Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Phiên Chợ Tết Tác Giả: P.Q.H    
    Trong cái rét ngọt cuối đông, mặt trời chiếu những tia nắng yếu ớt xuyên qua màn sương mỏng lãng đãng trôi. Rừng đào trên đèo Mận sắp bung hoa báo hiệu mùa xuân đang đến. Tết đã cận kề. Đứng trên đèo đã thấy chợ, Hoàng Mộc hít một hơi dài thấy lâng lâng trong lòng nghĩ chút nữa thôi sẽ gặp Sa, người con gái thầm yêu ở phiên chợ cuối năm. Với người Tày, phiên này quan trọng lắm. Không chỉ là phiên chợ cuối cùng để kiếm thêm chút thu nhập, dành mua cho người già vài thứ quà năm mới, trẻ nhỏ bộ quần áo và những thứ không thể thiếu của một cái tết. Chợ cuối năm cũng là dịp bạn già gặp nhau bên chén rượu, ôn lại kỉ niệm thời trai trẻ, nếu không đến cũng có thể là sang năm đi xa mãi mãi. Chợ cuối năm là dịp hiếm để trai gái các bản gặp nhau không phải hẹn, mời nhau miếng trầu làm quen, tặng nhau cái lược, tấm gương, chiếc khăn, chuỗi xà tích để hẹn ước và không thể thiếu điệu hát si, hát lượn, cùng tiếng sáo tỏ tình trầm bổng của chàng trai, cô gái trao gửi nỗi niềm.
    Chả mấy chốc chợ châu đã hiện ra với sự náo nhiệt hơn những phiên chợ thường, đông đúc đủ các màu sắc. Áo chàm của người Tày, người Nùng, áo thêu với những tua đỏ của người Dao, xen với áo nâu của người kinh từ Phủ Bình lên buôn bán. Tiếng chào mời, hỏi thăm, trêu đùa, hò hát tạo nên bầu không khí khó tả, huyên náo nhưng không làm ai cảm thấy khó chịu, mà còn bị mê hoặc, níu kéo mọi người đi từ hàng này sang hàng khác. Bắt mắt nhất là dãy sọt cam sành nổi tiếng của châu, chín mọng, ngọt mát. Rồi khoai nương củ to, đồ lên ăn rất bùi mang hương vị của nương đồi. Hàng măng đủ loại cả tươi lẫn khô, măng củ, măng lưỡi lợn, măng áo tơi, măng giang được hầm với chân giò lợn là món ăn khó quên của ngày tết. Các chú lợn đen mõm nhọn đã đợi sẵn, với đủ loại lợn to làm cỗ, lợn nhỏ làm canh. Tết đến mâm cơm đãi khách không thể thiếu món gà trống thiến. Gà thiến thường nuôi ít nhất hai năm bằng ngô, lúa, gà béo, lông dài mượt như lông công, mỡ dày và thơm. Nhà khấm khá ở châu phải có đàn gà thiến trên vườn và cá bỗng dưới ao.
    Mộc đặt hai sọt cam xuống đất, mong có người hỏi để anh bán dù đắt dù rẻ, miễn là nhanh để anh còn đi tìm Sa. Chưa bán được hàng con mắt anh đã len lỏi trong rừng người, hi vọng nhìn thấy Sa. Tai Mộc ghểnh lên hướng về khu đất cuối chợ, nơi đám con trai con gái đang tụ tập. Hôm nay, Mộc cảm thấy vô duyên vì chẳng ai hỏi mua cam. Càng ngồi lâu, lòng Mộc càng như lửa đốt. Anh sợ tan chợ Sa sẽ về, anh không được gặp. Anh định gửi hai sọt cam đi tìm Sa. Thọc tay vào túi đếm chỉ có vài chinh lẻ chẳng đủ mua vài con chỉ năm màu mà các cô gái thường thích để tặng Sa. Chẳng bán được cam thì chẳng có quà gì cho Sa cả. Nghĩ tới đó Mộc xấu hổ.
    Đang lung mung tiến thoái lưỡng nan, bỗng có tiếng ồn ào ở đầu chợ, tiếng đấm đá, đuổi nhau huỳnh huỵch. Đám người đi chợ cứ chạy dạt ra, rồi xoay tròn như cơn lốc xung quanh hai người đang đánh nhau. Chẳng mấy chốc cơn lốc đã đến trước mặt Mộc, anh thấy một chàng thanh niên đang cố chống đỡ những cú đấm đá liên hồi của một gã đàn ông lực lưỡng. Bị dồn vào thế bí, anh ta nhảy phải vọt qua hai sọt cam của Mộc, cố lẩn vào đám đông chạy trốn. Gã đàn ông tức tối vì mất con mồi, lại vướng hai sọt cam, liền điên tiết đá vung lên làm những quả cam tung tóe khắp nơi. Chưa hả dạ, gã dùng chân xéo nát sọt cam còn lại. Đang bứt dứt trong lòng, lại bị gã đàn ông vô cớ làm hỏng hai sọt cam, Mộc đứng phắt dậy, xông tới định giữ tay gã đàn ông bắt đền hai sọt cam. Gã đàn ông quay phắt lại, mắt trợn ngược như hai hòn bi ve nhìn Mộc, quai hàm gã bạnh ra, nghiến răng ken két hỏi Mộc với cái giọng lơ lớ: “Mày có biết ngộ là ai khôn?” Không đợi Mộc trả lời, hắn dùng cạnh tay chém vào dưới mang tai anh, đồng thời tung ra một cú đấm móc ngược vào ức. Mộc liền thu mình, né người tránh được hai cú đánh hiểm hóc của gã. Anh xoay người đá ngược lên quai hàm gã. Cú đá của anh chưa tới thì chân anh bị đôi tay gã khóa lại, buộc Mộc phải lộn vòng gỡ đòn và đứng vào thế trực diện với gã. Bất ngờ gã nhảy lên hét một tiếng lớn, hai tay vỗ mạnh vào đùi, hai chân dẫm mạnh xuống đất, các cơ bắp của gã bỗng nổi lên cuồn cuộn, trông gã như bức tường thành trước mặt. Thấy gã có vẻ chậm chạp, chớp thời cơ, Mộc ra một loạt đòn vào cơ thể gã, nhưng anh cảm giác như đấm vào tấm phản lim. Nhanh như chớp, gã phản đòn bằng một cú đấm trực diện vào mặt, kèm theo một cú đá quét khiến Mộc bật ngửa ngã vào giữa đám đông. Anh ngất đi không biết trời đất gì nữa…
    Tỉnh dậy anh thấy mình đang dựa vào cây lát dưới chân đèo Mận, xung quanh là ba bốn thanh niên. Một người hỏi: Cậu tỉnh rồi à? Bọn tớ vừa cản, vừa vác cậu chạy mới ra được đây. Cám ơn cậu sáng nay đánh gã để tớ chạy thoát. Cậu khá lắm, nhưng chưa phải là đối thủ của Tắc Coong.
    Mộc nhận ra người hỏi anh là chàng thanh niên chạy trốn qua hàng của anh. Mộc phì ngụm máu ra khỏi miệng hỏi, cậu tên gì? Tắc Coong là ai? Tớ tên Cống, còn Tắc Coong là thằng Khách bán đồ sứ ở chợ, lang bạt từ bên Tầu sang. Nó rất giàu, nhờ đút lót nên thân quen được với tri châu. Nó giỏi võ nên làm càn, hay bắt nạt người đi chợ. Sáng nay tớ mang khoai đi chợ bán, nó đuổi không cho ngồi gần hàng của nó. Tớ đánh nhau với nó nhưng không lại phải chạy. Mẹ kiếp! Cái thằng Khách này không ai trị nổi nó. Nhà cậu ở bản Lĩnh phải không? Để chúng tớ dìu cậu về.
    Mộc cố nhịn đau tập tễnh vịn vai các thanh niên về nhà. Mộc mừng thầm không có Sa ở đấy chứng kiến anh bị đánh ngã.
    *
    * *
    Mộc mất một cái tết chẳng đi đâu được phải ở nhà dưỡng thương. Mẹ Mộc kêu trời vì con bị đánh đau. Bố chả nói gì, với ông thanh niên đánh đấm nhau là chuyện thường, nhất là tranh gái. Ngày trẻ ông cũng thế, học võ để tự vệ, nhưng cũng phải tỉ thí mới biết cao thấp, nhất là làm oai với gái, nên ông chẳng hỏi lí do làm sao con bị đánh chỉ lẳng lặng lên rừng tìm lá thuốc về đắp cho Mộc. Sức khỏe tạm ổn, Mộc lò dò đi xuống cầu thang nhà sàn. Việc đầu tiên muốn đi tìm Sa. Nhưng biết tìm đâu? Chẳng biết Sa ở bản nào, chỉ nhìn thấy Sa một lần ở chợ Phiên, đã làm anh mất ăn, mất ngủ. Nếu muốn gặp phải đợi phiên chợ cuối năm. Lúc đó Sa đã có ai chưa, hay đã lấy chàng trai nào rồi? Chỉ mới nghĩ vậy đã làm Mộc bốc hỏa lên đầu, càng căm thằng Tắc Coong làm mất mối lương duyên. Lúc này có Cống ở đây thì hay biết mấy. Hai người đều có mối thù với thằng Coong.
    Đang nghĩ mông lung thì Cống đến. Mộc nói ý định với Cống. Cậu ta đồng ý liền không do dự, nhưng bảo kể cả Mộc và Cống hợp sức lại cũng chưa thể địch lại thằng Coong, cần có thầy dạy võ. Cống nói chỉ có già bản là người giỏi võ. Đã từng đánh nhau với phỉ Tầu sang ăn cướp nhiều phen, chắc già biết cách trị thằng Coong. Nói vậy Mộc liền bắt đôi gà, xúc túi gạo nếp, cầm chai rượu cùng Cống đến nhà già bản.
    Nghe Mộc kể sự tình, già làng cười ha hả: Đúng là trai trẻ, có chí khí nhưng ngựa non háu đá, các cháu chưa đủ sức chọi với tay Coong đâu, ta biết nó giỏi võ Tàu, được luyện tập công phu, khi đã vận công thì đánh hạ nó không phải dễ. Nhưng võ Tàu không phải không có điểm yếu, vẫn trị được. Ta dạy cho các cháu nhưng không phải để trả thù, mà để tự vệ, giữ gìn làng bản. Nếu có gặp chuyện bất bình cần giúp đỡ, trước hết phải dùng lí, dùng mưu, hết cách mới dùng đến võ.
    Hàng tháng vào dịp trăng sáng, Mộc và Cống đều được chỉ bảo các thế đánh, đường quyền, sử dụng binh khí như đao, kiếm và vũ khí gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người Tày như đòn sóc, đòn gánh, dao phát, dao tay. Ngày qua ngày, Mộc và Cống miệt mài luyện tập. Mộc rất sốt ruột vì không thấy già bản chỉ cách trị thằng Coong nhưng không dám hỏi sợ mắng tính không kiên trì. Đùn đẩy nhau mãi, một hôm thấy già bản vui, Mộc đánh bạo hỏi, già hỏi lại: Vậy cháu chưa rút ra được gì sau mấy tháng ta chỉ bảo à? Kẻ thua là kẻ vào trận chuẩn bị chưa tốt, chưa nắm được điểm mạnh, điểm yếu của đối phương đã xông vào đánh. Cũng như cháu vậy, tuy có chút võ vẽ nhưng chưa đủ để tỉ thí, lại để thằng Coong vận công, phát huy lợi thế về tầm vóc thì khó địch được nó. Mộc chợt hiểu ra, anh thầm chuẩn bị để có thể đối phó nếu gặp lại thằng Coong, nhưng cũng nhớ lời thầy học võ không phải trả thù.
    Rồi tết đến, anh rủ Cống cùng đi phiên chợ cuối năm, gánh theo mấy sọt cam của nhà đi bán. Mộc quyết gặp bằng được Sa để tỏ rõ lòng mình. Có Cống cùng đi làm anh tự tin thêm. Đến đầu chợ không khí nhộn nhịp làm hai chàng trai phấn chấn, hòa vào dòng người Mộc và Cống đang tìm chỗ bán, chợt nghe tiếng ngựa thở phì phì phía sau. Ngoảnh lại, Mộc không tin vào mắt mình nữa, người ngồi trên ngựa chở theo hai sọt khoai nương chính là Sa, cô ngồi chéo một bên lưng ngựa, đôi chân thon dài đung đưa theo nhịp. Bên cạnh là một chàng trai cao to, đội mũ nồi, cưỡi trên lưng con ngựa bờm nâu, hai người vừa đi vừa nói cười vui vẻ, xem chừng tình cảm rất thân thiết. Nhìn cảnh đó, Mộc cảm thấy hai sọt cam như nặng ngàn cân, chỉ muốn quăng đi ngồi bệt xuống đất. Nỗi tức giận thằng Coong bùng lên, vì nó mà anh mất Sa. Lời già bản dạy anh quên béng. Mộc xăm xăm gánh cam đi xuống cuối chợ, Cống gánh cam chạy theo. Mày đi đâu đấy? Cống hỏi. Đi tìm thằng Coong để trả cái nợ năm ngoái, Mộc trả lời.
    Không phải tìm đâu xa, hàng đồ sứ và các loại chum vại của thằng Coong bầy bán ngay trước nhà. Mộc dằn mạnh hai sọt cam làm đổ mấy bình sứ. Nghe tiếng loảng xoảng, thằng Coong từ trong nhà hớt hải chạy ra, gã quát lên đòi bắt đền. Mộc vặc: Đền cái con mẹ mày! Gã há hốc mồm khi thấy tay thanh niên mặt non choẹt gây sự, và à lên nhận ra người trước mặt mình là ai. Nhanh như cọp, gã nhảy phắt qua đám đồ sứ đổ liểng xiểng. Chỉ đợi có vậy, không để chân gã chạm đất, Mộc vớ đòn gánh phang tới tấp vào hai cẳng chân. Tắc Coong cố lùi để tránh, Mộc sáp vào đánh. Cống thấy vậy cũng lao lên hỗ trợ. Đúng lúc Coong đang lúng túng Mộc chống đòn gánh song phi thẳng vào ngực, gã mất thế ngã bổ chửng vào đám đồ sứ, máu me be bét. Biết không địch lại cả hai, gã cố chạy về dinh tri châu cầu cứu. Hai thanh niên hăng máu đuổi riết đằng sau. Đến cổng dinh, thằng Coong chui tụt vào. Từ trong dinh, như đàn chó trông nhà gặp người lạ, xông ra bốn thằng lính của quan châu lăm lăm súng trên tay. Cả hai sững lại, biết không đọ được với súng đạn quay đầu chạy, nhưng không kịp, Mộc bị mấy thằng lính bắt được, còn Cống may chạy thoát. Mấy thằng lính lôi sềnh sệch Mộc vào trong, đẩy ngã xuống sân. Lão tri châu đứng trên thềm nhà cầm ba toong chỉ mặt Mộc quát: Thằng ranh con định làm loạn à? Lính đâu! Nọc ra đánh nhừ đòn cho quan, tống vào lao, mai quan sẽ xử tội nó.
    Cống chạy thoát về liền báo cho bố mẹ Mộc. Năm hết tết đến, không muốn con ở trong lao, bố mẹ lại phải lợn, gà, quà cáp nhờ trưởng bản xin cho Mộc. Lão quan châu đồng ý thả Mộc, hẹn sau tết một tháng phải lên trình diện để xử tội và tính toán đền bù cho thằng Coong.
    *
    * *
    Sau tết, đúng hẹn, Mộc thất thểu gánh gà, gạo lên trình diện, lòng vô cùng chán nản, căm uất cả lão tri châu và thằng Coong. Đến chân đèo Mận gặp Cống đang đợi ở đấy. Cống nói: Tao biết mày hôm nay lên Châu, điềm lành thì ít, điềm dữ thì nhiều, thằng Coong sẽ lo lót lão tri châu trả thù. Nhẹ thì nó bắt mày đi phu, phạt tiền và bắt đền, còn nặng chưa biết thế nào. Nghe nói Việt Minh nổi lên ở bên Tuyên mạnh lắm, mấy thằng quan bợ đít Tây sợ phát khiếp. Châu mình ở Mường Văn có đội du kích rồi, tao với mày trốn vào đấy may ra mới trả được cái nợ với lão tri châu và thằng Coong. Nghe đến trả được thù và thoát cảnh trớ trêu đang đợi, không đắn đo Mộc đồng ý liền và bảo gà, gạo này để ra mắt đội du kích.
    Sau gần một ngày đường trèo đèo, lội suối hai người cũng đến được Mường Văn. Đang lò dò ngó trước ngó sau tìm nhà để hỏi, bỗng giật thót khi nghe tiếng quát: Đứng lại! Từ trong bụi cây mấy người nhảy ra, cầm trong tay đủ loại vũ khí: súng kíp, mã tấu, dao, kiếm. Mộc và Cống định chạy, nhưng hết đường vì đằng sau là một người cưỡi ngựa, đeo kiếm ngang lưng. Ngẩng lên nhìn, Mộc tưởng mình mơ, khi người ngồi trên lưng ngựa là Sa, có tưởng tượng hết mức cũng không thể nghĩ gặp Sa trong hoàn cảnh trớ trêu này. Mộc, Cống bị Sa và toán người dẫn đến ngôi nhà sàn cuối bản. Từ trên cầu thang một thanh niên đi xuống, Mộc nhận ra đó là người đi cùng Sa ở phiên chợ cuối năm. Sa xuống ngựa đứng nghiêm, nói: Báo cáo đội trưởng, tiểu đội làm nhiệm vụ cảnh giới bắt được hai người đi vào chiến khu, xin ý kiến đội trưởng. Chàng thanh niên điềm đạm hỏi Mộc và Cống, hai người kể sự tình, tỏ nguyện vọng vào đội du kích. Lúc lâu bỗng hỏi, hai cậu là người đánh nhau với Tắc Coong hôm chợ tết có phải không? Sao anh biết? Thì tớ là người chứng kiến tự đầu đến cuối mà. Rồi ngẫm nghĩ một lúc, người thanh niên nói: Thôi các cậu ở lại đây, vì đằng nào chúng tớ cũng phải giữ các cậu lại để đảm bảo bí mật. Chúng tớ sẽ cho người điều tra thêm thân nhân các cậu và sẽ bàn trong chỉ huy có cho các cậu tham gia đội không. Trước mắt các cậu sẽ về tạm tiểu đội của Sa. Cô Sa bố trí ăn ở, cử người canh chừng hai cậu này chờ đến khi có lệnh mới.
    Sau ba ngày có lệnh của anh Ngân đội trưởng (tên người thanh niên) đồng ý cho Mộc, Cống tham gia đội, ở luôn tiểu đội do Sa làm tiểu đội trưởng và trong tổ ba người do một chàng trai thấp bé, ít nói tên Liên làm tổ trưởng. Mộc được giao một khẩu súng kíp của người Dao, nòng dài thườn thượt, có cái báng cầm tay khoằm khoằm. Mỗi khi chuẩn bị bắn phải tọng thuốc súng vào nòng, rồi đến đạn ghém. Khi bắn lẫy súng bập đánh chát một cái vào lông ngỗng chứa thuốc bắn tia lửa bắt theo lông ngỗng vào thuốc súng; thuốc nổ, đạn ghém bắn ra như cái nia. Mỗi lần bắn Mộc chỉ có thể ước lượng mục tiêu, chứ chẳng có thước ngắm; bóp cò phải nghe tiếng tạch, rồi xèo, mới đùng, nếu không nổ lại phải lắp lại lông ngỗng. Thuốc súng mà ẩm, đối phương xông tới thì chỉ có nước vứt súng đánh nhau tay bo, thà như thằng Cống được phát thanh long đao lấy ở trong đình còn tiện hơn. Tổ trưởng Liên khá hơn cả có khẩu pặc khoọc để trong bao da dây đeo vắt qua vai rất oai, nhưng do vóc người thấp bé nên khẩu súng cứ lạch xạch tận khoeo chân. Mộc nghĩ phải giao cho mình mới đúng vì Mộc to cao mới tương xứng với khẩu súng, nhưng là lính mới anh không dám ho he.
    Suốt ngày Mộc và Cống tham gia luyện tập, tuần tra canh gác, buổi tối anh em chỉ bảo nhau học võ. Vài ngày cả đội tập hợp nghe anh Ngân nói chuyện thời sự, phổ biến chính sách, chủ trương thượng cấp và nhắc nhở, rút kinh nghiệm hoạt động toàn đội. Ăn uống thì từng tiểu đội tản ra sống với bà con dân bản, có gì ăn nấy. Nếu hôm nào săn bẫy được thú rừng hoặc ruốc được cá thì có chút cải thiện. Nói chung là kham khổ hơn ở nhà, đang sức ăn nên lúc nào Mộc cũng thấy đói, nhiều khi tranh thủ lúc nghỉ phải vặt thêm quả sung, quả vả, lá lẩu ăn thêm. Cùng với đó các bài tập quân sự cứ lặp đi lặp lại, võ vẽ học quẩn lẫn nhau không có chiêu nào mới, cùng bụng đói khiến tâm trí anh chỉ muốn nổi loạn.
    Một hôm đến phiên gác đêm, Mộc ngồi ôm khẩu súng kíp nhìn màn đêm mờ mờ ánh trăng, lặng như tờ, chỉ có tiếng cú rúc trong đêm, thỉnh thoảng nghe tiếng con hú hò kêu rợn người, các cụ già bảo hú hò kêu là ma về bắt người. Ngồi lâu, đói bụng Mộc nảy ra ý định kiếm cái ăn. Chợt nhớ buổi chiều đi tuần tra nhìn thấy ven nương ai đó có nhiều bí ngô, nếu kiếm một quả, bổ ra cho vào ống nứa bánh tẻ, lam lên thơm ngon phải biết. Nhưng bỏ gác là bị kỉ luật. Bỏ hay ở? Cuối cùng, cái bụng đã chiến thắng cái đầu, không đắn đo Mộc để lại khẩu súng, lẻn lên nương lấy bí, cho vào ống nứa, đốt lửa làm món bí lam. Chẳng mấy chốc món ăn của anh đã tỏa mùi thơm khó tả, đang đói nên miếng bí ngô chín mềm, thơm ngọt quện với mùi nứa bánh tẻ, mùi ai khói đi vào miệng đến đâu biết đến đấy. Mộc định chỉ ăn một phần còn dành cho Cống. Mộc cũng muốn dành cho Sa, nhưng sẽ lộ hết, chẳng khác nào lạy ông con ở bụi này.
    Đang say sưa tận hưởng thành quả bỗng Mộc thấy lành lạnh ở mang tai. Định phản ứng thì nghe tiếng phụ nữ quát: Ngồi im, đưa hai tay lên, muốn mất tai thì cứ việc cựa quậy. Mộc nghĩ thoáng trong đầu, chết bỏ mẹ, Sa rồi, ai bắt quả tang thì bắt, sao lại là Sa, thật không còn lỗ nẻ mà chui. Hôm sau toàn tiểu đội họp dưới sự chủ trì của Sa để kiểm điểm Mộc về bốn tội: bỏ gác, bỏ vũ khí, đốt lửa làm lộ vị trí đóng quân của đội và vi phạm chính sách không được lấy của dân, toàn tội nặng. Phê Mộc gay gắt nhất là Sa, mỗi lời nói như lưỡi dao chọc vào tim càng làm anh xấu hổ. Ai cũng phê phán Mộc, có người còn muốn anh ra khỏi tiểu đội, có người hài hước còn nói tại sao tiểu đội trưởng không dùng kiếm của mình cắt luôn tai tại trận để cho Mộc nhớ lần sau khỏi vi phạm; chỉ có mỗi Cống ý kiến do Mộc đói quá trót vi phạm, mong tiểu đội tha thứ. Cuối cùng cả tiểu đội nhất trí giải Mộc lên đội để cấp trên xử lí, người dẫn giải là Cống.
    Đến ban chỉ huy, gặp đội trưởng Ngân, anh nheo mắt nhìn Mộc hỏi: Cậu đã gây chuyện gì? Cống vội trả lời thay Mộc, kèm thêm lời bào chữa: Vì nó đói quá anh ạ. Đội trưởng nghiêm khắc nói, những chiến sĩ cách mạng phải là người có kỉ luật cao nhất và không bao giờ được tơ hào đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân. Các vi phạm kỉ luật của Mộc rất đáng trách, không thể biện minh vì cái đói được, cậu phải chịu kỉ luật. Mộc méo mặt nói, anh kỉ luật thế nào cũng được nhưng đừng đuổi em khỏi đội.
    Thế là Mộc bị giữ lại trên đội với nhiệm vụ lên nương trồng ngô, kiếm củi. Được mấy ngày chưa kịp buồn và ngấm cái án kỉ luật anh Ngân gọi, bảo về ngay tiểu đội có lệnh tổng khởi nghĩa rồi. Thấy anh Ngân cởi mở, Mộc đánh bạo đề nghị, trên này có súng trường xin anh cho em một khẩu, chứ cứ dùng súng kíp này mà lên đánh nhau với bọn lính tri châu thì sợ không ăn thua. Em nghe bố kể cuộc nổi dậy ở Động Lâm, mấy trăm người vác súng kíp lên bao vây dinh tri châu, nó cứ để cho bắn thoải mái từ nửa đêm đến sáng, đạn ria bắn ra vào tường dinh như gãi ghẻ, thậm chí còn rơi xuống chân tường. Đợi đến rõ mặt người, súng trường trong dinh mới bắn ra, phát nào trúng phát nấy, cầm cự chả được bao lâu, đến khi thủ lĩnh họ Triệu bị bắn một phát xuyên qua cái bướu ở cổ thế là tan. Đội trưởng bảo Mộc biết một mà chưa biết mười, cuộc nổi dậy đó ở châu sai lầm do không biết sử dụng sức mạnh đoàn kết, không biết kẻ thù chính là ai, chủ trương chống tri châu để bỏ sưu thuế, nhưng thằng Pháp mới là kẻ cướp nước, đô hộ dân ta, lại chưa chọn đúng thời cơ, chưa biết người biết ta nên thất bại. Muốn có súng trường thì dịp này là dịp để Mộc có súng chiến lợi phẩm thay cho khẩu súng kíp, giờ hãy về tiểu đội ngay kẻo mất thời cơ.
    *
    * *
    Cả đội du kích tập hợp nghe lệnh hành quân để hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền Châu. Tiểu đội của Sa đi đầu, lá cờ đỏ sao vàng được giao cho Liên; Mộc và Cống được giao nhiệm vụ cùng Liên cắm lá cờ lên nóc dinh tri châu. Hành quân suốt đêm leo đèo lội suối đến tờ mờ sáng cả đội đã đến Châu lị, quần chúng ở các thôn bản rùng rùng kéo đến đông còn hơn phiên chợ cuối năm. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la, tiếng hô khẩu hiệu ầm ầm.
    Có lệnh chiếm dinh tri châu, Mộc và Cống phá cổng, hỗ trợ cho Liên cắm cờ, cả đội du kích ùa vào, từng tiểu đội chiếm các vị trí trong dinh mà không gặp sự kháng cự nào, chỉ thấy bàn ghế đổ, giấy tờ bay lung tung. Lùng sục một hồi không thấy ai, anh Ngân vào, Sa báo cáo không thấy tri châu đâu. Anh Ngân bảo thằng tri châu trốn rồi, nhưng không thể xa, vì tổ trinh sát nói hôm qua nó và bọn lính còn ở đây, đường bộ thì chắc không dám đi vì đều qua vùng của ta, chắc mấy thằng này chạy theo đường sông. Anh liền ra lệnh cho Sa dẫn tiểu đội dùng ngựa theo đường tắt đuổi không cho chúng chạy về dưới xuôi.
    Nghe lệnh như cờ gặp gió, Mộc, Cống theo Sa cùng cả tiểu đội lấy ngựa trong chuồng tri châu bỏ lại phi đường tắt, mượn thuyền độc mộc đón lõng ở khúc quanh. Đúng như dự đoán mấy chiếc thuyền chở tri châu vừa ló ra liền bị thuyền độc mộc của tiểu đội du kích chặn lại. Chiếc thuyền của Sa đi đầu cùng với đà chảy của dòng nước đâm mạnh vào thuyền tri châu khiến nó lật úp. Mặc cho thuyền lật, các đội viên vẫn bơi bám vào để leo lên. Thuyền Mộc đi thứ hai nổ súng thị uy làm đám lính trên các thuyền nhảy đại xuống sông bơi vào bờ chạy trốn. Dưới nước lão tri châu, thằng quan kiểm lâm và đám vợ con lóp ngóp run như cầy sấy. Lúc này, Mộc bỗng ngớ ra vì không thấy Sa đâu, mặt sông phía xa xa có thân người chới với. Không kịp nghĩ ngợi Mộc nhảy ùm xuống bơi theo, Cống bơi thuyền phía sau hỗ trợ. Vất vả lắm hai người mới đưa được Sa đã bất tỉnh lên thuyền. Mộc cố hồi sức cấp cứu, đến khi miệng Sa trào nước tỉnh lại anh nằm vật ra mừng rỡ. Sau đó, Mộc đỡ Sa lên ngựa, rồi cùng anh em dắt giải lão tri châu và thằng quan kiểm lâm, còn đám vợ con vớt vào bờ, thả hết muốn đi đâu thì đi.
    Trên đường về Mộc chỉ nói được mỗi câu, anh lo cho Sa quá, rồi câm như hến. Sa khẽ cười, cám ơn anh. Đến cổng dinh, Mộc nhìn lão tri châu thất thểu đi trông thật đáng ghét, chẳng còn oai vệ mặt đỏ như vang khi quát lính nọc anh ra đánh. Lại nghĩ đến việc đuổi bắt suýt làm cho Sa chết đuối, nỗi căm tức dồn nén bấy lâu làm Mộc sôi máu đá lão một cái ngã sấp. Anh Ngân từ trong dinh ra đón cả đoàn, Sa đứng nghiêm báo cáo đội trưởng tiểu đội đã hoàn thành nhiệm vụ, bắt được tri châu và tên quan kiểm lâm, còn tụi lính nhảy hết xuống sông trốn không bắt được. Anh Ngân khen ngợi, rồi ra lệnh điệu hai tên quan vào dinh. Mộc quay lại vẫn thấy lão tri châu nằm sấp, quát lên, mày định ăn vạ à. Không thấy động cựa gì anh cúi xuống lật lão lên, tái mặt nhìn mồm miệng ộc ra toàn máu. Cống kêu lên có lẽ lão chết rồi. Anh Ngân ra lệnh cấp cứu, một hồi sau may quá lão tỉnh lại. Mộc hú hồn, lão mà chết thì anh phải vào đề lao thay thế. Mộc bị anh Ngân phê bình vì tội đánh tri châu, lão có tội phải đưa ra tòa án cách mạng để xử, không được lấy thù riêng đánh đập, nhưng anh cũng khen ngợi Mộc dũng cảm cứu Sa.
    Sau khi chính quyền châu được thành lập, anh Ngân là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến của châu. Anh triệu tập toàn đội du kích để giao nhiệm vụ, anh nói: Khởi nghĩa thắng lợi, Cách mạng tháng Tám thành công, nhưng khó khăn mới lại xuất hiện. Trong Nam, bọn Pháp theo quân Anh vào giải giáp vũ khí của phát xít Nhật đang gây hấn với âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Ngoài Bắc, bọn quân Tưởng Giới Thạch âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ, chúng dung túng cho bọn Quốc dân đảng phá hoại chính quyền, vừa rồi ở tỉnh lị chúng đã xông vào trụ sở bắt và thủ tiêu một số cán bộ của ta. Phía Tây, bọn phỉ đang hoành hoành, lực lượng cách mạng ở địa phương còn yếu, cần phải tăng cường. Do vậy theo chỉ thị của trên đội du kích của chúng ta cần chia làm ba, tiểu đội do Sa làm tiểu đội trưởng sẽ mang theo lương thực, vũ khí tham gia vào bộ đội địa phương của tỉnh; một tiểu đội cùng với lực lượng cán bộ của châu do tôi làm trưởng đoàn sẽ đi tăng cường giúp đỡ cho địa phương bạn; số còn lại dưới sự lãnh đạo của đồng chí chủ tịch mới sẽ do Liên làm tiểu đội trưởng, Cống tiểu đội phó làm nòng cốt và huy động thêm thanh niên để phát triển lực lượng vũ trang của châu.
    Thật là trùng hợp, ngày xuất quân gia nhập bộ đội địa phương đúng vào phiên chợ tết. Lễ xuất quân diễn ra trước cửa dinh tri châu, nay đã là trụ sở Ủy ban kháng chiến của châu. Mọi người đi chợ đứng xem lễ tiễn đông như hội. Mười hai đội viên du kích nai nịt gọn gàng, súng khoác trên vai, cưỡi trên lưng ngựa, đi đầu là Sa với cây kiếm bên hông. Đi cạnh là tiểu đội phó Mộc với cây súng trường chiến lợi phẩm, chứ không phải khẩu súng kíp tạch-sì-đùng như anh thường gọi.
    Đi qua cửa nhà thằng Coong, Mộc liếc nhìn thấy nó như con chó mất chủ đứng cụp tai lẫn trong đám đông. Mộc thấy mình đã cứng cáp hơn, không còn là chú nhóc học võ để trả thù vặt ngày nào. Kẻ thù mà anh đối mặt những ngày sắp tới mạnh hơn rất nhiều.
    Nhìn thẳng phía trước, Mộc thúc ngựa phi nhanh theo hàng quân…

Kết Thúc (END)
P.Q.H
» Phiên Chợ Tết
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt
» Bất Diệt