Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Sông Chảy Qua Làng Tác Giả: Thái Hiền    
    Tôi ngồi cùng cha bên bàn nước, phía trước mặt nhìn ra khu vườn rộng. Từ ngày cha về, khu vườn được phủ thêm nhiều màu xanh cây lá. Cha chờ những mầm cây non lớn lên từng ngày gieo chút vui.
    Trà mẹ mới pha, những cánh trà bung nở nguyên búp, ướp hương hoa bưởi, quyện vào nhau thơm tinh khiết. Tôi khẽ nghe hương thơm dìu dịu ấy bao quanh. Cuộc sống ở phố trôi đi vội quá, tôi đánh mất thói quen pha trà uống mỗi sớm mai lúc nào không biết. Và cũng thật lâu, tôi không ngồi uống trà cùng cha như vậy.
    Cha lặng lẽ hút thuốc. Tôi ngồi bên cạnh trong sự lặng yên ấy, nhìn những sợi tóc bạc ánh lên trên khuôn mặt cương nghị của cha. Bất ngờ cha hỏi: “Dạo này, công việc cực lắm hả con. Con đã nghĩ kỹ chưa?”.
    Tôi trả lời cha: “Con nghĩ kỹ rồi. Không phải công việc cực đâu cha. Bởi con đã quá chán ghét sự luồn cúi ở nơi ấy. Thật giả lẫn lộn. Nơi người ta vẽ lên nhiều khuôn mặt, vừa bợ đỡ, nịnh nọt, lại vừa chế giễu đằng sau…”.
    Cha có vẻ hơi bất ngờ nhưng không tỏ rõ thái độ. Đặt chén trà xuống, như chìm vào điều gì đó, trầm ngâm cha bảo: “Con đừng vội nghĩ mình đã đủ khôn ngoan, hiểu đời. Một ít kiến thức, chữ nghĩa trong sách vở và chút kinh nghiệm sống con có được chưa nghĩa lý gì đâu…”. Tôi nghe. Im lặng. Có gì đó ứ tràn…
    Ông nội ho, tiếng gọi đứt quãng thành từng mảnh, yếu ớt, đầy mệt nhọc. Cha vội dụi điếu thuốc đang cháy dở xuống chiếc gạt tàn màu rêu. Tôi toan đứng lên. Cha đưa tay ngăn lại, ý nói cứ ngồi. Tôi nhìn thấy nỗi buồn trượt trên khuôn mặt lúc cha bước đi, có phải không, hay tôi tưởng thế?
    Tiếng cha vọng ra từ phòng nhỏ: “Ông nằm có thoải mái không? Khi nào muốn đổi tư thế ông gọi con”. Không có tiếng trả lời. Tuổi già như gió như sương. Lần này về nhà, ông nội xuống sức nhanh hơn tôi nghĩ.
    Ngoài vườn, chắc hẳn trời đang đổ nhiều sương, lá nguyệt quế láng mướt. Gió lùa trên những phiến lá xanh. Trời thật lạnh. Bảng lảng buồn. Tôi rót trà vào chén, tiếp tục uống. Một mình. Tôi uống như thương nhớ một hương trà đã lạc khi ra phố thị, hay muốn trốn khỏi những nghĩ suy đang cựa mình…
    Những sớm mai ở nhà nội trở về, một hình dung thật rõ nét, tựa hồ như ký ức ấy chỉ cần quờ tay ra là chạm tới. Khi nghe hơi sương thoảng qua trên mặt đất mát lành cùng tiếng chim sẻ gọi nhau trên mái nhà rêu xanh cũ, ông nội thức dậy. Ông cầm chổi quét hết lượt từ nhà trên xuống nhà dưới sạch sẽ rồi chuẩn bị bữa sáng.
    Xong việc, ông pha ấm trà ngồi vào bàn, nắng ngoài hiên trong vắt, sóng sánh vàng. Trước hiên nhà là hàng cau già, có mùa ông nội để nguyên buồng quả đến đỏ lòm trên đó.
    Ông uống trà, thư thả đọc sách, ngồi đợi bạn thơ, bạn cờ có ai ghé qua chơi. Cũng có khi ông gọi tôi đến ngồi bên, ông kể vài câu chuyện hồi xưa xa lắm. Khi ấy, ông nội thật ung dung và tự tại.
    Giờ ông nội ngồi đây lặng yên, bỏ mặc khoảng trời xanh trôi qua ô cửa sổ. Ánh mắt bàng bạc như đã cạn vơi, không năm không tháng. Lặng bên ông, lòng tôi ngập nỗi buồn. Nỗi buồn tôi không muốn giữ lại, nhưng cũng không biết bằng cách nào đánh tản khỏi những suy nghĩ của mình.
    Cha kể, bữa ông nội bỏ cơm, cứ ngồi bên bàn cờ không, mắt khô kiết nhưng buồn như mây trời xa thẳm khi nghe tin bạn cờ mất. Ông ngồi cho đến khi đôi mắt mỏi nhừ, rỉ ra những giọt nước mờ như sương, ông gọi cha ông muốn ngủ.
    Đời người như một chuyến xe. Những tướng, những pháo, những mã... đã nằm yên trong hộp, nhiều năm không còn ai chạm tới. Giọng cha chùng xuống. Tôi biết cha thương ông biết nhường nào. Tình thương ấy tôi có sải cánh rộng cũng chưa chạm tới.
    Bữa về tôi đã thấy cha đóng tủ sách nhỏ mới đặt trong phòng ông. Cha cẩn thận cất lên đó những quyển sách ông yêu thích, gìn giữ suốt thời trẻ. Vài cuốn sách về thuốc nam, sách dạy học, còn phần nhiều là sách văn chương, thơ phú. Có nhiều cuốn rất cũ, ngả màu, tuổi đời sách chắc gấp nhiều tuổi đời tôi.
    Cha đặt tủ sách ở đó, mỗi ngày ông đều nhìn thấy, dù cho ông không còn tường minh nữa. Ngày tôi còn nhỏ dại, thường hay nghe cha nói, văn chương chỉ bay bổng mơ mộng, đưa con người ta rời xa thực tại. Ông nội lại bảo văn chương là một thứ di dưỡng tinh thần, không phải để cầu danh, cầu lợi…
    Trong nhiều cuộc hàn huyên giữa cha và chú thì ông nội cả đời ôm nhiều giấc mơ hão huyền, chẳng để làm gì, chỉ mệt nhọc thân tâm. Tôi nghe biết vậy nào hiểu thấu. Chỉ biết, những ngày hè ở nhà nội, cha cấm tôi lại gần tủ sách, nhiều lần cũng ấm ức trong lòng nhưng không dám cãi lệnh cha.
    Bữa trước thấy tôi cầm cuốn sách trong tủ, cha hỏi: “Con đọc sách này?”. Tôi không trả lời, chỉ hỏi cha rằng: “Cha có nghĩ ông nội nói đúng không, văn chương giúp nuôi dưỡng, tưới mát tâm hồn…”. Cha lặng im. Cha không nói gì mà tôi hiểu. Cha đã đi qua quá nửa đời người, từng trải, vất vả nỗ lực…
    Tôi tìm cha ngoài bến sông. Chiều đã dần buông. Những ánh nắng cuối ngày rớt xuống rực một khúc mặt sông phía xa xa, màu ánh lên như màu phim nhựa cũ. Chậm và buồn. Tôi thấy mình năm xưa là đứa nhỏ, nắm chặt tay cha xuống chuyến phà chiều.
    Bước đi vài bước gặp người quen hỏi, về nội đấy hả con, chuyến này ở lại chơi lâu không. Thuở ấy tôi thật trong veo và vui tươi lắm. Mà có lẽ đứa trẻ nào cũng vậy. Giờ tôi đã trở thành người lớn. Cuộc sống dạy tôi thêm những bài học về nỗi đau, sự mất mát và cả những gian nan, khó nhọc. Nhưng bằng cách này hay cách khác người ta vẫn phải sống và nỗ lực vượt qua.
    Chợt nhớ câu chuyện năm xưa đã hỏi nội về cành đào, khi nhìn thấy dòng nhựa vẫn chảy ròng trên gốc, cha đã hơ ngay vào lửa nóng: “Sao cha phải làm đau cành đào đến vậy hả ông?”. Ông nội giải thích rằng: “Phải hơ gốc đào qua lửa để mặt cắt khô se lại, giúp giữ được nhựa, được dinh dưỡng cho cây. Sau khi chưng chơi, cành đem trồng xuống đất mới bén rễ, đâm chồi nảy lộc. Năm sau, sau nữa, cành đào nhỏ hôm nay sẽ thành cây đào lớn. Cũng như trong cuộc sống, có khi vượt qua đau đớn, khó khăn, nghịch cảnh giúp người ta vững chãi, trưởng thành hơn con ạ…”.
    Đó là câu chuyện năm nào cha về cưa một nhánh đào đặt vào hũ sành đặt trước bàn khách, ông nội không vừa lòng. Ông nội dặn cha sau này đừng làm vậy, không nên, cây nó cũng biết buồn, biết đau đó.
    Cũng không biết nghe ai mách, khách đến vườn, gạn hỏi ông mua cây. Ông từ chối, thư thả uống trà, mặc khách cứ đứng mải mê ngắm cây đào như thể đã trả giá xong rồi. Ông không bán cây, không phải vì ông không có sự câu thúc từ đời sống, mà ông bảo, cây cối có cuộc đời riêng của nó, khi bị bứng đi, tách lìa ra khỏi nơi nó sinh ra và lớn lên thì khó có thể xanh tươi đẹp đẽ được như ở đúng nơi nó đã thuộc về. Những cái cây là bạn của ông.
    Cha đứng đó, lặng lẽ, ánh mắt nhìn về mãi phía bờ xa. Dòng sông trắng hai bờ lau và triền hoa tím dại. Sông bao đời vẫn chảy qua làng như người bạn. Chỉ có tôi đã không còn trẻ dại. Ráng chiều đỏ thẫm. Gió từ ngoài sông thổi vào lành lạnh.
    Tôi hỏi cha nhìn gì. Cha nói không nhìn gì, cha chỉ tìm lại những giao nối của ngày hôm qua và hiện tại. Rồi cha kể, ngày nhỏ, cha lặn ngụp trên khúc sông này như con rái cá, cùng lũ bạn chăn trâu hò hét vang cả mặt sông. Có một lần nghịch dại, nghe lời thách đố cha bơi qua sông, suýt đuối nước. Trận đòn đau nội đánh ngày ấy cha nhớ mãi đến giờ.
    Ngày đó nước sông xanh hơn. Tóc cha giờ cũng đã phai màu. Cha thấy mình như một người tha phương từ lâu, nay quay về chốn cũ. Đi xa quá nửa đời người, những bạn bè cũ, những người quen cũ, những nếp nhà cũ đã đổi thay gần hết. Có người bạn trôi dạt phương nào chưa một lần gặp lại… Bóng tối chấp chới phủ dần từ đỉnh đầu xuống mặt. Trong giây phút tĩnh lặng ấy, tôi nhìn cha thật lâu, nhận ra tuổi tác đã dần xếp trên vai cha nặng trĩu. Những ký ức nổi sôi, bạo liệt của một thời trai trẻ đã thuộc về ngày hôm qua.
    Hôm nay, cha đã hiện hữu trong một vóc dáng khác, chỉ có ánh mắt cha vẫn thật cương nghị và tràn đầy niềm hy vọng khi tôi hỏi cha về hướng đi của cuộc đời. Bàn tay cha rắn rỏi, vỗ nhẹ vai tôi cha bảo: “Tùy con. Con đã trưởng thành rồi. Hãy bước đi thật thẳng bằng đôi chân mình dù con có phải chịu những vết đau, phồng rộp. Và không bao giờ đánh mất đi ý chí…”. Tôi im lặng, biết không thể nói bất cứ lời nào.
    Phía xa, thấp thoáng trên sông con thuyền mộc cũ trôi thật chậm, bóng người đàn bà ngồi ở mạn thuyền cất lên điệu hò xao xác buồn. Điệu hò bay vút lên, tan trên mặt sông mênh mang. Những ngôi nhà ven sông dần sáng lên ánh đèn. Tôi nói với cha: “Mình về nhà thôi cha, mẹ đợi”. Cha khẽ gật đầu…

Kết Thúc (END)
Thái Hiền
» Phía Sau Mưa
» Dẻ Vàng Vẫn Nở
» Đi Qua Mùa Đông
» Một Mối Tình
» Thương Nhau Mùa Xuân
» Như Một Giấc Mơ
» Những Mùa Hạ Đi Qua
» Tựa Lá Vàng Rơi
» Khoảng Lặng
» Lặng Thầm
» Giấc Mơ Xanh
» Tình Ca
» Tựa Lá Vàng Rơi....
» Một Giấc Mơ Qua
» Lời Tỏ Tình Mùa Thu
» Trong Giấc Mơ
» Đôi Mắt Đáng Thương
» Giấc Mơ Xanh ....
» Lời Tỏ Tình Mùa Thu
» Hoài Niệm
» Chuyện Cây
» Sông Chảy Qua Làng