Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Một Vài Cách Sống Tác Giả: Sưu Tầm    
    Căn bệnh ung thư quái quỷ chẳng ai còn lạ. Ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng, ung thư tuyến tiền liệt, ung bất kể trong ngoài trên dưới chỗ nào có thể ung được… Nhưng bạn đã biết thế nào là “ung thư mạng” chưa? Chưa thì đọc đi. Một căn bệnh tân kỳ, không gây ra cái chết, trái lại, còn giúp người ta một cách sống, một cách để yên chí về sự tồn tại của mình trên cõi đời này.
    Hiện ra từ đám hơi nước của cơn mưa sáng, ngôi nhà có cánh cửa sắt màu tro, những con chữ Tàu nhoà đi trên bức tường cũ. Những mái ngói đầy rêu gợi nhớ lại chút ít gì đó của thời xưa cũ. Ở đó có một nhỏ giúp việc miệng mãi càu nhàu, hứng thú với những tiếng thở dài, thường xuyên tẩm nỗi chán chường của mình vào cán chổi hay con dao lục, miệng lẩm bẩm ra hơi gió khi ông chủ than rằng hôm nay không có cảnh gì chụp để đăng lên mạng.
    Sáng tháng Tám, bị giày vò bởi tiếng thở dài của ông chủ, Hy chán hết muốn sống khi ngó ông già đang cố định lại những cọng tóc bị dịch chuyển vì trận gió tuôn qua cánh cửa khép hờ. “Hy ơi, tiếp chú”, nó đã nghe quen, cái tên đó, khi tên khai sanh mình chính xác là Lỉnh. Ông già, với mỹ cảm kỳ lạ của ổng, đã đổi tên nhỏ giúp việc ngay lần đầu nó tới nhà. “Tên nghe xấu quá, văn chương thì tên phải đẹp, Hy là tượng trưng cho hy vọng, chớ Lỉnh là cái thá gì”.
    “Thì chú chụp đại con sông ngoài sau nhà, rồi kiếm bài thơ nào đó thảy lên mạng, mấy cuốn sách trong tủ thiếu cha gì bài, chớ đòi chi mấy thứ nghệ thuật đỉnh cao gì gì”, Hy nói từ gian sau vọng ra, tiếng lẫn trong tiếng nồi chảo va nhau.
    “Trời trời”, ông chủ kêu lên, đếm vết chai trên tay mình, nói, “đâu được, làm gì cũng phải có chất thơ chớ, trông đợi gì ở thứ sông chán phèo này”. Khoảnh khắc ấy, ông già thẫn thờ nhìn lên thinh không, thấy nản quá sức. Ông ngó mây dạt đi, ngắm dây tóc bóng đèn, cố nghĩ ra một ý tưởng gì thật hay ho. Ước có thể đi rong ở đâu đó, mà không phải là con sông chẻ đôi cái cù lao này, ông già sẽ kiếm được mớ ảnh để đăng lên mạng, ngay cả một ít bọt dạt vào bờ cũng sẽ là một tác phẩm nghệ thuật. Ngồi lì ở cái xóm Lẻ này, không có thứ gì coi được. Ông già ngoảnh mặt theo chiều tàn đóm của bếp lửa bay đi rồi gào thét trong cơn vô vọng, nhưng gần như không có chút âm thanh nào. Cô giúp việc cũng chán không thèm nói, vói tay ra sau tự đấm lưng, bỏ mặc ông già nấn ná không nỡ vứt đi mớ tóc. Mình nhớ hồi đó sông này cũng đẹp lắm, nước trong vắt, Hy nghĩ trong lúc ngồi trên chiếc ghế bị đứt sợi đan. Lau nhà đã xong. Nó nhìn ra dòng sông kia, lúc day qua thì ông chủ đã biến mất đã lâu, có lẽ ra xem hàng cúc La Mã ngoài rào đã trổ bông hay chưa hoặc giơ điện thoại thử xem bức tượng chú bé vịn cái bình hoa lên hình có nghệ thuật không. Đâu ai biết được…
    “Chướng đời quá”, Hy càu nhàu với bà vợ của ông chủ, người sáng nào cũng dành cả buổi bắt ve cho con chó, lẩm bẩm ra tiếng gió, “sống sao mà để nghịch với người ta quá”. Bà già vẫn không kiếm được lời nào để an ủi Hy, khi những ngôn từ đã được dùng đến cạn kiệt từ những đợt thở than trước kia. “Trời định hết rồi, giờ bỏ cũng tội”, ai biết đó là một câu an ủi, cho mình hay cho người, không biết được. Bà già nghĩ, tuy mình không thể an ủi con nhỏ đó, nhưng ít nhất cũng là chỗ để nó tuôn mấy câu cằn nhằn, chớ không có nó nhà buồn chết.
    Hy có lần nói, dù sao mình cũng quen với căn nhà này, đi nhà khác có khi lại buồn. Nhưng bà già biết, con nhỏ thương mình, mới chịu được ông già quái gở ở trong nhà. Nó mà bỏ đi thì chẳng ai chịu tới giúp việc đâu.
    Hy bị ám luôn, tới mức mơ cũng thấy ông chủ đang ngồi trên ghế lún trong những tiều tuỵ, chăm chú vào màn hình vô tuyến. Ông già liên tục chuyển kênh, những âm thanh vụt qua nhanh chóng, khiến Hy có cảm giác chúng chồng chéo lên nhau, tiếng này lấn át và bóp méo tiếng nọ, nhìn cũng có thể đoán rằng chủ đang mải mê tìm kiếm thứ phong cảnh nào đó đẹp rụng rời để chụp lại, tải lên mạng. Nhưng ông sớm thất vọng; đầy rẫy trên màn hình là những bản tin thời tiết và mấy chuyên mục gỡ rối nhà nông. Mà lên mạng với ông nào phải dễ dàng gì, mỗi lần đưa hình lên là phải vò đầu bứt tai, “Trời đất, thấy tụi nhỏ làm dễ như húp cháo, mà mình đụng tay vào khó thấy mồ tổ vậy”. Ông già tỏ ra thán phục tụi nhỏ, nhưng ngay lập tức, Hy đoán, ông lại công kích tụi nhỏ vì cái nết không nên người khi một lần làm cho mình chết oan. “Ỷ có mạng rồi muốn đồn sao thì đồn, mà toàn đồn bậy, tao chết hồi nào”?
    Chuyện cũng lâu rồi. Ông bà đi núi chơi về, thấy thiên hạ bảo nhau ông đã chết. Vài tờ báo mạng còn đăng bài viết tưởng niệm ông. Hỏi sao họ dễ tin vậy, họ nói thì do không thấy ông viết gì không xuất hiện ở đâu. Rồi ông già phải gọi cho báo đính chính tôi còn sống nhăn răng đây, phải gọi cho bạn bè đi nhậu nhớ rủ như cũ. Nhưng cái sự cố làm ông già ám ảnh. Ông gia nhập mạng xã hội. Mỗi ngày nhả ra luồng ý nghĩ của mình lên mạng, ông già hay bảo “Phải đăng gì đó, cho mấy đứa con trời đó còn dám nói bậy bạ nữa không”.
    “Làm vậy để chi cho khổ vậy không biết”! Hy nhăn nhó. Ông già có để ý đâu. Ông tăng thêm lực bấm của ngón tay mình hơn, cố gắng gõ thật nhanh trong khi vẫn không quen với mấy phím ảo đó. Thứ ánh sáng màu xanh, Hy thấy, chiếu thẳng vào mặt khiến mấy cái hốc dày bóng tối. Đọc thành tiếng lần nữa, trong khi nhận dạng từng ký tự trên bàn phím, “Suy tư ngày bầu cử Mỹ (xuống dòng) hiện tại không phải là dĩ vãng tiềm tàng (chấm) mà nó là thời khắc của sự lựa chọn chấm vậy thì phải làm sao nè (chấm chấm chấm).”
    Vẻ vừa ý khi nhìn vào bài viết mình mới tải lên mạng, cùng với cái ảnh chẳng liên quan, ông già khoan khoái như người chết đi sống lại.
     “Phải vậy mới chịu, không đăng gì chắc lăn ra chết luôn chắc?”, Hy lại muốn nổi khùng. Ai không biết tưởng nó là chủ, còn ông già mới là người giúp việc. Suốt ngày cáu kỉnh cằn nhằn chủ, là sở trường của nó.
    “Trời trời, nói vậy là sao, nói vậy bậy lắm à, tui phải đăng cho người ta biết tui còn sống đây, chết oan một lần rồi, đâu phải không,” ông già nhăn mặt, lấy hết hơi để khiến Hy có thể hiểu mình, “không lẽ cô muốn tui chết thêm lần nữa? Vui sướng gì mà đăng, cực chẳng đã, không hiểu thằng chế tác điện thoại này ra sao mà gõ chữ này nó nhảy cả đống chữ khác, mệt gần chết”. Nói xong, ông già phà ra một hơi thuốc, cố ý phủ khói lên mặt con nhỏ giúp việc lắm lời.
    “Thiệt tình cũng tại mấy đứa nhỏ trời đánh đồn bậy chi để tui cũng bị liên can mắc mệt”, Hy trút hơi thở dài vào thinh không, sau cơn ho sặc sụa. Nó bỏ xuống nhà tắt lửa nồi cháo trắng. Bà chủ sắp đi chùa, phải có gì đó bỏ bụng cho bà. Vừa đi nó vừa ca, “Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đời / Hương tràm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay / Xin ngủ dưới vòm nôi, ta ru ta ngậm ngùi / Xin ngủ dưới vòm cây…”
    “Bậy không, quá sức bậy, hát hò gì cái bài liên quan tới chết chóc vậy không biết”, ông già mắng vói Hy khi nó đang ngân dài chữ cuối. Sau những hồi im lặng, mấy hồi gỡ nốt những vết chai trên tay úa vàng, “Nhỏ Hy,” ông già lại lên tiếng, “pha giùm chút cà phê, ít thôi nghe, vừa đủ để tui chụp hình đăng lên mạng, chớ nhiều quá uống lòi bản họng, nước nóng nghen, khói bay lên nhiều dòm mới nghệ thuật”. Hy không thưa dạ gì, nguýt dài. Lúc này ổng hết đường, đăng đi đăng lại mấy cái cũ, phải trước kia ông luôn bảo không được đăng mạng trùng lặp, như di chứng của nghề nghiệp cũ, trong một đoạn văn không nên sử dụng nhiều một từ, ông già dạy vậy, “Văn phong không có sạch sẽ, còn lợn cợn bã, bởi vậy đọc nghe chướng tai.”
    Ba năm giúp việc ở đây, hết năm rưỡi Hy thấy ông già loay hoay tìm cách chứng minh mình còn sống. Mệt hết biết. Bà chủ thì tỉnh rụi, sống chết gì cũng được, quan trọng gì lời thiên hạ. Chắc bà chủ hay đi chùa nên hiểu đời. Không bon chen như ông già.
    “Hy, tải giùm chú cái này coi,” ông già nói, mắt nheo lại vì đi ngược hướng của cơn gió có vị buồn ngủ phất qua. Ông già chìa bài báo viết về ứng dụng mạng xã hội của China, nghe nói dạo này cũng phổ biến lắm. Hy tải chương trình, cài đặt nhanh chóng, không cần chú tâm đến các mũi tên hay nút bấm ảo, dường như đã thuộc lòng. Nó biết mình sẽ phải đăng ký tài khoản cho ông già, bởi không làm thì thế nào cũng được dúi lại vào tay.
    “Ổng lại đăng xàm xí cho mà coi”, Hy nghĩ khi vô tình nhìn thấy một bài viết trong lúc ông già nhờ gửi lời mời kết bạn cho một số người trên Facebook. “Rằng là: Một buổi sáng tháng Tám, khi bị tê mắt bởi những cơn chăm chích của ánh sáng sắc nhọn, tôi tỉnh dậy và bước ra khỏi phòng. Trên bàn phía kia đặt một ít đồ ăn. Và. Vợ tôi biến mất từ lúc nào không hay khi tôi vẫn còn chìm trong giấc mộng. Lúc ấy, tôi tự hỏi: Tại sao bánh tai yến lớn hơn bánh tai heo trong khi lỗ tai con heo thì lại lớn hơn lỗ tai con yến”? Cười muốn té ghế, ai không biết tưởng nó lên cơn khùng do say nắng độc hại giữa trưa.
    Nhiều lần Hy chìa điện thoại cho bà chủ coi ông chồng cục cưng của bà đăng tào lao gì trên mạng, đọc nguyên văn vui hơn kể lại, cỡ nào cũng viết thiếu dấu, không sao ngăn được sự rối mắt của sai chánh tả, hay không chừa khoảng trống nào để cho chữ thở sau mấy dấu ngắt câu, ngay cả mình nhìn vào cũng thấy ngợp.
    “Thằng chả viết tay mới đẹp. Hồi đó mê chả vì chữ trên thư tay đó chớ”, bà già nói. Giọng bà đục, rè như chiếc đài cũ. “Mà ông già đó đâu rồi”?
    “À, bông cẩm chướng á hả? Ổng ở ngoài trước, mấy phút trước bước vô để lấy mạng rồi đăng hình lên, giờ chắc đang kiếm coi ngày mai đăng thứ quỷ gì lên mạng”, Hy nói, rồi chép miệng, “ổng bị ung thư mạng.”
    “Mà thời kỳ cuối rồi đó chớ”, bà già tiếp lời, không quên cười.
    Bà nhớ sau cái chết đồn thổi, ông chồng mình quýnh lên. Suốt ngày gọi báo này đính chính, báo kia tới phỏng vấn. Cậu hứa nghen, số báo đợt này phải in bài nói tui còn sống, còn không thì đừng có nhìn mặt nhau nữa. Tui không viết nữa chớ tui đâu có chết. Không có người thì tui tự phỏng vấn cho, chỉ cần đăng là được. Ờ, tui phải xuất hiện người ta mới không nghĩ là tui chết. Ờ, khỏi gởi báo cho tui, tui biết tui còn sống rồi, ờ, đâu cần hay tin gì. Nhưng mà có để đọc chơi cũng được.
    “Quên phứt đi cho xong”, bà già nói với chồng, không chỉ một lần. Bà đã nói ngay khi lật tờ báo lót dưới ghế ngồi cho đỡ bị say xe, như lời một bà bạn già mách bảo, thấy tin ông chồng quý giá của mình qua đời, cái người vẫn còn ngáy khò khò bên cạnh bà, trên chuyến xe hôm xuống núi. Lúc đó bà không biết cố sự đó làm ông khổ sở…
    “Bà, bà coi”, ông chủ đưa điện thoại áp sát mặt bà vợ đến lòa mắt, “bữa nay tui đổi ứng dụng cái người ta vô bình luận với thả tim rần rần nè”. Hy ngồi gần đó, thiệt ngứa miệng, muốn cà khịa gì đó mà chưa nghĩ ra. “Vậy là có thêm nhiều người biết bữa nay tui còn sống”, ông chủ kết luận chắc nụi. Bà già chán hết nói nổi, đi ra sân một nước. Nghĩ, cả đời đã để lại mấy cuốn sách, thì ông cũng sống chần dần đó chớ đâu.
    Thôi kệ thây ông già, bịnh nặng quá rồi, bây giờ chữa cũng không khỏi. Bà chủ nói với Hy vậy. Đáng lẽ cái tin đồn đó cũng không đến nỗi nếu ông già không sợ chết đến cóng người. Rửa ảnh thờ cũng không cho, nói chừng nào chết rồi tính. Bây giờ, ông già vẫn chưa hay mình đã có chỗ ở nhị tì; bà đã mua sẵn hồi nào đó mà giấu kỹ, chớ báo ổng hay thế nào cũng nói trù tui chết hay gì. Bữa mua cái mâm bưng lư hương cho đứa cháu, bà già định giữ lại xài, ông chồng đòi liệng ra đường, “giữ mấy cái này xui chết.” Ổng tưởng sợ chết là sống hoài sao.
    Có bữa đi chợ, Hy tiện đường ghé thăm vườn hoa một lát, lúc về tay vịn đầu rào, nó kêu, “Ông già, hàng điệp lào nở bông rồi, rảnh thì xách máy ra chụp để mai thảy lên Phác—xê—bồ—ô—kê gì đó, không thôi nó tàn là hút gió”, Hy đưa mấy thanh âm khàn đặc đó vào trong nhà, hi vọng chủ sẽ nghe thấy, nghĩ, cuối cùng mình cũng đã tiếp tay vào việc vô thưởng vô phạt của ông già đó.
    Nhưng nó quên, dạo này ông tính đi thử vai ở một đoàn phim. Thấy dự án này cũng dữ dội lắm, nếu mà nổi tiếng là cả nước ai cũng biết ông vẫn còn sống sờ sờ ra trước mắt, và sẽ đóng vai nào đó ác một tí, bởi người ác thì sống lâu, người hiền chết sớm.
    Ông già không có vẻ gì như là nói chơi.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân