Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Không Phải Là Kẻ Hèn Nhát Tác Giả: Sưu Tầm    
    Anh tôi đã kể câu chuyện này trước khi vào chiến trường B chiến đấu. Hơn năm sau nghe tin anh hy sinh, tôi lặng người đi… Tôi ngồi viết truyện ngắn như một nén tản hương dâng lên hương hồn anh: liệt sỹ Trần Anh Xuân.
    1. Ở cái làng Gió này ai cũng bảo Phi là thằng hèn nhát. Cứ nhìn dáng người cao lênh khênh, tay dài quá gối, khuôn mặt thồn thộn, buồn cười, người ta đã nhìn thấy sự bất ổn trong đó rồi. Phi mở miệng thì chỉ thấy cái miệng đen ngòm. Khi nói hơi phả ra phều phào khiến tiếng nói không chuẩn, nghe thều thào, rất khó hiểu. Đấy là chứng tích không thể quên được của Phi khi đánh Mỹ trở về. Đã có bao lời đàm tếu sự “mất tích” tám cái răng của Phi và một cái án treo lơ lửng trên đầu. Thỉnh thoảng vài ba lần anh xã đội lại dẫn Phi lên huyện. Về vấn đề gì? Không ai biết. Chuyện như vết dầu loang. Xóm làng bàn tán, xôn xao ầm lên. Thôi thì miệng làng, ai bịt được!
    Lần ấy Phi bị dẫn lên huyện từ sáng sớm, mãi chiều hôm sau Phi mới được về nhà mặt mũi, tóc tai bơ phờ. Và không hiểu từ đâu bật ra tin: Phi là “thằng đào ngũ”. Để rồi từ đấy người ta không gọi là Phi nữa, mà gọi là “thằng - đào - ngũ”. Sau những chuyến đi như thế Phi lại nai lưng ra cày cuốc làm ruộng nuôi bố. Ông Phì – bố Phi - là người cả nghĩ. Mỗi khi nhắc đến “thằng đào ngũ” ông lại thót mình lên. Mắt ông tối sầm lại, tai ù đi. Ông có cảm giác hàng nghìn vạn mũi khoan vào tim gan cân não ông. Khiến ông không dám ngẩng mặt nhìn người làng. Một tối nọ ông chống gậy đến nhà anh xã đội hỏi về tội con ông đến mức độ nào còn biết lối mà “chữa”. Anh xã đội nhìn ông động lòng thương, nhưng không dám nói thật. Ông ôm mặt khóc nức nở như đứa trẻ, ra khỏi nhà anh xã đội ông ngồi phục bên cổng không sao đi được nữa… Đêm thấy chó sủa anh xách đèn ra thấy người ông đã lạnh toát. Sợ quá, anh gọi vợ con ra đưa ông vào nhà đốt lửa để ông sưởi, giã gừng đun nước cho ông uống. Khi ông tỉnh lại, được Phi đưa về nhà. Từ đấy, người làng không thấy ông ra khỏi nhà. Ba tháng sau ông theo vợ về thế giới bên kia. Phi vừa vuốt mắt cho cha vừa gào thảm thiết: “Con không phải là thằng hèn nhát, không phải là thằng đào ngũ. Con bị oan!”. Cả làng Gió đổ đến. Thôi thì “lá lành đùm lá rách”. Góp nhau tiền mua quan tài, vải vóc cho đám ma. Rồi ông Phì cũng được mồ yên, mả đẹp như những đám ma khác.
    Phi trở lại trong căn nhà lạnh vắng, không biết tâm sự nói cười cùng ai.
    Hơn một năm sau Phi bỏ làng đi… Làng Gió lại được dịp xôn xao bàn tán. Nào là hồi ấy Phi thấy người ngã xuống sông, Phi nhảy xuống cứu, nhưng người khác lại phải nhảy xuống cứu Phi. Có thằng trộm vào nhà, Phi sợ quá trùm chăn kín đầu, kệ nó muốn làm gì thì làm. Có đàn gà trong chuồng, vạn cá thả dưới ao cũng để mất sạch. Bố mẹ lành thật như đếm mà con lại… Họ nói rồi họ tự nghe…
    Phi lang thang lên thị xã kiếm sống. Anh làm bất cứ việc gì người ta sai bảo. Được cái anh làm tận lực, tận tâm. Đưa bao nhiêu tiền cũng được. Tối ở đâu ngủ ở đó. Không hề tơ hào của ai dù chỉ là cái kim, sợi chỉ. Có lần khách vào quán ăn cơm, ăn xong vội quá bỏ quên ba lô cóc nặng trịch. Phi mượn xe đạp đuổi theo khá xa mới kịp trả lại cho khách. Khách cảm động lắm ôm lấy Phi, rồi mở ba lô, bới quần áo rút tập tiền nhét vào túi Phi bảo quà của lòng tốt. Phi nhất định không nhận. Ông cười nhưng mắt ngân ngấn nước. Ông bảo tên ông là Thượng Tấn. Rồi hỏi Phi: “Chú tên gì? Tên quán cơm đang làm, tên chủ quán, có số điện thoại không?”. “Em là Phi, còn những cái khác em không chú ý đến”. Thượng Tấn gật gật đầu:
    - Anh rất vội, phải đi ngay. Mười ngày nữa quay lại quán và đón chú đi với anh. Giờ nghe anh, cầm ít tiền lẻ này. Cấm trả lại!
    Ông vẫy một xe tải nhảy lên. Phi nhìn theo xe. Tự dưng lòng Phi bồi hồi khó tả. Định mệnh chăng?
    2. Mười ngày sau.
    Thượng Tấn xuất hiện, nhìn bao quát quán cơm rồi đến bên chủ quán:
    - Ông Dị, tôi gặp thằng em tôi, thằng Phi.
    Dị liếc nhìn từ đầu đến chân khách trả lời nhát gừng:
    - Nó… nó… Không làm ở đây nữa. Lâu… lâu rồi.
    - Sao? Thôi được. Tôi chờ. Quán này có gì ngon nhất mang ra đây.
    Dị thay đổi ngay thái độ, lưng cong lại, hai tay thu vào bụng:
    - Quý khách sẽ có ngay ạ!
    Khách cầm chén trà nóng, rồi lại đặt xuống. Mắt nhìn ra cửa. “Thằng cha mắt ti hí này muốn gì? A, vòi tiền đây mà…” Nghĩ thế khách đứng lên định bước vào phía bếp đã nghe thấy tiếng nói to từ cửa: “Vừa có vụ va chạm giữa xe tải và xe khách. Khiếp! Máu chan hoà…”? Đúng tiếng Phi rồi. Khách đi ra cửa, vẫy vẫy. Phi chững lại giây lát. Phi nhận ra người quen, lao đến nắm chặt tay Thượng Tấn, lắc lắc:
    - Ông đợi em lâu chưa?
    - Tớ già lắm à? Gọi anh thôi. Chờ cậu hơn một tiếng rồi.
    - Anh ăn gì em làm cho.
    - Phi, Phi. Chủ quán gọi Phi vào phòng trong. Lâu sau mới thấy Phi ra. Mặt buồn rượi. Tấn hỏi khẽ: “Chuyện gì?” Phi lắc đầu: “Có gì đâu anh” Phi vào bếp bê ra đĩa tỏi gà rán, một đĩa hành hoa tươi cùng rau thơm, mấy trái ớt chín cùng vại bia tươi.
    - Em mời anh.
    Tấn bảo: “Cậu lấy thêm bát đũa ăn cùng anh”
    Phi liếc vào nhà bếp nói nhỏ: “Ở đây không có lệ ăn với khách”. Tấn phá lên cười thật sảng khoái. Anh đập mạnh vào vai Phi:
    - Hôm nay phá lệ. Sau giây phút này cậu theo anh đi làm nơi khác. Vì mười hôm trước khi cậu đuổi theo anh mấy cây số mới kịp trả tiền cho anh. Anh rút tiền nhét vào túi cậu bảo quà cho người tốt. Cậu không nhận. Cho đến khi anh bảo cậu cầm ít tiền lẻ cấm trả lại. Anh đã nhận ra cậu đặt tình nghĩa lên trên hết! Chứ hôm ấy cậu nhận tiền, thì không đời nào anh quay lại đón cậu! Phi hiểu chứ?
    - Dạ… em hiểu.
    - Hiểu thì lấy thêm bát đũa và vại bia ra đây.
    - Vâng ạ.
    Tấn liếc ra phía cửa thấy xuất hiện ba tay có vẻ “dân anh chị” đang to nhỏ nói với nhau. Có thằng đi qua “ném” cái nhìn khiêu khích. Tấn giả vờ không biết…
    Tấn quay vào phía bếp nói lớn:
    - Mời chủ quán nhâm nhi với anh em tôi.
    Một lát mới thấy tiếng Dị:
    - Tôi ra ngay.
    Đôi mắt ti hí của Dị nhìn khách, hắn mang theo con dao pha thịt, tay gại gại vào lưỡi dao sắc lẹm. Sau khi ba cái cốc chạm nhau họ ngửa cổ uống. Khách dằn mạnh cốc xuống bàn:
    - Ông Dị này, tôi là Thượng Tấn, anh của Phi. Lát nữa tôi đưa nó về quê. Ông xem hai bên còn nợ nhau những gì thì giải quyết ngay đi!
    Dị thủng thẳng nói như búng ra từng tiếng:
    - Ông… nói… dễ… nghe… nhỉ. Sau đó hắn nhấn mạnh: Hợp đồng của Phi với tôi trong ba năm. Ai vi phạm phải đền bù gấp ba.
    Tấn quay sang Phi: “Lấy hợp đồng anh xem.”
    - Dạ cũng chỉ nói mồm thôi ạ. Mỗi tháng ông Dị đưa em khi hai triệu, lúc hơn một chút. Áo quần chỉ cho một bộ này tướp lắm rồi.
    - Vô bằng cứ. Bóc lột lao động người làm.
    Mấy “tay anh chị” đã vào quán ngồi, lớn tiếng gọi phở. Dị đưa mắt cho Phi. Phi nhỏm người đứng lên, Tấn nói:
    - Không phải đi đâu cả. Rồi quay sang phía Dị: “Ở đây không giải quyết được phải trái thì đến công an phường…”
    Anh nhìn ra phía cửa:
    - A, thiêng quá. Nói công an là công an đến liền.
    Dị đứng lên khúm núm:
    - Anh vào chơi.
    - Được. Nói chuyện với nhau sao lại có dao vậy?
    Mấy “tay anh chị” lảng ra phía cửa và mất hút.
    Dị bẻo lẻo:
    - Em Phi giúp cửa hàng hơn năm qua giờ ông Tấn đón về quê, gặp lúc cửa hàng khó khăn không giúp cho em nó được. Tôi áy náy quá! Định cuối tháng… vâng, cuối tháng…
    - Ba mặt một lời, có cả chính quyền ở đây nữa, tôi đón em về quê… Ông Dị khó khăn quá thì thôi.
    Dị vội nối lời Tấn:
    - Được ông thông cảm thế thì tốt quá. Bây giờ anh em tôi lên đường.
    Tấn bắt tay anh công an khu vực. Một chiếc xe đen đít vuông đón họ đi luôn. Dị trừng mắt nhìn theo tức sùi bọt mép. Hắn cầm dao chém phập vào góc bàn, dằn giọng: “Có ngày tao xả thịt mày!”
    3. - Anh, anh đưa em về đâu?
    - Yên tâm. Đưa em đến cuộc sống làm người. Mấy bộ quần áo anh mua cho em rồi đấy. Sau này chỉnh trang lại “một góc con người” nữa. Em phải về quê thắp hương cho bố mẹ em nữa chứ. Phải còn mấy tiếng nữa em sẽ gặp một người… Một người rất quan trọng trong cuộc đời em đấy!
    - Ai thế anh?
    Tấn nháy mắt: “Bí mật.”
    Phi nắm lấy tay Tấn do dự:
    - Anh… Khi chưa biết tên anh, trông anh nhang nhác với một anh ở đơn vị em. Và khi biết tên anh rồi thì em khẳng định anh và anh ấy có mối quan hệ ruột thịt.
    - Cậu nói cho anh biết đi. Anh ấy là ai vậy?
    - Bí mật.
    - Cậu trả đũa anh à?
    - Đâu. Em, em nói. Anh ấy là Thượng Tân.
    - Đúng. Anh đưa em về cho anh ấy đấy. Bây giờ anh kể cho em nghe nhé - Tấn hắng giọng, rồi anh bắt đầu kể - Anh Tân ở bệnh viện điều dưỡng hơn một năm rồi mới về nhà. Không ai nhận ra anh ấy. Người gầy như gọng vó, da xanh tái lại. Đi không vững. Thương binh loại hai. Trong người vẫn còn vài mảnh đạn của đế quốc. Anh bảo mang được cái gáo dừa về là may mắn lắm, chỉ thương thằng Phi thôi! Không có nó anh đã nằm vĩnh viễn xó rừng miền Đông Nam bộ rồi. Anh bảo bị thương, đã yếu sức lại bị địch truy đuổi, anh đã tháo từng bộ phận của súng chôn mỗi nơi một thứ. Xong bẻ cành cây làm gậy. Cứ nhằm phía trước mà tiến, dù là đi hay phải bò. Ở đâu còn có cuộc sống là còn hi vọng! Đến một ngày… Anh ngửi thấy mùi thuốc lá thơm. Anh nhủ “gặp bọn thám báo rồi”. Phải ẩn náu không chúng bắt được. Thế là anh lết vào bụi rậm nghe ngóng tình hình. Bất ngờ tiếng súng rộ lên dữ dội. Tiếng hò hét, rượt đuổi “bắt sống thằng Việt cộng”. Anh Tân vả vào má mình nếu cứ mang súng theo giờ “chia lửa” với đồng đội thì hay biết bao. Sự việc sau đó diễn ra ngay trước mặt, cách chỗ anh nấp vài mét. Một chiến sỹ giải phóng còn rất trẻ, cao lòng khòng bị giặc bắt sống. Bốn thằng thám báo thay nhau đấm đá, dùng báng súng quật tới tấp vào người: Hỏi tên đơn vị, tên người chỉ huy, số lượng quân, chiến đấu ở mặt trận nào… Người chiến sỹ cắn răng chịu đòn, mắt trừng trừng nhìn lũ giặc nói: “Tao lạc đơn vị đã lâu, không biết phương hướng trận địa nào cả. Muốn đánh, muốn giết thì cứ đánh giết”. Thằng chỉ huy thẳng tay lấy báng súng đập vào miệng anh chiến sĩ. Người lính thét lên đau đớn đến cùng cực ngã ngửa ra phía sau. Anh lật người, chậm chạp đứng lên. Máu mồm, máu mũi chảy ra đỏ lòm. Anh nhổ phì phì. Mấy cái răng văng ra. Anh thét lên:
    - Quân dã man, quân tàn bạo!
    Tên chỉ huy ra lệnh: “Khám người nó xem có gì không?”
    Hai thằng lính chạy đến giữ tay chân, còn thằng thứ ba lục soát túi áo, quần. Sau cùng tên này reo to: “Có mảnh giấy đang viết dở”. Nó mở toang giấy ra, lật xuôi, lật ngược, nhưng nó không biết đọc. Thằng lính đứng bên: “Đồ mù chữ” liền giằng lấy đọc. Hay quá, tên nó đây rồi: Đinh Mặc Phi. Tên chỉ huy dí súng lục vào đầu.
    - Mày nghe cho rõ nè: Tao hỏi mà không trả lời thì một cái răng của mày sẽ bay ra khỏi mồm! Tên?
    - Mày biết rồi còn hỏi làm gì.
    Báng súng đập vào mồm…
    - Chức vụ?
    - Lính mới nhập ngũ. Chưa biên chế vào đơn vị nào cả, đã bị lạc rồi.
    Báng súng đập vào mồm…
    - Tên thằng chỉ huy?
    - Giải phóng quân.
    Báng súng lại đập vào mồm…
    Tên chỉ huy bực tức quay đi. Bất thình lình hắn quay lại phóng mũi giầy đinh vào bụng dưới người lính. Chỉ nghe tiếng “hự” anh đổ gục xuống. Hắn vung súng lên gầm gừ: “Thằng này chỉ cho ăn kẹo đồng”. Hắn lệnh: “Gọi bộ đàm cho chỉ huy trưởng”.
    - Dạ, dạ… Sao Mai gọi Báo Đen. Sao Mai gọi Báo Đen…
    Tên lính thông tin đưa bộ đàm:
    - Thưa đại uý.
    - A lô, tiểu đội tôi chạm trán trung đội đặc công Bắc Việt. Chúng tôi đã xoá sổ đơn vị này. Đặc biệt còn bắt sống một thằng là Đinh Mặc Phi, quê làng Gió, cứ cho bên tâm lý chiến rao trên loa phóng thanh khắp cánh rừng này để làm tê liệt ý chí bọn Cộng quân…
    - Dạ. Vâng… Rõ. Chúng tôi hết sức cố gắng. Tuân lệnh.
    Tấn ngừng kể, Phi ôm lấy anh, nước mắt ràn rụa:
    - Anh Tân giờ thế nào, anh?
    - Không thể nói trước điều gì. Anh bảo thằng Phi khổ vì chúng nó. Chúng nó rêu rao làm nhục người chiến sỹ. Muốn sống mà không thể sống được! Vậy, Phi có phải là cậu?
    - Đúng là em. Sự thật 100%. Phi há miệng để Tấn nhìn rõ mấy răng cửa không còn. Phi lần trong túi áo lấy ra cái túi vải nhỏ ni lông, đổ ra lòng bàn tay 8 cái răng của mình. Tay Phi run bắn lên. Anh nghiến răng lại: “Trước lũ giặc mình phải dũng cảm kiên trinh. Đau về thể xác em chịu được, nhưng đau về tâm hồn em không thể nào chịu nổi! Em hoá điên. Chúng nó bảo em chiêu hàng đào tẩu, phản bội. Cả làng Gió khinh rẻ, miệt thị em. Vì nó, bố em không chịu nhục được đã chết. Em bỏ làng đi. Áo quần cỏ úa, cái mũ cứng đính sao không còn là của em nữa! Không ai minh oan cho em cái tội tày trời này. Giờ chỉ anh Tân có cơ hội giúp em trở lại thành người. Thành – Con – Người! Đúng không anh?
    - Anh đã bao năm lặn lội đi tìm em để anh Tân minh oan cho em đấy. Anh ấy cũng đã yếu lắm, yếu lắm. Sợ rằng…
    Lặng im một lúc, Tấn mới nói:
    - Nếu mà ngồi im thì thời gian trôi đi chậm lắm. Em kể đoạn hai anh em gặp nhau đi.
    Phi quệt nước mắt, ngồi thẳng lên kể:
    - Trận mưa chiều muộn giúp em tỉnh dậy. Không thấy mấy thằng giặc đâu. Em hé mắt quan sát. Chúng đã rời khỏi đây? Em thấy cây trong bụi phía trước hơi lay động. Em sợ có thằng lính nấp trong đó chờ dịp ra tay giết em, nếu biết em còn sống. Em nhắm mắt, nín thở. Có tiếng gọi nho nhỏ: “Đinh Mặc Phi còn sống không?”, giọng Bắc. Mừng quýnh nhưng em vẫn he hé mắt nhìn. Một thân hình tiều tuỵ. Áo quần rách bươm. Nhưng màu vải không thể nhầm lẫn được – màu cỏ úa. Nhìn một cái là có thể tin ngay được. Người ấy nói: “Phải rời khỏi đây không được chậm trễ! Bọn nó quay lại là giết ta luôn”. Em co duỗi tay chân xem nào. Thấy không có vấn đề gì. Nhất là đầu. Báng súng của thằng địch mấy lần đập vào hàm răng khiến dây thần kinh bị tác động. Em gượng nhỏm dậy. Bụng nhói đau. Sực nhớ mũi giầy đinh nó đá vào. Thôi kệ. Phải tìm bằng được mấy cái răng rụng mẹ cha đã cho ta từ ngày ấu thơ bé dại. Một lúc lâu gom lại đếm được 8 cái cả thảy. Khi nói, nuốt nước bọt đều đau. Buốt đến tận óc. Em đứng lên, loạng choạng, gã gục xuống. Mấy lần đều như thế. Sau có anh Tân hỗ trợ em mới đứng lên được. Anh Tân nhìn thân cây mà xác định hướng. Hướng này chiến dịch đang mở, đi sẽ gặp người mình. Hai anh em không thể đi nhanh được. Vừa di chuyển anh Tân vừa nói: “Nếu một thằng về tìm chúng ta đủ sức “thịt” nó, đoạt súng. Đánh thế gọng kìm. Nhớ nhé! Đi một đoạn, nghe thấy tiếng động. Hai anh em tản vào bụi cây rậm rạp. Thằng thám báo xuất hiện, súng lăm lăm trong tay. Anh Tân nháy mắt ra hiệu. Nín thở. Khi thằng giặc đi ngang qua, anh Tân nhanh như cắt nhảy ra, tay phải chém mạnh vào gáy hắn. Người nó đổ xuống. Hai anh em kéo nó vào bụi cây. Anh thầm thì: “Ngồi im xem còn đứa nào nữa”. Không thấy gì anh lấy tay ra hiệu cứa ngang cổ. “Không giết nó thì nó giết mình”. Nhưng chưa thực hiện được đã nghe thấy tiếng văng tục “Đ. mẹ, sao nó đi lâu quá ta”. Chúng đi hàng dọc. Em thấy mắt anh sáng quắc lên, biết anh chờ thời cơ có một không hai này. Đó là bắn xuyên táo kiểu anh Huỳnh Văn Đảnh. Mấy giây nín thở dài như cả thế kỷ. Một tiếng súng nổ đanh hai thằng giặc đổ xuống. Tên đi sau hốt hoảng bỏ chạy. Anh bồi thêm cho nó một viên. Nó đổ ập xuống như người ta chặt cây chuối rừng vậy. Anh bảo thu chiến lợi phẩm và rời xa khu vực đụng độ này. Đề phòng sự bất trắc. Đúng là người lính dạn dày trận mạc. Hai anh em đều bị thương, đã nhịn đói khát nên không thể mang hết chiến lợi phẩm. Anh Tân bảo: Một khẩu súng dấu đi, sau này về đơn vị hay gặp bộ đội sẽ quay lại lấy cũng chưa muộn. Sau mấy ngày luồn rừng, lội suối, băng sông, nhấm lá cây để tồn tại anh em mới gặp bộ đội giải phóng. Mế Hồ Hơ Nia chữa trị vết thương cho hai anh em. Anh Tân sức khỏe yếu phải nằm lại cơ sở tiếp tục chữa bệnh. Em được phân công vào tiểu đội trinh sát. Khi chia tay anh em ôm lấy nhau hẹn ngày trở về tìm đến nhà nhau. “Em là người lính tốt. Không phải là kẻ hèn nhát! Anh sẽ minh oan cho em!”…
    Sự đời đâu bằng phẳng. Hết chiến dịch này lại chiến dịch khác. Người lính phải tuân lệnh chỉ huy. Cân não con người như rệu rạo ra. Nhớ đấy rồi quên đấy. Quê quán làng xá của nhau tưởng găm vào xương tủy, nhưng rồi não bộ con người không chiều theo ý muốn…
    Phi ngẩng lên. Đôi mắt anh hoe đỏ. Thấy ô tô dừng lại anh hỏi:
    - Đây là đâu hả anh? Đến rồi à?
    - Yên tâm. Xe trục trặc một chút. Lát nữa lại lăn bánh…
    Hai người xuống xe làm vài động tác thể dục để giãn xương cốt. Phi nhìn thấy sự bồn chồn, âu lo của Tấn. Anh định hỏi rồi lại thôi. Tấn đến bên tài xế rồi quay lại. Có dễ vài bận như thế. Tấn nhìn Phi, mắt lướt qua tài xế. Bóng chiều khuất sau rặng núi mờ xa. Đó đây đã có ngôi sao nhấp nháy trên trời. Có một ngôi sao băng. Tấn hốt hoảng gọi tài xế:
    - Lên đường ngay!
    4. Xe phanh két trước cổng. Tấn mở cửa lao ra. Trong nhà đèn sáng trưng. Tiếng người huyên náo. Người đàn bà đứng tuổi, mặt mũi bơ phờ rảo bước đi ra:
    - Sao chú giờ mới về? Muộn rồi. Anh “đi” hơn một tiếng rồi!
    - Anh! Tấn gào lên lao vào nhà. Anh Tân, anh bảo em chờ em đưa Phi về trao tận tay anh, cơ mà! Anh tha lỗi cho em nhé. Phi nó về đây rồi!
    Tấn ngoảnh đầu lại:
    - Phi. Phi… - Tấn quay về phía người nằm đấy - Anh… có phải anh nóng lòng đợi hai anh em về? Anh ơi, em đưa Đinh Mặc Phi về đây - Tấn đẩy nhẹ Phi lên phía trước - Anh Tân đấy. Nói vài lời với anh để anh thấu hiểu…
    Một luồng điện ảo kỳ chạy rần rật từ đầu đến chân Phi. Con tim anh rung lên. Miệng Phi méo xệch đi rồi tròn lại. Tiếng “anh” nghẹn thắt bật từ trái tim đẩy lên miệng, vỡ òa ra thanh âm đặc quánh, khiến những người có mặt đều sững sờ, thổn thức. Phi quỳ xuống, choàng tay ôm lấy cái xác, đầu gục vào ngực người ấy thổn thức mà không nói nên lời…
    Tấn nghiêng ngả như lên đồng. Hồn anh gặp hồn người đã khuất, sau phút giây đồng điệu Tấn choàng tỉnh. Anh gỡ tay Phi, nâng cậu đứng dậy: “Anh Tân đã nhận ra em rồi đấy. Anh “đi” cho thanh thản nhé, mọi việc đã có em”. Tấn vuốt mắt cho người khuất núi.
    Người đàn bà trao đổi nhanh với Tấn:
    - Mọi thứ chị đã chuẩn bị chu đáo. Lát nữa chú xem lại còn thiếu gì, chị bổ sung.
    Bà dừng lại nhìn khuôn mặt cương nghị, nơi khóe mắt đã hiện rõ vết chân chim, do bị quăng quật, bươn trải trước sóng gió cuộc đời. Bà hạ giọng nói vừa đủ nghe: “Chú, còn lá thư, không, bức huyết thư…”. Người ấy nhìn thấy cái giật nảy mình của Tấn. “Đó là thư minh oan cho em Phi”. Tấn cúi đầu: “Em hiểu”…
    5. Người khách thả bộ trên con đường làng đã đổ bê tông. Hai bên đường những cụm hoa đua nhau khoe sắc. Đường bê tông vắt qua con sông Sào nước xanh trong. Gió luồn qua khe núi ào ào phóng khoáng. Đúng là gió của núi, của rừng. Gió từ cánh đồng thổi tạt lên mang hương lúa đương thì con gái. Có khi là gió của trời cuộn tròn như cái phễu khổng lồ đến rồi đi ngay. Khách đứng trên cầu hưởng làn gió mát rượi từ sông thổi lên và phóng tầm mắt ra xa. Làng Thiện san sát mái ngói đỏ, nhà cao tầng nhấp nhô, bóng người vào ra tấp nập. Thoảng thấy mấy người cả đàn ông, phụ nữ. Khách lên tiếng:
    - Chào bà con. Tôi phân vân mãi không biết đây có phải sông Sào không? Xưa nó đen ngòm, bốc mùi hôi thối, tắc cả dòng chảy cơ mà?
    Cô thanh nữ nhanh nhảu:
    - Chào bác. Chắc bác từ xa đến nên không biết. Sông Sào đấy bác ạ. Tất cả nhờ giám đốc Ngọc Tân hết. Từ con đường làng, cây cầu, dòng sông, nghĩa trang đến công ăn việc làm của người làng Gió này nữa! Tất, tất cả.
    Thấy khách còn băn khoăn, người đàn ông đứng tuổi thêm vào:
    - Ông Tân là cựu chiến binh đã minh oan cho anh Đinh Mặc Phi tội đào ngũ. Còn ông Tấn – em ruột ông Tân – là kỹ sư đã tư vấn cho anh Phi cải tạo toàn bộ làng Gió. Anh Phi mới đặt tên Ngọc Tân cho công Ty của mình để “đền ơn đáp nghĩa”. Anh ấy là người hùng làng Gió chúng tôi đấy!
    Một bà cứng tuổi cười với khách, xởi lởi nói:
    - Ông quen anh Phi lâu chưa? Giờ nếu gặp có khi không nhận ra nữa đâu - Bà lại cười, tay che miệng. Mọi người hiểu ý của bà đều cười theo, khách cũng cười. Tiếng cười theo gió bay xa. Bà tiếp lời - Tám cái răng của anh Phi giờ đã thay bằng răng sứ rồi. Nhắc thế để ông đỡ nhầm.
    Khách cười to hơn:
    - Xin cảm ơn ông, bà và các cháu. Tôi về làng Gió ký hợp đồng rau sạch với công Ty Ngọc Tân. Nếu không có lời chỉ giáo, nhắc nhở của mọi người thì tôi không hiểu hết những đức tính tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, của sự đổi mới, vươn mình quê hương ta trên con đường làm giàu, xây dựng Tổ quốc. Xin cảm ơn bà con, cảm ơn làng Gió!

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Một Thoáng Yêu Đương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Mơ Xuân
» Tiếng Đêm