Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nàng Nguyễn Tác Giả: Y Ban    
    Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử, một trong tứ bất tử của dân tộc Việt có hai người vợ. Một người là Tiên Dung công chúa, còn người vợ thứ hai là ai đây? Xin mời đọc truyện ngắn Nàng Nguyễn của nhà văn Nguyễn Trọng Văn để chiêm ngưỡng một câu chuyện tình đẹp và tài đức của các bậc thánh hiền.
    Hai mẹ con bà Nguyễn đã tới cánh đồng. Đồng làng Miêng cách không xa sông Hồng, nơi ấy đất mỡ màu nên cây cối cứ tự nhiên mà phát triển cũng như con người nơi đây tự nhiên mà sinh thành.
    Cánh đồng làng Miêng bừng nắng sớm khiến bốn bề phong quang rộng thoáng. Bà Nguyễn kéo tay Nàng Nguyễn đi về phía có màu xanh nhất. Linh cảm của người bao năm làm thuốc từ những chiếc lá cây hoang dã đã mách bảo bà “chỗ ấy có thứ lá hai người cần tìm”.
    Nàng Nguyễn cũng nhận ra. Từ khi còn lẫm chẫm nàng đã được mẹ cho theo đi hái lá thuốc. Cũng từ khi còn nhỏ Nàng Nguyễn đã được mẹ truyền dạy cho những bài thuốc, lại thêm phần sắc sảo nên Nàng Nguyễn chẳng mấy chốc đã được dân quanh vùng tin cậy.
    Cánh đồng thêm tươi màu dưới nắng. Những chiếc lá xanh xanh được bàn tay tựa như mười búp măng non của Nàng Nguyễn nhẹ nhàng ngắt. Nàng bỏ những chiếc lá vừa ngắt vào chiếc giỏ tre đeo bên người. Chẳng mấy chốc chiếc giỏ tre đã đầy chặt. Nàng Nguyễn bước lên bờ ruộng, trút giỏ thuốc vừa hái vào chiếc bồ tre thoạt nhìn ngỡ có người đang ngồi hóng gió. Rồi Nàng Nguyễn ngẩng đầu lên nở một nụ cười, cất tiếng hát “Này chị em ơi! Em là con gái Đồng Miêng/ Nghề nông sớm tối phải siêng cuốc cày/ Nắng mưa việc chẳng ngơi tay/ Cấy chăm chỉ lúa mai ngày lên xanh”.
    
- o O o -

    Giờ đang là tiết đầu hè. Nắng chói chang. Màn trời được vén cao lên làm ánh nắng soi rọi làm cho khắp cánh đồng đang rờn xanh cỏ cây hoa lá.
    Đưa mắt bao quát khắp cánh đồng, Chử Đồng Tử nhíu mày lo lắng. Chàng không giấu được vẻ bồn chồn như có trăm ngàn mũi sắc đang đâm vào da thịt bởi đã mấy tháng rồi không hiểu từ đâu xuất hiện rồi lan truyền một thứ bệnh lạ. Thứ bệnh lây lan rất nhanh, dường như không chừa bất cứ một ai. Thứ bệnh lạ tựa như một cơn gió độc thổi ngang tàng khắp cánh đồng, thổi tung hoành khắp làng khắp xóm. Thứ bệnh đã làm nhiều người mắc, làm nhiều người không qua khỏi bởi dường như không có thuốc gì chữa chạy được. Một không khí ảm đạm bao trùm khắp đất nước vốn xưa nay bình yên.
    Vậy mà nơi đây lại có một không khí vô cùng thoáng đạt, dân cư say sưa làm lụng, chốc chốc vọng lên lời hát ca vui vẻ. Chử Đồng Tử lại nhíu mày nhưng cái nhíu mày lần này là chàng lơ mơ nhận thấy có một điều kỳ diệu quanh quất đâu đây. Công chúa Tiên Dung cưỡi ngựa đi bên cạnh. Con ngựa bạch của nàng chạy như sát vào con ngựa có bộ lông mầu huyết dụ của Chử Đồng Tử làm vẻ thân gần. Công chúa Tiên Dung ngoảnh đầu nhìn sang phía Chử Đồng Tử, im lặng dõi theo từng cử chỉ của Chử Đồng Tử.
    Mấy lần Công chúa toan lên tiếng hỏi nhưng rồi nàng lại thôi. Khung cảnh đẹp tươi sắc hè đang phô bầy trước mắt làm nàng cảm thấy lâng lâng. Dường như Công chúa cũng tạm quên đi phiền muội dịch bệnh đang hoành hành, tạm quên đi lý do mà nàng cùng Chử Đồng Tử phải lặn lội từ miền Phong Châu để về nơi quê mùa xa xôi mà chứa đầy ký ức này. Công chúa Tiên Dung hơi cúi đầu, cảm giác bồi hồi dội về. Nàng thoáng đỏ hồng đôi gò má khi nhớ lại chuyện xưa. Chuyện xưa như duyên trời đã se duyên cho nàng với chàng trai quê nghèo không một mảnh vải che thân đang vùi mình dưới lớp phù sa đẫm nước. Năm ấy cũng trên vùng đất bãi bên sông Hồng này, số giời đã run rủi cho Công chúa hợp duyên với chàng trai họ Chử. Vẫn là đồng bãi ấy nhưng bây giờ bờ bãi đã ngập tràn màu xanh của cỏ lá chứ không hoang vu chỉ cát với cát. Điều đó chứng tỏ người dân nơi này đang có một cuộc sống bình yên và như ý.
    Chử Đồng Tử cho ngựa chạy lên trước một đoạn. Chừng như vừa phát hiện ra điều mình đang tìm, chàng bất chợt ghìm cương, con ngựa bị dừng đột ngột thì tung hai vó trước lên bơi bơi rồi cất lên tiếng hí dài. Từ trong những bụi hoa cỏ, bầy chim gáy, chim lửa, chim sẻ đồng, chim chiền chiện thấy động bay vút lên táo tác. Chử Đồng Tử cảm thấy có lỗi. Chàng vội vã nhảy xuống đất dắt ngựa. Vừa hay Công chúa Tiên Dung cũng kịp tới sát bên; nàng chừng như đoán được ý của chồng nên cũng rời lưng ngựa. Hai người chậm rãi như đặt từng bước chân, không dám đi mạnh như lúc ban đầu nữa.
    Chử Đồng Tử ngoái đầu nhìn sang phía Tiên Dung, hỏi nhỏ:
    - Nàng còn có nghe thấy tiếng hát không?
    Tiên Dung dừng chân, nghiêng đầu ngóng tai về phía cánh đồng cỏ hoa nở ngập tràn ở phía xa xa.
    - Hình như …đúng rồi - thiếp thấy đó là tiếng hát của một thanh nữ - nàng ấy còn rất trẻ.
    - Làm sao mà nàng biết nàng ấy còn rất trẻ?
    - Phò mã hãy nghe lại đi. Giọng thôn nữ thanh thanh và cao vút. Tiếng hát như cất lên từ những bông hoa vậy.
    - Nàng thật tinh tế.
    Tiên Dung mỉm cười ý trách Chử Đồng Tử vô tình. Tuy lớn lên ở trong cung đài sang trọng nhưng Công chúa Tiên Dung đâu chịu cảnh suốt ngày tha thẩn xem hoa thưởng đàn. Nàng thường hay rời cung để đi về các miền quê, trước là ngắm đất trời sông nước, sau là gần gũi với dân gian; bởi thế nên nàng có được sự cảm nhận giữa thiên nhiên bao la một cách đậm đà đến độ tinh tế.
    Thấy Chử Đồng Tử đang thộn mặt vì bị trách vô tình, công chúa Tiên Dung chợt thấy mình hơi quá. Nàng nghĩ “thì chàng đang mải lo chuyện tìm người giúp dân chứ đâu phải chàng vô tình”.
    Tiếng hát rõ dần. Bầy chim sau hồi xáo động lại sà xuống từng nhành hoa, từng ngọn cỏ. Khung cảnh yên bình giữa chốn thanh thiên thật làm lòng người xao động. Khung cảnh này nếu như vào một dịp khác thì có lẽ Tiên Dung đã thốt lên những lời ngợi ca nhưng sáng nay thì khác, cảnh đấy mà lòng không sao vui được.
    Chử Đồng Tử vẫn chưa nguôi cảm xúc về giọng hát. Chàng đưa mắt nhìn bao quát khắp cánh đồng. Thực ra cánh đồng này đối với chàng không hề xa lạ. Từ quê chàng sang đây chắc chỉ một thôi ngựa phi. Vẫn cỏ hoa ấy, vẫn từng làn gió xuân thổi rười rượi da mặt, vẫn những bầy chim quen thuộc và vẫn…
    - Phò mã đang có tâm tư gì chăng? Được trở lại quê nhà chắc chàng đang bồi hồi?
    - Ta còn thấy..
    - Phò mã thấy gì?
    Chử Đồng Tử không vội trả lời. Chàng quay người qua trái rồi quay người qua phải. Chàng vươn người như đứng trên lưng ngựa để xác định. Gió đồng đưa tới, mát rười rượi.
    - Ta còn thấy đâu đây có thứ mùi vừa quen vừa lạ. Mùi ấy làm ta tự nhiên nhẹ nhõm trong lòng.
    
- o O o -

    Người làng Miêng còn nhớ, đâu như một đêm trăng tròn của buổi đầu thu. Đêm ấy, ánh trăng soi lênh loang khắp cánh đồng; ánh trăng chiếu vằng vặc làm từng bông hoa ánh lên màu sáng trong. Đêm ấy, những vì sao như sa hết xuống làm cả cánh đồng cùng với bầu trời chỉ rực lên màu hoa trắng tinh khiết. Bà Nguyễn năm ấy đã ngoại năm mươi. Tuổi ngoại năm mươi lại một thân một mình nên vẻ khắc khổ thêm phần khắc khổ. Người đàn bà không một ai thân thích ấy sau một ngày làm lụng vất vả thì chìm vào giấc ngủ. Căn nhà ngoài bìa làng trống huơ trống hoác.
    Đêm trăng thu gió thổi dịu mát. Từng cơn gió đưa tới ngào ngạt mùi thơm của hoa cỏ. Bà Nguyễn ngủ chìm đi, chìm vào giấc sâu như đền bù cho những người cả ngày lặn lội.
    Bỗng từ phía Tây chợt có một con chim xanh bay tới rồi sà vào trong màn. Con chim xanh sau khi lượn một vòng trong màn thì bên tai bà Nguyễn vang nên câu nói “Ta gửi nhà ngươi một người con gái. Người sinh nuôi nó cho ta”. Tiếng nói vừa xong cũng là lúc bà Nguyễn tỉnh dậy. Bà ngơ ngác nhìn quanh nhưng tuyệt nhiên vắng vẻ. Chỉ nghĩ là giấc mơ thôi nhưng chín tháng mười ngày sau Bà Nguyễn hạ sinh được một người con gái. Cô gái vừa chào đời đã cho thấy đó là một tuyệt sắc giai nhân. Dân làng Miêng bán tin bán ngờ nhưng ai cũng mừng cho bà Nguyễn vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất là bà Nguyễn đã già cần có nơi nương tựa; lẽ thứ hai là sẽ có người nối nghiệp bà Nguyễn chăm lo thuốc thang cho dân.
    
- o O o -

     Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung đã tới gần nơi cất lên tiếng hát. Trước đó hai người đã cột ngựa ở đầu con đường dẫn xuống cánh đồng nên bước chân của họ không làm mảy may động tĩnh. Đứng yên nhìn ngắm, Chử Đồng Tử đã nhận ra trên ruộng cây xanh rậm rì là hai người nữ, một già và một trẻ. Người già chắc tuổi đã cao, chốc chốc lại thấy bà ngừng tay, cố ưỡn tấm lưng còng mỏi và người trẻ không ai khác chính là người đang cất tiếng hát. Hai người đó đang cần mẫn hái những chiếc lá,
    Lại một làn gió đưa đến, mang theo một thứ mùi quen quen là lạ. Thứ mùi quen quen là lạ đó làm Chử Đồng Tử hắt sì hơi mấy cái liên tục. Tiếng hắt sì hơi của Chử Đồng Tử thực sự làm hai người đang cặm cụi phải ngừng tay nhìn lên. Cũng may là Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung ăn mặc quần áo thường dân nên cả hai người nhìn lên đều không tỏ vẻ sợ sệt hay lo ngại. Bà lão tỏ chút ngạc nhiên còn cô gái trẻ xong ánh mắt nhìn thì lại cúi xuống đưa tay hái hái; hình như sự có mặt bất ngờ của hai người xa lạ không làm cô bận tâm. Cô vừa đưa tay hái lá vừa bình thản hát tiếp câu hát: “Trời xanh biếc trôi làn mây trắng/ Tiếng sáo diều ai thả vang khắp xóm làng nghe thiết tha/ Vui cấy, ta nhanh tay mùa lúa lên xanh đồng/ Lúa mai đây mừng hạt vàng trĩu bông”. Câu hát thể hiện một thái độ vui vẻ chan hòa khiến Chử Đồng Tử cũng cảm thấy vui lây. Chàng lại gần hơn và lên tiếng:
    - Ta từ xa đến. Chẳng hay ở đây đang có điều gì mà mọi người vui vẻ hát ca, lam làm như vậy.
    - Chẳng hay quý khách muốn hỏi việc gì? – Lão bà liền hỏi lại.
    - Đã mấy tháng nay trong nước dịch giã hoành hành sao nơi đây lại yên vui đến vậy?
    Lão bà bước lên bờ đổ những chiếc lá xanh từ chiếc giỏ tre vào chiếc bồ to. Câu hỏi vẻ ngạc nhiên của người khách lạ làm lão bà mang máng hiểu chút nào nguyên do xuất hiện. Lão bà chưa trả lời ngay vào câu hỏi mà bà khoát tay chỉ chỉ rồi hỏi lại:
    - Quý khách có thấy gì không?
    Chử Đồng Tử bấy giờ mới nhận ra ở góc bờ có một đụn trấu nho nhỏ đang âm ỉ cháy, từ đó thoang thoảng bay lên làn khói mỏng, tỏa ra một thứ mùi quen quen là lạ. Chính thứ mùi đó đã làm chàng phải hắt sì hơi mấy cái liền. Nhưng mà lạ quá, sau mấy cái hắt sì hơi liên tục thì lại có cảm giác sảng khoái lạ kỳ. Cảm giác làm Chử Đồng Tử lâng lâng, thấy rộng mở trong lồng ngực.
    - Ta từ xa tới. Ta nghe nói nơi đây có người biết nghề thuốc giỏi. Ta mong được gặp người ấy. Chẳng hay người đó chính là bà?
    - Đấy là dân làng đồn đại thế thôi, chứ hai mẹ con lão xưa nay chỉ biết thuốc thang lặt vặt.
    Câu đáp thật thà không có ý chối nhận lại mang vẻ khiêm nhường của lão bà càng làm cho Chử Đồng Tử vui thầm. Chàng biết đã tìm ra người giỏi nghề thuốc có thể giúp dân giúp nước.
    Kéo tay công chúa Tiên Dung, cả hai cùng ngồi xuống vệ cỏ. Thái độ chân thành và gần gũi đó làm lão bà thấy tin cậy. Lão bà cũng ngồi xuống vệ cỏ. Bà hỏi:
    - Chẳng hay quý khách và cô nương đây là ai?
    Biết không nên nói dối vào lúc đang cần tìm người nên Chử Đồng Tử đáp chân thật:
    - Ta là Chử Đồng Tử, phò mã của Vua Hùng. Còn đây là Công chúa Tiên Dung, vợ ta.
    - Thì ra quý khách là cậu Đồng Tử bên làng Chử xá - tức thì lão bà vụt đứng dậy rồi vội vàng quỳ sụp trước mặt Chử Đông Tử và Công chúa Tiên Dung. Bà vừa chắp hai tay vừa vội vàng bái tạ:
     - Xin Phò mã và Công chúa tha lỗi. Người già này mắt kém không nhận ra.
    Chử Đồng Tử vội đưa tay đỡ lão bà đứng dậy, chàng nói: Thì ta cũng từ chốn dân dã mà ra, có gì đâu để lão bà phải y lễ.
    - Thưa lão bà – Chử Đồng Tử nói thật lòng – khắp nước đang có dịch giã hoành hành, vậy sao dân vùng đây mọi người vui khỏe là vậy?
    Lão bà quẹt tay lau những giọt mồ hôi chảy xuống đôi gò má hóp héo:
    - Tất cả là nhờ vào bài thuốc làm sạch bầu không khí mà thôi.
    Ngạc nhiên, Chử Đồng Tử quay sang nhìn Công chúa Tiên Dung. Công chúa cũng ngạc nhiên không kém. Bài thuốc mà lão bà vừa nói nghe có vẻ rất đơn giản mà cũng rất khó hiểu. Sau hồi nghĩ ngợi Chử Đồng Tử vội nắm bàn tay nhăn nheo của lão bà lắc lắc. Một động tác thể hiện sự nôn nóng nhưng chân thành, thể hiện sự mong muốn đến tột độ:
    - Ta đang cần tìm bài thuốc ấy để chữa chạy cho thiên hạ.
    - Không có gì to tát hay khó khăn cả - lão bà cười móm mém - Toàn là thứ có sẵn ngoài đồng, rất dễ kiếm.
    - Lão bà có thể nói rõ được không?
    - Phò mã và Công chúa có nhìn thấy làn khói đang lan tỏa kia không? – Lão bà lần này cũng vậy, chưa trả lời ngay mà đưa ra câu hỏi – Phò mã và Công chúa có ngửi thấy mùi gì không?
    - Ta đã thấy và ngửi thấy. Thứ mùi ấy thấy quen quen lắm mà sao ta chưa nghĩ ra là gì?
    - Đó là quả bồ kết khô vùi trong đụn trấu âm ỉ cháy.
    - Thực lòng ta chưa hiểu.
    - Kể từ khi dịch bệnh lan truyền, dân làng của già và các làng quanh vùng đã bảo nhau trước mỗi sân nhà và từng đầu ngõ vun những đụn trấu, bỏ thêm quả bồ kết ủ cháy âm ỉ ngày qua ngày. Khói từ đụn trấu đó lan lan khắp nơi, giúp xua tan dịch bệnh, làm thanh sạch mọi nhà mọi ngõ. Ở ngoài đồng cũng thế; có thế dân làng mới tiếp tục ra đồng làm ăn thu hái được mà không lo dịch bệnh.
    - Thật kỳ diệu. Đơn giản thế mà không ai nghĩ tới – Chử Đồng Tử cùng Công chúa Tiên Dung đồng thanh hỏi - Thưa lão bà. Có phải chính lão bà là người tìm ra phương thuốc công hiệu đó.
    - Không phải ta – lão bà thẳng thắn – đó là do con gái của ta tìm ra.
    - Con gái của bà. Nàng ấy tên gì?
    - Làng gọi nó là Nàng Nguyễn. Nó còn bầy thêm cách nữa.
    - Nàng Nguyễn. Nàng Nguyễn. Nàng Nguyễn - Chử Đồng Tử nhắc đi nhắc lại tên người con gái của lão bà những mấy lần. Rồi chàng hỏi tiếp - Cách gì, thưa lão bà?
    - Đó là ra đồng hái lá sả, tía tô, ngải cứu; những thứ lá đó mang về nấu nước đem tắm hay rửa mặt mũi chân tay giúp thông thoát cơ thể, ấm nội tâm. Dịch bệnh nào len vào người được nữa.
    Mừng như vớ được vàng, Chử Đồng Tử đứng vụt lên. Chàng vội rảo bước về phía cô gái trẻ vẫn đang mải mê hái lá và say sưa câu hát. Chàng vờ buông câu ỡm ờ để làm quen:
    - Thấy người tay hái nhanh nhanh/ Mềm như đang họa bức tranh quê nhà. Cô gái ơi. Nàng có thể dừng tay để ta ra vế đối được không?
    Nàng Nguyễn nghe thế thì dừng tay hái lá, nàng cười:
    - Quân tử ra vế đối đi ạ.
    - Ta ra vế đối là: Cô hái lá thoăn thoắt như người nhặt hoa.
    Tức thì Nàng Nguyễn nhẹ nhàng đáp.
    - Dạ thưa quân tử. Thiếp tôi con gái nhà nông/ Tuy rằng chữ nghĩa ăn đong cũng đành. Xin có lời đối là: Cậu cưỡi ngựa rườm rà như hoa mới nở.
    Chử Đồng Tử thoáng giật mình. Chàng không ngờ cô gái quê mùa lại đối đáp đâu vào đấy, ăn nói tuy khiêm nhường mà lại sắc sảo. Chàng thực sự thán phục, bèn nói:
    - Thơ hay nghe thoáng lần đầu/ Chử tôi xin bắc nhịp cầu để noi.
    - Lá thuốc còn hái dở dương/ Nỡ nào bỏ lại lên đường cho đang.
    Lời đáp lại của Nàng Nguyễn thực sự gieo vào lòng Chử Đồng Tử sự cảm mến. Chàng đứng ngây người.
    - Phò mã!
    Câu nói nhỏ nhưng đủ nghe của Công chúa Tiên Dung khẽ vang ngay bên cạnh như nhắc Chử Đồng Tử nhớ tới thân phận, tới việc của mình. Chàng cười sảng khoái, tiếp tục giao đãi với cô gái:
    - Nay đang dịch bệnh khắp vùng/ Người dân ốm, chết vô cùng tang thương. Ta và Công chúa Tiên Dung từ lâu đã nghe danh Nàng Nguyễn hiếu thuận mà lại giỏi thuốc, nay về đây tìm nàng. Xin nàng đừng từ chối.
    Vừa hay bà Nguyễn cũng tới. Chử Đồng Tử cùng Công chúa Tiên Dung chắp tay bái bà Nguyễn. Chử Đồng Tử nói: “Xin phép lão bà cho Nàng Nguyễn theo ta và Công chúa Tiên Dung lên Phong Châu. Trước là giúp Vua bầy thuốc cứu dân và sau là thăm bệnh cho Vua cha”. Nàng Nguyễn ngẩng đầu lên, e ngại nhìn mẹ. Biết vậy nên bà Nguyễn nói: “Con cứ theo Phò Mã và Công chúa đi giúp Vua giúp nước. Mẹ ở nhà đã có bà con làng xóm”. Bà Nguyễn mỉm cười khích lệ, nói với thêm: “Sống cởi mở, yêu thương, chan hòa với làng, với nước, với những gì cùng ta đang sống”.
    
- o O o -

    Hai năm sau, nghĩa là khi Nàng Nguyễn vừa tròn đôi chín, một sáng xuân tươi Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung trở lại làng Miêng. Sau khi dạo qua cánh đồng cây lá lên xanh thì hai người cột ngựa ở đầu làng rồi đi bộ thẳng tới nhà bà Nguyễn. Vừa may hai mẹ con bà cũng trở về sau những giờ đi hái lá thuốc. Công chúa Tiên Dung đến trước mặt bà Nguyễn, cất tiếng xin phép được tác thành Nàng Nguyễn với Chử Đồng Tử. Hai mẹ con bà Nguyễn nghe Công chúa Tiên Dung nói vậy thì hết sức ngỡ ngàng nhìn nhau khó hiểu. Phải khi Công chúa Tiên Dung nói thêm thì bấy giờ hai mẹ con bà Nguyễn mới thông. Công chúa Tiên Dung nói: “Nàng Nguyễn có sắc lại có tài thuốc. Nét quý ấy rất đáng trân trọng. Nay Công chúa tôi lặn lội đường xa trước là để thăm lại ân nhân và sau là rước Nàng Nguyễn về chung nhà cùng lo giúp dân giúp nước”.
    Nàng Nguyễn cùng với Công chúa Tiên Dung trở thành “Nhị vị phu nhân” tâm đầu ý hợp, cùng Phò mã Chử Đồng Tử gây dựng nên cơ nghiệp lớn lao. Chỉ tiếc là Vua Hùng Duệ Vương vì nghe lời xúc xiểm mà đưa quân về vùng ven sông Hồng hỏi tội Chử Đồng Tử. Sẵn lòng nhân ái và không muốn có cảnh binh đao nồi da nấu thịt nên Chử Đồng Tử đã bàn với Nhị vị phu nhân là “tránh chứ không chống”.
    Vào đêm ngày 17 tháng Một, Chử Đồng Tử cùng Nhị vị phu nhân của mình đã hóa thân bay về trời. Nghe tin ấy Vua Hùng Duệ Vương mới tỉnh ngộ. Đức Vua vô cùng ân hận. Đức Vua đã phong sắc cho Nàng Nguyễn là “Nội trạch Tây Cung Tiên nữ – Hồng Vân Công Chúa”.
    Từ đó đến nay, cứ vào ngày 17 tháng Một hằng năm, ngày “Tam vị đồng thăng” là người dân làng Miêng, nay là thôn Đồng Kim, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là tổ chức Lễ Tế Thánh ngay tại Đền thờ Nàng, đền thờ Tây Sa Công chúa, tại chốn quê nhà. Trong lễ vang lên câu tấu hát: “Chúng con thành kính dâng lên/ Cúi xin Tam vị Thánh hiền chứng cho/ Cầu xin ngô lúa đầy bồ/ Phong đăng hòa cốc được mùa toàn dân/ Cầu cho quốc thái dân an/ Già trẻ thọ tràng lại được sống lâu”.

Kết Thúc (END)
Y Ban
» Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà
» 27 Bước Chân Là Lên Thiên Đường
» Con Mang Cuộc Đời Của Mẹ
» Một Phần Ba Cuộc Đời
» Bây Giờ Con Mới Hiểu
» Cưới Chợ
» Ai Chọn Dùm Tôi
» Xích Lô
» 27 Bước Chân Là Thiên Đường
» Phút Dành Cho Tình Yêu
» Biển Và Người Đàn Bà
» Trong Khu Vườn Nghệ Sĩ
» Tôi Và Gã
» Cõi Thù Hận
» Xin Hãy Chờ Thêm 5 Phút
» Con Phải Sống Sao Đây
» Không Đề
» Ráng Chiều Đỏ
» Nàng Nguyễn
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng