Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hương Của Một Đời Tác Giả: Phan Mai Hương0    
    Những ngày còn lại của tuần trăng mật là cực hình với Điền. Mỗi ngày Điền sợ nhất phải lên giường ngủ. Sáng sớm Điền ngồi bên hồ với ý nghĩ ước sao được ngâm mình xuống, lộn trái mình ra như một cái vỏ chanh. Mỗi chiều, lo sợ mặt trời rơi xuống sau dãy núi xanh tím. Mỗi tối Điền đều nghĩ làm sao ly hôn được ngay. Vùng hồ Thác Bà trong ký ức của Điền chỉ là sự lạnh lẽo vô hồn, sự hung dữ bạo dâm khủng khiếp.
    
    Về cơ quan mới, tôi thân với chị, người thấp béo, chân ngắn bước đi phục phịch. Bàn tay thô ráp, nhăn nheo của người vất vả, không búp măng nuột nà như cô y tá phim Hàn. Mái tóc mỏng dính mọc thưa thớt trên cái đầu tròn và to, vài sợi lơ thơ rủ xuống vầng trán dô. Cha tôi nói con gái trán dô bướng lắm, tôi nghĩ chỉ là thích làm theo ý muốn của mình.
    Với chuyên môn y sỹ, chị phụ trách phòng y tế, về cơ quan trước tôi ít tháng khi xí nghiệp cũ giải thể. Chị chăm chút vài cái giường sắt, tủ thuốc có mấy thứ thuốc tiêu chảy, giảm đau, trà gừng, kháng sinh con nhộng xanh đỏ, bông cồn, panh kéo, ấm chén, phích nóng, nước lạnh, khăn lau, sàn nhà sạch sẽ bóng loáng.
    Lần đầu tiên tôi gặp chị vì một cái tai nạn nhỏ. Sếp giao sắm đồ thắp hương ngày tuần, tôi cắt cuống nải chuối, cắt vào ngón tay máu tóe vung vãi, xuống phòng y tế không thấy ai. Cửa kho hé mở, ngó vào thấy chị lấp ló giữa đống vỏ chăn, ruột bông cao ngút, đồ này dùng cho phòng khách cơ quan. Chị băng vết thương và bảo, sang viện kiểm tra nhỡ phải khâu, không sẹo to xấu đấy. Chị ghi giờ uống thuốc lên vỉ kháng sinh, dặn mỗi ngày xuống đây thay băng, gắng giữ khô vết thương.
    Chị nói đang tranh thủ khâu lại vỏ chăn rách vì chuột cắn. Đột nhiên chị nhìn thẳng vào mắt tôi: “Hoài này, đừng mách sếp nhá, em mới về, nhỡ đâu cậy sếp quý mến, chị sợ”. Tôi ngạc nhiên thấy mắt chị màu nâu, trong veo vẻ ngơ ngác và lo lắng, tuồng như không có âm mưu gì cả.
    Tôi nóng mặt, nhưng cố điềm tĩnh hỏi: “Khâu vỏ chăn sao chị phải giấu”. Chị bảo: “Nhỡ sếp nói chị lơ là công việc, bắt mua vỏ chăn mới thì tiền đâu, lương thấp phải nuôi con ăn học”. Tôi nghĩ nay miệng ai cũng đính kèm câu ấy. Tuy bị chị độp vào mặt không kiêng nể nhưng tôi thấy thiện cảm với chị vì chăm chỉ, trách nhiệm, vì đôi mắt nâu thật thà. Vỏ chăn rách góc lớn, định hỏi sao chị không thuê may. Chợt nghĩ, có cái vỏ chăn rách sao phải to chuyện.
    Đi làm mấy năm tôi biết công sở nhiêu khê, đồng nghiệp ít thân thiện nhiều đề phòng. Họp cơ quan, chị thì thầm “nói biết vậy nha, mấy anh bảo vệ nói Hoài kiêu căng, chắc được sếp cưng”. Tôi vẫn thói quen mỉm cười chào và phóng xe vèo qua cổng như cơ quan cũ. Thời nay vẫn có nơi bảo vệ tự coi mình hơn thủ trưởng sao. Tôi ngạc nhiên và nói cảm ơn chị, trong lòng hơi bực bội. Tôi nghĩ phòng y tế thì khác gì thông tấn xã vỉa hè, nơi dễ buôn chuyện nhất, tránh xa được là tốt.
    Tôi xuống thay băng. Cửa khép hờ, ghé mắt thấy bệnh nhân nữ nằm giường, mặt trắng bệch mệt mỏi. Chị nói to,“ăn cái bánh mì này, uống cốc nước là khỏi hạ áp”. Chị lấy bánh mì chuột trong túi ni lon ngoắc trên cột. Ra chị xách theo chục bánh mì chuột để chữa bệnh. Chị rót nước nóng vào cốc thủy tinh, xúc vài thìa đường gluco khuấy đều lên, thìa chạm thành cốc lanh canh như chào đón buổi sáng vui vẻ. Tôi chần chừ rồi quay gót. Tôi nghĩ chị chữa bệnh kiểu gì kỳ cục, cẩu thả và liều lĩnh. Tôi thay đổi ý nghĩ về chị.
    *
     Chị gái nhắn sang ăn cơm cho vui, ba Ku Bin đi công tác, không phải nấu ăn là thích rồi, với lại lâu không gặp Ku Bin, thằng cháu học lớp 11. Nay lạnh buốt 10 độ, tôi mặc áo len cao cổ, khoác áo dạ to sụ, quàng khăn, phóng xe trên đường gió hun hút.
     Ku Bin đi học về, phong phanh chiếc áo phông bên trong áo sơ mi đồng phục, trán sưng cục tướng bằng quả ổi thâm tím. Tôi hoảng hốt hỏi: “Sao con ăn mặc phong phanh thế”. Thằng bé lí nhí: “Con chào dì Hoài” và liếc vào bếp. Mẹ Hạnh nó chạy ra hỏi vẻ mặt bình thản: “Con vẫn chưa tìm thấy áo khoác à?”. Tôi ngạc nhiên nhìn hai mẹ con.
    Chị Hạnh nói nhỏ: “Hôm qua Ku Bin mặc chiếc áo khoác lông cừu màu đỏ nâu, dì mua khi công tác ở Nga, áo này Ku Bin ít mặc vì dài rộng thùng thình trùm mông, chiều qua về bảo mẹ mất áo rồi, nay thì kèm cục sưng trên mặt, từ từ rồi hỏi vì gì cũng xảy ra rồi. À chiều nay cô giáo nhắn gặp, chắc chuyện này”.
    Ăn xong Ku Bin ngồi vào bàn học. Mẹ Hạnh đã rèn giũa cho tính tự giác từ nhỏ, phải biết tự giải quyết việc của mình, không làm được mới tìm đến sự giúp đỡ của người lớn. Đợi Bin học xong, tôi hỏi chuyện, Ku Bin do dự lát rồi nói: “Bạn Tâm Béo lấy trộm áo khoác của con, cô phạt không cho học, ngồi phòng kỷ luật viết kiểm điểm. Tan học, bạn Tâm Béo xông vào đấm con”. Tôi hỏi: “Con nói gì bạn?”. “Con nói “đồ hư không bố”, cô giáo cũng nói thế”. Chị Hạnh xen vào: “Mai dì đến trường gặp cô giáo Ku Bin xem thế nào, lạ nhỉ thằng Tâm và Ku Bin vẫn chơi với nhau mà”.
    Tôi gặp Tâm ở trường, bằng tuổi Ku Bin nhưng nó to béo, cao hơn hẳn cái đầu, cái trán dô nhìn quen quá như gặp rồi. Thằng Béo bướng bỉnh mím môi, mắt nó lảng tránh mắt tôi nhìn. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt lì lợm phảng phất buồn, già hơn tuổi, có nét quen. Tôi bảo cô giáo cho Ku Bin về lớp học, coi như trẻ con cãi nhau đi. Cô giáo nói: “Lấy đồ của bạn là không thể chấp nhận, từ bé không có bố dạy dỗ sinh hư đốn”. Tôi ra về, mang theo ánh mắt bất cần, vẻ mặt lì lợm của Tâm Béo.
    Tôi đi công tác cả tuần mới về. Đang tưới nước cho cây sống đời thì nghe tiếng gõ cửa, chị Điền vào, tay cầm chiếc áo lông cừu màu đỏ nâu. Tôi ngạc nhiên: “Sao chị có chiếc áo?”. Chị nói: “Áo của thằng con trai tôi được bạn tặng.- Rồi chị kể - nó thích cái áo này lắm, hôm xưa bố nó đi Nga về mua cho nó một cái, sau mất trộm, nó buồn suốt vì tiếc, nay có bạn ở lớp tặng cho, có cái chỗ tay áo bị cháy xoăn dúm vào, nó bảo cất chiếc áo vào đằng sau bếp lò ở trường, giờ làm nào cho phẳng ra”.
    Vậy là tôi hiểu thằng Tâm lấy chiếc áo, giấu dưới nhà bếp của trường, nó có cái trán dô thật giống mẹ. Tôi kể đã gặp cô giáo Chủ nhiệm và thằng Tâm rồi. Đến lượt Điền ngẩn người kinh ngạc, thế ra mọi chuyện không phải như thằng Tâm nói. Nước mắt lưng tròng, chị xin lỗi đã không dạy con chu đáo. Chị nhìn ra xa xăm ngoài cửa sổ nói trong ầng ậng nước mắt: “Tôi có lỗi đã không cho con một gia đình đủ đầy”.
    *
    Thập niên 70 của thế kỷ trước, cha mẹ Điền trong đội ngũ chục vạn thanh niên ưu tú lên công trường xây dựng nhà máy thủy điện, trị thủy sông Đà hung dữ. Chị em Điền quá quen cuộc sống nay đây mai đó theo công trình với cha mẹ, chuyển trường học nốt năm cuối cấp không khó khăn gì. Sức khỏe Điền không tốt nên muốn học bác sĩ, năm đầu thiếu 1,5 điểm Trường Y Hà Nội, Điền quyết tâm thi lần hai. Cha nhờ anh kỹ sư đẹp trai cùng cơ quan kèm Điền môn toán.
     Kỹ sư Hải học ở Nga về, dáng dấp cao to, ăn mặc đúng mốt quần loe ống đứng, đầu tóc cắt cao gọn gàng. Hải qua một đời vợ, cưới khoảng tháng thì ly hôn, chưa con cái, sống kín đáo, không tụ bạ như thanh niên công trường, thích chơi cờ tướng với bố Điền. Quý mến chàng kỹ sư giỏi và chăm chỉ, bố Điền tôn trọng không hỏi Hải về chuyện cũ.
    Điền trượt Đại học Y lần hai, nên học Cao đẳng y tế cộng đồng, gần bốn năm trôi chóng vánh, Điền về phòng y tế của xí nghiệp Lắp Máy. Công trình vào giai đoạn gấp rút thi công cho tổ máy phát điện, đêm ngày trên công trường có hàng chục vạn người làm việc, buổi tối từng tốp thanh niên hết ca lang thang các phố tìm gái tán nhăng cuội, có nhiều đôi làm đám cưới. Hải thì khác, khi rảnh rỗi thú vui của anh là cùng bố Điền ngồi mọc rễ bên bàn cờ tướng, họ thành đôi bạn vong niên. Điền thì hết giờ làm về nhà nấu cơm làm giúp mẹ việc vặt, luộc rá lạc cho bố đánh cờ. Điền quen có Hải trong nhà, mặc nhiên như là cô phục vụ anh vậy.
    “Hôm nay, Hải thua trắng,- bố Điền đùa - chắc anh lại tơ tưởng cô nào chứ gì”. Hải chống chế: “Có cô nào thèm để ý đến cháu đâu”. Bố Điền cười khà khà: “Anh không cô nào thì tôi hơi lạ đấy, hay làm rể tôi đi”. Sau câu nói tưởng như đùa ấy, có đám cưới thật diễn ra chóng vánh như bày bàn cờ vậy. Điền cũng chả suy nghĩ nhiều, em gái lấy chồng rồi, và bao năm Hải ở đấy như chờ Điền, từ nhỏ tới giờ Điền quen nghe lời bố.
    Đám cưới con gái lớn, bố Điền làm giấy xin Ủy ban phường mổ con lợn nhà đang nuôi, ăn cỗ nhà gái, mời nhà trai ở Thái Bình lên dự. Khuya hát hò xong, Hải về phòng tập thể, Điền ở lại nhà, cỗ cưới giống như cuộc liên hoan cơ quan bố và mẹ. Hôm sau Hải xin nghỉ phép, công trình đang thiếu kỹ sư giám sát nhưng không thể từ chối con rể Phó giám đốc xí nghiệp. Hải bảo Điền đi nghỉ trăng mật ở hồ Thác Bà, nơi Hải làm việc sau khi từ Liên Xô về.
    Hai người lên tới nơi lúc bốn giờ chiều, mặt trời sắp tụt xuống núi, một vùng hồ yên ả như viên ngọc xanh ông trời đánh rơi xuống trần gian. Các khách sạn nằm ven hồ thanh thản soi bóng xuống làn nước xanh biếc êm đềm thơ mộng. Điền nghĩ hai vợ chồng sẽ có tuần trăng mật ngọt ngào và lâng lâng hạnh phúc.
    Vào khách sạn, gặp lễ tân đưa giấy tờ nhận phòng, Hải hỏi lễ tân đã chuẩn bị phòng chu đáo chưa, chàng trai lễ tân trẻ măng trả lời: “Thưa anh đã ạ, mời anh chị lên phòng”. Đèn ngủ trong phòng tỏa ánh sáng vàng dịu ấm áp. Một lọ hoa hồng thơm ngát trên bàn. Ghế xô pha màu xanh ngọc cùng màu với rèm cửa mát lịm dễ chịu vô cùng. Chăn gối thơm ngào ngạt mùi tinh dầu hoa hồng, sạch sẽ và tinh tươm. So với căn phòng của Điền ở nhà bố mẹ thì hơn hẳn, so với cái giường trong căn phòng tập thể bốn người của Hải thì đúng là một trời một vực. Điền chỉ thắc mắc về mảnh nilon dùng đi mưa màu xanh ngọc lại để ngay ngắn bên gối.
    Điền nằm quay mặt vào góc vách. Lần đầu tiên Điền ở một mình với người đàn ông xa lạ, cô ngượng ngùng quá thể. Bàn tay của Hải bắt đầu rờ rẫm vào người Điền, rồi anh nhanh chóng lột hết quần áo của Điền ra, cô cong rúm lại, trần trụi như con tôm bị lột vỏ. Một nỗi sợ đột nhiên bao trùm toàn bộ thân thể, Điền cảm giác như con bướm mắc vào lưới nhện, càng vùng vẫy càng bị cuốn chặt. Thân thể Điền căng cứng, run lẩy bẩy như sắp lên cơn sốt.
    Hải rất khỏe, nhanh chóng lật ngửa Điền ra như lật một con cá lên thớt. Hải bắt đầu vạch vòi từng xíu một trên thân thể trinh nguyên của Điền như người mua cá tỉ mẩn đếm từng chiếc vẩy cá. Điền nhắm nghiền mắt, cứng đơ như xác chết dưới tay đồ tể. Bất ngờ cảm giác có cái gì đó nóng rực cứng như cục sắt thúc mạnh vào nơi mềm mại như cánh hoa hồng hé nở, khiến cánh hoa rúm lại rụng lả tả.
    Rồi như chủ nhân chính thức của ngôi nhà không kịp dừng lại nơi ngưỡng cửa để ngắm trong nhà có gì, chủ nhà xông xáo vào trong, lồng lộn lùng sục mọi ngóc ngách, mặc kệ ngôi nhà mong manh yếu ớt quằn quại có khi đổ sập vì mưa gió dông bão ập đến bất ngờ.
    Có nằm mơ Điền không hình dung nổi Hải lại vào cuộc thô bạo và hung hãn đến thế. Trước ngày cưới, Điền hình dung mình sẽ được nâng niu, nhẹ nhàng âu yếm như cách nói năng nhỏ nhẹ của Hải. Ngày thường, khi nào Hải cũng rón rén như sợ làm vỡ, sợ động chạm mạnh. Khi vào cuộc tình, Hải không nói gì, như thể Điền phải chấp nhận những hành vi kì lạ của Hải.
    Sau một hồi hùng hục, Hải nằm thẳng đuồn đuỗn. Điền thấy toàn thân mềm oặt bải hoải như con cá bị vần cho nhũn nhèo trước khi ướp muối. Đang lơ mơ thì Điền thấy Hải vùng dậy với tấm nilon lót xuống dưới người cô. Điền chưa kịp định thần xem Hải làm gì thì Hải đã đè ngửa Điền ra, ngồi lên hai đùi khiến Điền không cựa quậy đươc.
    Hải vạch cửa mình Điền ra xối vào một thứ nước nóng rực, rồi nước nóng rực chảy ào vào bàng quang khiến bụng Điền căng phồng như quả bóng, nước tràn ngập quanh người Điền. Cô hoảng hốt quẫy mạnh, mảnh nilon tuột ra và nước tràn lênh láng trên giường chảy xuống sàn. Hải giơ tay táng một cái tát như trời giáng vào mặt Điền, cô uất ức định gào lên thì bất chợt lịm đi.
    Điền tỉnh lại, mất một phút mới nghĩ ra đang ở đâu. Hải ngồi bệt dưới sàn, lo lắng tột độ: “Em có bị sao không, anh xin lỗi, anh không cố ý làm em đau”. Giờ thì Hải nói rất nhiều. Điền túm đầu Hải tát túi bụi và khóc đau khóc đớn, bao nước mắt đổ ra sạch, cảm giác tiếc nuối bông hoa hồng bị vò nhầu nhĩ. Rất lâu sau, đột nhiên Điền nín khóc, chừng ấy năm sau ly hôn, Hải không có mối tình nào, và Điền đã lờ mờ hiểu tại sao.
    Điền không cần lời xin lỗi từ Hải vì anh không có lỗi. Điền mới có lỗi khi lấy Hải làm chồng. Học y nên Điền hiểu có căn bệnh y học không lí giải được những hành vi kỳ quặc như mộng du. Phải có ai đó nói với Hải là bệnh hoạn, khi thói quen làm tình xong và tiểu vào bên trong bạn tình. Điền nghĩ tình yêu của cô chưa đủ lớn để cùng nắm tay nhau vượt qua trái núi sừng sững trước mặt.
    Những ngày còn lại của tuần trăng mật là cực hình với Điền. Mỗi ngày Điền sợ nhất phải lên giường ngủ. Sáng sớm Điền ngồi bên hồ với ý nghĩ ước sao được ngâm mình xuống, lộn trái mình ra như một cái vỏ chanh. Mỗi chiều, lo sợ mặt trời rơi xuống sau dãy núi xanh tím. Mỗi tối Điền đều nghĩ làm sao ly hôn được ngay. Vùng hồ Thác Bà trong ký ức của Điền chỉ là sự lạnh lẽo vô hồn, sự hung dữ bạo dâm khủng khiếp.
    Điền lẳng lặng nộp đơn ly hôn lên tòa án thành phố. Điền xin cơ quan một gian nhà tập thể. Hải xin sang xí nghiệp khác, bố Điền hỏi thì Hải bảo Phòng Tổ chức tổng công ty điều động. Khi thủy điện Tây Nguyên khởi công, Hải xung phong đợt đầu tiên.
    Thằng Tâm là kết quả của tuần trăng mật. Sau này, biết Điền sinh con, Hải thường xuyên gửi tiền nuôi thằng bé, vài lần xin Điền cho thăm con. Hồi mùa đông năm ngoái bố nó gửi tặng thằng Tâm chiếc áo lông đỏ nâu nhân dịp sinh nhật. Điền chỉ mong bố thằng Tâm có vợ con, sống cho yên ổn. Bây giờ thì tôi hiểu thằng Tâm muốn chiếc áo để chứng minh nó có bố. Tôi sẽ nói Ku Bin tặng cho Tâm chiếc áo, đằng nào thì Ku Bin mặc áo đấy cũng không vừa.
    Tôi tìm đến nhà chị Điền. Gian nhà tập thể nằm khuất nẻo sau chợ cóc, chắn ngang mặt nhà là cái chân cầu, cho nên nắng chang chang mà trong nhà mát như trong hang, nắng lọt khe vào yếu ớt. Con chó vàng to gần bằng con bê gầm gừ sủa vang khi tôi chạm vào cổng. Chị Điền vừa quát chó vừa cầm chìa khóa chạy ra. Thấy tôi, chị ngạc nhiên reo lên. Chị xăng xái dọn dẹp mấy thứ linh tinh: “Em ăn ngô luộc nhé, qua chợ gặp mớ ngô tươi vừa bẻ, thêm ít râu non đun nước uống mát thận lợi tiểu lắm”.
    Chúng tôi rỉ rả đủ thứ chuyện, chị bảo: “Tránh xa thị phi cho lành, đừng ngồi rỗi mà buôn chuyện nhà ra chuyện người, kệ thiên hạ em ạ”. Chị nói xa xôi, nhưng tôi hiểu chị sợ vì đã bóc trần mình ra, thì tôi kín mồm kín miệng.
    *
    Đến cơ quan là tôi đảo qua phòng y tế. Cách ngày không xuống khi gặp Điền lại hỏi mấy nay đâu vắng. Điền đang chăm chú cúi nhìn điện thoại, tôi ú òa phát, chị giật mình ngửng lên. Tôi trêu: “Có anh nào rủ rê à?”. Điền nói vẻ mặt nghiêm trọng: “Thật, có lời rủ cho cuối tuần”. Tôi nhiệt tình: “Triển ngay và luôn thôi chị, đời ngắn lắm, không phải ép mình”. Tôi cười và nói năng ào ào.
    Chị nghiêm túc dè dặt: “Thì đang suy nghĩ đây”. Tôi vẫn không tha: “Ối giời cẩn thận quá mức, mắc bệnh nghề nghiệp à, mà em thấy có lần chị chữa bệnh hạ huyết áp bằng nước đường và bánh mì”. Chị nảy mình lên: “Ai bảo cô?”. Tôi cười ha ha: “Em nhìn thấy...ha ha”. Chị cũng cười ngặt nghẽo: “Ối dời cô theo dõi tôi à? Cô thật không biết à, mấy nàng đấy giảm béo nhịn ăn hạ huyết áp vì đói, chỉ nước đường bánh mì xong béng”. Tôi cười mà không nhịn được khi nghĩ đến mấy nàng giảm béo.
    Chị kể, anh chàng này hơn chị hai tuổi, kỹ sư, chưa vợ lần nào, học cùng khóa phổ thông, chu đáo và thẳng thắn, đề nghị chị đi du lịch Thác Bà, hợp cưới luôn. Tôi bụm miệng xuýt buột ra, ôi giời đã kỹ sư lại chưa vợ? Tôi xúi, chị nhận lời luôn, đi chơi thì quan trọng nhất đi với ai thôi, còn đi đâu mà chả được. Chị ngước lên nhìn tôi, ngây thơ như thể gái mười tám, vậy là quyết luôn cuối tuần này nhỉ.
    Tôi mong gặp chị hỏi han “tình hình” Thác Bà ra sao, nhưng phải đi công tác đột xuất. Có đến ba tuần sau tôi mới về cơ quan. Chị có vẻ mặt không buồn không vui: “Thôi chị quyết rồi”. Tôi vui mừng: “Đám cưới luôn á chị?”. Chị lườm tôi: “Cô chỉ được cái nhanh mồm, là tôi quyết cắt đứt kia?”. “Ôi, đã tìm hiểu gì đâu mà cắt đứt?”. “Thôi, phức tạp lắm!”. “Thì nhà anh ấy có vợ con gì đâu”. “À bố thằng Tâm nói đợi con bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp là xin cho đi làm luôn”. “Thì liên quan gì, bố lo cho con là phải rồi, chị chăm sóc bản thân đi?”. “Đành thế, đợi thằng Tâm đi làm đã”.
    Tôi xối xả, “rồi chị đợi thằng Tâm lấy vợ, rồi chị đợi con nó lớn lên, rồi hết đời chị là xong”. Chị ngượng nghịu: “Chị quen rồi, một mình một giường, nằm ngang nằm dọc tùy ý.- Chị cười- thêm người phức tạp lắm, chị chả lấy chồng, cứ ở vậy đến già, thằng Tâm thì có bố nó lo cho là được rồi”. Tôi bảo: “Chị nên giữ lại một mối quan hệ nào đó, làm bạn tri kỉ cho mình không buồn”. Chị nói: “làm gì có thời gian mà buồn”.
    Thời gian sau, tôi biệt phái vào chi nhánh Sài Gòn. Tôi thích thay đổi, ngẫm số tôi không ở đâu được quá lâu. Lúc đầu, tôi và chị liên lạc qua zalo, chị không thích facebook vì có gì cũng phơi bày ra trước thiên hạ. Sau đấy Zalo cũng thưa thớt dần, gọi chị phần nhiều là không nghe máy, tôi nghĩ chắc chị lại bận rộn mối tình tang nào đó rồi. Tôi cũng bận rộn gia đình nhỏ, cuộc sống trong Sài Gòn khiến người ta năng động, nhưng cũng cướp đi bao nhiêu bạn bè thân sơ vì không kịp có thời gian quan tâm hết. Thời gian trôi nhanh như chớp mắt.
    Tết năm đó, cả gia đình tôi về Bắc ăn Tết, mùng Bốn đến nhà chị Hạnh ăn cơm, hỏi thăm công việc và bạn bè của Ku Bin. Đột nhiên nó bảo:
    - Dì ơi mẹ bạn Tâm nằm bệnh viện đấy, bị ung thư máu.
    Tôi sửng sốt:
    - Sao con biết?
    - Con vẫn chơi thân với Tâm dì ạ, Tâm vừa đi làm vừa chăm mẹ trong viện K.
    Tôi vội mở điện thoại tìm số chị Điền, một số mà lâu lắm rồi tôi cũng quên gọi, may quá vẫn còn đây. Tôi nhìn dãy số quen thuộc ngẫm nghĩ thôi không gọi nữa. Gọi cho chị ích gì đâu, khi mà tôi không thể đến thăm chị, nay là trưa mùng Bốn, vé bay đặt tối nay, mùng 6 đi làm, tôi về chỉ có một ngày dọn dẹp nhà cửa. Chợt nhớ lời chị nói hồi nào, “chả có thời gian mà buồn”, bệnh K đúng là không để cho con người ta có thời gian mà làm gì. Chẳng lẽ chị bị bệnh từ hồi đấy mà không nói cho tôi biết? Tôi cố nhớ lại nét mặt không vui không buồn khi chị nói cắt đứt mối tình vừa chớm kia. Tôi nhờ Bin đến thăm bác Điền hộ, sau Tết sẽ bố trí chuyến công tác ra Bắc, rồi sẽ thăm chị sau.
    Qua rằm tháng Giêng, Ku Bin nhắn tin “dì ơi bác Điền mất rồi, xong việc ma chay bạn Tâm vào Huế làm công trình với bố”. Tôi nghĩ thế là cũng xong một đời. Thế là cũng hết một kiếp người. Sống như chị Điền có vui không. Sống như chị Điền có buồn không. Chị không nợ nần ai cái gì. Bạn bè nợ chị một tấm lòng chân tình.
    Tôi nợ chị một lần gặp mặt. Sống như chị có nhạt không. Khi không còn chị nữa tôi hay nhớ nhiều đến chị. Nhất là những khi tôi không thể chia sẻ với ai chuyện của mình. Tôi nhớ ra là mình đã từng nói với chị bất cứ chuyện gì mà không sợ bị sang tai người khác. Nhưng chỉ khi chị không còn nữa thì tôi mới nhớ ra và biết giá trị của cái điều tưởng như bình thường, nhưng hóa ra rất khó kiếm tìm trong đời này.
    Một lần ra Huế công tác, tôi tìm gặp thằng Tâm, nó vẫn béo thế, nhưng chững chạc và cởi mở, nói cháu chưa cưới vợ nhưng có con rồi. Tâm bảo mẹ cháu phát hiện ra bệnh ngay sau khi cháu đi làm, mẹ cháu xác định trước nên ra đi thanh thản cô ạ. À, mẹ cháu kịp nhìn mặt cháu nội rồi, mẹ cháu có nhắc đến cô, dặn cháu cảm ơn cô vì món quà. Bố cháu có vợ, và cháu có em rồi cô ạ. Cháu sẽ đón vợ con vào đây sống cùng.
    Tôi chợt hiểu, hãy sống bình thường thôi cũng tạo ra một giá trị có ý nghĩa biết bao, và hãy biết trân quý tình cảm của nhau khi ta vẫn còn ở lại trên đời này. Tôi nghĩ trên cao xanh kia, chị cũng sẽ không trách tôi đâu, vì nếu muốn và cần tôi thì chị đã gọi điện nhắn tin, tôi tin rằng số điện thoại của tôi luôn thường trực trong điện thoại của chị. Thế mà chị đã không gọi. Chị lặng lẽ ra đi một mình như thể hàng ngày chị vẫn một mình, không muốn phiền ai.

Kết Thúc (END)
Phan Mai Hương0
» Hương Của Một Đời
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop