Lại có người muốn nhảy cầu tự tử.
Nhâm đã nhìn thấy anh ta khi đang đổ thau vỏ đỗ xuống ao cho cá ăn, cô thót tim lại.
Cái cung cách lên cầu đứng vật vờ, mặt mày đờ đẫn, ánh nhìn xa xăm, mặc kệ gió thổi thốc vào gáy rẽ đám tóc tai bù xù che đầy mặt, rồi lừ lừ tiến lên thành cầu, chỉ có nước chán đời muốn chết mà thôi. "Anh gì ơi! Hãy bình tĩnh lại, đừng nghĩ quẩn!".
Thêm ba bước chân nữa, hai tay cô ôm chặt anh ta như gói bánh đậu. "Anh đừng làm thế. Anh hãy nghe tôi nhé. Mọi việc rồi đâu có đó".
Người đàn ông nhìn cô hốt hoảng, mùi đậu xanh từ người cô bay xộc vào mũi anh. Lúc này Nhâm mới thấy bên ống quần anh ta phất phơ, một cái chân đã bị cưa cụt đến đầu gối. Còn trên mặt, vết sẹo dài chạy từ má trái xuống tận mang tai, những giọt sương sớm đọng đầy lên tóc, lên má anh ta như nước mắt. Hèn gì mà anh không muốn sống nữa. Nhâm xoay người bậm môi. Cái nồi đỗ xanh ngâm to như nồi bánh chưng, một mình Nhâm còn bê được, huống hồ… Cả người anh ta xoay lại theo cánh tay cô rồi “phịch”, tiếng nệm mông xuống mặt cầu vang lên. Mặt anh ta co rúm lại như nilon gặp lửa.
"Sao anh lại nghĩ dại thế chứ?". "Nhưng nghĩ đến cái chết đâu có nghĩa là tôi chán sống hả cô? Càng hay nghĩ đến cái chết có nghĩa càng muốn sống nhiều hơn đấy". "Tôi mà đọc được ý nghĩ của anh thì đã không bị thót tim. Thôi về nhà đi, bao nhiêu người chờ anh đấy".
*
Ông bà Tý đang ngồi trên trường kỷ. Bát nước vối còn bốc hơi. Ông Tý chậm chạp nhâm nhi miếng bánh đậu xanh trong miệng, nhấp một hơi nước vối, gật gù: "Đúng là giống đậu xanh ta, hạt nhỏ, lòng xanh, thơm mà ngậy hẳn miếng bánh đi. Chỗ đất dọc bờ sông ấy, sau khi làm cầu xong, hai mẹ con bà nhớ làm đất cho kỹ, phơi nắng, để trồng đỗ cho năng suất. Nhắc cả mấy nhà hay bán đỗ cho nhà ta cũng phải chăm sóc cho cẩn thận, chớ để sâu bọ lại phải phun thuốc, làm mất hương của đỗ. Bánh muốn ngon phải ngon từ lúc trồng. Bánh nhà ta đố ai bì kịp. Hôm qua có khách đặt hàng làm từ nay đến cuối năm không hết việc đâu".
Nhác thấy Nhâm quần ống thấp ống cao chạy về, ông bảo: "Hôm nay giao cho anh Hải mày trông nom thợ làm, mày đi tắm rửa thay quần áo đẹp vào, ở trên nhà cơm nước đón khách, không xuống xưởng nữa kẻo toàn mùi đỗ nồng nặc". Nhâm cãi: "Xông trong lò đậu xanh bao nhiêu năm rồi, người con làm sao hết được mùi ấy. Mặc kệ khách, sao phải thay quần áo đẹp, con làm gì có bộ nào ra hồn".
Ông Tý vẫy tay ra hiệu cho vợ vào buồng mở hòm mang ra bộ quần áo mới cho Nhâm. Quần đen, áo lụa xanh da trời, ông mua về cho con trong chuyến đi chơi miền Nam. Nhâm giãy nảy: "Mặc cái này vào bếp có mà bẩn hết". "Bẩn gì chứ, đã có chị dâu mày giúp rồi, lo gì. Nhanh lên kẻo đến giờ khách đến". Ông chắp tay lầm bầm: "Chỗ này mà không thành thì có mà ế đến già". Chị Vân kéo vào buồng, bắt thay đồ rồi đòi đánh phấn, tô son cho. Xong xuôi, Nhâm chạy vào gương soi, thấy môi mình dẩu lên đỏ như ớt, đòi chùi đi, bọn dưới xưởng mà trông thấy thì xấu hổ lắm. Chị Vân giữ tay, ép đứng lại trước gương, mổ xẻ: "Cô nhìn kỹ đi, có ăn đứt cô thường ngày không mà đòi chùi với xóa". Soi xét kỹ, tấm gương nó mách cô rằng cô có đỏm ra một tí chút, ngắm thấy cũng không muốn đấm vào gương như mọi khi. Quan trọng là có nên cơm cháo gì không, hay lại như ba đám trước.
Đám thứ nhất.
Mẹ dặn mày mà lấy được chồng là nhờ mạnh mối. Người đến xem mặt là anh chàng Đo răng vổ, chuyên đi bán kem ở làng bên. Bà mối và hai bên nói chuyện người lớn, bảo hai đứa ra gốc xoài tâm sự. Chẳng biết tâm sự gì, Đo ngửa mặt lên cành xoài, nuốt nước bọt, bảo ngon thế, muốn ăn xoài. Không chần chừ, Nhâm vén quần tới tận bẹn trèo thoăn thoắt, ngắt chùm xoài thả xuống, miệng reo quả thì xanh lét ăn thì đỏ môi. Oái, dưới đất vang lên tiếng kêu. Cả chùm xoài và chú bọ nẹt bổ vào trán Đo, sưng vù, đỏ choét cả trán lẫn mắt. Đo vừa đau vừa ngứa, giẫy giời kêu gào. Mẹ Đo chạy ra, cận cảnh con dâu tương lai đang vén quần tận bẹn để lộ hai cái bắp đùi như cây chuối tây ngồi trên cành xoài mà cười như nắc nẻ, còn con trai mình thì giẫy giụa như đỉa phải vôi dưới đất, thất vọng tuyệt đối.
Hai năm sau, có một đám nữa.
"Ới Nhâm ơi, nhà Nhâm đây phải không?". Nhâm chui từ trong xưởng bánh ra, mặt mày đỏ như Trương Phi, trên tay vẫn cầm cây kéo, hất hàm: "Cái gì mà náo loạn thiên địa lên thế, không cho người khác làm việc à? Anh là ai?". "Tớ là Nhõm, con ông Tá xã bên, nghe có bà mách mối, nói nhà này có cô Nhâm ế chồng nên muốn đến hỏi về làm vợ. Quếnh quáng mãi mới tìm được nhà. Đằng ấy làm thuê cho ông Tý hả? Gọi hộ Nhâm ra đây cho gặp mặt với".
Nhõm dắt xe định xông vào sân, cái chân thọt bước thấp bước cao, con chó Bin nhảy xổ, nhe hàm răng gớm chết gầm gừ nhìn đoạn ống chân. "Cẩn thận cái mồm, bước ra khỏi cổng mau, không tôi… cắt phăng cái của ấy đi bây giờ". Cái kéo giơ lên trời như muốn bổ thẳng vào chỗ ấy của Nhõm. Thấy nguy cấp, Nhõm thậm thọt dắt xe chạy khỏi "trận địa", khi đã qua vòng nguy hiểm, chửi đổng một câu cho bõ tức: "Mẹ kiếp, đi hỏi vợ gặp phải con cọp cái chặn đường, bố thằng nào dám đến, đành lùng đám khác vậy".
Đám thứ ba, Nhâm chủ động, nhưng chưa đi đến hồi kết thì bị hớt tay trên.
Đám thợ làm cầu xin trọ nhà Nhâm. Đang sẵn hai cái nhà kho chưa dùng đến, ông Tý gật đầu, bảo cũng vui, lại thêm tí thu nhập sau này làm vốn cho con Nhâm về già nếu chẳng có ma nào nhòm ngó. Ấy thế mà khi cầu vừa đổ xong chân, Nhâm đã được một anh công nhân cầu đường rủ đi chơi, đi đâu, ra cầu ao nhé, thôi thì cầu ao cũng được. Cây xoài đang mùa ra hoa, hoa rụng thâm thì mặt ao. Anh Tuyên đứng dựa người vào gốc xoài, khoe cái dáng cao dong dỏng mà đầy cơ bắp, Nhâm đứng bần thần cúi mặt xuống đất ngắm đàn kiến. "Việc thi công đang gấp rút mà lại bí người nấu cơm…". "Tưởng gì, cứ mua đồ về đây, em nấu cơm cho, không giúp các anh thì giúp ai".
Tối đến, anh Tuyên hay lên nhà trên ngồi uống trà, ăn bánh đậu, đánh cờ với ông Tý. Ông cụ vừa đánh cờ vừa kể cho Tuyên nghe về chiến tích của bọn ông ở khúc sông này như là một cách ôn lại quá khứ hào hùng. Lần ấy, ông Tý còn là du kích, nhận được mật báo tàu thủy của giặc sẽ chở một đội biệt kích qua khúc sông này để đổ quân đánh chiếm vào khu căn cứ địa của ta. Được giao nhiệm vụ, đội của ông ngày đêm mai phục. Phía đầu sông báo tin cá đang bơi xuống đồng, phía dưới đón lõng. Chờ khi tàu vừa đến, đội ông liền lao lên ném lựu đạn, bộc phá và nã súng một cách bất ngờ. Bọn giặc không trở tay kịp, bắn loạn xạ. Nước sông ngầu bọt. Bùm. Con tàu nổ tan tành. Một thằng Tây mũi lõ bị văng ra xa, vẫy vùng một lúc rồi chới với, chìm dần. Ông Tý trông thấy vội xé đám bèo, lao ra tóm lấy chỏm tóc thằng Tây kéo lên, cánh tay trái của nó đã bị thương nặng. Cả đội giấu thằng Tây trong hầm bí mật, ra hiệu im mồm thì cứu, chống lại thì cắt cổ tức khắc. Thằng Tây gật đầu lia lịa. Cánh tay bị thương quá nặng đang hành hạ nó từng giờ, ông Tý phải đút giẻ vào mồm cho nó không kêu được. Nó chỉ trỏ vào cánh tay bị thương ngấm bùn lầy đang thối thịt, mủn xương, hoại tử dần. Ông Tý cắn răng hết nhìn thằng Tây, lại nhìn con dao. Ông chỉ tay lên nóc hầm nơi có con muỗi đang bay vo ve, thằng Tây nhìn theo. Nhanh như cắt, ông cầm cánh tay bị thương của nó, vung dao xuống, ngọt xớt như chém chuối. Cánh tay bị thương rời ra, thằng Tây thét lên một tiếng, ngất luôn. Lúc tỉnh dậy, vết thương đã băng bó xong xuôi, nó cứ kéo tay ông Tý mà nói cảm ơn. Tuyên nghe chuyện lý thú cứ gật gù khen: "Các bố gan thế chứ bọn con bây giờ thì chịu". Ông Tý gạt quân tốt ra: "Mỗi thời cái gan của con người ta mỗi khác. Nhìn các anh đánh đu trên xích, trên dây, trên trụ thi công cầu, tôi hoa cả mắt ấy chứ. Phục cánh trẻ lắm".
Chát. Tiếng đập cuối cùng. Tuyên thắng cờ. Chắp tay tạ lỗi. Ông Tý ha ha cười, phục lắm mà, đã bảo rồi.
Nhưng điều không may xảy ra. Tuyên đang đứng chỉ huy anh em đổ bê tông. Bỗng rầm. Cả một tảng cốp pha rơi vào người Tuyên. Mọi người lao vào dỡ đống cốp pha đi. Tuyên được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Sau mấy tháng điều trị, khi Tuyên trở về dự lễ khánh thành cầu thì bên cạnh đã đính kèm một cô gái mắt xanh mỏ đỏ. Gặp ông Tý và Nhâm, Tuyên giới thiệu: "Cô ấy là y tá, đã chăm sóc cháu lúc ở bệnh viện. Sang tháng mời bác và em đến dự hôn lễ với chúng cháu". Nhâm cun cút, định bỏ về nhà thì ông Tý kéo lại: "Mấy đứa ra đây bố giới thiệu một người". Ông Tây tóc trắng như cước, chỉ còn một tay để bắt tay ông Tý, ôm hôn bố cô chùn chụt. Ông Tý quay sang, hỉ hả: "Có nhớ cái chuyện kể ta chém phăng cánh tay ông Tây bị bắt không? Ông ấy đây này. Cứ đồn có một nhà hảo tâm cùng chung tay với huyện làm cây cầu ở xã ta, không ngờ lại chính là cái ông này. Ông ấy đã trở về thăm quê ta đấy. Chiều nay, bố mời ông ấy lại nhà mình dùng cơm, cả anh Tuyên và chị cùng về nhà chơi cho vui".
Trưa hôm ấy, Nhâm ngồi đánh vẩy cá, nước mắt nhạt nhòa, con dao sượt vào tay, tóe máu.
*
Ông Tý đi đúng hai tháng, vừa mới về được mấy hôm, còn ngặt vì đang thử áp dụng kỹ thuật mới để làm bánh được mềm và thơm lâu hơn, đến khi xong việc thì ai cũng mỏi nhừ lưng và díu mắt lại.
Con Bin kêu ăng ẳng, vẫy đuôi chạy ra cổng đón chủ. Ông Tý đỗ xe sát cửa nhà, đỡ tay dắt người khách xuống. "Nhâm ơi, ra giúp bố một tay".
Nhâm chạy vù ra, nhìn người đàn ông vừa được ông Tý đỡ xuống xe, sững người. Còn anh ta nhìn thấy cô cũng im thin thít như một pho tượng. Hai người trân trân nhìn nhau không chớp mắt. "Giúp anh Binh vào nhà đi kẻo nắng", ông Tý lại giục.
Trên bàn, bánh đậu được bày ra mời khách. Anh Binh uống nước trà ùng ục như uống nước mưa ngoài bể mà khi ăn bánh đậu vẫn bị ngắc ngứ trong cổ, cứ ho khan khù khụ như cụ già.
Ông Tý kể cho Nhâm nghe trong chuyến đi thăm chiến trường xưa, không có tay lái lụa và tấm lòng dũng cảm của anh Binh xử lý để tránh cái xe chở container ấy thì cả đoàn cựu chiến binh chắc đã rơi xuống vực rồi. Đầu xe đâm sầm vào vách núi, hành khách bị sây sát nhẹ, chỉ có tài xế Binh bị thương nặng nhất nên được đưa ngay ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Trong khi đợi phẫu thuật, anh đau đớn kêu trời muốn chết, ông Tý động viên: "Chết sao được, cứ cố chịu qua cơn bĩ cực này rồi tôi đưa về quê tôi chơi, gả con gái cho, nó sẽ chăm sóc anh cả đời". Cơn đau dịu lại chút trước những lời động viên tếu táo. "Sống thì cháu cũng chết đói, biết làm gì đây, còn mẹ già yếu nữa". "Cứ yên tâm, về làm rể tôi, có khối việc cho anh làm". Mổ não, phẫu thuật cắt bỏ cái chân, ông Tý xung phong vào viện trông nom anh, đợi anh xuất viện đưa về tận nhà cho mẹ già. Và bây giờ thì…
"Đấy, con Nhâm đấy, nếu anh không chê thì tôi gả cho". "Bố nói chuyện hay nhỉ, chưa chi thì đã vơ vào". "Thì nhà ta sẵn có tính thẳng thắn, rào trước đón sau làm gì. Hai tháng anh Binh nằm viện ngày nào tôi cũng nói điều này với anh ấy mấy chục lần, như là thuốc an thần ấy chứ. Sao phải ngại?". "Con giờ thế này sợ cô Nhâm chê là hàng phế phẩm thôi bố ạ". "Chê là chê thế nào được. Thế là anh đồng ý làm rể tôi rồi đấy nhé. Bà nó và con Vân đâu, cơm nước xong chưa, ra đây xem nào".
*
Trăng đã treo giữa cầu. Trăng dát vàng dát bạc trên sông. Trăng thêu hình một đôi tình nhân bên thảm cỏ xanh mướt, ngân ngấn sương sa.
Nhâm tần ngần chẳng biết làm gì, bứt những ngọn cỏ gà đưa lên mồm nhai. "Đậu xanh này, em chưa nói với anh". "Nói gì nữa chứ?". "Nói rằng, em đồng ý cho anh làm… rể bố em". "Thì bố nói hộ rồi còn gì nữa". "Nhưng anh muốn em nói cơ". "Em nói là… em không bao giờ muốn nhìn thấy anh đứng trên cầu kiểu như sáng nay nữa, làm người ta hết hồn". "Ừ, anh hứa! Ngọn cỏ gà đó có sương đấy, cẩn thận kẻo nhiễm lạnh". "Kệ!". "Sao lại kệ được, đêm nay sương sa nhiều quá, mà sương cũng đượm mùi đậu xanh này".
Trăng bẽn lẽn giấu mặt vào đám mây nhỏ vừa kịp bay đến đúng lúc đôi tình nhân ôm riết lấy nhau để cho hơi thở hòa cùng một nhịp. Mùi đậu xanh quấn lại, phủ trùm, rồi thoang thoảng bay lên...
Kết Thúc (END) |
|
|