Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bên Bến Sông Tác Giả: Sưu Tầm    
    Trước ngày đi công tác, dưới ánh trăng tròn đêm mười sáu trên con đường ven sông thân thuộc, Nghĩa bịn rịn tiễn anh Công an xã về đơn vị sau buổi dạy học. Cầm bàn tay nhỏ xinh, mềm mại của Nghĩa, Tâm mạnh mẽ đặt nụ hôn lên môi Nghĩa. Cô thẹn thùng áp mặt vào ngực anh. Ánh trăng óng ánh trên mặt sông. Không gian tĩnh lặng, những làn gió thao thiết, rạo rực như hơi thở của cuộc sống và thời gian như ngừng trôi...
    Sau đợt nắng cháy da, cơn mưa chiều nay trút xuống khiến không khí nơi xóm nghèo ẩm thấp càng thêm ngột ngạt, bùn đất nhớp nháp bám quanh lối nhỏ như phù sa để lại mỗi khi trận lũ đi qua.
    Mưa tạnh hẳn, Tâm dắt chiếc xe Dream đã nhuốm màu hoài niệm ra, nổ máy rồi băng qua con đường trơn trượt hướng ra bờ sông. Ánh nắng rực rỡ lộ ra phía chân trời. Tâm dừng xe, rảo bước quanh nơi mà anh sẽ gắn bó trong những tháng ngày sắp tới. Trầm tư. Yên lặng. Khoảng không bao la, cỏ cây rỉ nước, mớ hỗn độn cứ bủa vây tâm trí anh. Những tia nắng cuối ngày sau cơn mưa khiến mặt sông lấp loáng, mênh mang.
    - Ùm! Ùm! Ùm!
    Phía thượng nguồn, một đàn con nít đang thi nhau leo lên thân một cây sung lớn mọc ngả ra dòng sông rồi cùng nhau nhảy ùm xuống. Tiếng những đứa trẻ í ới nô đùa phá tan bầu không khí tĩnh lặng nơi làng quê. Những đứa trẻ, thân hình khẳng khiu, da đen nhẻm để lộ ra cả những cái xương sườn. Khi phát hiện có người đang đứng nhìn mình, chúng nhìn lại Tâm tỏ vẻ lạ lẫm.
    Tâm ngồi xuống cạnh bờ sông nơi cây đa già tán rộng xếp tầng, từ những cành đa thả xuống những chùm rễ nâu đỏ. Xa xa phía hạ nguồn, một người đánh cá đang thu mảnh lưới cuối cùng, rồi vác chiếc thuyền mái nhỏ lên bờ, đi dần về bến sông. Thấy Tâm, ông vồn vã hỏi:
    - Nhìn chú lạ! Chú dân đâu mới về? Sao ngồi thẫn thờ nơi đây?
    - Dạ! Cháu ở Công an tỉnh, mới đến nhận công tác tại xã mình.- Tâm nở nụ cười.
    - Chà! Chà! Chú quản lý dân 379 này à?
    - Dân 379?- Tâm hỏi lại.
    - À! À! Dân như tôi này. Mưu sinh nhờ dòng sông con nước, nhặt nhạnh từng con cá, con tôm. Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh đó chú!
    - Dạ chú.
    - Dân đây còn nghèo. Chú về giúp đỡ bà con an yên làm ăn, tốt quá! Bữa nào rảnh mời chú ghé nhà chơi. Thôi, tôi phải về lo cơm nước.
    Dứt lời, ông rảo chân về phía xóm nhỏ nép bên những rặng dừa ven sông. Tiếng nghêu ngao câu hò dần xa: “Ơ, muối ba năm muối đang còn mặn, gừng chín tháng gừng vẫn còn cay”. “Ơi, thỏi vàng ân tình thì đi mất, hòn đá vô tình vẫn đứng trơ”.
    Lũ trẻ vẫn nô đùa dưới lòng sông, cảnh vật nơi đây, trong giây phút này khiến Tâm bồi hồi nhớ về quê mẹ. Thiếu hai tháng là đủ 3 năm, Tâm chưa về thăm nhà. Nơi mà Tâm đau đáu bao nỗi niềm. Cha qua đời khi Tâm tròn 5 tuổi – cái tuổi mà Tâm chưa có nhiều ký ức. Mẹ tần tảo sớm hôm gồng gánh nuôi con, thức dậy lúc gà chưa gáy ra vườn thu hoạch rau trái, để kịp phiên chợ sớm mặc giá rét hay sương đêm. Những lúc thế này, Tâm nhớ mẹ vô cùng!
    Tuổi thơ Tâm được nuôi dưỡng bởi những hạt gạo đậm hương vị phù sa sông Hồng và mồ hôi của mẹ, cùng những lời hát ru ầu ơ, những bài thơ, điệu chèo, nhịp phách trầm bổng của bà cất lên bên chiếc chõng tre cọt kẹt trước hiên nhà mỗi tối. Nhưng mẹ ít khi kể về cha. Điều duy nhất mà Tâm có được từ cha là chiếc vòng cổ làm bằng nửa vỏ đạn pháo có khắc dòng chữ “3 - QUYẾT” được gọt giũa tỉ mẩn, là kỷ vật thời cha làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn...
    *
    Tâm cặm cụi với tập hồ sơ được giao trong buổi đầu làm việc tại đơn vị mới. Anh Bình - Trưởng Công an xã bước lại vỗ vai Tâm: “Em phụ trách, quản lý xóm 3. Có chú Sáu 379, một "thổ địa", sẽ dẫn em đi thăm bà con để nắm tình hình”. Nghe thấy con số 379, Tâm ngước mắt theo cánh tay anh Bình chỉ, thì nhận ra chú Sáu. Vẫn nụ cười hiền từ, ánh mắt lấp lánh như trên bến sông chiều qua.
    Một vòng dạo quanh khu xóm, ngồi sau xe chú Sáu giới thiệu cụ thể tình hình dân cư cho Tâm nắm bắt rõ địa bàn mình sẽ quản lý. Hai người trò chuyện suốt cuộc hành trình tưởng như đã thân quen từ lâu. Dừng chân trước cánh cổng gỗ cũ vì mối mọt và nắng mưa, phía sau là hai hàng cau dài thẳng tắp, xen kẽ những khóm hoa mười giờ đua nhau khoe sắc.
    - Nhà tôi đây! Mời chú vô, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ nha! - Chú Sáu cười giòn tan.
    Ngôi nhà ngói ba gian, vườn rau xanh trước sân nhà. Tất cả hiện ra quá đỗi thân thuộc với Tâm. Mùi hoa bưởi thoang thoảng đâu đây. Ngước lên vách tường, không khó để nhận ra những tấm huân chương ngay hàng thẳng lối. Nhấp ngụm trà, chú Sáu vào chuyện.
    - Bằng tuổi chú là tôi đang ở chiến trường K. Trung đoàn 379 của chúng tôi đánh “ngon” lắm… nhưng qua mấy mùa chiến dịch, tiểu đội tôi hi sinh gần hết.
    - Cùng tiểu đội với chú có ai người miền Bắc, huyện…không ạ?- Tâm hỏi hú họa.
    - Cũng nhiều đấy, nhưng sống sót trở về còn mỗi tôi và anh Năm mà thôi. Từ lính về, mướt mải mưu sinh nên hai anh em cũng chỉ gặp nhau được 1 lần hôm ảnh cưới vợ, còn lại chỉ thư từ hỏi thăm nhau. Nhưng ổng cũng theo đồng đội ra đi lâu rồi, do vết thương tái phát. – Thấy Tâm hướng mắt về phía chiếc giường sắt xỉn màu. Chú Sáu tiếp lời - Thằng Tý – giai cả nhà tôi đấy! Sinh ra đã vậy rồi, nhưng quấn tôi lắm. Nó trạc tuổi chú nhưng chân tay co quắp vậy, chỉ bập bẹ không thành lời, nằm một chỗ, bao năm mà như trẻ lên 3.
    - Ơ thế còn cô…?
    - Mẹ nó bạc phận, sinh thằng Tý được bảy năm thì bầu đứa Út, ngỡ tưởng niềm vui bù đắp trọn vẹn nhưng khi sinh đành phải “xổ oi lấy cá”. May trời thương, đứa gái út cũng dễ nuôi, giờ nó đang học trên thành phố, thi thoảng mới về thăm nhà...
    Chú Sáu giờ phụ trách Hội Cựu chiến binh xã nhưng có thời chú làm Công an viên. Chú lớn tuổi, có uy tín, nói bà con nghe, anh em tin tưởng, công việc thuận lợi. Nhắc đến “Sáu 379” đám thanh niên ngổ ngáo trong xã đều phải dè chừng.
    Sau này Tâm ngày càng thân thiết, gắn bó với chú Sáu hơn, thường xuyên qua lại nhà chú. Có khó khăn gì trong công việc, Tâm luôn được chú Sáu hỗ trợ kịp thời. Tâm gần gũi với Tý hơn, chăm sóc và chơi cùng Tý khi chú Sáu vắng nhà. Tâm dần quen với công việc và yêu mến mảnh đất, con người nơi đây. Tình hình dân cư, gia cảnh từng hộ, đặc biệt hộ dân xóm ven sông được Tâm nắm chắc. Bà con tuy nghèo vật chất mà đời sống tinh thần lạc quan, những câu hò điệu lý ngân vang cả một khúc sông khi chiều về hay khuya xuống.
    Chú Sáu là tay chơi đàn cò có tiếng ở xã, tiếng đàn chú da diết, thấu tận cõi lòng. Nhiều lần nghe chú đàn, kí ức tuổi thơ của Tâm lại trở về, anh nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ những đêm chèo...
    *
    Hôm ấy, đến chiều muộn Tâm mới từ nhà chú Sáu về. Mới ra khỏi ngõ nhà chú Sáu, Tâm gặp một người đàn bà đi cùng thằng bé con. Thấy Tâm thằng bé khép nép, rụt rè, Tâm lên tiếng chào trước.
    - Con chào thím, hai mẹ con chắc mới đi chợ về ạ?
    - Chào chú, không phải con mà là thằng Tèo, cháu nội tôi đó. Chào chú Công an nhé, tôi biết chú mới về công tác ở đây.
    Tâm chào hai bà cháu rồi phóng xe đi trước, ngày hôm sau, khi ngồi nói chuyện với chú Sáu, Tâm có hỏi đến người đàn bà và đứa bé con vì trông cứ tồi tội và đặc biệt là đôi mắt của đứa bé con khi nhìn Tâm, nó lạ lắm, như vừa sợ sệt, như vừa muốn gần. Nghe tâm tả về người đàn bà và đứa bé, chú Sáu nói:
     - Cũng là một hoàn cảnh đáng thương trong làng đấy, đợt lũ năm rồi, ba mẹ nó vì kế sinh nhai, cứu con thuyền là tài sản duy nhất mà phải bỏ mạng trên sông. Chú ruột nó là giang hồ cộm cán đang “bóc lịch”, nó ở với bà nội, sắp lên 9 tuổi rồi, ham cái chữ mà chưa được đi học.
    - Không lẽ vì quá nghèo?
    - Cũng chả phải đâu, trước ba mẹ nó sống trên thuyền, nay đây mai đó, nó cũng được sinh ra trên thuyền, không mảnh giấy lận lưng.
    - Thế thì giờ mình phải lo cho nó thôi chú, chú xem trong xóm mình có trường hợp nào tương tự, mình gom lại làm một thể luôn kẻo chúng nó thiệt thòi chú à.
    - Được thế thì còn gì bằng. – Chú Sáu hồ hởi.
    Nói là làm, ngay hôm sau Tâm đã đề xuất với các đồng chí lãnh đạo xã “trả lại tên tuổi” cho những đứa trẻ nghèo xóm bờ sông để chúng nó được đến trường, không những thế, Tâm còn bàn với chú Sáu, xin ý kiến chính quyền mở lớp học tình thương cho tụi nhỏ ngay tại kho chứa đồ của nhà chú Sáu, Tâm trực tiếp đứng lớp.
    *
    Cho đến một ngày như mọi ngày, khi lũ trẻ học xong kéo nhau trở về nhà, cơm nước xong, chú Sáu ôm đàn ra góc sân... Tâm đến bên Tý ngồi xoa bóp tay chân cho Tý đỡ mỏi. Ngoài sân, tiếng đàn của chú Sáu vẫn da diết như ngày nào, khi khúc nhạc “Tình cha” vừa dứt, như không thể tin vào tai mình, Tâm nghe cất tiếng kêu bập bẹ “Cha... ơi!”. Khi nghe Tý kêu đến tiếng thứ hai, Tâm mới tin những gì mình nghe là thật, bèn gọi giật chú Sáu vào. Trước mặt chú Sáu và Tâm, Tý cất tiếng bập bẹ “cha… cha… cha…”.
    Không tin những gì vừa nghe. Ôm Tý vào lòng, chú Sáu hôn lên trán con mà nước mắt lưng tròng, nước mắt Tâm cũng rơi theo tự bao giờ. Thương cho chú Sáu và Tâm cũng đang thương cho chính mình. Đã bao năm nay Tâm không được gọi một tiếng "Cha ơi". Lúc ấy chỉ có cây hoa quỳnh bên cành giao phía ngoài cánh cổng gỗ đang bung sắc trắng tinh tỏa hương trong đêm khuya biết một cô gái đứng ngoài cổng yên lặng nghe hết bản nhạc và chứng kiến khoảnh khắc đó, mắt cũng đang ngấn lệ. Giây phút sau, ngoài ngõ cũng vang lên tiếng gọi “Cha ơi!”.
    Chú Sáu chạy nhanh ra mở cổng. Thấy Tâm, út Nghĩa thèn thẹn lên tiếng: “Dạ, chào anh!”. Ngẩn ngơ với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen long lanh, tà áo trắng xinh ôm lấy vòng eo thon gọn của cô gái tuổi đôi mươi làm Tâm xao xuyến. “Dạ… chú! Chào út...!”. Tâm ấp úng và hai má nóng ran…
    Dọc đường về trụ sở, Tâm như phiêu du bao cảm xúc mới lạ.
    *
    Thời tiết bước vào mùa mưa. Khi tiếng ve râm ran mỗi trưa hè oi bức, đầm sen ngoài bãi bồi cũng rì rào gió thổi, đung đưa những búp xanh hồng dịu ngọt. Đang trên đường xuống địa bàn, tiện nhắn chú Sáu lớp học tạm nghỉ vì Tâm phải đi tập huấn vài tuần, ánh mắt Tâm chợt dừng lại bóng dáng cô gái trên đầm sen, nhận ngay ra út Nghĩa. Anh dừng lại, chờ đợi. Khi chiếc thuyền nhỏ ghé vào bờ, Tâm lại gần đỡ Nghĩa bước lên.
    - Ủa, sao anh biết em ở đây?- Nghĩa bất ngờ và thẹn thùng hỏi.
    - Thì anh thấy nhiều hoa đẹp trên đầm, nên dừng lại ngắm. - Tâm láu lỉnh trả lời và giúp Nghĩa chuyển bó hoa sen lên bờ. Nghĩa chộn rộn khoe với Tâm những búp hoa căng tròn hái được về ướp trà cho cha. Chiếc áo bà ba giản dị bạc màu ôm trọn thân hình căng đầy sức sống của cô gái miền sông nước, khiến con tim của Tâm bỗng loạn nhịp...
    Nghĩa đã được cha kể nhiều về lớp học tình thương và cô thầm cảm mến Tâm. Khi nghe Tâm chia sẻ kế hoạch công tác sắp tới, Nghĩa đã ngỏ ý sẽ thay Tâm đứng lớp trong thời gian anh đi vắng. Tâm dí dỏm: “Chèng đét ơi! Vậy tháng này tui làm không có lương gồi đa”. Nghĩa làm duyên đối đáp: “Chắc hổng đủ đâu nha”. Trên con đường từ bãi bồi về xóm nhỏ ven sông, Nghĩa ngồi sau xe Tâm, giọng nói cô trong trẻo, nhẹ như làn hơi thở thoảng qua khiến Tâm rạo rực. Anh ước gì, con đường này cứ dài thêm ra...
    Trước ngày đi công tác, dưới ánh trăng tròn đêm mười sáu trên con đường ven sông thân thuộc, Nghĩa bịn rịn tiễn anh Công an xã về đơn vị sau buổi dạy học. Cầm bàn tay nhỏ xinh, mềm mại của Nghĩa, Tâm mạnh mẽ đặt nụ hôn lên môi Nghĩa. Cô thẹn thùng áp mặt vào ngực anh. Ánh trăng óng ánh trên mặt sông. Không gian tĩnh lặng, những làn gió thao thiết, rạo rực như hơi thở của cuộc sống và thời gian như ngừng trôi...
    Lũ trẻ trong lớp học tiến bộ từng ngày, cu Tèo tối nào cũng đến sớm nhất, chỗ ngồi bàn đầu tiên luôn là của nó. Hai tuần công tác trôi qua, Tâm trở về với túi kẹo cho lũ trẻ, gói trà biếu chú Sáu và một tấm áo lụa để may áo dài tặng cô giáo Nghĩa - là hình bóng mà anh tìm kiếm, chờ đợi bấy nay.
    Cu Tèo chạy ào lại ôm chầm lấy Tâm và khoe những điểm 10 cô Nghĩa chấm. Nó cầm một tờ giấy, khiến Tâm tò mò:
    - Tèo còn quà gì cho chú à?
    - Dạ! Thư chú Chín mới gửi về cho nội. Con đọc được hết đó. Nội nghe mà cứ khóc! Chú Chín hỏi thăm sức khỏe, xin lỗi bà con trong xóm, chú cải tạo tốt, sắp được về rồi. - Tèo nhanh nhảu khoe.
    Thời gian thoi đưa. Tâm về nhận công tác đã ngót 2 năm. Địa bàn ổn định, người dân đoàn kết hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Chú thằng Tèo sau khi ra tù, vẫn mang biệt danh Chín "gấu" nhưng đã biết tu chí làm ăn, không giao du với những kẻ xấu.
    Tình cảm giữa Tâm và Nghĩa cũng thêm mặn nồng. Tâm tới nhà chú Sáu không chỉ đơn giản là sát cánh cùng các em ở lớp học, chuyện trò công việc với chú Sáu. Mà nơi đó, có tình yêu của anh với Nghĩa đang ngày một tỏa ngát hương.
    Không khí xóm ven sông những ngày cuối năm thật tấp nập, nhà nhà sum vầy trang trí đón Tết, trẻ con tung tăng nhảy chân sáo khắp xóm. Bà con xóm ven sông được mùa, người dân làm ăn cũng khấm khá hơn. Chín "gấu" nuôi heo lớn nhanh, bán được giá, còn hỗ trợ bà con trong xóm con giống. Anh dự định mổ một con heo to nhất để cả xóm liên hoan tất niên và sẽ mời Tâm, anh Bình và anh em Công an xã tới dự.
    Tết này! Tâm sắp xếp đưa mẹ vào ăn Tết với anh em cùng xã và thăm gia đình con dâu tương lai. “Tối mai mẹ tới nơi con nhé!”, mẹ nói với giọng hài lòng trong điện thoại. Vừa cúp điện thoại, ngước mắt lên Tâm thấy Chín gấu mở cửa phòng bước vào, hổn hển nói đứt quãng: “Hùng mặt sẹo – đi chung đợt tôi, đang đói hàng, nó chơi quả lớn khuya nay đó cán bộ”. Rồi bất ngờ như khi xuất hiện, Chín gấu lách người qua cánh cửa phòng biến mất trong màn đêm.
     Tâm lập tức điện thoại báo cáo anh Bình,- Trưởng Công an xã. Cuộc họp diễn ra ngay sau đó, lên phương án để tác chiến. Tiết trời se lạnh. Thông thuộc địa hình, thạo con nước, chú Sáu điều khiển chiếc thuyền nhẹ nhàng tới điểm hẹn trước giờ "G". Anh Bình đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng người nên khi có 2 chiếc xe máy dừng lại ở bãi đất ven sông, tất cả diễn ra đúng dự kiến. Ai nấy đều như nín thở.
    "Mày kiểm hàng đi rồi đưa tiền, để tụi tao biến. Cuối năm nhưng bọn “cớm” vẫn làm căng lắm. Hàng hiếm lắm. Mùa dịch, không dễ gom hàng đâu. Lẹ đi".- Một bóng đen vừa nói vừa phì phèo điếu thuốc lá.
    Ánh đèn từ những chiếc điện thoại lập lòe soi đi soi lại gói hàng vừa mở ra. Một thằng nói: "Ok rồi. Tiền đây"...
    Sau tiếng hô của anh Bình: "Đứng yên, chạy tao bắn!", mấy anh em đồng loạt lao ra quây quanh mấy bóng đen. Sững người trong giây lát nhưng bọn chúng cũng kịp phản ứng. Anh Bình quật ngã được một thằng, trong lúc Tâm và một đồng đội hạ gục thằng cầm gói hàng. Bất ngờ, có tiếng súng "đoàng, đoàng" rồi một tiếng "ụych". Thằng vừa nổ súng đã bị chú Sáu phang cho một mái chèo nằm thẳng cẳng trên bãi đất. Hai thằng còn lại chạy biến vào bóng đêm nhưng bị Chín gấu và bà con xóm ven sông bắt giữ.
    Tâm nhanh chóng được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Chiếc áo phông đẫm máu nhưng may mắn viên đạn xuyên qua phần mềm không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tâm nằm trên băng ca, thiêm thiếp vì vết thương bắt đầu đau nhức. Tại phòng cấp cứu, các bác sỹ nhanh chóng tiến hành xử lý vết thương, cầm máu...
    Lo lắng cho sức khỏe của Tâm, chú Sáu sửng sốt khi nhận ra chiếc vòng cổ Tâm đang đeo có dòng chữ “3 - QUYẾT”, chú lần lên túi áo ngực mình lấy ra cũng một chiếc vòng nhỏ, trên ấy có chữ “79 - THẮNG”, đúng là có phép nhiệm màu của tạo hóa hay anh linh của người cha đã dẫn dắt Tâm đến với đất này, với chú Sáu, với Tý, út Nghĩa, anh Bình và bà con xóm bờ sông…
    Tâm mê man 2 ngày rồi tỉnh lại. Trên giường bệnh, anh từ từ mở mắt và lờ mờ nhận ra những gương mặt thân quen của mẹ, của Nghĩa. Bàn tay thô ráp của mẹ sờ nhẹ lên trán Tâm. Bàn tay mềm mại, mát dịu của Nghĩa đang bóp đều đều nơi bàn tay Tâm...
    Ngoài hành lang, Tâm nghe tiếng chú Sáu nói với Chín gấu: "Tao vừa hỏi bác sỹ, chắc chỉ vài ngày là thằng Tâm nó xuất viện. Mày cứ về chuẩn bị mổ heo ngày tất niên nhé! Mọi việc ở đây, có tao và mẹ con nhà Nghĩa lo".

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Một Thoáng Yêu Đương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Mơ Xuân
» Tiếng Đêm