Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Trăng Rơi Đáy Sông Tác Giả: Mai Tiến Duẩn    
    Trăng sáng quá! Mặt trăng như cái đĩa khổng lồ treo lơ lửng trên nền trời trong vắt. Những cơn gió Đông Nam thổi về mang theo hơi nước xóa tan cái oi bức đến ngột ngạt của đêm hè. Trên con đường bê tông trải đầy ánh điện dẫn vào làng xuất hiện người đàn ông với cái dáng cao gầy bước đi xiêu vẹo. Lão đi về giữa làng, mỗi lần chân lạc bước là người chúi xuống ngã văng như quả bí. Lão lại lồm cồm bò dậy quặn quẹo đánh võng trên đường.
    Cái áo bộ đội đã cởi hết cúc phanh ra làm lộ lồng ngực xẹp lép. Đêm chắc đã khuya, hai dãy nhà bên đường đóng cửa im lìm. Bỗng có tiếng chửi văng vẳng từ trong ngôi nhà còn ánh điện.
    - Tiên sư lão già, tiền không có suốt ngày say. Sống mà như chết. Đồ vô tích sự. Bà cả nể không thèm nói, vậy là được đà uống. Uống vào thì say rồi nói như thằng điên, lại còn mò ra bờ sông hát. Tý nữa về đây chết với bà…
    Một tay lão chống vào cột điện để giữ cân bằng cho cơ thể. Có vẻ không được, cái đầu vẫn đòi chúi xuống. Lão lấy cả hai tay ôm vào cột điện vểnh tai lắng nghe. Miệng lẩm bẩm.
    - Láo! Mụ này láo. Về nhà là để sống, về mà chết thì ông đếch về. Cứ ở đấy mà chửi ông đi tìm nơi có sự sống.
    Lão vận hết sức vào hai cánh tay đẩy người ra khỏi cột điện rồi khật khưỡng bước tiếp để mặc tiếng chửi vang vọng ở đằng sau. Ánh trăng trên bầu trời nhòa vào ánh điện hiện rõ mái tóc bạc như cước trên khuôn mặt gầy gò, chằng chịt nếp nhăn. Lão bước về phía cuối làng.
    - À, mà chắc gì đã là cuối làng. Ngày trước là đầu làng, thời gian biến nó thành cuối làng. Biết đâu sau này nó lại là đầu làng. Mà công nhận làng này đẹp. Từ trên cao nhìn xuống, con sông màu nâu mang nặng phù sa chảy từ đầu làng đến cuối làng rồi rẽ ra làm hai nhánh. Một nhánh chảy thẳng, một nhánh uốn vòng ôm lấy ngôi làng hình yên ngựa.
    Lão ngửa mặt nhìn trăng miệng thốt lên.
    - Trời ơi! Trăng tròn vành vạnh. Giờ này ngồi bên bờ sông mà ngắm trăng chắc sẽ ra được dăm bài thơ. Trăng đêm nay sẽ in hình xuống mặt nước. Những cơn gió khe khẽ thổi làm mặt sông gợn sóng lăn tăn là trăng lại vỡ ra hàng ngàn mảnh.
    Chân lão bước nhanh hơn, đến giữa làng lão dừng lại giụi mắt ngó nghiêng.
    -Sao lại có con sông ở đây? Bên kia là làng khác! Không, không phải cũng là làng mình…
    *
    "Lãnh đạo trên có ý kiến sẽ lấp con sông bên cạnh quốc lộ, rồi đào một con sông ở giữa làng thay thế". Lời nói của Trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Người đàn ông ở phía đối diện với cái dáng dong dỏng, tóc đen mượt rẽ lệch sang một bên miệng dạ vâng rồi chào ra về. Trên đường về ông vừa đạp xe vừa suy tư.
    - Vậy là cấp trên có ý định xẻ sông, cắt đôi làng. Không được, dứt khoát không được. Cái yên ngựa mà xé ra làm hai thì hỏng, còn dùng được việc gì nữa. Dòng sông đang chảy theo quy luật của nó, hà cớ gì mà lấp? Con người hình như sinh ra có tác dụng hủy hoại môi trường tự nhiên. Cứ ra sức tàn phá những gì mà đấng tạo hóa ban cho rồi đến ngày phải trả giá. Mà người trả giá chính là anh em, họ hàng, làng xóm của mình.
    Ông đạp xe thật nhanh tới ngã ba sông. Dựng xe ven đường chạy đến lũy tre nhìn xuống dòng sông. Ở trên đầu nguồn chắc đang mùa lũ nên mặt nước nhuốm màu đỏ ngầu. Con sông chính là hơi thở của cánh đồng lúa nặng trĩu hạt thóc vàng. Nó ôm lấy làng như người mẹ ôm con vào lòng. Mà cũng lạ! Quốc lộ vừa được mở rộng, mặt trải nhựa phẳng lì thì lại lấp sông. Như nghĩ ra điều gì, ông lên xe đạp thẳng về làng. Rồi đến nhà Xóm trưởng trao đổi. Ngay tối hôm đó người làng có mặt đông đủ ở sân kho. Ông khẩn khoản trình bày.
    -Kính thưa các cụ, cùng bà con. Sáng tôi đi họp, lãnh đạo có kế hoạch lấp sông bên cạnh đường quốc lộ rồi xẻ sông giữa làng phục vụ cho nông nghiệp. Theo ý kiến cá nhân tôi, các cụ ngày trước đều thuận theo tự nhiên, dựa vào dòng sông để lập làng lập ấp. Dòng sông là huyết mạch của làng, nó cũng như mạch máu trong cơ thể con người…
    Ông nói đến đây thì dừng lại như để thăm dò ý kiến. Người ngồi dưới bàn tán xôn xao. Bỗng có gã trung niên mặt đỏ gay gắt đứng phắt dậy nói.
    - Con sông bên cạnh đường. Lấp đi chỉ để bán đất.
    Mọi người ồ lên, vỗ tay đồng thanh nói: "Đúng, đúng rồi". Ông cụ dáng người đậm, khuôn mặt hồng hào đứng lên.
    - Đề nghị bà con trật tự. Trước đây tôi nghe các cụ nói đất làng linh thiêng, lại ở cái thế hình yên ngựa. Yên trong chữ yên bình. Đất đang một dải tự nhiên cắt làm hai sẽ đứt long mạch. Làng sẽ mất đoàn kết, mất đi sự yên bình. Tôi không đồng ý lấp sông.
    - Đúng rồi! Không được lấp sông.
    *
    Lão tiến sát bờ sông, đưa mắt nhìn sang bờ bên kia.
    - À! Nhà thằng già bên kia sông. Sang đấm vào mặt cho nó cái. Mồm nó phản đối mạnh nhất. Nào là không để cắt đứt long mạch của làng, không cho xẻ sông giữa làng, không đồng ý lấp sông. Ờ! Vẫn xẻ, vẫn lấp. Làm gì được nào? Chắc bị tống vào mõm cục tiền to tướng nên ú ớ nói không ra tiếng.
    Lão trợn mắt rồi bước luôn xuống sông để lội sang bờ bên kia. Chân vừa đưa lên lão vội giật nhanh trở lại, một cảm giác rờn rợn khi nhìn xuống mặt sông. Trăng treo trên đỉnh trời chiếu sáng hiện rõ nước sông đen sì đặc quánh. Trên mặt nước phềnh phềnh những đám cá chết nổi trắng bụng, rồi những đám rêu nhầy nhầy. Lão nhìn dòng sông nuối tiếc.
    - Con sông được kè đá thoai thoải hiện đại nhưng chẳng bằng con sông đầu làng trước kia. Một bên là đường, một bên là bờ đất chảy cuồn cuộn mang phù sa màu mỡ. Cứ chiều hè, người dân trong làng ra tắm, mọi người hòa mình vào dòng sông. Gã cũng vậy, thỏa sức bơi lội ngụp lặn nô đùa. Phù sa thấm đầy và nhuộm đỏ những sợi lông tơ được nắng chiều chiếu vào ánh lên màu hồng rạng rỡ. Gã còn theo cha ra sông gánh nước về đổ vào bể rồi đánh phèn dùng làm nước sinh hoạt. Dòng nước phù sa như dòng sữa mẹ nuôi gã lớn lên. Đúng là một bát sa bằng ba bát thuốc bổ. Rồi đến tuổi trưởng thành gã ôm súng lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương. Những buổi hành quân ngang qua con sông ở đâu đó gã lại nhớ về con sông quê hương. Đối với người mang tâm hồn thi ca như gã thì dòng sông đẹp nhất vào đêm mười rằm, mười sáu hàng tháng. Đêm hôm đó là "nguyệt trầm thủy bể", mặt trăng chìm dưới đáy nước rồi hắt ánh sáng lên trên. Cả con sông ánh lên màu vàng óng ánh như mỡ gà.
    Lão tu lên khóc, giọt nước mắt chảy xuống miệng mặn chát. Lão nhìn chằm chằm vào ánh trăng bàng bạc dưới đáy sông.
    - Trăng giờ đây không còn là nguyệt trầm thủy bể. Trăng đã rơi đáy sông, chìm dưới dòng nước màu đen nằm cùng lớp bùn nhơ nhớp bẩn thỉu.
    Lão thét lên.
    - Ông sẽ tới cái cầu đằng kia qua sông sang hỏi tội thằng già.
    Một chân giơ lên đưa về trước, chân còn lại như mềm ra, trụ không vững, thế là người lão như bao gạo lăn xuống sông. Ùm! Nước bắn lên tung tóe. Lão ngoi lên. Một tay bám vào bờ, một tay đưa lên vuốt nước cùng rác bám trên mặt. Lão tru lên.
    - Thối! Đ… mẹ nó thối. Đ…mẹ nó bẩn. Thối bẩn như cuộc đời của ông.
    *
    "Sắp tới có doanh nghiệp về đầu tư xây dựng khu công nghiệp. Huyện ta ưu tiên phát triển kinh tế, giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định. Đồng chí về thông báo những hộ dân có ruộng trong diện quy hoạch sẽ thu lại làm dự án. Tiền đất do doanh nghiệp đền bù. Con cháu những hộ nông dân đó được vào làm công ty ở khu công nghiệp…", đó là lời của lãnh đạo.
    Khuôn mặt người nghe giãn ra, ánh mắt sáng rực. Bao nhiêu xã người ta không đầu tư mà lại đầu tư về xã mình. Ruộng ở khu quy hoạch toàn của người làng. Làng này sẽ là làng công nghiệp, người nông dân đổi đời rồi. Ông bắt tay, cảm ơn lãnh đạo ra về. Ông viết giấy, cử người đưa đến từng nhà mời lên ủy ban xã.
    Buổi sáng, những người dân có ruộng trong diện quy hoạch tới đông đủ. Ông cầm trên tay cuốn sổ, mặt tươi cười chào bà con rồi phát biểu.
    - Thời đại của công nghiệp, chỉ có công nghiệp mới đưa đất nước chúng ta tiến lên. Xã chúng ta có khu công nghiệp thì mới phát triển. Tôi được cấp trên chỉ đạo thông báo sẽ thu hồi ruộng của bà con ở đây để làm khu công nghiệp. Tiền đền bù do doanh nghiệp trả. Các bác và con em ở làng nếu không có việc thì vào làm công ty trong khu công nghiệp. Lãnh đạo nói mấy năm nữa hết hạn giao đất nông nghiệp cho dân sẽ có kế hoạch chia lại. Khi đó bà con ở đây lại có đất để trồng lúa.
    Phòng họp ồ lên, ai nấy vẻ mặt đều phấn khởi. Phấn khởi là phải vì bán ruộng có tiền mà mấy năm nữa hết hạn giao đất sẽ có lại ruộng để trồng lúa. Nông dân lợi đôi đường. Những tiếng "tốt quá, tốt quá" từ bên dưới vọng lên. Cả xã xôn xao, chỗ nào cũng nói về khu công nghiệp. Làng của ông cũng xôn xao, nhưng mà xôn xao chuyện đất cát. Người đồng ý thì nhiều, người nghi ngờ không hài lòng thì ít. Người không hài lòng cho rằng "Làm gì có chuyện được phân lại đất, nông dân bán ruộng thì lấy gì mà ăn". Nhưng là số ít với lại cấp trên đã quyết, không đồng ý cũng phải bán. Lãnh đạo gọi ông vào huyện trình bày.
    - Anh có uy tín với dân. Anh đại diện cho dân nhận tiền từ doanh nghiệp luôn. Chứ để doanh nghiệp tiếp xúc lại lắm phiền hà.
    Ông đồng ý nhận tiền từ doanh nghiệp rồi mời người dân đến ủy ban giao tiền. Ông tự hào vì giúp được bà con, đã được tiền mà con em họ luôn có việc làm ổn định. Người ông lâng lâng, ông là anh hùng của làng. Trong xã hội, không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Bách khẩu bách ngôn. Ông là người tốt, là người hùng cũng không tránh khỏi sự ghen ghét đố kỵ. Chẳng thế mà ông nhận được giấy triệu tập của Công an. Họ đề nghị sang để giải quyết đơn của một số người dân bán đất kiện ông lên huyện. Trong buổi làm việc, đồng chí Công an nói.
    - Nhận được đơn kiện của một số bà con. Chúng tôi điều tra nhận thấy trong vụ việc người dân bán đất cho doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng quyền hạn để buôn đất.
    Ông cau mày, mắt đỏ lừ phản ứng.
    - Lợi dụng ở đâu? Tôi đại diện cho dân nhận tiền của doanh nghiệp rồi giao lại cho bà con. Tôi được đồng nào mà lợi dụng.
    Đồng chí Công an tiếp lời đầy chất thép.
    - Anh không hiểu pháp luật. Anh đại diện cho nhà nước, là người ở giữa anh phải cho dân tiếp xúc với doanh nghiệp. Hai bên người ta thỏa thuận rồi họ ký vào giấy nhận tiền với nhau. Đây anh lại ký vào.
    Khuôn mặt ông tái dần, hơi thở gấp gáp hơn. Ông trấn tĩnh trở lại, mắt nhìn đồng chí Công an nói
    - Cấp trên chỉ đạo tôi vậy. Để tôi gặp cấp trên trình bày.
    - Cấp trên chỉ đạo có văn bản giấy tờ gì không? Nếu có anh đưa ra.
    Ông ù tai, đầu óc choáng váng chưa hiểu chuyện gì xảy ra, miệng lắp bắp ú ớ chào ra về. Trong lòng thấy bất an, có chuyện chẳng lành sắp xảy ra với mình. Từ cơ quan Công an, ông đi thẳng về làng. Tới lũy tre nơi ngã ba sông thì ngồi lại. Trên mặt sông những dòng xoáy réo lên sùng sục. Thi thoảng có xoáy nước sâu hình phễu nuốt chửng miếng gỗ hay vật gì đó đang trôi trên mặt nước xuống đáy.
    - Có lẽ mình bị lừa. Lấp sông sẽ có một dãy dài đất mặt đường giá trị. Mình là người phản đối quyết liệt. Hay là họ nghĩ ra cách này để hại mình… Không! Làm người ai làm thế? Mà tại sao lại xẻ con sông giữa làng, tại sao lại là giữa làng? Thôi chết rồi, xẻ giữa làng thì con sông sẽ đi qua khu công nghiệp. Hệ thống nước thải của khu công nghiệp sẽ đổ ra đó. Ngày mai mình sẽ gặp lãnh đạo để hỏi… Hy vọng lãnh đạo sẽ nhận. Còn không nhận thì chữ ký của mình ở đây, chối sao được.
    Cả đêm không ngủ, sáng cũng chẳng ăn gì. Ông vội vàng lấy xe đi thẳng vào huyện. Nhưng đến nơi người ta cho biết lãnh đạo đi họp. Chán nản, tuyệt vọng, ông ra về, đầu óc rối như tơ vò. Vừa tới cổng Ủy ban xã thì cán bộ Công an, Viện Kiểm sát đưa ông vào phòng họp rồi họ đọc lệnh. Từ người hùng trở thành tội đồ, ông bị khai trừ khỏi đảng, khởi tố và bắt giam. Tin ông bị bắt giam vì tội lợi dụng quyền hạn buôn bán đất loan về làng. Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng bàn chuyện ông mua đất của dân bán cho doanh nghiệp kiếm lời. Họ chửi ông.
    - Đạo đức giả, biết ngay mà tấc đất tấc vàng…
    *
    Mùi hôi thối từ dòng sông bốc lên khiến lão nấc lên, miệng phun thức ăn ra ngoài như cái vòi rồng. Hai tay chống vào bờ sông kè đá thoai thoải. Đầu cúi xuống, miệng khạc nhổ, nước mắt, nước mũi, nước dãi cứ thế chảy. Lão đưa cánh tay gầy gò với lên, hai bàn tay gân guốc bám chặt vào hai hòn đá nhô ra. Dồn hết sức vào cánh tay, lão dùng chân đẩy người nhoài lên. Nhoài lên trên bờ kè được chút thì hai bàn tay bám vào đá trượt ra, mười đầu ngón tay trầy xước. Thế là lão lại lăn ùm xuống sông. Lão lại vùng dậy với tay cào mạnh vào bờ đá. Càng cố sức, càng cào mạnh càng làm những ngón tay trầy xước. Máu rỉ ra đỏ thẫm các đầu ngón tay.
    - Thối quá! Ông phải lên bờ, phải thoát ra khỏi con sông. Ông không thể chết ở con sông này.
    Có lẽ lão đã mệt sau mấy lần bò lên bờ không được. Lão quay người lại dựa lưng vào bờ.
    - Ông cầm súng chiến đấu để bảo vệ cho làng quê được yên bình. Hết chiến tranh trở về xây dựng quê hương. Tưởng như lên chức chủ tịch xã sẽ giúp được bà con ai ngờ lại tiếp tay cho kẻ xấu. Lũ đểu cáng, lợi dụng ông lừa nông dân lấy đất rồi bỏ tù ông. Nông dân người thì ba sào, người dăm sào có người cả mẫu đền cho người ta mấy chục triệu. Ấy vậy mà bán cho doanh nghiệp một miếng lên cả tỉ. Ngày ông đi tù cũng là ngày phun cát lên cánh đồng để làm khu công nghiệp. Con sông mới xẻ thì bắt nguồn từ con sông lớn, chảy qua làng đến khu công nghiệp. Xẻ sông giữa làng xong thì tiến hành lấp con sông ngoài đầu làng, trơ ra bãi đất rộng dài hàng trăm mét song song với quốc lộ. Sau đó lại còn giở trò thông báo đất đã phân thành từng lô, ai có nhu cầu thì đến đăng ký mua hồ sơ đấu giá. Dân làng này quanh năm đầu cắm xuống đất, mông chổng lên trời lấy đâu ra tiền mà mua. Đến khi công bố trúng thầu thì toàn chủ doanh nghiệp hoặc là anh em bạn bè thân thiết của lãnh đạo. Ông không đi tù thì đố thằng nào lấp được sông. Tất cả đều nằm trong kế hoạch.
    Lão thấy tai mình vẳng lên: "Sống mà như chết. Đồ vô tích sự".
    - Mụ vợ nói phải. Kẻ thù của nông dân, kẻ thù của những người lương thiện thì sống làm gì. Sống thêm một ngày không dài, sống bớt đi một ngày không ngắn. Đêm nay ông sẽ chết. Ông lội qua sông sang bờ bên kia đi về bãi tha ma cuối làng. Nằm đấy chết phải mấy hôm người ta mới phát hiện ra, khi đó vợ con cùng người làng không phải kèn trống đưa ma. Chỉ việc đào cái lỗ rồi vất xuống là xong.
    Lão cởi ngay cái áo đang khoác trên người ném xuống. Bì bõm lội qua đám rêu, đám cá chết, đám rác bẩn thỉu…Mặc kệ mùi hôi thôi bốc lên băng băng sang bờ bên kia. Sang đến nơi, lão bám vào các mỏm đá bò lên bờ. Lão mò tới con đường hướng thẳng ra bãi tha ma. Vừa bước vừa ngửa mặt lên trời đọc thơ.
    “Sống tủi làm chi đứng chật trời
    Sống nhìn thế giới hổ chẳng ai
    Sống làm nô lệ cho người khiến
    Sống chịu ngu si để chúng cười
    Sống tưởng công danh, không tưởng nước
    Sống lo phú quý chẳng lo đời
    Sống mà như thế đừng nên sống
    Sống tủi làm chi đứng chật trời"
    Trăng mười rằm vàng, ánh trăng trải đều trên cánh đồng lúa màu xanh rồi giăng mắc trên từng nhành cây sợi cỏ. Tiếng xào xạc của tán lá, tiếng kẽo kẹt của rặng tre rồi tiếng ếch nhái hòa cùng giọng thơ tạo thành bản nhạc sống động. Thỉnh thoảng có những con chuột chạy băng qua đường khiến lão giật mình.
    - Ở nhà mới có chuột. Tha ma toàn là người chết, thế mà vẫn có chuột. Đến người chết mà bọn chuột cũng đòi ăn. Ồ hay thế! Nơi nào cũng có chuột. Tý nữa ông chết chúng mày đừng có ăn thịt ông. Liệu cái thần hồn.
    Lão bước vào khu lăng mộ ngay sát bờ đường. Tiến lại ngôi mộ, từ từ ngồi xuống rồi vỗ tay bồm bộp vào tấm bia.
    - Chết lâu chưa? Đang ở thiên đàng hay địa ngục? Tôi chết thì chắc chắn xuống địa ngục, không biết vào tầng nào? Cầu xin ông trời cho xuống cái tầng có rượu để uống. Uống để quên hết mọi thứ ở trần gian. Nếu không có rượu thì chân tay bủn rủn rồi vật tung thằng người lên.
    Gió lồng lộng thổi đưa mùi hương thoang thoảng của lá lúa, mùi thơm của cỏ cây, mùi hương hoa dại, mùi ngai ngái của đất… Thấm vào từng phế nang trong phổi rồi ngấm vào máu theo hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể. Lão lăn ra bên cạnh ngôi mộ, miệng thở phì phò.
    - Chết nhá. Tôi chết đây.
    Trong làng mọi người đang rầm rập chạy trên con đường dẫn ra sông lớn. Tiếng họ nói "Ông ta là người tốt" văng vẳng vang lên trong đêm thanh vắng. Nó vang vọng khắp làng, vọng ra bãi tha ma khiến lão giật mình mở mắt.
    - Người tốt! Họ cho ta là người tốt. Ông không phải kẻ thù của người dân. Ông không chết nữa. Phải sống để đấu tranh với bọn xấu.
    Lão nhổm người bò dậy chạy về phía có tiếng gọi, mắt nhìn thẳng vào mặt trăng hô to: "Từ nay bỏ rượu".

Kết Thúc (END)
Mai Tiến Duẩn
» Chuyến Tàu Đêm
» Trăng Rơi Đáy Sông
» Đào Duyên
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop