Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ma Phố Về Làng Tác Giả: Sưu Tầm    
    Trái mùa, loa kèn rưng rưng nở khiến cái bình màu bạch sen trở nên chật chội. Từng nụ trắng ngà khe khẽ bung mình. Những trong ngần ấp lấy nhị hoa cong mảnh tựa đôi ngài của một con bướm có hai cánh sặc sỡ. Đôi ngài bướm giống những sợi tơ nõn rung rinh trắng nâng lấy hai bọng phấn bé xíu màu vàng ấm như những giọt nắng ban mai màu men sứ.
    Chợt tiếng chuông ré lên, Xoan nhào vào buồng vơ lấy điện thoại. Hu hu cô ơi bố con... mâ... ất rồi, con Trâm nức nở. Xoan gào lên, sao lại thế, hôm cưới cái Hường nhà bác Huệ, bố con khỏe thế cơ mà! Hư..ức hư..ức, bố con đột tử cô ạ! Bình tĩnh con nhá, để cô điện báo các nơi.
    Xoan quệt nước mắt nhảo quanh phố, tay bấm máy liên tục. Cậu Bá, trưởng chi ba trấn an, chị cứ yên chí lo trên ấy, đầu dưới này đã có chúng em. Bắc rạp, tiếp khách, đào huyệt, đón cữu, cơm cúng, cơm đám, kể cả rửa bát, sẽ tươm tất đâu vào đấy. Bây giờ em đưa chị ra xe! Vâng, trăm sự trông cả vào các cậu các mợ các dì, Xoan nghẹn ngào.
    Trời tang tảng sáng. Hoa cúc quỳ vàng rực ánh xuống đường làng lấp lóa. Hai cái ao hợp tác với đường Cụ Non, đường Cụ Già đã xa lơ xa lắc. Hai cái ao ấy, cố Hương bảo là đôi mắt rồng, mọc trên đất làng hình con rồng. Mình rồng duỗi dài về phía mặt trời mọc, ôm trọn khúc Diễm Lệ trù mật chảy qua làng Diễm. Diễm vốn nhất xã nhất làng, chia ba, gọi Diễm Thượng, Diễm Trung, Diễm Hạ. Người ta chiếm dụng ao làm của riêng, chở đất từ tận rừng Sồi rừng Kê về lấp ao xây biệt thự. Hai cái cổng sáng lộng hai góc làng có những đôi tì hưu bằng đá muốt trắng. Mấy năm nay tư dinh, đình chùa, thậm chí cả một số cơ quan công quyền thi nhau trưng những con giống lạ. Mốt mới đấy, to bé đủ cỡ. Tràn ngập từ Bắc chí Nam. Tựa đèn lồng Tàu rợp phố những ngày lễ tết. Đi giữa quê hương mà như tha hương. Có nơi trưởng khu vận động các gia đình nộp tiền mua đèn lồng Trung Hoa treo nhất loạt cho đẹp. Đến khi giới văn hóa gióng lên hồi chuông cảnh báo, mọi người mới giật mình tỉnh giấc. Trên đổ cho dưới, chính quyền đổ cho sở ngành buông lỏng quản lí, để di tích, danh thắng lổn nhổn linh vật ngoại lai.
    Tám giờ sáng Xoan có mặt ở Hà Nội. Anh trai nằm trên giường, bình thản như người đang ngủ. Chị dâu sướt mướt, cô ơi, nhà tôi giăng dối lại rằng phải địa táng chứ không được hỏa táng. Thiêu nóng lắm, ông ấy không chịu được. Chị nghe em, nín đi còn giữ sức. Ở nhà đã chuẩn bị chu đáo đợi anh về.
    Đến giờ tốt, chiếc quan tài chật vật luồn qua ngõ ngách. Khiêng cữu là bốn thanh niên lực lưỡng thuê ở chợ Giời. Đường hẹp tem hem, chốc chốc lại có người ngược chiều. Đến chỗ thắt cổ chai thì chẫng lại không nhích được nữa. Tám bàn tay khiêng cữu mỏi nhừ, tấy phù lên.
    Quay lại thôi, ùn tắc cả đống kia! Quay là quay thế nào? Là quay về nhà chứ còn sao nữa. Đợi đêm hẵng tính. Sao phải thế? Ông không thấy ở đây người ta xây nhà phải chuyển vật liệu bằng cái xe cải tiến tin hin luồn lách suốt đêm vắng. Khiêng cữu còn khó hơn, phải đợi đêm thôi.
    Ới anh ơi là anh ơi sao anh khổ thế anh ời là anh ơi. Chị dâu ngã quèo ra đất, tay quài về chồng, ngoào ngoào như mèo hoang. Xoan nuốt nước mắt xốc chị lên. Chiếc quan tài trôi ngược trở lại.
    Xoan trực cữu với chị dâu ở bên trái, ba đứa cháu ở bên phải. Người chị dâu cứ nhủn ra, rụn xuống như đã gãy mọi đốt xương. Ba đứa con gái chỉ biết khóc. Khách viếng lót đót, gồm hàng phố thân cận với mấy người họ hàng trong Thành. Chị dâu tựa vào Xoan thở khò khè.
    Mười hai giờ đêm, linh cữu lừ lừ trôi trong con phố ngoắt ngoéo như đường hầm. Đây là ngõ phố sâu và hẹp nhất làng Thượng Tổ cổ xưa với vòm cổng rêu phong, bất khuất trước thời gian. Từ đường Nghi Đình đi vào, rất nhiều cái nút cổ chai. Lắm lúc tưởng ngõ cụt, ngoắt một cái lại mở ra sâu hun hút. Xoan đến nhà anh vài ba bận rồi mà vẫn lạc sang ngách khác, có lần loanh quanh mất cả buổi, phải trở lại đường chính rồi điện cho con Trâm ra đón.
    Chị dâu vịn quan tài khóc lặng, thỉnh thoảng đổ sụp xuống, lăn quèo ra con ngõ tối tăm. Kế đó rồng rắn hàng một. Đám gà cảnh từ mấy nhà cao tầng nương ánh điện gáy eo óc. Đi được một chốc, cánh phu mỏi tay đặt cữu xuống. Dễ đến chục lần mới thoát khỏi ngõ để ra được đường to. Ô tô của Công ty tang lễ Nam Sang đã đợi sẵn. Ba giờ sáng xe thẳng hướng quê lăn bánh. Bảy người với linh cữu lọt thỏm trong cái xe rộng thênh, hai bên hông xe là dòng chữ màu nghệ TIỄN NGƯỜI VỀ NƠI CỰC LẠC- NGÀN NĂM YÊN GIẤC SUỐI VÀNG. Xoan luôn tay rắc vàng thoi lẫn tiền lẻ dọc hai bên đường, dày thêm chỗ cầu, cống, bờ bụi. Qua rặng cây um tùm, đom đóm quấn quýt dày đặc như cả dải ngân hà sa xuống. Gió lồng lộn tạt mưa vào trong xe, choàng lên linh cữu màn xô nhờ nhợ. Xe chạy băng băng, lẫn vào tiếng động cơ là tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng, tiếng cười khành khạch của ma đói hớn hở chia nhau lộ phí. Không rải tiền ư, có mà đàn đàn lũ lũ bâu bám nặng như chì, chạy suốt đêm cũng chẳng đến đâu.
    Đến cầu Yên Thủy thì tạnh mưa, trời nước mênh mang buốt lạnh. Trăng hạ tuần mỏng mảnh như một con thuyền cổ vừa hạ thủy, chấp chới trôi về tây. Xoan vãi vàng thoi như trấu, cảm giác xe bay trên cầu. Hết cầu là những đầm sen tàn mệt mỏi rũ lá đen mặt nước, trải dài không dứt. Không gì buồn hơn cảnh sen tàn. Sen cũng như kiếp người, gom nhặt đẹp thơm, dâng hiến kiệt cùng thân xác. Giờ hồn sen phiêu dạt nơi đâu trong trùng phùng mưa gió. Trong điên đảo âm dương. Trong ảo diệu vô thường.
    Khoảng năm giờ sáng thì về đến đền Không. Gọi đền Không vì toàn bộ mặt trước của tòa tiền đường không có cửa, nhìn ra bãi tha ma bên dòng Diễm Lệ. Theo sử làng, ngày xưa đền Không nằm trên bờ sông, thờ Đại Càn Thánh Mẫu. Năm tháng miệt mài bồi lên trước đền Không cả cánh phù sa màu mỡ biếc ngô vàng lúa, gọi Cánh Diễm. Khi Xoan lớn lên, đã thấy Cánh Diễm bạt ngàn mía đường với rau xanh, chăm nuôi các công trường xí nghiệp đá vôi cả ngàn công nhân. Hoa chua me viền tím Cánh Diễm. Bọn Xoan rủ nhau vặt hoa về nấu canh hến, thứ hến béo múp được nuôi bằng phù sa Diễm Lệ. Lấy dao đào tận gốc chua me già, được các củ dài dài tròn tròn cỡ ngón tay, trắng ngà như củ cải. Lấy vạt áo lau kĩ rồi cho vào mồm, ngọt và mát không thể tả. Thằng Tũn háu ăn chùi qua loa, nhai cả vụn đất sàn sạt. Chả sao, cát non của sông đấy, béo bùi màu mỡ nơi đáy nước leo lẻo trong. Các cụ bảo, Cánh Diễm ban đầu là của hợp tác xã. Hợp tác giải thể, chia cho mỗi nhà vài sào. Cuộc sống sôi sục ngoài kia táp vào làng Diễm yên bình. Giá nông sản bèo bọt không đủ chi tiêu. Lưng người già còng xuống mặt đất, loanh quanh từ nhà xuống bếp. Thanh niên bỏ làng ra thành phố kiếm việc, khách đến chỉ gặp rặt người già với trẻ con. Cánh Diễm xôi mật lâu thành hoang hủy. Không ai biết từ khi nào, trên Cánh Diễm mọc ra vài mươi ngôi mộ. Những cây thập ác bằng xi măng sạm màu mưa nắng cao vói lên, đổ bóng vào những nấm cỏ vuông vức. Làng Diễm xôi đỗ, lương giáo thuận hòa. Diễm Lệ tha thướt chảy vào thời gian, mồ mả cứ thế loang ra. Chả thấy chính quyền ý kiến gì. Nguyên thủy, bãi tha ma của làng Diễm nằm ven núi Mã Sơn, cách xa dòng Diễm Lệ. Chỗ ấy đồng đất vừa bạc vừa chua, hợp với người âm. Có nhẽ từ khai thiên lập địa, tổ tiên đã nhường Cánh Diễm màu mỡ cho đời sau, lui về chốn cằn cỗi hoang vu, nơi chỉ có sỏi và bụi, chờ ngày hòa vào vĩnh cửu. Nhưng hậu thế lắm khi kì quặc, chối bỏ cả ân huệ của tiền nhân.
    Từ phía trước, họ nhà Xoan ào đến. Chiếc xe tang chầm chậm lượn qua khúc quanh. Đột nhiên, một thanh niên mặc áo thun thẫm màu hớt hải chạy ngang bác tài, rối rít xua tay. Dừng lại dừng lại, nhà mình thông cảm chờ thêm một chốc. Sao vậy đồng chí Trưởng ban Văn hóa? Dạ, chuẩn bị làm lễ an táng cho cụ Huỳnh, nhà mình đợi khoảng nửa tiếng nữa. Cụ Huỳnh thác ở tận Hải phòng, con cháu đăng kí từ mấy hôm nay rồi! Thì gia đình chúng tôi cũng đã đăng kí, chuẩn cả ngày cả giờ...
    Anh thanh niên dang tay lắc đầu chạy vụt đi, bỏ lại họ nhà Xoan ngơ ngác.
    Xoan ôm ngực lách ra cửa xe bước xuống vệ đường, oằn mình nôn thốc tháo. Dựa vào một thân cây, đám gai chích vào lưng buốt nhói. Xoan nhoài tay ra sau gỡ gỡ tháo tháo, mãi mới dứt được lưng áo ra. Vịn hông xe ngửa cổ nom lên, tít trên cao vòm hoa gạo cháy bập bùng. Nhè nhẹ xoay, nhè nhẹ xoay. Xoay đều, xoay tít, xoay tít. Nở phình ra, phình ra bất tận. Những lưỡi lửa màu cam sáng rực tưng bừng nhảy múa, trùm lên không gian bao la. Nhang khói nghi ngút bộn bề, quánh lại tựa những vầng mây màu xám vần vũ tung hoành trên bầu trời. Mình Xoan nhẹ lâng, nhẹ như một ngọn bấc, chấp chới bay về trước, phía ba chiếc ô tô đang trôi vào cái rạp lụa màu vàng dựng trên bãi đất đối diện với đền Không. Gió ào ào, những diềm lụa cồn lên như sóng. Cái rạp phồng căng rung lắc.
    Trong rạp, điện phật lung linh sáng rực. Những bình hoa lan, hoa hồng long lanh sáng quyện với mùi hương quả chín. Tất cả được bài trí, sắp xếp rất tinh tế. Không gian ngào ngạt thơm. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào... Hòa âm réo rắt kéo Xoan về thực tại. Ô, người nằm kia là cụ ông cơ mà, nhẽ ra phải là Tình cha chứ! Hòa âm thê thiết quyện tiếng khóc thương kể lể chốc chốc lại à lên. Ban tổ chức đề nghị con cháu nín khóc để tiến hành nghi lễ. Cậu trưởng thôn tre trẻ, giọng nam trầm âm u rất hợp với ai điếu. Như cậu sinh ra để cho điếu văn có đôi.
    Tang lễ kéo dài gần một giờ, long trọng và diễm lệ, xứng cương vị trưởng tộc một dòng họ lớn luôn hướng về quê Diễm. Giờ thì cụ Huỳnh đã về đến suối vàng gặp cụ bà.
    Trời lác đác mưa, từng giọt tê tê thốc vào mặt làm Xoan bừng tỉnh, dần nhớ ra các việc. Giời ạ, quỷ dẫn lối thế nào mà Xoan lại bỏ anh mình, sấn vào tận mộ cụ Huỳnh như thế này. Thật mình già rồi, lẫn cẫn rồi.
    Từ vỡ lòng cho đến mười tám đôi mươi, đám tang nào Xoan cũng sán vào tận trong để xem khâm liệm. Khi cái bọc vải dài thưỡn đã yên vị trong quan tài, Xoan mới hổn hển vùng chạy về nhà, léo lên cái chõng tre trùm chăn kín đầu. Thấy mình nằm trong linh cữu tối bưng, hé mắt trông ma ác tra tấn người mới thác xuống địa phủ. Thấy khói bom mù mịt đến chân trời, những bác thợ cày nằm còng queo trên võng đay ì ạch hai người khiêng, mảnh bom cứa vào cần cổ tái xám, thề lễ thịt tươi với máu đỏ rỏ suốt đường làng về nghĩa địa. Nước mắt làng Diễm đỏ như máu xối xuống lụt bãi, hòa vào dòng Diễm Lệ. Thấy thằng Thiện vỡ toác đầu vì leo núi Mã Mây móc chim sáo, chú Thanh nó lấy cái muôi múc đám óc lầy nhầy nhét vào chỗ đầu vỡ... Mùa hè cũng thế, không có chăn thì Xoan trùm chiếu, mồ hôi ướt sũng. Sau đó là những cơn nóng rét gối nhau. Có đám tang đẹp đến mê li ám ảnh truyền đời, như đám ông Binh Chuẩn. Phòng tang lộng lẫy như một sân khấu tuồng. Dưới ánh đèn măng xông sáng rực, cụ Trương Ngạnh trong vai thày Cả, râu tóc như bông mây, mặc áo Thái Thượng Lão Quân màu vàng in hình bát quái, thắt lưng đỏ, vai vắt khăn ấn đỏ, chân đi hia, đầu đội mũ tì lư, tay cầm cái vãng cắm hương, tay bắt quyết. Phất cánh áo vàng, cụ Trương đi những đường múa uyển chuyển mà mạnh mẽ, rộn ràng mà lẫm liệt uy nghi. Cụ bắt quyết, đọc những bài kinh chú đầy bí ẩn, và dàn nhạc dân tộc đồng tấu hòa theo.
    Mẩm rằng đám cụ Huỳnh đã xong, giờ đến lượt anh mình, Xoan quay người chạy lại xe nhà. Cái xe từ từ lăn bánh về trước. Dừng dừng, phiền các bác chờ cho tí nữa. Vẫn cái cậu thanh niên mặc áo thun màu thẫm tưng bừng dang hai tay kêu to. Họ nhà Xoan quyết không nhân nhượng, lời qua tiếng lại om lên. Nãy bảo chờ nửa tiếng, giờ đám cụ Huỳnh xong rồi, tại sao anh tôi còn phải đợi? Người thanh niên áo thun thẫm màu ngửa mặt giơ hai tay lên giời. Hôm nay tốt ngày hay sao ấy, các bác nhìn kia, xe chở cụ Trùm Ấm đã sáp vào rạp. Họ đi đường dưới tắt lên. Ơ, cụ Trùm Ấm ở với con cháu bên Mĩ cơ mà? Thì cụ Trùm nhớ quê đòi về thăm, đột tử trên máy bay. Đại gia Phởn cháu ngoại cụ ấy điện cho xã, bảo phải an táng ngay tránh giờ xấu, kẻo âm binh kéo theo cụ nhiễu con cháu. Nói xong, người thanh niên vuốt mồ hôi trên mặt, quay ngoắt đi, chạy như biến về phía rạp tang.
    Sau những bực bõ ồn ào, họ nhà Xoan hậm hực tản ra chung quanh. Xoan đến bên chị dâu, móc trong túi xách lát sâm bắt chị nhai. Từ tối qua đến giờ, chị không ăn được gì, thỉnh thoảng chỉ mút tí sữa rớm môi. Chị dâu khóc cạn hơi, như cái lá sen tàn rũ xuống đầu quan tài.
    Từ trên xe ngó sang, thân quyến cụ Trùm đùn đùn đổ ra từ mấy ô tô. Trang phục họ đẹp và lạ, một màu đen tuyền. Đàn ông com lê, phụ nữ áo dài nhung, tất cả ánh lên sự tươi mới. Đoàn nhạc hiếu đi xuống từ chiếc xe to nhất, gồm đội kèn tây trống đồng và mấy chục thanh nữ thuộc ca đoàn nhà thờ lớn xứ Hòa Vang. Trong số các thanh nữ rõ mặt một cô tình cờ Xoan đã từng gặp ở một đám tang công giáo. Ngỡ cô ấy đi ra từ tranh Phục hưng, đẹp ám ảnh.
    Điện thờ Phật trong rạp lập tức được chuyển ra ngoài, thay vào đó là bàn thờ Chúa, lễ dâng của tập đoàn mĩ nghệ Hoàng Đức.Tượng chúa Giê-su, Đức Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giuse tạc bằng gỗ trai tự nhiên. Dưới chân Đức Chúa là một đóa hoa tươi tốt ngự trên gốc cây quế có bầu rễ sum suê óng vàng. Hôm nay Chúa gọi con về trình diện Thiên chúa, hồn con luôn vững bền tin cậy tình yêu nơi Chúa. Tình ngài cao hơn dãy Thiên sơn, dịu ngọt hơn lúa nơi đồng thơm, hiền hòa như hàng cây râm mát che phủ đời con... Thánh ca dặt dìu bay lượn ngân nga trên Cánh Diễm.
    Tang lễ cụ Trùm Ấm dài ngót hai tiếng.
    Đến lượt anh Xoan, hạ huyệt xong thì ráng chiều đổ vàng Diễm Lệ giang.
    Người Diễm Thượng, Diễm Trung, Diễm Hạ đổ về như trảy hội. Với Cánh Diễm hôm nay, thật là đại cát. Từ thượng cổ đến giờ, chưa khi nào Cánh Diễm lại chói lòa như thế. Trang nghiêm mà rộn ràng. Bi ai mà tưng bừng. Sự trùng phùng tráng lệ làm ảo mờ, khuất lấp nỗi đau cắt chia. Bây giờ thì mọi việc đều đã xong, người người lũ lượt kéo nhau về, trả lại cái vắng tanh cho chốn ma. Xoan tụt xuống dưới cùng dòng người. Tha thẩn chỗ cổng đền Không. Hôm nay mười bốn ta, khách đến đền thắp nhang lác đác. Tránh chào hỏi rườm rà, Xoan đứng nép vào gốc cây bồ đề, trông sang Cánh Diễm. Một tập hợp rất nhiều khuôn viên đủ loại kích cỡ, được quây bằng gạch xỉ, vôi ve hay đá hoa. Cái vuông vuông, cái tròn tròn, cái bao la, cái tin hin méo xệch méo xạc. Cùng những cây hương vắn dài đua nhau vươn mình tạc vào hoàng hôn. Có khuôn viên rộng thênh, sức chứa tới vài trăm ngôi mộ, hiện mới có dăm ba cái ốp gạch men, màu sắc tím hồng theo từng thân mệnh. Chính giữa Cánh Diễm là một nghĩa trang, trong đó giăng hàng thứ vị ngót trăm ngôi bằng đá hoa cương há miệng toang hoác. Hóng từng người trong gia tộc thác đi, chỉ việc đặt cốt, ốp chút đá lại là xong. Cái ấy của dòng họ Bùi, trưởng họ là đại gia, thiết kế xong thì ngài đột tử. Từ bấy đến nay, năm nào họ Bùi cũng có một hai người thác về quê.
    Xoan về đến lối rẽ vào nhà thờ tổ thì xâm xẩm tối. Con Lụa hớt hải chạy ra nắm tay Xoan. Vào đi cô, mọi người đang đợi cơm đấy cô.
    Cơm nhà đám, ồn ào chộn rộn. Cụ Ấm rỉ tai Xoan, khi còn sống, anh trai Xoan cưng nhất út Hiền. Hiền quây được hai trăm mét đất, nộp cho xã chẵn hai tháng lương của nó mười lăm triệu. Bây giờ bao nhiêu tỉ cũng chả có mà mua. Các con làm ăn xa quê, Hiền làm cán bộ văn hóa xã, tính tình hiếu thuận, ấm tay nhang khói sau này. Năm ngoái ông Trần Văn Đồi nhà ở Hà Nội, thấy nghĩa trang họ Trần chật kín chỗ, liền tính xa. Ông ngỏ nhời với anh trai Xoan xin được mua lại ít mét làm chỗ nằm khi vợ chồng ông trăm tuổi, nhưng anh Xoan lắc đầu. Bán cho người sống thì được chứ bán cho người chết mang tiếng lắm. Cạy cục mãi, ông Đồi cũng mua được vài vuông của lão Binh Xoong không vợ con. Chả là lão Binh Xoong thấy người ta đua nhau vơ đất, lão cũng khuân đất đá quây được mấy chục mét. Người ta cứ bảo lão lẩn thẩn, chứ Xoan thấy, lão nói những câu chí lí phết. “Chị Xoan à, đời tôi mục sở thị, những khi quê hương đói khổ, người ta tìm đường đi xa, tránh những lũ lụt cơ hàn. Đến khi đề huề phúc lộc, họ cho con cháu về quê tranh đấu. Nghe đâu ở thành phố giá mỗi chỗ để mộ đến cả trăm triệu, mà tít tận rìa xa. Về quê, đắt mấy so cũng rẻ bèo. Rồi thì người quê chẳng còn chỗ mà chôn đâu”. Biết lão mát mẻ, Xoan điếng người nín lặng. Nhìn mặt Xoan tái đi, lão biết mình nhỡ nhời bèn nhẹ giọng. Cô Xoan à, ngày tôi bệnh nặng không tiền mua thuốc nên đành bán ít mét tha ma cho ông Đồi. Nghĩ lại tôi thấy mình tệ quá. Con người ta, ai mà chẳng phải chết. Thà tôi chết ngay lần ấy cho xong. Nói rồi, lão Binh Xoong quay đầu lùi lũi đi ra bến Bàng, nơi vợ con lão chết đuối chuyến đò năm xưa.
    Sau lễ cầu siêu bốn chín ngày cho anh, Xoan trở về thành phố Thủy Tiên. Con cái làm ăn sinh sống dưới Hà Nội với Hải Phòng, đứa nào cũng muốn rước mẹ đi. Xoan không chịu, bảo phải ở đây hương khói cho bố chúng mày. Nhưng trong thẳm sâu còn một nhẽ, Xoan không xa được lối sống thanh tân, trong trẻo nơi này. Rồi còn bạn bè xóm phố, những người đã cùng vợ chồng con cái Xoan dìu đỡ nhau qua khốn khó.
    Chiều mười tư, thắp hương miếu Bà xong, Xoan lang thang ra cầu Thanh Niên. Bờ sông triền lau gió dạt. Ngàn vạn bông lau bắt nắng sáng hồng trên mặt nước, mải miết trôi về xuôi. Một cây gạo qua mùa hoa đã lâu, lặng buồn thả những bông tơ vào gió. Một cánh chim cô đơn bay về phía trời xa. Cảm như là mẹ. Mẹ đang đi tìm cha. Lòng Xoan quặn lên nỗi nhớ quê.
    Khăn gói lên xe vào chập tối, tám giờ sáng Xoan về đến công viên Hoa Hồng. Cánh xe ôm ào đến co kéo, Xoan lắc đầu, thả bộ qua cầu Son. Cây cầu láng nhựa mát rượi gió sông, rộng năm làn xe. Xoan bồi hồi tưởng lại cái cầu Son gỗ khi xưa đậu rùng rình trên những cái phao. Mỗi khi ô tô chạy qua, nhịp cầu dâng lên dằn xuống mặt nước. Mùa ngâu ngập lút hai đầu, chen chúc gánh gồng kĩu kịt về chợ Bầu. Phải hôm lũ to nước cao đến thắt lưng, khách qua cầu Son ướt sũng.
    Hết cầu Son là đến Diễm. Đường làng trải bê tông nương theo dòng Diễm Lệ hiền hòa xanh trôi. Mái bằng, cao tầng đua nhau, ngạo nghễ vươn mình trong nắng. Đường Diễm quanh co, quanh co như những khúc ruột làng, biếc cây non và tràn ngập sắc màu tím rịm của hoa chiều tím. Bắt vào đường chính là những con ngõ hoa sam, hoa mười giờ, hoa dừa cạn nở rộn ràng. Trên những dải hoa cắm tấm biển sơn màu xanh da trời có dòng chữ trắng xin đừng bước lên cỏ hoa. Những ngõ con phơi vàng ngô hạt, từng hạt ngô mẩy mang phù sa với nắng tươi. Con ngõ lớn nhất chạy đến khu công nghiệp Liên Hoa rộng bát ngát trên vùng đất khô cằn khi xưa mọc độc loài hoa cỏ may tím ngắt.
    Xoan cứ miên man như thế, tận đến cây đa Quán Mõ dưới mái đình cong vút, mới nhận ra mình đã lạc sang làng Ngò. Phía trước, hoa chiều tím vẫn miên man nở. Mộc mạc, thanh bình, day dứt óc tim những đứa con xa quê. Hôm kia, Bí thư Đảng bộ Diễm mấy lần nheo nhéo gọi điện cho Xoan. Bạn hãy về quê, mùa hoa đương rộ đẹp mê mẩn. Cô nàng còn bảo, hoa chiều tím được lựa chọn trồng đại trà trên các tuyến đường liên thôn, liên xã vì loài hoa này sức sống mạnh mẽ, nở hoa quanh năm. Bà con say trồng hoa thay thế cỏ dại ở khắp đường làng xóm ngõ. Nhưng... ngập ngừng một lát nàng bảo, tớ đương lo lắm, cái chuyện mồ mả ấy. Đêm nào cũng thấp thỏm không yên giấc. Trên nhắc nhở nhiều, mà tớ thì chả biết xoay giở làm sao. Vì nghĩa trang Cánh Diễm bây giờ là hệ lụy của bao nhiêu đời lãnh đạo xã. Giờ, động đến mồ mả là động đến tâm linh, càng gỡ càng thấy rối.
    Giờ thì Xoan đã về đây. Hân hoan trước Diễm mơn mởn xuân sắc. Diễm đằm thắm duyên quê. Diễm trẻ trung vươn bay.
    Xoan đi ngược trở lại một quãng khá xa mới đến Diễm Hạ, nơi có nhà thờ tổ họ Hoàng nhìn ra sông. Sóng nước trong veo, không còn cảnh nhà máy bia bên kia xả cặn bã hôi tanh vào thẳng lòng sông như trước. Họ đã xử lí nước thải theo đúng yêu cầu của xã. Tôm cá lại sinh sôi, xóm chài lại tấp nập, những vàng lưới lại xôn xao bình minh. Cây bàng, cây si, cây đề cổ thụ dường như cao xanh hơn, cả cái bến Bàng chín bậc ngày xưa bốn mùa mùa vi vút gió.
    Đi bộ nhiều Xoan thấm mệt, điện hẹn bí thư tối ngày kia sẽ đến thăm bạn.
    Xoan se sẽ trở mình, em Làn đã ngủ say. Đêm vào sâu, ngôi nhà tổ càng mênh mang vắng lặng. Mùi hoa thiên lí đang rộ, chuối lá mật chín cây, hoa móng rồng vào cữ tràn qua khe cửa khiến chăn nệm bồng bềnh xao động. Tiếng khóc âm i từ đâu vẳng đến. Tiếng khóc vang lên trước căn nhà ngói thấp tè, lọt thỏm giữa hai ngôi nhà tầng cao lừng lững. Xoan tựa người vào tường, nhìn những chấm nhang nhói vào đêm buôn buốt. Người con gái gục đầu lên cha, tóc xõa đổ như suối, hai tay dang ra ôm lấy một ngôi mộ vừa mới đắp. Từ thân mộ ứa ra những dòng máu thẫm như quết trầu. Ới cha ơi là cha ơi! Cực thân con lắm cha ơi, phận làm con không kiếm nổi tấc đất cho cha yên nghỉ, khiến cha phải ở nơi chuồng gà chuồng lợn. Gà lợn con đã bán hết, lấy chỗ cha nằm. Xin cha tha cho con cái tội bất hiếu, xót xa con lắm cha ơi... Lặng một lát, tiếng thút thít lại cứa vào đêm. Ới cha ơi là cha ơi, cha con ta kề cận bên nhau, con sẽ không lấy chồng, đêm ngày ấp ủ hương khói cho cha. Cha sống khôn thác thiêng phù hộ cho con cha ời là cha ơi! Một dòng ớn lạnh chạy dọc sống lưng khiến Xoan lẩy bẩy, khuỵu dần xuống cái sân rêu gồ ghề. Tiếng khóc im bặt. Gió hun hút lạnh, những đốm nhang bùng lên sáng chói. Cô gái co rúm người lại, hai tay vái lia lịa, bò giật lùi vào hiên. Đằng đông, chớp giật tím bầm một vùng trời.
    A a a... Xoan hét lên, bừng tỉnh, người vã mồ hôi lạnh.
    Xoan bàng hoàng vòng tay ôm ngang người em Làn. Ban ngày đi làm công ty mệt, con bé ngủ say sưa. Xoan nằm lặng lắng nghe. Không, tiếng khóc âm i là có thật, bảng lảng theo gió đưa. Xoan vùng dậy, mở cửa đi ra sân. Tiếng khóc đã rõ hơn. Xoan thập thõm hút về phía ấy.
    Tiếng khóc vang ra từ mái nhà xộc xệch chỉ có một cái cửa ra vào, nằm lọt thỏm giữa hai ngôi nhà cao tầng. Thì ra là nhà chú Bi, một bố một con. Dưới ánh điện vàng quạch, con Ngát nằm phủ phục lên quan tài, hai tay dang ra, người thỉnh thoảng giật lên. Ngồi hai bên nó là thím Biêm với mợ Na, chuyện trò rì rầm lầm bầm, thỉnh thoảng hai người đưa tay vỗ về con bé. Góc nhà, lửa bếp âm ỉ đỏ khiến căn nhà bớt lạnh.
    Xoan cứ đứng lặng thinh bên cổng. Gió từ sông thổi vào dào dạt, đem theo bầy đom đóm rực rỡ như những tàn lửa. Có tiếng bước chân rất khẽ, vang lên từ phía cổng. Tiếng chân trần gượng nhẹ, như sợ làm đau cả mặt đất. Là cô Xoan đấy a. Chặp tối biết tin chú Bi mất đã ba ngày rồi mà chưa tìm được chỗ nằm, tôi chạy bộ nhoáng nhoàng từ bệnh viện tỉnh về đây. Thấy bảo trước khi mất, chú ấy dặn lại con Ngát nhất nhất phải để cha nghỉ chỗ này, chỗ này... Con bé lắc đầu khóc, tròng mắt chú ấy lồi lên, bật máu ròng ròng hai bên má. Con bé sợ quá gật gật, tức thì máu thôi chảy. Lúc sống, chú Bi nghèo nhưng không phiền ai bao giờ, lúc chết càng không muốn con Ngát phải khổ lụy. Ta vào nhà đi cô.
    Thắp hương xong, lão Binh Xoong kéo Xoan ra đầu hồi, bảo may mà hanh heo chứ không thì đã bốc mùi. Nghe nói chính quyền cũng bàn nát nước rồi. Xã tính trích quỹ vì người nghèo, đưa chú Bi đi hỏa thiêu. Bình tro thì đơn giản, đem về thờ ở nhà hoặc gửi chùa làng đều được. Nhưng con Ngát khóc ầm lên, bảo thiêu bố cháu nóng lắm không chịu được, rồi lăn ra ngất lịm, y tá tiêm mấy mũi mới hồi. Mọi người nói thôi không bàn nữa, ta nên tôn trọng di nguyện của chú Bi. Nhưng mà đám đào huyệt sợ, chả đứa nào dám giơ cuốc lên. Chiều nhập nhoạng, mọi người tản về nhà hết. Làm sao bây giờ bác. Chắc cô lên đền Không cũng biết, giờ này bói đâu ra một tấc đất vô chủ. Nghĩa địa rộng thênh rộng thang, còn nhà của người sống thì ken dày như nêm cối. Cha con chú Bi tứ cố vô thân, chú ấy ẵm con Ngát đi ăn mày từ đẩu từ đâu đến đây. Tá túc dạ dật ở chùa làng. Làm thuê làm mướn nuôi con Ngát. Rồi được sư thày cho không khoanh đất này mà làm nhà. Trước đây cũng lợp gianh thôi, sau được xã làm cho căn nhà tình nghĩa.
    Thở than một chốc, lão Binh Xoong thẫn thờ đi ra cổng. Xoan nhảo theo xem lão đi đâu. Lão ngoảnh nhìn Xoan, dật dờ một quãng, rồi xệp xuống bến Bàng, chong mắt ra nơi nước xoáy. Xoan rụt rè kê dép ngồi bên. Trong mờ mịt sương, thấy đuốc nhang quẩn lên giữa dòng. Linh hồn vợ con lão không được siêu thoát, mãi quằn quại chỗ ấy? Giọng lão nghèn nghẹn, cô Xoan ạ, đêm nào tôi cũng ra đây, từ nửa khuya đến sáng. Người chết mà không tìm thấy xác, thì cứ bơ vơ xiêu dạt thế thôi.
    Trời bắt đầu mưa. Lạ thật, mưa vừa đổ mà đã rát ràn rạt, như những vạt đá dăm từ xanh cao lia xuống mặt sông.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Một Thoáng Yêu Đương
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Người Phụ Nữ Bố Yêu