Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bình Minh Yên Tĩnh Tác Giả: Nguyễn Thu Hằng    
    Ban mai e ấp thoa từng lớp phấn hồng, bầu trời dần ửng sáng như mặt gương xanh biếc. Vài chiếc thuyền đang xuôi về bến. Những đường lấp lánh dưới nước, lấp lánh trên khuôn mặt người rám nắng. Thanh đưa ống kính lên, lấp lánh chạy vút một đường từ mắt Thanh xuống tới mặt người dưới thuyền. Vui rộn bến. Có tiếng cười đằm như mẻ lưới nặng. Mùi cá rán thơm ngậy bay lên trong gió sớm. Thanh quay lại. Bà lão đang rán bánh, mỡ sôi xèo xèo. Quán di động nên đơn sơ. Cạnh bà, cậu bé trai ngồi trên một tảng đá nhỏ, tay đang gỡ miếng bánh khoái cá kình cho cái miệng dẻo đang đợi. Màu nước xanh dưới phá như đã đổ đầy lên mắt cậu bé. Hai giọt xanh biếc hút lấy mắt Thanh.
    Bà lão vẫn đều tay, vồn vã:
    - Mời cô ngồi ăn bánh khoái cá kình.
    - Vâng. Bà cho cháu một cái ạ.
    Thanh kéo chiếc ghế ngồi phía bên này. Bên kia, mùi thơm bay lên, môi thằng bé vẫn dẻo. Bỗng dưng Thanh thấy bụng nổi cơn đói cồn. Bà lão chuyển đĩa bánh và cốc nước lá nếp thơm tới trước Thanh. Bánh vàng như đốm nắng đang rơi.
    Dưới bến, người mỗi lúc một đông. Những con thuyền vẫn lao như mũi tên giữa khoảng gương xanh. Mặt trời ửng hồng đang đuổi theo một con thuyền nhỏ xíu. Thằng bé chỉ tay, reo to:
    - Thuyền ba mạ cháu đang về.
    Thanh nhìn, con thuyền chỉ như một chiếc lá tre đang lướt đi. Còn xa lắc.
    - Xa thế, sao cháu nhận ra?
    - Răng mà cháu không nhận ra! Ba mạ cháu đi xa để thả lưới nên lúc nào cũng chừng ni thì về với ông mặt trời.
    - Ba mạ cu Tôm, bữa ni để mặt trời đuổi kịp khi là cá đầy khoang. Rồi sẽ có mẻ cá kình ngon cho bà làm bánh.
    "Bà bán bánh này đã lâu chưa ạ?", Thanh hỏi. "Từ khi ông ấy bỏ đi, cái chân tui già đi, yếu dần, tui ra mô bán bánh ni. Ngày trước, còn cứng chân cứng tay như ba mạ cu Tôm, ngày nào tui cũng có mặt trên vùng đầm phá mênh mông. Bây chừ, con bảo mạ ở nhà trồng rau, mỗi tháng gửi cho mạ chút tiền tiêu. Nhưng ở nhà miết, buồn bực cái chân, cái tay, buồn cả con mắt. Sáng sớm cứ quẩy gánh ra đây túc tắc, rứa mà vui". Đôi mắt bà lão bỗng hấp háy.
    Cu Tôm, lại đón cái bánh nữa từ tay bà lão. "Bà ăn cùng, cháu căng bụng rồi". "Cu Tôm ăn đi, chốc còn đón thuyền ba mạ nhặt tôm, cá", tiếng bà lão ấm dịu. Một đôi trai gái đến ngồi phía trước Thanh. Chàng trai gọi bánh. Họ bên nhau thong thả ngắm bình minh lên. Cô gái khẽ ngả đầu vào vai chàng trai. Có những tiếng thì thầm khe khẽ. Tiếng cu Tôm vẫn nhai giòn sật cùng tiếng bánh đang chín nổ lốp rốp. Dưới kia, tiếng người í ới gọi nhau. Tiếng thuyền cập bến, tiếng sóng nước xô bờ, tiếng thau chậu va lanh canh.
    *
    Mặt trời tựa quả bóng đỏ khổng lồ đang bay lên phía trước mũi thuyền như thể vừa bật lên từ đó. Ba năm trước, cũng ở chừng chỗ này, Định đã ngồi bên Thanh để ngắm bình minh lên trên phá Tam Giang. Gió nhè nhẹ thổi qua hay là tiếng thở dài của Thanh. Ngày ấy Định đã quên rồi. Giây phút ngắm mặt trời trên phá Tam Giang mà Định bảo hoang sơ và thanh bình làm sao, Định cũng không nhắc nhớ nữa. Lâu nay, Định bị cuốn vào công việc. Định có bao giờ rủ Thanh đi ngắm mặt trời lên nữa đâu. Dù Thanh chỉ cần cùng Định ngắm mặt trời lên ở ngay ban công hay ra bờ sông, hoặc đầu cầu vào thành phố, Định cũng không có thời gian. Định quên Thanh có ao ước từng ngày thong thả cùng người yêu ngắm mặt trời lên. Cái ao ước Thanh chia sẻ ngay sau khi Định ngỏ lời và Định hứa sẽ cùng Thanh thường xuyên làm điều đó. Giờ thì Định bảo, hai lăm chững chạc phải khác tuổi hai mươi mơ mộng chứ.
    Lâu nay, mỗi khi có dịp gặp nhau, Định đều chủ động gọi Thanh ra quán cà phê. Chọn một góc yên tĩnh, riêng biệt. Trong lúc chờ Thanh tới thì mở máy tính, tay bập bập liên hồi. Thanh đến Định còn không hay biết. Liếc nhìn những dòng chữ tuôn rào rào giãn đầy trang word của Định, Thanh thở dài. Toàn những cái đã cũ với lối viết chẳng có gì mới. Điều chính Định đã từng bảo Thanh là tối kỵ trong nghề viết khi hai người mới chân ướt chân ráo vào nghề. Định khác Định của ba năm về trước. Luôn hả hê với danh hiệu “nhà văn trẻ mắn đẻ” mà bạn bè đặt cho. Định quen với áp lực thời gian khi nhận được bài đặt hàng từ các biên tập viên. Có đủ tiền sẽ tậu chung cư, khi ấy hai người sẽ làm đám cưới. Kế hoạch năm năm không phải là dài, Định vẽ ra trước mắt Thanh một tương lai tươi sáng. Chỉ cần Thanh chịu khó đợi.
    Thanh đã đợi Định. Đợi cả những chuyến đi. Chuyến nào cũng đến sát nút Định lại giãn vì có việc bận không thể đừng. Lần này thì Thanh quyết tâm đi một chuyến dài cho kỳ nghỉ phép hiếm hoi lắm mới được xếp. Đã ba năm nay, Thanh chỉ quanh quẩn từ cơ quan rồi về nhà và chờ Định có thời gian đi. Nhưng lần nữa, Định lại đột ngột bận. Thanh nhìn ra khung cửa sổ có những bông tường vy đã nở. Cái ảnh hai đứa chụp dưới tán hoa tường vy bồng bềnh như mây hồng Thanh vẫn giữ. Chiều ấy, Định tết tóc cho Thanh dưới tán tường vy. "Mình đi Huế chơi đi em". Thanh gật đầu. Chuyến đi còn có bốn người bạn thân cùng khóa.
    Trời còn mờ sương, Định đã chạy xe máy đưa Thanh ra ngắm bình minh yên tĩnh trên phá Tam Giang. Đến xóm Đò, ba đôi tự tách nhau từ lúc nào. Định dắt Thanh chạy dọc eo cát dưới bầu trời đang phớt hồng. Hai người tìm được một chiếc thuyền của đôi vợ chồng vừa cập bến. Người vợ hồ hởi bê rổ cá, tôm đánh bắt được trong đêm lên bờ để cân cho cánh thợ. Người chồng đang cuộn lưới lừ trong khoang, bắp tay anh ta vồng lên như bát con úp ngược. Thấy có khách tới, anh ấy dừng tay, ánh mắt nhìn như có nắng.
    - Chúng tôi muốn theo đi đánh cá.
    - Thế cô cậu phải đợi sang chiều mới có chuyến đánh cá. Giờ vợ chồng tôi về cơm trưa, còn cho con ăn đã.
    - Nhưng, bọn tôi muốn ra phá lúc bình minh đang lên thế này mới đẹp.
    Định nâng máy ảnh lên ngang mặt.
    - Cô cậu đi chơi đầm phá hả? Vậy để tôi lên dặn vợ về trước, rồi mua tạm ổ bánh ăn lót dạ.
    - Chúng tôi có sẵn bánh nước đây. Anh bảo chị nhà đi cùng cho vui.
    - Thằng nhỏ nhà tôi gửi bà hàng xóm, đến giờ phải về đón cháu rồi.
    Định chỉ mới chụp cho Thanh hai kiểu ảnh, người chồng đã quay lại thuyền. Thuyền quay mũi, rẽ nước lao vun vút. Thanh nhắm mắt rồi lại mở mắt, tay dang ra như muốn ôm cả trời hồng, nước xanh vào lồng ngực. Mấy con thuyền chạy ngược chiều, chất đầy cánh lưới. Tiếng hỏi nhau í ới. "Đêm qua có đánh được nhiều tôm, cá không anh Tấn?". "Chỉ nhỉnh hơn đêm trước một chút thôi à". "Nhà tôi thì thua đêm trước, chiều nay tính phải đi sớm". Tên người đàn ông là Tấn. Định trò chuyện với anh Tấn. Thanh im nghe nước vỗ lách tách vào mạn thuyền và ngắm trời nước hoang sơ mà hùng vĩ trong cảnh bình minh yên tĩnh. Con thuyền nhỏ đang đuổi theo vệt nắng dẻ quạt phía trước. Mặt trời trên phá lên to tròn hơn, rực rỡ hơn. Nước đang lên, sắp đến mùa mưa. Mùa mưa kiếm cá tôm trên phá còn khó nữa. "Chuyến nhiều được bao nhiêu anh?". "Thuận thì được đôi trăm, có chuyến chỉ đủ cá tôm ăn hay vài chục nghìn đong gạo". "Giọng anh không phải người vùng này". "Vâng, tôi người vùng vải thiều Thanh Hà, đi theo ông chú làm ăn trong đây, gặp cô ấy mà nên vợ chồng. Sau theo cô ấy đi đánh cá, quen, ở miết trong đây". "Anh có hay về quê chơi không?". "Trước mới cưới, Tết có cho cô ấy về quê thăm mộ ông bà. Nhưng rồi, từ lúc sinh thằng cu, cháu yếu, cô ấy không theo về được nữa. Tôi tính đợi khi nào con lớn lên, vào dịp giỗ ông cụ, sẽ cho cả nhà về ra mắt họ hàng". "Cháu yếu sao vậy anh". "Hồi sáu tháng cháu bị một trận cảm, đôi chân yếu đi. Tập mãi, giờ ba tuổi mới biết đứng, mà tay vẫn phải vịn". "Anh chị cho cháu đi khám chưa?". "Cũng đi một lần, bác sĩ bảo cháu bị tổn thương tế bào vận động tại tủy sống".
    Đêm ấy, ba đôi đã ở lại nhà anh Tấn. Người vợ trải chiếu, nấu cơm cho khách, chẳng mấy khi nói chuyện. Anh Tấn cười giải thích: "Cô ấy ít nói vậy chứ bụng hiền khô à". Tôi ưng Thơm cũng vì cô đã dám lao ra giữa phá vớt tôi lên khi tôi bị ngã xuống đã trong trạng thái giã gạo. Thoát khỏi cánh tay tử thần, nhưng về tôi ốm dầm dề cả tháng. Cô bạn gái đi cùng chuyến ngắm bình minh đó đã bỏ đi theo người khác. Biết tôi có một mình, Thơm thi thoảng đạp xe hơn chục cây số đến thăm, nấu cháo hến, cháo cá cho tôi ăn, tuy chẳng mấy khi nói gì. "Bố cô ấy kể, cô ấy sống dưới thuyền từ bé với bố. Mẹ mất sớm, chỉ có hai bố con nên cứ lầm lũi như hạt cát vậy. Ông cụ mới đưa con lên bờ được vài năm. Tôi về làm rể, ông cụ ưng bụng, chỉ dặn, nó ít nói bởi bụng lành, hai đứa phải thương yêu nhau. Chúng tôi vừa sinh thằng cu thì ông cụ ra đi, nhẹ như một cơn mưa nhỏ".
    Lúc hai đứa ngồi ngắm trăng đang lên huyền hoặc bên mái hiên, Định chém tay vào không khí nói về ý tưởng cho một truyện ngắn sắp dự thi. Truyện sẽ kể về vợ chồng thuyền chài nhưng kiểu gì cũng phải một kết cục bi đát mới gây ám ảnh và mang tính dự báo. Người chồng sẽ bỏ đi theo cô người yêu cũ lúc người chồng phát hiện ra đứa con không phải của mình. Đứa bé về sau bị liệt giường, phát bệnh mà chết khi xung quanh làng chài có mấy nhà máy mọc lên. Kết truyện là cảnh người vợ sẽ chèo thuyền đánh cá trong đêm mưa gió, tay lưới cứ thả mãi, thả mãi xuống dòng nước. Ánh trăng bỗng hoang lạnh, Thanh khẽ rùng mình.
    Sau một tuần về thành phố, họ gửi đứa con tinh thần cho nhau đọc.
    - Nhưng có điều kết u ám quá. Nếu anh Tấn mà đọc được truyện này thì anh ấy sẽ dìm anh xuống phá.
    Định cười:
    - Chắc gì đã gặp lại nhau. Với lại anh Tấn có bao giờ đọc báo đâu. Anh cũng đổi tên họ, địa điểm rồi. Em cứ sợ thế thì dám viết gì.
    - Em sợ sự u ám trong tác phẩm sẽ đưa vào tâm thức người đọc độc tố.
    - Cứ như em thì, truyện nhạt phèo. Kể mãi cái cảnh vợ chồng nghèo hằng ngày bên nhau đánh cá bên phá Tam Giang ấy thì có gì mới, rồi thằng cu con cuối cùng tập đi, biết ra đón bố mẹ trong cảnh nắng lên đầy ngõ ấy, cũ quá.
    Định góp ý cho Thanh sửa chỗ này, bớt chỗ kia, nhưng Thanh im lặng. Hai tuần sau, truyện của Định đã được đăng báo, gây xôn xao trong giới bạn bè văn chương trên Facebook. Hai tháng sau, truyện của Thanh mới được trình làng. Nhưng bất ngờ, khi công bố truyện của Thanh lại đoạt giải tư còn truyện của Định chỉ được vào vòng chung khảo. Tối đó, Thanh chờ Định ở quán cũ nhưng Định đã không tới, Định bảo bận đi gặp đối tác.
    *
    - Vội chi mô nà. Đi chậm thôi, cu Tôm à.
    - Ba mạ ơi!
    Điện thoại rung. Định gọi nhưng Thanh không bắt máy vì mải nhìn sang cu Tôm đang chống cây gậy, đi tập tễnh xuống bãi cát. Phía ấy có người đàn bà bê rổ cá, tôm vừa đánh bắt được trong đêm đang bước hối hả về phía thằng bé. Người cha vác tay lưới đi phía sau, mắt như có nắng ấm nhìn lên khuôn mặt đang nở nụ cười của cậu con trai. Thanh nhận ra ánh mắt có nắng ấy, bối rối bật tiếng hỏi bà cụ:
    - Cu Tôm chân bị sao mà phải chống gậy vậy bà?
    - Thằng bé bị bệnh yếu cái chân từ bé. Ba mạ kèm tập riết, bây chừ có thể đi được khúc ngắn. Đi trong cát, có cây gậy đỡ kẻo cuồng chân.
    Một cơn gió thổi tới, cuốn theo cát dưới bãi bay lên, xoáy từng vòng tròn trong nắng sớm. Hình như có hạt vừa rơi vào mắt Thanh.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Thu Hằng
» Cuộc Điện Thoại Ngày Mưa!
» Cuộc Điện Thoại Ngày Mưa
» Ngõ Tập Tàng Mùa Xuân
» Cỏ Màn Tiên
» Mặt Trời Trong Lòng Bàn Tay
» Lều Giấy
» Khi Lộc Vừng Trổ Hoa
» Biên Độ Đêm
» Mùi Bùn
» Bình Minh Yên Tĩnh
» Quãng Vắng Cuối Đồng
» Đôi Cánh
» Quỳnh Nở Về Khuya
» Cửa Gỗ, Cửa Sắt
» Cánh Chim Lạc Đàn
» Mùa Tỏi Bên Sông
» Duyên Bánh Đậu
» Gió Từ Sông Luộc
» Ra Đồng Gặp Một Người
» Mùa Tỏi Bên Sông
» Ánh Trăng Miền Châu Thổ
» Mùi Tỏi Cô Đơn