Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Khu D Tác Giả: Sưu Tầm    
    Đúng lịch hẹn, bốn giờ sáng một ngày đầu tháng 2 năm 2022 tôi có mặt tại bệnh viện Chợ Rẫy. Nhìn cảnh người chen chúc đông như kiến cỏ, tôi cảm thấy thất vọng vô cùng. Nhưng rồi cũng kịp an ủi mình, khi trước đây mấy ngày tôi đã đăng ký qua mạng lấy số thứ tự để được thăm khám và chữa bệnh tại đây. Người như… “hai mươi vạn quân Thanh tràn sang xâm chiếm nước ta” như thế này thì con số thứ tự 15 kể ra cũng đáng đồng tiến bát gạo. Tôi xếp vào hàng để bắt đầu lưu trình nhập môn…
    Tôi xuất trình giấy chuyển viện và nói với chị phụ trách rằng tôi đã đăng ký qua mạng trên hệ thống của bệnh viện và nhận được số thứ tự là 15 của ngày hôm nay. Chị yêu cầu tôi xuất trình hồi đáp của bệnh viện để chứng minh. Theo lời chị, tôi nhanh chóng mở smartphone cho chị xem tin nhắn. Xem xong, chị nói vậy thì anh cứ xuống thẳng khu D nhé. Tôi hơi lưỡng lự… chìa tờ giấy chuyển viện ra cho chị xem tiếp lần nữa, và nói phải có chỉ dấu gì ở đây, để tôi chứng minh khi xuống khu D chớ. Nghe chừng có lý, chị ký rẹt vào tờ giấy chuyển viện. Đã quá được nhất quan, cha con tôi hí hửng mừng, thiệt không uổng công mình lo toan từ mấy ngày qua khi nhìn dòng người vẫn đang rồng rắn chen chúc để tiến về… mặt tiền!
    Đoạn đường từ cổng bệnh viện vào tới khu D ước chừng 500 mét. Nhưng niềm phấn khích không làm kẻ ốm đau bệnh tật cảm thấy mệt nhọc chút nào. Trên đường tới khu D, nhìn cảnh bà con đi nuôi bệnh trải chiếu san sát nhau qua đêm tạm bợ bên gốc những cây dầu cây gáo cổ thụ quanh các con đường nội bộ, tôi không khỏi chạnh lòng. Bất ngờ tôi thốt lên, ba sẽ về chừng nào chết thì chết, chớ đi nuôi ba mà các con sẽ phải ăn ngủ cù bất cù bơ, vá víu như vầy ba không đành lòng đâu. Im lặng. Ngọn gió mồ côi buổi sớm tinh mơ bất ngờ thổi qua, khí lạnh thấm nhập vào người. Gió đùa những chiếc lá vàng khô run rẩy lăn dài trên mặt đường, khua vọng những thanh âm khô khốc trơ trọi. Trời hãy còn sớm chưa sáng tỏ, tôi nghe rõ cả tiếng côn trùng ở quanh đây.
    Rồi thì khu nhà mang ký hiệu D sáng choang cũng lừng lững xuất hiện trong tầm mắt như đánh tan những ưu tư chừng như đang đè nặng trong lòng. Thấy tôi có vẻ mệt, hai con nói thôi ba cứ ngồi đây để tụi con làm tiếp phần thủ tục….
    Ngồi trước cửa phòng “U gan 1” ở tầng một khu D bệnh viện Chợ Rẫy để chờ được gọi tên thăm khám, tôi lơ mơ như người từ một hành tinh xa xôi nào đó vừa lạc bước đến. Liếc nhìn xuống cổ tay, thì ra chưa đến tám giờ sáng. Tôi có cảm giác mình như đang trong mơ, tự hỏi thời gian gần 4 giờ đồng hồ vừa trôi qua không biết có thực hay không… Thấm mệt, tôi cố tĩnh tâm, điều hòa hơi thở rồi khép mắt định thần.
    Còn nhớ hơn mười năm trước, nghĩa huynh tôi, nhà thơ Tô Nhược Châu, cũng do bạo bệnh phải lên đây để điều trị. Thương cho gia cảnh của anh và điều kiện y tế thời bấy giờ… Chỉ sau một lần lên đây, anh đã mạnh miệng tuyên bố với các con mình, không bao giờ trở lại lần thứ hai! Giờ thì tôi mới hiểu anh thêm, hẳn không phải vì nghèo túng hay đội ngũ y bác sĩ thiếu nhiệt tình chăm sóc, mà rất có thể vì cảnh nhốn nháo xô bồ xô bộn với bao nhiêu phiền toái về thủ tục đã khiến anh mất hết kiên nhẫn. Gần gũi anh nhiều, tôi hiểu cái đức tính này của anh nó tệ… không thể nào tưởng tượng nổi!
    Đây cũng không phải là lần đầu tôi sa vào lưới sinh tử. Hai mươi chín năm trước, tại bệnh viện đa khoa tỉnh nhà người ta đã chuyển tôi xuống khoa lao. Cái khoa mà ai nhìn vô cũng lắc đầu ngao ngán về cả nội dung lẫn hình thức! Về đêm, đâu đâu cũng sáng rực ánh điện neon, riêng cái khoa nằm trong tận cùng sâu của viện nó lơ mơ vàng nhạt ánh đèn bóng tròn, chẳng khác gì khu nhà xác. Tôi được xếp ở chung phòng với một nam bệnh nhân nghe đâu mắc SIDA AIDS đang vào giai đoạn cuối. Khổ thân anh, suốt mấy ngày nằm chung tôi không thấy bất kỳ người nhà nào bén mảng. Người thanh niên chưa quá ba mươi, cân nặng áng chừng cũng chỉ chừng đó lặng lẽ ra đi cũng vào đúng cái đêm âm lịch mù mờ đen đúa ấy… Tôi đoán ra phần nào thân phận của mình. Nhưng tôi vẫn hằng tin vào khả năng sinh tồn của mình. Mình còn trẻ quá, chưa được bốn mươi, sự nghiệp công danh thì nham nhở chưa ra gì. Ta phải sống. Muốn tìm lẽ sống cần phải có sự sống. Hàng ngày nhìn đứa con gái cưng học lớp chín, còn bé bỏng dại khờ xách cơm vô ra bệnh viện cùng cảnh nhà cơ cực, ý chí và bản năng quyết sống trong tôi càng sục sôi trỗi dậy…
    Hơn một lần đã thổ lộ với nhà tôi rằng khả năng vướng K của tôi là khá cao. Mỗi sáng, sau khi ngồi đưa lưng cho bác sĩ rút dịch ở màng phổi bằng cái ống tiêm to đùng và thuốc thang, tôi lẻn ra ngoài lượm rác làm vệ sinh quanh dãy trại. Có hôm bị bắt gặp, các y bác sĩ không ngớt lời khuyên bảo và cả quở quang. Nhưng rồi tôi vẫn cứ lén làm. Tôi vẫn tin vào khả năng sống của mình và cố chứng minh mình vẫn còn đang có ích cho cuộc đời này…
    Thuốc thang sơ sài tạm bợ lúc bấy giờ, vậy mà không hiểu sao tôi đã vượt qua khúc quanh gắt của đời mình. Sau này có dịp gặp lại, bác sĩ điều trị cho tôi cũng thẳng thắn thừa nhận, như là có một phép mầu nào vậy. Như dân gian người ta vẫn thường nói là “phước chủ may thầy”. Từ đó anh em tôi ngày một gần gũi thân tình hơn…
    Và lần này… Sau khi tiêm mũi ba Flizer tăng cường được ba ngày, tôi bắt đầu thấy đau ở vùng hạ sườn phải. Tự nhủ trong lòng, thôi lớn chuyện rồi. Do mình rượu chè thường xuyên nên có khi vaccine hay virus lạ vào cơ thể, chúng đã tấn công các cơ quan yếu ở trong người. Là suy đoán bừa vậy thôi, chớ kiến thức về y khoa tôi chưa xứng với lớp vỡ lòng. Cơn đau âm ỉ kéo dài chớ không chỉ là đau thông thường. Ho, đau. Ngáp, đau. Hắt hơi, lại càng đau! Đêm nằm ngủ, tôi chỉ ngửa người, không tài nào lăn nghiêng qua được. Trước sau cơn đau kéo dài đúng hai mươi ngày.
    Tôi vội vàng đến Trung tâm y tế Thành phố Bến Tre để khám. Rất tiếc, do thời điểm ấy các y bác sĩ ở Trung tâm rất bận rộn với công tác chống dịch, nên yêu cầu của tôi không được giải quyết thấu đáo. Sau khi nghe tôi trình bày, bác sĩ chỉ thăm khám và cật vấn mấy câu qua loa rồi cho thuốc để uống trong mười bốn ngày. Các ngày sau đó cơn đau vẫn tiếp tục mà không hề thuyên giảm. Không chịu nổi, ba ngày sau tôi trở lại Trung tâm. Lần này vị bác sĩ trẻ khác hỏi han tôi chi tiết hơn rồi lại tăng cường thêm năm ngày thuốc nữa, chớ còn yêu cầu được xét nghiệm và siêu âm vẫn chưa thể thực hiện được!
    Lần thứ ba tôi trở lại, các phòng ban của Trung tâm đã hoạt động đầy đủ. Vừa siêu âm cho tôi, bác sĩ Dậy vừa thật lòng công bố, chà… gay rồi nhe chú, có khối u ở gan khá lớn nhe chú. Chú phải nhanh chóng điều trị ngay thôi! Nằm đó, tôi bình tĩnh đón nhận tin dữ, vì linh cảm cho tôi biết trước những điều chẳng lành đang đón đợi mình. Cầm giấy xét nghiệm và siêu âm trở lại phòng khám ban đầu, cô bác sĩ hỏi tôi, vậy chú có muốn chuyển viện lên tuyến trên không. Thấy cần phải tham khảo ý kiến của người nhà, tôi xin cô cho phép thứ hai sẽ quay lại quyết định. Và cô đã đồng ý. Hai chữ “u lành” của kết quả siêu âm phần nào khiến cho tôi an tâm. Nhưng nhìn vẻ mặt u sầu ủ dột của vợ con, tôi không thể nào vui cho được. Nỗi buồn dễ lây lan là vậy. Kết quả siêu âm đã đủ xác tín chưa? Vậy chớ không phải đã có không ít sai sót về chuyên môn từng xảy ra ở đây đó sao… Chuyển viện, chuyển viện và chuyển viện! Tiếng thằng con trai từ Sài Gòn gọi về, a lô ba đó hả, con Huân nè… Là như vầy như vầy… nhe ba… nhe ba…
    Trong lơ mơ tôi nghe văng vẳng tiếng gọi tên mình… Tiếng gọi từ loa phóng thanh và động tác lay khẽ của con cùng tiếng gọi của nó khiến tôi choàng tỉnh. Tự nhủ trong lòng, chắc là từ bây giờ công việc sẽ bắt đầu hanh thông rồi đây. Như chiếc máy bay đã đạt được độ cao cần thiết, và người phi công chỉ còn cài đặt để nó bắt đầu vào chế độ bay tự động thôi. Nhưng rồi cũng không sao tránh được những hầm hố và rung lắc trong suốt hành trình còn lại.
    Vừa hí hoáy viết, cô bác sĩ trẻ vừa trao đổi. Do áp lực bệnh nhân khá đông, nên Chợ Rẫy có liên kết với bệnh viện Quốc Tế để giải tỏa. Vậy cháu chuyển chú qua đó để chụp hình ci-ty cắt lớp cho nhanh nhé. Tôi giãy lên như một quán tính, thôi thôi… thôi bác sĩ ơi, chú chỉ ở đây thôi, có chậm trễ gì chú cũng chấp nhận. Chỉ mới nhập môn quốc nội thôi mà tôi đã muốn ngất ngư xiểng niễng rồi, thì cửa nào dám đi thi tầm Quốc Tế tận bên quận Bình Tân! Qua đó liệu có tránh khỏi đợi chờ cùng những phiền hà khác không? Tôi không tin lắm ở thân phận thứ dân bé mọn của mình với cái bảo hiểm y tế mua chỉ mấy trăm ngàn một năm sẽ được đón nhận cùng với những biệt đãi. Thông tin từ cô bác sĩ không sai, quả là có lâu thiệt. Chỉ các công đoạn siêu âm, thử máu, chụp X quang và ci-ty mà phải lấn sang đến cả cuối buổi chiều…
    Mười lăm giờ chiều tôi đã có mặt trên tầng sáu để chờ nhận kết quả cuối cùng và chỉ định điều trị từ phòng hội chẩn… Rồi thì cũng đến lượt tôi... Sau khi quan sát các tấm phim vừa chụp, bác sĩ giản lượt bệnh trạng và yêu cầu chúng tôi cần phải xét nghiệm máu lại lần nữa!
    Với những suy đoán chỉ căn cứ vào hiểu biết hạn hẹp của mình, bất chợt tôi thấy thương cảm bệnh viện và các y bác sĩ ở quê nhà. Với phương tiện y khoa tiên tiến và hiện đại như Chợ Rẫy mà người ta còn chưa dám quyết rõ bệnh tình, thì làm sao ở quê nhà cũ kỹ của tôi không kết luận là “u lành” cho được. Như khẩu súng được trang bị ống kính hồng ngoại, nó nhìn thấu cả đêm đen, hẳn ở đây người ta nhận mặt khá rõ ràng bệnh trạng, nhưng chắc đã không tránh khỏi những phản biện không phải là không có lý trong quá trình hội chẩn với cùng lúc của nhiều bác sĩ chuyên khoa… Vậy thì… Vậy nhe anh, anh và chú vui lòng chịu khó làm xét nghiệm máu thêm lần nữa nhe.
    Cầm hồ sơ bệnh án, cha con tôi quày quả quay ngược từ tầng sáu trở xuống tầng một để làm lại xét nghiệm máu cặn kẽ và chi tiết hơn theo lệnh của bác sĩ. Nhưng… tôi nào có biết đâu các phòng ban đã ngưng việc từ lúc 16 giờ mỗi ngày! Cũng phải thôi, suốt 12 tiếng đồng hồ rồi chớ nào có ít đâu. Sức người nào chịu đựng thêm nữa cho nổi!
    Vậy thì ngày mai… Nào có xá gì cái ngày mai kia chớ, còn ngày mai hẳn là còn hứa hẹn một tương lai…
    Chiều. Lạ. Buồn. Ngồi ở bao lơn trên gác trọ, nhìn xuống con phố nhỏ bên dưới với cảnh người nhốn nháo nói cười mua bán, tôi thầm trách mình. Có ngờ đâu, rồi có một ngày mình lại trở thành gánh nặng của những người thân yêu. Chỉ thời gian ngắn gần đây thôi, mọi sinh hoạt trong gia đình bỗng chốc đảo lộn mọi trật tự… Công việc bảo hiểm để mưu sinh hàng ngày từ hàng chục năm qua của tôi buộc phải tạm dừng và có cơ vĩnh viễn. Việc đón đưa kèm cặp mấy đứa cháu học hành đành… điều quân tăng viện. Trong ngoài, nhà cửa, vườn tược… Công ăn việc làm của con cái… Như sáng nay, đứa con gái lớn buộc phải bỏ tôi và em trai nó ở lại để quày quả quay trở về quê nhà vì công vụ. Thằng em nó, ban đầu chỉ xin phép cơ quan nghỉ ngày hôm nay thôi, nhưng rồi tình thế chẳng đặng đừng…!
    Nhìn lại quãng thời gian đã sống, tôi tạm hài lòng với chính mình. Kể từ tuổi mười lăm, tôi đã biết gánh vác việc nhà. Và từ bấy đến giờ, nếu tôi chưa xứng là chỗ dựa của ai thì tôi cũng chưa bao giờ phải dựa vào bất kỳ ai khác. Còn cơ cực khó nghèo cũng có nhiều lý do của nó. Bởi vì tôi đã quá cả tin và ỷ lại vào sức vóc của mình, mà hi sinh quá mức cần thiết chăng? Cũng có thể lắm.
    Cái tuổi mười lăm của tôi kể cũng lạ. Nó xui khiến để cho tôi được học với người thầy dạy Việt văn kỳ tài, Thầy Bùi Thanh Kiên. Bao nhiêu tinh túy từ thầy truyền đạt suốt năm lớp chín, tôi có cảm giác như thầy chỉ dạy cho riêng mình tôi! Trong khi tất cả học sinh bình thường khác của cả tỉnh tới lúc nghỉ ngơi, thì thầy trò tôi lại bắt đầu dưới ánh đèn đêm. Những giờ vàng ban ngày chúng phải cùng với cha mẹ bươn bả tất bật chuyện áo cơm… Và những đêm dài như vậy, thầy đã trao cho tôi trọn vẹn tặng phẩm tinh thần vô giá của một “kẻ sĩ” Nguyễn Công Trứ - Trong lang miếu ra tài lương đống. Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
    Tròm trèm bảy mươi rồi, nói như nhiều lão già, bắt đầu thời đoạn này người ta chỉ là được khuyến mãi để sống thêm! Có thật vậy sao? Không, sống là sống, không sống thì chết đi cho nó nhẹ mình nhẹ đời. Chớ sống với tinh thần khuyến mãi ất ơ như vậy thì sống làm con mẹ gì! Hình như tôi đã hơi quá lời. Sinh ra làm người, ai cũng có một thái độ nhân sinh riêng. Ta không giống như người, sao lại bắt người phải giống như ta.
    Ta ham sống quá mà lại vong thân mình quá lâu. Hình như còn trước cả khi bà mụ vườn xách hai chân chổng ngược tôi lên và phát vào mông mấy cái… Tôi đã mang theo tiếng khóc ấy rồi chạy riết vào cõi đời đầy buồn vui sướng khổ này. Có một thoáng tôi vụt nghĩ, sao mình không được như con thú hoang trong rừng rậm kia. Là nó, những khi ốm đau thương tật, hẳn nó sẽ tìm một cái hang hốc nào đó để điều trị, chẳng phiền lụy đến ai. Có đói khát tự mò ra suối tìm cái ăn cái uống… Nhưng nó có bao giờ uống rượu đâu! Hơn trăm ngày qua, nhẩm tính nếu không vướng bệnh thì cái thân thể gầy còm này phải tải ít gì cũng hai mươi lít rượu! Chừng này thì đến như con voi đực ở rừng già châu Phi cũng phải chết chớ nói chi. Và còn nhiều hơn thế nữa. Nào là với những đêm du thủ du thực với bạn bè, tới tận trăng tàn quán lụn vẫn còn tiếc nuối chưa muốn thôi…
    Thế thì ta phải qui phục mà hành quân mải miết về với khoa học để mưu tìm cái sống suýt bị đánh rơi kia thôi. Lần thứ hai trở lại Chợ Rẫy, một hôm có vị bác sĩ xuống đến tận giường để thăm hỏi tôi. Tôi biết do đâu lại có tình huống này. Ân nhân của tôi đã kịp thời có mặt. Nhưng tôi vẫn cố giấu đi thân phận mình, trước sau tôi vẫn nói rằng mình là chuyên viên tư vấn bảo hiểm của một công ty Đài Loan. Người bác sĩ lặng nhìn tôi, khẽ một dấu hiệu ra chiều thông cảm. Hình như ông ta cũng cảm thấy rằng danh giá gì đó một sứ mệnh mà tự thân nó đã là vô mệnh và có thể mãi mãi sẽ là vô tăm tích…
    Có sao đâu. Giờ thì tôi chỉ nghĩ đến bản thân mình. Tôi còn nhiều việc phải làm cho mình quá. Kể ra vậy cũng là sung sướng hơn bao người, phải lo lắng cho trăm ngàn sinh linh khác. Tôi không phải mang vác bất kỳ trách nhiệm nào khác ngoài sự tồn vong của chính mình. Nghe ra thấy nó ích kỷ thế nào. Nhưng biết sao được, khả năng tôi chỉ có được chừng đó mà thôi.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân