Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đất Mặt Đường Tác Giả: Trần Duy Đới    
    Mấy năm hoạt động ở chiến trường Căm-Pu-Chia, Lâm Tiến nổi tiếng về chiến thuật phân đội nhỏ. Ở đâu bọn tàn quân Pôn Pốt ngóc đầu dậy, lão đến làm cố vấn chuyên gia là tình hình chuyển biến ngay. Từ ngày nghỉ hưu, lão lao vào làm kinh tế rất năng động với cơ chế thị trường cái tên Lâm Tiến cũng thành lão Tiền rồi.
    Làm gì và lĩnh vực nào lão cũng là người đi tiên phong, riêng về chăn nuôi trồng trọt thì lão tỏ ra có kinh nghiệm, nước mình là nước nông nghiệp mà. Con lợn, con gà, con ong, con dê, rô phi đơn tính, mè trôi Ấn Độ, cả đến các loại đặc sản cao cấp như rắn, ếch, ba ba... Lão cũng có thể thuyết trình ba bốn tiếng về kỹ thuật nuôi và nhân giống mà không cần đến giấy tờ ghi chép.
    Về trồng trọt, thì cái mảnh vườn hơn hai sào của Lão thực sự là một vườn thí nghiệm, vải Thiều, nhãn lồng, hồng xiêm Xuân Đỉnh, táo Thiện Phiến, quýt Tích Giang... là những cây lão từng bán cành giống cho dân khắp vùng. Bây giờ lão đang nghiên cứu dưa cây xoài lùn Vân Nam, quế Trà My, hồng không hạt của Nhật Bản và loại cam lai của It-xa-ren thế hệ F mấy... F mấy ấy.
    Số lượng được bao nhiêu, kết quả thế nào thì còn phải chờ đến lúc có thu hoạch, nhưng trước mắt nhà lão lúc nào cũng đông khách, các vị về hưu, cụ nào chả lao vào trồng trọt, chăn nuôi. Giống mới có giá trị kinh tế cao nhất là nhiều người chuộng. Đã là “của giống má” thì đắt quá vàng người mua cũng phải vui vẻ chấp nhận, bằng cách ấy, mỗi vụ trồng cây lão cũng tiêu thụ được cả nghìn cành các loại. Bình quân mỗi cành từ 15 đến 20 nghìn đồng, trừ chi phí đi cũng được non trăm triệu. Giá trị vật chất chưa phải là lớn nhưng tạo ra công ăn việc làm, có thu nhập thường xuyên cho đám con dâu, con gái, cháu nội, cháu ngoại cũng đáng kể. Từ cổng nhà Lão nhìn ra vài chục thước cũng đủ thứ dịch vụ: giải khát, bán phân bón, thuốc trừ sâu, coi xe, bán túi, bao bì và dây chằng buộc... Ai ở lại đến chiều nghe lão phổ biến kinh nghiệm chiết ghép thì trưa vào quán ăn cơm, cần ngủ lại chờ mua giống ba ba, ếch nhái thì phải ngủ trọ...vv. Tất cả những nguồn thu ấy tuần tự, nề nếp như một dây chuyền công nghệ, ăn khớp với nhau không trục trặc, không để lọt ra ngoài một người khách nào, một nhu cầu nào. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguồn thu tại chỗ mà bất cứ một tay tháo vát hạng xoàng nào cũng có thể làm được. Cái mà lão thu được không ít tiền lại rất vinh quang là: Hội nghị và “phong bì”. Thời buổi nào mà anh làm tuyên truyền chả thích tin mới, chuyện lạ. Đi vào sản xuất nông nghiệp thì còn gì vừa lòng lãnh đạo hơn nữa! Các loại ghi âm, các loại camera luôn luôn xuất hiện ở nhà lão. Đổi lại lão cũng chịu khó đi báo cáo kinh nghiệm và dự các loại hội nghị. Vừa có chiêu đãi, vừa có “gọi là kính cự”. Lại có hình trên vài tuần báo, mới oai làm sao! Chao ơi! Làm kinh tế như thế, quả là chỉ có mình lão mới làm nổi.
    Nhưng, không đâu! Lão còn phải đi xa hơn nữa.
    Phải tiến tới lập các trang trại, các vùng cây ăn quả chuyên canh, các cơ sở chế biến, phải thay đổi cơ cấu cây trồng trong khu vực!...
    Lão đã nhăm nhe mấy vùng đất gần quốc lộ và khu dự kiến làm công nghiệp. Bây giờ đất đai còn lau sậy, sỏi đá, vài năm nữa nó sẽ là vàng “tấc đất tấc vàng” cứ thái nhỏ ra mà bán, cứ xin, cứ làm dự án để vay vốn. Đất chưa khai thác thì còn đấy, tiền chưa sử dụng hết thì cho vay lấy lãi cao. Kinh doanh bất động sản là siêu lợi nhuận. Bằng mọi giá, phải có được các lô đất mà lão đã ngấp ngó. Mỗi lần nghĩ lại “Ngày xưa...” Lão thấy nuối tiếc quá! Nhiều cái bỏ đi thật sai lầm và thật vô lý. Những loại ưu tiên ưu đãi rất hay, bây giờ tìm đâu ra. Chỗ nào cũng chỉ phát ra một cái thứ vô chính sách lại bảo là “cơ chế thị trường”, càng nghĩ càng lộn ruột.
    Lão phải “Thâm nhập quần chúng” để hiểu cho ra nhẽ.
    Tuy có phải đi lại nhiều một chút nhưng chịu khó nghe ngóng, lượm lặt, xâu chuỗi vào, lão cũng có được dữ liệu “đáng tin cậy”: Đoạn quốc lộ chạy qua khu vực thị xã, sẽ được mở rộng, nắn thẳng, nâng cấp thành đường Quốc gia. Các công ty Đan Mạch và Pháp đã dự thầu. Dự án khả thi đã được trình Chính phủ... rồi nhà máy Đường, rồi khu công nghệ... và một phân hiệu Đại học ngoại ngữ, sư phạm gì đó... chao ơi, nếu cứ cái đà này thì có lẽ vài ba năm tới, thị xã sẽ trở thành “đặc khu” cũng nên. Vốn ùa vào, công nghiệp mọc lên. Người tứ xứ kéo về. Chuyên gia, Việt Kiều đánh hơi thấy... chết! chết!!! rồi dân vùng này sẽ tiêu bằng đô la xanh, đô la đỏ mất... “Thâm Quyến Việt Nam đến nơi rồi...”
    Càng nghĩ, lão càng say cái mộng chiếm đất, phải nhanh chân! Chậm một ngày là mất bạc tỷ! Thế là lão làm đơn xin đất, lập dự án “Tiền khả thi” photo ra cả tập, gửi thị; gửi tỉnh; tài chính; ngân hàng; sở nhà đất; sở giao thông; cục thuế; công nghệ môi trường; văn hoá giáo dục; mặt trận tổ quốc; hội nông dân; hội người mù, thanh niên; phụ nữ... tất tần tật!...
    Cứ chỗ nào có trưng biển cơ quan là lão “nhào dô”, thừa còn hơn thiếu, một công đôi ba việc, chí ít ra thì họ cũng đọc đến cái tên: HOÀNG Tiền, biết mình là một chủ trang trại cỡ bự.
    Trong ba mảnh đất làm dự án thì hai mảnh có dự kiến đường quốc lộ sẽ “nắn” qua. Mỗi mảnh vài héc ta, nhưng trọng điểm vẫn là khoảnh non héc ta gần khu vực nhà máy vật liệu xi li cát. Với 300 mét mặt đường, sau này “thái ra 3 mét” một mảnh thì lão cũng có một tài khoản vào loại “gớm mặt” ở cái tỉnh này.
    Lưng vốn của lão lẽ ra cũng có dăm bảy nghìn triệu tiền mặt, nhưng kẹt một nỗi, nó đang nằm cả ở các thứ vườn, ao, chuồng...! Chờ thu hoạch thì mất thời cơ! Nếu thằng con trời đánh thánh vật của lão không điên rồ đánh võng xe, lao phải người, thì đâu đến nỗi phải đền mấy trăm triệu.
    Lão nghĩ mãi, nghĩ mãi, lão quyết định phải vay vốn mà kinh doanh. Làm kinh tế là phải táo tợn, ghê như nước Mỹ, nước Nhật cũng còn là con nợ kia mà! Thế là lão làm dự án khả thi: kinh doanh sản xuất vật liệu xây dựng, gạch hoa, tấm lợp, chuẩn bị để sản xuất đồ sứ cả mỹ nghệ lẫn vệ sinh, toa-lét, chậu rửa, bồn tắm cao cấp.
    Cạy cục, chạy chọt hết cửa này, cửa khác, lão cũng vay được non nghìn triệu với tài sản thế chấp là: ao ba ba, rừng bạch đàn, dăm chục tổ ong và vài chục con lợn sề, kho bạc họ đâu có tin mấy thứ ấy. Cuối cùng cũng phải xoay được vài mươi cái sổ lương hưu mấy cụ quân đội bằng lời lẽ chân tình và khẩn thiết:
    - Tôi được sở nhà đất giao cho nhiệm vụ tổ chức kinh doanh. Các bác hùn vốn vào sau này thành cổ phần ta chia lãi. Đầu tiên ta tìm văn bản tạm mượn, khi đã đứng vững ở đó thì mua hẳn, chia ra mỗi người làm mấy xuất mặt đường. Đẩy đi một mảnh là thừa vốn, lên cái nhà vài tầng chả khó khăn gì. Trước mắt, các bác không phải bỏ tiền ra. Lương hưu hàng tháng vẫn lĩnh đàng hoàng, chỉ cần cái sổ đăng ký với sở Tài chính và kho bạc thôi!..
    Nghe lão Tiền nói cũng có lý. Vả lại lão là người nổi tiếng về cung cách làm ăn chắc chắn, dám xông vào những chỗ gai góc, mà chỗ nào cũng vừa thành công, vừa thành danh mỹ mãn. Thế là các cụ bấm nhau đưa sổ lương hưu, mong được một xuất đất mặt đường để làm kế sinh nhai cho con cháu, giả sử có “rủi ro” gì đó thì lão Tiền phải chịu. Cũng có người còn cân nhắc do dự “ngon mắt thế thì đâu đến lượt mình! Lãi đâu chưa biết, họ trừ lương thì trắng mắt ra!
    Huy động được hơn ba chục sổ hưu làm thế chấp. Lão Hoàng Tiền ôm một cái cặp giấy tờ đi gõ cửa các cơ quan. Đeo bám mãi, lão mới rút ra được ngót nghìn triệu tiền mặt để làm thủ tục. Số còn lại sẽ chuyển khoản cho cơ quan Nhà đất. Việc đầu tiên lão phải làm là “bồi dưỡng” cho mấy anh “quân sư quạt mo” chỉ cho lão vào các cửa. Rồi lệ phí ký giấy đóng dấu cả chục nơi, “hoa hồng” lại cho người trực tiếp rút tiền. Mấy lần các cơ quan hữu quan (công chứng nhà đất, giao thông, thuế vụ, tài chính, đầu tư, khảo sát đo đạc, phụ trách xây dựng cơ bản nhà máy xi-li-cát, chính quyền sở tại, báo chí, phát thanh... một xe taxi, vài xe du lịch vẫn không đủ ghế ngồi. Mỗi lần uống bia cũng mất đôi ba triệu, chỉ riêng hai bữa chiêu đãi ở nhà hàng cũng đã mất hơn hai chục triệu, khoản nặng nhất món quà đưa đến các “sếp” để lấy dấu trước khi đo đất cắm mốc. Thứ này lão đâu có quen. Thời buổi “chống tham nhũng” trở thành quốc sách thì chuyện đưa phong bì vào tay “sếp” liền bị máy ghi âm, quay camera chộp được làm tài liệu lột mặt kẻ hối lộ trước vành móng ngựa đó sao? Thành thử lão lại phải nhờ “chuyên gia cố vấn”. Mà họ cũng hoạt động kín như điệp viên, tình báo. Lão đặt trước mặt người “cố vấn” hai triệu đồng nhờ đi xin hộ chữ ký. Hắn thản nhiên cầm tiền và nói ráo hoảnh:
    - Thôi! chỗ quen biết, bác bồi dưỡng em mấy cốc bia và tiền xăng xe máy. Nhưng với tay thư ký thì ít cũng phải gấp bốn lần chỗ này. Còn với “sếp”, thì khỏi nói, nhom nhem cũng vài chục tờ lơn lớn.
    - Tờ là thế nào? - Lão Tiền toát mồ hôi hột, hỏi lại.
    - Tờ là: một trăm đô la, mỗi đô la tương ứng với gần hai mươi nghìn đồng ngân hàng, bố ạ!
    - Vậy là: trên hai... hai chục triệu??? - Người lão run lên, nét mặt từ tím tái chuyển sang trắng bệch. Thế là mỗi chữ ký cả thẩy phải mất ba mươi triệu. Năm chữ ký? Chao ôi! bao nhiêu thứ chi, đi đứt số tiền mặt!
    Mong mỏi mắt mới đến ngày hẹn thì nhận được mấy mảnh giấy viết tay: “đồng ý đo đạc, cắm mốc theo đề nghị của bên nhà đất mà các cơ quan liên đới đã nhất trí. Chú ý sử dụng đúng mục đích đã ghi trong dự án vay vốn!...”. Tất nhiên là cũng có những cái giấy có số, có dấu hẳn hoi, nhưng lại là ký thay hoặc là “tạm cấp”, hoặc là “nếu không có tranh chấp...”.
    Chỉ có anh đội trưởng đội đo đạc là sốt sắng hơn cả.
    Hai ba lần anh ta đến hợp đồng, có mảnh đất non non một héc ta mà phải huy động đến bốn tổ máy đo, mười hai nhân viên trắc đạc với lỉnh kỉnh: nào máy, nào dù, gia lông, mia, bàn, dây, thước. Cồng kềnh quá lão Tiền bảo anh đội trưởng:
    - Mảnh đất cỏn con thì chỉ cần thước dây với mấy chiếc cọc là xong, các anh đưa đi làm gì nhiều cho mệt.
    - Vâng! Bố già nói chí lý lắm, bọn con chỉ muốn xoạc chân mấy bước, lấy hòn đá đánh dấu là xong. Nhưng nay mai tuyến đường vào nhà máy nó nhảy vào giữa khu đất thì mấy nghìn triệu của bố đi tong. Tìm được một đáp số phải giải vài chục phép tính đấy, bố ạ! Với lại nữa, bố trông kìa!
    Lão Tiền ngước mắt theo tay chỉ của anh đội trưởng, anh ta tiếp tục “dẫn giải”: “Bằng kia ngôi mộ, con đang lo nó vào đúng chỗ đất của bố đấy!”
    - Chết, chết! - Lão Tiền đột nhiên kêu lên! - Anh cố tránh ra càng xa càng tốt, đụng vào mồ mả là phức tạp lắm.
    - Đất của bố là đất mặt đường, uốn cả một tuyến đường thì khó đấy, phải khảo sát một tuần thì mới kết luận được chính xác vị trí nó ở chỗ nào. Vì vậy chúng con chỉ xác định rộng ra một ít thôi.
    Lão Tiền xăm xăm kéo anh đội trưởng đội đo đạc đến đám mộ, đếm đi đếm lại, riêng một góc đã có 16 ngôi, di chuyển và đền bù cũng mất 2 triệu một ngôi 16 ngôi vị chi là mất đứt ba mươi hai triệu. Anh đội trưởng toét mồm cười:
    - Hay là bác nhích sang phía tây vài chục mét thì tránh được mộ.
    Một ánh sáng lóe lên, nhưng rồi cũng vụt tắt ngay: “Nhảy vào giữa cái dòng chảy ấy thì mấy ngàn khối đất đá tống xuống đây cho đủ! “Lão thở dài ngao ngán, như thông cảm với nỗi khó khăn của lão, anh đội trưởng đội trắc địa vẫy mũ cho các tổ máy ngừng đo đạc rồi kéo lão Tiền đến một hòn đá lôi đầu và giở thuốc lá ra mời. Châm xong điếu thuốc, anh ta đủng đỉnh nói từng tiếng một:
    - Bố nhắm thế nào mà lại nhắm đúng chỗ đất như khúc xương này. Vừa mồ mả vừa ngòi rạch, thùng vũng!.
    - Thì tôi xin ở cái chỗ bãi bằng kia chứ.
    - Bãi bằng thì không phải đất mặt đường, còn cách khá xa đấy. Thôi bây giờ thế này, chúng con sẽ giúp bố xác định chính xác tuyến đường, may ra trúng chỗ bãi bằng thì khỏi phải rời mồ mả, nhưng bố phải chịu chi phí đo đạc...
    Lão Tiền lưỡng lự một lúc rồi ướm thử: - Nếu được như vậy thì phí tổn bao nhiêu?
    - Chưa tính được, nhưng chúng con chỉ lấy công đo, còn máy móc thì coi như giúp. Nếu phải chuyển mồ mả thì ít ra bác cũng mất cả mấy trăm triệu chắc gì gia chủ đã đồng ý. Bố chỉ chi cho bọn con nửa chỗ ấy, còn nửa biếu bố thế là “mềm” lắm rồi.
    Cò cưa mãi, cuối cùng lão phải chấp nhận cái giá ngót trăm triệu với điều kiện, mảnh đất bằng, giáp mặt đường, không phải di chuyển mồ mả, hoặc lấp trũng. Đúng một tuần có bản đồ cắm mốc, đem đến tận nhà và nhận nốt số tiền còn lại...
    Mấy anh trắc đạc viên gọi nhau í ới giỡ mịa cắm cọc, lão Tiền đứng nhìn một lúc, nắng quá không chịu được đành phải rút lui. Chờ cho lão đi khuất, cánh đo đạc cũng thu máy, gọi nhau ra quán... bốn giờ chiều, rã rượu, rã bia, họ lôi nhau ra, kéo thước dây, đóng cọc mốc chừng nửa giờ là xong tuốt tuột. Đúng một tuần sau thì hợp đồng được thực hiện. Lão Tiền sướng run người khi nhận sơ đồ đo đạc. Tuy mất non trăm triệu nhưng lão đã tiết kiệm được gần 100 triệu. Bây giờ mảnh đất đã nằm gọn trong tay lão rồi.
    Từ hôm hoàn thành việc cắm mốc chia đất, lúc nào lão Tiền cũng có cái cảm giác lâng lâng trong mây, trong gió. Một trăm suất đất. Mỗi suất bỏ rẻ cũng 80 triệu. Mười suất là tám trăm triệu. Một trăm suất là tám tỷ. Bảy tỷ nắm chắc trong tay. Hoàng Tiền sẽ gia nhập câu lạc bộ tỷ phú, lớn quá! Cũng không ổn, những kẻ ghen ăn sẽ tìm cách phá, rồi còn... luật nọ luật kia nữa, chi bằng bán dần từng mảnh. Lão vạch vôi cắm mốc mỗi đầu hai suất. Còn quãng giữa trồng cây và dựng lên một cái lán để sản xuất vật liệu xây dựng.
    Ai qua lại cũng ao ước một mảnh đất mặt đường. Người ít tiền thì không với tới, người dư sức thì còn nghe ngóng xem nhà máy nhà móc thế nào đã! Cứ theo danh sách đăng ký mua thì có đến gần bảy chục cái đơn (cả bằng giấy tờ và đơn miệng). Người thì nhận đầu trên, người ưng đầu dưới. Có anh còn quả quyết sẽ mua bốn suất liền, “có lẽ hắn định kinh doanh nhà ở chắc”, lão thầm nghĩ. Chỉ riêng các vị có sổ hưu góp vào để làm thế chấp vay tiền thì vị nào cũng lắc đầu: “Đắt quá! Không xài được!”.
    * * *
    ... Mấy tháng sau.
    Chả biết thế nào mà người ta cứ rỉ tai nhau: “Kế hoạch làm xi-li-cát “khả thi” thành “bất khả thi” rồi; chưa tìm được đối tác! không gọi được vốn đầu tư! Nghe những loại “tin chìm” ấy, lão Tiền chỉ cười: “Toàn bọn ghen ăn đồn bậy, cứ đợi đấy!...”. Rồi một quý, rồi một năm... chờ mãi cũng không thấy nhà máy xi-li-cát động thổ! Trên ti vi đưa phóng sự về tình trạng làm xi-li-cát lan tràn ở khắp các địa phương. Sản phẩm không đủ chất lượng, phẩm cấp, dẫn đến ứ đọng và thua lỗ, có nguy cơ phá sản. Việc hoãn vô thời hạn xây dựng nhà máy xi-li-cát ở thị xã là có thật!
    Nghe những tin ấy, lão Tiền không tin, nhưng rồi lúc nào cũng cứ nôn nao như lên cơn sốt. Mấy ông có trách nhiệm đã thốt ra: “Chưa gọi được vốn đầu tư, chưa có đối tác tin cậy thì Nhà nước chưa thể đưa vào kế hoạch xây dựng những năm tới được!...
    Vậy là... hết! Hơn tỷ vay kho bạc cứ mỗi tháng hơn mươi triệu tiền lãi. Bảy trăm triệu tiền mặt cũng đã tiêu nhẵn trơn! Lấy gì mà thanh toán đây?
    Mấy người hăng hái nộp đơn mua đất cũng im lặng rút lui, bỏ mặc lão. Mấy cái giấy chết tiệt mong mỏi mắt chả được, bây giờ lại đến tay đủ cả dấu vuông, dấu tròn, ký to, ký nhỏ thì còn nhóc nhách vào đầu cho được.
    Các gia đình góp sổ lương hưu cho lão Tiền làm thế chấp, cũng kéo nhau đến chất vấn: “Ông giải quyết thế nào thì tuỳ. Đừng để kho bạc họ trừ lương hưu chúng tôi. Cả nhà trông vào mấy đồng lương hưu đấy”.
    Lão Tiền thật sự như người ngồi trên đống lửa. Lão điên lên cầm cả chai rượu tu ừng ực rồi mượn hơi men chửi đổng, lên án những đứa “Ngu xuẩn không không biết dự báo, không biết làm kinh tế”. Lão chửi cái “cơ chế thị trường” quỷ quái không còn biết lối nào mà dò.
    Vợ con lão từng động viên cổ vũ lao vào cuộc hốt của, làm giàu, chớp thời cơ chiếm đất... thì bây giờ quay ra rỉa rói, trì triết lão là: “Đầu bã đậu, hám của, hám tiền, phá đụn đi ăn mày...”.
    Bà vợ lũn cũn lì lì cũng trở nên lý sự nanh nọc:
    - Nhà ông điên, ông hâm nó vừa vừa chứ! Chửi liệu, chửi bậy pháp luật nó gô cổ ông lại. Nhà nước người ta dự kiến làm cái này cái nọ, đâu có phải là phục vụ riêng cho ông. Ông thính quá, ông khôn quá thì ông phải chịu chứ trách ai. Nếu lãi bạc tỷ ông có chia cho nhà nước không?...
    Đã đến mức này thì lão còn mở miệng nói thế nào được nữa!
    Từ hôm ấy trở đi, lão Tiền cứ vẩn vơ như tàu lá héo. Lão ngại xuất hiện ở chỗ đông người, các cuộc họp cũng không thấy lão phát biểu và cao hứng đọc thơ “con cóc, chán nản, lo lắng, các công trình vườn, ao, chuồng cũng bỏ bê luôn, không có khách ra vào tấp nập, mấy cái cửa hàng “dịch vụ” ở đầu ngõ cũng lần lượt đóng cửa. Từng là người “dám làm, dám nói, ngọn cờ đầu của lắm phong trào”, bỗng nhiên lão mắc hội chứng “đa nghi và hoảng sợ”. Lão không thèm đọc báo, không muốn nghe đài. Một tiếng gọi nhỏ lão cũng giật mình. Một chiếc phong bì đưa đến lão cũng thấp thỏm. Tiếng xe máy cũng làm lão không yên tâm: “Họ triệu lên! Họ đòi nợ! Họ kiểm tra...”. Đêm nào lão cũng toát mồ hôi về cơn ác mộng. “Bất chợt lão nghĩ đến những ngày cùng đồng đội truy quét tàn quân Pôn Pốt ở rừng khộp Campuchia. Đêm nằm hầm gác chân lên nhau ao ước. Kết thúc chiến tranh trở về với vợ, mảnh vườn, sào ruộng là hạnh phúc nhất”. Bây giờ lại đổ đốn ra nỗi này. Mẹ kiếp!

Kết Thúc (END)
Trần Duy Đới
» Người Mẹ Làng Đừng
» Đất Mặt Đường
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt