Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ấp Lá Cháy Tác Giả: Sưu Tầm    
    Y Ban: Tôi gọi đây là một kiểu viết dịu dàng duyên dáng nên tự dưng mà quyến rũ người đọc. Chuyện cũ người cũ mưa gió cũ, câu chữ cũ. Vậy mà đọc cứ rưng rưng, lạ thật.
    Ở Ấp Lá Cháy không ai là không biết vườn thuốc Nam ngay đầu ngã tư Phước Pôn. Cũng giống như tiệm vải của bà Tư Gàn hay gánh hủ tiếu mấy đời của gia đình người Hoa, vườn thuốc Nam gia truyền cắm rễ sâu chặt vào lòng sự sống của người dân nơi đây mà chỉ cần đi ra đường vơ bừa một đứa con nít hay ông bà già nào đó, người ta sẽ chỉ tường tận đường cua ngã rẽ đến tận cửa khu vườn. Như bà già bán nhang dưới gốc cây lá lụa đầu xóm vừa móm mém nhai trầu vừa kể dăm ba câu chuyện từ thời xưa lắc, hồi ông cố của Vũ còn là thầy lang vườn rong ruổi khắp các kênh rạch sông Soài Bông, có người quý cái tài mời thầy ở lại, hứa xây nhà ba gian làm nơi bốc thuốc mà ông không chịu. Thầy lang vườn nay tấp chỗ này mai đậu bến kia, chỗ nào có người bệnh thì y rằng thấy cái vỏ lãi chở đầy cây thuốc cột lại bên mé sông đầu xóm. Mãi đến khi chèo ngang Ấp Lá Cháy lúc ấy còn lèo tèo vài chục đầu người, ông lang vườn chẳng hiểu nghĩ gì mà chịu đậu xuồng làm nhà, trên mảnh đất cằn cỗi dần len lỏi chút sắc xanh của cỏ cây được chăm bẵm. Năm đó, cù lao nghèo ven sông không còn ai chết bởi căn bệnh sốt rét rừng quái ác.
    Y Ban: Tôi gọi đây là một kiểu viết dịu dàng duyên dáng nên tự dưng mà quyến rũ người đọc. Chuyện cũ người cũ mưa gió cũ, câu chữ cũ. Vậy mà đọc cứ rưng rưng, lạ thật.
    Ở Ấp Lá Cháy không ai là không biết vườn thuốc Nam ngay đầu ngã tư Phước Pôn. Cũng giống như tiệm vải của bà Tư Gàn hay gánh hủ tiếu mấy đời của gia đình người Hoa, vườn thuốc Nam gia truyền cắm rễ sâu chặt vào lòng sự sống của người dân nơi đây mà chỉ cần đi ra đường vơ bừa một đứa con nít hay ông bà già nào đó, người ta sẽ chỉ tường tận đường cua ngã rẽ đến tận cửa khu vườn. Như bà già bán nhang dưới gốc cây lá lụa đầu xóm vừa móm mém nhai trầu vừa kể dăm ba câu chuyện từ thời xưa lắc, hồi ông cố của Vũ còn là thầy lang vườn rong ruổi khắp các kênh rạch sông Soài Bông, có người quý cái tài mời thầy ở lại, hứa xây nhà ba gian làm nơi bốc thuốc mà ông không chịu. Thầy lang vườn nay tấp chỗ này mai đậu bến kia, chỗ nào có người bệnh thì y rằng thấy cái vỏ lãi chở đầy cây thuốc cột lại bên mé sông đầu xóm. Mãi đến khi chèo ngang Ấp Lá Cháy lúc ấy còn lèo tèo vài chục đầu người, ông lang vườn chẳng hiểu nghĩ gì mà chịu đậu xuồng làm nhà, trên mảnh đất cằn cỗi dần len lỏi chút sắc xanh của cỏ cây được chăm bẵm. Năm đó, cù lao nghèo ven sông không còn ai chết bởi căn bệnh sốt rét rừng quái ác.
    
- o O o -

    
    Qua buổi cơm chiều một lúc, Vũ đang giúp anh Cam trông nồi ấm đun thì nghe tiếng con Mực sủa ông ổng trước nhà. Có bóng người đứng bên rào gọi với vào:
    - Thầy lang có ở nhà không? Cho ké ngụm nước nào!
    Toàn chắc vừa trên huyện về tới, vạt áo sơ mi phía trước còn nghiêm chỉnh trong quần mà vạt sau đã loà xoà dính đầy bùn đất, văng lên tận chiếc cặp táp ôm trên tay. Anh Cam vừa trông thấy thì cười ầm lên trêu ghẹo:
    - Trời, ông bí thư xã mới chui ra từ cái lỗ nào mà lem luốc thế này!
    - Em vừa tan họp trên huyện là đến nhà anh luôn đấy. Mới đi tới chỗ cống sông thì thấy có thằng nhỏ đang lóp ngóp dưới sình, lôi được lên bờ chưa kịp định hình thì nó đã co giò chạy biến… Thôi, vào nhà, em có chuyện muốn nói với anh đây....
    Nhưng vừa quay đầu, Toàn sững người khi thấy Vũ đang đứng ngoài hàng ba nhìn cậu mỉm cười. Có lẽ vì niềm vui đến quá bất ngờ mà cậu bí thư xã vốn nổi tiếng nghiêm túc nay lại như người mất hết hồn vía, đứng há miệng một lúc mới lao đến ôm chầm lấy người bạn thời thơ ấu:
    - Trời ơi, là mày thật hả Vũ?! Tao cứ tưởng mày ở rịt bên trời Tây luôn rồi!
    - Không phải tao thì là ai, cái thằng!
    Trong đám trẻ con xóm nghèo năm đó, thằng Toàn luôn là đứa “nghĩa khí” và tình cảm nhất bọn. Khi những đứa con nít lóc chóc khác còn tranh nhau từng viên bi, cục đất thì thằng Toàn đã biết xoa dịu các bạn bởi hàng tá những trò vui thú vị khác. Thằng Toàn đặt ly trà xuống bàn, nói với Vũ bằng một giọng trách móc rất nhẹ:
    - Lúc mày bảo cùng mẹ sang Hungary, tao cứ nghĩ cùng lắm dăm bữa nửa tháng sẽ về, ai dè mày đi một mạch biền biệt hơn mười năm trời. Đám trẻ con trong xóm hồi đó đã phân tán khắp nơi, đứa đi học, đi làm, đứa lại làm cha làm mẹ những đứa trẻ con khác, chỉ có mày làm tao canh cánh mãi... Hồi đám thầy Năm tao đang công tác trên miệt An Hậu, nghe tin mà thương cho mày, nhưng đợi xong xuôi về tới thì mày về bên kia mất rồi, đến câu chào nhau cũng chẳng kịp nói...
    Vũ chỉ biết cười khổ, giải thích:
    - Tao có phải cố ý xem nhẹ gì bạn bè đâu, nhưng mày cũng biết chuyện nhà tao rồi đấy. Đợt đám cha tao nhiều việc anh Cam không tiện ra mặt, mẹ con phải chạy hết đầu này đến đầu kia... Vậy mà các cô bên nội hay cạnh khóe nói mẹ tao cứng lòng, lo ma chay cho chồng mà mặt cứ tỉnh queo, ráo hoảnh. Nhiều lúc tao cũng nghĩ hay mẹ còn giận cha, nhưng giận hờn chi nữa khi người ta đã sắp nằm yên dưới ba tấc đất. Mãi đến hôm hạ huyệt cho cha tao, nửa đêm mẹ bật mùng đòi ra bến ghe Kinh, mẹ kêu có ông thầy lang Năm Đoàn cứ ngoắc tay rủ đi phiên chợ nổi. Cả nhà tao sợ tái mặt phải cắt cử người mẹ. Có hôm mệt quá chợp mắt chút mà tỉnh lại chẳng thấy người đâu, nháo nhào đi tìm thì thấy bà đang lởn vởn ngoài đám bình bát bến sông, chậm chân chút có khi...
    - Cũng vì thầy ra đi đột ngột quá.
    Vũ không nói gì, khẽ nhấp một ngụm nước trà, trước mắt bỗng hiện lên khung cảnh cái đêm bi kịch đó. Giọng anh Cam vỡ ra bên kia đầu dây, báo rằng cha họ vì cứu một đoàn học sinh mà chìm nghỉm giữa bốn bề cơn nước xoáy. Thợ lặn địa phương hụp lặn suốt cả đêm trời, Ấp Lá Cháy đỏ rực trong ánh đèn, ánh đuốc tìm kiếm.
    Mãi sáng hôm sau, người ta tìm thấy ông lang vườn gục đầu bên dưới một rặng dừa nước, tay vẫn nắm chặt hộp gỗ đựng thuốc từ thời ông cố, ông nội để lại. Người già ở Ấp nói cha Vũ sinh nghề tử nghiệp, và không phải ai cũng sống được một cuộc đời trọn vẹn như thế.
    - Đợi qua ngày mở cửa mả thì tao đưa mẹ về lại bên đấy, để bớt thấy cảnh mà nhớ về người. Vậy chứ mấy hôm trái gió trở trời mẹ tao vẫn kêu mơ thấy có ông thầy thuốc vò võ đợi ở bến sông, ổng không gặp được mẹ nên khóc ướt khăn rằn, thương lắm... Mãi đầu năm nay mẹ tao tỉnh táo được đôi phần lại hay giục tao về quê, kêu ai cũng có gốc có gác, còn cơ hội thì cứ về thôi...
    Ba người chẳng ai nói gì nữa, không gian lặng đi trong mùi thuốc cay nồng và tiếng con Mực rên ư ử ngoài sân.
    Bất chợt, anh Cam hoảng hốt kêu lên: “Trời, ấm thuốc đun nãy giờ!” rồi vội chạy vào bếp. Dù Vũ nhớ rõ cái ấm được bắc mới đây thôi nhưng thằng Toàn như chỉ chờ có nhiêu đó, nó vội giựt qua chuyện khác, nhìn Vũ trêu ghẹo:
    - Ngài nghệ sỹ nhiếp ảnh không định kể cho chúng tôi về giải thưởng bên Hungary à? Thiệt tình, anh Cam không nói chắc mày làm thinh luôn đấy!
    - Chụp choẹt linh tinh ấy mà, có gì đáng nói đâu.
    - Mày cứ khiêm tốn thế. Từ hồi đi học mày vẫn nổi tiếng là đứa có khiếu thẩm mỹ nhất lớp đấy thôi.
    Giọng thằng Toàn chợt xa xăm:
    - Quê mình đẹp lắm mày ráng chụp nhiều ảnh nhé, kẻo đi xa nữa rồi nhớ lắm
    
    
- o O o -

    
    Ngày hôm sau, vừa tờ mờ sáng Vũ đã thức dậy chuẩn bị cùng anh Cam vào rừng “săn” nấm mối.
    Khoảng thời gian này hằng năm, khi cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, trong những ngóc ngách của Ấp Lá Cháy người ta đã bắt đầu nhìn thấy sự hiện diện thầm kín của loài sản vật tự nhiên này. Nấm mối không chỉ nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng, chúng còn nổi danh là loài “đỏng đảnh”, khó chiều bậc nhất trong họ hàng nhà nấm. Để thu hoạch chúng, người ta phải rời nhà từ lúc mặt trời chưa mọc, tìm kiếm trên gò đất cao mối ưa làm tổ những búp nấm còn chưa bung hết tán. Nhưng đâu phải lúc nào cũng may mắn bắt gặp thứ của báu trời cho đấy. Nếu không tìm thấy mà hái kịp trước khi trời hửng, cây nấm lỡ nhanh chóng thối rữa, hoặc làm mồi cho lũ côn trùng, sâu bọ gặm cắn. Bởi vậy lắm lúc tức anh ách cái mình, mấy ông bà già vừa thương vừa ghét mà cằn nhằn đôi câu: “Trời hành cái loại kì khôi! Đặc sản nỗi gì ngữ đó, có mà…nấm ma, nấm quỷ!”
    Buổi sớm ở miền quê yên tĩnh đến lạ thường. Con đường bình thường vốn không quá đông đúc nay lại càng thêm vắng vẻ, chỉ có tiếng ếch nhái kêu vang, tiếng con ve sầu rền rĩ bài ca mùa hạ cuối cùng trên những ngọn mù u, mà nghe qua cũng thấy… sầu ơi là sầu.
    Anh Cam và Vũ đi thêm tầm nửa cây số thì ngửi trong gió phả lại chút mùi tanh đặc trưng của nấm mối mới mọc. Con Mực thạo nghề nhảy ngay vào đám lá mục tìm kiếm, trong khi anh Cam chỉnh đèn đến mức sáng nhất, soi kĩ dưới từng gốc cây lùm cỏ quanh đấy. Chỉ năm phút sau, ụ nấm đầu tiên của ngày hôm đó hiện ra trước mắt họ, những cây nấm mỡ màng chen chúc nhau trên một gò đất trống, tựa như phần thưởng hậu hĩnh cho người có tâm tìm kiếm.
    Hai anh em ngồi được một lúc thì dân trong Ấp cũng lục tục chong đèn đi hái nấm. Có người nhận ra nhau, qua ánh đuốc le lói mà trao vội đôi ba lời thăm hỏi. Anh Cam khẽ gật đầu với đôi cha con nọ khi họ ngang qua trước mặt. Đó là một người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi, bờ vai rộng nhưng cái lưng lòm khòm lại toát lên vẻ gì đó khắc khổ của những con người đã quen sương gió. Thằng nhỏ đứng kế như một bản sao của tía nó, một tay xách giỏ đựng nấm, tay kia nó cầm chai nhựa đựng mấy con nhái bén mà dân xứ này chỉ có bợm rượu thiếu mồi mới thèm rớ tới.
    Người đàn ông thấy anh Cam thì chân mày hơi giãn ra, nhưng cũng chẳng nói năng gì mà nắm tay thằng con kéo thẳng ra gò đất kế mấy rặng mù u. Có người đứng gần nhìn thấy thì buông lời lả lơi nặng nhẹ:
    - Làm như có ai ăn cướp, ăn trộm của nhà thằng chả mà cứ chộn rộn cả lên!
    Thằng con nhỏ dấm dúi quay đầu tính ngó coi thím Năm Chậu nổi tiếng chua ngoa nhất cái xứ này, nhưng chưa kịp làm đã bị tía nó chụp đầu lôi đi miết. Lúc Vũ nhìn lại đã thấy hai cha con khuất dạng sau những tán mù u nở hoa trắng muốt, chỉ còn đâu đó chút ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin soi đường.
    
    
- o O o -

    
    Đương mải suy nghĩ thì có tiếng anh Cam gọi ngoài sân:
    - Vũ ơi! Tàu hủ nóng đến kìa!
    Vũ chỉ kịp chộp lấy cái máy ảnh rồi chạy vội ra ngoài. Xe tàu hủ đỗ lại dưới mái cổng một căn biệt thự miệt vườn, thêm dăm ba cái ghế nhựa con con, không cần bàn, không cần phục vụ vẫn đủ níu chân người qua lại bởi hương thơm ngọt ngào dân dã của nó.
    Con Mực đã chầu chực bên chân người bán từ lúc nào. Chị Út Ngọc một tay hớt vụn bánh lọt xuống đất cho con chó ăn chực, một bên đon đả hỏi Vũ:
    - Có ăn nước dừa hông để tui múc?
    Tàu hủ non trắng mịn, mềm mướt được tẩm trong nước đường ngọt lịm, cho thêm ít bánh lọt, ít gừng ấm và cuối cùng là rưới lên trên lớp cốt dừa béo ngậy. Gánh tàu hủ nước đường mấy chục năm tuổi, từ đời bà ngoại, mẹ cho đến đứa con gái út kế nghiệp thì hương vị vẫn chẳng hề thay đổi. Có chăng người bán đã bớt đi mấy phần chật vật con buôn, thêm vài phần thong thả và từ tốn như nghệ nhân đang chăm chút cho tác phẩm nghệ thuật của mình.
    - Cha sắp nhỏ kêu tui dọn hàng hoài à. Nhà thiếu thốn cái chi mà cứ ôm rịt cái xe tàu hủ. Nhưng nghỉ bán một hôm là bà con trong xóm người ta nhắc, kêu thèm, kêu nhớ thấy thương. Riết mà bỏ nghề hổng được đó chú!
    Vũ dịu dàng ngắm nhìn người phụ nữ đã có tuổi trước mặt, những lọn tóc loăn xoăn rơi trên má mà chợt nhớ lời nội kể hồi xưa: “Ai tóc xoăn số hay vất vả, đa sầu đa cảm mà khổ cũng từ đa sầu đa cảm mà ra...”. Bất chợt, như có linh cảm, Vũ đưa máy ảnh lên chụp liền mấy lần “tách tách” ghi lại nụ cười ngượng ngùng của người phụ nữ thôn quê chân chất.
    Mấy đứa nhỏ ăn tàu hủ cũng xúm lại coi hình, nhao nhao xuýt xoa: “Út đẹp quá nè Út ơi!” “Dòm cũng thần thái lắm chớ bộ!” làm cô chủ gánh tàu hủ giãy nãy lên kêu trời:
    - Mèn ơi! Xấu quắc mà cũng chụp!
    Có tiếng gõ “Thùng! Thùng!” rất mạnh từ bên kia cổng căn biệt thự. Hình như đám người ồn ào đã làm phiền đến vị chủ nhà khó tánh. Chị Út Ngọc xua xua tay, nhỏ giọng hối:
    - Thôi, ăn nhanh lên để tui còn dọn hàng! Trời sắp mưa rồi!... Kiểu này coi bộ hổng có vừa à nha...
    
    
- o O o -

    
    Lần thứ tư anh Cam đội mưa từ mé con sông Soài Bông trở về, Vũ liền hỏi:
    - Sao rồi anh?
    - Ngập lút đám bình bát rồi. Nước dâng nhanh quá!
    Từ năm giờ chiều, trời bắt đầu đổ mưa xối xả. Giấc này hằng năm vốn là mùa mưa ở Ấp Lá Cháy, nhưng cơn dông lớn như vầy thì Vũ mới thấy lần đầu tiên. Gió thốc lại từ bốn phương tám hướng, dộng ầm ầm vào vách tường như muốn đạp cửa xông vô. Mãi đến lúc anh Cam lội sình bước vào, Vũ mới hay nước đã ngập quá nửa chân bộ ván ngựa, soi đèn xuống dưới thấy cả đàn cá lìm kìm đang nhởn nhơ đớp khí. Nước lụt xoá tan ranh giới giữa con người và đám loài thủy tộc, nhưng chẳng còn ai rảnh rỗi để cáu kỉnh chuyện đó lúc này.
    Mưa càng lúc càng to. Vũ đã chẳng thể phân biệt nổi là tiếng nước đổ hay tiếng những cây đòn tay đang oằn mình theo từng đợt gió rít. Khi đàn cá đã bơi xâm xấp mặt ván thì có giọng thằng Toàn gọi dồn ngoài sân:
    - Anh Cam ơi, Vũ ơi!
    Cậu bí thư xã mặc áo mưa, quần xắn lên tận bẹn, gió quật làm cậu ta chẳng mở nổi mắt nhưng tay vẫn nắm chặt cọng dây buộc xuồng. Có hai má con mặt mày tái nhợt ngồi trên đó, người phụ nữ có cái bụng lùm lùm với đứa con nhỏ đang run lẩy bẩy trong lòng mẹ, không biết vì lạnh hay vì sợ.
    - Gió giật đổ mấy căn nhà rồi! Giờ mình phải dời dân ra trung tâm văn hoá của xã đã. Ở tạm một đêm rồi tính sau...
    Thằng Toàn quả nhiên là một lãnh đạo xốc vác. Nó sắp xếp cho người dân trú tạm vào phòng sinh hoạt của nhà văn hoá xã, căn phòng không quá rộng nhưng vừa được sửa chữa năm ngoái nên có phần cao ráo và sạch đẹp hơn hẳn. Chẳng biết thằng Toàn liên hệ lúc nào mà thấy có chiếc xuồng ba lá chở vài bao gạo, mấy can nước sạch cùng chăn chiếu theo dòng lũ xuôi về. Vũ ngạc nhiên khi biết bên kia đầu gửi là căn thự miệt vườn có người chủ trái tính trái nết, càng ngạc nhiên hơn khi ông chủ nhà với giọng điệu gắt gỏng dò hỏi bên đây đã đủ chỗ nằm hay chưa, thiếu cái gì để người ta còn biết mà tính...
    Một chái bếp được dựng sơ sài dưới mái hiên ít gió. Anh Cam bắc một nồi cháo to, thả đầy lá tía tô giải cảm. Có thằng nhóc sà đến bên chân Vũ khi cậu vừa đỡ túi gạo xuống đất, là đứa nhỏ có điệu bộ lầm lì gặp được ở buổi sớm hái nấm, Vũ vẫn nhớ rõ.
    - Tía nói đem nấm khô cho các anh nấu cháo!
    - Tía em đâu rồi?
    - Đang dằn lại mái tôn trên nóc đó anh...
    Chắc ngày thường ít được hỏi tới nên thằng nhỏ nói chuyện cứ sượng sùng, ngắc ngứ. Vũ cảm ơn mà mặt nó đỏ bừng, dòm cũng ngộ. Xong chuyện thằng bé cũng không vội chuồn đi, quanh quẩn một hồi mới hỏi khẽ:
    - Sớm giờ anh có thấy thím Năm Chậu hôn?
    Vũ dừng tay chau mày nhìn lại, không nghĩ tự nhiên mà thằng nhỏ thắc mắc về một người đã từng xỉa xói cha con nó. Lòng Vũ giật thót, vội hỏi:
    - Anh không. Sao vậy?
    Lần này đứa bé không chần chừ nữa, nó mếu máo nói:
    
    - Hồi sớm mấy chú dân quân có cho vỏ lãi đến từng nhà rước người, mà đến khu em xui sao còn mỗi một chỗ. Thím Năm Chậu đang đứng trước đẩy luôn em lên mũi xuồng ngồi, bả kêu thích ngồi ghe rộng nên chờ đợt sau... Mà tối giờ em ngó hoài mấy lần vỏ lãi về vẫn chẳng thấy người đâu...
    Hai anh em Vũ nhìn nhau. Một lát sau thì thằng Toàn tất tả chạy về, mặt căng như dây đàn, nó báo cano cứu hộ đang mắc kẹt ngoài cù lao Lệ, đợi vòng về tới Ấp Lá Cháy chắc mất cả tiếng đồng hồ.
    - Cả một tiếng nữa... Liệu thím ấy có trụ nổi không?
    Toàn không trả lời. Bản thân cậu ta cũng không chắc được bao nhiêu phần trăm cho một người phụ nữ chân yếu tay mềm có thể bám trụ giữa bốn bề bão lũ. Việc tự ý tìm kiếm lúc này là quá mạo hiểm, liệu có nên đánh đổi nguy hiểm cho một việc không có bao nhiêu hi vọng? “Nhưng nếu chị ấy vẫn còn ngoài đó, vẫn đang chờ sự ứng cứu từ mọi người thì sao? Một ít hi vọng cũng không thể từ bỏ!” Nghĩ như vậy, lòng Toàn thêm quyết tâm:
    - Tôi nghĩ việc cần nhất lúc này là phải nhanh chóng và kịp thời! Cứu người như cứu hoả, chúng ta không thể chờ đợi cano cứu hộ quay về mới bắt đầu tìm kiếm... Hiện tại có sẵn một chiếc vỏ lãi ở đây, anh Trung - tiểu đội trưởng tiểu đội Dân quân xã ta là người rất có kinh nghiệm trong việc ứng cứu bão lũ. Tôi sẽ đi cùng anh tìm kiếm chị Năm Chậu...
    - Không được, em còn phải ở lại để chỉ huy công việc ở đây. Anh và Vũ sẽ đi cùng anh Trung, nếu cần gì thì cũng có thể sơ cứu kịp thời cho người gặp nạn. Anh Cam đề nghị
    Toàn im lặng một lúc, cuối cùng khẽ gật đầu đồng ý.
    Con Mực thấy chủ lên xuồng cũng nhún người nhảy theo, xua mãi không xuống. Anh Cam chỉ đành mặc nó. Chiếc vỏ lãi xé màn đêm vút đi.
    Ấp Lá Cháy lúc này đã hoàn toàn chìm trong biển nước. Vũ rùng mình nhận ra khoảng mênh mông trước mặt ngày hôm qua từng là một dãy nhà liền kề, chiều chiều có mấy cô thiếu nữ ngồi may vá ngoài hàng ba, thấy cậu đi qua còn cười khúc khích trêu ghẹo “Ới anh kia...”. Hàng tràm bông vàng trơ trụi lá, cuốn theo dòng nước những chiếc cành to như cánh tay người. Gió mấy lần quật mạnh vào mạn xuồng làm chiếc vỏ lãi nghiêng ngả nhưng anh Trung vẫn căng mình giữ chặt tay lái, luồn lách qua vùng nước xoáy tợn. Mưa táp vào mặt, vào má bỏng rát. Con Mực bị gió hất tung rơi xuống lòng xuồng, Vũ chỉ kịp đưa tay giữ lấy nó, mắt vẫn mở căng nhìn về phía trước.
    - Đến nơi rồi! Anh Trung hô.
    Khu nhà trước mặt đã chìm nghỉm trong dòng nước trắng xoá, không một bóng người, hay thậm chí là một góc áo để chứng minh vẫn còn sự sống vất vưởng đâu đây. Vỏ lãi vòng quanh khu nhà hai lượt. Dù không ai nói gì nhưng vẫn đau đớn ngầm hiểu: Chẳng còn bao nhiêu hi vọng để tìm ra người đàn bà xấu số giữa biển nước mênh mông này.
    Bỗng, một tia sét nổ rực ngay trên đầu Vũ. Cậu giật mình thảng thốt. Không phải vì sợ, vì hình như... hình như Vũ đã nhìn thấy một cái gì đó khi ánh sáng loé qua! Là một bóng người, ngay trên đỉnh nóc một căn nhà đang nhô khỏi mặt nước!
    Vũ hét lên như át cả tiếng gió. Chiếc vỏ lãi khấp khởi rồ ga chạy tới.
    Nhưng càng đến gần, ba người lại cảm nhận rõ ràng hơn có cái gì đó không đúng. Vũ tê tái nhận ra “bóng người” trước mặt im lìm một cách kì lạ giữa cảnh trời dông gió, không hề có sự mềm mại và sống động của một con người bằng da bằng thịt.
    - Chỉ là con bù nhìn mắc lại trên nóc. Chắc từ ruộng lúa nào nương theo lũ trôi ra...
    Gió đã bắt đầu nhẹ đi, dòng sông vẫn cuồn cuộn nước, rúc rích như đang cười nhạo loài người mơ mộng hão huyền tưởng vượt mặt nó. Anh Trung nhìn mặt sông, ngần ngừ nói:
    - Ngó chừng nước trôi về hướng khe Mân, giờ mình chạy vỏ lãi xuống đó một lượt... Còn mỗi hướng này thôi.
    - Nếu không thấy nữa thì là ý trời rồi...
    Vũ ôm lấy con chó, căng mắt nhìn vào đống tivi, bàn ghế và nguyên một chái bếp còn thơm mùi lá đang rầm rập chảy về phía hạ lưu. Biết đâu trong đống đồ trôi nổi này có bàn tay đang vươn ra kêu cứu. Nghĩ đến đó mà Vũ không dám chớp mắt.
    Bất chợt, vỏ lãi đụng phải một cành cây chìm trong nước làm thân xuồng chao đảo như muốn lật. Anh Cam vội lao đến đỡ Vũ trong khi con Mực cắm đầu nhào xuống lòng sông, không đợi cậu chủ đưa tay kéo lên, con chó lại bơi ra xa khỏi chiếc xuồng, hướng thẳng về một gốc lá lụa chỉ còn phần tán nhô khỏi mặt nước.
    Con Mực sủa oang oang, ba người sững sờ nhìn nhau, đọc trong đôi mắt một suy nghĩ hoang đường, lẽ nào...
    Sau tiếng con Mực sủa Vũ nghe có tiếng người phụ nữ thều thào ú ớ, tiếng kêu cứu dù yếu ớt. Không phải ảo giác! Đúng rồi! Thật sự là thím Năm Chậu đang kêu cứu trên ngọn cây đằng kia!
    Người đàn bà thôn quê nhỏ bé nhưng quật cường, bị nước lũ cuốn xa cả cây số vẫn cố bấu vào một cành cây lụa bên đường.
    - Tao dặn lòng là ráng lên, ráng chút nữa là có người tới cứu à! - Thím Năm Chậu cười hơ hơ, nghe giọng cười còn ướt sũng nước. Bây tới trễ tí nữa chắc tao cũng buông tay...
    Con Mực ngồi liếm lông trên mũi xuồng. Mưa đã tạnh từ lúc nào. Bầu trời sau bão như tấm lưới thủng lỗ chỗ, thừa dịp những tia nắng chen nhau rơi xuống mặt sông đã bình tĩnh dần sau một đêm nổi gió, loang loáng như có ai rắc vàng lên nước. Tiếng con bìm bịp truyền về từ phía chân trời xa xa, kéo theo là tiếng con chim trĩ, cúm núm và vô vàn những giống loài chim trời đang ríu rít cất cao bài ca tái sinh của cuộc sống

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân