Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đôi Mắt Nàng Chăm Tác Giả: Đỗ Bích Thủy    
    Trong suốt những cuộc hành trình của mình, những cuộc gặp ngẫu nhiên hay chủ ý, thoáng qua hay lâu dài, thì có lẽ đây là lần tôi bị một đôi mắt ám ảnh nhiều nhất. Đôi mắt của một cô gái, trong vóc dáng mỏi mệt của một bà mẹ. Không biết cô bao nhiêu tuổi, có lẽ 24 hoặc 25, cũng có thể ít hơn. Bên hông là một cô bé con chừng 5-6 tuổi. Đó là lúc tôi đang đi vào làng Chăm, gần đến thì gặp hai mẹ con đi ra. Cô không nói được tiếng Kinh, hỏi gì cũng lắc.
    Tôi giơ máy ảnh lên, cô đứng yên, xốc đứa con cho vững, và nở nụ cười. Một nụ cười buồn bã và nhu hòa, trên gương mặt gầy. Nhưng điều đáng nói hơn cả, như tôi vừa nhắc ở trên, là một đôi mắt rất to. Ôi, thật sự là một đôi mắt to quá khổ so với gương mặt gầy guộc ấy. Làn da nâu, mịn màng, vài nếp nhăn sớm, và một đôi mắt to, ướt, thăm thẳm, bí ẩn và quyến rũ, một chút hoang mang, thấp thỏm, một chút hy vọng, hàng mi cong và dày, một nốt ruồi nhỏ nhưng đậm, nằm ở khóe mắt bên phải. Toàn bộ gương mặt cô được bao bọc bởi một chiếc khăn mat’ra mầu đen, như thường thấy ở những phụ nữ Chăm theo đạo Hồi Islam. Chiếc khăn khiến gương mặt giống như một mặt trăng giữa tháng, lại cũng khiến tôi nghĩ đến một chiếc giếng, rất sâu.
    Chỗ này nằm gần biên giới Campuchia. Từ đây sang đất bạn rất gần. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ, thuê người chở bằng xe máy, băng qua cánh đồng toàn lúa đang lúc chín rộ óng vàng, qua cửa khẩu tiểu ngạch, là sang tới đất Campuchia. Ngay đó, chính ở cửa khẩu, là một sòng bài lớn. Rất gần, nhưng hầu như tôi không cảm thấy “không khí” Campuchia như thường thấy ở những vùng giáp biên với bạn. Cái “không khí” ấy là gì thì rất khó nói, chỉ có thể cảm thấy. Và nếu như không được nói trước, không được biết về chặng đường vừa đi từ thành phố tỉnh lị Long Xuyên, mà chỉ đùng một cái rơi vào Đa Phước, thì có lẽ nhiều người sẽ bất giác tưởng là mình đang ở một nơi nào đó thuộc Trung Đông.
    Cô gái, tôi muốn gọi cô như vậy hơn là thiếu phụ, vẫn cắp nách đứa con có gương mặt rất nhỏ nhưng cặp mắt rất to giống mẹ, đi trước, dẫn đường cho tôi vào ngôi làng. Chúng tôi leo trên cây cầu mảnh dẻ được đan bằng những cành cây nhỏ, lát bên trên bằng những phiến gỗ mỏng dính. Tôi thầm nghĩ, ơn giời là mình không quá nặng để cảm thấy nguy hiểm khi đi trên cây cầu. Cô gái chốc chốc ngoái lại, dường như cô cảm thấy nỗi bất an của tôi. Chỗ này thường ngập chìm trong nước vào mùa nước nổi. Giữa làng có một cây cột gỗ, trên đó có khắc mức nước lên cao nhất theo từng năm. Mực nước ở mức cao nhất là gần 2 m, cách đây gần chục năm. Với gần 2 m nước ấy, mọi nếp nhà nhỏ trong ngôi làng cũng nhỏ này sẽ không khác gì những chiếc lá nổi lều phều trên mênh mông bể sở nước nôi.
    Trẻ con túa ra, rất đông. Chúng chèo kéo mua hàng. Trong những thứ lũ trẻ bán, không hiểu sao, lại có cả những món mà tôi từng thấy ở… Sa Pa. Trong làng có một vài gia đình vẫn đang dệt vải, những chiếc khung cửi lạch xạch. Vẫn là những gương mặt phía trong khăn mat’ra, tròn trĩnh, nhưng im lìm, lạnh lùng và không ai nở một nụ cười. Tôi chỉ nhận được một nụ cười duy nhất từ cô gái có đôi mắt to quá cỡ này trong suốt chuyến lang thang trong làng. Không ai nói với tôi một câu nào. Tôi chào họ cũng không đáp lại. Tôi mua một vài món đồ, không phải vì nó đẹp, nó thật sự không đủ đẹp so với mong muốn của tôi về những thứ gọi là có dấu ấn địa phương, mà vì không đành lòng tay không trở ra khi mà cả làng chỉ mong ngóng có khách bước vào. Tôi không hiểu một điều, tôi thường không thể hiểu một điều, rằng tại sao người ta không thể bán cho khách du lịch những món đồ thật sự địa phương, 100% địa phương, do bàn tay của người địa phương làm ra, theo đúng cái cách truyền thống mà tổ tiên họ đã làm? Tại sao vậy? Du lịch mang sứ mệnh của một giấc mơ đổi đời, nhưng du lịch cũng tàn phá những tài sản vô giá của những vùng đất, chẳng phải chúng ta đã có quá nhiều bài học sao? Trở ra, tôi đưa một chút tiền coi như thù lao tour guide bất đắc dĩ cho hai mẹ con. Cô gái lắc đầu, vẫn cười nụ cười ấy, và vẫn mở to đôi mắt đẫm một nỗi buồn thẳm sâu vời vợi ấy. Tôi cố gắng biểu cảm để cô hiểu rằng tôi tặng cho đứa bé, cô có thể mua một chút đồ gì cho con gái của cô. Cuối cùng cô cũng nhận. Và đứng yên ở đó, đầu con ngõ, chỗ mấy bậc cầu thang bắc lên cây cầy mạo hiểm nhất mà tôi từng đi, nhìn theo.
    Tôi thấy trong lòng mình trĩu nặng một nỗi gì đó không chỉ giống nỗi buồn mà còn hơn cả nỗi buồn. Ở đây, người ta làm nhiều nghề để sống. Và hơi thở do du lịch đưa tới giống như một cái lưỡi, vô cảm và tàn nhẫn, nuốt chửng đi những vụn vặt mà tôi hằng mong muốn kiếm tìm ở một vùng đất mới. Tôi đã luôn khao khát kiếm tìm những vụn vặt lấp lánh trong cái đời sống dù phong lưu hay bần hàn ở những vùng đất lần đầu đặt chân. Kề với ngôi làng, phía bên phải, là thánh đường Masjid Al-Ehsan nổi tiếng. Nó đẹp lộng lẫy, chói sáng, với cái chóp vàng óng trên nóc. Masjid Al-Ehsan đẹp một cách tinh tế, kiêu kì. Hoàn toàn không giống với nhà thờ Thiên chúa giáo hay chùa Phật giáo, chùa Kh’mer. Sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng đã mang tới cho miền tây một sự phong phú hiếm thấy về kiến trúc, phong tục tập quán, lối sống. Cư dân theo các tôn giáo khác nhau có thể sinh sống ngay gần kề nhau, nhưng đâu vẫn ra đấy, rất ít thấy sự pha tạp, trộn lẫn. Masjid Al-Ehsan là một điều gì đó thật xa xỉ ở đây. Quá mức xa xỉ. Nó quý phái và ngạo nghễ, đối lập với nỗi u buồn trong đôi mắt nàng Chăm của tôi.
    Tôi ghé tiệm bánh của một bà lão, cũng không phải vì muốn mua bánh mà vì hy vọng có thể tìm được một người biết nói tiếng phổ thông. Thật may, bà lão này nói được một chút. Bà đang ngồi trước cửa nhà và đang cán bột để làm vài loại bánh truyền thống của địa phương. Một bà lão rất xởi lởi, dễ mến. Ở bà toát lên cái vẻ tươi tắn của một cuộc đời luôn biết nhặt nhạnh niềm vui. Căn nhà của bà thuộc kiểu nhà đặc trưng của bà con người Chăm vùng sông nước. Nó là nhà sàn, cắm chân xuống nước, phần trước nối liền với đường giao thông. Mái nhà thấp, trên lan-can bên hông nhà, trên các chấn song cửa dù bằng sắt hay bằng gỗ đều có họa tiết chạm khắc khá cẩn thận. Vài đường sơn xanh da trời khiến cho ngôi nhà sinh động hẳn lên. Bà bảo bà sống bằng nghề làm bánh, hơn 50 năm rồi. Giờ đến con gái bà cũng sống bằng nghề làm bánh. Hôm nay là chủ nhật, nên một đoạn đi qua phần trung tâm của Đa Phước khá đông đúc. Chợ họp bên lề đường, có quầy có mái che, cũng có nhiều người chở hàng trên xe máy, dựng ô đứng bán.
    Tôi rất thích những phiên chợ. Đi đến vùng đất nào tôi cũng muốn đi chợ, nhất là chợ phiên. Chợ luôn mang đến một diện mạo rất rõ nét, đặc trưng về vùng đất ấy. Chợ cho thấy đời sống của đa phần cư dân, phong lưu, khá giả hay bần hàn nghèo khó. Chợ cũng cho thấy sản vật của địa phương là gì. Cứ phải đặt chân vào từng cái chợ thì mới biết người ta có gì. Và đằng sau những cái chợ ấy hẳn là một đời sống đầy những bí ẩn thú vị. Một cô gái thoăn thoắt cho bột vào khuôn, nướng bánh trên một dãy bếp lò nhỏ luôn đỏ lửa xếp sát nhau. Bánh chín vàng rất nhanh, rất thơm. Bà lão thì không nướng bánh, bà chỉ đang cán bột. Thấy tôi giơ máy ảnh bà ngẩng lên, mỉm cười. Tôi đứng yên ngắm đôi tay gầy, nhăn nheo thuần thục cán bột. Cả cuộc đời bà, suốt mấy thập kỷ qua, không biết bao nhiêu tấn bột, đường đã đi qua đôi tay bà. Có cảm giác bà đã quen việc tới nỗi không cần phải nhìn thì miếng bột cũng sẽ phẳng lì, dày hay mỏng cũng đều tăm tắp.
    Tôi hỏi bà lão, một ngày bà bán được bao nhiêu tiền bánh? Bà mỉm cười, đủ sống thôi. Đủ sống thôi. Biết đủ thì đủ thôi, tôi nghĩ ý bà là vậy. Trước khi rời đi, tôi nói câu cảm ơn bà. Bà lại mỉm cười. Hơi nóng của ngành công nghiệp không khói đang phả ra ở đây, nhưng hình như nó bỏ sót bà, hoặc bà lờ nó đi. Tôi thích nghĩ theo hướng bà lờ nó đi hơn. Tức là, cho dù có nó hay không, bà vẫn ngày ngày ngồi đây cán bột làm bánh, bán bánh. Bà đang thở hơi thở của bà, sống trong không gian của bà, nó bất biến. Bà lão khoảng hơn bảy mươi tuổi có hàm răng móm mém ấy là niềm vui lấp lánh duy nhất mà tôi kiếm tìm được trong suốt chuyến đi này. Nhà bà ở ngay đầu ngõ dẫn vào ngôi làng, tôi cầm túi bánh định nếu gặp lại hai mẹ con cô gái lúc trước thì sẽ đưa túi bánh cho em bé, nhưng họ đã không còn ở đó. Họ có lẽ đã lại dẫn một người khách khác, lẩn thẩn như tôi, hoặc thông thái hơn tôi, đi vào ngôi làng đang được bao phủ bởi một trưa nắng vàng chói lóa.
    

Kết Thúc (END)
Đỗ Bích Thủy
» Trong Buổi Chiều Ấy Tôi Đã Rời Xa
» Đôi Mắt Nàng Chăm
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Đời Khổ
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam