượu đứng dậy nói:
    – Thưa bác Khuyếnh, à quên bác Chiến xóm trưởng. Thưa anh Sỹ cùng các anh em. Người ta bảo buôn có bạn, bán có phường. Anh em mình làm nghề cũng vậy. Mấy năm gần đây, dưới sự quan tâm của ban xóm và sự chỉ bảo của anh Sỹ, tôi và chú Nhàn đã đưa máy về giúp bà con rất tốt. Nay chú Chí cũng mang thêm một máy về giúp bà con nữa nên tôi tổ chức bữa rượu này để chúng ta thống nhất địa bàn. Xin mọi người cho ý kiến.
    Lão Khuyếnh tửu lượng kém, vừa mấy chén mặt đã đỏ gay, đứng dậy phát biểu:
    – Thưa các đồng chí, với lão đã họp là đồng chí tất kể cả giang hồ hay xã hội đen vì lão đã quen mồm. Đồng làng ta tuy không thẳng cánh cò bay nhưng so với các làng khác kể cũng là nhiều. Năm nay nhờ có giống lúa tôi đưa về và sự chỉ đạo sát sao của ban khuyến nông nên rất được mùa. Có thêm máy cũng tốt, bà con được nhờ. Mong các đồng chí phát huy tinh thần đoàn kết, tận tình phục vụ bà con. Xin hết ý kiến ạ.
    Nói xong lão ngồi xuống gắp thêm miếng dồi vừa nhai vừa lắng nghe cuộc thảo luận. Lão Khuyếnh nói xong, tay Tính lật đật cướp lời:
    – Xin cảm ơn ban xóm, tiếp theo bây giờ xin ý kiến của chú Chí cho anh em rõ.
    Chí húp thêm một ngụm rượu, thong thả đứng dậy nói:
    – Thưa các bác, các anh; mấy tháng trước em lang bạt ngoài Hà Nội, tình cờ gặp được thằng bạn tù người Thái Bình. Ra trại, nó vay mượn của anh em mua chiếc máy gặt mưu sinh. Nó hẹn khi nào mùa đến thì nó vào, hai bên giúp nhau là chính. Nó bảo vậy thì em cũng đành nghe vậy. Bây giờ các anh bảo sao thì em theo thế thôi ạ.
    – Cảm ơn chú cho ý kiến, bây giờ chú Nhàn có ý kiến gì không hay để anh Sỹ dặn dò anh em? – Tính tiếp lời.
    Trong khi gã Long bốn ngón liên tục gắp bánh mướt với tô thịt chó nấu thì tay Sỹ ngậm chiếc tăm ra chiều suy nghĩ. Một lát sau, gã thủng thẳng nói:
    – Thôi thì anh em trong nghề với nhau, hai chú Tính, Nhàn nhường cho chú Chí một ít mẫu để còn dễ ăn nói với bạn. Còn lại mọi thứ cứ như cũ, đừng để anh phải sang thêm lần nữa.
    Nghe thế, hai gã Tính, Nhàn vội dạ vâng lia lịa. Họ biết tỏng tay Sỹ này đã cầm mấy triệu bạc của chủ máy Chí bảo kê. Há miệng mắc quai làm thế nào được. Lê Nhàn còn nhớ vụ chiêm cách đây hai năm, vì muốn gặt ruộng của chị gái lấy chồng về làng trên, gã đưa máy lên. Tay Sỹ biết được, hôm sau máy gã bảo kê dính liền hai đoạn thép sáu cắm dưới chân ruộng, phải sửa mất hơn một ngày và mấy chục triệu bạc. Bữa rượu kéo dài một lát nữa rồi anh em gã Sỹ đánh xe về. Tay Chí cũng viện cớ đưa lão Khuyếnh về để lẩn luôn. Chỉ còn Phạm Tính, Lê Nhàn nhìn nhau thở dài.
    Rồi vụ gặt cũng đến, mùa này bà con phải tranh mưa cướp nắng nên cứ phương châm xanh nhà hơn già đồng. Một nhà gặt là các nhà khác cũng theo nhau vì sợ máy không quay lại. Nhưng hóa ra là lo hão cả. Ở làng trên cũng có 2, 3 máy nữa nên thành ra việc gặt không phải chờ đợi, tranh nhau nữa. Cả tay Chí lẫn Phạm Tính, Lê Nhàn cũng chẳng phải gầm ghè nhau bởi năm nay xã theo chỉ đạo của huyện đã làm căng chuyện bảo kê máy gặt. Nguyên do cũng là từ vụ việc ở ngoài tỉnh Thanh Hóa, dân bảo kê chém trọng thương chủ máy vì không chịu nộp lệ phí mới thành ra cơ sự này.
    Thêm vào đó, xã bây giờ có Thượng úy Hà vốn bên Phòng Điều tra Công an huyện được điều về làm Trưởng Công an xã với Trung úy Hưng vốn một tay trước đây cũng khét tiếng khi làm bên giao thông. Công an có mặt thường xuyên trên các cánh đồng, gọi các chủ máy ra để quán triệt quy định nên mấy gã chẳng thể làm gì. Mùa này chẳng thể ung dung cho các máy chạy đồng như trước nữa mà hễ có ai gặt là phải đến liền. Thế mà diện tích cũng chẳng đáng là bao. Thấy không ăn thua, có máy đã thu dọn để đi xứ khác. Phạm Tính lại thấy tiếc ngẩn ngơ vì bữa rượu thịt chó hôm nào.

Kết Thúc (END)
Đinh Hạ
» Mùa Gặt
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop