Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Anh Cứ Sợ Là Em Đã Thay Ổ Khóa Tác Giả: Nguyễn Hương    
    Cả hai con người từng thề non hẹn biển, từng qua bao sóng gió, từng cùng khóc cùng cười giờ đây dắt nhau ra trước mặt một người xa lạ để mà khai báo tại sao thế này tại sao thế kia…
    Phòng xử án ở tầng hai. À, ly hôn thì có bị xem là “án” không? Chẳng biết hỏi ai thắc mắc này nên gọi đó là phòng xử ly hôn cho xong. Vậy là phòng xử ly hôn trên tầng hai, cầu thang xuống tầng trệt có ba mươi bậc và dĩ nhiên là có một chiếu nghỉ. Rồi gì nữa? Ngang qua ba căn phòng hay nói đúng hơn là ngang qua ba cánh cửa im lìm. Có phải cũng là xử ly hôn nên phải đóng kín cửa cho sự riêng tư? Mà riêng tư gì nữa chứ, cả hai con người từng thề non hẹn biển, từng qua bao sóng gió, từng cùng khóc cùng cười giờ đây dắt nhau ra trước mặt một người xa lạ để mà khai báo tại sao thế này tại sao thế kia…
    Ừm, đã tính chuyện chia tay thì những điều ghi trong tờ giấy ly hôn kia quan trọng gì. Sao không dễ hiểu là “tôi ghét” hoặc “tôi nản quá” hoặc thẳng tuột luôn “yêu thương người này làm tôi mệt quá nên thôi cho khỏe”. Ờ ờ… lý do sau cùng này hơi động chạm đạo lý, ví dụ như là ông (bà) khỏe vậy còn con cái thì sao? Đúng, đây chính là lý do mà hai kẻ từng được gọi là chồng vợ phải giải trình sao cho tờ giấy kia ghi những điều có lợi nhất cho mình hay là ít bất lợi nhất có thể, để sau này có cái mà phân bua với con cái. À, hiểu ra rồi, lúc này mới hiểu là hơi muộn nhưng dù sao thì mình cũng hiểu, hèn chi một gã tự ái ngất ngưởng như Dũng mà lại đẩy việc viết đơn ly hôn cho mình. Thà mang tiếng bị vợ bỏ còn hơn sau này bị cu Tý trách móc sao ba bỏ mẹ. Biết ngay mà!
    Có lẽ, ừm, khi nào đó tiện đường, mình sẽ quay lại nơi này bỏ vô thùng thư góp ý một tờ giấy ghi dòng chữ đề nghị thẩm phán xử ly hôn nên là một người tuổi ngoài 50. Ở tầm tuổi đã đi qua hơn nửa cuộc đời đó, người ta không cần nghe nói nhiều cũng hiểu và chắc chắn không có những câu hỏi khiến người trả lời phải khơi lên những điều muốn quên.
    Băng qua sảnh rộng để xuống sân và ra cổng, cô đụng hai người mặc đồng phục tòa án đang cầm xấp giấy tờ ngược chiều về hướng cô vừa từ đó đi ra. Có lẽ đã quen mắt với việc nhìn thấy sự chia lìa nên chẳng ai tỏ ra chú ý tới cô. Chắc là họ đã ớn óc với việc thiên hạ yêu rồi hết yêu. Hay công việc lặp lại liên miên khiến họ chai sạn? Ờ, nếu mình ngày nào cũng phải tiếp xúc với hàng đống hồ sơ kể lể về cuộc hôn nhân chán ngán và sự cần thiết phải kết thúc thì chắc mình cũng hết muốn nổi cơn tò mò, trừ khi hai nhân vật trong đoạn cuối cuộc tình là kẻ nổi tiếng lẫy lừng.
    - Hảo!
    Cô giật mình và rùng mình quay lại. Gặp người quen ở nơi chốn này ngay lúc này thật là...
    Nhưng là một khuôn mặt lạ. Nhận ra sự nhầm lẫn, người kia huơ tay ra kiểu xin lỗi và quay lưng bước nhanh. Cô thở một hơi thật dài và nhận ra cảm giác gai gai người chẳng giảm đi tí nào từ khi đến đây. Nếu có dịch vụ xử ly hôn online thì hay quá...
    Đủ thứ ý nghĩ lung tung trong đầu rồi cô khựng lại khi vừa bước qua cổng thì thấy Dũng đang cách mình ba bước chân.
    - Xe của em bị hư à? - Dũng hỏi.
    Cô nhún vai. Mong xe hư để đóng vai người tốt bụng sửa giùm hả? Coi xui rủi của người khác là cơ hội cho mình ra vẻ hả?
    - Sáng nay đi taxi - cô nhún vai. Sáng nay trời âm u, tưởng tượng mình xuất hiện trước tòa trong cảnh ướt át thảm hại nên cô đi taxi.
    - Lên xe anh chở về - Dũng nói.
    Cô ngớ người trong một thoáng và quyết định không để câu nói như thể chưa có chuyện lớn xảy ra khiến mình lúng túng. Cô mỉm cười. Ờ, sau chia tay mà đối xử được như bạn bè là giỏi. Muốn được thiên hạ khen giỏi hả?
    - Em còn ghé siêu thị mua mấy thứ - cô trả lời.
    - Thì anh chở em tới siêu thị - Dũng nói.
    Mất hai giây để cô quyết định ngồi lên xe. Coi như mình đi xe ôm, có sao đâu. Lát xuống xe mình sẽ trả tiền. Sòng phẳng.
    Nói là làm. Chiếc xe vừa ngừng lại thì cô móc ví chìa ra tờ hai chục ngàn. Dũng nhăn mặt:
    - Em làm gì vậy?
    - Thì trả tiền xăng.
    Dũng mím môi. Cô nhét tờ tiền vô túi áo Dũng rồi quay người sải chân bước vô siêu thị. Bỗng câu hỏi trồi lên trong đầu: “Ở đâu ra có sẵn cái mũ bảo hiểm?”.
    Điện thoại tít tít báo tin nhắn. Cô mở máy. Là tin nhắn của Dũng “chiều anh đón cu Tý đi học về rồi chở con đi chơi luôn nha”.
    Xì, buổi sáng mới ra tòa mà buổi chiều giành đón con đi chơi, muốn đóng vai người cha tốt hả? Đây chẳng hẹp hòi. Để coi được mấy bữa cho biết. Cô gõ lại hai chữ cái “ok” ngắn ngủn. Giá như hồi đó chiều nào cũng xí phần đón cu Tý giùm thì đâu đến nỗi này.
    Cô đẩy xe quanh siêu thị cầm hộp này hũ kia gói nọ thảy vô đầy xe, tính tiền, rồi xách hai túi căng phồng đi ra cổng. Sự căng phồng cho thấy cuộc mua sắm thật tưng bừng, ờ, như là ăn mừng được tự do thật sự từ đây. Cô giữ nụ cười trên môi và nhìn quanh. Chẳng thấy Dũng đâu. Chợt thấy tim mình hụt một nhịp. Lãng xẹt. Ờ, chẳng phải mình mong được chờ đợi, chẳng qua là tưởng người ta còn tiếp tục diễn mà thôi.
    Hay là tại tờ hai chục ngàn?
    Vậy thì lần sau đưa hai lăm hay ba chục luôn.
    Còn có lần sau nữa sao?
    
- o O o -

    Chín rưỡi tối. Tiếng xe máy nổ rì rì trước cửa. Biết là Dũng đưa cu Tý về, cô định chạy nhanh ra ôm con nhưng rồi lại sợ lỡ người ta tưởng mình mong ngóng rồi tưởng bở. Mấy bà dạn dày trong công ty truyền lại kinh nghiệm là mới sau ly hôn các đấng đàn ông hay lằng nhằng lắm, mình không tỏ ra cứng cỏi cương quyết là họ dùng con cái làm áp lực khiến mình mềm lòng...
    Nên cô chỉ dùng ngón tay khẽ nhích rèm cửa sổ nhìn ra để chắc chắn đứa nhóc ngồi sau xe là cu Tý. Phớt lờ tiếng còi tin tin tin, cô mở ti vi to tiếng hơn, để ai đó khi đến gần sát cửa sẽ biết là cô đang say sưa chăm chú trước bộ phim quá hay, quên cả thời gian, không rảnh để buồn vì trống vắng còn tiếng còi kia chẳng khác gì lá rụng.
    Cốc cốc cốc…
    Cô đợi tiếng gõ vang tới lần thứ ba mới mở cửa và làm ra vẻ không ngờ người bên ngoài là đây.
    Cu Tý mở to mắt nhìn mẹ, cái miệng mếu xệch.
    - Sao vậy con?
    Cô ngồi xuống ôm siết cu Tý vào lòng. Sao vậy hả? Dắt con đi chơi nói năng cái gì để bé yêu phải khóc lóc hờn tủi vậy hả?
    Cô úp đầu cu Tý vô vai mình, tư thế này khiến đôi mắt cu Tý không thể chứng kiến diễn biến tiếp theo, cô phóng cái nhìn tóe khói vô mặt Dũng.
    Dũng vội vàng:
    - Anh nói là hôm nay Tý đi tới tối mới về nên chắc là mẹ nhớ con ghê lắm. Rồi anh hứa là khi xe vừa ngừng trước cửa mà em chạy ra bế con hôn hít liền thì chiều mai anh lại chở con đi chơi.
    Cu Tý nhấc đầu ra khỏi vai mẹ, mếu máo:
    - Mà ba bóp còi mấy lần chẳng thấy mẹ mở cửa.
    - Là tiếng còi xe của anh à? - cô gắt gỏng - Đã dặn bao lần là không nên ồn ào phiền hà hàng xóm mà sao anh cứ…
    Cu Tý hít mũi nín bặt, đôi mắt tràn đầy hối hận vì lời khai vô tình.
    Cô lại ôm siết con vào lòng và lúc này mới nhận ra mùi thơm xà bông xộc vô mũi. Cũng biết tắm rửa cu Tý sạch sẽ trước khi trả về à?
    
- o O o -

    Suốt cả tháng sau đó, ông bảo vệ chợt tỏ ra mềm mỏng và chỉ tay cho cô dựng xe máy ở giữa bãi, nơi mà nắng sáng hay nắng chiều cũng không hắt xiên tới được và mưa cũng vậy. Cô đi vào phòng, mọi âm thanh chợt nín bặt, ai nấy chằm chằm màn hình máy tính mà không tiếng gõ phím nào vang lên, cả tiếng rê chuột.
    - Xin chào cả nhà - cô nói và ngồi vào chỗ của mình. Thấy ghét sự tỏ ra thông cảm kiểu này. Cô muốn mọi người hãy cứ cười đùa nhí nhố như thường lệ. Hãy coi việc cô một mình là bình thường thôi.
    Chừng như ý muốn trong tâm trí cô có năng lực tỏa ra bên ngoài cho nên đến một hôm, ai đó chợt nói to:
    - Tối nay hội độc thân karaoke, Hảo tham gia không?
    Như một cú húc phá tan bức tường im lặng đầy chất chứa, đây đó nhao nhao:
    - Hảo là của hội mẹ đơn thân đó nghen.
    - Đúng đúng… Hảo thuộc về hội mẹ đơn thân mới đúng.
    - Hội bà Tám cũng thân ái chào mời Hảo nha.
    Tiếng cười rộ. Hội bà Tám thì không phân biệt đơn hay độc. Còn hội mẹ đơn thân thì có quyền lợi hơn, ví dụ như đi làm trễ sẽ được châm chước vì có con nhỏ, thỉnh thoảng xin về sớm cũng được thông cảm, và nghỉ con ốm là đương nhiên…
    - Tui thì nghĩ là còn trẻ như Hảo thì nên cân nhắc về hội độc thân.
    Nói xong trưởng phòng nháy mắt và ai nấy cười ha ha. Đúng đúng đúng. Nói tới mẹ đơn thân khiến người ta ngao ngán nghĩ tới bỉm sữa, còn độc thân thì cơ hội kết bạn bốn phương rộng mở. Gì thì gì. Đời người dài thẳm, khúc này gập ghềnh thì có khúc khác êm xuôi, ông trời công bằng đâu để người hiền phải buồn hoài.
    - Thôi, trong lúc chờ đợi Hảo quyết định vô hội nào thì tối nay cứ karaoke với bọn mình ha? Lâu lâu vui chơi một bữa đi.
    
- o O o -

    Cô liên tục cầm điện thoại. Hừ, mấy hôm cứ nhắn tin giành đón cu Tý đi học về rồi đưa con đi chơi luôn mà nay sao không thấy?
    Đến gần cuối giờ mà điện thoại vẫn im lặng, cô thở dài, mình mà nhắn trước thì thế nào cũng nghĩ mình kiếm cớ này kia. Đành vậy. Cô gõ phím: “Tối nay em đi chơi với bạn. Anh đón cu Tý được không?” “Được”. Tin trả lời cụt lủn khiến cô hơi bực mình. Làm như ban ơn. Cô nổi tức, biết vậy đem cu Tý về gửi bà ngoại. Nghĩ là làm luôn, cô gõ phím thật nhanh “thôi, anh khỏi đón”. Thêm một tin nhắn trả lời cụt lủn “ờ”.
    Cuộc karaoke vui nhộn kéo dài quá đà. Trưởng hội độc thân không chịu cho ai về sớm dù bất kỳ lý do nào, bảo rằng về sớm là phá đám. Cô không muốn mang tiếng kẻ phá đám, càng không muốn ngày mai lên công ty tên của mình được nhắc tới với nỗi thông cảm có con mọn mà chỉ một mình. Vậy nên cô nhắn tin cho em gái đang ở với má “chị về khuya, cho cu Tý ngủ lại với em nha. Sáng mai chị ghé chở cháu đi học”. Tin nhắn em gái trả lời: “Ủa, anh Dũng nói chị dặn ảnh đón cu Tý mà?”.
    Tới mức này thì có mang tiếng phá đám cũng phải về ngay thôi. Cô chạy xe thật nhanh. Hình dung Dũng vác cu Tý ngủ gục trên vai đứng ngay trước nhà và xung quanh yên ắng trong giấc ngủ… Bỏ con đi chơi kiểu này nếu tòa xử lại giao con cho cha nó thì cô cãi sao được. Ôi không. Đồ mưu mô xảo trá.
    Chẳng có ai trước nhà. Cô thắng xe lại, cố ghìm cơn thở dốc. Con mình đang ở đâu? Cô thọc tay vô xắc chụp cái điện thoại vừa lúc cửa nhà bật mở và Dũng hiện ra.
    - Suỵt - Dũng đưa ngón tay lên miệng như sợ cô la lớn - Cu Tý đang ngủ.
    Hai con mắt Dũng nhìn đâu đó sau vai cô rồi dáo dác nhìn rộng hơn xung quanh khiến cô rợn người. Đang có kẻ xấu huơ dao về phía cô chăng?
    Nhưng nếu vậy thì Dũng phải nhào ra chứ sao cứ đứng ỳ ngay cửa? A, vị trí đó thay lời tuyên bố mình là chủ nhà hả? Kiểu láo liên kia là đang tìm hình bóng kẻ nào đưa cô về hả? Biết vậy lúc nãy nhờ trai đẹp đưa về cho biết mặt.
    Cô thở phào. Biết cu Tý đang ở trong nhà là cô yên tâm rồi. Mọi việc khác là chuyện nhỏ.
    Chuyện nhỏ. Kể cả nếu Dũng có thốt lời lên án có con mọn mà bỏ con đi chơi, mẹ gì mà hư thân mất nết…
    Nhưng Dũng chỉ im lặng dắt xe ra đường và nói:
    - Xin lỗi cái xe của anh dơ quá, chắc là bụi bặm đầy nhà, phiền em lau dọn giùm.
    Nghe như là mình vô ơn quá sao? Gì thì gì, cô là người rành mạch ơn oán. Chăm sóc cu Tý chu đáo khi cô đi chơi như vậy cũng đáng cám ơn. Cô nói nhỏ, chỉ là giữa khuya nên cô phải hạ tông giọng xuống, mà nghe như lí nhí:
    - Sao anh vô nhà được?
    - May là em chưa thay ổ khóa. Anh cứ sợ là em đã thay ổ khóa.
    Dũng nói và rồ ga chạy thật nhanh.
    Cô nhìn theo, nói xong bỏ chạy thì có đáng mặt đàn ông không hả?

Kết Thúc (END)
Nguyễn Hương
» Gia Sư
» Anh Cứ Sợ Là Em Đã Thay Ổ Khóa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt