Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyện Nhỏ Bên Hồ Tràm Tác Giả: Sưu Tầm    
    Đó là hai con người đặc biệt. Lão Khoản “năm không” và mụ Đãi “cười bốn mùa”. Xóm nhà sàn gọi lão Khoản là ông già “năm không” vì lão không nhà cửa, không phương tiện đánh bắt thủy hải sản, không vợ con, không biết chữ, không cả một tờ giấy lận lưng. Lão lần hồi làm thuê cho các gia đình, làm cho nhà nào ăn ngủ ở nhà nấy. Công việc của lão là rải thức ăn cho cá bè, đặt lợp, kéo te, đan lưới… Buổi chiều lão ra hồ tràm lăng xăng phụ cân tôm cá, giúp những người bán sỉ đóng hải sản vào các thùng xốp, xếp lên xe tải. Từ đây, các thùng tôm cá tươi ngon được ướp đá chẻ sẽ về Sài Gòn, lên Đà Lạt, Bình Phước, Tây Ninh, thậm chí ra cả miền Trung. Lão góp phần làm cho bữa ăn của các gia đình thêm xôm tụ, nhưng chính lão thì chưa khi nào sở hữu được một thùng cá.
    
    Mụ Đãi bán cá ở chợ. Cái chợ mang tên Chợ Việt Kiều nghe “sang chảnh” nhưng hầu hết là những hộ từ Miên dạt về, lập ra xóm nhà sàn, sống bám vào hồ tràm, có người nói tiếng Việt chưa sõi. Lão Khoản hay phụ giúp các tiểu thương nên được họ ghép đôi với mụ Đãi. Thì hạp quá còn gì. Hai ông bà ráp vô thành cặp cho nó… khí thế. Có người nói vui, về làm bạn già, chớ tuổi nầy còn làm ăn gì được nữa, hết “xí quách” rồi. Ê. Đừng “chủ quan khinh địch” nha cha nội. Hồi lâu rồi tui coi báo, thấy ở nhà dưỡng lão các ông bà già cũng phải lòng nhau, có cặp kết hôn, đẻ con đàng hoàng. Miễn đàn bà đẻ được thôi. Còn đàn ông chừng nào đầu gối cắt không ra máu, chừng đó mới hết xí quách. Lão Khoản khó chịu vì bị mang ra giưỡn. Nhưng mụ Đãi thì cười hi hí. Mụ chẳng biết mắc cỡ là gì. Mà có khi mụ thích được ghép đôi với lão Khoản cũng nên.
    Lý giải về tình trạng “năm không” của lão Khoản, những người sống cùng thời với lão bên Miên khẳng định, lão là nạn nhân của họa diệt chủng do Polpot gây ra. Họ nói không sai. Thời trẻ cậu Khoản yêu một cô gái tên Khiêu cùng tuổi, cùng lớp tiếng Miên. Khiêu là con gái một gia đình giáo viên có mẹ người Việt, bố người Campuchia và cô nói sõi tiếng Việt. Ở tuổi mười bảy, Khiêu đẹp rờ rỡ. Cô thiếu nữ cũng rung động trước chàng trai khỏe mạnh có ánh nhìn vừa rụt rè mê đắm, vừa u sầu khắc khoải. Khoản lẽo đẽo theo Khiêu đến mọi cuộc vui, hội hè. Mặt cậu nghệt ra khi nhìn cô say sưa múa Lămleo, Saravan, Răm vông, những chiếc vòng kim loại trên cổ tay cổ chân cô sáng lóng lánh. Cậu tự hào vì trong đám vũ nữ múa Apsara, bàn tay Khiêu uốn cong nhất, dáng cô thon thả và bước đi uyển chuyển nhất. Cũng vì yêu mà cậu hay cùng Khiêu đi chùa, thậm chí cùng cô tham gia điệu múa Gáo dừa, dù tính cậu ưa mắc cỡ và không thích xuất hiện trước đám đông.
    Thế rồi họa diệt chủng như cơn siêu bão thình lình ập xuống đầu hàng triệu người dân Campuchia vô tội, đập tan tành tình yêu say đắm và thánh thiện của đôi trai gái.
    Hay Khiêu và ba má trốn sang Việt Nam ít bữa, chừng nào yên hàn lại về - Khoản năn nỉ người yêu. Họ đang đứng dưới gốc cây sa kê đằng sau một ngôi chùa, nơi bầy dơi trú ngụ đông đúc trong những mái vòm. Thời điểm ấy có không ít người Campuchia chạy sang Việt Nam trốn cái chết. Khiêu lắc đầu và bật khóc. Khoản ôm hai vai nàng rung bần bật. Nàng nói trong tiếng nấc, nàng sợ gia đình nàng không chạy kịp. Mọi ngả đường đều có những bộ mặt hung dữ, những ánh mắt man rợ. Cha mẹ nàng chỉ là giáo viên tiểu học, nhưng khó thoát khỏi sự trừng trị của Polpot, vì nghe đâu những người diệt chủng săn lùng dân chữ nghĩa.
    Qủa nhiên, cha mẹ Khiêu chưa kịp trốn sang Việt Nam thì họ đã bị quân Polpot bức tử bằng cách dùng cuốc bổ vào đầu, hất xác xuống hố chôn chung. Nàng Khiêu đáng thương gào thét, lăn lộn, rủa xả quân khát máu, nàng chọc giận chúng nên kết quả là nhận một báng súng vào giữa đỉnh đầu…
    Sau vụ gia đình người yêu bị sát hại một cách dã man, lão Khoản như thành người khác. Thế giới đối với lão trở nên hiu quạnh và tâm hồn lão trống rỗng. Lão bỏ học, bỏ nhà, xuống biển hồ chài lưới, càng ngày càng thu mình vào vỏ ốc, không nói, không cười. Ông bà nội ngoại và thân sinh lão lần lượt qua đời, mộ nằm trên đất Miên. Lão không kết hôn, dường như con tim lão đã tan vỡ không thể nào hàn gắn lại được. Ánh sáng hiền hòa từ cặp mắt long lanh dưới hàng mi cong vút của Khiêu ám ảnh lão và lão không cách gì rũ bỏ được gánh nặng của quá khứ. Bởi vậy khi những vạn chài người Việt trên biển hồ bị dân bản xứ chèn ép quá chịu không nổi, rủ nhau bỏ về Việt Nam, lão Khoản ngay lập tức theo về.
    Lão Khoản hiền lành, không bao giờ gây sự với ai, lúc rảnh chỉ ngồi một mình đuổi kiến, bắt ruồi hoặc lẩm nhẩm những câu vô nghĩa. Lão không biết chữ Việt nhưng mỗi khi có trong tay một mẩu giấy, lão lại viết lên đó những dòng chữ Miên loăn xoăn như những sợi dây lò xo bị đứt gãy. Đôi khi lão cất giọng khàn khàn hát tiếng Miên, giai điệu buồn thảm và ca từ chẳng ai hiểu được. Hát rồi khóc. Lão tìm ra góc khuất ngồi khóc mùi mẫn, tay vuốt nước mắt liên tục như trẻ con, nhìn rất đáng thương. Bọn trẻ con xóm nhà sàn ban đầu cũng chọc giưỡn lão bằng cách le lưỡi, giơ ngón tay đểu, nhưng sau bị người lớn mắng nên chúng thôi, có đứa thậm chí còn dúi cho lão một trái ổi xanh lè hay trái cóc chua đến ê răng.
    Từ vài năm nay, thấy lão Khoản vất vưởng một mình, vợ chồng anh Tín - chị Tỏ một vạn chài gốc miền Tây động lòng cho lão về ở chung. Lão phụ anh chị đi đổ đăng, mang cá ra chợ cho chị Tỏ bán, xẻ cá phơi khô. Rảnh thì đan lưới. Mùa khô, hồ rút bớt nước, phơi ra những bãi phù sa thoai thoải, lão lại cùng anh chị trồng cấy hoa màu. Họ may quần áo mới cho lão. Lão đau bệnh họ thuốc thang. Ăn thì gia đình ăn gì lão ăn nấy. Lão muốn ngủ dưới gầm sàn cho thoáng mát họ cũng ok. Lại cho lão một cái tủ gỗ đựng áo quần và đồ vặt. Có hơi ấm tình thân, lão Khoản vui và khỏe khoắn hẳn ra. Lão tâm sự với anh Tín rằng lão muốn có một chiếc xuồng. Một chiếc xuồng máy. Nếu có chiếc xuồng lão sẽ tự kiếm cơm, khỏi phải phiền anh chị. Nghe lão nói, vợ chồng anh Tín chỉ nhìn nhau thở dài…
     *
    Hồ tràm là hồ thủy điện. Người ta gọi nó là hồ tràm bởi vây bọc quanh hồ là rừng tràm. Cái hồ thông với dòng sông chảy vắt qua nên càng trở nên rộng mênh mông. Vào cữ tháng bảy tháng tám, cá thi nhau vật đẻ trong những lùm cây mai dương ngước ngập đến ngọn. Hồ tràm có những con cá chép, cá mè nặng bảy tám ký là thường. Những năm sau này người đánh bắt tứ xứ đổ về, kẻ tham lam dùng cả ngư cụ tận diệt dù bị nhà nước cấm nên nguồn lợi thủy sản trở nên cạn kiệt.
    Xóm nhà sàn nằm bên bờ sông, sin sít nhau hơn trăm nóc nhà. Đồng cảnh khó nghèo, tha hương nên khi trở về cội nguồn các gia đình rất đùm bọc, bó bện nhau. Riêng ngôi nhà sàn của anh Tín thoi loi bên sườn đồi dốc dẫn xuống hồ tràm. Từ xa trông nó hơi liêu xiêu, gầm sàn trống lốc, một phía được che lại bằng tấm tôn cũ. Đó là nơi lão Khoản đặt chiếc tủ gỗ và giăng chiếc võng dù.
     Hai ngày liền lão Khoản ngây ngấy sốt. Vợ chồng Tín không cho lão ngủ võng sợ đêm hôm gió máy, nên lão phải lên nhà, ngủ trên cái giường của thằng Rin con trai nuôi của Tín đang đi học xa.
    Sáng nay hết sốt, lão tự lấy tô cháo, bóc vỏ hai quả trứng gà luộc chị Tỏ để sẵn, uể oải ăn. Xong, lão rửa sạch tô, úp vào rổ chén, uống thuốc rồi ra nhà trước ngồi trên bậc cửa, dõi mắt nhìn ra xa.
    Làn sương sớm trắng như sữa bay là là trên mặt hồ tràm đã tan hết. Nắng sớm làm mặt hồ lấp lánh như gương. Mọi hôm tầm này lão Khoản và Tín đã đi đổ đăng về, chị Tỏ đã mang cá ra chợ bán. Hôm nay phải ở nhà lão Khoản thấy buồn. Đi đổ đăng thường phải dậy từ tinh mơ, bơi xuồng ra hàng cọc đáy. Tín nhảy xuống nước lặn một hơi, lôi lên những đùm lưới lùng nhùng, lão phụ anh đổ cá vào lòng xuồng. Lũ cá nhảy lao xao, đủ loại cá hoàng đế, cá lăng, cá trắm, cá mè, cá lau kiếng...Những chú cá hoàng đế màu sắc rực rỡ ngày càng hiếm hoi, chúng bị săn bắt đến cạn kiệt, ngược lại, cá lau kiếng thì sinh sôi nảy nở, chẳng khác giống cây mai dương tua tủa gai bên bờ hồ. Những con cá lau kiếng mồm loe ăn tạp, da dày cui như da trâu bị vứt chỏng chơ thối rữa trong các bụi cây.
    Lão Khoản thích đi đổ đăng. Sáng tinh sương, nước hồ trong vắt, chỉ khẽ lăn tăn khi có làn gió mỏng lướt qua. Chân trời, chỗ mặt trời trồi lên phơn phớt những vệt mây xám hồng. Xung quanh rừng tràm im phăng phắc in bóng xuống mặt hồ. Những con chim nhỏ lông đen nhánh kêu ríu rít, bay liệng trên không trung bao la, thi thoảng có con lao vụt xuống nước rồi lại vọt lên trong tích tắc. Khung cảnh hồ tràm gợi cho lão Khoản những ký ức đã ẩn rất sâu trong tiềm thức về những ngày lênh đênh trên biển hồ. Ban đầu điều đó khiến lão buồn. Nhưng rồi dần dà, cảnh đẹp làm lão nguôi dần. Lão cảm thấy tâm hồn như mở toang ra, đón lấy tất cả những gì mát lành, trong trẻo mà thiên nhiên giành tặng cho người đi đổ đăng sớm như lão.
    Một người đàn bà vừa xuất hiện nơi đầu dốc dẫn xuống nhà Tín.
    Cái dáng xệch xạc tay xách nách mang nom là lạ, quen quen. Đến gần thì lão Khoản nhận ra… mụ Đãi. Giờ này lẽ ra mụ phải ở chợ bán cá, sao lại lù lù ở đây, không lẽ mụ đến… thăm lão?
    Mụ Khoản đứng dưới chân cầu thang, nở nụ cười khoe hàm răng thật giả lẫn lộn, những cái răng giả thì trắng, răng thật thì đen xỉn.
    - Nghe cô Tỏ nói anh Hai bịnh. Nên tui qua thăm anh…Bớt chưa anh Hai?
    - Lên nhà đi - Lão Khoản nói cụt ngủn. Vốn từ vựng của lão chỉ có vậy. Lão vào nhà mặc thêm chiếc quần tây đen cũ, che đi hai đầu gối xương trồi ra như trái quýt.
    Mụ Đãi tháo đôi ủng cao su, để chân trần, xách bọc cam và túi nylon đựng hộp sữa to rón rén bước lên cầu thang. Cái cầu thang bằng tre lồ ô kêu cọt kẹt dưới sức nặng hơn năm chục ký lô của mụ. Vào nhà, mụ xăng xái xuống bếp, thông thạo như thể nhà của mụ và loáng cái đã làm xong một ly cam vắt. Cả hai ngồi bệt trên chiếc chiếu tre trải trên sàn. Mụ Đãi cười hề hề. Tui nhờ cô Tỏ bán giùm rồi. Anh Hai… ốm quá. Chịu khó uống nước cam cho mau khỏe. Có hộp sữa… lâu lâu pha bồi dưỡng. Hồi đó tui bịnh, cũng nhờ uống sữa nầy mà mau lành đó. Mụ nói và lại cười. Cái con mụ đến lạ. Chẳng có gì cũng cười. Người ta gọi mụ là “Bà Đãi cười bốn mùa” cũng phải. Được cái mụ xấu người nhưng tốt tính. Ai nhờ gì cũng làm. Đưa tiền thì lắc quầy quậy, không thì đáp lại bằng cách… cười. Lão Khoản nghĩ về mụ với sự thương cảm và cầm ly nước cam uống ngon lành.
    Thật ra, những người biết mụ Đãi đều nói, mụ sanh ra để chịu khổ. Vợ chồng mụ trôi nổi từ miền Tây lên với đứa con gái, dựng nhà bạt ngay trên bến cá, buổi chiều tàu thuyền về, cá lớn người ta bán sỉ, còn lại mớ cá nhỏ, mụ mua lẻ, mang ra chợ bán lại. Cuộc sống nghèo mà ấm êm. Cho đến khi chồng mụ bị lật xuồng trong một cơn giông bất chợt, khi cùng bạn chài đi lưới cá. Hồ tràm bình thường tĩnh lặng, nhưng khi giông lốc thì trở nên cuồng nộ, hung hãn, có thể hất tung, đập vỡ và dìm xuống đáy hồ bất cứ chiếc xuồng nào. Chưa kịp mãn tang chồng, con gái mụ Đãi lại gặp nạn ở trường, một téc nước đổ ụp, đè trúng con nhỏ. Chồng chết. Con chết. Mụ Đãi chơ vơ một mình trong căn nhà bạt lẻ loi trên bến cá phủ trắng những mảnh mút xốp, bịch nilong và rác thải.
    Một đêm, mụ Đãi bị một lũ súc sinh không biết từ đâu tới, đè dúi dụi xuống bãi, nhét cỏ vào mồm, thi nhau cưỡng bức. Khi chúng rút đi, thân thể mụ đau đớn giống như bị xé toạc, mặt mũi sướt sát, đất cát lẫn lá cỏ nghẹt cứng trong mồm. Từ ngày ấy, mụ thành dở khôn dở dại, lúc nào cũng cười. Vui cười, khổ cũng cười. Nụ cười của mụ cũng lạ, một bên mép xếch lên, trông như mếu, đến nỗi người ta bảo, thà mụ khóc còn đỡ đáng thương hơn. Mụ lại còn nói ngọng, lưỡi líu vào, nghe không rõ tiếng. Mỗi ngày mụ đón mua cá bên chân cầu xi măng, nơi tập kết của những ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ, mang ra bán ở chợ Việt Kiều. Mụ ngồi trên chiếc ghế con, hai chân mang ủng cao su giạng ra, tay thoăn thoắt đánh vảy cá, mổ ruột, bóc mang, chỉ với chiếc kéo sắt. Trên mặt và trán mụ lúc nào cũng dính vẩy cá. Hai tay mụ quanh năm vầy nước tanh, các ngón lở lói đỏ hỏn, trông vừa ghê sợ vừa tội nghiệp. Sao không đeo bao tay cao su vô, như người ta kìa, cho đỡ bị nước ăn. Có lần lão Khoản ái ngại hỏi mụ. Lão thấy thương xót người đàn bà ngày nào cũng ngồi xoạc chân làm cá trên nền chợ ướt lẹp nhẹp, bốc lên đủ thứ mùi tanh tưởi. Nghe lão hỏi ra vẻ quan tâm, mụ lắc đầu cười. Lại cười. Mụ bỏ nhà bạt, thuê một căn buồng bé như hộp diêm ngay trong xóm nhà sàn. Thuê rẻ như bèo, vì chủ nhà quý mụ nên chỉ lấy tiền thuê cho có.
    Lão khoản đặt ly nước cam còn đọng vài cái hột dưới đáy ly xuống sàn, liếc nhìn mụ Đãi. Mụ ý tứ dấu đôi bàn tay trợt đỏ vào sau vạt áo. Lần đầu tiên, lão thấy mụ cũng… dễ coi. Ngót nghét năm chục. Ngồi nhiều nên người sổ ra. Nhưng cổ mụ vẫn trắng trẻo phẳng phiu, bộ ngực núng nính… Cứ cho là mụ dở dở ương ương sau vụ bị cưỡng bức nhưng mụ hiền lành, tốt bụng, chưa phải nhờ cậy ai. Mình ên mụ làm cũng đủ nuôi thân. Chỉ ngại là lúc tuổi già…
    Bất giác, lão Khoản đưa tay khảy cái vảy cá sáng lấp lánh bám trên trán mụ Đãi. Con mụ tội nghiệp, vảy cá dính trên mặt cũng không biết. Mụ mắc cỡ quay nhìn cái tủ kính áp sát vách, trong đó có những bình hoa màu sắc tươi tắn, những con gà con chó con heo được nặn bằng đất sét dẻo. Đó là những con vật do chính tay lão Khoản tạo ra cho bé My. Con nhỏ rất thích thú vật và hễ có đồng tiền nào là lại đem mua đất sét. Ai làm mấy thứ này vậy anh Hai. Đẹp quá hà. Mụ Đãi xuýt xoa. Tui làm chớ ai. Đẹp gì mà đẹp. Trò con nít. Lão Khoản nói, tỏ vẻ khinh thường. Mụ Đãi chuyển sự chú ý lên trên vách tường. Mụ ngếch mặt lên, mồm dẩu ra đánh vần chữ trên tấm giấy khen của con nhỏ My. Nhìn bộ dạng buồn cười của mụ, lão Khoản khẽ thở dài. Mụ thế mà còn hơn lão, biết đọc, biết viết, dù mụ đọc chả khác gì đánh vật. Thiên hạ ghép lão với cái mụ dở người này chủ yếu do hoàn cảnh, chứ lão chẳng mê đắm gì mụ. Mà mụ có lẽ cũng chẳng yêu đương gì lão. Nhớ lần nọ lão ghé nhà trọ của mụ để sửa điện và thay cái bóng đèn dài bằng bóng đèn led cho tiết kiệm, một người hàng xóm nửa đùa nửa thật bảo lão. Nè bố già. Kén cá chọn canh gì nữa. Bố dọn về ở đây luôn cho rồi. Góp gạo thổi cơm chung lại chả vui hơn mỗi người một nồi à. Lão Khoản tảng lờ như không nghe. Thật sự thì lão sống mông lung vô định và chưa bao giờ hình dung một ngày nào đó bên cạnh lão sẽ có một người đàn bà, cụ thể là có mụ Đãi, cùng mụ chung hưởng niềm vui và chia sẻ nỗi buồn. Đối với lão, hạnh phúc ngọt ngào chỉ là thời kỳ ngắn ngủi lão và Khiêu yêu nhau. Nàng chết, nghĩa là lão không còn cuộc sống nữa, chính xác hơn là lão sống chỉ để chết dần chết mòn.
    Đang đánh vần chữ đặng chữ mất, mụ Đãi bỗng nhớ ra một việc hệ trọng. Mụ nhìn lão Khoản chằm chằm:
    - Anh Hai… chít xi vít chưa vậy? Tui chít rùi nè. Ở trển người ta nói, người bán hàng dễ bị lây. Nên cho chít hết cả chợ.
    Lão Khoản ngớ ra, rồi lão chợt hiểu: Mụ Đãi nói chít xi vít tức là chích vắc xin ngừa covid chưa? Con mụ này đến ngộ, nói có vậy mà cũng không xong. Lão lắc đầu. Mới chích có một mũi thôi. Tháng sau mới chích mũi hai lận. Rồi có sao không anh Hai? Tui chít xong khỏe ru à. Tui cũng vậy. Lão Khoản nói một cách miễn cưỡng.
    Hết chuyện để nói. Mụ Đãi đứng dậy.
    - Thôi tui zìa nhen anh Hai. Anh Hai mạnh giỏi.
    Cái cầu thang lại rung bần bật. Bóng người đàn bà xa dần.
    *
    Sáng nay anh Tín làm lễ động thổ trên miếng đất vợ anh được xã cấp xây dựng nhà tình nghĩa, có cán bộ Sở, ngành đến dự, có nhà tài trợ từ tỉnh về. Anh trải tấm chiếu nhựa trên đất, bày mâm lễ. Mùi nhang trầm thơm thoang thoảng. Trong lúc anh Tín làm thủ tục cúng đất, các vị khách đứng ven đường được dịp nói về gia cảnh của vợ chồng anh.
    Anh Tín và chị Tỏ đều dân An Giang. Anh là con trai một người lính chế độ cũ, đã tử trận. Chị Tỏ là con liệt sĩ. Ông trời run rủi hai đứa con của hai người lính hai bên chiến tuyến rốt cuộc lại yêu nhau và về chung một nhà. Chị Tỏ bị di chứng chất độc da cam từ người cha. Hai cậu con trai sinh ra đều dị dạng không nuôi được. Họ nhận một đứa trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi và sau đó may mắn sinh được bé Trà My lành mạnh, nay đã học lớp bốn. Thời còn ở quê, anh chị cũng sống bằng nghề hạ bạc. Họ còn bắt sóc tràm (chuột đồng), hái bông điên điển, thả dớn bắt cá linh… Làm đủ nghề mà cuộc sống vẫn bấp bênh vì phụ thuộc vào mùa lũ. Những năm gần đây đầu nguồn sông Mê Kông la liệt thủy điện lớn nhỏ, mưa ngày càng ít, nước lũ không còn tràn đồng, rồi xâm mặn, chuột bọ sâu rầy phá quấy, cuộc sống ngày càng khó khăn. Anh Tín nghe lời người quen, đưa vợ con về miền Đông, gia nhập đội quân chài lưới vốn đã đông đảo trên hồ tràm. Căn nhà chưa xây là mơ ước của đôi vợ chồng. Vì họ hiểu, cuộc sống đánh bắt hải sản trên hồ tràm khó lâu bền. Trước sau gì cũng đến lúc phải tính kế lâu dài.
    Buổi trưa chị Tỏ ở chợ về. Chị mua bún, bảo để chiều ăn với lẩu cá lăng. Lâu lâu kiếm được con cá ngon cũng phải bồi dưỡng cho cả nhà, nhất là con nhỏ My mới mang về cái giấy khen học sinh xuất sắc.
    Hoàng hôn sẫm dần, mặt trời tuột xuống sắp chạm vào đường viền của dãy núi xanh mờ phía sau rừng tràm. Mặt nước hồ ánh lên sắc hồng vì những tia nắng còn rơi rớt lại
    Bé My cùng lão Khoản mang rổ đi ven bờ hồ tràm hái rau bìm bịp cho bữa lẩu. Hai ông cháu đi một hồi thì anh Tín về cùng một vị cán bộ xã, theo sau là… mụ Đãi. Buổi chiều rảnh rang, mụ tắm gội chải đầu, xức thuốc mỡ vào những vết trợt trên bàn tay, ngón tay, thay bộ đồ tươm tất và đi đôi dép lê nên nhìn trẻ hẳn ra. Mụ xách theo một bọc cam to tướng dù chỗ cam hôm qua lão Khoản còn chưa dùng hết. Con biết rồi à nha. Dì mang cam tới cho chú Hai chớ gì. Hai ông bà thương nhau dữ thần nha. Chị Tỏ nói và cười vui vẻ. Chị chẳng lạ gì tình cảm mụ Đãi dành cho lão Khoản vì chính chị đã “gài độ” cho mụ.
    Lão Khoản và bé My trở về khi mặt nước hồ tràm đã lãng đãng một làn sương mơ hồ. Lão thấy nhà có khách, lại có cả mụ Đãi thì hơi ngạc nhiên. Lão nghĩ chắc có chuyện gì quan trọng đây. Qủa nhiên, ngồi vào mâm cơm, anh Tín xoa tay tuyên bố bữa nay ăn mừng vụ động thổ ngôi nhà tường. Vị khách nói:
    - Anh Tín tính vầy phải rồi. Tỉnh mình phát triển du lịch sinh thái. Hồ tràm sẽ được khai thác làm du lịch. Bà con ngư dân sau này sẽ phải giảm đánh bắt cá để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
    Khi tất cả đã ngấm men rượu, trở nên phấn chấn, anh Tín nhìn lão Khoản. Rồi anh nhìn mụ Đãi. Tín nói, giọng xúc động:
    - Chú Hai nè. Anh Dũng đây là cán bộ xã, sẽ hướng dẫn chú làm giấy xin cấp căn cước công dân. Để chú còn… lấy vợ chớ. Hồi nào tới giờ tụi con biết chú Hai mơ căn nhà sàn. Mơ cái xuồng đánh cá. Vợ chồng con qua năm sẽ xây cái nhà tường. Cũng là tính đường xa cho bé My. Tụi con định vầy: Nếu chú Hai muốn theo tụi con thì theo, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Còn nếu chú Hai thích ở đây, tụi con sẽ…tặng lại chú cái nhà sàn và chiếc xuồng. Nó hơi cũ nhưng còn dùng tốt. Chỉ với một điều kiện. Chú Hai… không được ở một mình…
    Hai lỗ tai lão Khoản lùng bùng. Lão ngỡ mình nghe lầm. Nhưng khi nhìn anh Tín, chị Tỏ, lão tin là lão không nghe nhầm. Chị Tỏ mỉm cười, rượu làm hai má chị đỏ hồng.
    - Anh Tín nói vậy chú Hai hiểu không? Tụi con sẽ làm việc trong xưởng gỗ của xã. Tính giao nhà, giao xuồng cho chú, nhưng với điều kiện chú phải sống cùng…dì Hai đây…Dì Hai chịu rồi, đúng không dì Hai? Mụ Đãi bẽn lẽn cười. Hôm nay cái cười xếch một bên mép của mụ nhìn cũng dễ thương.
    Từ lúc nghe anh Tín nói, lão Khoản sống trong trạng thái khó xác định. Lão không biết mình đang vui hay đang buồn. Lão lắp bắp nói:
    - Chú Tín với cô Tỏ làm tui… bất ngờ quá. Việc nầy lớn, tui đâu dám… quyết ngay. Để tui suy nghĩ coi sao đã…
    Lão bất giác nhìn sang mụ Đãi. Mụ đang cười ngỏn ngoẻn, hai tay thu sau vạt áo. Lão chợt nghĩ, nếu số phận buộc lão vào với con mụ “cười bốn mùa” này, nhất định lão phải bảo mụ bỏ nghề bán cá, chữa cái tay cho lành rồi chuyển qua làm việc khác. Làm gì thì lão chưa biết. Nhưng chắc là phải vậy. Còn nếu mụ cứng đầu không chịu bỏ nghề bán cá thì nhất định mụ phải mang bao tay cao su vô. Để vậy còn gì là tay…

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân