Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Thủ Trưởng Tác Giả: Mai Tiến Nghị    
    Tiềm thức con người rất kỳ lạ, Nghĩa nhận ra ngay con đường năm xưa dù bây giờ đã đổ bê tông hai làn ôtô chạy. Anh cũng nhận ra ngay cái ngõ xưa dù ngôi nhà cũ đã được thay bằng một biệt thự xinh xắn. Một người đàn ông cao lớn đang lúi húi với cái chậu cây cảnh ở sân. Đúng là Hậu rồi, vẫn cái lưng hơi gù ngày xưa chỉ có điều đẫy đà hơn. Người đàn ông ngẩng lên, ánh mắt ngạc nhiên dò xét. Nghĩa mở cửa xe bước đến gần: "Nhận ra không? Nghĩa đây!". "Ôi Thủ trưởng. - Hậu nắm tay anh lắc lắc - Chịu Thủ trưởng, già rồi mà còn lái xe".
     - Alô… Thủ trưởng Nghĩa đấy ạ. Thủ trưởng khỏe không?
     Ai gọi mình là thủ trưởng thế nhỉ? Giọng kim the thé nghe quen quen. Mà mình chỉ là giáo làng, có quyền chức gì bao giờ đâu mà thủ trưởng. Chắc tay nào trêu. Nghĩa ậm ừ:
    - Ai đấy?
    - Em đây. Hậu đây. Thủ trưởng không nhớ à.
    - Hậu nào nhỉ?
    - Hậu đảo ngũ… quân của thủ trưởng hồi E Mười chín đấy. Chóng quên thế. Rồi lại còn ở cùng E Năm mốt… Nhớ ra chưa?
    Vậy thì Nghĩa đã nhớ ra. Ông ậm ừ.
    - Hậu đấy à. Ông đang ở đâu?
    - Ở nhà! Già rồi còn đi đâu được nữa.
    - Ờ … ờ. Khỏe không?
    - Em khỏe!
    - Sao biết số điện thoại của mình mà gọi?
    - Giời ạ. Đọc sách của thủ trưởng. Thấy cái số điện thoại. Vậy là gọi. Lên nhà em chơi đi- Hậu rủ.
    - Ờ ờ… nhưng biết nhà ông ở đâu mà lên.
    - Thủ trưởng chóng quên thế. Làng Gành xã Mỹ Thượng… ngày xưa đã về nhà em rồi mà không nhớ à?
    - À nhớ… nhưng đường sá giờ khác lắm. Chả chắc có nhận ra.
    - Không, chả khác mấy tý. Chỉ to hơn thôi. Ôtô vào tận sân. Thủ trưởng lên nhé. Em đợi. Hôm nào lên thì điện cho em theo số này…
    Thì đi. Có lẽ từ khi về hưu đến giờ Nghĩa mắc cái bệnh thích di chuyển. Nhất là từ hồi biết lái xe… Khoái cảm được ngồi sau vô lăng một mình tung tẩy trên đường đã thành đam mê đến mức nghiện. Chứ ngồi ở nhà rồi ngày ngày chìm trong men rượu thấy đời u ám như trời sắp có mưa giông. Chán. Đi để giải tỏa. Đi để mở mang.
    Hậu là lính của Nghĩa thời anh là Trung đội phó. Giờ hắn là cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu. Vây mà giờ một anh sĩ quan cấp cao gọi anh trung sĩ lính trơn là Thủ trưởng. Tréo ngoe thế. Đâm ngượng! Mà mình có lỗi với hắn. Từ khi ra quân đến giờ nhiều lúc Nghĩa áy náy mãi về việc đã làm với Hậu. Thôi già rồi. Lên gặp Hậu để giải tỏa băn khoăn. Và để thanh thản.
    *
    Hè năm 1972
    Trung sĩ Nghĩa thở dài nhìn con đường ngút ngát. Cuối con đường là một cái làng xa mờ. Mặt đỏ bừng, miệng khô đắng, đôi chân mỏi dừ. Quai dép cao su thít chặt khứa vào mu bàn chân làm da chân ở đó xây sát rớm máu và sưng phồng. Không một bóng cây để có chỗ nghỉ. Nhưng người bải hoải không nhấc chân nổi nữa, Nghĩa ngồi phệt xuống vệ cỏ. Trước mắt mọi thứ lòa nhòa vàng ệch màu nắng, cảm giác cơ thể đang teo lại như cái rọc khoai đặt cạnh bếp lửa rừng rực. Nghỉ một tý rồi cố đi. Nhiệm vụ mà. Tổ sư thằng khốn nạn. Nhẽ mà túm được nó thì phải cho một trận. Bắt mình phải suốt đêm lầm lũi đi bộ đến hơn bốn chục cây số. Đấy là may còn đỡ được một chặng ôtô. Chứ nếu không hơn sáu chục cây số… Chết dọc đường ai biết.
    Nghĩa tụt xuống bờ ruộng… đưa tay khỏa nước. Hàng trăm vật như đầu lá lúa loe ngoe bâu đến. Anh đưa tay dụi mắt, cái gì thế này. Rùng mình. Đỉa! Những con đỉa trâu, đỉa hẹ nâu bóng uốn éo đã chực sẵn chỉ đợi người động xuống nước là lao tới. Cơn khát và nhu cầu uống nước thắng cảm giác kinh tởm khi nhìn đàn đỉa xanh rượt nhầy nhụa đông đặc như cá thả trong cái nồi của người buôn cá giống. Nghĩa vụm tay vội vốc nước. May quá. Không con đỉa nào bám kịp. Hớp nước ruộng vào đến đâu thì tỉnh người đến đó. Nhưng khi vào đến dạ dày thì bụng réo sôi ùng ục. Đói. Một cái bánh chưng ăn ở Phủ Lý lúc xuống xe qua mười mấy giờ không còn gì trong dạ dày. Cái ruột tượng vắt vai toen hoẻn mấy bát gạo… giá gặp nhà dân thì vào nấu cơm nhờ. Giữa đồng không mông quạnh này thì đành chịu.
    Hái mấy cái lá ấp vào những chỗ xây sát ở mu bàn chân thấy dễ chịu hẳn, Nghĩa lấy những cái lá lót vào quai dép. Nào. Đứng lên. Lại tiếp tục. Chắc chỉ ba cây số nữa sẽ đến nơi.
    Thằng khốn nạn! Mày làm khổ ông. Vừa đi Nghĩa vừa rủa thầm trong bụng.
    Thằng khốn nạn ấy là Hậu - lính của Trung đội mà Nghĩa là Trung đội phó. Hắn đảo ngũ tối hôm kia. Đơn vị vừa hoàn thành khóa huấn luyện ba tháng chuẩn bị đi đánh nhau. Hành quân cả đêm từ Nam Hà sang Ninh Bình. Vượt mấy cái quèn, đơn vị vào đóng quân ở một thung lũng nhỏ nằm chờ lệnh. Vừa đến nơi đã nghe Tiểu đội trưởng Quang báo cáo tiểu đội em mất thằng Hậu.
    Đại đội trưởng nghe vậy bảo lính của các ông đào ngũ, các ông phải chịu trách nhiệm đến nhà nó mà bắt. Đi luôn! Chứ chậm trễ, mai có lệnh lên đường thì các ông chịu kỷ luật.
    Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng phải lo quản quân, Trung đội phó phải đi bắt đảo ngũ. Như một quy ước ngầm. Khốn khổ. Trung đội phó hơn ai được cái gì. Cũng súng dài ba lô nặng, cũng phương tiện hai cẳng như lính trơn. Cuốc bộ cả đêm, mệt rã người chỉ muốn nằm vật ra mà ngủ. Chưa được nghỉ tý nào lại phải đi sáu bảy chục cây số, lại còn lượt về. Dễ đến hơn trăm cây chứ ít đâu. Đến máy móc cũng hỏng nói chi con người.
    Có chối đằng giời, đành phải đi thôi. Nghĩa gãi đầu nói với đại đội trưởng rằng đi ban ngày nguy hiểm lắm vì máy bay Mỹ đánh phá dọc đường. Cho tôi tranh thủ ngủ một tý rồi chập tối mới đi. Thấy có lý, Đại đội trưởng gật đầu.
    Gần tối, Nghĩa xuống quản lý nhận tiêu chuẩn ba ngày hai cân mốt gạo với hai đồng tư. Tay quản lý mặt lạnh như kem đong cho bốn bát Bê năm hai. "Sao lại có vậy?"- Nghĩa hỏi. Quản lý tưng tửng rằng: "Mỗi bát năm lạng hai… bốn bát hai cân không phảy tám lạng. Thiếu không phảy hai lạng là để trừ hao kho". Nghĩa điên người chỉ muốn vả vào mặt hắn. Nhưng nghĩ làm vậy chả được gì, anh xuống nước thân mật: "Thông cảm cho tớ thêm tý". Hắn đong thêm cho lưng bát nữa rồi bảo: "Hậu hĩnh rồi. Quý lắm đấy nhá. Thôi đi đi".
    Vượt mấy cái quèn mệt vã mồ hôi. Khoảng chín giờ tối Nghĩa mới tới Phủ Lý. Mua cái bánh chưng bốn hào, uống hai cốc nước chè xanh mất thêm năm xu. Dưới ánh đèn dầu tù mù nhìn khuôn mặt hốc hác của Nghĩa, bà chủ quán hỏi:
    - Chú về đâu?
    - Cháu về Nam Định.
    - Vậy bắt ôtô mà về. Mấy ông ôtô tải hay ghé đây uống nước.
     Ngồi đợi gần tiếng đồng hồ sau một cái xe tải sịch đến.
    - Về đâu?
    - Về Nam Định.
    - Năm hào, có đi thì đi?
     Nhẩm trong bụng. Mất thêm năm hào đỡ ba chục cây số. Nghĩa leo lên thùng xe. Xe ậm ạch chạy, đường sá ổ gà ổ voi xóc như lên đồng. Nửa đêm xe thả người xuống đầu thành phố Nam Định. Còn hơn hai chục cây số nữa mới về tới Mỹ Thượng.
    Nghĩa lần mò thập thõm đi bộ suốt đêm.
    Bây giờ thì Nghĩa lê bước trên đường bờ ruộng với đôi chân mỏi nhừ bỏng rát. Ông mà túm được thì ông đập chết mày… thằng Hậu khốn nạn kia ạ.
    Binh nhì Nguyễn Văn Hậu dáng người nhỏ thó với cái lưng hơi gù, đang lúi húi ngoài ngõ đánh vật với bó rạ to như con trâu. Chợt nghe: "Hậu!". Hắn giật mình ngẩng lên. Trước mặt hắn là Trung đội phó với sắc mặt đỏ gay mắt lồi lên từ hai cái hố mắt hốc hác, quai hàm bạnh ra nghiến lại. Bó rạ đang bó dở đổ xòa trên nền đất. Chàng binh nhì trắng bợt mặt mũi mồm lắp bắp "thủ…trư…". Nghĩa tiến đến, tay trái anh túm cổ áo chàng lính trơn tội nghiệp, tay kia giơ cao, miệng rít lên: "Khốn nạn!". Thất thần, Hậu chỉ biết ú ớ: "Mẹ… em… ốm". Cánh tay Nghĩa đột ngột rũ xuống. Ơ… mẹ nó ốm. Sao mình không biết. Vẫn túm cổ áo người lính, Nghĩa hỏi: "Bố đâu?". "Chết rồi!". "Vậy không có ai à?". "Dạ còn mỗi đứa em gái đang đi học cấp hai…". Nghĩa buông tay khỏi cổ áo Hậu.
    Phải làm gì bây giờ. Nghĩa bặm môi nhìn thẳng vào mắt Hậu. Ở đấy có một chút bối rối nhưng thành thực. Tự dưng thấy thương. "Thôi được rồi.- Nghĩa hất hàm - Đứng yên đấy!".
    Nghĩa quay người sải chân bước. Anh ra cái quán gần đó vét túi còn một đồng tư, mua được bốn quả cam xanh và hai lạng đường vàng. Khi quay trở lại vẫn thấy cái dáng gù gù của Hậu bên cạnh bó rạ. "Vào nhà!" - Nghĩa ra lệnh. Hậu lút cút vác bó rạ đi trước. Tới sân, hắn ném bó rạ xuống đất rồi ngập ngừng "mời Thủ trưởng vào ạ".
    Nhà vách đất lợp rạ. Mái nhà vài chỗ trống hoác nhìn thấy trời, tuềnh toàng chả có gì ngoài một cái chõng tre giữa nhà và một cái giường nơi góc nhà. Trên giường lù lù một đống chăn. Hậu đến bên giường khẽ kéo mép chăn: "Mẹ. Có Thủ trưởng đến…".
    Cái chăn khẽ động đậy rồi một khuôn mặt nhỏ thó già nua ló ra. Ánh mắt mệt mỏi nói bằng giọng khào khào: "Thủ trưởng đến à. Quý hóa quá. Nào đỡ mẹ dậy".
    Mẹ Hậu ốm thật! Nghĩa vội vàng đến bên giường: "Mẹ cứ nằm đi ạ. Nghe tin Hậu bảo là mẹ ốm nên đơn vị cử con về thăm. Có chút quà của đơn vị để mẹ bồi dưỡng". Anh đặt cái bọc giấy báo gói mấy quả cam và vài lạng đường xuống bên cạnh bà cụ. Bà mẹ Hậu lúng túng: "Thủ trưởng đã về thăm lại còn quà cáp. Quý hóa quá ạ. Biết lấy gì cảm ơn các Thủ trưởng bây giờ". Mắt bà rưng rưng. Nhìn thân người nhỏ thó, tấm lưng còng, khuôn mặt bấy bớt của mẹ Hậu mà Nghĩa xót xa. Giống mẹ mình. Nếu giờ mẹ mình cũng đang ốm, cũng đang ngóng mình? Tự dưng anh thấy ngượng. Thế mà lúc nãy suýt nữa mình đã tát Hậu. Nếu mình đánh nó thì không biết sự thể bây giờ sẽ như thế nào. Anh bối rối không dám nghĩ tiếp. "Hôm nay mẹ đã khá chưa ạ?". "Cũng còn mệt lắm Thủ trưởng ạ. Tôi đã cấm con em không được nói gì để thằng Hậu yên tâm. Nhưng em nó cứ gửi thư. Tối mịt hôm qua cháu nó mới về đến nhà mà sáng nay các Thủ trưởng đã đến thăm. Quý hóa quá ạ. Thủ trưởng ngồi nghỉ tôi mệt nên xin phép ạ".
    Rồi bà lại kéo chăn trùm người.
    Bắt nó đi ngay bây giờ thì khổ nó. Mà để nó ở nhà thì tội mình. Nghĩa lúng túng trước tình huống này. Giá mà anh có quyền thì sẽ cho Hậu nghỉ mấy ngày chăm cho mẹ khỏi ốm. Nhưng cái chức Trung đội phó đầu binh cuối cán không cho anh cái quyền ấy. Bối rối quá. Có lẽ vẫn phải bắt nó đi thôi. Quân lệnh như sơn. Nó cũng không thể oán mình mà cấp trên cũng chẳng có cớ để khiển trách mình không hoàn thành nhiệm vụ.
    Nghĩa nháy tay đào ngũ ra ngoài sân: "Đi!"- Anh nói cộc lốc và quay mặt đi. Nghĩa sợ phải nói cái lời phũ phàng này. Và anh sợ phải nhìn ánh mắt của người lính thuộc quyền khi hắn nghe cái mệnh lệnh vô cảm.
    Lặng đi một lúc. Nghĩa không thấy Hậu nói gì. Lát sau một tiếng "vâng" nặng nề. Nghĩa quay lại Hậu đang cúi mặt di ngón chân trên nền mặt sân đất. Rồi thấy hắn ngẩng đầu lên: "Thủ trưởng đợi em dọi nốt cái mái nhà và đánh cảm cho mẹ em rồi ta đi. Với lại… với lại cũng trưa rồi Thủ trưởng ở lại ăn cơm!". Có vẻ hợp lý. Nghĩa xuôi tay: "Cũng được. Nhưng phải đi hết đêm đấy". "Vâng".
    Nắng chói chang. Hậu tha thêm mấy bó rạ ngoài ngõ về dong dong vuốt vuốt rồi dùng cái sào đưa lên mái. Hắn vừa rút sào thì bó rạ lại lăn xuống. Y như chơi trò tung hứng. Nghĩa đang ngả lưng trên chõng nhìn ra mà sốt ruột. Thế này thì đến tết cũng chả xong. Anh khoác cái áo vào rồi ra sân: "Để đấy tớ. Cậu leo lên mái đón rạ!". Khi những bó rạ đã được xếp gọn gàng trên mái thì Hậu bốc từng ôm rạ phủ vào chỗ dột. "Ối giời… cậu làm vậy khác nào dẫn nước vào nhà. Để đấy!- Nghĩa trèo lên thang gạt Hậu ra - Đưa rạ cho tớ. Làm như cậu thì gặp mưa càng dột". Nghĩa vuốt từng nắm rạ nhỏ cấy vào chỗ dột rồi chải xuôi theo mái. Hậu lè lưỡi: "Thủ trưởng giỏi thật. Em tưởng cứ phủ lên là xong". "Tưởng cái con khỉ. Làm gì cũng phải học. Làm bừa thì chỉ có hại". Chủ nhà cúi mặt ngượng nghịu. "Thì ra thủ trưởng vẫn còn bực".
    Một cái bóng gầy ngẳng đội nón mê như bù nhìn coi ngô hếch khuôn mặt đỏ lựng nhìn lên mái nhà. Hậu bảo em gái em đấy rồi nói với xuống: "Cái Son đi học về đấy à. Không chào ai à". Con bé lý nhí em chào các anh ạ. Nghĩa cười cười: "Chào em. Đi học về sao còn có cái giỏ thế kia?". Con bé chưa kịp trả lời thì Hậu đã ra lệnh: "Nấu cơm đi.- Rồi hắn quay sang Nghĩa - Nó đi học về còn tranh thủ bắt mớ cua về làm thức ăn anh ạ". Nghĩa sững sờ. Một con bé hơn chục tuổi đầu phải chăm mẹ ốm, đi học về phải bắt thêm mấy con cua để làm thức ăn. Sao khổ thế. Có lẽ phải để thằng Hậu ở nhà mấy ngày…
    Chợt lại nghe Hậu quát: "Ơ hay con bé này không nấu cơm còn chạy đi đâu". Giọng con bé se sẽ ngập ngừng: "Em đi vay gạo". Chết thật mình vô tâm quá. Tháng tư đứt bữa… mấy nhà còn gạo. Nhà mình cũng vậy. "Khoan đã!". Nghĩa nói và thoăn thoắt bám thang tre trèo xuống. Anh cầm cái rá từ tay con bé rồi vào nhà lấy cái ruột tượng đựng mấy bát gạo tiêu chuẩn của mình trút hết vào đó. "Gạo đây. Em nấu cơm đi. Nấu cả cơm anh nữa nhé". Con bé ngước đôi mắt trong veo nhìn anh như ân nhân và khẽ gật đầu.
    Phải đến giữa trưa thì mái nhà mới được dặm xong. Nghĩa thở phào nhìn công trình của hai anh em. Mấy chỗ dặm lên vàng ươm màu rạ mới trên mái nhà xám bạc như những miếng vá vụng về lạc màu trên manh áo cũ. Cũng không đến nỗi nào. Giờ nếu mưa cũng không sợ dột.
    Bé Son dọn cơm ra cái chiếu trải giữa nhà. Một nồi cơm nhỏ, một bát canh và một đĩa cua rang muối… Nghĩa bảo Hậu mời mọi người ăn cơm. Hậu bảo: "Mẹ em ăn cháo, còn bé Son nó đi xin củ ráy dại để tý nữa em đánh cảm cho mẹ. Thôi anh em mình ăn cơm trước".
    Bụng đói nhưng Nghĩa ăn không thấy ngon. Không phải vì bữa cơm đạm bạc mà do canh cánh trong lòng: Hoàn cảnh như thế này mà bắt Hậu đi thì mình nhẫn tâm quá. Nếu trường hợp mẹ mình ở nhà cũng vậy thì mình sẽ xử lý như thế nào?
    Lùa vội vài lưng cơm, Nghĩa đến ngả lưng lên chõng tre và anh thiếp đi lúc nào không biết.
    Nghĩa giật mình tỉnh dậy thì trời đã chiều. Suốt đêm không ngủ lại hùng hục đi, hùng hục lợp nhà nên anh quá mệt, cái mệt đã ngấm sâu vào cơ thể làm chân tay rụng rời bải hoải. Giá đừng phải đi thì tốt quá. Nhìn sang thấy Hậu ba lô sẵn sàng đang ngồi chờ. Đành phải dậy thôi. Nghĩa lặng im một lúc nhìn cái sân đang úa nắng chiều, rồi anh gọi Hậu lại: "Mẹ đang ốm, để mình con bé Son nó không xoay xở được. Cậu ở lại chăm mẹ hai ngày nữa. Đến ngày mốt phải có mặt ở đơn vị. Nhớ chưa?".
    Tưởng Hậu sẽ vui mừng vì quyết định của Trung đội phó. Nhưng hắn lạnh lùng: "Không ạ. Em đi với Thủ trưởng.- Rồi hắn đến bên mẹ - Mẹ ơi! Thủ trưởng bảo con ở nhà vài hôm nữa rồi hãy đi. Nhưng con sẽ đi cùng anh ấy mẹ nhé". Bà mẹ lồm cồm ngồi dậy giọng bớt đục tuy vẫn chưa hết mệt mỏi: "Cảm ơn Thủ trưởng. Tôi đã khá hơn rồi. Khi cháu Hậu đánh cảm cho mới biết bị cảm mùa lào, người ta lại cho uống thuốc Tây nên bệnh càng nặng thêm. Giờ kiêng cữ dăm bữa là khỏi. Thủ trưởng cứ cho cháu đi cùng cho vui".
    Hóa ra mọi tính toan của Nghĩa đều là thừa nhưng anh thấy nhẹ lòng vì quyết định của bà mẹ.
    Hai người đến thành phố Nam Định khi vừa sẩm tối. Vẫy được một cái xe tải… Nghĩa hỉ hả. Cứ đà này chỉ nội nhật đêm nay sẽ về tới đơn vị. Lại một phen xóc như xóc ốc. Nhìn sang thấy Hậu đăm chiêu môi mím lại tự dưng Nghĩa thấy ngài ngại.
    Xe dừng ở Phủ Lý. Hai anh em nhảy xuống. Ông lái xe rậm râu mặt đỏ như Trương Phi chắn đường hai người: "Trả tiền!". Nghĩa giật mình nhìn sang Hậu ý muốn hỏi có tiền không? Hậu lắc đầu: "Em không có.- Nghĩa đành quay sang ông lái xe lễ phép thưa - Chúng cháu không có tiền, bác cho chúng cháu xin". Lão lái xe mồm sặc mùi rượu chửi luôn: "Đ.m chúng mày quỵt tiền à. Bố đập chết!". Lão xông vào Nghĩa. Lập tức Hậu nhảy vào giữa, hắn vươn thẳng người che cho Nghĩa: "Người ta đã xin rồi. Giỏi thì đánh đi". Lão tài xế gầm lên: "Thách bố mày à!". Một quả đấm tung ra trúng mặt Hậu. Hắn lảo đảo. Hậu đưa tay quệt mũi. Nhìn máu đỏ lòe ở bàn tay, Hậu nghiến răng: "Hôm nay tao đập chết lão già!". Hắn bước ra mép đường nhặt một cục đá… Lão tài xế hoảng hồn khi thấy Hậu bị chảy máu, y chạy vội vào cabin sập cửa. Hậu đuổi theo. Nhưng Nghĩa đã ôm lấy Hậu. "Thôi! Cũng tại vì anh em mình không có tiền. Mà người ta cũng chạy rồi…".
    Cái xe vội rồ máy lao đi.
    Hậu ném hòn đá vào vệ đường. Mắt lóe lửa, hắn ném cái nhìn vào Nghĩa.
    *
    Có lẽ Nghĩa quên ánh mắt ném lửa vào anh lúc đó vì nó đã ở vào khoảng xa lắc lơ trong cuộc đời. Nhưng cú điện thoại hôm trước của Hậu đã gợi cho anh nhớ lại ánh mắt ấy. Nó như một phần của quá khứ đã nằm yên trong đầu Nghĩa cùng sự dằn vặt. Do mình mà một chiến sĩ của mình bị đánh. Rồi anh nhớ lại suốt chặng đường từ đấy đến đơn vị, gần hai chục cây số, Hậu chỉ im lặng cắm mặt mà bước, cái lưng như càng gù hơn. Hậu giận anh. Nghĩa biết điều ấy nhưng lúc ấy anh bối rối và đến giờ vẫn thấy bối rối không biết xử lý thế nào.
    Tiềm thức con người rất kỳ lạ, Nghĩa nhận ra ngay con đường năm xưa dù bây giờ đã đổ bê tông hai làn ôtô chạy. Anh cũng nhận ra ngay cái ngõ xưa dù ngôi nhà cũ đã được thay bằng một biệt thự xinh xắn. Một người đàn ông cao lớn đang lúi húi với cái chậu cây cảnh ở sân. Đúng là Hậu rồi, vẫn cái lưng hơi gù ngày xưa chỉ có điều đẫy đà hơn. Người đàn ông ngẩng lên, ánh mắt ngạc nhiên dò xét. Nghĩa mở cửa xe bước đến gần: "Nhận ra không? Nghĩa đây!". "Ôi Thủ trưởng. - Hậu nắm tay anh lắc lắc - Chịu Thủ trưởng, già rồi mà còn lái xe". Nghĩa cười cười: "Già cũng phải cố vớt vát bù cho ngày xưa cuốc bộ rạc cẳng". Khuôn mặt Hậu bỗng tạnh nét cười, giọng chùng xuống: "Gần năm mươi năm rồi...".
    - Nào mời thủ trưởng!
    Hai cái ly chạm nhau sóng sánh. Ánh đèn chan hòa soi hai khuôn mặt rạng rỡ đang hồng lên men rượu. Nhìn cái dáng cao lớn của người đang đối diện, Nghĩa dè dặt:
    - Cái ngày xưa ấy buồn cười nhỉ. Đến giờ mình vẫn còn áy náy. Bỏ qua cho mình nhá. Mà giờ ông là sĩ quan cao cấp, mình chỉ là Trung sĩ lính trơn đừng gọi mình là Thủ trưởng nữa nhá. Ngượng lắm!
    Hậu nhìn sâu vào mắt Nghĩa:
    - Không! Em vẫn gọi anh là Thủ trưởng. Vì em vẫn nhớ chuyện ngày xưa. Vì nó là sự khởi đầu quyết định sự nghiệp của một con người. Nếu hôm về bắt em… lúc ấy anh xuống tay thì chắc em sẽ đảo ngũ vĩnh viễn. Thật đấy. Rồi cái lúc em định đập lão lái xe nữa. Nếu anh không cản lại thì chắc chắn em ra tòa án binh chứ chẳng đùa. Họ sẽ kiện đến đơn vị. Lúc ấy em sẽ là một thằng đảo ngũ, quỵt tiền lại còn đánh dân. Vậy thì bây giờ làm gì có thằng Hậu đang ngồi trước anh đây.
    Ngày còn sống, mẹ em vẫn nhắc đến anh. Cả con bé Son nữa. Nó là giáo viên cũng sắp nghỉ hưu rồi…
    Nghĩa nhìn sang thấy trong mắt Hậu lấp loáng. Có lẽ bởi ánh đèn.
    Hay thật. Ngày ấy Nghĩa xử lý mọi việc như bản năng. Cho đến bấy giờ anh vẫn băn khoăn không biết mình làm vậy là đúng hay sai. Nhiều lúc cảm thấy mình có lỗi. Thế mà Hậu lại cảm nhận và lý giải một cách rành rẽ. Có lẽ vì thấu cái nhẽ ấy nên Hậu vững vàng để thành đạt trong binh nghiệp.
    Hậu giơ cao ly rượu:
    - Mời Thủ trưởng. Anh em mình hôm nay phải uống đến say. Ở đây chơi với thằng em, khi nào hết hơi rượu mới được về. Đảm bảo nguyên tắc đã uông rượu thì không lái xe. Thủ trưởng nhất trí không?
    Ôi cái tay này. Giờ thì hắn lại ra lệnh cho thủ trưởng cơ đấy. Nhất trí!

Kết Thúc (END)
Mai Tiến Nghị
» Thủ Trưởng
» Đại Kỵ
» Mặt Trời Chói Lóa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò
» Người Dưng Làm Má