Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ngôi Nhà Ba Lá Tác Giả: Ngân Hằng    
    Gia đình tôi gồm bốn người, ba chị em tôi và bố. Bố tôi, người đàn ông duy nhất trong nhà, vẫn hay ngồi ở bộ bàn ghế cũ, tròn chân, nhâm nhi cốc chè, giọng nghiêm nghị: “Phụ nữ là ngọn lửa giữ hạnh phúc, chính vì thế cả ba đứa con gái nhà này phải biết nấu ăn, mà nấu ăn phải giỏi, nhớ chưa?”. Bố tôi, người đầu bếp có tiếng trong xóm, dù thiếu bàn tay phụ nữ đã lâu, nhưng lúc nào cũng chăm bẵm cho chúng tôi đủ đầy, trong tình cảnh “gà trống nuôi con” ấy.
    Khi tôi sinh ra, theo lời kể của bố, không may mẹ qua đời, lúc đó, gia đình tôi neo người lại nghèo, sự mất mát ấy khiến người đàn ông chới với một thời gian dài. Mẹ mất để lại cho bố một đàn con lông lốc, đứa lớn vừa đủ năm tuổi, đứa nhỏ còn đỏ hỏn, suốt ngày èo ẹo khóc. Bố không ngại bất kỳ việc làm thuê, cuốc mướn nào, để lấy tiền trang trải cuộc sống. Bố kể rằng, không có việc gì làm bố thấy vất vả bằng việc phải ôm tôi đi hết nhà này sang nhà khác xin sữa cho tôi bú. Thương người đàn ông vần vật cả ngày kiếm cơm cho ba đứa con côi, hàng xóm vẫn thường tranh thủ sang dọn dẹp và ngó ngàng ba chị em. Mỗi ngày, khi bóng chiều loang xuống, tôi lại được bố bế sang dì Lâm để bú nhờ.
    Dì Lâm, góa chồng lúc dì mang thai được bẩy tháng. Đứa con gái dì là bạn thân của tôi suốt những năm tháng dài sau này. Chồng dì Lâm trước đây làm cùng cơ quan bố, nghe đâu cũng làm đến trưởng phòng rồi. Cái thời tem phiếu tôi sinh ra, nhà dì đủ đầy hơn những nhà hàng xóm bên cạnh, so với nhà tôi, lại càng khấm khá hơn. Bố mẹ tôi đều từ vùng quê lam lũ mà đến với nhau, khi cùng tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Thời bom đạn ác liệt ấy, không ngăn được tình yêu của chàng lính lái xe, tình cờ gặp cô thanh niên xung phong có tiếng nói trong trẻo và giọng hát cao vút. Bố yêu mẹ ngay từ lần đầu gặp gỡ trong chốc lát. Hứa hẹn nhau bằng ánh mắt và nụ cười, tin vào ngày hòa bình không xa. Bố bảo rằng, nếu khi ấy không có tình yêu của mẹ, có lẽ bố đã không đủ sức để lết về đến quê hương, sau khi bị mảnh đạn của kẻ thù găm vào đầu. Rồi đất nước hòa bình, theo lời hẹn, bố cùng ông bà nội sắm buồng cau to, gà, rượu đầy đủ đến nhà mẹ hỏi cưới. Đám cưới của chàng lính giản đơn bên cô giáo làng diễn ra trong lời chúc phúc của mọi người đến dự. Sau ngày cưới, bố được phân công lên thị xã nhận công tác, gia đình tôi líu ríu nhau trong căn nhà tập thể, không to hơn hộp các tông là mấy. Đồng lương lái xe cộng với lương cô giáo mầm non xoay xỏa qua ngày. Mỗi lần có tem phiếu, bố cố đổi được mấy mét vải hoa đem về cho vợ con. Mảnh vải ấy xoay thế nào cũng không đủ manh áo cho mẹ và hai chị gái lớn của tôi. Lúc đó, nhìn hai đứa trẻ châng lâng lớn của bố mẹ, dì Lâm lại dúi vào tay mẹ lúc đôi ba quả trứng, khi một bánh xà phòng thơm và dăm ống gạo trắng. Mẹ biết ơn dì Lâm lắm. Dù là con gái cán bộ lãnh đạo, chồng dì là cấp trên của bố tôi, nhưng chưa bao giờ dì tỏ ra hơn ai cả. Bất kỳ công việc nào ở khu tập thể đều có sự góp công của dì. Mẹ tôi mất chưa được bao lâu thì chồng dì cũng đột ngột qua đời. Sự trống trải giữa hai cảnh nhà neo đơn khiến cho bố và dì càng thêm gắn khít với nhau, nhưng vẫn giữ đúng mực tình làng nghĩa xóm.
    Tôi lớn lên nhờ dòng sữa của dì Lâm. Ban ngày, khi bố tôi đi làm, cả ba chị em tôi đi học, chiều về, cả ba lại được dì Lâm đón sang nhà. Tôi cùng tuổi với Quyên, con gái dì, nhưng Quyên cao hơn tôi cả cái đầu. Tôi nhớ nhất, mỗi buổi trưa, khi nghe tiếng kẻng báo đến giờ ăn cơm của công nhân trong nhà máy, mấy chị em tôi ba chân bốn cẳng chạy thẳng đến khu bếp ăn. Mùi thơm của thức ăn khiến đứa nào đứa nấy him híp mắt mà hít hà. Chúng tôi thích xán đến gần chiếc nồi gang nấu cơm to đến ba, bốn người khiêng, để rần rừ xin lớp cháy cuối nồi. Mỗi lần nghe tiếng xẻng xúc cơm, lợn chợn chạm đáy, gương mặt đứa nào cũng sáng bừng lên, không hề bảo nhau nhưng chúng tôi đều ngay ngắn xếp thành hàng, chờ được cầm miếng cháy có những hạt cơm vàng ruộm xêm xếp bên nhau. Thú vị nhất là nghe tiếng nhai miếng cháy vỡ rụm và tận hưởng mùi thơm, vị ngọt của miếng cháy dềnh dang trong miệng. Sau mỗi lần nhấm nháp như thế, bụng những đứa trẻ con chúng tôi đã lưng lửng no. Chúng tôi ùa ra sân nhà trẻ, nhặt những hòn đá nhỏ chơi ô ăn quan, gấp những tờ giấy làm tiền hay lén bố mẹ lôi nồi niêu, gạo thóc ra kê gạch, châm lửa chơi trò nấu cơm gia đình. Những trò chơi này về sau chẳng còn tồn tại trong tuổi thơ của các con tôi.
    Lại nói đến biệt tài nấu ăn của bố tôi. Chỉ đôi ba con cá, dăm lạng thịt mua vội ngoài chợ, mớ rau chị cả tôi nhặt nhạnh từ hàng rào… cứ vào tay bố tôi lại có đủ mùi vị khác nhau. Mùi thơm từ căn bếp nhỏ của chúng tôi quyện lấy cả khu phố, phả vào những chiếc mũi thính của lũ trẻ con. Vậy là mâm cơm nhà tôi khi nào cũng đông thêm những đứa bạn đến “ăn chực”. Có lẽ vì bố tôi dễ tính, nên hễ có công to việc lớn gì, ai ai cũng đều sang nhà nhờ bố nấu nướng. Bố vẫn nói với chúng tôi rằng, nếu không có những con người ấy, có lẽ chúng tôi đã không lớn lên được, đã không trưởng thành đến ngày hôm nay. Chị Cả tôi từ khi tám tuổi đã biết thu vén nhà cửa cho sạch sẽ, biết vào bếp lo bữa ăn đạm bạc cho cả nhà, lo giặt giũ quần áo cho các em. Bố rất thương chị, cũng tự hào về chị nhất. Chị hiền và ít nói. Mẹ mất khi chị vừa đủ năm tuổi, trong ký ức của chị, hình ảnh mẹ đậm đặc hơn so với các em mình. Tôi cảm nhận về mẹ qua sự dịu dàng của chị và dáng hình của dì Lâm. Hễ có đồ chơi gì mới, chị cũng nhường nhịn cho tôi, nhưng rồi tôi lại bị chị Hai tranh mất. Lúc ấy, chị Cả thường lấy quyền của mình để răn dạy chị Hai. Nhưng dù phải nghe theo lời, chị Hai vẫn luôn hắt về chị Cả và tôi cái nhìn ấm ức, rồi lỳ lợm ngồi trong xó nhà. Bố tôi bảo rằng tính chị Hai tôi lỳ hơn đít chai sành, mỗi lần có chuyện gì không vừa ý mình, chị lại đánh nhẵn góc nhà hàng tiếng đồng hồ, không buồn ăn uống, mãi cho đến khi bố tôi lôi chiếc roi dắt bên hông cột nhà, chị mới lũi chũi vén màn đi ngủ. Chị Hai cứ cầy cựa sống theo ý mình, dù không ít lần bị đòn roi của bố. Chị Hai và chị Cả đối lập nhau, không bao giờ xô lại được, nhưng hễ một trong hai chị gặp chuyện, người kia lại rầu rĩ cả ngày. Tôi là con út, lớn lên trong sự bao bọc của bố và hai chị. Thương tôi thiếu vắng hơi mẹ, bố và các chị dụm dành mọi thứ cho tôi, bởi thế, dù nhà cửa chẳng thể bằng người ta, nhưng lúc nào tôi cũng như một nàng công chúa. Trong ba người con gái, tôi xinh xắn và đáng yêu nhất. Hình như mọi nét đẹp của bố mẹ, tôi đều được thừa hưởng, nước da trắng, đôi mắt to, gương mặt bầu bĩnh trong mái tóc lơi xoăn tự nhiên.
    Rồi bố tôi già đi, chị Cả trở thành cô giáo làng thay mẹ. Chị yêu công việc chăm bẵm những đứa trẻ con sật sùi mũi dãi. Mấy năm sau đó, chị Hai và tôi cùng ra Thủ đô học đại học. Thừa hưởng giọng hát hay của mẹ, tôi nuôi mơ ước được đứng trên những sân khấu lớn và sẽ có nhiều người say đắm theo đuổi mình. Chị Hai chọn ngành công nghiệp cơ khí, cái ngành nghề khiến cho chị ngày càng giống đàn ông. Sợ tôi bị những thứ hào nhoáng, phù phiếm đeo bám, dịp cuối tuần, chị đều đặn đi con xe Honda cũ kỹ đến ký túc xá để kiểm tra. Ở ký túc xá văn công, đứa con gái nào cũng như búp bê, suốt ngày chỉ biết đến gương lược, váy áo, chị lọt thỏm trong chính những người cùng giới với mình. Tôi trêu chị:
    – Con gái gì mà suốt ngày thấy quần áo đầy mùi dầu máy, chả ra sao cả. Lúc nào, chị thử mặc váy đi, chắc có nhiều anh say mê đấy.
    Chị véo má tôi:
    – Cô cứ xinh đi là chị vui rồi. Đời chưa cho ta sạch nên ta phải lấm, lấm mới có tiền cho cô em tôi thơm tho được.
    Quả thật việc ăn học, từ sách vở đến những bộ váy đắt tiền của tôi đều là từ những đồng lương của chị Cả và tiền chị Hai đi làm thêm đem lại. Nhiều lần tôi ngỏ ý muốn được đi hát, tự trang trải cuộc sống cho mình, nhưng chị Hai nhất mực không đồng ý, chị sợ tôi không chống chọi được trong môi trường dễ bị sa ngã. Lúc nào trong mắt các chị, tôi vẫn chỉ là một cô búp bê, cần được trông nom cẩn thận và tôi cứ ngấp ngửng trong cái vỏ bọc ấy mà lớn.
    *
    Nhận được điện thoại của chị Cả, tôi và chị Hai bỏ dở hết mọi việc bắt xe về phố nhỏ. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi, giọng chị Cả dập dừng không nói đủ câu. Ba chị em tôi vẫn thường có thói quen gọi điện cho nhau mỗi tối. Nhưng đã gần tháng nay, không hiểu sao, chị Cả dường như ít liên lạc hẳn, chúng tôi có thắc mắc, chị chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Chị Hai nói dạo này chị hay nóng ruột lắm, mắt cứ nháy liên tục. Còn tôi chỉ thấy lòng dạ bồn chồn, hay nghĩ vẩn vơ đến những điều xa lạ, chập chờn về hình ảnh một người đàn bà nào đó chen lẫn vào giấc ngủ của mình.
    Phố nhỏ vẫn thế. Khu tập thể ngày xưa không còn nữa. Sau khi giải thể công ty, những hộ gia đình tỏa đi nơi khác, chỉ còn duy nhất nhà tôi và nhà dì Lâm bám trụ lại. Bố tôi dành dụm sửa sang ngôi nhà cũ thành nhà hai tầng. Nhà dì Lâm vẫn đối diện khang trang và chỉnh mỉnh hơn nhà tôi rất nhiều. Hai mảnh đời ấy vẫn cư xử với nhau bằng thứ tình cảm hàng xóm láng giềng. Con gái dì đang du học nước ngoài, nhiều lần thấy dì Lâm lủi thủi trong ngôi nhà rộng thênh, tôi không tránh khỏi niềm xót xa. Trong tâm thức của tôi từ lúc sinh ra đến giờ, dì Lâm luôn là điểm tựa người mẹ của ba chị em tôi. Chúng tôi đều biết dì Lâm có tình cảm với người đàn ông côi lẻ, nhưng bố tôi lại là người khá bảo thủ. Hình bóng người con gái năm nào vẫn ẩn hiện trong những giấc mơ ngấp ngúa tiếng la hét của ông. Ở khoảng trời ấy, có lẽ bố tôi mới sống được cuộc đời và tình yêu xưa cũ của mình, gương mặt ông khi đó có lúc cười, có lúc trẹo lệch sang bên, tay, chân quờ quạng, dẩn dơ đến lạ.
    Những năm gần đây, sức khỏe của bố ngày càng kém đi, nhất là khi biết sự đổ vỡ tình cảm của con gái đầu, ông càng suy nghĩ nhiều và sa sút. Tình yêu thời sinh viên giữa chị Cả và anh chàng thư sinh con nhà quan chức, không dễ dàng như lời hứa dưới ánh trăng đổi lấy sự trinh trắng đời con gái của chị. Ông bà quan chức khi biết mối quan hệ ấy, đã tức tốc đến nhà, “bàn luận” với bố về sự môn đăng hộ đối. Chị Cả khóc hết nước mắt, bố im lặng cả tháng dài… Lòng tự trọng của người lính khiến ông gục ngã, mảnh đạn năm nào chợt rẫy rựa trong đầu ông. Khi biết con gái hoài thai, bố tôi đã sống trong những cơn đau như điên dại. Chị Hai đã nhiều lần đi tìm anh chàng thư sinh, nhưng lần nào chị cũng chỉ biết đấm vào gốc cây với câu thề sẽ thay cả gia đình mình bắt ông bà quan chức ấy phải xin lỗi bố. Ra trường, chị Hai được nhận vào một công ty lớn của Nhật và giúp cho cả gia đình được sung túc. Đứa con trai của chị Cả sinh ra trong tủi giận cũng dần lớn, mỗi lần chúng tôi trở về lại thấy cái miệng nó loe ra nói cười rộn rã. Tôi ổn định làm một ca sỹ trong một đoàn nghệ thuật và bận rộn với việc thực hiện mơ ước của mình.
    Đón chúng tôi, vẫn cái miệng loe reo lên vui mừng.
    – Á… à… dì Hai, dì út của Ron về rồi… về rồi! Mẹ ơi, ông ngoại ơi, bà ngoại ơi…
    – Ron… Bà ngoại nào…
    Không để ý đến sắc mặt tối sầm của chị Hai tôi, thằng cu chạy thẳng vào buồng. Dáng chị Cả tất tả xuất hiện, trên tay vẫn bám đầy thức ăn.
    – Các dì về là tốt rồi…
    – Bố đâu chị?
    – Bố đang nằm trên phòng. Gần tuần nay gần như bố không hề tỉnh táo, đêm nào cũng la hét, chạy khắp nhà chơi trò đánh trận.
    Căn phòng bố khép hờ cửa, trên chiếc giường, bố nằm bẹp trong chiếc chăn to, gương mặt hốc hác, tiều tụy. Nhìn bố, tôi không ngăn được nước mắt, lồng ngực đau nhói. Công việc cùng những nỗi niềm ích kỷ của riêng mình đã khiến tôi bỏ bố lại giữa nỗi đau đớn. Chị Hai nắm lấy bàn tay còng queo của bố, chị không nói nhưng đôi mắt đỏ lựng, rồi thở dài. Từ trong khu vệ sinh cá nhân, tiếng lục tục phát ra, tưởng cu Ron nghịch ngợm trong đó, tôi tiến lại mở toang cánh cửa. Trước mắt tôi người đàn bà chừng bước qua cái tuổi sáu mươi, dáng người nhỏ thó đã hơi khòm lại, da mặt bà rúm ró, môi bợt bạt, đôi mắt đùng đục. Tôi giật mình hét lên. Chị Hai thấy vậy vội tiến lại, rồi giận dữ lôi lềnh lệch người đàn bà ra ngoài, gọi giật chị Cả.
    Trong căn phòng khách, ba chị em tôi ngồi đối diện với người đàn bà xa lạ. Bà chắp hai tay trước ngực, vẻ sợ hãi lộ rõ. Tiếng chị Hai rành rọt:
    – Giờ chị nói đi… Người này là ai, sao lại xuất hiện trong nhà mình?
    Người đàn bà co mình ngồi rúm lại, cả thân hình thu gọn trong cái bóng đen vèn vẹt trên tường. Đêm đen hơn, những dáng cây khẽ khàng đung đưa vào gió. Ngôi nhà nhỏ vẫn im lìm. Tiếng chị Cả đều đều, gõ vào không gian sẫm buồn khắp căn phòng.
    – Các em cứ bình tĩnh… Đây là mẹ của chúng ta.
    – Mẹ!… Chị nói đây là mẹ… mẹ nào? Mẹ không phải đã mất khi sinh em hay sao?
    – Chị nói lại lần nữa xem nào? Đây là ai?
    Chị Hai sấn đến người đàn bà lạ, ánh mắt bà hốt hoảng, hai bàn tay đan chặt vào nhau, cả người rung lên sợ hãi. Chị Cả vuốt nhẹ lưng bà trấn an, giọng chị Cả nghiêm nghị:
    – Không được hỗn. Cả hai ngồi xuống và nghe chị nói. Đây là mẹ nhưng không phải là mẹ đẻ ra chúng ta. Đây là người đã dùng cả tính mạng đổi cho mẹ, để mẹ trở về đấy. Hai đứa đọc hết cuốn nhật ký của bố sẽ hiểu được tất cả.
    Chị Cả đưa cuốn sổ bìa đen, những góc sổ nham nhở, nhưng những trang giấy phẳng phiu, sạch sẽ. Tôi đưa tay lật dở cuốn sổ, ngay trang đầu tiên dán tấm ảnh một cô gái có đôi mắt sáng, tóc tết hai bên duyên dáng, e ấp bên cạnh chàng lính có nụ cười rạng rỡ, tôi nhận ra đó là bố và mẹ thời còn trẻ. Những câu chuyện hàng ngày của chàng lính năm nào cứ hiện rõ trong từng trang giấy đục viết bằng mực xanh. Bom đạn, sức sống và ý chí mãnh liệt của chàng lính khi đối diện với hiểm nguy khiến tôi càng ngưỡng vọng những con người lịch sử ấy.
    Trong câu chuyện của bố, ngoài hình ảnh của mẹ, còn xuất hiện thêm một người con gái cùng quê, người đã lấy thân mình che cho mẹ khỏi trận bom ác liệt, khi cả hai đang dằm mình lấp đất cho những đoạn đường hốc hác. Trận bom ấy, cả hai người con gái thoát chết, mẹ vẫn là chú vàng anh xinh đẹp có tiếng hát cao vút, còn cô gái kia thân thể nham nhở vết thương, gương mặt biến dạng. Khi người bạn cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết, mẹ đắng đót nhìn đồng đội mình chuyển bạn về bệnh xá. Nhiều đêm sau này, mẹ vẫn giật mình trong những cơn mộng mị về bạn, về nỗi ân hận và day dứt mãi khôn nguôi. Bố mẹ đã nhiều lần tìm đến những bệnh xá, đồng đội cũ để hỏi tin tức, nhưng bóng dáng về cô bạn gái vẫn như cánh chim vô định. Thời gian trôi qua, bố mẹ nên duyên chồng vợ, chị em tôi ra đời và nhà tôi lúc nào cũng có một bàn thờ trống. Chị cả kể lại rằng rất nhiều lần chị thấy cả bố và mẹ đứng lặng yên trước bàn thờ ấy rồi khóc. Có hỏi, mẹ chỉ dặm nước mắt, trả lời đó là người đã sinh ra mẹ lần nữa.
    – Vậy đây là…
    Chị cả nắm lấy bàn tay run run của người đàn bà bên cạnh, tiếng chị nhẹ thẫng:
    – Là người đã tái sinh mẹ chúng ta. Cách đây không lâu, cô ấy đã trở về quê, nghe được lời nhắn của bố mẹ để lại, cô hỏi địa chỉ và tìm đến đây. Giờ cô ấy không còn nhà cửa, người thân nữa. Từ khi có cô ấy, qua câu chuyện thời chiến, bố đã tĩnh trí lại rất nhiều. Giờ chị gọi hai em về để chính thức cho cô ấy một gia đình thực sự.
    – Còn dì Lâm? Đã bao năm rồi dì vẫn chờ đợi một ngày…
    Trả lời tôi, tiếng bước chân dì Lâm vện vào nền nhà rõ ràng hơn.
    – Đối với dì, lúc nào đây cũng là nhà mình hết. Bà ấy đã đánh đổi một đời đau khổ, nên bà ấy xứng đáng được đền đáp. Hãy yên lòng bởi ngôi nhà này vẫn sẽ luôn có đầy đủ ba chiếc lá ấm áp và tràn ngập yêu thương.
    Lời dì Lâm như làm tôi ấm lại rất nhiều, bất giác tôi nhìn thấy bàn tay của chị Hai nắm chặt lấy tay người đàn bà ấy. Trên gương mặt bà, hàng nước mắt lăn dài trên gò má dàu dĩ thời gian. Gió vẫn thấp thững thổi qua hàng cây. Những chiếc lá xoay nhẹ, xoay nhẹ rồi chà xuống mảnh sân yên bình ở ngôi nhà nhỏ góc phố.

Kết Thúc (END)
Ngân Hằng
» Ngôi Nhà Ba Lá
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop