Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Cổ Tác Giả: Ngọc Lâm    
    1. Thím nằm xẹp trên tấm phản gỗ, con dâu cả cầm quạt phảy nhẹ, miệng phân trần: “Mẹ chúng em đòi thế. Cụ bảo, nằm trên phản gỗ cho nhẹ người để sớm được gặp cụ ông…”. Chả nói thì cả làng cũng biết, thím cả nghĩ, chẳng biết chữ nhưng mà cứ vanh vách giáo lý. Nghe ngược tai, nhưng thuận miệng thím, con cháu không vâng lời thì thiệt vào thân, liệt vào loại vô phúc. Nhìn chung, phàm là con cháu thì phải biết vâng lời thím. Từ ngày chú mất, thím càng thiết chặt khuôn phép. Sợ thím là vậy chứ cũng có sự xì xèo thậm thụt từ phía mấy chị dâu với em chồng, rồi tự những cái miệng ấy lại rào ngược đón xuôi: “Nói với nhau biết vậy chứ không phải nói xấu mẹ đâu nhá…”. Thím mà biết thì chết cả đám, “kẻ” mách lẻo cũng như “kẻ” buột miệng kia đều phải chịu trận ngang nhau. “Hừ. Trứng chưa nứt vỏ mà vịt đã kêu… Gớm. Tôi đẻ ra các anh các chị, nuôi dạy các anh các chị bằng cây bằng sào. Khôn ở đâu không biết chứ bước về cái nhà này là phải có đầu có đũa…”. Nghe chuyện khuôn phép nhà thím cười đến thắt ruột. Từ hai cậu lớn sao gạch vàng rực trên ve áo, cho đến cậu bé, cô út đều phải răm rắp. Mắng mỏ đã đành, đằng này sợ nhất là thím làm mình làm mẩy. Nghe mà sợ. Thím đến trước bàn thờ thắp nhang, dập đầu xuống đất, rồi cả ngày không ăn, mệt thì nằm lỳ trên giường. Cho đến khi không còn ai, thím nhổm dậy nấu bát mì tôm ăn tạm rồi dạo quanh vườn lẩm bẩm một mình, tối đến thím lại thỉnh nhang, ngồi trước bàn thờ đến khi đổ gục xuống, làm luôn một giấc đến sáng. Chẳng bao giờ ai can được thím. Thôi thì đành vậy. Vợ chồng cậu bé ruột như xát muối, nuốt nước mắt gọi điện cho cậu lớn. Cậu lớn về, thím còn gượm gự chán rồi mới nhận cái lỗi của cậu xin đỡ cho các em: “Thôi thì tại con tất ráo cả…”. Bao giờ cũng vậy, nhận lỗi xong, thím bắt cậu lớn phải ở nhà với thím mấy ngày để thím nguôi ngoai rồi mới được ra đơn vị. Cậu lớn về thì cả nhà mới được ăn tươi, không về thì hũ lạc chay coi chừng bị mốc, mấy con cá chê cậu bé bắt được dưới ao bụng vàng rộm, thím nhốt trong hũ sành “chờ anh nhớn về”, đến khi đổ ra gầy quắt chỉ còn thấy đầu… Đến ngày cậu lớn đi thì mới được làm thịt gà, hai cái lườn với hai cái đùi gói cùng mo cơm nếp thím gửi cho mấy đứa cháu “con anh mí lại con thằng nhỡ”, lại còn dặn với: “Cái đùi bà chặt to hơn là bên nhà anh, bên kia là nhà thằng nhỡ đấy nhá. Rõ khổ… Không về thì thiệt…”. Thương cháu ở xa không được ở cạnh bà nội, ấy thế mà mấy đứa cháu mãn khóa học về quê, đêm hè lặng gió nóng nực là thế, bật quạt được một lúc, chúng ngủ say là thím rút phích điện, phe phảy quạt mo cho đến khi thím ngủ, muỗi đốt, bọn trẻ đập chân đập tay thím đâu cần biết nữa. Sáng ra đứa bé nhìn bà mếu máo, đứa lớn nháy mắt ra hiệu: “Không sao đâu em, ra Hà Nội chị xoa tí nước hoa của mẹ là lặn ngay thôi mà”. Thím lườm con bé vẻ mặt dấm dứ: “Đã thấm vào đâu với bà ngày xưa. Có vậy chúng mày mới rày rạn lên được. Gớm mà da cháu bà trắng trắng là. Mấy nốt ăn thua rì chứ. Hứ hừ… Bấy bớt vậy sau này làm cái rì nên ăn hả cháu?”…
     Chuyện vặt nhà thím có mà kể quanh năm. Chung quy lại, nói gì thì nói chứ với thím, con cháu nhất nhất phải giữ khuôn giữ phép gia phong. Mà “gia phong nhà này là phải trên dưới trật tự, không được phạm húy với tổ tiên, không được cãi lại bề trên…”. Tên thím là Giỏi nên con cháu học hành giỏi mấy cũng chỉ được nói là “khá”, cô út làm cô giáo khó lòng mà thoát được tội phạm húy nên hay bị thím giận. Từ ngày cô út lấy chồng, ít về thì thím lại thương, lại nhớ, thím bảo: “Ráo thì ráo cũng phải chừa tên mẹ, có rỏi cũng phải nói trại đi chớ…”. Cô út hỏi lại: “Vậy mẹ bảo con đứng trước trường, trước lớp thì làm sao con nói trại đi được hả mẹ. Con chả biết dùng từ gì đâu mẹ ạ… Con xin lỗi mẹ!”. “Ừ thì ở trường tôi không nghe thấy thì thôi, từ nay về nhà truyện trò thì trên khá chị cứ gọi là khớ cho tôi. Chị nhớ đấy!”. Cô út chỉ biết vâng rồi quay nhanh xuống bếp, tránh buột cười để khỏi đắc tội. Rõ khổ, chỉ riêng tội phạm húy thôi mà bao nhiêu lần vợ chồng cậu bé ở nhà phải chịu trận. Ông cố bên nhà thím tên là Kim, từ nhỏ các con thím được quy định gọi cái kim là cái xỏ. Hồi nhỏ mỗi lần nghe thím sai cô út: “Chấy ơi! Lấy cho mẹ cái xỏ lên đây…”, bọn trẻ hàng xóm nghe thấy là ôm bụng cười sặc sụa, mãi rồi cũng thành quen, sang nhà thím mượn kim chỉ cũng phải gọi theo là “mượn cái xỏ”. Cái lần giỗ chồng thím, của đáng tội, chú mất đã chục năm tròn, ấy thế mà đã kỵ là phải buồn, phải trầm mặc thì mới là hiếu đễ, không thế sẽ bị thím giận. Đến khổ cho chồng cô út, lấy vợ quá chục năm trời rồi mà không nhớ nổi húy danh bên ngoại vợ, giữa cỗ thì bốc men: “Sai lầm lớn nhất của em là không có quỹ đen nên làm gì cũng phải hỏi vợ…”. Cậu lớn nháy mắt mấy lần mà rể út không biết gì lại còn vỗ đùi khẳng định: “Thế mới dại, chán đời không cơ chứ, không dại nào giống dại nào. Hì… Sai lầm, sai lầm cơ bản!”. Cả mâm trợn tròn mắt nhìn rể út như kẻ báo hại. Thím Giỏi đứng chống nạnh sau lưng rể út từ lúc nào: “Này anh! Anh có biết tên bố tôi là rì không?... Là Lầm! anh biết không? Từ nãy đến rờ anh chưởi tôi đến bốn năm lần anh nhớ chưa?”. Cô út ôm eo mẹ làm lành: “Nhà con không biết, nhà con sai rồi. Chúng con xin lỗi mẹ… Từ nay anh phải gọi là sai nhầm. Anh nhớ chưa!?”. Thím ráo hoảnh xuống bếp, chồng cô út toát mồ hôi hột, nem nép ngồi chống đũa. Cỗ bàn chùng xuống rồi bế mạc sớm. Sau lần ấy, dễ đến một năm trời chồng cô út mới tạm gọi là lấy lại được phong độ với bên nhà vợ…
     2. Ngày thím Giỏi về làm dâu mới độ mười ba mười bốn tuổi đầu. Ngày xưa ông nội tôi học chữ nho, hay đi ra ngoài thiên hạ, thỉnh thoảng có buôn mấy thứ lặt vặt gọi là buôn “hàng xách”. Ông chạy chọt được cái môn bài bán rượu, dựa vào đó để bà tôi nấu rượu chui bán chen vào, nhờ sự khéo léo của ông mà đám chức dịch trong xã không moi móc, động chạm tới. Ông tôi thường đi chơi xa, hôm ấy đi về dắt theo thím tôi, ông bảo với cha mẹ tôi: “Con nhà lực điền khỏe hiếm thấy, hay lam hay làm, lại có vẻ thích chữ nghĩa. Con bé này cứ cuối chiều từ ngoài đồng về, trên vai là một gánh cỏ trâu đằm vai người lớn, thế mà khi về qua nhà cụ đồ cứ thế đứng lại nghe giảng bài rất lâu rồi mới về nhà. Con nhà nông phu mà thầy thấy dung diện nó coi được, nét này xem ra là vượng phu ích tử đây… Thầy xin về làm vợ thằng út, người ta đồng ý cho ngay… Nhưng mà phải để xa xa ra chọn ngày lành tháng tốt thì mới sính lễ đưa sang nhà người ta. Làm thế để trốn đi cái hủ tục của lệ làng bên ấy”... Tôi biết những trường đoạn gia cảnh ngày xưa như thế là khi chúng tôi lớn lên được nghe mẹ tôi kể lại:
     “… Mẹ tôi phụ bà nội bán rượu, cứ mỗi lần đám chức dịch trong làng, trong xã tới là rượu ngon mẹ tôi đựng trong gù mang ra lót tay, mấy lần họ dẫn Tây về làng, qua nhà tôi uống rượu rồi lui êm không hạch sách gì. Sau một độ bà nội tôi lâm bệnh rồi mất. Điều làm người ta lưu tâm nhất là ông nội tôi hay đi vắng, cha tôi bỏ nhà ra Hồng Gai làm phu mỏ. Chú tôi làm thợ xẻ gỗ đi khắp nơi trong vùng. Thím Giỏi bấy giờ là tâm điểm của những con mắt săm soi. Thím đẹp, một thân hình cân đối, nở nang, khuôn mặt thuần hậu. Đang độ xuân thì sức vóc hơn người, thím khỏe đến nỗi đàn ông còn phải nể, thím lặn một hơi qua sông Chiệc. Khi nước sông lửng dòng, thím vác giậm đằm mình khua một chặp là đầy hai giỏ cáy, mùa màng đông vụ chí kỳ, chuyện cấy hái của cả hai nhà cứ nhẹ như không. Bữa ăn của thím chỉ cần cơm độn dong riềng, một rá rau lang luộc chấm mắm cáy thế mà mọi việc trong ngày cứ như bay như biến. Ông nội tôi thường hay lấy chữ nghĩa để khuyên răn con cái, thỉnh thoảng thím Giỏi không phải đi làm đồng, ở nhà phụ việc cho mẹ tôi bán rượu. Ông nội tôi nằm trên võng, vừa đu đưa vừa cất giọng ngâm Kiều. Hôm sau trước khi ngâm Kiều ông tôi hỏi vọng: “Chị nhớn, hôm qua thầy ngâm đến đoạn nào rồi nhẩy?”. Mẹ tôi: “Dạ thưa thầy…”, rồi bà đọc bốn câu kết của hôm qua, thế là ông tôi ngâm tiếp, đoạn nào hay ông tôi ngâm đi ngâm lại rồi bình. Cứ thế, chỉ nghe rồi nhập tâm mà thím tôi thuộc cả quyển Kiều cùng với bao nhiêu là ca dao, tục ngữ. Ông tôi có vẻ bằng lòng nhưng chỉ gật đầu chứ không bao giờ nói ra bằng lời.
     Năm hai mươi tuổi, thím Giỏi sinh cậu nhớn được hơn một năm thì ông tôi mất. Trước đó một thời gian, ông tôi nhắn cha và chú tôi về và dặn rằng: “Thầy là người thích giao du, nhưng không phải chỉ để cho thỏa chí, mà là để mở mang đầu óc nhìn nhận thế thời, thầy đã làm những việc che mắt thiên hạ nhưng không phải là kẻ xu thời, nay mai cơ sự nước nhà ắt sẽ đổi thay. Thầy luống tuổi rồi, vả lại thầy đã lâm bệnh trọng chắc khó thọ lâu, hai anh em tìm đường gấp mà tham gia kháng chiến, có gặp gian nan cũng cố mà theo, đã theo rồi thì đừng đắn đo quản ngại, không hối tiếc nghe chưa. Thầy chắc vợ các anh, chị em chúng nó sẽ tự lo liệu được mọi bề, chẳng hề thua kém người ta…”.
     Sau khi ông nội tôi mất, cha và chú tôi cùng ở nhà không đi xa nữa, hai ông thường tụ tập một số trai quanh vùng về nhà uống rượu, chơi tổ tôm thâu đêm. Nhà tôi ở năm gian nhà ngang cùng hướng với từ đường, nhà chú thím ở năm gian nhà dọc, đằng sau là ao, xung quanh bờ ao cơ man nào là tre gai, mây, cây lưu niên và một vườn dong riềng… Cảnh ấy diễn ra đến hơn một năm sau thì đột ngột cha tôi chuyển cả nhà tôi ra phố huyện, từ đường, nhà cửa, điền thổ giao cho chú thím ở nhà chăm nom hương khói tổ tiên. Ra ngoài phố cha tôi lại vắng nhà, ông bảo mẹ tôi là đi tìm học nghề, thực ra là ông đã đi theo kháng chiến. Chú tôi cũng đã tham gia hoạt động bí mật cùng nhóm với cha tôi, ông được giao nhiệm vụ ở tại nhà làm cơ sở hội họp bí mật của nhóm, hầm bí mật được đào ở mé ao dưới bờ dứa dại sau vườn nhà. Các thành viên trong nhóm “tổ tôm” trước đây đã trở thành các thành viên hoạt động bí mật, thường xuyên đi về. Thím Giỏi không làm đồng nữa mà ở nhà cất rượu của nhà Phó Viu về bán lẻ, khách cũng thưa dần, thím Giỏi bán rượu nhằm để che mắt thiên hạ. Được giác ngộ, thím làm nhiệm vụ canh gác, phục vụ hậu cần cho anh em cán bộ khi về họp, nhiều khi phải trụ lại.
     Thời gian này ngoài phố bọn lính Pháp bắt đầu tăng cường đi tuần, Việt gian, mật thám lộ diện. Gần đây mỗi lần đi cất rượu về bán thím Giỏi đã ngờ ngợ có người lạ cố tình bám theo. Một lần thím gánh hai vò rượu từ nhà Phó Viu về thì hai người lạ mặt theo sau, đến bờ sông Chiệc, thím đưa tay gạt mồ hôi trán rẽ nhanh xuống mé sông, hạ gánh rồi từ từ cởi áo, cởi yếm lội xuống nước, khi chiếc váy lộn qua đầu quăng lên bờ là thím như một con ếch nha nhẩn khỏa nước bơi sang bờ bên kia. Bốn con mắt vừa hoài nghi vừa chưng hửng nhìn theo. Sang bờ bên kia thím lội vào một bụi năn đứng kỳ cọ, nước ngang hông, để lộ tấm thân tròn lẳn, nõn nà… Vừa kỳ cọ vừa quan sát, một lát sau thím lội ra hụp sâu xuống lặn một hơi trở về. Thím hắng giọng: “Ai ở trên bờ kia. Đi đi cho người ta lên bờ, muốn uống rượu thì về nhà… Hay thích nhìn trộm thì xuống đây xin tôi hẳn hoi…”. Nghe vậy hai gã đàn ông tẽn tò với người đi đường, quay lưng chuồn thẳng. Tối hôm đó vác giậm ra sông, đằm mình một chặp thím tôi mang về lưng giỏ cáy, lấy trong cạp váy ra một cuộn giấy được quấn bên ngoài bằng mảnh áo mưa, đó là tài liệu và truyền đơn phát động kháng chiến được người nhà ông Phó Viu đưa cho thím chuyển về cơ sở. Nhiều hôm từ nhà Phó Viu ra với đôi vò không, thím quảy lủng liểng, vừa đi miệng vừa làu bàu ngoa ngoắt với nhà Phó chẳng kiêng nể gì, vì nhiều lần nhà Phó để lỡ rượu nhà thím. Mỗi lần như vậy là thím lại mang được tài liệu cùng một mớ truyền đơn trở về an toàn. Mà lạ, chẳng bao giờ thím bị chặn lại khám người, những đôi mắt cú vọ theo dõi thím cứ hau háu nhìn, có vẻ thèm muốn cơ thể thím mà không dám động vào, lẽ nào mật thám lại sợ cái đòn gánh mấy lần thím cầm lăm lăm trên tay đuổi cướp ngoài chợ… hoặc giả còn tần ngần tiếc rẻ tấm thân hừng hực của thím khi thím bơi qua sông Chiệc…
     Cho đến một buổi chiều, thím đang chuẩn bị cúng giỗ cụ tứ đại, xong thì đãi mấy anh em cán bộ vừa về họp còn đang ém ngoài hầm bí mật. Đột ngột có tin báo về: “Quân Pháp sắp vào làng”. Gấp lắm rồi, chú tôi báo cho anh em ra khỏi hầm cùng chạy tắt về phía bờ sông, nhanh chóng bơi qua sông để vào núi. Bắt đầu vọng lên tiếng quát tháo, tiếng chó sủa, tiếng khóc lóc van xin ở xóm bên… Một tên Pháp râu quai nón cùng một gã người Việt xộc vào sân nhà, thím Giỏi ngồi bệt dưới sân trước từ đường, một tay ôm cậu nhớn, một tay ôm bụng, hai chân thím thò ra ngoài chiếc váy nơm bê bết máu. Khi tên Pháp xộc vào, mắt thím trợn ngược, chới với lết tới, hình như máu trong người thím chảy nhiều đến nỗi ướt cả váy, kéo thành một vệt dưới sân. Tên Pháp mắt trợn tròn… Thím kêu như thét lên: “Các ông cứu tôi với, tôi bị băng huyết, tôi chết mất…”. “Tôi là thông ngôn. Mụ bị sao thế?”. Gã người Việt hỏi thím xong, nói gì với tên Pháp rồi quay lại nhìn thím kêu lên: “Có phải mụ xảy thai không?”. Thím gật đầu. Tên Pháp nghe thông dịch xong dậm chân phẩy tay ra cổng… Thím chỉ kịp nghe gã người Việt nói với lại: “Thật xui xẻo, chúng tôi không thể cứu mụ được!”. Một lát sau, có tiếng súng nổ ngoài bờ sông… ngớt dần, ngớt dần rồi im bặt. Bầu trời như sập xuống… Thím Giỏi như không đứng lên được nữa. Đến xẩm tối khi có tin báo bọn giặc đã rút từ lâu. Một không khí nặng nề bao trùm lên làng Nhật Nam. Thím tất tưởi bật dậy, đặt cậu nhớn lên bậc thềm, chạy ra bể múc nước vén váy giội ào ào. Mấy đĩa tiết gà thím bóp nát trong cái sanh đồng rồi đổ vào người, vốc những cục tiết vụn xát vào hai chân, bế xốc cậu nhớn bổ nhào ra sân, lết ra phía cổng… Thế mà thím đã lừa được bọn giặc, không thì coi chừng chúng đã tìm thấy hầm bí mật… Xối sạch tiết gà xong thím cõng cậu nhớn trên lưng chạy một mạch ra bờ sông Chiệc, dọc một đoạn đến bến sông, nơi xếp thành những bậc đá để người ta đi làm đồng về xuống tắm, hoặc rửa mặt mũi, chân tay. Nước sông Chiệc thường ngày trong xanh, mát rượi, với thím đã quá đỗi gần gũi thân quen… bỗng lúc này thím cảm thấy hình như nước sông đã nhuộm đầy máu đỏ ngầu. Một cảnh tượng thật là rùng rợn, không một ai ngoài cái hình người bị trói nằm ngửa dốc ngược đầu xuống sát mé nước, mình gác trên cạnh từng bậc đá xuống sông. Thím ghé sát mặt xuống nhìn vào đôi mắt trợn trừng đang hướng lên bầu trời xanh thẳm. Suýt nữa thì thím hét lên, thím ghìm giọng: “Chú Quảng...!”. Chú Quảng là cán bộ của cấp trên bị rơi vào tay giặc, chú bị giặc cắt tiết, chắc chú chống lại quyết liệt nên đã bị chúng giết tại chỗ. Thím vuốt mắt cho chú Quảng rồi đọc câu niệm phật cho người chết được “Siêu sinh tịnh độ”. Đêm hôm đó anh em cơ sở đưa chú Quảng qua sông vào trong núi. Chú tôi kể lại, chú Quảng cố tình lui lại chấp nhận rủi ro đánh lạc hướng để anh em đủ thời gian qua sông an toàn. Khi hòa bình, cứ mỗi năm đến ngày chú Quảng bị giết là thím tôi lại làm mâm lễ ra bến sông đèn nhang cúng chú. Sau này hài cốt chú được đưa về quê trên Việt Bắc, thím tôi xin làm thủ tục đưa chân nhang chú Quảng vào bát hương công đồng chi tộc nhà tôi. Thím bảo: “Chú ấy là ân nhân cứu mạng cho nhiều người, trong đó có chồng tôi đấy!”. Đến hồi cải cách ruộng đất, Đội cải cách bắt ông Phó Viu đưa ra đấu tố chờ ngày xử bắn vì vừa là địa chủ, vừa bị nghi là phản động. Phó Viu được giam giữ ở ngôi miếu Cô Hồn. Đêm hôm đó thím Giỏi lần ra miếu, bí mật cởi trói cho Phó Viu đi trốn. Mấy hôm sau thì sửa sai, cha tôi về làm Bí thư Chi bộ xã (sau này là Đảng bộ xã), chú tôi về làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã. Phó Viu trở về được công khai là gia đình có công với kháng chiến, cha tôi mời ông ra chủ trì thành lập trường làng. Từ đấy thím Giỏi đối với làng, xã là một phụ nữ đáng kính nể.
     3. Đoạn cha tôi và chú tôi lần lượt vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện, cùng lên huyện công tác. Năm 1964, khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, mẹ tôi đưa chúng tôi về quê sơ tán và từ đó không trở lại phố huyện nữa. Nhà tôi và nhà thím lại như cũ. Theo ông nội tôi dặn thì điền thổ chia ba, nhà tôi hai phần, trong đó có từ đường chi tộc, nhà chú thím một phần, đằng sau có ao và vườn dong riềng. Cha và chú tôi thực hiện chủ trương của trên về phá dỡ nhà thờ, chia lại đất mỗi nhà một nửa. Hàng ngày thím làm quần quật ngoài đồng, xong đồng áng thì hì hụi ao vườn. Mẹ tôi trúng bệnh phong hàn bại liệt nửa người, chữa mãi mới hồi phục trở lại nhưng không còn làm được việc nặng. Mấy chị em tôi nương tựa vào uy của thím mà lớn lên, thím đẻ năm bận từ cậu nhớn, cậu nhỡ, hai chấy gái rồi đến cậu bé. Lúc nhỏ, năm đứa nhà thím đứa nào cũng núc ních, khỏe mạnh, nghịch ngợm nhưng được nết hay làm, chúng sợ thím một phép. Mẹ tôi hàng ngày chỉ cần sắng dặng một chút là chúng tôi hiểu việc, vâng lời. Thím giữ lễ phép với mẹ tôi, cái gì cũng hỏi ý kiến chị. Tối đến hết việc, thím sang ngồi nói chuyện với mẹ tôi, thỉnh thoảng lại đòi mẹ tôi đọc sách để thím ngồi nghe, ngoài Kiều ra thím thích nghe ca dao, tục ngữ, thơ Hồ Xuân Hương, truyện cổ tích, truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn… cứ nghe, nhập tâm là thuộc, đi làm đồng thím chế thêm vào kể cho bà con cùng tổ sản xuất, nghe xong cười đến tức bụng, quên cả đói khát, mệt nhọc. Chả trách nào cánh thanh niên cứ thích đi làm đồng với cô Giỏi. Về nhà là thím nghiêm mặt: “Sáng đi học rồi, đến chiều làm rì? Đứa nào ở nhà thì ra nhặt sạch lá mít ngoài vườn, phơi khô để nấu cám lợn, còn một đứa xuống ao vớt bèo… Buổi chiều thằng nhớn ra tát nước lên gò, thằng nhỡ xay nốt mấy cối lúa, hai chấy ra đồng Mả Cò mót hết mấy luống khoai mẹ mới rỡ sáng nay, thằng bé ở nhà trông gà cho mẹ”. Mấy anh em liếc mắt nhìn nhau, chấy bé cười phá lên: “Mẹ. Mẹ tính xem còn đứa nào của mẹ mà nhặt lá mít với lại xuống ao vớt bèo hả mẹ”. “Gớm lại trứng khôn hơn vịt rồi. Thì để đấy tao làm”. Thế là ăn cơm xong mấy anh em tranh nhau ra nhặt lá mít, cậu nhớn thì lẩn ra ao cởi phăng quần áo lội xuống gạt bèo vớt đầy giành để chiều còn phải đi tát nước lên gò. Bữa nào cũng vậy, ăn cơm là thím ngồi đầu nồi xới cơm, tùy theo lớn bé để thím xới theo định lượng, sau đấy món độn là khoai, sắn hay dong riềng thì tùy thuộc vào sự nặng nhẹ để thím “ưu tiên” cho xứng với công việc đã làm. Thức ăn có gì ăn nấy, ngoài rau mắm ra có món gì ngon là chúng ưu tiên thím trước, còn lại là nhường nhịn lẫn nhau. Chỉ nhìn bữa ăn nhà thím đã đủ thấy cái “tôn ti trật tự” đáng yêu của một gia đình. Buổi tối trước khi các con thím ngồi vào học bài là chúng phải nghe một bài giảng giải về “nề nếp gia phong, tôn ti trật tự”... Đặc biệt phải chú ý không được phạm húy bề trên trong gia đình, anh em bên nội, bên ngoại. Mẹ tôi lấy chồng mất tên nhưng thím thì lại được mọi người gọi đúng tên tục, có vẻ thím rất thích cái tên “Giỏi” của thím.
     4. Thế là bọn trẻ hai nhà chúng tôi đã trải qua một chặng đường dài, lớn lên, trưởng thành, làng nước nhìn vào bảo vậy là phương trưởng. Mấy chị em tôi đều thoát ly cả, cha tôi mất sớm, chị cả đón mẹ chúng tôi ra thành phố ở cùng để chị phụng dưỡng mẹ cho được chu đáo, mẹ tôi nhờ phúc đức tổ tiên cũng được hưởng đến tuổi thượng thọ. Bây giờ nhà cửa vườn tược nhờ nhà thím tôi trông nom, không kể giỗ tết, thỉnh thoảng chị em chúng tôi vẫn về hương khói kính lễ tổ tiên. Bên nhà thím hai cậu ở Hà Nội đã nghỉ hưu, hai cô con gái ở ngoài thành phố tỉnh nhà, Chấy nhớn cũng đã nghỉ hưu. Cậu bé khi hết nghĩa vụ quân sự được về là ở luôn nhà với chú thím, bây giờ cũng đã có cháu nội. Thím Giỏi đã cận kề đại thọ, tuổi già mỗi năm mỗi khác, càng già càng đổi tính, chả trách người xưa bảo “Một già một trẻ bằng nhau”. Biết thế là khổ rồi, hay quên, hay lảm nhảm chẳng biết nói gì, chân tay thì run rẩy, hít vào thở ra cũng khó, răng rối rụng sạch cả, móm ma móm mém, mặt mày nhăn nhúm, thân hình teo tóp… Mình nhìn mình chán, bọn trẻ nó nhìn có khi nó sợ. Thế đấy. Người ta bảo tính nết con người ta thường là tiền dễ hậu khó, tiền khó hậu dễ, tiền thảo hậu độc và ngược lại. Tôi chẳng mấy để ý đến điều này, nghiệm vào mẹ tôi thì lúc nào cụ cũng thảo hiền, cho đến phút chót vẫn tỉnh táo, minh mẫn, dịu dàng, nhân hậu. Nghiệm vào thím Giỏi thì có vẻ hợp nhẽ ấy, tính tình về trước thì cứ cho là khó, bây giờ thím đang nằm kia, chẳng biết các cậu em, cô em tôi nghĩ gì. Mà nghĩ gì đi nữa thì với tôi thím Giỏi vẫn là một người mẹ vĩ đại. Năm ngoái khi thím bắt đầu biết ốm nặng là gì, khỏe lại thím gọi con cái về, rơm rớm nước mắt nhìn các con, thím bảo: “Các con ạ. Đứa nào mẹ cũng thương, nhưng thương thì thương cũng phải rữ khuôn, rữ phép. Có rữ như vậy mới được như bây rờ. Mẹ tính vầy, phần đất ông cha để lại cho phần nhà mình, nhà mình chia làm ba phần bằng nhau cho ba anh em, phần thằng em là có nhà có bếp có sân, còn lại anh nhớn, mí lại anh nhỡ lấy hai phần phía sau, nhưng mà khi nào hai anh có về làm nhà thì mới được cắt đất nghe không. Ba anh em giai phải góp tiền vào mua lấy hai cây vàng để mẹ hồi môn cho hai con chấy của mẹ. Mẹ để các anh suy nghĩ đêm nay, ngày mai trả nhời cho mẹ”. Thím ngừng lại lẫm chẫm đi vào buồng, một lát sau đi ra trên tay thím cầm một cái hộp gỗ mộc to bằng quyển sách có khóa hẳn hoi. Thím bảo: “Đây là tiền hai vợ chồng thằng bé gửi mẹ để dành, bây giờ mẹ trả lại cho chúng nó, nhiều hay ít, mở ra lúc nào là quyền chúng nó. Còn đây là túi nhẫn vàng, cháu nội thì mẹ cho mỗi đứa một chỉ, cháu ngoại thì mỗi đứa nửa chỉ, ít nhiều bảo chúng nó đừng chê của bà. Các chắt thì cho bà cố xin lỗi, sau này các con lo cho chúng nó nghe chưa”. Vợ chồng cậu bé sững người nhìn thím nhưng thím đã xua tay: “Thôi nhá, ngày mai các anh các chị trả nhời tôi nhá!”. Thím cười, nhìn ánh mắt thím ươn ướt.
     Hôm qua con bé gọi cậu nhớn bằng ông ngoại về thăm bà cố, nó hỏi cậu nhớn: “Ông ơi. Sao có lần mẹ cháu lại gọi bà cố là người cổ hả ông?”. Cậu nhớn tròn xoe mắt, con gái thứ hai của cậu vội vã thanh minh: “Cái hôm con kể cho chúng nó nghe về trận muỗi đốt năm xưa ở nhà bà, xong rồi thì con nói đùa đấy ạ”. Cậu nhớn đứng lên, một nét đượm buồn hiện trên khuôn mặt: “Các con ạ. Không có ông bà làm sao có bố mẹ. Mà đúng rồi. Bà của các con sắp trở thành người thiên cổ, rồi bố mẹ cũng sẽ thành người thiên cổ, rồi lần lượt các con cũng sẽ theo cái vòng tạo hóa ấy mà thành người thiên cổ cả thôi. Ai ai rồi cũng vậy, có sống mãi được đâu. Quy luật “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” mà con. Vậy nên là con cháu phải lấy chữ “Hiếu” làm đầu… Đối với ông bà thì bố mẹ đây còn có lỗi nhiều lắm, chả biết sau này bố mẹ già yếu như bà bây giờ liệu các con có còn yêu quý nữa không. Rồi con cháu của các con sau này nữa sẽ đối xử với các con ra sao nhỉ - Cậu nhớn mỉm cười - Từ trước đến nay bố dạy dỗ các con đều theo giáo lý của bà đấy con ạ!”. Cậu nhớn đứng dậy bước ra nhà ngoài đến cạnh tấm phản nơi thím Giỏi đang nằm. Tôi nhìn theo mà lòng quặn thắt. Mấy hôm trước tôi về thăm thím còn tỉnh táo lắm, tôi hỏi đùa thím: “Thím ơi, thím cho con mượn cái xỏ đi thím”. Thím cười méo mó: “Cha nhà chị trêu thím. Tôi cải lại cho chúng nó rồi. Phàm tên các cụ từ năm đời trở lại đây thì không được đặt tên con cháu trùng vào, còn nói thì không phải nói trại đi như trước nữa, cơ mà phải có ý có tứ trước mặt bề trên. Chị nghe chửa!”. Thím đưa tay run run nắm chặt lấy bàn tay tôi, thật cảm động, nước mắt tôi chảy tràn xuống má…
     Thế là thím Giỏi đã nhắm mắt xuôi tay, cũng như cha mẹ tôi, như bao người già khác. “Người cổ” đang đi về cõi hư vô. Mỗi lớp người trải qua ngàn dâu bể bước lên hàng thọ, thượng thọ, đại thọ rồi về cõi vĩnh hằng chẳng phải là cõi hư vô hay sao?… Thím tôi có một cuộc đời để lại cho con cháu bao nhiêu là giai thoại, giai thoại nào về thím cũng đều đọng lại trong tôi một giá trị hết sức chân quý về đạo làm người. Tôi đã khóc, khóc lặng đi khi nghe câu chuyện cuối cùng trước khi thím tôi tắt thở. Các em nhà thím đến ngồi quây quần bên thím để nhận bảo vật của thím cho hàng cháu. Vợ chồng cậu bé mang toàn bộ số tiền trong hộp gỗ báo cáo công khai đây là tiền của thím dành dụm từ bao nhiêu năm nay, tiền nhon nhặt từng đồng tiết kiệm, tiền mừng tuổi ngày tết, tiền mỗi lần con cháu về biếu thím, tiền thím bán trầu cau, rau quả, tiền lộc tiền lá từ bấy đến nay được thím để dành… Vậy mà thành một số tiền lớn đến ngần kia. Hôm trước thím chẳng cần biết bao nhiêu, trong lòng thím đã mặc định là để bù trì cho đứa con trai út đã chịu thiệt thòi và chịu nhiều vất vả cùng với thím ở lại đất lề để gìn giữ gia phong. Vợ chồng cậu bé run run, vừa đếm tiền vừa thương mẹ. Hai vợ chồng nhìn nhau không ai bảo ai đều cùng một suy nghĩ là mang số tiền công khai trước mọi người. Cậu bé đề nghị với các anh các chị xin được dành lại một phần nhỏ để lo hậu sự cho mẹ, còn lại kêu gọi đóng góp thêm để tôn tạo lại nhà thờ chi tộc. Hai gái chấy của thím không đòi hỏi về đất, họ nhận danh nghĩa hai cây vàng nhưng xin được đóng góp toàn bộ vào để tôn tạo nhà thờ. Chị em chúng tôi cùng đồng tình đóng góp để thực hiện tâm nguyện của cha, chú, mẹ và thím tôi khi còn sống. Câu chuyện diễn ra khi thím tôi sắp ra đi mà như thím vẫn còn khỏe mạnh đang điều hành các em tôi vậy.
     Thím Giỏi, người cuối cùng ở hàng cha mẹ chúng tôi đã về nơi vĩnh hằng, nơi mà tổ tiên chúng tôi ở đó đang chờ. Tôi thắp nén nhang thành kính vái trước hương hồn thím, ánh mắt nhòa đi mà cảm như tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ ngày xưa về thím đang lần lượt hiện về…

Kết Thúc (END)
Ngọc Lâm
» Người Cổ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop