Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Học Sinh Cũ Tác Giả: Sưu Tầm    
    Ông giáo Viên đã có sáu năm dạy học ở các trường cuối huyện, cách nhà đến hơn chục cây số. Đi, về đến thật vất vả. Dù bây giờ đã có xe máy, tuy loại rẻ tiền nhưng vẫn còn hơn chán thời xe đạp cọc cạch.
    Vậy mà nhiều khi cũng đến khổ, ví như trường hợp xe xì hơi, xẹp lốp dọc đường phải dắt đến gần cây số mới gặp được hiệu sửa xe. Vì vậy ông cũng ít về nhà. Đa phần ông ở lại trường. Ăn uống đạm bạc. Rau xanh thì thầy cô giáo trồng cùng ăn ở trường. Có nấu chút thịt cá, tôm tép... thì dành ăn đến mấy bữa. Vậy mà ông vẫn vui với trường, với lớp. Bữa bữa ông vẫn thường ngâm nga câu thơ quen thuộc của Bác Hồ: “Tự cung thanh đạm, tinh thần sảng. Tố sự ung dung, nhật nguyệt trường”.
     Năm nay ông xin về trường vùng gần quê, được Phòng Giáo dục chấp nhận ngay. Ông vui lắm. Thế mà khi cầm tờ Quyết định về trường xã mình, ông lại đứng ngẩn người... Suy tính một lúc, ông liền phóng xe lên Phòng ngay.
     Đến Phòng Giáo dục huyện, ông gặp luôn được ông Thứ là cán bộ tổ chức, chạc tuổi ông. Ông Thứ vừa tiếp nước, vừa vui vẻ nhìn ông hỏi:
     - Sao... Vui chứ? Toại nguyên rồi chứ?
     Tưởng ông Viên cũng sẽ vui lắm, nào ngờ ông lại tỏ ra suy nghĩ rồi trầm tĩnh nói:
     - Tôi rất cám ơn ông, cám ơn lãnh đạo Phòng...
     Ông tỏ ra ngần ngừ một lúc rồi mới lại mạnh dạn nói:
     - Nhưng tôi vẫn phải lên xin Phòng đổi lại quyết định cho tôi... liệu có được không?
     Ông Thứ tỏ ra ngạc nhiên, hỏi giật:
     - Sao thế? Chả... ông đang mong được về gần nhà đó thôi... lại được về đúng xã nhà còn gì?
     Ông Viên lại vẻ suy nghĩ, khẽ lắc đầu:
     - Cũng không có chuyện gì lớn đâu... Chỉ là vì trường xã tôi, hiện cô Mùa, hiệu trưởng lại là một học sinh cũ của tôi...
     Ông Thứ bỗng cười xòa, thốt lên:
     - Ôi... tưởng chuyện gì... Thế ra ông ngại chuyện học trò là Hiệu trưởng, còn mình thầy cũ lại là giáo viên chứ gì?
     - Vâng, tôi cũng hơi e ngại...
     Ông Thứ khẽ xua xua tay:
     - Ngại gì... Đó là chuyện rất bình thường của ngành ta. Học trò tiến bộ là mừng chứ! Ngày trước ở tỉnh ta cũng đã có một ông Hiệu trưởng một trường cấp 2 mà con lại là Phó Ty Giáo dục tỉnh, nay thì gọi là Phó Giám đốc Sở. Mỗi lần về thăm trường, ông Hiệu trưởng bố vẫn phải kính thưa, báo cáo với ông Phó Ty con đấy. Rồi trong bộ đội cũng có nhiều trường hợp học sinh cũ là Chỉ huy, thầy giáo cũ thì lại là chiến sỹ. Khi vào quân kỷ, thầy vẫn phải đứng nghiêm giơ tay chào, báo cáo Thủ trưởng. Vì vậy nên cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt như chuyện thưa gửi, nhiều lúc gặp thầy cũ, có thủ trưởng học sinh vẫn lập bập: “Thưa đồng chí thầy”... Còn với cô Mùa thì cả huyện này ai mà chả biết. Đó là một cô giáo giỏi, một cán bộ lãnh đạo có năng lực, có tư cách, nhiệt tình và trách nhiệm cao. Với mọi người thì cô cũng luôn thân ái, chan hòa, quý trọng, đoàn kết... Ông còn ngại gì?
     Ông Viên vẻ bần thần:
     - Tôi thì... tôi cũng đã nghe, đã biết... Không phải ở huyện ta đâu. Nhưng đã có trường như thế có chuyện xảy ra. Rằng có cô hiệu trưởng thẳng tính đã phê bình thầy cũ của mình về những chuyện như đến muộn giờ vào lớp, dạy chay, lớp chủ nhiệm yếu kém... Thế là sinh ra bất hòa giữa thầy và trò. Ngược lại có cô thì lại “Dĩ hòa vi quý”, nể nang thầy, thầy có khuyết điểm gì cũng không dám nói nên đã có thầy vì thế mà tỏ ra “kênh kiệu” với anh em trong trường thế là lại cũng sinh ra chuyện “Bằng mặt không bằng lòng”, vấn đề đoàn kết nội bộ cũng không hay lắm...
     Ông Thứ nghe khẽ gật đầu:
     - Kể ra ông tính vậy cũng phải, là người phòng xa... “Kính nhi viễn chi” là hơn, phải không ông?... Nhưng thôi, với cô Mùa thì ông cứ yên tâm đi... Ông cũng là một người thầy luôn được mọi người kính phục, yêu mến... Chắc chắn không phải phòng xa như thế đâu... Hì! Hì!...
     Ông Viên thong thả nói thêm:
     - Nhưng cô ấy lại là một học sinh cá biệt của tôi... ông Thứ ạ!... Hồi cô ấy là học sinh, ngồi trong lớp rất hay nói chuyện riêng, hay để tiểu thuyết dưới gầm bàn đọc trộm, không chăm chú nghe thầy cô giảng bài... Rồi còn hay đi muộn, hay bỏ quên sách vở, dụng cụ học tập... Con gái gì mà tính lại rất hiếu động, hay nghịch ngợm lắm. Có lần cô ấy còn “quại” lại lũ con trai vì hay trêu trọc bạn gái... Hạnh kiểm thì chỉ toàn loại khá, chả mấy khi được loại tốt... Nhiều lần tôi phải đến nhà nói chuyện với phụ huynh... Vì thế xem ra cô ấy chả ưa tôi lắm đâu. Bây giờ lại về cùng trường, lại dưới quyền của cô ấy, tôi e rằng thầy trò lại khó xử, khó hợp...
     Nghe ông Viên nói vậy, ông Thứ cũng tỏ ra suy nghĩ. Nhưng ông vẫn nhìn thẳng ông Viên tươi cười nói:
     - Chuyện nhỏ... như con thỏ... Hì! Hì! Tôi tin chả có chuyện gì đâu... Ông cứ yên tâm đi...
     Thế mà ông Viên còn khẩn khoản:
     - Thôi… hay xin các ông cứ cho tôi được về trường xã bên cũng được…
     Bỗng ông Thứ đứng dậy nắm tay ông Viên lắc lắc thân tình:
     - Hôm nay các anh lãnh đạo Phòng đi họp vắng cả. Tôi hứa mai tôi sẽ đề đạt ý kiến giúp ông...
    Ông Viên ra về vừa chừng được non tiếng thì cô Mùa đã phóng xe lên Phòng ngay. Ông Thứ vừa tiếp nước vừa hỏi:
     - Sao, có chuyện gì mà cô lên Phòng đây? Trời thì nắng nóng thế này!
     Cô Mùa vừa ngồi xuống ghế vừa rút khăn mùi xoa trong túi xách ra lau nhẹ những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán. Cô cất giọng có vẻ gấp gáp:
     - Báo cáo với bác... chiều qua, em mới được biết tin thầy Viên năm nay được chuyển trường... Nhưng em chưa biết là thầy được về trường nào...
     Ông Thứ cười:
     - Thì ra cô lên Phòng lại là vì chuyện thầy Viên?
     Mùa nhanh nhảu:
     - Vâng ạ!
     - Thế ý cô thế nào?
     - Báo cáo bác... Trường em thì Phòng còn lạ gì. Một là trường vẫn còn thiếu một giáo viên văn. Hai là trường mấy năm nay còn lẹt đẹt về phong trào học sinh giỏi, phong trào văn nghệ, thể thao quá... Hơn nữa trường lại đang phấn đấu xây dựng “Trường chuẩn Quốc gia”... Người mà em thấy có thể giúp chúng em đưa các phong trào lên được thì chỉ có thầy Viên thôi. Thầy ấy là người của xã, là thầy cũ của chúng em. Thầy cũng còn là một giáo viên dạy giỏi, lại có nhiều khả năng văn thơ, kẻ vẽ, văn nghệ... Rất là Đarinăng... Em tin thầy ấy sẽ hết lòng với trường, với lớp, với địa phương...
     Ông Thứ có vẻ tán đồng với ý kiến của Mùa. Suýt nữa thì ông thốt lên “Sao mà ý cô trúng với ý Phòng thế!”. Nhưng nghĩ sao ông lại thôi. Và ông chưa kịp nói gì thì Mùa đã tiếp lời, giọng vui vẻ:
     - Thôi... nói gần nói xa... chẳng qua nói thật... Tóm lại là em xin Phòng cứ quyết định để thầy Viên về trường em đi...
     Nhưng ông Thứ vẫn nhìn Mùa rồi khẽ hỏi:
     - Thế cô không ngại là... giờ cô là Hiệu trưởng, là cấp trên của thầy giáo cũ của mình à?
     Mùa lắc đầu, vẻ dứt khoát:
     - Thưa bác... Nếu ngại em đã không lên xin thầy ấy về trường em... Chúng em vẫn luôn quý mến, kính trọng thầy. Hơn nữa, em còn mang ơn thầy nhiều lắm. Chả giấu gì bác... Hồi học thầy, em là một học sinh nghịch ngợm chẳng kém gì con trai, không chăm chú học hành... Thầy đã thật nghiêm khắc bảo ban. Nhờ đó mà lên lớp trên em đã tiến bộ nhiều, ngoan hơn, chăm chỉ học hành hơn... Em được như ngày nay là nhờ ơn thầy rất nhiều đấy ạ!
     Nói xong Mùa lại cúi lặng vẻ như muốn suy nghĩ thêm điều gì đó. Một chút Mùa ngẩng lên mạnh dạn lên tiếng:
     - Hay là thế này, bác à?
     - Thế nào?
     Mùa ngập ngừng:
     - Hay là... em xin Phòng chuyển cho em sang trường khác...
     Ông Thứ lại cười:
     - Thế đâu được... chả lẽ vì thầy về mà trò “phải ra đi” à?
     Mùa vẫn thẳng thắn:
     - Không sao ạ... miễn là được phong trào cho trường...
     Ông Thứ gật gù suy ngẫm. Quả là một giáo viên tốt, chỉ biết lo cho việc công. Đúng là thực bất hư truyền. Lâu nay giáo viên trong huyện bàn chuyện về cô quả không sai. Ông lại thấy thật cảm động trước tấm lòng một học trò đối với thầy giáo cũ của mình như vậy. Nhưng vì ông cũng là người vui tính, nên ông vẫn muốn đùa trêu Mùa một câu:
     - Nhưng cũng hơi tiếc đấy... Quyết định dấu đỏ tươi, đầy tính pháp lý rồi... thay đổi làm sao được đây... (Ông quay đi giấu một nụ cười).
     Nghe vậy Mùa thoắt buồn xỉu. Nhưng rồi cô vẫn tha thiết:
     - Cũng còn tuần nữa mới khai giảng... chắc còn kịp... Em xin Phòng nghiên cứu giúp trường chúng em... Có thầy Viên về, chúng em tin trường em nhất định năm nay sẽ có nhiều chuyển biến tốt...
     Ông Thứ lại nhìn Mùa, gật đầu hạ giọng:
     - Thôi được... Phòng sẽ cố gắng quan tâm tới nguyện vọng chính đáng của cô...
     Nghe ông Thứ nói vậy, Mùa mới lại được vui lên một chút. Rồi chợt nhìn ngoài sân, Mùa bỗng giật mình khi thấy cây xà cừ trước cửa đã sắp vo tròn bóng nắng. Cô vội đứng lên chào ông Thứ xin phép ra về. Ra về, ngồi trên xe máy phóng vùn vụt rồi mà lòng cô vẫn còn phấp phỏng nửa mừng, nửa lo...

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân