Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Có Một Câu Chuyện Như Thế Tác Giả: Đinh Ngọc Lâm    
    Thỉnh thoảng về quê, hắn và gã lại tìm đến nhau. Kể chuyện làng, chuyện quê, đột nhiên gã nói với hắn: “Chẳng gì ông cũng là nhà báo, ông viết truyện làng ta đi, viết mà để lại cho hậu duệ”. “Tôi ngại lắm” - Hắn ngập ngừng. “Ngại gì chứ, ông viết, tôi bảo kê ông - Gã quả quyết - Viết mà giáo hoá con cháu, cho chúng nó nhìn mà tỉnh ngộ ông ạ”.
    Thế là hắn ở lại với gã, hai người có dịp tìm lại một thời thơ ấu, một thời của hai dòng họ.
    Sau cải cách ruộng đất, lão Hợi tuyên bố: “Còn thằng Hợi này thì họ Võ còn không đội trời chung với họ Ngô”. Lão Mầm thì tuyên bố: “Còn thằng Mầm này thì không được đứa nào được lấy chồng, lấy vợ họ nhà thằng Hợi”. Hai lời tuyên bố như hai lời thề đã gây ra biết bao nhiêu rắc rối cho con cháu hai dòng họ.
    Tuất họ Võ con lão Hợi, năm mười tám tuổi nó chết mê chết mệt cô Thái con nhà Hoán họ Bùi, con gái họ Bùi nổi tiếng xinh đẹp trong làng, việc chèo kéo cô Thái cho cậu Tuất rộ lên, người nhà họ Ngô lao vào phá đám. Lão Mầm phán: “Con Thái phải xứng lấy trai họ Ngô, chứ hạng nhà ấy làm sao xứng”. Thế là bữa nay lão Hoán say rượu từ nhà lão Mầm loạng choạng về nhà, cười nói lảm nhảm, gặp ai cũng bô bô: “Con Thái nhà tôi phải lấy thằng Đỏ họ Ngô. Nó phải nghe cha nó chứ sao lại nghe con nhà Hợi…”. Gặp người nhà họ Võ lão Hoán trợn trừng mắt: “Đừng hòng dụ dỗ con gái tôi nhá”, người nhà họ Võ tức nhổ một bãi nước bọt rồi bỏ đi. Lão Hoán đã bị mê muội trước sự sắp đặt của lão trưởng họ Ngô, bước vào nhà lão hằm hằm chỉ mặt vợ con: “Đứa nào không nghe ông, ông chém”, nói rồi lão tuốt chiếc roi mây giắt dưới mái tranh như một mệnh lệnh không thể cưỡng lại.
    Đêm ấy Thái lẻn ra vườn chuối gặp Tuất, khi trở về buồng như người mất hồn, người nóng ran, rồi bất chợt lại lạnh toát. Thân hình tròn lẳn, chắc nịch của Tuất như còn đè nặng trên người cô, vòng tay ghì chặt, cặp đùi chắc như gỗ đinh, mọi động tác của Tuất làm cô như bốc cháy, hừng hực bay bổng lên không trung… Bất chợt người cô lạnh toát, sợi roi mây như mách bảo cô đừng dại dột mà cưỡng lại. Thái rùng mình vì cô đã hình dung ra việc ấy sẽ đến, nhỡ Đỏ biết chuyện cô đã có quan hệ với đàn ông trước đêm tân hôn thì sao chứ. Cô nằm co rúm, nước mắt trào ra, đột ngột Thái ngồi bật dậy như có một sức mạnh: “Thôi được, chấp nhận lấy Đỏ, mình sẽ vui vẻ để không ai nghi ngờ gì…”. Cô nằm xuống ngủ thiếp, không biết rằng ngoài vườn chuối Tuất ngồi đó đến tận gà gáy sáng mới về.
    Thằng Đỏ con lão Mống, cái mặt non choẹt ngồi trước ông bác ruột mà nó sợ đến vãi tiểu, mặc dù trong lòng khấp khởi vì cô Thái đẹp nhất làng sắp thành vợ của nó. Thái hơn nó hai tuổi, nó mười sáu, lão Mầm bảo: “Chúng mày là đẹp đôi, gái hơn hai, trai hơn một, phải nhẽ lắm…”. Hai tháng mà tựa hai mươi năm, nó chờ đợi ngày cưới. Nó đến chơi, Thái lạnh lùng: “Đằng ấy cứ về đi, tháng sau cưới rồi còn gì”. Những buổi tối, Thái lại trốn ra vườn chuối, nơi ấy gần văn chỉ họ Võ, chỉ có nơi ấy mới yên ổn. Người ta đồn rằng ở văn chỉ họ Võ có một đôi rắn có mào, ban ngày đôi rắn vào miếu để chầu, chập tối thì ra vườn chuối họ Bùi quấn nhau rồi biến mất, ban đêm không ai dám ra khu vườn ấy. Những khoảnh khắc thiên đường của đôi trai gái có tình yêu mà không lấy được nhau, trong từng phút giây hoan lạc lại chứa đựng thứ lý trí hoang dại: một là giành giật bởi đắm say, cuồng giật vì tình yêu và uất hận, một là buông thả trông chờ vào sự lừa dối có thể dung mị được cái ngờ nghệch của kẻ còn non choẹt sắp được gọi là chồng. Đám cưới Thái, họ Ngô tiệc tùng ba ngày thì họ Võ lặng lẽ ba ngày. Sau đám cưới của Thái, đêm đêm Tuất ra vườn chuối họ Bùi bần thần nhìn về phía đầu trái ngôi nhà lão Hoán hồi lâu rồi thất thểu về nhà, tiếng ếch nhái, côn trùng rầu rĩ cất lên ai oán như đưa đám mối tình đầu của Tuất.
    Đêm tân hôn, Đỏ rạo rực mà Thái nguội lạnh. Đỏ vụng về bất lực thì Thái tỉnh táo lạ thường. Chai rượu giấu trong buồng đã được Thái mang ra: “Mình uống đi… cỗ bàn suốt ngày mà mình đã được uống đâu - Giọng Thái như an ủi - Tôi thương mình, rồi tôi mắn đẻ thì mình vất vả - Miệng nói, tay nâng chén”. Cái tuổi mới lớn, khoẻ sổi, Đỏ mệt lử, trước giờ động phòng, được cô vợ xinh đẹp nhất làng chuốc “tiên tửu” không say mới là lạ.
    Đến ngày Thái trở dạ đẻ, mẹ chồng cô gọi con trai hỏi han rồi bấm đốt ngón tay: “Này anh Đỏ, tính từ ngày cưới thì vợ anh còn hai tháng nữa mới sinh cơ mà? - Bà nhìn mặt con trai đắn đo”. “Thì đã sao hả u - Đỏ cự nự - Nhà con sắp sinh cháu, u hỏi con chuyện ấy để làm gì?”. Bà Mống thương con, bà sợ nó làm toáng lên, con dâu nghe thấy thì phiền toái, bà im lặng.
    Lão Mầm nghe tin cháu dâu trở dạ, sang hỏi han qua quýt rồi lôi bố chồng Thái sang nhà căn vặn, lão Mống mặt cứ ngớ ra như chuột phải khói. Lão Mầm gằn giọng: “Thôi, cá vào ao ta… ta được. Cả nhà chú liệu mà im mồm kẻo vỡ lở thì xấu hổ, chú hiểu chửa. Thôi chú về mau đi, xong việc tôi sang”.
    * * *
    Tuất theo người làng đi xẻ gỗ trên mạn ngược, một năm sau đưa về một cô gái xinh đẹp, sắc sảo, lưỡng quyền cao, mấy bà bạo miệng rỉ tai nhau: “Vợ thằng Tuất xinh đẹp nhưng tướng ấy là tướng sát chồng”. Đám cưới của Tuất chỉ cỗ bàn có hai ngày. Bữa nay trong làng lại rộ lên chuyện sinh nở của cô Thái, thằng con trai kháu khỉnh, chẳng có nét nào giống bố, ấy thế mà ai cũng nựng nó giống bố Đỏ, ai bảo không giống là bị Thái giận. Mấy tháng sau vợ Tuất cũng sinh một bé trai, nó cũng chẳng giống bố một tí nào, tiếng xì xèo một dạo rồi tắt lịm. Tưởng là hai họ có hai thằng cháu đích tôn thì mừng lắm, làm cỗ ăn khao, thế mà chẳng thấy bên nào nổi rơm nổi khói. Nói gì thì bên họ Võ vẫn oai hơn, vì con nhà Tuất là đích tôn của trưởng họ, bên họ Ngô thì lão Mầm trưởng họ không có con trai, hiển nhiên con nhà Đỏ là đích tôn của chi trưởng, lão Mầm mà chết thì cả họ phải sang góp giỗ nhà lão Mống, con nhà Đỏ sẽ được lập tự.
    Từ khi hai thằng cháu đích tôn ra đời, hai họ có vẻ đỡ gang tấc với nhau hơn. Được một dạo, bắt đầu rộ lên chuyện về hai thằng cháu đích tôn của hai dòng họ đều là đích tôn giả vì không mang dòng máu của hai họ này, hai họ cùng buồn rười rượi. Hai cô con dâu của hai họ quả là giỏi giang, chẳng ai dám động đến các cô, nhan sắc của hai cô đã làm cho cả làng say như điếu đổ, chẳng thế mà mỗi lần các cô đi chợ hay ra bến sông giặt giũ là bao nhiêu người phải ghé mắt nhìn theo. Hai người chạm mặt nhau, không chào hỏi nhưng ngầm hiểu nhau cùng “cảnh ngộ”.
    Hắn viết đến đây thì tắc tị. Hắn bảo gã: “Đây ông đọc đi, bằng ấy trang mà chưa thấy trọng tâm nút thắt ở chỗ nào, huống hồ là cởi nút rồi kết cho có hậu”. Gã cầm đọc rồi cười tít mắt: “Văn ông cũng vào loại xoàng, nhưng thôi cứ viết đi. Này nhé, chuyện xưa chỉ kể thế thôi, đoạn sau tập trung viết về nhà Tuất với nhà Đỏ, mà chủ yếu là thằng Ngọ con nhà Tuất với thằng Xanh con nhà Đỏ, chỉ chuyện về hai thằng này thôi. Mà này, nhớ đừng chạm vào bề trên nữa nhá. Tội nghiệp, cụ Mầm bên này thì chết khổ chết sở, ngã núi phải ròng dây thừng xuống mới lấy được xác, bên ông thì cụ Hợi chết vật chết vã vì uống nhầm phải rượu ngâm mã tiền - Gã đập tay vào lưng hắn - Cứ viết đi, tôi biết văn ông từ khi còn đi học. Tôi chẳng chê thì thằng chó nào dám chê ông”.
    * * *
    Hai ngôi nhà sát đốc, mặt đường cái, một là đất cấp cho con liệt sĩ, một là đất đấu giá. Nhà Ngọ ba tầng, nhà Xanh hai tầng. Đã từ lâu bức tường tầng ba nhà Ngọ, áp đốc trên mái tầng hai nhà Xanh cứ lộ nguyên phần xây mộc lem nhem mạch vữa, chẳng hiểu tại sao lại không trát. Hai ngôi nhà vẻ giầu có, một cao, một thấp, bên trên lại lộ cả một bức tường lớn không trát thì quả là khó hiểu. Việc hai thằng cháu đích tôn của hai dòng họ phải ra mặt đường thì làng này biết cả, vì rằng: “… Chúng nó là đích tôn giả, là hai thằng canh cổng cho hai dòng họ…”. Lớn lên Ngọ và Xanh bỏ học kiếm tiền, thầu nọ thầu kia cố kiếm được thật nhiều tiền cho bõ tức với cái làng lắm điều, nhiều tiếng này, mà chẳng hiểu sao lại cứ nhằm vào hai thằng để cạnh khoé. Thực lòng thì chúng cũng có ham hố gì cái chức trưởng họ đâu, ra đường vừa lợi thế làm ăn, vừa khỏi nhức tai về cái tiếng “đích tôn giả”. Có điều làm sao mà cái thằng Xanh gàn dở lại cố tình đấu giá cái suất đất áp với nhà thằng Ngọ con liệt sĩ để gầm ghè nhau.
    Cái ngày lão Đỏ say rượu bét nhè, khật khưỡng ra đường cái chỉ tay sang xóm Thượng: “Mẹ nhà Tuất nhá. Cả họ nhà mày bảo tao là thằng vét nồi, tráng men... À thì ra mày đểu tao. Thằng mất… dạy”.
    To chuyện rồi. Tưởng đánh nhau đến nơi. Người bên nhà họ Ngô vội kéo lão Đỏ về, người nhà họ Võ đứng nhìn. Chuyện là khi Tuất về phép đi “B” đã tìm Đỏ tâm sự: “Tôi với ông cùng cảnh ngộ, cùng bị chí chịch của họ hàng thắt buộc, chứ anh em mình có thù oán gì nhau. Tôi ra đi không hẹn ngày về… Ông biết đấy, tôi đã yêu Thái… và thằng Xanh là con của tôi…”. Dù rằng đã biết rõ sự tình, Đỏ vẫn thấy thẫn thờ, ngực thắt lại, thương Thái, thương Tuất, rồi lại thương cái thân mình, Đỏ nín lặng, sống mũi cay cay. Giọng Tuất đứt quãng: “Xông pha trận mạc có mệnh hệ gì thì tôi xin ông hãy vì Thái mà thương yêu, đùm bọc thằng Xanh, tôi biết ông rất yêu Thái”. Im lặng, họ nghe thấy hơi thở của nhau. Đỏ yếu sức nên được trả lại địa phương, mấy tháng ở lính với nhau chẳng nói được gì, bây giờ họ đã ngồi với nhau giãi bày tâm sự để chia ly. Đỏ rưng rưng: “Tôi hiểu, thôi chuyện ấy ông không phải ngại… Vậy bên ấy đối với thằng Ngọ ra sao?”. Tuất kể thành thật: “Gặp nhau ở đất khách quê người, Hà xinh đẹp, nết na, người yêu bị cây đổ đè chết, mà Hà thì đã mang thai… tôi càng thương cô ấy. Về thưa chuyện, thầy u tôi bảo tuỳ ở anh, cái nghĩa cái tình nó lớn lắm. Anh mà thuận thì thầy u cũng chiều…”.
    Mâu thuẫn giữa hai dòng họ lại khơi dậy. Cái thói của làng này lạ lắm. Cầm đồng tiền loanh quanh trong luỹ tre làng tưởng là to, hơi thấy người khác hơn một tí là ngốt, là nổi máu ganh tị. Cái giáo lý của làng này xưa nay là “mạnh gạo, bạo tiền”, “được làm vua, thua làm giặc”… Chẳng tìm đâu ra một người thạo chữ Thánh hiền, cái nghĩa cái tình nó mong manh, hôm nay nói tốt, ngày mai đã khoác cho người ta bao nhiêu tiếng xấu, điêu toa đáng sợ. Ví như có ai đi thoát ly khi về làng “bảnh bao” một tí đã được coi là người làm to nhất làng, con cháu các dòng họ khác hếch mắt lên mà nhìn, mà tức tối. Anh thợ hoạn ở đâu đến, khéo mồm, khéo tay, hoạn lợn như làm xiếc mà được chiều như chiều vong, tranh nhau mời về nhà đãi đọa, cứ có khách thiên hạ được coi là sang… Vậy thì việc lão Đỏ say rượu chửi nhà Tuất hẳn không thể là chuyện nhỏ, cái việc Xanh cố tình đấu bằng được suất đất áp nhà Ngọ không phải là không có ý.
    Cái ngày Ngọ bỏ móng nhà, thằng Xanh đi qua đi lại theo dõi ghê lắm. Nhà Ngọ làm hai tầng chưa được một năm thì nhà Xanh làm nhà ba tầng, tường tầng ba phía giáp với nhà Ngọ nhà Xanh không được thò giàn giáo sang để trát. “Không sao, tao chờ nhà mày lên tầng ba để che cho nhà tao - Thằng Xanh nghĩ vậy”. Nhà Ngọ bị lún, nứt tường, vết nứt nhiều lên, to dần, một năm sau thì những vết nứt đã há to lọt cả bàn tay, nghiêng tới hai mươi phân. Cả một năm hai bên “giao chiến”. Họ Võ đã họp quyết định nhà Ngọ chuyển về ở từ đường, phá nhà đào ao thả cá trê phi cho nhà Xanh nó đổ... “Không được, phải bằng sức mạnh. Kiện, sau đó lên ba tầng - Thằng Ngọ quả quyết”. Hôm toà án huyện gọi hai thằng lên, trên đường về thằng Xanh xử nhũn mời thằng Ngọ vào quán nước: “Ông rút đơn tôi bồi thường ông mười triệu” - Xanh hỏi ướm. Ngọ chỉ ậm ừ không trả lời. Xanh có vẻ hạ mình vì biết Ngọ là người mưu mẹo khôn lường: “Ông tính sao để anh em mình khỏi phải ra toà”. Ngọ gật gù: “Tiền thì tôi với ông không thiếu, tuỳ ông xử sự sao cho coi được - Giọng Ngọ kẻ cả - Sao cho vừa lòng các cụ bên tôi”. “Ấy chết, ông mà nói thế thì e không xong - Xanh nài nỉ - Xin ông cứ về suy nghĩ rồi anh em mình gặp nhau”…
    Viết đến đây hắn lại tắc tị, vì tình tiết vụ án quá dài, cuộc đấu trí của hai bên thì đại rắc rối. Hắn nhận thấy mọi tình tiết ứng xử, mẹo mực, thủ đoạn, rồi lời ăn tiếng nói của hai thằng “hậu duệ” của hai dòng họ có lẽ đủ để phản ánh đặc trưng văn hoá của làng mình. Hắn buồn. Gã đã từng nói với hắn: “Thằng nào đi được ra ngoài ắt là giỏi và sướng hơn những thằng ở làng…”, quá nửa đời người gã mới đúc kết, hẳn là đúng. Hắn là nhà báo mà bàng quan với làng nước, hắn cũng thuộc diện “làm to” trong làng mà bây giờ hắn mới biết, mới thấy đau cho những người “làm to” ở cái làng này, họ bảo: “Những thằng làm to ở cái làng này chẳng lo cho làng được cái đếch gì”, ngoa hơn nữa: “Ở dòng họ này càng những thằng làm to càng ăn hại…”. Khốn khổ, người ta làm to thật còn chẳng ăn ai, huống hồ “làm to” như hắn, hắn tự thấy mình bị chửi nhiều nhất vì hắn biết trong làng này chẳng ai “làm to” bằng hắn cả.
    Hắn lại tìm đến gã: “Thôi ông ạ, tôi e cái mớ tôi viết đây sẽ không thành tác phẩm được, ông giữ lấy làm kỷ niệm”. “Cái ông này, nhà báo gì mà dễ nản - Dừng một lát, gã gật gù - Tối nay ông gọi thằng Ngọ bên ông ra quán uống rượu với tôi và ông. Tối mai tôi lại gọi thằng Xanh bên tôi uống rượu với ông và tôi, biết đâu ta lại cởi nút, lại kết truyện hay cũng nên. Thôi ở lại mấy hôm nữa, vẫn cơm ba bữa, đừng ngại”. Gã và hắn ngoắc tay nhau, cả hai cùng cười, hắn tiếc cho gã: “giá như gã học sư phạm chẳng hạn, trở thành một thầy giáo về dạy cho con cháu ở làng chắc giờ đã khác…”. Hắn chép miệng thở dài!
    * * *
    Hai bữa rượu của hai ông chú họ như hai bài thuốc linh nghiệm giải độc cho hai thằng cháu bị bùa mê, cái thứ bùa mê cứ lẩn khuất trong luỹ tre làng rồi thình lình ám vào các dòng họ, thường thì ám nặng vào những kẻ háo tiền, háo danh, háo lợi… Người của họ Võ và họ Ngô bị ám nặng lắm, đến giờ thì thằng Ngọ và thằng Xanh đã kịp nhận ra. Thằng Ngọ buồn rầu: “Cháu xin hai ông nói với nhà Xanh để chúng cháu gặp được nhau hoà giải, nhưng phải có mặt của hai ông... Nhà cháu thề với hai ông sẽ bỏ qua mọi chuyện”. Thằng Xanh thì sụt sùi: “Con mệt mỏi quá rồi, lắm lúc cũng định được làm vua, thua làm giặc, nhưng rồi lại cố nhịn. Con cứ nghĩ, cùng cảnh ngộ sao lại không thương nhau… Thôi trăm sự là nhờ hai ông dạy bảo - Nó bật khóc”.
    Thì ra trong uất ức cũng có vị tha, trong thù oán cũng còn vương vấn tình thương. Chúng vẫn còn biết suy nghĩ, biết lo làm ăn, biết nuôi chí làm giầu. Chúng xuất thân từ hai hoàn cảnh, bản tính vốn là thiện, hiềm một nỗi cái gốc văn hoá của làng, của dòng họ không được coi trọng, không được hun đúc. Bây giờ giáo hoá lại kể cũng muộn, nhưng nghĩ về xa xôi từ thế hệ sau trở đi thì hẳn là chưa muộn.
    Cuộc “tứ tửu” gồm thằng Ngọ, thằng Xanh với gã và hắn ví như “tương ngộ”. Gã đạo mạo, giọng nói tỏ ra có uy lực:
    - Hôm nay hai ông gọi hai thằng đến đây không phải là chỉ để uống rượu như hôm nọ, mà đến là để các ông chúng mày cho chúng mày nghe một “tác phẩm văn học” viết về cái làng này, về chúng mày… Nghe xong thì về mà nghiền ngẫm, rồi thì tuỳ chúng mày cư xử thế nào cho đẹp họ, đẹp hàng, cho chúng tao mở mày, mở mặt với thiên hạ… - Gã nói nhiều lắm, đúng là một bài giảng đạo lý cho hai thằng cháu họ, mà cũng như cho cả cái làng này.
    Hắn thì im lặng. Những giọt rượu được cất từ hạt gạo làng quê bằng một thứ men truyền thống lâu đời, nước nấu rượu được múc về từ giếng Cả của làng còn sót lại, những giọt rượu thơm nồng hắn chỉ được uống mỗi khi trở về làng, bây giờ trộn lẫn những giọt nước mắt từ hai gò má chảy xuống môi thấm qua cổ họng vào đến ruột gan… Hắn kết thúc truyện ngắn đầu tay do hắn và gã cùng nhau hợp tác.
    Tết năm ấy mặt ngoài tầng ba nhà Xanh nhô trên tầng hai nhà Ngọ đã được trát, lăn sơn đẹp lắm. Nhưng đẹp hơn là tình thân của hai nhà, hai dòng họ bắt đầu được nối lại… Gã và hắn cụng chén rượu xuân chúc mừng nhau đã hoàn thành tác phẩm “Có một câu chuyện như thế”.

Kết Thúc (END)
Đinh Ngọc Lâm
» Những Đứa Con Làng Cồi
» Có Một Câu Chuyện Như Thế
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam