Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mảnh Vàng Còn Lại Tác Giả: Nguyễn Sỹ Đoàn    
    Năm 1978, tôi rời tay súng trở về quê hương sau 11 năm chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà. Dẫu xa cây lúa nhiều năm nhưng tôi vẫn không thể quên được công việc của người nông dân vùng chiêm trũng. Con người thích ứng với hoàn cảnh sống tài lắm. Nhất là những người đã trải qua chiến trận. Tôi lấy vợ, một cô gái cùng thôn, chịu thương, chịu khó. Đẻ một lèo ra “ba con vịt giời”. Những năm tháng này, vợ chồng tôi làm không biết mệt mỏi. Bước chân xuống giường là làm. Lao động cũng là một thú vui trần gian cao cả mà những kẻ biếng lười không thể có được. Kế hoạch này chưa xong, dự định khác đã nảy ra. Trời chẳng phụ công người, sau 20 năm tôi đã có một cơ ngơi khá tốt. Đêm đầu tiên nằm trong căn nhà ba tầng, mái bê tông cốt thép mà cứ ngỡ như chiêm bao.
    Lại hai chục năm nữa trôi qua. Mỗi sáng là chăm bẵm, tưới tắm mấy cây cảnh trong sân. Xong xuôi, tôi vào nhà pha ấm chè nhâm nhi. Nhà vắng vẻ, yên tĩnh. Vợ tôi đi Hà Nội hơn tháng nay trông con cho gái út mới sinh. Hai đứa con đầu đều lấy chồng xa. Chợt có tiếng chó sủa lách rách ngoài cổng. Có khách. Khách là một người đàn ông khó đoán tuổi, gương mặt sần sùi, méo mó. Di chứng của bỏng bom napalm. Ông mủm mỉm cười. Tôi đứng nhìn trân trối. Ai nhỉ? Điệu cười nửa yêu thương, nửa giễu cợt, thật khó chịu. Quen lắm. Nhưng không thể nhớ nổi. Người khách cất tiếng: “Tòng phải không? Thảo đây”. Trong ký ức tôi vỡ òa. Đúng là anh Thảo của năm mươi năm trước. Ngày ấy, tôi 18 tuổi. Anh Thảo hơn tôi năm tuổi, giữ cương vị đại đội phó.
    Sau một tuần chè, Thảo nói chậm rãi: “Tòng còn nhớ cậu Vĩnh không? Nguyễn Văn Vĩnh, người Hà Giang ấy”. Tôi gật đầu: “Nhớ, nhớ. Cậu ấy hy sinh gần cuối năm 1968. Chính tay tôi chôn cất Vĩnh”. Nét mặt Thảo trở nên đăm chiêu. Anh kể: “Có một người cháu ruột, gọi Vĩnh bằng bác, tên là Đông, năm năm trước đến nhà tôi, hỏi về mộ chí của bác mình. Tôi nhớ ngày Vĩnh mất, cậu có trao tôi sơ đồ mộ chí của Vĩnh. Hôm lên tiểu đoàn báo cáo, tôi đã trao cho tiểu đoàn phó Nhân. Chẳng hiểu “các bố” giữ gìn kiểu gì để thất lạc mất. Gia đình tìm kiếm khắp nơi. Ở đâu người ta cũng xin lỗi và hứa sẽ cố gắng tìm kiếm. Tôi chợt nhớ ra cậu”. Rồi Thảo cười lớn: “Tìm cậu cũng mệt mỏi chẳng kém gì tìm mộ liệt sĩ đâu. Mất hơn một năm đấy. Xưa nay người ta chỉ cất công đi tìm người mất, chứ nào ai đi tìm người sống. Vừa tìm lại vừa lo. Chẳng hạn cậu không còn ở quê nữa. Nói dại, có khi qua đời rồi cũng nên. Nay tìm được, thấy cậu còn khỏe mạnh, mừng muốn khóc. Chắc vong linh của cậu Vĩnh phù hộ đấy”. Tôi xúc động trước lời gan ruột của anh Thảo. Mắt tôi cay cay. Chao ôi, bẩy chục năm sống trên đời, biết bao ngọt bùi, cay đắng, biết bao buồn vui, tất cả sắp trở thành dĩ vãng. Trong đó có cả lãng quên. Thảo ngừng lời, nhìn tôi như chờ đợi. Tôi hỏi: “Vậy anh tính sao? Tôi xin chấp hành, đại đội phó của tôi ạ”. Thảo nói kế hoạch đi tìm của mình. Nhóm chỉ có ba người, Thảo, tôi và người cháu của Vĩnh. Tôi đồng ý. Thảo mở điện thoại báo cho Đông biết, hẹn ngày giờ, địa điểm gặp nhau, cũng như những giấy tờ cần thiết. Thảo ở lại nhà tôi. Hai chúng tôi hối hả chuẩn bị. Y như người chiến sĩ năm xưa đi B. Trừ súng đạn.
    *
    Giữa năm 1967, tôi được biên chế về tiểu đội trinh sát. Cùng về với tôi có khá nhiều người cùng tuổi. Đa phần là từ ngoài Bắc vào. Vĩnh là tiểu đội trưởng. Anh vào Nam trước tôi hai năm. Hai năm trận mạc đủ để rèn luyện Vĩnh trở thành khuôn mẫu cho chúng tôi. Những ngày nghỉ ngơi trong căn cứ, Vĩnh hướng dẫn chúng tôi bằng tất cả kinh nghiệm anh có. Thì ra những bài tập ở miền Bắc chẳng thấm tháp gì với thực tế chiến đấu. Bằng chất giọng tình cảm và chân thành, cứ thấm dần vào lũ lính trẻ chúng tôi. Có thể nói, Vĩnh sinh ra để làm người lính trinh sát. Chúng tôi tin anh.
    Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, địch như lấy lại được tinh thần. Chúng tổ chức nhiều cuộc phản kích, càn quét, có máy bay và pháo tầm xa yểm trợ, gây cho ta nhiều khó khăn. Đường tiếp tế từ đồng bằng lên cứ bị cắt đứt. Cảnh đói cơm, thiếu muối hiện ra khắp mặt trận 44 (mật danh của khu Quảng Đà). Trước tình hình đó, cấp trên quyết định phải mở đường thông xuống đồng bằng, giành lại dân và cũng là củng cố lòng tin của dân vào Mặt trận Giải phóng. Nhổ điểm cao 242 là quyết tâm của trung đoàn. Nhiệm vụ được trao cho đại đội tôi. Vĩnh và tôi được cử đi điều nghiên. Chuyện vào đồn địch sờ từng họng súng, bao gạo đối với chúng tôi chả khó khăn gì. Hai chúng tôi chia làm hai hướng, hẹn giờ gặp lại. Đúng hẹn, tôi quay ra chờ Vĩnh tại cửa mở. Chờ đến ba giờ sáng vẫn chưa thấy Vĩnh. Trời sắp sáng rồi. Đường về đơn vị còn phải hơn ba giờ đi bộ nữa. Sốt ruột, tôi lại bò vào. Gặp Vĩnh, anh nói nhỏ: “Suýt nữa bỏ lọt lũ xe bọc thép này. Chúng khôn thật, đào hầm giấu xe”. Bốn giờ, hai chúng tôi quay ra. Trên đường trở về đơn vị, chúng tôi trao đổi với nhau những điều mắt thấy, tay sờ. Vui vẻ và phấn khởi. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu. Một loạt đạn pháo từ đâu bắn tới cấp tập. Nghe tiếng rít trên đầu, tôi chỉ kịp hô: “Nằm xuống” thì ánh lửa đã bùng lên, dày đặc quanh mình. Dứt tiếng nổ, tôi gọi lớn: “Anh Vĩnh, anh Vĩnh”. Không tiếng trả lời. Tôi hốt hoảng chạy tới, chạy lui tìm Vĩnh giữa màn đêm. Đến khi trời sáng, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Vĩnh đã hứng trọn một viên đạn pháo. Thân thể không còn nguyên vẹn. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Mặc tiếng máy bay gầm rú trên đầu, tôi thu nhặt thi thể Vĩnh đặt vào cái tăng mang theo. Hơn một giờ không xác định nổi phương hướng, tôi gặp một bãi giao liên bỏ hoang từ lâu. Tôi quyết định chôn cất bạn nơi đây. Với một lưỡi lê của khẩu AK47, sau hơn một giờ, tôi đã xong công việc. “Anh Vĩnh ơi, hãy yên tâm nằm đây. Hòa bình sẽ có người đưa anh về quê. Mong anh phù hộ cho đại đội ta chân cứng, đá mềm”.
    Buổi trưa hôm ấy, tôi về đến đơn vị. Tôi báo cáo tình hình địch, sự kiện Vĩnh hy sinh và trao cho anh Thảo bản sơ đồ mộ chí của Vĩnh.
    Trận đánh tiêu diệt điểm cao 242 hoàn thành như dự kiến. Cửa xuống đồng bằng đã mở. Nhưng đại đội tôi có quyết định giải thể. Đại đội bị xé nhỏ, chuyển xuống xã, tăng cường cho du kích. Chúng tôi lặng lẽ chia tay. Đó là tháng 12.1968. Từ đó, tôi không còn gặp lại người lính nào của Đại đội 42 năm xưa nữa.
    *
    Sau hai ngày đêm vượt cả ngàn cây số bằng cơ giới, cộng thêm một ngày làm việc với Tỉnh đội, Huyện đội, lại thêm một ngày leo đồi, vượt rừng, chiều muộn ngày thứ năm chúng tôi mới tới được xã Hòa Duy, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Đà cũ. Nơi đây, thời chiến là khu rừng già hoang vắng, là bãi giao đấu phân tranh khốc liệt giữa vũ khí hủy diệt của kẻ thù với tinh thần quyết tâm vì độc lập tự do, vì thống nhất Tổ quốc của những người lính trẻ. Nay rừng già không còn nữa. Thay vào đó là rừng cà phê và cao su. Một cái xóm trại như cái ốc đảo nhỏ nhoi, cách nơi chúng tôi đứng chừng non một cây số về hướng tây. Xa hơn nữa, về hướng đông, là con đường nhựa rực rỡ sắc màu của người và xe. Dường như tôi bị mất phương hướng. Thảo đặt cái la bàn trên tấm bản đồ quân sự của những năm 67-68 xuống đất và bảo: “Chúng ta đang đứng trên cao điểm 242 ngày xưa. Giờ là công việc của cậu Tòng”. Tôi mất mấy phút nhớ lại, rồi dẫn hai anh đi về hướng tây. Qua xóm trại, ngoặt lên hướng bắc. Ký ức ngày nào cứ hiện dần lên. Đến bãi giao liên cũ, gặp mấy tảng đá núi to bằng ngôi nhà vẫn còn đó, xác định đúng vị trí, tôi nói chắc chắn: “Chỗ này”. Ba cái xẻng cắm phập xuống cùng lúc. Đất lâu ngày không có mưa, rắn lại. Nhát cuốc bổ xuống chồn tay.
    Thời khắc như ngắn lại. Chúng tôi vẫn chăm chỉ với công việc. Cái hố rộng mỗi chiều năm mét, sâu dần. Mây đen chợt ùn lên phía đằng tây, những tia chớp hình rễ cỏ hiện lên trên nền trời. Rất nhanh chóng, mưa ào ạt như đổ nước. Lạ kì, có nước vào, đất đỏ bazan trở nên mềm và xốp hơn rất nhiều. Thêm một tiếng đồng hồ nữa, cái hố sâu hơn nửa mét. Nước lõng bõng dưới chân. Trời tối quá, anh Thảo bảo: “Dừng lại. Mai đào tiếp”. Chúng tôi tranh thủ tắm giặt dưới mưa, thay quần áo khô, chui vào căn lều dựng tạm bằng hai cái tăng. Anh Thảo hỏi: “Tòng, vị trí chúng ta đang đào có chính xác không?”. Tôi vẫn giữ nguyên niềm tin đường dây tâm linh giữa những người lính trận. Kỷ niệm như một chất keo kết dính con người với con người. Âm thầm và bền bỉ. Đôi khi chính người trong cuộc không nhận ra. Tôi mắc nợ Vĩnh nhiều quá. Khó mà trả hết. Đông im lìm nhìn trời vẻ sốt ruột. Thảo cúi gằm mặt trên tấm bản đồ, dưới ánh đèn pin. Đã quá lâu tôi mới lại được ngủ rừng. Cuộc sống trong chăn êm, nệm ấm đã làm hư tôi. Khiến tôi cứ trăn trở mãi.
    Hôm sau, không cần chờ sáng hẳn, chúng tôi lại nhảy xuống hố, tay xẻng, tay cuốc làm luôn. Cái hố sâu thêm gần mét nữa. Không thấy gì. Tôi nhảy lên miệng hố: “Dừng lại. Ngày xưa, với cái lưỡi lê, tôi làm sao đào sâu được thế này”. Thảo hỏi: “Liệu có sự nhầm lẫn nào không?”. “Chắc chắn không thể nhầm”. Thảo đứng tựa lưng vào tảng đá, nét mặt ông không giấu nổi lo lắng: “Chẳng lẽ chúng ta đi sai đường?”. Tôi kiên định: “Có thể mọi thứ đều sai. Nhưng những tảng đá núi khổng lồ này thì không thể sai”. Giữa lúc chúng tôi đang trao đổi, chợt có một người đàn bà từ sau tảng đá bước ra. Hẳn bà đã đứng đó từ lâu. Bà xưng tên mình là Quyên, chủ khu rừng này. Bà Quyên chừng trạc tuổi chúng tôi, tiếng nói còn sang sảng: “Các ông tìm gì mà bới nát rừng của tôi?”. Ông Thảo trình bày ý định của chúng tôi. Nghe xong, mắt người đàn bà sáng lên: “Không phải một ngôi mộ, mà là hai ngôi mộ. Sao các ông đến muộn thế? Tôi đã gửi tin lên Huyện đội lâu lắm rồi”. Hóa ra ngày tôi chôn Vĩnh thì ngay bên cạnh đã có một ngôi mộ mà tôi không biết. Ông Thảo lại hỏi: “Vậy hai ngôi mộ ấy hiện giờ nằm ở đâu?". Bà Quyên bảo: “Ngay trong đất vườn nhà tôi”.
    Chúng tôi trở lại xóm trại lẻ loi giữa rừng sâu. Hai nấm mộ tròn vạnh, xinh xắn, cỏ mướt xanh, có rất nhiều chân hương cũ, mới. Bà Quyên bảo: “Tôi không biết tên ai. Nhưng chắc chắn là quân giải phóng. Ngày đào lên còn nguyên cả tấm tăng, dép cao su. Tôi nhặt nhạnh tất cả những gì của các ông ấy chuyển sang tiểu sành”. Tôi ngồi xuống, thầm thì: “Vĩnh ơi, chúng tôi đến đón anh về quê đây”. Chợt Thảo hỏi: “Làm thế nào để phân biệt được đâu là di cốt của Vĩnh, đâu là di cốt của người liệt sĩ chưa biết tên?”. Tôi bảo: “Ngày xưa, anh Vĩnh có hai cái răng bọc vàng liền nhau, ở hàm trên, bên trái. Anh vẫn nói đùa rằng đó là cái răng duyên”. Chúng tôi cẩn thận rửa sạch từng mẩu xương của hai liệt sĩ. May mắn, hai chiếc răng vàng của Vĩnh chưa bị hư hấn gì. Tôi lau nhẹ lớp bùn, màu vàng vẫn sáng lên rực rỡ.
    Có đám mây hồng ngang trên đầu. Vùng trời, vùng đất chợt ấm lại. Trong tâm trí tôi, mảnh vàng còn lại cứ lấp lánh, lấp lánh. Mảnh vàng Nguyễn Văn Vĩnh là loại thứ thiệt, vàng mười. Bền vững muôn đời, sống cùng thời gian, năm tháng.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Sỹ Đoàn
» Mẹ Tôi
» Hiệp Sĩ Của Bẫy Cò
» Cuốn Sổ Tiết Kiệm
» Hạnh Phục Không Xa
» Vượt Lên Nghịch Cảnh
» Nhà Có Hai Người Bà
» Mảnh Vàng Còn Lại
» AnhTôi
» Nhà Có Hai Đào
» Mối Tình Câm
» Lỡ Vuơng Nghề Viết
» Con Nuôi Giải Phóng
» Anh Tôi
» Cha Và Những Đứa Con
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản