Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cái Nghiệp Tác Giả: Nhật Hồng    
    Chú Sáu Đệ vừa quấn khăn lên đầu bước ra vườn thì có tiếng kêu giựt lại: "Chú Sáu ơi! Chứ Sáu ơi!". Chú quay mặt lại thấy người đàn bà hơ hải kêu cầu cứu: "Anh làm ơn cứu giùm chồng em bị rắn cắn".
    Chú Sáu hỏi:
    - Người bệnh ở đâu?
    - Nằm dưới xuồng ở cặp mé sông!
    Chú Sáu nói với người đàn bà:
    - Cho người khiêng lên nhà đi.
    Chú Sáu vừa nói lỏn qua mé vườn bứt thuốc. Đây không phải là lần đầu tiên chú trị rắn cắn, đời chú đã cứu trăm người có dư. Những năm còn chiến tranh ở rừng U Minh ngày nào cũng có người bị rắn cắn chở đến cho chú trị, đủ loại rắn khác nhau, hiền có dữ có. Cái nghề này chú có chọn bao giờ đâu chỉ là cơ duyên thôi. Có lần đi công tác vô vùng ven, tổ của chú bị kẹt lại vì trời sáng nên ém vào nhà của cơ sở. Chủ nhà là ông già lọm khọm luôn ngồi trên bộ vạt tre, thấy chú Sáu ăn nói nhỏ nhẹ, mặt mày trung hậu nên ông già hỏi chú Sáu:
    - Cháu có muốn làm thầy không? Thấy cháu hiền lành lại là người bộ đội thường đi đêm đi hôm nên tôi chỉ cho chú bài thuốc rắn gia truyền để có khi cứu giúp người, giúp đồng đội khi gặp rủi ro. Nói rồi ông già giục chú Sáu:
    - Cháu lấy giấy viết ra đây, tôi nói cho ghi!
    Sau khi ghi chép xong ông già cẩn thận kêu chú Sáu đọc lại từng loại thuốc, cách pha chế, cách trị liệu coi có sai chỗ nào ông chỉnh sửa ngay. Ông còn dặn kỹ cách phân biệt các dấu cắn của rắn từng loại khác nhau ở điểm nào, dấu cắn trên cơ thể của người gồm những điểm yếu huyệt nguy hiểm trị liệu như thế nào, thời gian cắn, sắc mặt, tròng mắt của bệnh nhân… Dặn dò kỹ lưỡng ông già nắm tay chú Sáu nói: "Ráng nhớ nghen!".
    Chú Sáu về xem lại nội dung có ba bài thuốc, bài thứ nhứt, bài thứ hai, thứ ba, đã mấy mươi năm rồi chú chỉ sử dụng đến bài thứ hai là bệnh nhân tai qua nạn khỏi, chưa bao giờ sử dụng đến bài thứ ba.
    Người đàn ông trên bốn mươi tuổi sôi bọt miệng, hơi thở dồn dập, cặp mắt đứng tròng. Chú Sáu thấy bàn tay người bệnh sưng lên bầm tím, dấu răng con vật còn nguyên ở giữa ngón cái và ngón trỏ. Đây là vết cắn vào huyệt nguy hiểm của người, tám phần chết chỉ có hai phần sống mỏng manh. Chú Sáu thấy vết thương biết đây là bệnh ngặt… Qua lời cầu cứu thống thiết của gia đình, chú Sáu nói:
    - Chị cứ bình tĩnh để tôi cố gắng!
    Nói rồi chú Sáu lấy ngay gói thuốc để trong hộp cây trên vách nhà chia làm hai phần, một phần đắp lên vết cắn phần còn lại cạy răng người bệnh đổ vào. Thuốc đổ vào miệng lúc lâu mà không có phản ứng gì!
    Chú Sáu biết liều thuốc này để tạm bế nọc độc chậm vào tim thôi chớ không hơi gì đâu. Có lẽ phải dùng đến bài thuốc thứ ba mà mấy mươi năm qua chú Sáu chưa lần nào dùng đến. Thuốc đâu có sẵn trong nhà, chú nói với người nhà:
    - Tiếp tục cạy răng đổ thuốc, tôi đi đây một chút.
    Vừa nói chú Sáu chạy dong ra vườn vài phút sau chú trở lại, nói;
    - Rất may! Có lẽ số người này còn sống.
    Nói rồi chú Sáu vội vã pha chế thuốc cũng chia làm hai phần đắp vào vết cắn và đổ vào miệng. Lần này phải dùng đũa bếp khó khăn lắm mới cạy được miệng người bệnh vì hai hàm răng đã cứng ngắc. Thuốc đổ vào cổ họng người bệnh, được vài mươi phút đàm hạ xuống liền, người thân sụp lạy chú Sáu. Chú Sáu đỡ đứng dậy nói:
    - Đừng có lạy chi cho tôi tổn đức, đây là số của ông nhà chưa chết nên tôi ra vườn gặp cây thuốc ngay.
    Bệnh nhân dần khỏe cho biết:
    - Tôi là thợ bắt rắn hổ, đi khắp xứ hơn ba mươi năm nay có gì xảy ra đâu, nhưng chuyện này nghĩ cũng lạ.
    …Vừa vô gò mả may tìm được hang rắn đường đi còn mới tinh, chắc chắn là rắn còn trong hang. Tôi cẩn thận dò xét bốn bề rồi bắt đầu đào, đào độ hơn nửa giờ thì gặp ngay ổ trứng có tám trứng, đã nở một trứng, còn lại đều chưa nở. Tôi cẩn thận cho trứng rắn vào bọc vì sợ nó nở ra cắn người chết ngay. Con rắn mẹ khôn ngoan chui rút vô ngách ẩn trốn. Tôi thấy phần cái đuôi ló ra. Tôi lấy cây chọc vào đuôi. Đầu rắn vươn ra phùng bàn nạo há miệng thủ thế tấn công, phung nọc độc. Tôi thận trọng dùng tay bên kia chộp ngay cổ rắn. Tay bên kia tôi dùng lưỡi mác đưa vô cạo răng rắn hổ. Với tư thế này tôi đã may miệng hàng trăm con, rất thuần thục không sai lệch. Nhưng lần này tôi không ngờ con rắn có sức mạnh lạ lùng, khi lưỡi mác vừa đến gần thì nó gồng lên vặn mình làm tay tôi lỏng ra, thừa lúc nó mổ ngay vào khẩu tay tôi. Vừa đau nhức nhưng tôi tiếp tục đưa lưỡi mác cạo được răng và may miệng bỏ vào giỏ. Con rắn hổ đất lớn chưa từng thấy, thân mình bằng bắp tay, nặng cỡ hai ký lô. Gài nắp lại xong xuôi tôi mới móc gói thuốc ra nhai đắp vào vết cắn, băng bó lại. Thuốc này đặc trị tôi để phòng thân từ trước đến nay luôn có bên mình. Rịt vết thương và uống thuốc xong tôi nghe trong mình sao khó chịu và hai mắt mờ dần. Tôi biết thuốc này không có hiệu quả nên cố gắng mò về nhà. Rất may, tôi gặp người quen đi ngang qua tức tốc chở đến thầy. Ơn cứu mạng của thầy quá lớn lao, tôi hứa đời đời nhớ ơn cứu mạng này.
    Chú Sáu nói:
    - Có gì lớn lao đâu, giúp được gì cho bà con thì giúp! Ông an tâm, có thể về nhà được rồi đó!
    Chú Sáu nhìn người đàn ông khuất dần khỏi bến sông, thầm nghĩ ông già năm xưa truyền lại mình bài thuốc hay thiệt! Và cũng nghe rợn người với những câu chuyện huyễn hoặc về rắn. Nào là rắn trả thù, rắn thành tinh…
    Một hôm chú Sáu chuẩn bị đi dự đám cưới xa, nói với vợ:
    - Bà ở nhà coi cửa nẻo đêm hôm, tôi đi dự đám cưới của chú Tám nó, hai hôm mới về. Không biết sao lòng chú do dự nói:
    - Tôi muốn để cho thằng Út đi thay tôi, nhưng mấy khi cháu có đôi bạn mà bác nó không có mặt kỳ quá!
    - Thím Sáu nghe vậy nói:
    - Ông đi là phải rồi, để con ở nhà cắm câu kiếm cá ăn.
    
- o O o -

    Vào đêm nước nổi lấp láng trên đồng, con trăng non chếch cao trên trời đủ để cho Út thấy đường nhổ câu về nhà. Chợt phía trước Út thấy có con rắn nhỏ bằng ngón tay nằm phơi bụng như chết sình, Út dùng cần câu vít qua một bên, lội một vài bước nữa cũng vẫn thấy con rắn chết như nãy. Lần này Út dùng tay khoát qua một bên để đi. Không ngờ tay Út vừa chạm nước, con rắn cất đầu ngoạm vào khẩu tay của Út. Đau nhức không cùng, Út biết rắn độc, nên dùng dây băng gô tay lại, cố lê về nhà. Chú Sáu không có nhà, thím Sáu lo lắng chở Út đến đệ tử của chú Sáu vừa truyền dạy. Ở đây người ta dùng đến bài thuốc thứ ba mà đàm trong miệng Út không hạ xuống. Thầy thuốc lắc đầu. Trên đường lên bệnh viện huyện Út đã tắt thở.
    Chú Sáu về tới nhà chứng kiến nỗi đau khổ tuyệt vọng của thím Sáu. Chú ứa nước mắt nhìn con trai út nằm bất động vì rắn cắn mà cả đời làm thầy của mình không giúp gì được, chỉ đứng nhìn xác con. Người lối xóm nhân vụ này thêu dệt nhiều chuyện huyễn hoặc về rắn: "Ở gò mả lạn đó, có con rắn hổ chúa (vì nó lớn quá nên dân gọi là chúa) dân trong vùng thường gặp như không ai dám bắt, chỉ có tay thợ bắt rắn ở xa đến không biết nên đào bắt tận hang. Lão bắt rắn phải chết, nhưng chú Sáu giành lại mạng sống cho ông ta. Trong số tám trứng có trứng nở sớm trốn thoát, những đêm thanh vắng nó huýt sáo nghe mà rợn tóc gáy. Người ta nói con rắn con thương anh em, nhớ mẹ nên đêm đêm kêu than não nuộc. Hổng chừng nó nhớ mối thù chết cả nhà dưới tay của lão bắt rắn, nay tìm trả thù. Sao không trả thù người bắt mà trả thù gia đình cứu người?".
    Thím Sáu nghe ai nói thêm vô bớt ra gì đó nên trút giận lên đầu của chú Sáu: "Phải ông đừng làm thầy thuốc rắn, đừng đi đám cưới, thì con mình không chết oan ức như thế này!".
    Chú Sáu vỗ vai an ủi thím Sáu: "Bà nên bình tĩnh! Không phải vậy đâu! Việc chết sống con người có số mạng, tại con mình vắn số thôi!".
    Khi hạ huyệt chôn thằng Út xong chú Sáu khổ sở tột cùng, giận nói sẽ bỏ nghề làm thầy thuốc rắn.
    Người hàng xóm khuyên can, động viên:
    - Út rủi ro là một điều bất hạnh nhứt cho gia đình chú, nhưng đây cũng là số phận của nó thôi. Số phận khiến chú không có ở nhà, thứ hai, vết cắn ngay ở khẩu tay độc huyệt!
    Chú Sáu ngồi trên bộ ván lặng lẽ nhìn ra sân thấm thía nỗi đau mất con. Chú tự an ủi: Đời mình đã từng cứu sống trên trăm mạng người, đem lại trên trăm niềm vui cho gia đình người khác, nay tai họa giáng xuống gia đình mình thì cam chịu thôi.

Kết Thúc (END)
Nhật Hồng
» Cái Nghiệp
» Một Câu Chuyện Có Hậu
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam