Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hạnh Phục Không Xa Tác Giả: Nguyễn Sỹ Đoàn    
    Căn nhà của ông bà Mạnh nằm trên một con phố khá đông người qua lại. Vợ chồng ông bà sinh được ba người con. Anh Cả đi học tập bên Đức, rồi lập nghiệp luôn bên đó. Dăm năm mới về thăm một lần. Chị Hai lấy chồng tận Tây Nguyên, nơi rừng xanh núi đỏ. Thôi thì phận gái, đất thơm cò đậu. Thi thoảng chị Hai gọi điện về hỏi thăm: “Bố mẹ có khỏe không? Vợ chồng con độ này bận lắm. Bố mẹ thông cảm”. Ngắt máy. Anh Ba học hành đỗ đạt, lấy cô vợ xinh như mộng. Ban đầu vợ chồng anh Ba còn ở chung, ăn chung với ông bà Mạnh. Khi chị Ba sinh con đầu lòng mới bắt đầu có chuyện. Tất cả chỉ vì cách chăm sóc thằng bé. Bà Mạnh chăm cháu theo kinh nghiệm. Chị Ba chăm con theo sách vở. Thế là mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu. Anh Ba lại nghe vợ nên nhà cửa chẳng mấy khi được vui vẻ.
    Một hôm, anh Ba nói: “Bố mẹ ạ, chúng con cần một số tiền lớn để đầu tư làm ăn. Bố mẹ xem có thể bán căn nhà này, mua cái nhà nhỏ hơn, bớt tiền ra cho chúng con vay?”. Ông Mạnh giật mình: “Vợ chồng chúng mày là công chức, lương thừa sống, cần gì buôn bán với đầu tư”. Bà Mạnh chừng xuôi theo ý anh Ba: “Ông tính xem, nếu thuận thì tiến hành ngay. Nhà đang có giá đấy”. Ông Mạnh thừa hiểu đây là kế hoạch của con dâu út: “Chẳng phải tính toán gì hết. Đất này của tổ tiên để lại, không thể bán được. Đấy, có cuốn sổ tiết kiệm hai trăm triệu của tôi với bà đấy. Cần thì cho nó vay”. Nghe tưởng thế là xong. Nào ngờ, anh Ba nay nhắc bố bán nhà, mai đòi mẹ bán nhà. Chị Ba nói nhỏ nhưng cũng đủ để ông Mạnh nghe thấy: “Bụng đói thì đầu gối phải bò. Kỷ niệm không thể mài ra ăn được”. Bà Mạnh muốn bán phắt cho yên cửa, ấm nhà. Ông Mạnh nói với vợ: “Nhà của bố mẹ là nhà của con. Nhà của con không phải là nhà của bố mẹ. Tôi thấm thía câu này lắm. Thiên hạ xảy ra đầy rồi”. Vợ chồng anh Ba giận dỗi, bỏ ra thuê nhà ở riêng. Cửa không qua, nhà không lại. Nhớ cháu quá, ông bà Mạnh gọi taxi đến thăm cháu. Chị Ba tiếp đón chẳng ra vồn vã, cũng chẳng ra hững hờ. Cứ như hai nhà ngoại giao. Ông Mạnh buồn lắm. Nhưng vì con, vì cháu mà phải làm ngơ. Tình cảm của ông bà Mạnh cũng bắt đầu rạn nứt. Ai cũng cho rằng ý kiến của mình là xác đáng, là thương con, quý cháu.
    Mấy ngày nay xuất hiện một cái xe đạp cũ dựng sát hàng rào phía ngoài vỉa hè. Hai bên xe đeo lủng lẳng hai cái thùng sắt tây. Một cô gái chừng 25 tuổi, xinh xẻo, đôi mắt đen láy, sâu thắm đến lạ kỳ, cùng tiếng rao trong trẻo: “Ai mua gạo rẻ, chạy khỏe đến đây nào…”. Nghe tiếng rao, bà Mạnh rảo bước ra cổng. Quả là gạo ngon thật, rẻ hơn ngoài chợ chút ít. Không lẫn một hạt thóc, một hạt sạn. Hạt nào, hạt nấy mẩy mình, thơm tho, thích mắt. Bà Mạnh sục bàn tay vào thùng gạo thấy mát rượi. Vốc nắm gạo lên, hạt gạo tròn, bóng, đùa nhau chảy qua kẽ tay rơi xuống. Xòe bàn tay vẫn sạch. Thời bao cấp, bà Mạnh từng là mậu dịch viên của một cửa hàng bán lương thực. Bà quý hạt gạo lắm. Mỗi lần thấy một hạt thóc lẫn, bà nhặt lên, cắn một đầu cho tách vỏ trấu, lấy hạt gạo bỏ vào bao. Đến giờ tính bà vẫn thế. Bà mua ba cân. Nhìn tấm lưng thon thả đẫm mồ hôi, khuôn mặt đỏ lựng nhưng vẫn tươi rói của cô gái, bà có cảm tình liền. Tự nhiên bà Mạnh hỏi: “Nhà cháu ở xa không?”. “Dạ, cách đây chừng mười lăm cây số ạ”. “Cháu đi chợ thế này có hơn làm ruộng không?”. “Dạ, nhà cháu vẫn làm ruộng đấy chứ. Những ngày nhàn rỗi mới làm hàng xáo, mong kiếm thêm đồng rau, đồng mắm”. Bà Mạnh thấy thương cô gái nông thôn này hằng ngày phải gò lưng đạp ba chục cây số. Hôm nào không bán hết lại phải chở về. Bà muốn mua nhiều cho cô nhưng giờ gạo ăn chả hết bao nhiêu, thức ăn là chính. Tự nhiên bà bảo: “Cô bảo này, từ mai cháu cứ đứng ở cổng nhà cô mà bán. Cô sẽ giới thiệu thêm khách hàng cho cháu. Bạn cô nhiều lắm”. “Cháu cảm ơn bà”.
    Từ đó, cô gái không phải chở gạo đi khắp thành phố nữa. Bà Mạnh mở một cánh cổng để cô gái đứng lui vào, khỏi gây phiền cho người đi bộ. Người qua đường thấy gạo ngon, rẻ, cũng rẽ vào mua. Hôm hết, hôm còn. Một hôm bà Mạnh bảo: “Hôm nào bán không hết, cho cháu gửi lại nhà cô đấy”. Cô gái nhìn bà rưng rưng: “Cháu đội ơn bà quá”. Những hôm rỗi rãi, bà Mạnh ra trò chuyện cùng cô gái. Tình cảm hai người trở nên thân thiết. Đứng bán mãi ở một chỗ thành quen, cả phố đều mua gạo của cô. Có hôm tối mịt, có lúc lại sớm tinh mơ vẫn còn người đến hỏi. Bà Mạnh phải bán hộ. Nhưng mấy ngày nay không thấy cô gái chở gạo đến. Chẳng hiểu nó bị sao rồi. Bà lo lắng như lo cho người thân. Con bé ngoan thế. Giá con trai, con dâu bà được như thế có phải tuyệt vời bao nhiêu. Bốn hôm sau mới thấy cô gái lên: “Bà tha lỗi cho cháu. Mấy hôm rồi, cháu bị cảm”. Bà Mạnh buột miệng: “Khổ thân cháu tôi”. Cầm số tiền bán hộ bà Mạnh đưa, cô gái rối rít: “Ông bà tốt với cháu quá. Biết lấy gì đền đáp công ơn của ông bà đây?”. Con bé thật khéo nịnh nhưng lòng bà vẫn thấy vui. Bà Mạnh gạt đi: “Chuyện nhỏ. Cô làm cho vui thôi. Ngày xưa cô từng bán gạo đấy”. “Ông bà sướng thật. À mà các anh, các chị nhà bà đi đâu, sao cháu không thấy nhỉ?”. Nhắc đến con, lòng bà Mạnh thở dài. Người xưa dạy: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Nào ông bà có mong gì cậy nhờ chúng đâu. Đồng lương hưu của hai ông bà đủ chi tiêu. Từ ngày vợ chồng anh Ba giận dỗi bỏ đi đến nay gần năm rồi. Giận chồng cứng nhắc, giận con tham lam. Bà Mạnh gượng cười, giải thích: “Các anh chị ấy bận lắm”.
    Lâu dần, cô gái trở thành thân quen với bà Mạnh. Cô mang gạo từ quê ra, bà Mạnh ngồi bán hộ. Nhiều hôm hết hàng sớm, cô gái còn giúp bà Mạnh quét dọn, lau chùi nhà cửa. Rồi tưới tắm, tỉa tót cây cảnh. Cô gái thật khéo tay. Cái cách tỉa cây, uốn cây của cô, đến ông Mạnh cũng không thể chê nổi. Một chiều, bà Mạnh đặt vấn đề: “Cô nói thật nhé, gạo cháu cứ để đây, cô bán cho. Còn cháu giúp cô lau chùi, dọn dẹp nhà cửa. Cô có tuổi rồi, lại bệnh huyết áp nữa, mỗi lần làm thấy mệt quá. Cô không để cháu thiệt đâu”. Cô gái nói như reo: “Thế này ông bà đã coi cháu như người nhà rồi còn gì. Cháu không lấy tiền công đâu”. Bà Mạnh dứt khoát: “Nếu vậy cô chẳng dám nhờ. Cháu phải nhận, cô mới yên lòng”. Rồi bà dắt tay cô lên từng tầng, từng phòng và dặn dò tỉ mỉ công việc phải làm.
    Ông Mạnh ngạc nhiên khi thấy một cô gái quần vo ống túm, lau lau giặt giặt tại nhà mình. Chuyện bà Mạnh thân quen với cô bán gạo thì ông biết từ lâu. Vợ không kể nên ông cũng chẳng hỏi. Từ ngày vợ chồng anh Ba dọn ra ở riêng, ông bà không còn nói chuyện với nhau nữa, trừ trường hợp thật đặc biệt. Bà Mạnh không lên gác. Ông Mạnh cũng không xuống nhà. Phòng ai nấy dọn, như hai cái bóng trong căn nhà rộng mênh mông. Đến bữa, bà nhấn chuông. Ăn xong, ông lên gác. Lương hưu của ông, bà đi lĩnh, giữ lại một nửa chi tiêu tiền chợ. Còn một nửa đặt trước mặt ông, không nói. Ông thản nhiên cầm tiền nhét vào túi. Lâu lâu, ông Mạnh lại ra quầy tiết kiệm gửi. Nhìn cô gái làm việc một cách thành thạo, ông Mạnh ưng cái bụng lắm. Chưa bao giờ ông chê hoặc coi thường nghề lao động chân tay. Giúp việc gia đình cũng là một nghề như bao nghề khác. Phân công lao động mà. Ông Mạnh bảo cô gái: “Cháu dừng tay cho chú hỏi cái đã. Tên cháu là gì?”. Cô gái cười hồn nhiên: “Ông cứ gọi cháu là ô sin”. “Không. Chú không thể gọi như thế được. Cháu giúp cô chú thế này là quý lắm rồi. Mọi khi chú vẫn phải tự làm. Một tuần mới làm một lần. Cũng mệt lắm. Nào tên cháu là gì?”. “Dạ, tên cháu là Dự ạ”. Dự cũng là tên một loại gạo thơm ngon của đồng bằng Bắc Bộ. Quê ông ngày xưa cũng hay cấy loại thóc này. Hạt gạo hơi dài, thon nhỏ, màu trắng đục. Cơm chín, mở vung ra, ôi dào, thơm lừng nhà. Dẻo và ngon. Ăn với chút nước mắm cũng trôi bay vài bát.
    Tự nhiên ông Mạnh chạnh lòng nhớ tới người vợ cũ. Một người vợ ngoan hiền và tảo tần. Hai người lấy nhau vì nghĩa hơn vì tình. Thậm chí chữ “nghĩa” còn đi trước rất xa. Nó hoàn toàn khác với nếp sống hiện tại. Ông Mạnh lấy Bưởi, tên người vợ đầu, là để trả cái ơn hai ông bố cứu nhau trong một trận chiến sinh tử với kẻ thù. Sau trận đánh, hai ông bố nắm tay nhau hứa sẽ thông gia. Ngày giải phóng, hai ông bố thực hiện lời cam kết. Đám cưới được tiến hành chóng vánh. Không ồn ào náo nhiệt. Bưởi trở thành cô dâu, Mạnh thành chú rể. Rất may, cô Bưởi là người vợ tuyệt vời. Cô phục dịch ông bố chồng ốm lê ốm dệt, lo chuyện nhà cửa, chuyện giỗ Tết, chuyện trong họ ngoài làng. Hạnh phúc là gì nhỉ? Đôi khi ông Mạnh nghi ngờ cái khái niệm hạnh phúc ấy không có thật, hoặc tương tự chỉ là con cá gỗ. Chưa đầy năm, chưa kịp quen hơi bén tiếng, chưa kịp sinh con, cô Bưởi đã vội bỏ Mạnh ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Cái chết của người vợ khiến ông Mạnh không gượng nổi. Ông ốm vài tháng. Thương vợ, thương mình. Sau lần “thay áo” cho vợ, ông Mạnh ít về quê. Hay nói chính xác, ông sợ về. Nhìn cảnh cũ còn nhưng người xưa không còn nữa, lòng ông như dao cắt. Ngày húy nhật của vợ, ông làm giỗ ngoài phố, thắp hương khấn vọng. Mấy năm sau, ông Mạnh mới lấy bà Mạnh.
    Cô gái tên Dự tươi tắn, lại hay chuyện. Ông Mạnh cũng vui lây. Qua lời cô kể, ông Mạnh biết Dự đã có chồng và một đứa con gái 2 tuổi. Dự đã học xong cao đẳng sư phạm nhưng chưa tìm được việc. “Ruộng đất chả có bao nhiêu. Làm vèo cái đã xong. Phải chạy chợ kiếm thêm. Gì thì gì cũng phải sống, phải ăn, phải nuôi con khôn lớn chứ. Phải không ông?”. Con bé này đến là giỏi. Có học nó cũng khác. Nói chuyện với Dự, ông Mạnh thấy mình như trẻ lại, vỡ ra nhiều điều mới mẻ của xã hội hiện tại. Ông hỏi: “Thế chồng cháu làm gì? Cuộc sống có hạnh phúc không?”. “Hạnh phúc là gì, cháu không định nghĩa được. Nhưng nếu chỉ là vợ chồng đồng cam cộng khổ, sẻ chia ngọt bùi, nhà cửa yên ấm, con khỏe con ngoan thì nhà cháu quá hạnh phúc rồi”. “Chồng cháu làm ruộng à?”. Cô gái cười: “Nhà cháu có hai nghề, một là làm ruộng, hai là ngồi rung đùi nhặt tiền”. Ông Mạnh ngạc nhiên: “Làm gì có nghề ngồi rung đùi nhặt tiền”. “Ối, cháu nói cho sang miệng ấy mà. Nhà cháu làm nghề vá, chữa quần áo ở làng”. Ông Mạnh phì cười: “Mày đến là hóm hỉnh”. Vui thật. Vợ nhanh nhẹn, tháo vát. Chồng lam làm, giỏi giang. Chúng như đôi chim câu ăn lành, ở gọn.
    Mỗi lần đến làm việc, Dự lại thủ thỉ kể một ít về gia đình mình. Giọng cô thật trìu mến, tự hào khi nói về chồng mình. Ông Mạnh hỏi: “Chắc vợ chồng cháu không khi nào giận nhau nhỉ?”. Dự nhanh nhảu: “Có chứ ông. Đấy là hồi đang yêu. Khi lấy nhau rồi phải biết lựa để sống chung với lũ chứ”. Ông Mạnh cười thành tiếng. Đã lâu rồi, kể từ ngày vợ chồng anh Ba chuyển đi, ông chưa được cười sảng khoái như thế.
    Bữa cơm chiều hôm ấy, ông Mạnh chủ động nói chuyện cởi mở với vợ. Ông mong vợ sẽ hiểu và chia sẻ với ông. Bà Mạnh im lặng lắng nghe. Cha mẹ nào chẳng thương con cái. Bà hiểu rồi. Bà thừa nhận mình chiều con quá. Nỗi hờn giận trong lòng bà nguôi ngoai. Hóa ra, hạnh phúc đâu có xa.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Sỹ Đoàn
» Mẹ Tôi
» Hiệp Sĩ Của Bẫy Cò
» Cuốn Sổ Tiết Kiệm
» Hạnh Phục Không Xa
» Vượt Lên Nghịch Cảnh
» Nhà Có Hai Người Bà
» AnhTôi
» Mảnh Vàng Còn Lại
» Nhà Có Hai Đào
» Mối Tình Câm
» Lỡ Vuơng Nghề Viết
» Con Nuôi Giải Phóng
» Anh Tôi
» Cha Và Những Đứa Con
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển