Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đừng Đi Tác Giả: Sưu Tầm    
    Minh dừng xe trước cổng nhà số 17, hoang mang vì thấy mình nhỏ bé quá. Căn nhà giống như một căn biệt thự, không có hồ bơi nhưng cái vườn cảnh thì đến là nể thật. Minh bấm chuông, một người đàn bà khoảng hơn 50 ra mở cổng:
    “Cháu đến rồi à? Vào đi”.
    Người đàn bà ngó Minh, mỉm cười, đưa cho Minh cốc nước lạnh:
    “Ngồi xuống đi cháu. Ông bà chủ đi vắng cả rồi, bà chủ có dặn cô chiều nay cháu đến, nhớ tiếp đón cẩn thận”.
    “Cậu ấy đâu hả cô?”.
    “Cậu chủ đến nhà bạn, cũng sắp về rồi. Chắc là cháu đã đọc hợp đồng nên cô sẽ không nói gì thêm, hôm nay cháu dạy luôn cũng được. Cuối cấp rồi, bà chủ lo cậu chủ không qua được. Nhà giàu, vứt đâu chẳng sống nhưng bà chủ muốn cậu tự thi để có cái bằng cấp III “đàng hoàng”… À! Cậu chủ về rồi đấy, cháu chờ một lát”.
    Cô giúp việc lật đật chạy ra mở cổng khi nghe tiếng chuông reo.
    …
    “Cậu chủ! Đây là gia sư môn Toán của cậu”.
    Minh giật mình quay lại. Thấy thằng con trai đang đứng đấy với cái mặt vênh vênh váo váo. Trắng trẻo, đẹp trai, ăn mặc sành điệu, tóc gần như là không có với một bên tai đeo ba chiếc khuyên. Nó nhìn Minh dò xét rồi cười khẩy, hỏi:
    “Này! Học trường nào? Năm mấy rồi? Tên gì?”.
    Minh cố gắng không chớp mắt, trả lời:
    “Đọc trong hợp đồng”.
    Nó lại cười:
    “Thôi được. Hôm nay bắt đầu nhé, lên gác đi!”.
    “Làm gì?”.
    “Học chứ còn làm gì?”.
    Minh ngập ngừng nhìn cô giúp việc, thấy cô ấy gật đầu, Minh đứng lên rụt rè đi theo thằng con trai ấy. Nó mở cửa phòng, vứt cái chìa khóa qua một bên rồi đổ người xuống giường. Minh bước vào sau, choáng ngợp với những tấm hình đen trắng treo trên tường.
    “Thích rồi à?” – Nó ngóc đầu lên hỏi.
    Minh vội rời mắt khỏi những bức tranh, gắt:
    “Ngồi dậy. Bắt đầu học trong sách giáo khoa trước, dù sao cũng phải có cái gốc rồi mới nâng cao được”.
    “Này! Cô nghĩ tôi thuê cô về đây để dạy học thật à?”.
    Minh lùi về sau hai bước nhưng vẫn cứng cỏi đối đáp thằng chủ:
    “Thứ nhất, tôi hơn tuổi cậu. Thứ hai, mẹ cậu thuê tôi về đây là để dạy học chứ không làm gì khác. Cậu dẹp ngay cái ý nghĩ vớ vẩn đó đi”.
    Thế mà nó ngồi dậy, nhẹ nhàng cởi từng cái cúc áo sơ mi ra. Lần này thì Minh đứng lùi hẳn lại, tay vớ được con dao rọc giấy ở trên bàn, trừng mắt nhìn nó:
    “Mày ngồi yên đấy. Thằng nhãi ranh, tí tuổi đầu mà hư hỏng. Mày tưởng mày có tiền thì đến con chó phải nghe lời mày à?”.
    Nó cười, ném cái áo qua một bên.
    Minh gào lên:
    “Chớ có dại! Tao cóc cần việc làm nữa, cóc cần tiền nữa. Chỉ cần mày đứng lên, tao sẽ đâm, tao nói thật đấy. Ngồi yên! Mày định đi đâu?”.
    Nó nhìn Minh với ánh mắt tinh quái rồi thản nhiên:
    “Hâm à? Nóng quá, chờ tôi đi thay cái áo rồi lấy sách học. Ôi! Sao ở đời vẫn có những người không bao giờ chịu soi gương lấy một lần nhỉ?”.
    Minh thót người một cái, tay cầm con dao ướt lép nhép mồ hôi, vội tựa lưng vào cái kệ để ti vi thì… “xoảng”…
    “Bình quý đấy, từ Hồng Kông gửi về, dạy tẹt ga mà trả nợ nhé!”.
    Rời khỏi ngôi nhà số 17 ấy, Minh vừa đạp xe vừa khóc tức tưởi. Càng nghĩ càng thấy nhục. Nghèo! Sao mà Minh ghét nghèo đến thế. Cái nghèo khiến bố Minh chết vì không có tiền chữa bệnh, khiến mẹ con Minh ngày hai bữa cơm rau không no, khiến Minh học cấp III với nửa ngày làm vệ sinh tại trường lấy tiền đóng học… Nhưng cái nghèo không cản được Minh bước chân vào giảng đường đại học, không dập tắt được ước mơ của Minh, mặc dù khó khăn…
    *
    “Ê! Nói lại bài này coi, chưa hiểu lắm”.
    Minh nhẫn nhịn giảng lại rồi lầm bầm:
    “Giàu mà ngu”.
    “Gì thế?”.
    “Không có gì. Học đi”.
    “Này! Sao cô phải đi làm gia sư?”.
    “Tôi cần tiền”.
    “Bộ nhà nghèo lắm à?”.
    “Cậu tưởng ai cũng giàu như nhà cậu chắc, ai cũng được đốt tiền như cậu chắc”.
    “Sống thế thì sống làm quái gì!”.
    “Phải sống để mà đi nhồi nhét vào đầu mấy thằng công tử bột những điều mà cái đầu nhuộm xanh, nhuộm đỏ của chúng nó không chịu tiếp thu. Học đi!”.
    *
    Thằng chủ đấy coi bộ vậy chứ không đến mức ngu lắm. Nó học cũng tạm được, chỉ có điều lúc nào nó thích, nó hứng lên thì học chứ không thì đừng có hòng mà ép.
    “Làm nốt bài này rồi nghỉ vậy – Minh thu dọn sách vở rồi nhắc nó – Này! Cho gửi trước 500 nghìn, tôi sẽ trả dần”.
    “Tiền gì đây?”.
    “Tiền đền cái bình quý bị vỡ”.
    “Vừa nhận lương à? 500 nghìn thì mua được gì? – Nó cầm tờ tiền lên, vuốt ve rồi bất ngờ thả trước mặt Minh – Cho cô đấy! Nhìn gì?”.
    “Tôi không cần”.
    “Nghèo mà còn làm cao”.
    “Từ bé đến giờ cậu đã tự kiếm ra đồng tiền nào chưa? Ngửa tay xin tiền bố mẹ mà không biết xấu hổ. Phải rồi! Cứ có tiền, cứ giàu là người ta được phép khinh thường người khác. Cậu chưa bao giờ trải qua những ngày tháng ăn cơm trưa phải lo cơm chiều, chưa bao giờ phải đắn đo, suy nghĩ xem có nên mua một cái áo mới không, chưa bao giờ biết cảm nhận đợi bạn bè về hết mới dám vô quét dọn sân trường và khóc hết nước mắt khi biết tin mình đỗ đại học mà không phải vì vui mừng quá, cho nên…”.
    Thằng chủ thấy hơi hoảng trước thái độ của Minh, lại thêm giọng nói lạc đi pha chút giận dỗi, nó thấy mình có vẻ cũng lỡ lời.
    “Ơ… xin lỗi… tôi chỉ đùa thôi mà, không ngờ chạm đến tự ái của cô. Coi vậy mà khổ ghê!”.
    Minh đứng dậy, cầm cái cặp, định đi ra cửa thì nó hỏi:
    “Đi đâu đấy?”.
    “Đi về!”.
    “Sao lại về?”.
    “Từ giờ tôi không dạy nữa”.
    Thế là nó cầm tay Minh, kéo lại:
    “Tôi xin lỗi rồi mà. Này! Tối mai bận gì không?”.
    Minh cau mày nhìn nó:
    “Làm gì?”.
    “Đi đua. Ngồi trên xe đảm bảo quên hết sự đời. Lúc đấy giàu nghèo cũng chẳng để làm gì”.
    “Có đấy! Giàu thì tang lễ sẽ nhiều hoa hơn”.
    *
    Thằng chủ nằm đấy, xanh xao, mắt mọng lên vì đau không ngủ được. Cái đầu không tóc bị băng kín, khuôn mặt đẹp trai đầy những vết trầy xước.
    “Sao rồi? Vẫn chưa thăng à?”.
    “Sắp, trời đày”.
    “Tự mình đày chứ ai đày. Cậu cứ sống vậy rồi có ngày đi thẳng xuống địa phủ không cần hỏi đường. Giàu mà ngu”.
    Minh đặt túi hoa quả lên bàn, chẳng có vẻ gì là muốn tiếp tục cuộc trò chuyện này, dứt khoát đứng dậy ra về. Vừa đặt tay lên cánh cửa thì nó gọi:
    “Này! Đừng đi…”.
    Minh quay lại nhìn nó, hỏi cộc lốc:
    “Sao?”.
    “Ở lại đây với tôi một lát được không?”.
    Cái thằng chủ thường ngày mặt vẫn vênh váo, ăn nói bất cần giờ đang nằm trên giường bệnh đầy vẻ mệt mỏi. Tự nhiên thấy cũng tội nghiệp nó. Minh khẽ buông tay khỏi cánh cửa, thở dài nói:
    “Để tôi gọt hoa quả”.
    Nó ngước nhìn Minh, đôi mắt ánh lên niềm vui, giọng lém lỉnh:
    “Cảm ơn!”.
    “Khỏi”.
    *
    Buổi chiều tan học sớm. Minh định tạt qua chợ mua con cá về nấu canh chua, vô tình thấy họ bán bánh bột lọc, lại tự nhiên nhớ đến thằng chủ. Minh tặc lưỡi mua rồi đạp xe đến bệnh viện.
    Cửa phòng bệnh khép hờ, Minh thoáng thấy nó đang chăm chú xem điện thoại. Minh gõ cửa rồi bước vào, nó giật mình quay ra nhìn, nhanh tay vội giấu cái điện thoại dưới gối.
    “Cậu đang làm gì đấy? Mà không có ai ở đây à?”.
    Nó lúng túng, cười trừ:
    “K…hông có gì… à… cô giúp việc về được một lúc rồi. Sao đến thăm không báo tôi?”.
    “Tôi báo bằng cách nào?”.
    “Thì điện”.
    “Tôi không có điện thoại”.
    Nó tròn mắt ngạc nhiên:
    “Thời buổi này mà không có điện thoại”.
    Minh gắt giọng, nhướn mày nhìn nó:
    “Cậu tưởng ai cũng giàu như nhà cậu chắc”.
    “Thôi, thôi, được rồi, không có thì thôi. Mà cái gì kia?” – Nó đưa mắt về phía túi bánh Minh mang đến hỏi.
    “Bánh bột lọc”.
    “Là cái gì?”.
    “Là cái bánh bột lọc”.
    “Nhưng… để làm gì?”.
    Minh thật sự mất hết kiên nhẫn, buông lời phũ phàng với nó:
    “Để cho vào miệng những kẻ vừa thốt ra mấy câu hỏi ngớ ngẩn ấy”.
    Nó cười, nhìn Minh rồi khẽ nghiêng người quay sang nói:
    “Này! Cho tôi hỏi một câu”.
    “Tốt nhất cậu đừng có hỏi mấy câu như vừa nãy”.
    Nó lắc đầu, giọng thiếu đánh:
    “Cô không thể nói chuyện với tôi dễ nghe hơn một chút à?”.
    “Không thể”.
    Thằng chủ thở dài, ngả đầu xuống gối, hai tay vòng qua đầu, mắt ngước lên trần phòng:
    “Con gái gì mà…”.
    “Sao?”.
    “Không sao, thôi bóc bánh cho tôi ăn đi”.
    “Cậu cũng có tay mà”.
    “Tôi đang bị đau – Nó nhe răng cười rồi đưa cánh tay mềm oặt lên đung đưa như để chứng minh lời mình nói – Đây này!”.
    Minh lầm bầm nhưng cũng kéo cái ghế đến bên giường nó.
    “Vừa đi học vừa đi làm như thế chắc vất vả lắm nhỉ?”.
    “Tôi quen rồi”.
    “Vậy có khi nào cô chán ghét cuộc đời này?”.
    “Tôi không có thời gian để chán”.
    Nó nhìn Minh đánh giá rồi lắc đầu:
    “Không thể nào hiểu được”.
    “Tôi vùi đầu vào học rồi làm gia sư, dịch bài. Thời gian còn lại tôi chia làm hai phần. Một phần để yêu thương gia đình, phần còn lại phấn đấu cho tương lai. Tôi không có tiền như cậu, không được ăn ngon mặc đẹp như cậu, không có đủ cha đủ mẹ như cậu nhưng ít ra bây giờ tôi vẫn có thể tự bóc cái bánh để ăn mà không phải phiền đến người khác”.
    Tự nhiên thằng chủ nhìn trân trân vào khoảng không trước mặt rồi mất một lúc mới nhàn nhạt nói:
    “Nếu có ai đó nói vào mặt tôi những câu thế này sớm hơn một chút thì tốt biết mấy”.
    Minh đặt bánh vào đĩa, trong lòng cũng đoán biết được ý tứ ở lời của nó, thuận thế nói một câu:
    “Là do cậu cả thôi”.
    Thằng chủ thở dài rồi không biết nghĩ gì, chuyển chủ đề một cách nhanh chóng:
    “Tôi muốn đi vệ sinh”.
    “Thì tự đứng dậy mà đi”.
    “Tôi không đứng được”.
    “Tay cậu cũng không cầm được, vậy rốt cuộc cậu bị thương ở đâu?”.
    “Toàn thân. Thật đấy, tôi không dậy nổi, giúp tôi với”.
    Thoáng chút nghi ngờ nhìn cái vẻ mặt xuýt xoa, nhăn nhó của thằng chủ khi trở mình, Minh thở dài đặt cái cặp xuống ghế rồi nhoài người về phía trước đỡ nó. Vừa vòng tay qua vai nâng dậy thì nó nhổm lên đưa mặt sát gần với Minh, giọng trầm thấp:
    “Thật ra… khi nhìn kĩ cô cũng khá xinh đấy”.
    Nó vừa nói dứt câu thì Minh dùng sức đẩy luôn cả người nó xuống giường không chút thương xót:
    “Đồ hư hỏng”.
    Thằng chủ nhăn nhó vì lần này thì đau thật:
    “Tôi đang là bệnh nhân đấy”.
    “Mặc xác cậu, có thân tự đi mà lo. Tôi về đây”.
    Nói rồi Minh quay lại với lấy cái cặp. Nó cố gọi theo:
    “Này! Đừng đi”.
    *
    Thằng chủ nằm viện hơn một tuần thì về. Nó chưa khỏe hẳn nhưng đã đi học được. Từ hôm đấy Minh chưa quay lại làm gia sư cho nó.
    5 giờ chiều, Minh thu dọn sách vở rời thư viện. Vừa dắt xe ra khỏi cổng trường, Minh ngỡ ngàng thấy thằng chủ đang đứng đấy. Cái đầu tóc đã mọc dài hơn, mặt cũng không còn vênh vênh lên như trước. Nó mặc một cái áo sơ mi kẻ đen trắng, khoác bên ngoài cái áo phông không cài cúc trông cực kỳ lãng tử. Ừ thì, nó cũng đẹp trai.
    “Tan rồi à?”.
    “Cậu đến đây làm gì?”.
    “Bây giờ cô định đi đâu?”.
    “Về nấu cơm chứ đi đâu”.
    “Tôi đến phòng trọ cô được không?”.
    “Để làm gì?”.
    “Ờ… để mừng tôi xuất viện… để cảm ơn cô đã đến thăm tôi… để…”.
    “Thôi được rồi”.
    “Hay gửi xe vào trường đi, tôi chở về cho nhanh” – Thằng chủ nhanh nhảu đề nghị.
    “Không”.
    Vậy là Minh đạp xe, nó chạy xe máy thong dong bên cạnh.
    …
    Thằng chủ bước vào, đi loanh quanh trong phòng, hết ngó cái này lại cầm cái kia lên xem. Quả thực cái phòng trọ này chỉ bằng 1/4 phòng ngủ của nó, đồ đạc thì sơ sài: một cái giường nhỏ, một cái tủ quần áo bằng vải đã cũ, một cái bếp ga mini và mấy thứ đồ lặt vặt khác. Nó vừa nghịch cái đồng hồ báo thức vừa hỏi:
    “Cô sống ở đây một mình?”.
    “Không, tôi ở cùng một người bạn nữa”.
    “Vậy người đó đâu?”.
    Minh đưa cốc nước cho nó rồi ngồi xuống bên cạnh:
    “Cô ấy học xong rồi làm thêm ở nhà sách. Đây là người bạn cùng quê với tôi, học cùng trường đại học nhưng khác chuyên ngành, tôi học khoa Toán còn cô ấy khoa Hóa”.
    Nó gật gù:
    “Mọi người giỏi thật đấy, chứ không như tôi…”.
    “Phải! Giàu mà ngu như cậu thì đúng là đồ bỏ đi”.
    Nó nhìn Minh, nhe răng cười:
    “Này! Không hiểu sao bây giờ tôi lại thích nghe cô nói mấy lời kiểu vậy đấy”.
    “Thần kinh” – Minh lầm bầm.
    “À! Tôi quên mất – Nó sực nhớ rồi lôi trong ba lô ra một cái hộp nhỏ màu trắng – Tặng cô”.
    “Cái gì đây?”.
    “Điện thoại”.
    Nó mở cái hộp, đưa lên cho Minh nhìn rõ chiếc điện thoại màu hồng nhạt, còn mới tinh.
    “Tôi không lấy”.
    “Sao không lấy?”.
    “Tôi không cần”.
    “Sao không cần?”.
    “Tôi có gọi cho ai đâu mà cần”.
    “Thì… gọi cho tôi”.
    Minh lắc đầu, thở dài:
    “Tôi đã nói rồi, tôi đâu cần ai thương hại.
    Tôi hài lòng với cuộc sống hiện giờ và nếu sau này có nhu cầu tôi sẽ tiết kiệm tiền để mua”.
    “Tôi không thương hại”.
    “Vậy cậu cầm về đi”.
    “Nhưng nếu tôi muốn liên lạc với cô thì sao?”.
    “Để làm gì?”.
    “Tôi, à… mẹ tôi… vẫn muốn cô làm gia sư, nói thật đây là môn học tôi kém nhất và quả thực là tôi có tiến bộ rất nhiều từ ngày cô kèm cặp”.
    “Được, tôi đồng ý dạy thêm vì tôi cần việc làm nhưng chiếc điện thoại này tôi sẽ không nhận”.
    Nó vừa gãi đầu vừa nói:
    “Thôi thế này vậy, coi như tôi cho cô vay tiền để mua, rồi bảo mẹ tôi trừ vào tiền lương là được chứ gì”.
    “…”
    “Tôi đã mua rồi người ta sẽ không cho trả lại mà tôi cũng có điện thoại nên chẳng cần dùng đến. Cô yên tâm đi, với sự tiến bộ thế này chắc chắn mẹ tôi sẽ tăng lương cho cô mà cái điện thoại này cũng không nhiều tiền đâu”.
    Minh suy nghĩ một lát rồi gật đầu:
    “Thôi được, coi như tôi vay cậu, dù sao cũng mua rồi”.
    Thằng chủ nhìn Minh cười toe toét.
    *
    8 giờ tối, Minh vẫn lang thang ngoài đường. Không khí những ngày giáp Tết thật nhộn nhịp. Đường phố tấp nập xe cộ, người người qua lại, cửa hàng bày bán đồ trang trí lấp lánh đủ các thứ màu sắc, đèn điện thì sáng rực cả khu phố. Vậy là sắp hết năm rồi, kể cũng nhanh thật, Minh dự tính sáng mai sẽ ra chợ mua thêm vài thứ để đầu giờ chiều bắt xe về quê.
    Nhà chỉ có hai mẹ con nên chắc giờ này mẹ mong Minh về lắm. Vì nghèo nên cái Tết với Minh cũng chẳng có gì khác biệt, có chăng chỉ là Minh được ở bên mẹ nhiều hơn mà thôi. Nghĩ đến mẹ, Minh thấy cay cay nơi sống mũi. Ốm đau bệnh tật rồi khó khăn là vậy nhưng mẹ vẫn nuôi Minh khôn lớn, cho ăn học đến nơi đến chốn. Tủi thân có, mặc cảm có, chạnh lòng cũng có nhưng chưa bao giờ Minh xấu hổ về mẹ. Mẹ không có nhiều tiền như người ta nhưng mẹ còng lưng đi cấy lúa, đi gặt thuê chắt chiu tiền cho Minh lên thành phố nhập học. Mẹ không cao sang như người ta nhưng ngày Minh đi mẹ đã bán cả đàn gà con lấy tiền mua cho Minh bộ quần áo mới. Mẹ không đẹp như người ta nhưng lúc nào nhìn thấy Minh mẹ cũng cười. Những nếp nhăn xấu xí, những vết hằn làm khuôn mặt mẹ khắc khổ, những vết chai sạn làm đôi tay mẹ trở nên thô ráp càng khiến Minh thương mẹ nhiều hơn. Minh hiểu dù có đi đâu, làm gì thì ở nơi ấy vẫn luôn có mẹ đợi cửa đón Minh về.
    Những ánh đèn điện trên phố cứ nhạt nhòa dần, va vào nhau xộc xệch rồi rơi xuống, vỡ tan. Từng giọt nước mắt lăn dài trên má, Minh đưa tay gạt đi rồi đạp thật nhanh về phòng trọ. Minh chợt nhớ ra còn mấy việc chưa làm.
    Về đến đầu ngõ, Minh thoáng giật mình khi thấy bóng dáng thằng chủ. Đúng lúc nó quay lại thấy Minh thì cau mày, gắt gỏng:
    “Đi đâu mà bây giờ mới về?”.
    Minh dựng xe, không nhìn nó, trả lời:
    “Đi đâu mặc tôi”.
    “Sao tôi điện không nghe máy?”.
    “Chắc tôi để im lặng từ chiều”.
    Nó lấy từ xe ra đưa cho Minh hai túi đồ.
    “Cái gì đây?”.
    “Quà Tết”.
    “Hôm trước nghỉ dạy mẹ cậu có đưa tôi mà”.
    “Đấy là mẹ tôi, còn đây là… của tôi. Cầm lấy đi, tôi mỏi tay rồi”.
    Minh ngập ngừng nhưng cũng đón lấy:
    “Cảm ơn!”.
    Minh nhận túi đồ xong cũng là lúc nó bất ngờ tháo cái khăn của mình rồi nhẹ nhàng choàng lên cổ Minh. Minh bối rối lùi lại, miệng lắp bắp:
    “Không… cần…”.
    Nó tiến lên một bước, ngắt lời:
    “Đứng yên đi. Trời lạnh lắm đấy”.
    Minh thực sự thấy ái ngại, thấp giọng nói:
    “Cậu đừng tốt với tôi như vậy”.
    “Kệ tôi”.
    Minh tránh nhìn vào mắt nó, vội vàng đặt hai túi đồ lên xe đạp, viện cớ:
    “Cũng muộn rồi, thôi cậu về đi”.
    Nó đưa tay lên xem đồng hồ rồi gật đầu:
    “Vậy tôi về đây. Về quê nhớ để ý điện thoại đấy”.
    “Làm gì?”.
    “Tôi sẽ thường xuyên gọi”.
    “Tôi biết rồi”.
    Nó lên xe, như chợt nhớ ra, vội quay sang hỏi:
    “Mai mấy giờ cô đi?”.
    “1 giờ chiều”.
    “Vậy mai tôi qua đón rồi chở ra bến xe”.
    “Không cần đâu, tôi tự đi được”.
    “Cứ chuẩn bị sẵn đồ đạc. Tôi sẽ qua sớm”.
    “Không cần đâu mà”.
    “Vào đi, không lạnh”.
    Rồi nó phóng xe đi. Minh nhìn theo bóng thằng chủ, nghĩ lại lần đầu tiên gặp nó và nghĩ đến cái bình quý từ Hồng Kông gửi về, Minh vẫn chưa trả hết nợ cho nó. Bất giác, Minh đặt tay lên chiếc khăn trên cổ mình rồi khẽ mỉm cười. Buổi tối những ngày cuối năm ấy, dưới cái tiết trời đông giá buốt, Minh thấy trong lòng ấm áp một cách lạ kì. Minh dắt xe vào và cũng quên mất mình vội về để làm gì.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Một Thoáng Yêu Đương
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Người Phụ Nữ Bố Yêu