Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đối Thoại Tác Giả: Sưu Tầm    
    Thỏi cựa mình trở dậy, tỉnh bơ, không khóc, nó tuột xuống giường và đầu tóc bù xù tiến về phía tôi.
    “Út ơi, con đói!”.
    Một tay nó dụi dụi vào mắt, gò má bên phải còn vài vết lằn của chiếc chiếu để lại. Tôi nâng cằm của Thỏi lên, nhìn sâu vào đôi mắt long lanh của nó.
    “Ừ, Thỏi ra sau nhà tự rửa mặt nhé, Út hâm lại cháo cho con”.
    “Dạ”.
    Tiếng “dạ” ngân ra sao mà ngọt ngào và ngoan ngoãn.
    “Con xong rồi Út ơi”.
    “Ừ, Út để cháo trên bàn đó, ăn từ từ khéo nóng nghe”.
    Vừa nói tôi vừa chăm chú nhìn vào từng mũi thêu trên mảnh vải linen màu kem. Giọng Thỏi vang lên.
    “Mà Út này, xí Út cho con đi chợ với nghe”.
    “Sao nay lại đòi đi chợ với Út? Con thích ăn gì? Nói Út mua cho”.
    “Dạ không, con muốn tự đi mua cá, mua rau, mua kẹo, ờ… gì nữa ta? Mua thịt nữa. Mẹ dặn con lớn rồi, phải biết chăm sóc cho bản thân với chăm sóc Út Quỳnh nữa”.
    Mũi kim dừng lại, tôi như sững người rồi đành bật một tiếng:
    “Ừ”.
    Nghề giáo đã theo tôi cũng ngót bảy, tám năm rồi. Tư duy giáo dục trẻ nhỏ tự lập vẫn luôn là phương châm giảng dạy của bản thân. Với Thỏi, có khi đây lại là lúc để con tự học được nhiều thứ khi không có người làm thay con.
    Ngồi sau chiếc xe đạp, nó vòng tay ôm lấy tôi, thân hình nhỏ, vòng tay của Thỏi cũng nhỏ nên nó chỉ có thể tì vào hai vạt áo để làm điểm tựa. Tôi biết ánh mắt nó đang dáo dác nhìn mọi vật. Khu chợ quê mở từ sáng sớm và bán đến tận chiều. Chợ nằm giữa cánh đồng khô khốc bởi đã cuối vụ mùa, nhìn vào thửa ruộng thấy được hẳn lớp phù sa cố bám víu vào từng vết nứt.
    “Con bướm là con bướm xinh, con bướm là con bướm hồng. Bướm ơi là bướm… là la lá là…”
    “Sao không hát nữa?”
    “Con quên rồi, mà Út này, hôm qua con đi học bạn Tít bảo con là tuần tới sẽ mang cho con mượn hộp màu vẽ đó, còn chỉ con tô màu siêu nhân. Con thích tô màu nhưng con không thích siêu nhân”.
    “Thì con có thể tự vẽ công chúa của con mà”.
    Cứ mỗi lần tôi chệch tay lái vào ổ gà thì giọng nó lại nấc lên một tiếng như nấc cục, đôi bàn tay lại cố siết chặt hơn để không tuột khỏi chiếc xe.
    “Chắc Tít mê con, mà Tít học dở òm, bài nào cô giao bạn ấy cũng bảo bối rối. Mà bối rối là gì vậy Út?”.
    Tôi bật cười thành tiếng vì câu chuyện đáng yêu của chúng.
    “Cậu bé dùng từ chưa đúng rồi. Bối rối là mất bình tĩnh, xảy ra trong một số tình huống bất ngờ. Giống như khi có ai đó tặng con một món quà bất ngờ và con không biết nên nhận hay nên từ chối ấy”.
    “À, dạ, con sẽ nói lại Tít. Vậy Út có bối rối trước cậu Luân không?”.
    “Hả? Ờ… thì…”.
    “Út, Út, bạn Sẻ kìa. Đạp nhanh lên Út”.
    Thỏi giật mạnh tà áo tôi, làm câu trả lời bỏ ngỏ.
    “Con chào dì Út” - Sẻ nói, giọng nó líu lo.
    “Ừ chào con” - Tôi quay sang nhìn Thỏi.
    “Thỏi, con muốn chơi với Sẻ hay vào chợ với Út?”.
    Một tay nó cầm lấy tay tôi trong khi tay kia nắm lấy tay bé Sẻ. Cô bé lắc lư như tiếc nuối rồi buông tay Sẻ ra, ngước lên nhìn tôi.
    “Con đi với Út. Bai bai Sẻ nghe”.
    Bàn tay Thỏi nhỏ xíu huơ huơ trong gió. Chợ bây giờ đã nhộn nhịp, tuy làng nhỏ nhưng vì đất lành mà dân tứ xứ mỗi ngày một đông đúc. Họ sống với nhiều nghề, làm thuê là chủ yếu.
    “Đi nhanh nào Thỏi, không trời lại nắng sớm. Hôm nay Út nấu canh bí đỏ hầm xương cho cả nhà”.
    “Hôm nay cậu Luân đến chơi hở Út?”.
    “Sao lại hỏi thế?”.
    “Cậu nói với con là cậu thích ăn canh bí đỏ của Út”.
    “Vậy sao? Cậu bận rồi, chắc cậu không đến nữa đâu”.
    Tôi nhìn vào một khoảng không vô định nào đó rồi thôi tự kéo mình về với thực tại.
    “Chà, Thỏi của Năm nay đi chợ với dì nữa à? Đến đây Năm thơm một cái nào”.
    Từ ngày chị Me mất nó trở nên gần gũi với mọi người hơn, dễ ôm, dễ bày tỏ tình cảm với những ai yêu thương nó. Chị Năm là con chú ruột tôi, nhà bên kia sông, một người phụ nữ chất phác và tần tảo.
    “Mày đi mua gì rồi tí ghé tao cho miếng thịt về kho cho con Thỏi”.
    “Con không ăn thịt heo đâu, ti vi nói ăn thịt heo bị bệnh đó”.
    “Cha mày”.
    Giọng cô Năm cười giòn tan, khiến con bé ngơ ngác.
    “Thịt heo của Năm ăn không có bệnh đâu nha, ăn vô Thỏi mau lớn, mau cao hơn nữa”.
    “Chị cứ cho mãi, hôm qua em còn ít thịt trong tủ lạnh đủ cho hôm nay rồi, em đi mua ít rau củ thôi”.
    “Tao cho cháu tao chứ có cho mày đâu”.
    Nói rồi chị lấy nhanh miếng thịt bỏ vào bị, nhét vào giỏ của tôi.
    “Mày với thằng Luân sao rồi? Sao hổm tao nghe nó theo xe lên Sài Gòn”.
    “Em không biết. Nay chị bán được không?”.
    “Đừng có đánh trống lảng nghe, cỡ mày mấy đứa trong làng có con kẹp hai nách rồi. Thằng đó nó là người tốt, nó sẽ thương Thỏi”.
    “Dạ… Thôi em đi nghe, trời gần nắng lên rồi”.
    Mặt chị như nhíu lại rồi
    huơ huơ cái bị để đuổi vài con ruồi bay qua bay lại.
    “Ừ đi đi. Mốt tao qua chơi”.
    Trời mới sớm đó mà giờ nắng đã trải khắp con đường nhỏ dẫn vào các thôn xóm. Cơn gió nhẹ thổi qua lũy tre làm chúng cựa vào nhau mà phát ra âm thanh như đang trò chuyện. Thỏi cứ nhắc về anh Luân mãi, có thể nó mến anh. Người ta hay bảo rằng trẻ nhỏ không biết gì nhưng nào có phải, chúng biết tất, kể cả những thứ không thể nhìn thấy như tình cảm. Chúng sẽ dễ dàng nhớ một người nào đó khi họ cho chúng biết họ yêu thương chúng chứ không phải nhớ đến người đã cho chúng kẹo.
    Nhà anh Luân nằm ẩn trong vườn chè của nhà ông Sáu Tượng, chúng tôi biết nhau từ hồi Xóm Mới xây cây cầu nối liền hai xóm. Ngày còn là cô nữ sinh trung học, chúng tôi hay tạo ra nhiều cái vô tình để được thấy nhau trên con đường làng xuyên qua đám cỏ lau khô cằn. Anh cố tình đạp xe thiệt nhanh chỉ để thảy thanh kẹo đậu phộng vào giỏ xe, tôi cố tình làm hỏng dây sên chỉ để người ta dừng lại sửa giúp. Trên đời này có những thứ tình cảm sao thiệt ngộ, chúng trong trẻo và đáng được mơ ước, không vụ lợi, không lý trí.
    Thấm thoát trôi qua, tôi trở thành cô giáo làng, cất giữ niềm thương như kho báu. Anh trở thành chàng trai kiệm lời sau biến cố gia đình. Chúng tôi vẫn thế, cất ở đâu đó trong tim như một kỷ vật của tình yêu, tôi không hỏi, anh không nói, cứ thế thôi. Anh hay đến chơi với Thỏi, mang dăm ba cái bánh. Như một người tri kỷ đã đi với tôi từ thời niên thiếu. Ngày đi anh ghé nhà tặng tôi xấp vải áo dài.
    “Tặng Quỳnh, mai anh lên Sài Gòn phụ chú Ba ít hôm... ừ... Anh không biết lựa đồ nên cũng không biết là Quỳnh có thích không?”.
    Anh nhìn tôi âu yếm như biểu lộ cho dấu hiệu của sự chia ly.
    “Thôi Út không nhận, sao tự dưng lại tặng Út”.
    “Ừ, thì để … đặt cọc”.
    Tôi thấy má mình như ửng hồng bẽn lẽn, sao bờ vai lại nặng như thế, đôi mắt không dám ngước lên nhìn, ngón tay vân vê tà áo.
    “Quỳnh, chúng ta đã đủ lớn để biết những điều em và anh ngại nói”.
    Anh tiến một bước về phía tôi, chưa bao giờ tôi thấy anh gần như thế. Tôi ấp úng.
    “Dạ. Nhưng anh Luân…”.
    “Sao?”.
    “… Anh đừng đến nữa”.
    Tôi quay người và chạy vào nhà, bỏ lại đó chàng trai đứng chôn chân dưới bóng cây xoan cằn cỗi.
    Tôi sống với chị từ ngày bé, chẳng ai nhắc về người sinh ra chúng tôi, ngoại không cho phép. Tôi chứng kiến những thăng trầm của cuộc đời chị rồi dần như trở thành chất bôi trơn khiến tôi trở nên mạnh mẽ để chống lại những lời đàm tiếu về chị. Họ bảo chị Me của tôi không ra gì vì chị được sinh ra bởi “một con đĩ” và có thể tôi cũng không phải là em ruột của chị. Chị khóc, chị đã khóc rất nhiều. Tôi luôn nhớ bàn tay ấm của chị lúc chị bịt tai tôi khi có ai đó nói những lời không hay về mẹ. Chị dạy tôi sống chân thành và tử tế như cách để đáp trả lại cuộc đời này. Nhưng tôi đã không hiểu vì sao chị chọn cách ra đi bỏ lại Thỏi.
    Ngày chị đi, với Thỏi tôi như một người mẹ, một người quan trọng. Tôi cho phép bản thân bỏ qua thứ tình cảm riêng tư, không máu mủ. Tôi sẽ là mẹ Thỏi cho đến ngày con tự lo cho bản thân của con. Còn với Luân, thôi chỉ cần kỷ niệm. Tôi không thể để anh bận lòng.
    “Út ơi, có mùi gì vậy Út?”.
    “Chết chết, cháy nồi rồi. Lấy cho Út ca nước bên kia”.
    Nó nhanh nhảu chạy đến, hai tay ghì chặt sợ nước chao đổ ra nền nhà.
    “Út sao thế?”.
    “Ừ, tại Út lo nghĩ linh tinh”.
    Đầu ngõ có tiếng xe quen thuộc. Thỏi bỏ nhanh ca nước xuống rồi vừa chạy ra nhà trước vừa hét lên.
    “Cậu Luân, cậu Luân Út ơi. Con đoán là cậu cho xem”.
    Tôi thầm cầu mong đừng là anh. Thật khó để giấu cảm xúc của bản thân, và tôi không thích phải trải qua nó thêm lần nào nữa. Đứng lặng thinh bên bếp lửa, nghe tim mình nao nức, tủi thân và một chút lo lắng. Thỏi vào bếp, trên tay cầm thứ gì đó và đang lẩm bẩm đánh vần.
    “Tr...ân Trần Thanh Luân, tên cậu Luân hở Út?”.
    Nó đưa tôi lá thư gửi từ Sài Gòn. Người gửi Trần Thanh Luân.
    “Ừ của cậu Luân, thôi con lên nhà đọc truyện đi, rồi xí xới nồi cơm cho Út nha”.
    “Dạ”.
    Xé bao thư, tôi nghe như tiếng thở chậm lại, sợ rằng anh sẽ đáp lại một tiếng “ừ”.
    …
    Gửi Quỳnh em,
    Sài Gòn này người ta bảo hoa lệ và hào nhoáng, nơi đẹp đẽ mà con người ta luôn muốn hướng đến. Ở đâu cũng có tiếng nhạc xập xình, tiếng xe cộ hối hả. Những ngày ở đây anh không thôi nhớ về sự im lặng nơi em, nhớ cả tiếng thở dài khi em cố giấu điều gì không muốn nói cùng anh. Anh biết tất cả, về ánh mắt của em khi em nhìn Thỏi. Anh chưa từng nghĩ về sự hy sinh nếu chúng ta cùng nhau chăm sóc Thỏi, dù một lần. Không cần phải quá hoàn hảo, mỗi thứ đều có giá trị riêng của nó, chỉ cần chúng ta luôn hướng về những giá trị tốt đẹp. Phải không em?
    Em là một phần của anh… và anh luôn hạnh phúc khi thấy em hạnh phúc bên Thỏi… và bên anh, em nhé!
    Tuần sau anh sẽ về, đừng tránh ánh mắt của anh.
    Thương em.
    Anh Luân.
    …
    “Sao Út khóc vậy?”.
    “Ừ… tại nồi canh. Út đợi lâu quá mà giờ nó mới sôi”.
    “Đủ lửa là nó sôi mà Út. Đừng khóc nữa nghe”.
    Nói rồi, nó lấy thêm cây củi bỏ vào bếp như nhúm thêm cuộc tình tưởng đã tắt của tôi.
    2
    - Ăn mì chưa?
    - Rồi.
    - Chốc chạy ra ngoài chốt, có hộp cơm để cạnh gốc xà cừ.
    - Thôi, để đó mà ăn. Ông chia bớt mì cho tôi rồi còn gì.
    - Có nghe không thì bảo.
    - Ờ, thì nghe. Sắp đi chưa để còn xuống chốt.
    - Năm phút nữa. Tôi nhờ mấy em trực chốt đưa sang đấy. Gặp người ta thì cười một cái. Mặt lúc nào cũng như đá lạnh.
    - Tôi cười với cả thế giới này nhé. Ông coi lại cách ăn ở đi. Suốt ngày mắng sa sả thế tôi cười vào chỗ nào.
    - …
    - Mà hôm nay oai thế. Nhờ được cả trực chốt. Chắc lại xòe thẻ ra chứ gì.
    - ……
    - Mấy người trực chốt chỗ tôi F0 rồi. Giờ chốt chỉ còn cái hàng rào. Chẳng có người trực nữa nhưng không ai dám ra khỏi nhà cả.
    …
    - Có thể họ đi quanh đâu đó chứ cái hàng rào ấy có gì phải sợ nhỉ.
    - Thôi đừng lảm nhảm nữa. Xuống chốt đi. Nhớ mặc áo trong vào. Ở nhà là bê bết phát ớn.
    “Liêm sỉ để đâu mà dùng thẻ giờ này”. Gã định gắt lên với cô như thế. Nhưng gã chẳng còn sức nữa. Còn sót lại mấy gói mì gã nhờ người chuyển cho cô hết rồi. Gã chỉ biết ngồi yên. Loa phường vẫn phát đều đặn một ngày hai lần vào sáng và chiều. Hôm nay đội thiện nguyện phường X đến phát cơm. Gã nhận hộ một suất cho phòng bên cạnh nhưng gõ cửa mãi không thấy. Có tiếng ai đó nói vọng vào. “Đi rồi. Họ vừa chuyển xác xong”. Gã lạnh xương sống. Suất cơm còn nóng trên tay.
    3
    Gã thôi không đếm ngày nữa. Chỉ biết hạt dưa hấu sót lại từ ngày đầu tiên thực hiện lệnh giãn cách “ai ở đâu ở yên đấy” đã nhú mầm xanh. Gã hồ hởi khoe với cô. “Nó đã nhú lên hai lá tròn tròn, dày cộp”. Gã nghe tiếng cô cằn nhằn. “Bộ rảnh quá hả”.
    Gã bật cười khanh khách. Gã tưởng tượng đến sự cằn nhằn rất ra dáng “người lớn” của cô. “Đáng yêu lắm”. Nhưng gã chưa bao giờ nói thế với cô cả. Gã ghìm sự dịu dàng nơi cuống họng. Cô có bao giờ chịu dịu dàng với gã đâu chứ. Dấm dẳng phát hờn.
    - Viết gì bây giờ. Tôi chẳng biết viết gì cả. Nhiều lúc mở máy tính lên rồi để đó. Màn hình trắng toát. Xe cứu thương hú liên hồi. Chữ nghĩa cũng giật mình rơi lả tả bà ạ.
    - Vớ vẩn. Lý do lý trấu. Không viết được gì thì tranh thủ đọc đi. Phải làm gì đó cho qua một ngày chứ.
    Gã lại phá lên cười. Gã thấy chiếc lá non bên phải vặn mình. Không chừng sắp đẻ nhánh. Gã muốn tường thuật để cô biết cái cây đang cựa mình như thế nào. Nhưng thôi. Cô sẽ lại điên tiết lên với thái độ dửng dưng bất hợp tác của gã. Bí quá cô sẽ khóc. Khóc lóc chưa bao giờ là thiết yếu. Đã thế cô lại rất dễ khóc, lại khóc rất xấu, bù lu bù loa chả giữ được tí hình ảnh nào. Nhiều lần gã bảo: “Bà muốn khóc cho ra khóc thì phải xem phim Hàn nhiều vào. Đấy, bà xem. Người ta khóc đẹp thế. Bà nhìn lại mình đi. Chả có tí thể diện nào”. Nhưng lời gã là gió. Cô khóc cho cô chứ nào khóc cho gã vỗ tay.
    - Đọc bây giờ là xa xỉ phẩm. Nhịn chữ có chết đâu. Nhịn ăn mới chết. Bà đừng véo von về sự viết và đọc khi dạ dày đang kêu cứu nữa. Hài vãi.
    Gã tắt máy. Gã tưởng tượng đến cái mặt ngẩn ngơ của cô khi người kết thúc cuộc hội thoại hôm nay là gã. Ai bảo không dưng nói lời khó nghe. “Chắc lại giận mình gì đó rồi”. Kiểu gì trong cái đầu chằng chịt suy đoán của cô chẳng bật ra ý nghĩ đó. Nhưng gã nào giận dỗi gì. Gã chỉ không muốn nghĩ thêm gì bây giờ cả.
    4
    - Ông giận gì tôi đấy hả?
    - Không.
    - Sao tắt máy?
    - Ờ, thì cũng có chút bực. Nhưng không giận.
    - Bực gì.
    - Bà đừng ép tôi đọc hay viết gì bây giờ nữa. Lãng nhách.
    - Tôi xin lỗi. Thực ra tôi cũng thế. Tôi nằm như bất động. Chỉ ý nghĩ bành trướng. Không viết ra được, không gọi tên được. Suy nghĩ không thoát ra, găm lại trong đầu thành một khối đen sì, chỉ thấy bế tắc và sợ hãi.
    Gã tưởng tượng đến những giọt nước mắt thi nhau rớt trên mặt cô. Không có gã đưa khăn, chắc cô lại lấy tay quệt ngang quệt dọc, rồi quệt luôn cả nước mũi. Nhiều lần gã dấm dẳng. “Bà không giữ tí hình ảnh nào với tôi thật hả?”. Cái mặt không biết lỗi lúc nào cũng câng lên. “Kệ tôi”. Thì gã cũng chỉ biết kệ chứ còn biết làm gì. Tóc cô chắc đang rối bù lên vì cứ chạm vào lược là rụng. Gã đã nghĩ là cô lười. Nhưng mẹ gã bảo, phụ nữ suy nghĩ nhiều rất hay rụng tóc. Nên nhiều lần gã gắt gỏng. “Bà nghĩ ít thôi. Nghĩ cho lắm rồi có ngày tóc trụi lơ. Ai thèm”.
    Giờ gã chỉ muốn ôm cô một cái rồi sẽ sàng luồn tay vào tóc cô. Bàn tay gã to đùng, xù xì. Gã sẽ nhẹ nhàng xòe rộng ngón tay ra để gỡ từng khúc rối trên tóc cô. Là gã muốn thế. Nhưng gã chưa làm được. Đã rất nhiều lần thế rồi.
    - Này, bà khóc đấy hả. Tôi bảo rồi. Bà đừng khóc. Bà khóc trông xấu lắm.
    Giọng gã cuống quýt. Phía bên kia lặng im. Điên thế cơ chứ. Bình thường hung hãn lắm cơ mà. “Hôm nay trúng gió hay sao hả?”. Gã hét lên. Gã ước có thể tàng hình, bay vèo phát đến chỗ cô, mắng cho một trận đã đời.
    - Tôi vừa đi lấy khăn. Tôi không lấy tay quệt vào mắt, mũi nữa. Vi rút giờ đầy rẫy ra, lỡ không may tôi chết, lấy ai cho ông mắng.
    5
    - Tôi mệt quá ông ạ. Đầu cứ hâm hấp sốt.
    - Có ho không?
    - Không.
    - Có ngửi được mùi không?
    - Không.
    - Có thấy vị gì không?
    - Không?
    - Trời ạ. Bà đừng làm tôi sợ nữa. Bà gọi cấp cứu nhanh. Không chừng bà dính rồi.
    - Nhưng cả tháng nay tôi không đi đâu cả.
    - Ai mà biết được. Nhỡ lúc xuống lấy đồ tiếp tế bà bị vương vào thì sao. Con vi rút vô hình, nhìn thấy nó đâu mà né.
    - Thôi kệ, không sao.
    - Không sao gì chứ. Bà bướng vừa thôi. Tôi xin bà. Nếu bà có chuyện gì, tôi chết được.
    - Nhưng… Tôi ngửi thấy mùi rồi.
    - Sao? Thế nào? Mùi gì, nói nhanh.
    - Mùi nhớ.
    Gã thở hắt ra, nhẹ người, rồi lặng đi trong giây lát. Mặt gã nóng bừng. Gã như muốn nổ tung ra. Trái tim loi choi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực chật hẹp. Gã muốn chạy ra đường, hét toáng lên, dễ mà hôn được người đầu tiên gã gặp. Rồi gã sẽ xin lỗi họ. Kiểu như xin lỗi cô dì chú bác ông anh em cháu. Tôi xin lỗi. Tôi hạnh phúc quá. Nhưng đó là gã tưởng tượng vậy. Trước mặt gã bây giờ chỉ có bốn bức tường mốc meo cáu bẩn. Gã vẫn chưa dứt cơn sốt. Gã gắng sức.
    - Còn đùa vầy nữa, tôi cạch.
    Gã tắt máy. Gã tưởng tượng đến khuôn mặt cô ngơ ngác. Bất giác gã khóc.
    Gã dương tính đã ba ngày rồi. Y tế phường hai ngày gọi điện cho gã một lần. “Anh thông cảm, bệnh viện giờ đang rất quá tải. Những bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được khuyến cáo điều trị tại nhà. Nếu có dấu hiệu gì anh phải báo ngay. Hằng ngày nhân viên y tế sẽ đi phát thuốc, anh nhớ đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”.
    Sốt. Ho. Khó thở. Những cơn đau dồn dập. Cứ hết cữ thuốc là lặp lại. Đôi lúc gã lịm đi. Trong giấc mê man, gã nghĩ nhiều đến cô. Chẳng phải cô cũng đang một mình đấy sao. Thành phố đông người là thế nhưng rồi ai cũng phải một mình. Đàn ông con trai còn thấy cô quạnh, huống chi phụ nữ vốn dĩ yếu đuối. Không có gã bên cạnh, cô lại quệt nước mắt khóc tùm lum. Gã cười yếu ớt. Gã lại tưởng tượng. Hình ảnh cô chập chờn trước mặt. Giờ chỉ cần biết tin gã bệnh thôi, chẳng lại khóc vống lên. Cũng có thể cô quyết định không khóc nữa. Gã bệnh thế thì tâm trạng đâu mà nhìn cô khóc chứ. Hơn cả đau đớn là cảm giác bất lực. Biết gã bệnh đấy mà cô không thể làm được gì. Gã rùng mình xa xót. Đã vậy gã sẽ giấu tới cùng. Cố gắng tới cùng. Gã nhấp thêm ngụm nước. Nước chảy qua cổ họng đau xé. Gã lại nghĩ đến cây dưa hấu hôm cựa quậy tách mầm. Chắc là nó cũng đã rất đau đớn.
    Bảy ngày. Mười ngày. Mười lăm ngày… Gã bắt đầu nhúc nhắc được từng bước ngắn. Có thể ngồi dậy để ăn chứ không nằm húp cháo loãng như những ngày đầu nữa. Gã báo với đội ngũ tiếp tế là hôm nay gã có thể ăn cơm. Húp cháo mãi nhạt toẹt. Gã cảm nhận được sự vui mừng của đội ngũ y bác sĩ qua điện thoại. “Tốt rồi anh. Tốt rồi. Chúc mừng anh qua tai ương. Chúng tôi vẫn cho người theo dõi anh mỗi ngày. Khi cần là có thể cấp cứu tại chỗ bất cứ lúc nào”.
    Gã thả lỏng người khi nghĩ đến cô. Người gì mà bướng. Gã dọa cạch là cạch luôn thật, chẳng thèm xuống nước. Đã thế chốc uống thuốc xong gã sẽ gọi điện mắng cho một trận.
    Cây dưa hấu đã bò thêm được một đoạn dài. Không chừng sẽ bám vào cửa sổ mà vươn ra. Ngoài kia trời đầy nắng. Mai mốt sẽ ra hoa, không chừng còn đậu quả. Gã phân vân không biết có nên kể với cô về chuyện này không. Nhỡ kể say sưa quá gã lại quên mất vụ hờn trách. Thôi thì gã cứ kể. Còn người còn sức, không mắng lúc này thì mắng lúc khác, cô làm sao mà thoát khỏi gã được cơ chứ.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân