Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mùa Tỏi Bên Sông Tác Giả: Nguyễn Thu Hằng    
    Nga đổ người vào lưng cậu xe ôm khi xe phanh đột ngột, tiếng ken két nghiến xuống đường bê tông lẫn trong tiếng gió bấc rít. Nga cảm thấy lạ lẫm và hụt hẫng bởi cảnh vật nơi đây đã thay đổi nhiều. Cô nhớn nhác tìm bóng cây găng đầu đồng Mật giữa đôi bên phố xá nhà cửa san sát.
    “Chú nhầm đường rồi. Tôi bảo tới làng An có đồng Mật cơ”. Chú xe ôm chỉ tay. “Sau dãy phố mới, chị rẽ vào đường bê tông, đi xuôi xuống qua cái giếng hoa súng nở đầy là ra đồng Mật làng An”. “Là con đường đất sỏi chứ?”. “Đó là ngày trước chị ạ. Làng quê đổi mới, con đường đó đã đổ bê tông, xe cộ, máy móc đi xuống đồng Mật cứ như đi trên đường nhựa ấy. Dọc đường cờ hiệu treo đầy để mừng quê ta sắp lên thị xã đấy chị ạ”. Lòng Nga cũng phơi phới theo, gần chục năm xa quê, về quê nhà có nhiều đổi mới, phố phường nhộn nhịp, nhiều công trình xây dựng mọc lên, người người ai cũng tươi như hoa, Nga càng nôn nao, háo hức lạ.
    Đồng quê đang vụ đông, hành tỏi xanh ngàn ngạt. Một đàn chim bay vút qua để lại tiếng hót vang cả khoảng trời. Mây trắng từng tầng đang chơi trò xếp hình trên nền trời xanh thẳm. Nga bần thần, nhớ lại những vụ đông trước, dân làng chỉ trồng khoai, đỗ, xen cải bắp. Bây giờ hành, tỏi ở Kinh Môn quê cô đã có tiếng khắp cả nước. Như đoán được ý nghĩ của cô, cậu lái xe ôm vồn vã: “Trồng tỏi giỏi nhất làng An là anh Quảng đó chị. Anh ấy là một trong những người đi đầu trong phong trào nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê mình. Năm ngoái đã trồng cả mẫu, ô tô lớn nhỏ về cân. Đâu như tỏi anh ấy trồng còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nữa. Năm nay, anh ấy còn thuê thêm đất mở rộng trồng nhiều hơn. Cả vùng này cứ là đuổi mướt chẳng theo kịp chị ạ. Ai đời, mải làm chẳng thiết chuyện lấy vợ, ba tám rồi chứ ít ỏi gì”.
    ...Cơn gió bấc thổi qua làm cho Nga khẽ rùng mình. Trong quán nước nho nhỏ bên phố, bà cụ chủ quán đang nướng khoai, mùi thơm bay lên thoang thoảng. Cậu xe ôm đón cốc nước vối nóng uống một hơi, rồi bóc củ khoai nướng mời Nga. Đông, tên cậu ta. Đông vừa học xong, chưa tìm được việc làm nên chạy xe ôm. Cuối năm nhiều khách, phố huyện nhỏ này có hơn chục cái xe ôm mà vẫn quá tải, tắc xi cũng vậy. Phố phường nhộn nhịp, bà con về mừng quê lên thị xã, khách thập phương thăm cánh đồng tỏi, hành nữa nên cánh xe ôm làm không hết việc. Đông đã đồng ý chở Nga đi chặng tiếp theo. Nga buột miệng hỏi: “Anh Quảng ấy. Sao anh ấy lại chưa lấy vợ nhỉ? Trước, cái chuyện anh ấy đưa cô May đi bệnh viện huyện đẻ rồi còn cho cô ấy máu đến xỉu đi, cả vùng ai cũng bảo họ yêu nhau”. Cậu xe ôm đang nhai miếng khoai nướng nhồm nhoàm, thở cả ra khói: “Thế là chị cũng người vùng mình chứ không phải khách từ xa tới chơi ạ? Em là em trai chị May đây. Nhà em mang ơn anh Quảng vì nếu không có anh ấy thì chị em không biết sẽ thế nào”.
    Câu nói của Đông làm ngực Nga bỗng nhói lên.
    *
    Nga mở mắt. Màn đêm mờ mịt bủa vây. Trước mặt một màu nhờ nhờ, dưới lưng cát, đất nhớp nháp. Cô cố rướn sức, giơ tay, đau tê điếng, tưởng rời ra. Gió tạt nước mưa vào mặt Nga lạnh buốt mà cảm giác vòm miệng vẫn khát cháy, lưỡi đơ cứng. Nga muốn kêu cho ai đó tới giúp mà không đủ sức. Bầu trời thẳm đen le lói mấy vì sao phía xa xa, hình như có thứ ánh sáng xanh xoẹt qua bầu trời. Quãng đường im ắng, vẳng lại từ trong xóm ven sông tiếng gà gáy. Tiếng sóng ấp bờ dìu dặt. Nga nghe rõ tiếng con tim trong lồng ngực đang đập thoi thóp. Bàn tay ai đó như tay mẹ ôm lấy cổ Nga xốc lên. Bước chân dồn đạp lên cỏ dại lóp bóp như sóng vỗ.
    ...Nắng hắt qua khe cửa. Nga mở mắt cố gượng dậy, tiếng giường cót két. “Em đã tỉnh rồi!”. Khuôn mặt cúi sát xuống Nga, giọng ấm khẽ. “Em đang ở đâu? Anh là…”. “Anh là Quảng. Em bị cảm thôi. Đi chợ hay đi đâu mà ba giờ đêm mưa rét căm căm một mình cũng dắt xe đi là sao? Anh đang sắc thuốc nam giải cảm, cố uống thêm mấy bát thuốc nữa là ổn”. Nước thuốc đắng ngắt cuống họng, Nga nhăn mặt. Bàn tay còn vương mùi bùn đất bê bát thuốc lên giục cô uống nốt khi thuốc còn hơi nóng. Mới nghe đến vậy, Nga đã muốn ứa nước mắt. Chưa có ai bưng thuốc cho cô uống như thế này. Bố mẹ bị bệnh đã theo nhau đi, bỏ hai anh em cô ở lại. Bốn sào ruộng khoán không đủ giữ chân anh Nghĩa ở nhà. “Cứ bám vào ruộng với lúa thế này thì đói, để anh đi trước xem sao. Bạn anh ở Biên Hòa bảo vào đó đi công ty. Em ở nhà, đợi anh ổn định rồi sẽ đón em sau”. Nga tấm tức khóc mà không thể níu giữ được anh Nghĩa. Bà nội ở nhà trên, mỗi khi sang nhà thấy cháu gái lụi cụi đồng áng một mình, cơm niêu nước lọ thì dấm dúi lau nước mắt: “Khổ, hay cháu lên nấu cơm ăn cùng với bà và chú thím cho vui!”. Bàn tay bà nhăn nheo dính đầy trầu vôi khẽ vuốt lên mái tóc đen dày của cô cháu gái. Nga nắm lấy tay bà, nhất định không lấy mấy chục bạc bà vừa dúi cho. “Bà già rồi làm gì ra tiền. Cháu có tiền anh Nghĩa gửi về tiêu chẳng hết”. Nga nói vậy cho bà yên lòng, chứ ba tháng nay anh Nghĩa không gửi cho Nga chút tiền nào cả. Trong một lá thư anh viết, công ty đang cạn việc, anh lại đang tập sự, Nga chịu khó chi chút đồng áng mà tiêu rồi còn đóng sản phẩm. Đợi anh qua sáu tháng sẽ rộng rãi hơn. Nga thúc nhanh cho mấy luống su hào mau lớn. Tối qua, cô đã nhổ sắp sẵn vào sọt. Sớm nay, nghe tiếng gà gáy giật mình tỉnh dậy, đầu chợt ong ong khó chịu nhưng nhìn ra ngoài trời thấy tang tảng sáng, cô tưởng muộn, vội vã dắt xe đi chợ ngay. Đi tới giữa đường thì mưa càng nặng hạt, gió bấc rít lên từng chặp đuổi sau lưng. Đường đất sét trơn, Nga lái xe vượt lên cái ổ gà, trật bánh, xe đổ vào vệ đường, mặt vập vào ghi đông, trời đất bỗng sa sầm lại.
    Những tia nắng xiên qua ô cửa nhảy nhót vờn quanh giò lan rừng. Nhà anh Quảng ở ngay đầu làng, giáp với cánh đồng Mật. Bố mẹ đều chuyển vào vùng kinh tế mới trong Tây Nguyên với hai người anh trai. Quảng đi bộ đội về, không vào theo, một mình trồng trọt cả mẫu ruộng. Nga men theo cửa ra đứng dưới gốc nhãn ngắm giò lan đã buông những vòi hoa sớm. “Lan đai châu đấy. Lần ấy anh vào rừng, tự lấy được giò lan này”. “Đẹp quá, nó nở vào dịp Tết chứ ạ?”. “Đúng Tết sẽ buông hoa, thơm ngào ngạt như hương trầm em ạ”. Quảng nói chuyện về giống tỏi anh đang định trồng nhiều trong vụ đông tới. “Năm nay anh trồng một sào, củ nào củ ấy chắc mẩy lắm. Đất bên làng em cũng hợp với hành tỏi đấy”. Nga mải ngắm hoa lan, thầm nghĩ nếu sang năm làm đất trồng hành tỏi mà anh Nghĩa gọi về bảo đón vào thì bỏ cho ai?
    Nga ngồi sau xe đạp của Quảng. Họ chơi ở đồng. Cánh đồng Mật làng An và cánh đồng Ấu làng Hạ của Nga đều nằm bên sông Kinh Thầy. Hai người ngồi trên bờ đê, ngắm sông, ngắm cánh đồng trải dài mênh mông với những mảng màu xanh của rau màu. Quảng tết hoa bìm bìm thành một vòng đội lên đầu Nga. Tiếng Quảng thì thầm trong tiếng gió, Nga ngả đầu vào vai Quảng, như cánh đồng đang ngả vào phía dòng sông nước nặng phù sa. Nga đã biết yêu Quảng từ hôm đó, mắt Nga long lanh như giọt mưa xuân.
    Gió đông rồi lại gió bấc. Mưa phùn còn vương vấn, mưa rào thì bất chợt. Rồi những ngày nắng non ngọt ngào. Hai người cùng nhau ra đồng và mong chờ đến vụ đông mới với những ruộng tỏi, ruộng hành xanh ngát. Nhưng chính cái hôm Nga đi thăm ruộng tỏi thấy củ đã phình to sau mấy đêm gió bấc định đạp xe sang đồng An báo cho Quảng thì không gặp anh, chỉ thấy xô cuốc vứt lổng chổng dưới ruộng, trên bờ máy bơm chưa kịp lắp, nước vẫn chưa vào ruộng. “Nhà cô May đi đồng đau bụng, tay Quảng chở đi bệnh viện rồi. Hóa ra bấy lâu làng An cứ đồn cô May chửa hoang, ai đời là hắn. Đúng là có máu có xót. Tay Quảng cứ cuống cả lên”, anh Tịnh đang nhặt cỏ ruộng hành bên cạnh ngẩng lên nói. Mấy người hàng xóm cũng đế theo. Gió bấc quất vào mặt Nga từng đợt, cát hất lên mắt, xót đau. Nga kìm cơn hờn giận ghen tuông, phóng xe lên bệnh viện xem thực hư thế nào.
    Vào đến cửa phòng, Nga nhìn thấy Quảng đang bế đứa bé mới sinh đặt vào tay người mẹ còn nằm trên giường với nụ cười rạng rỡ. Nga hẫng hụt, vội quay ra như chạy trốn. Bà lão xách cặp lồng cơm đi lên đụng vào Nga, đon đả: “Cô thăm ai nào? Đôi kia thì vợ vừa mổ đẻ con trai, mất máu, anh chồng tiếp cho cả lít máu…”. Nga không nghe được gì nữa, bước chân cô đã vội vã xuống cầu thang. Đầu cô lại ong ong như cái buổi sáng sớm nọ cô đi chợ bán su hào. Nhưng cô không thể ngã lúc này, sẽ không có ai đỡ cô dậy nữa. Dòng thư anh Nghĩa vừa gửi về bỗng nhảy nhót trong đầu, công việc trong này ổn rồi, em chuẩn bị đi, vào đây với anh cho thoát khỏi ruộng đồng.
    …Bên kia cầu, màu hoa giấy tím ôm theo vòm khung cổng gỗ. Gần mười năm vẫn một màu tím huế không phai nhạt mặc mưa nắng dãi dầu, cả lũy tre bên cạnh vẫn ken dầy, chuốt óng. Phía trong sân, chỗ cầu ao, cây nhãn vẫn tỏa bóng lủng lẳng treo những giò phong lan rủ xuống đưa hương. Chẳng biết Quảng còn treo giò đai châu ấy không? Sớm hôm ấy, Nga khoác ba lô gọi xe ôm ra bến bắt xe khách vào Nam với anh Nghĩa, cô đã đem giò lan Quảng tặng hôm nào treo trả vào cổng nhà Quảng. Cô vội vã đi hút vào màn mưa, mùi lan còn vương theo tay cô suốt chặng đường dài. Anh có thực vẫn chờ cô như cậu Đông kể, người con gái trong giây phút ghen tuông nông nổi đã lưu lạc với bao mùa tỏi?
    Cậu xe ôm dừng xe bên này cầu, cây cầu bắc qua con kênh dẫn nước tưới tiêu. Cô đi bộ sang ruộng tỏi rộng mênh mông phía bên kia. “Vì chị May em mà anh Quảng bị tiếng oan với dân làng một thời gian. Chị em đi xuất khẩu lao động bên Đài, có người yêu, không may để có chửa, thế là phải về trước. Đến hai năm sau, bạn trai chị về nước, anh chị ấy mới tổ chức đám cưới, lúc đó mọi người mới vỡ nhẽ. Nghe đâu, trước anh Quảng cũng có người yêu làng bên, rồi không hiểu sao cô ấy đột ngột bỏ đi”. Lời nói của Đông làm cho Nga thắt ruột từ bấy đến giờ. Anh yêu đất, bám đất, làm cho đất sống dậy, để một ngày làng lên phố, chính những người như anh đã làm cho làng quê đổi mới từng ngày, còn cô thì lại lưu lạc tha hương. Nga nhìn như vô tận vào màu xanh của hành tỏi. Bao năm qua, cô cũng đâu có quên được anh, đâu quên được vụ tỏi dang dở mà hai người vừa chi chút vun trồng. Anh Nghĩa đã có vợ, có nhà. Bao lần anh bảo cô dọn về ở cùng, bao lần dẫn bạn đến giới thiệu cho cô nhưng cô đều từ chối. Căn phòng trọ mười sáu mét vuông, ngoài cửa có những hộp xốp vốn đựng hoa quả cô xin ở chợ luôn xanh om rau muống, rau cải, hành, tỏi. Những mảng xanh rời rạc nhỏ nhoi ấy giúp cô vơi đi nỗi nhớ đồng, nhớ quê... Nhưng cô vẫn không quên được vụ tỏi bỏ dở. Không quên được Quảng. Lời cậu Đông lúc ăn khoai nướng: “Dân làng gọi anh Quảng là Quảng hâm vì anh ấy không chịu lấy ai, bảo sẽ chờ cái cô kia về”. Gió bấc thổi qua hay tiếng Nga thở dài. Không rõ nữa. Bạn bè trong kia cũng giục Nga, không quên được thì về đi, về đi. Về thôi, Nga cũng tự giục lòng mình. Nhưng về với ai, ai chờ, ai đón? Nhưng không về thì biết được có ai đón, ai chờ không? Bao lần chần chừ, nay thì cô về, không cần biết anh có chờ không, cô về gặp anh, về với đồng ruộng, đối diện một lần, rồi sau ra đi cũng nhẹ lòng.
    Bìm bìm nở hoa tím từng vồng dọc bờ mương. Cỏ này, Quảng đã làm vòng hoa đội đầu cho Nga chiều xuân ấy, chiều xuân có mưa bay và những đám mây xốp bàng bạc lơ lửng trên trời, chiều xuân mắt Nga lần đầu biết long lanh như giọt mưa xuân. Những ruộng tỏi đang già dần, thân đanh lại, củ ngả màu xanh tía. Mùi tỏi thơm cay nồng bỗng xộc lên trong không gian. Người đàn ông mặc tấm áo xanh vừa ngẩng lên dưới ruộng tỏi. Nga trân trân nhìn, cô nhận ra Quảng. Mấy cây tỏi rời ra trên tay anh, mặt Quảng rạng lên như bầu trời thấy nắng sau những ngày u ám. Tiếng nói lâu lắm rồi đến ngủ mơ Nga cũng không nghe được nữa bỗng vang lên trầm ấm: “Nga, Nga đã về phải không?”
    Bàn chân Quảng hấp tấp bước lên đám cỏ xanh có những bụi hoa dại trắng, vài cánh hoa lả tả bay lên. Khuôn mặt Quảng giãn ra, những nếp nhăn nơi đuôi mắt, nơi khóe miệng xếp nếp. Anh cười, đôi tay gân guốc, rám nắng chìa về phía Nga: “Anh đã chờ em cùng với những mùa tỏi bên sông”.
    Mùi tỏi thơm nồng, cay xè đã phả lên mắt Nga...

Kết Thúc (END)
Nguyễn Thu Hằng
» Cuộc Điện Thoại Ngày Mưa
» Ngõ Tập Tàng Mùa Xuân
» Cuộc Điện Thoại Ngày Mưa!
» Mặt Trời Trong Lòng Bàn Tay
» Biên Độ Đêm
» Khi Lộc Vừng Trổ Hoa
» Lều Giấy
» Cỏ Màn Tiên
» Quãng Vắng Cuối Đồng
» Quỳnh Nở Về Khuya
» Bình Minh Yên Tĩnh
» Cánh Chim Lạc Đàn
» Mùi Bùn
» Cửa Gỗ, Cửa Sắt
» Mùa Tỏi Bên Sông
» Gió Từ Sông Luộc
» Duyên Bánh Đậu
» Mùa Tỏi Bên Sông
» Đôi Cánh
» Ra Đồng Gặp Một Người
» Ánh Trăng Miền Châu Thổ