Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mẹ Kế Tác Giả: Ninh Đức Hậu    
    Trại sáng tác Văn học trẻ của Hội VHNT tỉnh hàng năm được tổ chức vào dịp hè. Các em học sinh giỏi văn có năng khiếu văn học được mời đi dự. Tôi có may mắn được lãnh đạo hội phân công phụ trách Trại sáng tác, nên có dịp được tiếp xúc với nhiều cháu. Truyện ngắn dưới đây được viết trên cơ sở là một câu chuyện có thật của một thành viên dự Trại sáng tác. Có một vài chi tiết trong truyện là nguyên văn cháu kể với tôi…
    “… Hú hụ…. Hú hụ…” Chiếc xe cứu thương của bệnh viện Bạch Mai “hú hụ” giật giã từng hồi rồi đường đột dừng lại trước ngõ. Ông Bổng, mặt mày bơ phờ, hai hốc mắt hõm sâu, đầu tóc rũ rượi, mệt nhọc từ trên xe bước xuống. Ông đưa đôi mắt rầu rĩ nhìn chú Lời, chú Lợi tuy lầm lì nhưng vẫn nhanh nhẹn đẩy cái cáng có bánh xe mà người ta vừa hạ từ trên xe xuống, vào nhà. Trên cáng bà Bổng nằm bất động, một cái vỏ chăn mỏng đắp kín người bà. Ông Bổng lẩm bẩm: “Đi rồi… Bà đi rồi thật sao?”.
    Năm ấy cái Diên mười hai tuổi, bà Cải hàng xóm bảo với ai đó “Đừng cho con cái Diên biết mẹ nó mất, nó bị bệnh tim bẩm sinh, nếu đột ngột xúc động là nguy đấy!”. Cái Diên nghe thấy bà Cải nói, lại nhìn thấy mấy bà hàng xóm nhìn nó với vẻ lo lắng thái quá. Thực tình cái Diên lúc ấy cũng không nhớ có xúc động không, nhưng cảm giác hẫng hụt và đau đớn thì nhanh chóng lan toả và xâm chiếm đầu óc non nớt của nó. Thật may, trong sự đau đớn mất mẹ ấy bệnh tim của nó lại chịu nằm im. Hình như sự nguy hiểm cũng cảm thông cho đứa trẻ bắt đầu mồ côi mẹ. Chú Lời, chú Lợi đẩy cáng vào sân, ông Bổng vẫn lẩm bẩm “Đi rồi… Bà đi thật rồi sao?”. Thằng Nam em cái Diên, còn nhỏ xíu, nghe bảo mẹ về, hớn ha hớn hở chạy từ buồng ra, líu ríu: “Mẹ đã về… Mẹ đã về… Mẹ có mua kẹo cho em không?”. Rồi nó chạy đến bên, đôi bàn tay nhỏ xíu bám vào mép cái cáng gọi: “Mẹ ơi… Mẹ ơi!”. Mẹ không động đậy, mẹ không nói gì vậy là nó khóc toáng lên “Mẹ ơi sao mẹ không giả nhời con?”. Chú Lời sụt sùi bảo Diên: “Cháu bế em ra ngoài đi”. Diên xoè tay, thằng Nam ngúng nguẩy: “Em ứ cần chị, em cần mẹ bế cơ…”. Rồi nó khóc ré lên, khóc một lúc bỗng nó nín bặt, Diên chỉ còn nghe những tiếng nấc, và nhìn nơi cuống họng nó giần giật, giần giật.
    Làng Trạch Sa quê Diên thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh. Nơi đây, diện tích chủ yếu là rừng và núi, đất ruộng canh tác cũng có, nhưng không nhiều. Đời sống của hàng ngàn hộ dân còn khó khăn. Nhiều năm mất mùa do thiên tai thì khó khăn lại chồng lên khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự cần cù lao động, biết chắt chiu tằn tiện trong chi tiêu, nên nhà ông Bổng cũng không đến nỗi. Mấy năm trước ông còn làm được ngôi nhà mái bằng 5 gian, có sân rộng lát gạch Gia Tường đỏ. Cửa chính mở ra phía rừng nguyên sinh Cúc Phương. Những buổi chiều hè, gió từ rừng, mang theo mùi lá mục thổi về, khi thì thum thủm lúc lại thoang thoảng thơm, chỉ có gần rừng mới được hưởng những làn gió mang hương vị kỳ lạ đó… Những buổi chiều hè đón gió rừng, sân nhà Diên được quét dọn sạch sẽ, chiếu trải ra giữa sân, mâm cơm sắp ra trên chiếu, ba mẹ con đợi cha đi rừng về. Mẹ Diên khe khẽ hát: “Rừng ơi ta đã về đây, mang sức của đôi tay…..”. Diên hỏi: “Mẹ hát bài gì vậy?”. Mẹ bảo: “Cũng chẳng biết nữa.”. Vậy mà bây giờ, chỗ mẹ ngồi đợi cha, chỗ mẹ ngồi hát về rừng người ta dựng lên một cái rạp khung sắt xung quanh chăng kín vải vàng. Phường bát âm được mời đến. Tiếng nhị, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn bầu… Ò í e… Ò í e.. cứ như cấu từng khúc ruột của Diên. Hình như thằng Nam cũng lơ mơ nhận ra một điều gì đó, nên túm vạt áo Diên hỏi: “Mẹ nằm trong thùng gỗ kia nóng lắm đấy!” rồi lại hỏi “Mẹ nằm đấy mà cha cứ bảo bà đi rồi à? Mẹ đi đâu chị.” Diên ngắc ngứ hồi lâu vừa gạt nước mắt vừa bảo em: “Mẹ đi xa lắm” Thằng Nam ngơ ngác: “Xa lắm là ở đâu? Bao giờ mẹ về?”. Không riêng gì Diên, mọi người lớn quanh đấy đều khóc. Dì Tơm còn tru lên thảm thiết: “Ối giời ôi, ối chị ơi chị nỡ nào bỏ bầy con trẻ bơ vơ lại cõi đời!”. Trong thâm tâm Diên nhận ra, mẹ đã đi xa thật rồi, hai chị em Diên đã thành trẻ mồ côi mẹ thật rồi. Diên biết rằng từ nay nó không còn được nghe tiếng mẹ la, mẹ mắng khi làm hỏng việc này, hư việc kia nữa. Diên biết là từ nay nó không được bới tay lên mái tóc mẹ để tìm tóc sâu nữa. Ôi! Mỗi lần nhổ nhầm một sợi tóc đen, làm mẹ đau mẹ lại la lên “Cái con Diên này mày giết mẹ không gươm không dáo đấy!”. Nhìn cha, rồi nhìn đứa em bé bỏng bên linh cữu mẹ lòng Diên trĩu nặng. Cha ơi, em ơi, chúng ta đang là những người bất hạnh nhất trên cõi đời này, rồi đây, cô đơn buồn tủi, lạnh lẽo sẽ đồng hành cùng mấy bố con ta. Rồi đây sự yêu thương, tận tuỵ chăm sóc mấy bố con của mẹ chỉ còn là dĩ vãng. Nghĩ vậy, nước mắt không tràn ra ngoài mà cứ chảy ngược vào.
    
    * * *
    Thời gian dẫu có như “bóng câu qua cửa” thì mấy năm xa mẹ vẫn là mấy năm dằng dặc nhất của cuộc đời. Tất nhiên thời gian cứ trôi đi theo quy luật tuần hoàn của nó. Con người cũng vậy, cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn theo thời gian. Nỗi nhớ thương mẹ trong cha dường như cũng nguôi ngoai dần. Mấy năm qua cha căng mình ra lo liệu cho hai chị em Diên. Đàn ông đồng rừng đang vạm vỡ là vậy mà cha tọp đi. Người ta bảo trên đời này chẳng có cái cực nào bằng cái cực “gà trống nuôi con”. Một lần Diên nghe cha nói với chú Lợi, chú Lời: “Vì tương lai của con Diên, thằng Nam, chúng nó mỗi ngày một lớn, cần phải có người chăm lo chu tất, có lẽ tôi phải tục huyền!”. Diên hỏi dì Tơm: “Tục huyền là gì?”. Dì không nói gì, ôm Diên vào lòng, lấy tay vuốt lên mái tóc của nó, mắt dì ngân ngấn nước.
    Cha Diên lấy vợ. Người đàn bà bước vào cái sân và ngôi nhà mái bằng 5 gian có cái cửa chính mở ra phía rừng, thay thế vị trí của mẹ Diên không phải ai khác mà là cô Thoan. Cô người làng Trạch Sầm cùng xã, Diên nghe nói trước đây cô là bạn học của mẹ. Cô gầy, người cao, da đen nhẻm, mặt gẫy, mắt ti hí, mũi hếch, môi dầy và thâm sì… Dì Tơm bảo: “Bà này một thời xuống thành phố buôn bán hàng nông thổ sản, chịu khó tần tảo, song làm ăn không lại được với dân phố, thua lỗ chỏng chơ , nên quay về quê.” Rồi dì Tơm bĩu môi: “Già rồi mà vẫn gái tân đấy. Chả là xấu nên chẳng ma nào nó rước!”. Diên không cần biết cô là ai, cô đã làm gì, cô xấu đẹp thế nào, Diên chỉ thấy trong đầu mình như có đám mây đen từ đâu ồng ộc về rồi phủ kín. Mọi tư duy, mọi nghĩ ngợi của Diên đều lấn bấn, bùng nhùng, không lối thoát. Dẫu rằng Diên biết cha mình không phải là đàn ông háo sắc, và cũng biết lấy cô Thoan làm vợ mục đích của cha, thêm người đỡ đần việc nhà nuôi nấng chăm sóc hai đứa con, nhưng trong lòng Diên không hề thoải mái. Bản năng ích kỷ, chiếm hữu tình cảm của con người, nhất là với trẻ con nó thôi thúc và dồn nén ý nghĩ cực đoan trong Diên.
    Cha Diên làm mấy mâm cơm, mời khách toàn người nhà và mấy người bạn hồi quân ngũ, để giới thiệu vợ mới. Hình như họ hẹn nhau trước, nên khi cơm được dọn ra, thì cô Thoan đi vào nhà. Cô lí nhí chào mọi người, len lét nhìn Diên, sau đó chui tọt vào bếp. Diên biết, lúc bấy giờ đôi mắt của nó đang rực lên hai quầng lửa. Nó ném quầng lửa ấy vào người đàn bà gầy gò đen đủi và chỉ mong sao quầng lửa sẽ đốt cháy cái cọng cây khô xấu xí kia. Bà ở đâu đến? Tại sao bà lại lấy mất cha của tôi? Tôi đã mất mẹ rồi, giờ đây bà lại cướp mất cha của tôi sao?.
    Ngoài sân, mấy mâm cơm cũng rôm rả. Cũng “dô…dô…trăm phần trăm…” cũng “Chúc mừng hạnh phúc” cũng có người lè nhè “Chúc ông sớm sinh quý tử…”. Diên nghe mà lộn cả ruột. Rõ dơ. Rõ ghét.
    Khách khứa về, cô Thoan dọn dẹp nhà cửa xong, ông Bổng gọi cô và hai đứa con ra sân. Cái chiếu trải giữa sân, nơi mấy mẹ con Diên sắp sắn mâm cơm đợi cha thuở nào. Ông Bổng hút một điếu thuốc lào, rít sòng sọc, ngửa cổ thả cho vầng khói um lên mù mịt trước mắt rồi chậm rãi bảo:
    - Từ nay cô Thoan sẽ về ở nhà ta. Cô sẽ thay mẹ các con để lo toan việc nhà. Bởi vậy các con phải gọi cô là mẹ.- Phản ứng của Diên ngay tức thì, nó đứng phắt dậy, mặt mày đỏ phừng phừng, nó không nói mà là gào lên:
    - Không! Không! Không bao giờ…
    Ông Bổng ném cái điếu cày xuống, nước điếu hôi xì, chảy loang một mảnh chiếu, ông trợn mắt, phồng má: “Con này hỗn, đồ…”. Ông chưa nói hết câu cô Thoan đã nhanh nhảu:
    - Thôi, anh đừng nổi nóng… các con gọi là cô cũng được mà…
     Diên chợt nghĩ đến mấy lời các bà hàng xóm hôm trước xì xào “dưa lê” với nhau mà tình cờ nó nghe được: “Đấy rồi mà xem, hai đứa nó sẽ sớm bị đẩy ra đường thôi!”; “Ừ, trông con mẹ ấy mặt quắt tai dơi nanh nọc không phải loại vừa đâu!”; “Sảy cha ăn cơm với thịt, sảy mẹ liếm lá gặm xương” Những câu nói ấy ám ảnh trong đầu như ngàn mũi dao khía vào, làm Diên không giữ nổi bình tĩnh, nó gườm gườm nhìn cô Thoan, bỗng nó rít lên:
    - Hừ! nhà tôi đang yên lành sao bà lại đến đây.
     Hình như không kìm chế nổi, ông Bổng xỉa ngón tay vào mặt Diên:
     - Mày có im đi không! Đồ mất dạy!
    Những ý nghĩ đến nhanh như chớp, Diên mường tưởng ra cảnh cô Thoan sẽ hành hạ hai chị em nó. Diên lớn rồi nên không sợ, nhưng còn thằng Nam. Đứa em bé bỏng và tội nghiệp của nó sẽ bị mụ dì ghẻ độc ác xấu như Thị Nở kia đầy đoạ. Ngày trước mẹ hay kể cho hai chị em nghe chuyện Tấm Cám. Mụ dì ghẻ năm lần bẩy lượt hạ sát cô Tấm đó thôi. Bây giờ đến lượt cha nó, nhẽ nào ông ấy chỉ vì người đàn bà này lại bảo nó là đồ mất dạy. Diên không ghìm nổi sự bực tức, và cả sự uất ức nữa, nó “xù lông nhím”, quắc mắt, gào lên:
    - Bà cút đi… Tôi ghét bà… Đồ xấu xa…Tôi ghét bà.
    Thực tình Diên chưa kịp định hình vì hành động khá manh động của nó, ông Bổng đã chồm đến như một con hổ dữ, ông xoè bàn tay, bàn tay quanh năm ngày tháng cầm cưa, cầm đục, sần sùi những chai những sẹo, ông giơ bàn tay lên trời, môi ông mím lại, và ông định giáng xuống một cái tát như trời giáng xuống cái má da dẻ mỏng tang của đứa con gái mà xưa nay ông hết mực yêu thương. Nhưng ông Bổng chưa kịp tát cái tát ấy, đã có một gọng kìm, bằng xương xẩu kẹp chặt cổ tay ông. Ông Bổng không ngờ được bàn tay gầy bé toàn xương xẩu đen nhem nhẻm của cô Thoan lại rắn chắc và mạnh mẽ đến thế. Ông có cảm giác cổ tay mình tê dại, mềm nhún ra. Cô Thoan kẹp chặt cổ tay ông Bổng một lát rồi đẩy xuống, cô Thoan nghiêm giọng:
    - Nếu anh động đến con bé, dù chỉ là một sợi tóc tôi cũng không tha cho anh đâu!
    * * *
     Dẫu cái Diên có phản ứng như thế nào thì việc cũng đã rồi. Cô Thoan đã chính thức làm vợ của cha nó. Họ không cưới, nhưng ra uỷ ban làm đăng ký kết hôn đàng hoàng. Trên cơ sở pháp lý họ đã là vợ chồng, và Diên hiểu rằng mọi phản kháng của nó càng ngày càng vô nghĩa. Nó chỉ biết lầm lũi, u sầu, hay đi lang thang, sống trong vô định, hay khép mình và chẳng muốn giao tiếp với ai. Lắm hôm nó bỏ vào rừng, đến bên một cái cây mà người ta gọi là cây “bóp cổ” để thở than. “Cây gì ơi, tao biết xưa kia mày cũng tươi tốt lắm, ấy vậy lũ chim hư đốn lấy quả ở đâu ăn xong nhè hột xuống, hột mọc mầm trên chính thân xác mày. Mày bao dung và nhân ái, mày nuôi nấng mầm cây, để mỗi ngày nó lớn dần lên, sau cùng nó bóp cổ rồi chiếm giữ thân xác mày…” Những lần như vậy cái Diên lại khóc, nó không biết là nó khóc cho cây hay khóc cho nó. Không hiểu sao nó cứ nghĩ là, người đàn bà xấu xí đó không chỉ cướp cha nó mà mai sau mụ sẽ chiếm giữ ngôi nhà, đẩy chị em nó ra ngoài đường. Một lần quá chán nản Diên trốn học, đi lang thang, lại vào rừng, lại tìm đến bên cây “bóp cổ”. Diên ngồi xuống một phiến đá dưới gốc cây, tay chống cằm đưa mắt nhìn vào cánh rừng hun hút.
    Quay đi quay lại đã một năm cô Thoan có mặt ở nhà Diên, tuy cô Thoan không có điều gì đáng phàn nàn trong cư xử hay nanh nọc, ức hiếp hai chị em, song nó cứ cực đoan nghĩ, cô ta đang ấp ủ một âm mưu gì ghê gớm lắm. Âm mưu ghê gớm ư! Tôi sẽ chống trả lại quyết liệt, tôi sẽ bảo vệ tôi và em của tôi. Bỗng nhiên trong lồng ngực Diên nhói đau. Hình như sự phản kháng dẫu chỉ trong ý nghĩ thôi cũng làm con tim nhỏ bé nhỏ máu thì phải. Nhưng sao thế này, Diên thấy cả khó thở nữa, trời ơi, có ai không, tôi đau quá, tôi mệt quá, tôi chết mất. Mắt Diên hoa lên, đầu óc bấn loạn, nó hoảng sợ, run lẩy bẩy. Chợt bên tai Diên hình như có tiếng của mẹ: “Trời ơi! Con làm sao thế này… Có mẹ đây rồi… Mẹ sẽ lo cho con thôi”. Rồi mẹ luồn hai cánh tay gầy guộc đen nhem nhẻm vào xốc nó lên. Rồi mẹ chạy, bàn chân mẹ rẽ lên đám lá mục rải đất đường mòn trong rừng. Lá quấn chặt, nhưng không níu được đôi chân mẹ. Mẹ vừa chạy vừa hét lên: “Có ai không! Cứu tôi với”. Mẹ bế Diên chạy được một đoạn dài, may mắn có một đôi trai gái đi du lịch vào rừng. Chàng trai bảo cô gái ngồi chờ, rồi lấy xe máy chở hai mẹ con vùn vụt ra khỏi rừng, đến bệnh viện huyện. Được cấp cứu, được truyền, mấy tiếng sau Diên tỉnh dậy. Việc đầu tiên nó dụi mắt xem mẹ đâu. Nhưng nào đâu có mẹ. Người đàn bà đang lúi húi làm cái gì đó ở đầu giường bệnh nhân là cô Thoan. Nghe tiếng động, cô quay lại, vẻ mặt như giãn ra: “Giời ơi, may quá Diên đã tỉnh lại rồi à?”. Diên giả vờ như không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, đôi mắt khép lại. Nó ngẫm ngợi. Không hiểu sao cô Thoan lại có mặt kịp thời vậy nhỉ. Nó làm sao biết được, mỗi lần nó đi lang thang, cô Thoan đều lặng lẽ, kín đáo, bí mật bám theo. Thực ra cô Thoan cũng sợ, vì cô đến nhà nó làm nó uất ức nhỡ đâu nó dại dột thì liệu cô có sống nổi không. Đã đành nó không nhận cô là mẹ, nhưng lấy bố nó rồi, đơn giản nhất là phải coi con chồng như con mình. Hơn nữa cô biết, cô không sinh nở được chính vì vậy, dẫu không hy vọng, song cô vẫn mong chờ mai sau cái Diên và thằng Nam cũng sẽ là chỗ dựa cho cô. Cô Thoan điện cho dì Tơm, khi dì Tơm đến, Diên nghe cô Thoan thì thào: “Cô ở đây trông cháu Diên một lát, tôi về lo cơm nước cho bố con thằng Nam, với lại ra hiệu bán mấy chỉ vàng lấy tiền nộp viện phí và thuốc men”. Cô Thoan tất tưởi đi. Dáng cao ngỏng, đen đủi liêu xiêu.
    * * *
    Có buổi chiều, đến giờ ăn cơm không thấy thằng Nam đâu. Diên gọi khản cổ cũng không thấy nó trả lời. Ông Bổng rót chén rượu, ngồi bó gối, mặt lầm lì. Để ý, Diên thấy cô Thoan lặng lẽ lấy cái xe đạp dựng ngoài cổng, cái xe không phanh không chuông, nắng mưa ăn gỉ sét, cô đạp xe khắp làng khắp xã, nhớn nhác tìm thằng Nam. Diên cũng lặng lẽ lấy xe đạp của mình bảo bố đi tìm em, song thực ra nó bám theo cô Thoan, đề phòng, nếu cô ấy dùng bạo lực với thằng Nam nó sẽ không để yên đâu. Mãi sau, mới phát hiện ra nó đang đá bóng với lũ bạn ở sân nhà văn hoá xã. Cô dựng xe, chạy xuống sân gọi. Thằng Nam ngừng chơi, nó vơ vội quần áo, chạy về phía cô. Cô Thoan lấy vạt áo lau những giọt mồ hôi đang dòng dòng chảy xuống má thằng Nam, cô nhẹ nhàng bảo: “Lần sau đi chơi phải căn giờ về ăn cơm kẻo mọi người đợi nhá”. Thằng Nam lí nhí: “Vâng ạ”, rồi nó nhảy tót lên booc-ba-ga, hai tay vòng ra ôm eo cô Thoan, hệt như ngày nào nó ôm mẹ.
    Ô hay, thằng em trai Diên chẳng biết từ khi nào nó lại quấn lấy cô Thoan như vậy. Cũng không hẳn cô Thoan “mua chuộc” nó bằng đồng quà tấm bánh. Cũng không phải lúc nào cô cũng cưng nựng vuốt ve nó. Có lần Diên thấy cô quát nạt nó ầm ĩ, đấy là lần nó làm bài kiểm tra môn toán bị điểm 4. Cô mắng nó sơi sơi, sau đó lại ôm nó vào lòng, thủ thỉ: “Phải chịu khó học hành vào. Sau này muốn mở mày mở mặt với làng với xã, muốn cho mẹ con dưới suối vàng không tủi hổ vì có đứa con dốt nát, thì phải học”. Diên bĩu môi, nghĩ thầm: “Giả nhân giả nghĩa thôi”, ấy vậy mà sau cái bĩu môi bỗng dưng trong đầu nó lại cộn lên một ý nghĩ lạ lùng. Hay tại mình độc đoán, hay tại mình nhìn cô Thoan bằng con mắt ác cảm. Xét cho cùng năm qua cô Thoa có làm gì độc ác với hai chị em nó đâu. “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ biết thương con chồng”, câu tục ngữ ám ảnh nó suốt từ ngày cô Thoan bước vào nhà này làm vợ ông Bổng. Có khi cô thương hai chị em nó thật ấy chứ. Có lần Diên lén nghe cuộc trò chuyện của cha và cô Thoan. Cha bảo: “Hay mình đẻ một đứa?”. Cô Thoan thì thào: “Em khám rồi, bác sĩ bảo em bị vô sinh, em không có con đẻ, nhưng chị đã để lại cho em hai đứa con rồi”. Lần nghe lén ấy làm Diên cũng có chút xúc động. Dẫu có nhìn cô Thoan bằng ánh mắt dịu lại, song sự mặc cảm vẫn cứ đè trĩu trong lòng. Nó cố tỏ ra thân thiện với cô, nhưng quả tình thật khó.
    Năm Diên học lớp mười một, cô Thoan bảo với ông Bổng: “Sang năm cái Diên thi vào đại học rồi, em không muốn bệnh tim làm ảnh hưởng đến tương lai của con!”. “Vậy em định làm gì?”. “Phải đưa con lên Hà Nội chữa bệnh anh ạ.”. Ông Bổng thở dài, nghĩ thế nào ông chợt buông ra một câu não nề: “Nhưng mà tiền?”. Cô Thoan nói chắc nịch: “Em tính toán cả rồi. Em sẽ bán nhà, vườn tược của em bên ngoại, anh thấy đấy, từ ngày sang đây nhà ấy bỏ không mà!”.
    * * *
    Cô Thoan nói là làm, không những thế còn làm ngay và luôn. Nhà cửa vườn tược nhà cô được giải quyết nhanh chóng. Nghe nói giá cả quá rẻ so với thị trường, nhưng hình như cô Thoan không coi đó là vấn đề quan trọng, mà quan trọng ở chỗ cô có tiền ngay để giải quyết công việc. Những ngày nghỉ hè đầu tiên, cô Thoan bảo: “Diên à, chuẩn bị đi với cô lên Hà Nội”. Dù biết mười mươi đi chữa bệnh, nhưng Diên vẫn hỏi lại: “Lên Hà Nội làm gì cơ?”. “Thì lên viện tim mạch”. Đáng lý ra Diên phải làm mình làm mẩy lắc đầu chối từ hoặc liên mồm: Không cần… Không cần đâu…, nhưng không hiểu sao Diên lại ngoan ngoãn đồng ý ngay. Có lẽ nó đã đến tuổi nghĩ đến bản năng sinh tồn, hoặc có thể nó sợ hãi bệnh tật rồi. Cũng tốt thôi mà. Có người có tiền đưa mình đi chữa bệnh thì chối từ làm gì. Mà cũng có thể cô ấy chơi ván bài quyết định mua chuộc mình. Thật xấu hổ cho ý nghĩ ti tiện ấy. Đấy là sau này Diên mới nghĩ được như vậy. Còn lúc đó, cái đầu non nớt dại khờ của nó chỉ chứa rặt những điều không thiện cảm với cô Thoan.
    Buổi tối, cô làm cơm cúng mẹ Diên, có bát cơm nếp trắng, và một khổ thịt lợn 3 chỉ luộc. Cô bảo cúng mẹ xong cơm nếp nắm lại, khổ thịt xẻ làm hai, một nửa để ở nhà cho bố con thằng Nam, còn lại mai mang đi Hà Nội. Cô Thoan bày biện lên ban thờ, châm hương, chắp tay lẩm nhẩm khấn: “Chị ơi, chị sống khôn chết thiêng, chị chứng giám cho, ngày mai em đưa cháu Diên đi phẫu thuật tim, chị phù hộ độ trì cho cháu không gặp trắc trở gì chị nhá”. Ông bổng ngồi bó gối, hút thuốc lào vặt ngoài sân. Tuy nhiên, ông vẫn hóng mình vào nhà, và chăm chú lắng nghe lời khấn của vợ. Thực tình trong thâm tâm ông thầm biết ơn Thoan lắm. Nào đâu cô ấy có tính toán hơn thiệt gì, từ ngày theo không ông về, cô ấy một lòng một dạ phục vụ cha con ông. Ông biết cái Diên không thích cô, ông cũng mấy lần to nhỏ với con rồi, nhưng cái tuổi nó đang độ ương ngạnh, ông mong và hy vọng sau này con gái ông nghĩ lại, để Thoan đỡ tủi. Cô Thoan khấn vái xong cũng ra sân ngồi với chồng. Hai người im lặng một lúc lâu, rồi ông Bổng mới khẽ khàng: “Hay là ngày mai cả tôi cùng đi với bà?”. Cô Thoan thong thả: “Không cần đâu, nhà còn bao nhiêu việc mà”. Ông Bổng gật đầu, dặn: “Bà với con đi cẩn thận, có gì điện ngay về cho tôi”.
    Lần đầu tiên trong đời cái Diên được đi Hà Nội. Cả đêm cứ thao thức. Hà Nội chỉ cách quê nó có hơn trăm cây số mà sao xa vời vợi vậy. Giá mà đi Hà Nội để tham quan, được ra Bờ Hồ, ngắm Tháp Rùa, ăn kem Tràng Tiền nhỉ. Nhưng mà, nó thở dài, đi Hà Nội để chữa bệnh. Chao ôi! Cuộc đời sao bất công với mình quá vậy. Mồ côi mẹ từ năm mười hai tuổi, bệnh tim bẩm sinh… Sao mình lại đen đủi thế chứ. Nghe nói bệnh viện Trung ương to lắm, lại đông bệnh nhân nữa. Không biết có nhiều đứa cùng trang lứa bị như mình không nhỉ. Trong đám lùng nhùng những ý nghĩ ấy, bất chợt Diên nghĩ đến cô Thoan. Năm năm nay cô ấy thay mẹ chăm sóc hai chị em Diên. Đôi lúc Diên ương bướng tỏ thái độ hỗn xược với cô, mà cô vẫn âm thầm chịu nhẫn nhịn. Có lẽ cô ấy thương mình thật lòng, nên mới bán hết nhà cửa, vườn tược, ao chuôm lấy tiền chữa bệnh cho mình. Có lẽ cô ấy coi mình như con đẻ thật. Mình có lỗi với cô ấy quá. Không hiểu sao cái từ “dì ghẻ” nó cứ chua chát, nó cứ ám ảnh mình mãi thế. Đã đến lúc phải xoá bỏ cái sự ám ảnh vô lý đó. Nhưng mà, nói thì dễ, xoá bỏ sao khó thế. Đã có lúc nào mình thấy thương cô Thoan chưa. Người đàn bà gầy guộc, cao ngồng ngổng, đen thủi đen thui, người đàn bà khoẻ mạnh bất kể việc gì, nặng nhọc mấy cũng lăn sả vào làm như đàn ông. Ngay như một lần thằng Nam bị sốt, nửa đêm cô Thoan bế thốc nó lên chạy một mạch đến Trạm xá xã, rồi cô ôm nó vào lòng như muốn dùng hơi ấm từ trong thân thể còm cõi phả lên người nó, mà mình cũng chẳng mảy may xúc động. Mình là đứa con gái vô cảm thật ư. Trong bóng đêm, Diên thấy mắt mình nhoè nhoẹt, lại có vài ba giọt nước mắt chảy xuống miệng, đăng đắng mằn mặn.
    Quãng 5 giờ sáng, cô Thoan gọi Diên dậy. Ông Bổng đưa hai người ra bến xe, chẳng biết nói gì hơn ngoài cái câu: “Đi cẩn thận nhá. Đi cẩn thận nhá”. Xe vắng khách, chỗ ngồi cũng thoải mái, đêm qua mãi mới chợp mắt được, bây giờ Diên thấy buồn ngủ. Cô Thoan bảo: “Diên cứ chợp mắt đi, đến Hà Nội cô gọi.”
    Bến xe Giáp Bát đông nghìn nghịt, xe cộ, người ngợm chen chúc nhau. Diên thấy choáng với cái cảnh đông đảo. Xe vừa dừng bánh, dễ chừng hơn chục người bâu lấy cửa xe, họ chỉ chỏ, mồm mép luyến thoắng: “Áo xanh của tao”, “Áo nâu của tao”, “Tao nhận ông đeo kính”. Thì ra đấy là những người làm nghề xe ôm, họ bám cửa xe nhận khách, dù chưa biết khách có đi xe của họ hay không. Diên vừa bước xuống cửa xe, một gã to béo, mặc áo may ô để lộ hai bả vai có xăm trổ hình rồng cuốn, túm lấy túi xách của Diên. “Đi đâu cô em, để anh đưa đi nhá!” rồi gã to béo lôi sềnh sệch Diên, nó hoảng quá, quay lại tìm cô Thoan. Gã to béo kéo Diên đi chừng mươi mét, cô Thoan mới xuống được xe. Vừa nhìn thấy cảnh Diên bị xềnh xệch lôi đi, cô Thoan hét lên, tiếng hét của cô có lẽ to hơn cả tiếng sóng gầm, khiến cả trăm cặp mắt đổ dồn lại: “Này anh kia! Anh làm gì con gái tôi đấy. Anh bỏ ngay ra”. Cô Thoan lao đến nhanh như tia chớp, bằng một động tác dứt khoát, mạnh mẽ và mau lẹ, cô Thoan xoè bàn tay, vung lên, chém phập một phát vào tay gã béo, khiến gã tru lên: “Đau… đau quá… - Gã trợn mắt nhìn cô Thoan – Ơ, cái bà này, bà làm gì đấy”. “Làm gì à? Ai cho phép anh lôi con gái tôi đi vậy hả?”. “Thì… Tôi chỉ muốn chở khách thôi mà”. Diên vừa sợ nhưng cũng vừa thấy buồn cười. Cô Thoan chẳng khác nào con gà mái mẹ, xù tung đôi cánh, hướng cặp mỏ sắc nhọn lên trời sẵn sàng nghênh chiến đánh trả con diều hâu đang định cướp con của nó. Người đàn bà gầy còm mà hiên ngang, đĩnh đạc lại dữ tợn nữa, khiến gã béo trông bậm trợn vậy cũng thấy chờn. Gã làu bàu: “ Không đi thì thôi có gì mà xoắn cả lên”. Cô Thoan hỏi: “Diên có bị sao không?”. “Không sao đâu!”. Diên định nói “Con không sao đâu”, nhưng quả tình nói tiếng “con” sao mà khó thế. Diên cũng biết cô Thoan cũng không muốn gọi “Diên” đâu, mà cô muốn gọi “con” cơ, song, cô vẫn còn e ngại, cô ngại Diên chưa tiếp nhận được tiếng “con”. Năm năm nay cô vẫn cứ vẫn một điều “Diên”, hai điều “Diên”, chỉ khi nào, ngồi bên chồng, không có Diên ở đấy cô mới gọi là con! Cô Thoan nhẹ nhàng: “Ừ, không sao là tốt rồi, để cô gọi tắc xi”. “Thôi, ra đi xe buýt cũng được mà, tắc xi đắt lắm”. Cô Thoan khẽ nhíu mày: “Diên này, từ hôm nay Diên đừng nghĩ ngợi đến tiền nong, tốn kém gì gì nhá. Tất tật cô lo được hết, miễn sao Diên khỏi bệnh”.
     Nhập viện được hôm trước, hôm sau bác sĩ gọi cô Thoan ra ngoài bảo: “ Thật may, chị đưa cháu lên viện sớm. Trường hợp của cháu phải phẫu thuật càng sớm càng tốt”. Cô Thoan nói với bác sĩ: “Mọi việc chúng tôi trông chờ vào bệnh viện”. Bác sĩ bảo tiếp: “Phẫu thuật chắc chắn sẽ mất nhiều máu, vì vậy gia đình phải chuẩn bị…”.
    Cô Thoan điện về nhà. Hôm sau, ông Bổng, chú Lợi, chú Lời, cả dì Tơm đã có mặt ở viện, mọi người sẵn sàng tiếp máu cho Diên. Trước khi cái xe cáng đưa Diên lên bàn mổ, cô Thoan nắm tay nó:
    - Cố lên nhé. Cô tin là Diên làm được mà.
    Diên nhìn thấy nước mắt chảy trên mặt cô, vậy là nước mắt nó cũng ứa ra. Diên xoè tay nhỏ bé nắm chặt lấy bàn tay toàn xương xẩu của cô Thoan xiết chặt. Năm năm nay đây là lần đầu tiên nó nắm tay cô, mà lại xiết chặt nữa. Nó định nói câu cám ơn, nhưng nghèn nghẹn, nó nghĩ, đành khất câu cám ơn lại sau vậy.
    Đúng như dự đoán của bác sĩ. Ca mổ của Diên mất nhiều máu. Ông Bổng, chú Lợi, chú Lời, cả dì Tơm nữa… lần lượt từng người đi thử máu, chẳng ai trùng nhóm máu với Diên. Cô Thoan lo toát mồ hôi, tại sao lại vậy, toàn những người máu mủ ruột thịt lại không trùng nhóm máu. Bác sĩ giải thích với cô, trường hợp như vậy là hết sức bình thường. Có lẽ mình cũng vào thử. Nghĩ cái làm luôn. Cô Thoan săng sái vào phòng tiếp nhận máu. Thật kỳ lạ, nhóm máu của cô trùng với nhóm máu của Diên. Nhân viên y tế hỏi cô cho bao nhiêu đơn vị máu. Không một chút chần chừ cô thẳng thắn:
    - Lấy bao nhiêu cũng được, miễn sao tiếp đủ máu cho con tôi.
    Ca mổ của Diên thành công ngoài sự mong muốn của mọi người. Hôm Diên tỉnh lại, bác sĩ thăm bệnh cho nó xong, hồ hởi bảo ông Bổng: “Cháu sẽ phục hồi nhanh chóng thôi, sức trẻ mà, hơn nữa nó được truyền vào người dòng máu của một người mẹ sẵn sàng hy sinh mình vì con cái”. Nghe bác sĩ nói, nước mắt Diên bỗng dưng giàn giụa. Nó run rẩy hỏi ông Bổng:
     - Mẹ đâu rồi cha?
     Diên cũng không hiểu sao tiếng “mẹ” nó vừa hỏi cha lại thoát ra nhẹ nhàng như vốn dĩ nó phải thế, vả lại tiếng “mẹ” ấy lại thật da diết. Ông Bổng ngạc nhiên lắm, sống mũi mình cay cay, không giấu nổi cảm xúc ông để nước mắt tự ứa ra từ hai hốc mắt hõm sâu. Ông cúi xuống khẽ thì thào: “Cả tuần nay mẹ con hầu như thức trắng, hôm nay có cha ở đây, giục mãi mẹ con mới chịu nằm nghỉ trên giường xếp ngoài hành lang”.
    Có cái gì như trồi lên chặn ngang cuống họng Diên. Hình như đó là một tiếng nấc. Tiếng nấc thay cho một lời ăn năn. Mẹ ơi, con có lỗi, có lỗi nhiều lắm với mẹ, mẹ ơi!

Kết Thúc (END)
Ninh Đức Hậu
» Uốn Lại Mầm Cây
» Mẹ Kế!
» Hàng Xóm
» Mẹ Kế
» Mái Nhà Ấm Áp
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò