Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyện Của Soo Tác Giả: Hoa Cau    
    Thầy Đông mở sổ, rà cây bút đỏ từ trên xuống, ngừng một chút đâu đó rồi tiếp tục rà sâu xuống gần cuối sổ. Có mấy tiếng thở hắt, bàn tay chặn chỗ ngực trái buông lỏng ra. “Huỳnh Soo”. Úi, tim thằng Soo nhói lên một phát, trán và gáy nóng phừng lên. Có tiếng xì xào, rồi tiếng cười rúc rích. “Mày hả bưởi!”. Soo loay hoay kiếm tập, rồi cúi xuống xỏ quai giày, làm như thời gian bị kéo giãn thì có thể thay đổi được quyết định của thầy vậy. Nhưng mà không, thầy vẫn gõ gõ bút xuống bàn, vẻ mặt chờ đợi. Mồ hôi rịn ra trên thái dương nó và cả trên mép, chỗ những sợi lông tơ đang cứng dần chuẩn bị biến thành những sợi râu đầu tiên. Mặt thằng Soo đơ cứng, nỗi lo bị ánh mắt bọn con gái xoi thủng. Nó bước lên, đứng cạnh thầy, cố làm ra tự tin. Nó đọc nhanh, cố “thể hiện” một chút những thứ mà hồi đầu giờ đã tranh thủ nhét vô đầu. “Không có kính không phải vì xe không có kính, Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi. Ung dung buồng lái ta ngồi. Nhìn đất nhìn trời, nhìn…”. Soo nhìn ra cửa sổ, trời trong xanh, mấy đám mây trắng bồng bềnh. “Nhìn thấy gió…”, có tiếng đứa nào đó nhắc, nhưng nó làm gì có thể đọc tiếp được. “Dạ, thầy cho em nợ, em hứa…”. “Được rồi, em giờ là con ma nhà họ Hứa rồi, tôi sẽ xử em sau. Học hành kiểu này cuối năm sao vô nổi lớp 10!”. “Hí hí, mẹ thằng Soo sắp được mời uống trà rồi!”. Lại có tiếng một đứa phản bạn.
    Vài lần mẹ Soo đã đi gặp thầy chủ nhiệm kiêm thầy giáo dạy Văn. Mẹ và thầy trao đổi khá lâu, và thường sau đó mẹ Soo rất buồn, một lần nó thậm chí bắt gặp mẹ khóc. Soo thấy mình tội lỗi ngập đầu. Soo từng tự hứa với lòng là không để mẹ buồn nữa, bởi nó hiểu điều đó ảnh hưởng rất lớn đến căn bệnh suy nhược thần kinh của mẹ. Nhưng thật tình với nó, Văn là môn quá khó nuốt.
    Là một nỗi ám ảnh thì đúng hơn. Thầy cô giáo Ngữ văn các lớp Soo đã đi qua hầu như mặc định cho nó con điểm cao nhất là 5. Nó chỉ có thể đặt những câu kinh điển, khô như ngói kiểu “Tôi là học sinh”, chứ bảo thêm thắt chút gì cho ra vẻ văn chương thì nó chịu thua. Học các văn bản, tiếng thầy giảng bài lúc lên lúc xuống, nhiều đứa mơ màng đắm chìm trong cái không khí gợi lên từ tác phẩm, trong khi nó lại có những liên tưởng kỳ cục, chẳng chút văn vẻ gì. Nó thấy Thúy Vân được miêu tả trong Truyện Kiều rất giống chị Tư Bún riêu ngoài đầu hẻm. Mã Giám Sinh lại khiến nó nghĩ đến ông chệt bán chạp phô ngoài chợ xã với mái đầu chẻ ngôi giữa lúc nào cũng láng ướt và nụ cười lóe mấy cái răng vàng chóe. Soo ngưỡng mộ bọn con gái lắm, luôn thắc mắc không biết ý tứ ở đâu mà chúng có thể cắm đầu chép ào ào, câu cú mướt rượt như vậy trong giờ Tập làm văn.
    Lần này thầy Đông không mời mẹ Soo lên trường mà đích thân tìm tới tận nhà. Nó về, từ xa đã nhìn thấy thầy ngồi trong quán nước trước nhà. Nó tháo lui, đợi thầy về rồi mới dám vô. Cả ngày quan sát cử chỉ của mẹ, chờ đợi những câu trách mắng, nhưng mà lạ, nét mặt mẹ lại có vẻ tươi hơn, mẹ lặng lẽ làm việc và chỉ nhẹ nhàng nhắc chừng nó học bài thôi.
    Đêm buồn buồn nghe tiếng ếch nhái vọng vào từ mảnh ruộng sau nhà. Mẹ quét tước dọn dẹp, nó nằm trên võng trệu trạo nuốt những câu thơ, khó nhưng cứ phải nuốt vì nó không muốn mẹ phải buồn. Căn nhà nhỏ trở nên trống trải, chỉ có hai mẹ con nhưng có ngày mẹ không nói lời nào với nó. Nhà ngoại ở tuốt trong đồng, lâu lâu mẹ chở Soo về thăm, một lát thôi rồi đi vì mẹ không thích nghe mọi người nhắc cái câu quen thuộc “Ngu quá, ai đời lại ôm con chạy về đây”. Nhà nội càng xa hơn. Trong ký ức non nớt của mình, Soo chỉ còn nhớ trời mùa đông ở đó rất lạnh, những cái cây trụi lá, nó lút thút quanh quẩn suốt ngày trong một vuông sân nhỏ, người ông mặc cái áo dày xù xụ ngồi trên một cái ghế đặt ở cuối sân, ngó chừng, thỉnh thoảng ho khúc khắc, quát gọi khi nó leo trèo. Cha Soo là một người cao lớn, lâu lâu mới gặp nhưng hễ gặp, ông thường nhấc nó lên cao, tiếng nói cười lớn tới mức cứ làm nó giật mình. Một lần cha Soo lái xe vào trong núi rồi không trở về nữa, có một tai nạn xảy ra. Nó quá nhỏ để buồn và để biết những gì diễn ra sau đó. Về giữa quê ngoại, nó, một đôi má trắng hồng, đôi mắt một mí và cái tên ngồ ngộ, Huỳnh Soo khiến thầy cô bè bạn lúc đầu tò mò nhưng dần rồi cũng quen. Vài người trong xóm thấy nó đi qua thì gọi “Ê, thằng Hàn Quốc con!”. Nó chỉ bỏ đi, không phản ứng gì. Một buổi đi học về lăng xăng phụ mẹ buôn bán. Nó muốn lớn thật nhanh, thật mạnh mẽ để làm một chỗ dựa, không để ai ức hiếp mẹ. Mẹ Soo dáng dong dỏng, nước da trắng và một khuôn mặt vừa buồn vừa đẹp. Mẹ Soo lại là người phụ nữ góa chồng. Mấy người đàn ông vào uống nước cứ thích nói mấy câu lả lơi trêu ghẹo, những câu trổng không, cái cười hơ hơ đáng ghét, cà phê cạn tự đời nào rồi cứ châm trà hết bình này tới bình kia, ngồi như thể đã mua đứt cái ghế. Có lần, một gã đã ngà say dệnh dạng bước vào trong quầy rồi bất thần ôm chặt ngang thắt lưng mẹ Soo. Nó quăng cuốn sách lao vào cắn nghiến vào tay ông ta. Nó gườm mắt nhìn mấy bà ngồi lê đôi mách trong xóm chợ biết gì mà nói mẹ nó rủ rê rồi chèo kéo xin tiền bạc mấy ông chồng của họ.
    Kết quả môn Ngữ văn của Soo giờ đã khá hơn và nó cũng không vi phạm gì ở trường, nhưng mà quái, thầy Đông thỉnh thoảng lại cứ đến mắng vốn mẹ Soo. “Hay ổng thích mẹ mày”, thằng Long có lần đoán. Soo gạt đi “Tầm xàm quá, sao như vậy được”.
    Soo đâm bực bội mỗi lần ngó thấy chiếc Future xám rẽ vô quán. Có thể thằng Long đúng, bởi đôi khi nó thấy mẹ và thầy Đông cứ ngồi tư lự không nói năng gì hết, như người ta vẫn mô tả về mấy cặp tình nhân hò hẹn. Một lần thầy Đông đem tới rồi tự tay lắp một cây quạt xoay phía trên quầy, chỗ mẹ Soo hay đứng làm đồ uống. Một lần khác thấy thầy đưa cho mẹ một hộp thuốc. Những buổi đi mắng vốn dần dần kéo dài hơn, cử chỉ cũng tự nhiên hơn, không giống chút nào một thầy chủ nhiệm khi tới nhà phụ huynh. Chẳng lẽ thầy cũng giống như những tay đàn ông vẫn hay ghé vô quán kia. Soo thấy khó chịu. Trong lớp nó không thiết nghe thầy giảng nữa, né tránh ánh mắt khi thầy nhìn xuống. Ở nhà, nó cứ quanh quẩn bên mẹ, cố ý đóng vai một con kỳ đà cản mũi. Chạng vạng tối hôm kia, nó cả gan lén đẩy chiếc Future xám xuống con mương bên kia đường, chỗ có bụi bình bát rậm rạp. Như một lời cảnh báo. Khuya lắc mà nó còn chưa vô nhà. Mẹ đi kiếm bắt gặp nó ngồi thù lù ngoài lộ. “Về ngủ, mai đi học sớm con!”.
    Thầy Đông không đến quán gặp mẹ Soo nữa. Những ngày cuối năm lớp 9 trôi qua khá nặng nề. Soo vẫn ngày ngày đến lớp ôn luyện, vẫn chăm chỉ làm bài nhưng né tránh thầy Đông. Những tiết ôn tập căng thẳng khiến thầy không còn đùa giỡn, kể chuyện hài hước như trước. Soo vượt qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với số điểm không cao, nhưng điều làm nó mừng hơn chính là thoát được những tiết học của thầy Đông.
    Năm học cuối cấp, mùa hè của Soo thật ngắn ngủi. Mẹ muốn nó vô đồng chơi với ngoại ít bữa, vừa thăm ngoại vừa xả stress. Ngày ngày, nó theo mấy đứa em họ tát mương bắt cá, lấy câu liêm giật dừa khô cho ngoại nấu chè, chiều nào cũng chia phe chơi trò ném bom sình rầm rầm ngoài sông thật vui. Tối, nó giăng mùng trên bộ ván ngựa kê ngoài cái chái sau hè mà ngủ. Cái ván kê sát vách bếp nên vô tình, Soo nghe hết câu chuyện của dì Năm với bà ngoại.
    - Thằng Xu lớn quá má!
    - Mười lăm năm rồi chớ có ít đâu.
    - Số chị Hai chỉ khổ thiệt!
    - Thôi bây cũng đừng có nhắc, cha mẹ cũng muốn nó lấy chồng giàu cho sướng tấm thân thôi.
    - Má! Con nghe nói đôn rày chỉ gặp lại anh Đông. Chỉ chắc còn thương ảnh lắm.
    …
    Suốt đêm Soo cứ lăn qua trở lại, không ngủ được. Nó nghĩ ngợi rất nhiều về câu chuyện mới nghe được, về mẹ, về thầy Đông, và về nó. Giấc ngủ chập chờn vào rạng sáng. Cho đến khi những tia mặt trời luồn qua khe lá nhảy nhót trêu chọc. Nó nheo mắt nhìn thờ ơ. Buổi sáng chẳng có gì vui, chẳng còn những háo hức với bao trò quậy phá của ngày hôm qua. Nó ngồi tư lự một lúc rồi lặng lẽ xếp áo quần vào ba lô.
    Soo đạp xe trên con đường nhựa hai bên rũ bóng dừa, đạp thật nhanh đến mệt đứt hơi. Ngang qua ngôi trường cấp 2, cổng đóng kín, mảnh sân rộng vắng rải đầy những xác phượng đỏ thẩm.
    Vài lần khác, Soo cũng đạp xe hồng hộc như vậy, rồi dừng trước ngôi trường cấp 2, nhìn vào. Rồi lùi lũi đạp xe về. Soo mong được một lần gặp lại thầy Đông.
    *
    Hai thầy trò ngồi cạnh nhau trên cái ghế đá dưới gốc cây phượng. Câu chuyện có vẻ rất dài. Thầy giáo vẻ suy tư, đôi mắt xa xăm, hai bàn tay bỏ thõng trên đầu gối, thỉnh thoảng bóp chặt. Trò cúi thấp đầu, hai tay đan vào nhau, mũi giày di di trên mặt đất.
    Giọng thầy Đông đều đều trải dài theo câu chuyện tình mộc mạc có chút lãng mạn, cứ như thầy đang say sưa trong một tiết dạy, kể một câu chuyện ở tận đâu đâu. Hai người họ là những đứa trẻ của ruộng đồng, nhà cùng xóm, lớn lên bên cạnh nhau với biết bao kỷ niệm trèo cây hái trái, lội ruộng bắt cua. Thời gian trôi đi, tình bạn trẻ con chuyển thành tình yêu trai gái khi nào không hay. Bạn bè biết chuyện tấm tắc khen họ là một đôi thật đẹp. Xóm nghèo một dạo bỗng nổi lên phong trào đổi đời bằng cách lấy chồng ngoại của các cô gái. Lấy chồng mà nợ nần được trả hết, mà cửa nhà được khang trang, mà cha mẹ anh em được đầy đủ thì đó cũng là một cách báo hiếu. Người con gái trong câu chuyện này cũng đã trải qua biết bao dằn vặt, khổ đau khi phải từ bỏ mối tình của mình để chấp nhận sống một cuộc sống khác vì những người thân yêu. Em trai của cô nhờ vậy mà được chuyển lên Sài Gòn chữa bệnh. Ngày cô theo chồng về xứ người, người con trai cô thương vẫn đang cúi mặt trên giảng đường, cần mẫn nhặt nhạnh từng con chữ, tích lũy cho “tương lai hai đứa”. Anh buồn, sốc nhưng không trách móc gì cô. Anh chọn ở lại thành phố, làm nhiều nghề, rồi là một phóng viên tự do rong ruổi khắp nơi săn tin và viết, vì không muốn trở lại cái nơi có quá nhiều thứ gợi nhớ. Cha sốt ruột réo suốt chuyện lập gia thất nhưng anh cứ làng nhàng, lần lữa. Cho tới một ngày anh đột nhiên bỏ hết, về lại quê hương xin một chân dạy học trong ngôi trường cũ. Cha anh thở phào, rốt cuộc nó cũng tới cái tuổi lựa chọn sự ổn định. Người biết chuyện thì rằng “thằng Đông trở về lần này vì muốn chấp nối với tình xưa, nó còn thương con Hòa dữ lắm!”.
    - Hôm đó em đẩy xe thầy xuống mương, thầy có giận em không?
    - Thầy thương em nhiều lắm!
    - Dạ… hôm nào thầy ghé nhà em chơi nhen thầy.
    - Rồi em có đốt xe thầy không?
    - Dạ…
    Thằng Soo cười , ngượng ngùng. Câu chuyện của thầy Đông khiến nó thấy thương mẹ, thương thầy nhiều hơn. Nó đã đủ lớn để hiểu mọi sự. Lúc nào nó cũng muốn thấy mẹ vui vẻ, và với thầy Đông, nó sai bét rồi khi đã từng so sánh thầy với những người đàn ông thường ghé qua quán chòng ghẹo mẹ nó. Lần này, Soo không biết hành động của mình có đúng không nữa.

Kết Thúc (END)
Hoa Cau
» Chuyện Của Soo
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop