Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Gió Từ Sông Luộc Tác Giả: Nguyễn Thu Hằng    
    Giữa trưa, trời đang nắng chang chang bỗng ì ầm kéo gió, vặn sấm chớp, gom mây chuyển mưa.
    "Mưa… mưa… chạy thóc mọi người ơi".
    Tầm nằm thiu thiu trong nhà trọ nhao ra ngoài rồi lại ủ rũ đi vào. Trước mặt Tầm không phải là khoảng sân rộng của mẹ ở miền trung du Phú Thọ; trước mặt Tầm là bức tường xám xịt cao quá đầu người ngăn dãy trọ năm phòng với nhà chủ bên kia. Tính ra Tầm về làng Cát Lư, đất Hưng Yên đã ngót nghét hai năm, công việc hiện tại là lái xe nâng trong công ty sản xuất thép của Nhật Bản. Việc chẳng đến nỗi nặng nhọc, đóng bảo hiểm đầy đủ, chỉ làm giờ hành chính không phải đi ca đêm, làm thêm giờ lương gấp đôi, được nghỉ chủ nhật, năm đi du lịch hai lần, chưa kể thỉnh thoảng có những chuyến hàng về muộn cánh lái xe biết ý cũng bồi dưỡng thêm vài ba trăm, xong rủ đi làm vài lon lai rai. Mỗi tháng trừ tiền nhà trọ và điện nước một triệu, tiền ăn uống hai triệu, Tầm gửi về nhà được nguyên lương bảy triệu. Nếu cuộc sống cứ đều đều dễ chịu thế cuối năm nay Tầm sẽ làm đám cưới với Hoa, sang năm bảo Hoa xin về làm ở mấy công ty da giày hoặc bao bì gần đây, thuê cái phòng rộng hơn, để khi có cháu bà còn xuống trông được. Và nếu hai vợ chồng chịu khó chắt bóp, tằn tiện, mua được miếng đất, dựng tấm nhà ngói lên có chỗ chui ra chui vào cũng chẳng khó.
    Ăn cơm thiên hạ từ năm mười bảy tuổi, khi vừa hết lớp mười một, Tầm biết, nơi nào dễ làm ăn sinh sống nơi ấy là quê hương. Chứ cứ bám lấy mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn thì có lẽ giờ Tầm vẫn nhếch nhác theo lưng con bò cái còi tên Nhọc, ăn thế nào cũng không béo không đẻ, xương sườn đếm được từng cái; thu nhập cả năm trông vào hai vụ lúa, một vụ mùa; mà có bao khoản phải chi, từ ma chay đến giỗ chạp, cưới hỏi, hội làng, làm đường, quỹ phụ nữ, phụ lão, quỹ khuyến học, giải bóng đá, bóng chuyền liên thôn… bỏ ra đồng nào là lòng dạ cứ ót òn ọt đồng ấy, đi đứng chẳng yên, mặt mũi bơ phờ tái xanh tái xám. Việc làm thêm cũng có, nhưng tủn mủn chỉ đủ bữa chén, là đi kích cá, đặt bẫy rắn, hun chuột, bắt dúi và ong, lấy măng và nấm trên đồi.
    Tầm sẽ lập nghiệp ở đây, có việc gì ở Phú Thọ thì chỉ cữ xe khách ba tiếng rưỡi, gấp nữa đi tắc-xi hơn hai tiếng là đến, chẳng xa xôi gì lắm. Chí Tầm đã quyết thế, cũng đã bàn với bố mẹ. Bố mẹ Tầm ngoài trông vào mấy sào ruộng cỗi, thời gian rảnh đi hái chè thuê cho người ta. Tầm cũng từng đi hái, nhưng tay chân to quá cỡ, cứ lóng nga lóng ngóng, lá già không hái toàn hái
    lá non.
    Ý nghĩ về quê hương, bố mẹ, về Hoa khiến Tầm tạm quên đi cơn mưa đang quất từng đợt rôm rốp, rôm rốp xuống mái tôn. Cái nóng oi bức bên chiếc quạt hộp ì ạch quay ngơi đi phần nào. Ngoài kia chắc người ta đã chạy thóc xong, ai ai cũng đang từ trong nhà nhìn ngó ra ngoài trời xem bao giờ mưa tạnh. Tầm mỉm cười, ước, giá mình có thể chạy ra ngoài kia tắm táp, vẫy vùng thỏa thuê như đứa trẻ.
    ★★★
    Sáu rưỡi hôm sau Tầm lọc cọc dắt xe đạp đi làm như thường lệ. Tầm đi sớm mua gói xôi, ngồi uống cốc nước chè, hút điếu thuốc lào, tán gẫu dăm ba câu cho thư thả rồi vào làm. Việc của Tầm chỉ bận khi có hàng về, xuất hàng đi, còn không chỉ ngồi chơi.
    Nay ăn sáng xong vào công ty Tầm được tổ trưởng tên Toan thông báo sáng nay nghỉ làm, công nhân nhà máy tập trung vào nhà ăn lấy mẫu xét nghiệm. Đi từng tổ không tập trung đông người, người trước cách người sau hai mét. Tất cả đều phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, rửa tay bằng cồn khô đặt ở bàn ngoài cửa trước khi vào. Tổ trưởng đăm chiêu dõi theo những sợi khói trắng mỏng bay lởn vởn. Âm thanh ồn ào của máy móc sắt thép mọi hôm đột nhiên bị hút hẫng đi, chỉ còn tiếng ve rền rã vọng vào cùng nắng vàng.
    - Xét nghiệm gì hả anh Toan? Em ăn sáng rồi.
    Tầm bồn chồn hỏi, thường nếu có khám sức khỏe thì cũng được báo trước một ngày để sáng hôm sau công nhân nhịn ăn lấy máu.
    - Covid-19 chứ sức khỏe sức kéo gì ở đây. Có nhóm chuyên gia ở nhà máy vừa sang Nhật nhập thêm máy móc thiết bị gì đấy, xuống sân bay xét nghiệm dương tính với virus. Bên Nhật báo về, bên mình cuống cuồng. Mà các ông chuyên gia kia lượn như con thoi suốt ngày trong nhà máy, ngó chỗ này một tí chỗ kia một tí, nói xì xồ dăm ba câu, khéo cả công ty dính chưởng rồi cũng nên.
    Vài người góp thêm ý kiến về viễn cảnh của công ty nếu xảy ra dịch bệnh, phong tỏa, cách ly, nghỉ không lương, hàng hóa đình trệ chẳng biết bao giờ mới trở lại lúc bình thường. Tầm nghe, thấy lo, giờ nếu nghỉ không lương đồng nghĩa phải ăn lẹm vào số tiền dành dụm được. Một tuần, hai tuần… đến một tháng, hai tháng, khéo còn hơn nữa thì biết xoay xở làm sao. Miệng ăn núi lở. Tầm cứ nghĩ dịch bệnh ở xa mình lắm, hóa ra chẳng phải. Nhiều lúc cầm điện thoại thấy tin nhắn Bộ Y tế là xóa ngay, vào mạng cũng chủ yếu xem hài, nghe nhạc vàng ủ ê chứ có để ý tin tức thời sự gì đâu.
    Không biết công ty của Hoa ở Bắc Ninh thế nào? Hai ngày rồi chẳng thấy Hoa điện. Nhà Hoa tính ra còn khó khăn hơn nhà Tầm, bố mất sớm vì ung thư gan, mẹ đau yếu quanh năm, em trai vẫn còn đang học cấp ba. Một mình Hoa đi làm nuôi cả nhà. Tầm và Hoa học cùng nhau từ lớp sáu, Hoa bỏ học kỳ một thì Tầm bỏ học kỳ hai, hai người học khá nhất lớp. Thầy cô tiếc nhưng chẳng nèo giữ được, học thêm năm nữa là thêm bao khoản tiền phải chi, rồi lên đại học nữa xoay xở đâu. Ngày Tầm tìm đường xuống phố làm thuê gặp Hoa ở bến xe thị trấn, Hoa bẻ cho Tầm nửa cái bánh mì…
    ★★★
    Giật mình vì cảm giác mơ màng thốn của tăm bông ngoáy sâu vào mũi, Tầm vùng dậy giữa đêm và không tài nào ngủ lại được nữa. Tối qua Hoa điện cho Tầm nói chuyện rất lâu. Công ty Hoa chưa có người bị dương tính, nhưng từ khi bùng dịch mạnh trong nước thì công việc cầm chừng, đi làm một ngày nghỉ một ngày, lương cắt chỉ còn nửa, các chế độ đãi ngộ hầu như không còn. Giờ tiền lương hằng tháng đóng tiền nhà trọ, ăn uống vẫn còn thiếu. Mà nào đã hết, mấy chị em làm trên văn phòng bảo có thể sang tháng sẽ bắt đầu nghỉ không lương, chưa biết đến khi nào đi làm lại.
    - "Thế giờ em tính sao?"
    Hỏi thế thôi nhưng Tầm biết trước câu trả lời của Hoa, còn tính sao được, làm ngày nào hay ngày đó, giờ chả nhẽ về quê trông vào tí ruộng tí vườn, mấy mẹ con ngày ngày ngáp vặt nhìn nhau ngóng vào hai bữa ăn. Chưa tha phương thì thôi, đã tha phương rồi khó quay về bình thường được lắm.
    - "Em ở lại thời gian nữa xem sao. Về quê cũng chẳng biết làm gì. Mấy hôm trước mẹ em điện bảo mua máy tính cho thằng Vạn học online. Qua em đi xem rồi, rẻ dùng được ít nhất cũng phải dăm triệu…".
    Hoa còn bảo nếu có thời gian sẽ sang Tầm chơi, nhưng Tầm ngăn bảo thôi, dịch dã thế này người ta hạn chế đi lại, tiếp xúc, tụ tập đông người, sang bị cách ly khéo không về được thì gay. Nghe thế, giọng Hoa buồn buồn, nhưng biết làm sao giữa lúc dịch bệnh trùng trùng bủa tứ phía. Tầm chưa kể cho Hoa nghe sắp tới cũng sẽ phải nghỉ không lương để nhà máy khử khuẩn toàn bộ; anh Toan tổ trưởng bảo mấy đơn hàng từ nước ngoài xuất đi hồi tháng trước kẹt lại ở cảng chưa biết bao giờ mới tới nơi; có kết quả âm tính nhưng vẫn trong thời gian theo dõi nên toàn bộ công nhân nhà máy ở đâu ở đấy không được đi sang vùng khác, khi có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở lập tức khai báo với y tế địa phương. Lo lắng chồng lo lắng, rồi hết hai tuần nữa liệu có được đi làm? Đi làm có trong trạng thái bình thường, hay ngày làm ngày nghỉ, lương giảm thì sợ lắm.
    Viễn cảnh đám cưới với Hoa vào cuối năm bị kéo xa tít tắp. Giờ thân mình còn lo chưa xong thì lo được cho ai. Thở dài, Tầm dán mắt lên đỉnh màn đen kịt. Tiếng thạch sùng tặc lưỡi văng vẳng góc nhà…
    ★★★
    Sáng nay, hơn bốn giờ Tầm đã dậy, phần vì cả ngày nằm ì trong phòng cũng chán, phần vì muốn đi lang thang cho khuây khỏa đầu óc, vận động chân tay. Tầm ra đồng, những ruộng lúa gặt xong trơ gốc rạ nằm cạnh những ruộng bỏ hoang cho cỏ mọc không người chăm bón. Tầm hiểu, từ khi có công ty vào nhiều người dân bỏ ruộng, ai muốn xin cấy cũng được, lương một tháng đi làm bằng tiền gạo ăn cả năm, vậy vất vả làm gì. Ngay cả rau cỏ cũng ra chợ mua, thích ăn bí có bí, mùng tơi có mùng tơi, muống có muống, su hào, bắp cải, lá lốt, ớt, xà lách… ba bốn nghìn một mớ trồng tưới làm gì cho mệt.
    Đất đây tốt hơn đất quê Tầm nhiều, cắm cây nào xuống sống cây ấy, giá kể bố mẹ Tầm ở dưới này hẳn ông bà suốt ngày xoay ra trồng trọt, chăm bón. Hệ thống mương máng chằng chịt, kiên cố dày đặc dẫn vào từng ruộng. Trời đất ôn hòa, hai năm Tầm ở đây chẳng thấy cơn bão nào đổ đến, mưa nắng điều hòa, mùa đông không lạnh quá. Đường sá đi lại thuận tiện, lại giáp ngay Hà Nội.
    Hay là…
    Hôm rồi ngồi quán nước chè có người ở Hải Dương đi hỏi thuê đất trồng rau và hoa Tết. Tò mò Tầm hỏi, hóa ra cũng rẻ, một sào thuê cả năm chỉ năm trăm đến bảy trăm nghìn, khéo mặc cả còn thấp hơn vì ruộng họ cũng để hoang cả. "Thế đang làm họ đòi ruộng thì sao?". "Phải có hợp đồng chứ, ít cũng phải báo trước cho mình vài ba tháng. Từng ấy thời gian đủ xóa cờ đi vùng khác rồi… Cò con trồng rau, trồng hoa đơn giản lắm. Thêm ít giàn tự buộc trồng bầu bí, su su nữa bán mệt không hết".
    Quanh đây toàn công ty, bán cho bếp ăn cũng là ý hay. Từ vài sào thử nghiệm Tầm sẽ mở rộng hơn lên thành trang trại. Hoa cũng về đây làm với Tầm, nếu cần Tầm sẽ đón bố mẹ xuống. Cả con Nhọc nữa, ăn cỏ đất này khéo nó sẽ béo tốt, nhanh nhẹn hơn.
    Vậy phải triển khai ngay hôm nay.
    Khi mặt trời đang ngoi lên rờ rỡ từ cuối đường chân trời.
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Thu Hằng
» Cuộc Điện Thoại Ngày Mưa!
» Cuộc Điện Thoại Ngày Mưa
» Ngõ Tập Tàng Mùa Xuân
» Cỏ Màn Tiên
» Mặt Trời Trong Lòng Bàn Tay
» Lều Giấy
» Khi Lộc Vừng Trổ Hoa
» Biên Độ Đêm
» Mùi Bùn
» Bình Minh Yên Tĩnh
» Quãng Vắng Cuối Đồng
» Đôi Cánh
» Quỳnh Nở Về Khuya
» Cửa Gỗ, Cửa Sắt
» Cánh Chim Lạc Đàn
» Mùa Tỏi Bên Sông
» Duyên Bánh Đậu
» Gió Từ Sông Luộc
» Ra Đồng Gặp Một Người
» Mùa Tỏi Bên Sông
» Ánh Trăng Miền Châu Thổ
» Mùi Tỏi Cô Đơn