Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mùi Củ Cải Trắng Tác Giả: Sưu Tầm    
    Cậu Ba hơn tôi năm tuổi nhưng học cùng lớp với tôi. Do hoàn cảnh gia đình tản cư, cậu học đứt đoạn nên trễ lớp. Mẹ đón cậu về ở chung để tiện việc học của cậu. Năm đó chiến tranh cuối cùng rồi cũng lan tới thị xã. Tôi và cậu đang học lớp chín. Một ngày gần Tết, tôi đang náo nức với bánh mứt mẹ làm thì cậu gọi tôi ra đường. Cậu nói nhỏ vào tai tôi:
    - Cậu đi lính!
    Tôi giật mình:
    - Cậu nói thiệt chơi?
    - Thiệt!
    Cậu giải thích: Ở tuổi cậu theo luật mới phải đi lính vì đã đủ mười tám.
    - Nhưng có ai bắt cậu đi đâu?
    - Không ai bắt nhưng tao thấy học không nổi. Giờ không bắt nhưng sau Tết là họ rà soát khó trốn lắm.
    Cậu lôi từ ba lô ra lá thư viết sẵn gởi mẹ tôi:
    - Mày về nói với chị Hai tao xin lỗi. Nói chị đừng lo…
    Tôi òa khóc:
    - Thôi cậu ơi, về mẹ đánh cháu chết!
    Cậu cười:
    - Cái thằng như con gái!
    Tôi là con trai mà nói con gái nên cũng tự ái. Tôi hết khóc, làm ra vẻ cứng cỏi:
    - Chúc cậu đi vui vẻ, bình an!
    Cầm lá thư cậu đưa tôi dợm bước thì cậu kêu:
    - Ê khoan, tao còn gởi cái này.
    Cậu đưa ra một lá thư khác.
    - Thư này gởi con nhỏ Hiền. Con nhỏ ngồi đầu bàn có cái răng khểnh đó mày nhớ không.
    rời! Con Hiền bạn học cùng lớp. Tôi đã không ít lần yêu trộm nhớ thầm nó vì cái răng khểnh này. Vậy mà dè đâu nó là “người ấy” của cậu. Tôi đã nhiều lần cho con Hiền chép bài khi nó bí. Nó cám ơn tôi bằng mấy trái ô mai. Vậy mà giờ nó đi thương cậu là sao? Tôi cầm lá thư mà miệng cười như mếu. Nhưng cậu Ba không để ý. Cậu đang tưởng tượng con Hiền nhận thư chắc sẽ khóc vì xa cậu. Nhìn đôi mắt long lanh của cậu thì biết. Tôi bực mình hỏi:
    - Cậu quen con nhỏ đó hồi nào?
    - Hỏi chi vậy?
    - Cậu không muốn nói cũng không sao. Tui sẽ đưa tận tay Hiền, cậu yên tâm đi!
    - Cám ơn mày. Ở nhà ráng học giỏi đặng khỏi đi lính như tao nghe cưng.
    *
    Từ ngày cậu Ba đi lính tôi mới biết buồn. Một khoảng trống rỗng luôn bao quanh người tôi. Tôi ở đâu, làm gì cũng thấy đơn độc. Ngày xưa lúc nào cũng cậu Ba bên cạnh. Khi đến trường hay tắm sông lúc nào cũng có cậu. Tụi xóm Minh Trình đố dám ăn hiếp tôi. Cậu đi xa rồi tôi cảm giác mình như vừa mất một thứ gì lớn lao lắm, khó nói thành lời.
    Hôm sau tôi đưa thư cậu Ba cho mẹ. Đọc xong mẹ như điên như cuồng. Tôi sợ nhưng mẹ không đánh tôi mà còn ôm tôi khóc. Rồi mẹ mua vài bộ quần áo, đường sữa lên điểm tuyển mộ nhập ngũ nhờ gửi cho cậu Ba.
    Ba tôi thở dài nói:
    - Trai thời ly loạn đành phải vậy, khó trốn bên này với bên kia.
    - Ông nói vậy là sao?
    - Mẹ mày không nhớ năm ngoái à. Thằng Ba theo về quê bạn chơi. Quê bạn chỉ cách thị xã chừng mươi cây số. Vậy mà bị phía bên kia bắt dắt lên núi, tuyên truyền cho một hồi về cách mạng mới thả cho về.
    Từ ngày cậu Ba đi lính tôi bỗng quan tâm tới tin tức chiến sự. Chiều tối, sau khi ăn cơm xong là tôi ôm cái radio nghe đài BBC. Mẹ tôi cười nói cái thằng cụ non.
    Cuối năm lớp chín, lớp tổ chức liên hoan chia tay sang năm mỗi người đi một hướng. Trong phần văn nghệ tôi lên đọc bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng. Đọc xong nhìn vào mắt các bạn thấy nỗi buồn mênh mông. Chiến tranh đã phủ cái bóng đen lên thế hệ chúng tôi.
    *
    Khoảng hơn năm sau cậu Ba về phép. Tôi nhìn cậu không ra. Cậu như người đồng bóng. Da cậu nâu đen, đầu tóc nhuộm vàng úp lên cái mũ bê rê nâu, áo quần rằn ri. Nhìn cậu tôi thấy sờ sợ. Chỉ khi cậu cười tôi mới thấy nét thân quen của ngày xưa. Cậu nói cậu đi lính Biệt động quân, đóng ở Quảng Trị. Cậu cởi dây nịt lủng lẳng mấy trái lựu đạn treo lên vách khiến ai cũng sợ. Cậu cười nói không sao đâu, chừng nào rút chốt lựu đạn mới nổ.
    Chiều tối, sau khi ăn cơm xong cậu Ba rủ tôi đi dạo phố. Tôi nói:
    - Không thích!
    Cậu cười:
    - Mày đi với tao tới thăm con Hiền.
    Tôi nói:
    - Nhà nó bây giờ mở quán cà phê, tui chưa bao giờ ghé.
    Cậu Ba nói:
    - Hay lắm! Tới uống cà phê với tao.
    Quán có tên Diễm Ca, nhỏ, bày chừng dăm bộ bàn ghế, vài chậu cây kiểng. Trên tường treo ảnh vài diễn viên điện ảnh Đài Loan thời thượng. Dưới ánh đèn màu hồng, những bức ảnh như sống động hẳn lên. Quán mở mấy bài boléro nhạc lính. Khách vài bàn, không đông cũng không đến nỗi vắng.
    Cậu Ba và tôi chọn một bàn đặt ở góc khuất phía trái lối đi. Cậu kêu một cà phê sữa nóng cho cậu và một nước cam cho tôi. Tôi hỏi cậu Ba đi lính có đánh trận không. Cậu không trả lời, chỉ hút thuốc. Tôi hỏi cậu có thấy người chết, người bị thương không. Cậu chỉ im lặng hút thuốc. Tôi nhận ra cậu Ba đã khác xưa. Cậu không còn nói nhiều, không còn đùa vui. Ánh mắt cậu nhìn xa xăm. Thỉnh thoảng cậu thở dài.
    Một lát thấy con Hiền ra ngồi quầy. Mới cách xa một năm mà nay Hiền thay đổi quá nhanh. Mái tóc thề dài đến nửa lưng giờ không còn, thay vào là tóc cụt ngang cằm, dợn sóng. Gương mặt hiền lành không trang điểm ngày xưa giờ là một cô gái hao hao diễn viên Hồng Kông với môi son má phấn, đôi mắt kẻ chỉ sắc nét. Cậu Ba nói khẽ:
    - Con Hiền sao khác quá, nhìn không ra!
    Con Hiền nhìn về phía chúng tôi và mỉm cười. Nó không tỏ ra vồn vã. Là vì nó cũng không còn nhận ra cậu Ba. Chỉ khi tôi lại quầy kêu gói thuốc cho cậu Ba, tranh thủ hỏi nó có nhận ra ai ngồi đó không. Nó lắc đầu. Tôi nói cậu Ba tui đó. Con Hiền giật bắn người. Nó chạy vào nhà sau, từ đó không thấy ra ngồi quầy nữa. Chờ lâu, đám thanh niên ngồi các bàn lảng dần. Hôm đó cậu Ba và tôi là khách cuối cùng ra khỏi quán sau khi cậu đã hút hết gói thuốc.
    Hết ba ngày phép cậu Ba trở lại đơn vị. Trước khi đi cậu tặng tôi cái túi vải mìn claymore đựng đồ rất tiện.
    *
    Hơn hai năm không gặp lại cậu Ba. Thỉnh thoảng tôi nhớ cậu, định hỏi mẹ nhưng lại quên. Bao cuộc vui với bạn bè cuốn tôi đi. Vả lại tôi đang chuẩn bị thi tú tài, bài vở nhiều phải học ngày học đêm. Nếu thi rớt thì “anh đi trung sĩ. Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con” nên ai cũng lo. Mới qua một lục cá nguyệt mà người tôi sọp đi. Mẹ làm món ăn này món ăn nọ cho tôi bồi dưỡng. Nhưng tôi ăn không vô. Miệng tôi lúc nào cũng đắng ngắt. Đó là hậu quả của việc uống quá nhiều cà phê và hút thuốc lá. Mỗi ngày một gói Capstan. Tôi sợ một ngày ba sẽ biết và tôi sẽ ăn đòn nhưng không tài nào bỏ được thuốc lá. Làm sao bỏ được khi mấy thằng bạn tôi ai cũng hút. Hút thuốc mới chứng tỏ mình là người lớn, suy tư.
    Một ngày giáp Tết năm đó, trong khi ba mẹ tôi đang bận rộn dọn dẹp nhà cửa, mua sắm vật dụng, bánh mứt thì tôi trùm mền ngủ. Đêm qua tôi gần như thức trắng gạo bài. Năm đó trời lạnh khác thường. Tôi thích cái cảm giác nằm trong chăn ấm khi ngoài trời lạnh run. Tôi đang nhắm mắt mơ màng thì có ai vỗ mạnh vai tôi.
    - Trưa trật mà còn ngủ à. Dậy đi ông tướng!
    Nghe giọng quen quen, tôi tung mền vùng dậy. Trời ơi, cậu Ba!
    Cậu Ba cười. Mặt rạng rỡ. Tôi nhìn cậu chăm chăm. Nhìn từ đầu đến chân. Trời ơi, cậu Ba chỉ còn một chân trái. Chân phải được thay bằng cái nạng gỗ. Tôi ngước lên. Nụ cười cậu đã tắt trên môi.
    - Chân cậu…
    Tôi la lên và ôm chặt lấy cậu. Người cậu gầy, toát ra mùi hăng hăng như mùi củ cải trắng làm cay mắt. Tôi chớp mắt để nước đừng ứa ra. Cậu Ba kể cậu dẫm phải mìn trong một chuyến hành quân. Mẹ tôi đứng cạnh nghe cậu kể mà nước mắt rơi lã chã.
    Cậu nói:
    - Em vậy là may đó chị Hai. Nhiều bạn em chết giờ cỏ đã xanh ngực kìa!
    Cậu Ba ở với gia đình tôi. Tiền trợ cấp thương phế binh hàng tháng tạm đủ nuôi cậu. Nhưng chỉ được năm tháng thì xảy ra sự kiện 30/4/1975. Gia đình tôi bắt đầu rơi vào khó khăn. Cậu Ba không còn tiền trợ cấp, phải bán vé số mưu sinh. Rồi một ngày, cậu đi bán và không quay về. Mẹ tôi chờ cửa tới khuya. Từ đó cậu biệt tăm tung tích.
    Sau 1975, tôi không thể học lên đại học vì lý lịch xấu, đành đi buôn trầm. Tôi đi sâu vào các ngọn núi cao ở Miền Trung, nơi bọn người tìm trầm thường lui tới để thu mua trầm. Trầm được giấu trong các xe trâu chở củi, rồi theo các xe đò vào Chợ Lớn bán cho thương lái người Hoa xuất qua Singapore, Đài Loan. Mỗi chuyến luồn rừng mua trầm có khi kéo dài hàng tháng trời. Nếu chuyến đi suôn sẻ có thể kiếm vài ba chỉ vàng. Còn bị bắt thì mất trắng.
    Việc buôn trầm coi phiêu lưu vậy mà đã giúp các em tôi không bị bỏ ngang sự học. Ba mẹ tôi dù vui được phần nào nhưng rồi cũng rủ nhau lần lượt ra đi vì đau buồn. Tôi còn nhớ trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ nói với tôi ráng tìm cậu Ba. “Trước khi bỏ đi, cậu có lấy cắp của mẹ hai cây vàng là của dành dụm để nuôi các em con” - mẹ nói, mắt ngấn nước. “Trời ơi, có việc đó hả mẹ”. “Mẹ nghi cậu lấy, chưa kịp rầy la thì cậu trốn đi mất. Ba con hoàn toàn không biết” - giọng mẹ nghẹn ngào. “Tìm làm gì cái giống trộm cắp đó hả mẹ. Hay để đòi lại vàng”. “Không con à. Tìm để nói mẹ tha thứ cho cậu. Vì mẹ biết cậu đau khổ lắm. Cậu không phải là giống trộm cắp, chẳng qua túng quá mà làm liều. Con nhớ nghe. Có vậy mẹ mới an lòng nhắm mắt”. Tôi gật đầu với mẹ mà nước mắt rơi như mưa. Hai cây vàng hồi đó là một tài sản lớn. Có nó mẹ có thể sang một sạp hàng bán đậu mè mắm muối ngoài chợ để nuôi các em và tôi không phải lên núi buôn trầm để phải mang trong người con ký sinh trùng sốt rét ác tính đến ngày nay.
    Trời đất bao la, biết cậu Ba ở đâu mà tìm. Tôi đến nhà những bạn học cũ hỏi thăm nhưng không ai biết. Cả quán cà phê Diễm Ca giờ cũng đóng cửa. Con Hiền không biết giờ lưu lạc phương nào.
    *
    Một năm nọ, đã vào mùa mưa, tôi tự nhủ ráng đi chuyến cuối rồi giải nghệ. Nơi tôi tìm trầm là một vùng rừng núi thâm u thuộc tỉnh Quảng Nam. Mới vào rừng được một tuần thì tôi ngã bệnh, có lẽ do hứng mấy trận mưa rừng. Tôi hết sốt lại lạnh, nằm bẹp dí trong nhà một người địa phương làm nhiệm vụ dẫn đường tìm mua trầm. Sau ba ngày không bớt, anh ta quyết định cõng tôi xuống núi tìm đến một thầy thuốc Nam chạy chữa.
    - Ông thầy này mát tay lắm, đã chữa cho nhiều người hết bệnh mà không lấy tiền - Anh ta nói.
    - Người đâu tốt vậy. Ổng tên gì?
    - Không biết tên gì. Chỉ nghe người ta quen gọi thầy Ba. Thầy về vùng này sống gần mười năm nay.
    Nhà thầy Ba ở sát chân núi, mái tranh vách đất, có sân nhỏ trước nhà trồng vài bụi vạn thọ, đỗ quyên. Lúc này bệnh của tôi chuyển nặng. Tôi sốt li bì, nằm mơ nói sảng suốt ngày. Trong những giây phút tỉnh táo hiếm hoi, điều tôi nghĩ tới đầu tiên là cái chết. Dĩ nhiên tôi không muốn chết buồn bã như vậy trong một xó rừng không người thân, bạn bè. Tôi van xin ông thầy Ba ráng cứu tôi. Bao nhiêu vàng bạc mang theo mua trầm tôi sẽ biếu hết cho ông. Tôi lấy hết sức nói với ông như vậy chứ thật tình không thấy rõ mặt mũi, vóc dáng ông như thế nào vì mắt tôi mở còn chưa ra. Ông thầy nghe mà không nói gì, lặng lẽ chăm sóc tôi. Ngày ba cữ thuốc sắc, ba cữ cháo, một lần chích lễ với một nồi nước xông vào chiều tối. Trong khi tôi trùm mền hít thở trước nồi nước xông, ông thầy vẫn lẩn quẩn đâu đó. Cứ mỗi lần hít vào tôi nghe trong không khí mùi hăng hăng của củ cải trắng. Cái mùi quen thuộc ấy không biết đến từ đâu.
    Hôm sau, thầy Ba hái thuốc về khi trời đã chạng vạng tối. Nằm trùm mền, nghe tiếng mở cửa tôi lại cất tiếng van xin ông cứu mạng. Nghe xong, ông nói:
    - Cậu Hưng đừng nói nhiều, ráng nghỉ ngơi ăn uống cho lại sức.
    - Ủa, sao thầy biết tên tôi? - Tôi ngạc nhiên.
    - Do mấy hôm cậu mê sảng nói ra.
    - Tôi còn nói gì nữa không?
    - Thôi, cậu ngủ đi. Tôi xuống bếp sắc nồi thuốc đây.
    Tôi nằm mà không thể nào ngủ được. Vì sao ông thầy thuốc lại biết tên tôi? Mà lạ thiệt, sao ông thầy tốt bụng vậy. Vì thật ra ổng muốn giết tôi để cướp tài sản dễ như trở bàn tay.
    Khoảng một tuần sau, sức khỏe tôi dần hồi phục. Tôi có thể ngồi dậy tự ăn cháo. Chiều đó, tôi soạn túi vải claymore lấy ra hai cây vàng giấu dưới đáy. Tôi ngồi đợi thầy Ba đi hái thuốc về để trả công ông đã cứu mạng. Mà thật ra, ơn cứu mạng của ông còn lớn hơn hai cây vàng nhưng tôi chỉ có chừng đó thôi.
    Như mọi hôm, ông thầy trở về khi trời vừa sẩm tối, không hay biết tôi đang ngồi đợi. Trong nhà nhìn ra tôi thấy dáng ông đi nghiêng ngả. Trời ơi, ông chỉ có một chân! Linh tính báo cho tôi biết ông là… Phải rồi, cậu Ba thứ ba trong gia đình ngoại và từ ngày cậu bỏ đi đến nay cũng đã gần mười năm.
    - Cậu Ba! Cậu Ba phải không? - Tôi la lên.
    Ông thầy đứng im bất động. Một lát, giọng ông run run:
    - Hưng, cậu đây!
    Từ đôi mắt trũng sâu của cậu Ba lăn ra những giọt nước mắt.
    - Từ hôm đầu tiên cậu đã nhận ra cháu với túi vải mìn claymore. Cậu đã hỏi người đưa cháu đến đây và biết cháu vào vùng này tìm mua trầm. Cậu xin lỗi cháu, xin lỗi hương hồn ba mẹ cháu. Cậu rất hối hận vì đã gây ra chuyện đau buồn cho gia đình cháu và để cháu phải vất vả như vầy.
    Tôi đứng dậy nắm tay cậu Ba:
    - Hơn chục năm nay cháu đã đi nhiều nơi tìm cậu...
    Cậu Ba cúi mặt tránh cái nhìn của tôi:
    - Gặp cháu cậu biết số trời đã định. Cậu có trốn đàng nào cũng không thoát tội.
    - Không, không phải như vậy đâu cậu! Ngày mất mẹ dặn cháu phải tìm cho ra cậu để nói cho cậu biết là mẹ đã tha thứ cho cậu.
    - Chị Hai đã tha thứ cho cậu thiệt sao?
    - Dạ, đó là lời trăng trối của mẹ.
    Tôi nghe tiếng nấc trong cổ cậu Ba:
    - Chị Hai, em là thằng khốn nạn!
    - Không, cậu vẫn là cậu Ba thân thiết của cháu như ngày nào!
    Cậu Ba ôm choàng lấy tôi. Hai vai cậu run run. Tôi nghe cảm giác ướt và âm ấm của nước mắt nơi cổ cùng mùi củ cải trắng quen thuộc lan trong không gian.
    Cậu Ba kể trong cơn xúc động:
    - Cậu đã nghe lời con Hiền lấy của mẹ cháu hai cây vàng để trốn đi xây dựng cuộc đời với nó. Cậu định làm ăn có tiền, dành dụm trả lại cho mẹ cháu. Nhưng thời gian đó cậu làm gì cũng thất bại. Hai cây vàng thoáng chốc tiêu tan. Con Hiền bỏ cậu. Chán cuộc đời cậu dạt về nơi heo hút này… Cậu ân hận lắm.
    - Thôi mình quên chuyện cũ đi cậu. Hôm nay nhờ may mắn gặp được cậu đây mà mạng sống của cháu vẫn còn. Cuộc đời thật kỳ lạ phải không cậu?
    - Cậu không nghĩ có một ngày cậu cháu mình gặp lại nhau trong yêu thương thế này.
    - Chiến tranh đã lùi xa. Mọi phiền muộn đã qua đi. Thôi mình về nhà chung sống như ngày xưa nghe cậu.
    - Ừ, như ngày xưa yên bình.
    Tôi thấy một nụ cười tươi nở trên khuôn mặt gầy khô của cậu Ba.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân