Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cách Ly Tác Giả: Trần Thúy Lành    
    Tờ mờ sáng, chiếc điện thoại di động đã được tắt chuông của Linh để ở cuối giường rung lên từng hồi. Linh cố gắng mở mắt. Đầu cô đau như búa bổ bởi cả đêm qua cô gần như thức trắng vì lo lắng, vừa chợp mắt được một chút thì đã phải tỉnh dậy. Linh quờ điện thoại, gạt màn hình để nghe điện: “A lô! Chị là... phải không? Chúng tôi thông báo cho chị biết, chị thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung...”. Đầu óc Linh quay cuồng, thế là không thoát được rồi. Suốt đêm qua, Linh thầm cầu nguyện cho chị Nguyên, mẹ bé Ngọc - học sinh lớp Linh chủ nhiệm sẽ có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhưng may mắn đã không xảy ra. Linh tiếp xúc và nói chuyện với chị Nguyên khi chị ấy đón con tan học.
    Linh chẳng nghĩ được gì nữa, đầu óc trống rỗng. Tiếng còi xe cứu thương hú rền vang ngoài đường phố làm bé Mi giật mình, khóc toáng lên. Linh không dám ôm con vào lòng như mọi khi, chỉ vỗ nhè nhẹ vào mông và xoa xoa lưng cho bé ngủ lại rồi đánh thức chồng đang ngủ say li bì ở giường bên cạnh với thằng cu lớn:
     - Anh! Dậy đi anh! - Linh vừa lay vai chồng vừa thúc giục - Chị phụ huynh kia dương tính rồi. Em thành F1. Em phải chuẩn bị ít đồ để vào khu cách ly đây, ba bố con anh là F2 rồi, tự cách ly tại nhà và lo cho nhau nhé.
    Chồng Linh bật dậy, lấy tay day hai bên mắt, hỏi dồn:
    - Gì cơ? Em nói gì cơ? Đi cách ly á? Thế ai cho con bé bú? Em đi thế này lấy ai sắm sửa, lo toan...
    - Thôi! - Linh cắt ngang lời chồng - Bây giờ sức khỏe và an toàn là trên hết. Anh đừng nghĩ đến việc gì khác. Nếu thấy khó khăn thì anh nhờ hai bà nội ngoại sang giúp đỡ. Còn con Mi đợt này em sẽ cai sữa luôn, cũng được 15 tháng rồi còn gì - Vừa nói, Linh vừa vơ vội mấy bộ quần áo, đồ dùng cá nhân, laptop cho vào vali.
    Xe đến, Linh chẳng kịp chờ hai con ngủ dậy, cũng chẳng dám thơm tạm biệt các con, vội trùm kín bộ đồ bảo hộ được phát và đeo khẩu trang, chỉ hở hai con mắt rồi trèo lên xe, kịp dặn với chồng một câu: “Em không sao đâu, anh chăm sóc các con nhé” rồi ngoảnh vội mặt đi, giấu ánh mắt hoe đỏ.
    Gần chục F1 ngồi trên xe giống Linh, ánh mắt ngơ ngác, buồn bã, hốt hoảng, chẳng ai nói với ai câu nào. Xe chạy ra đầu phố Linh mới biết các chốt đã được dựng lên ngay trong đêm qua. Các lực lượng chức năng đã thần tốc truy vết nên toàn bộ khu dân cư nhà Linh bây giờ đã bị phong tỏa. Đường phố vắng lặng khác hẳn thường ngày, nhiều nhà đóng kín cửa. Con phố chìm trong im lìm như sáng tinh mơ ngày mồng một Tết.
    Linh chứng kiến nhiều người được chở đến khu cách ly tập trung dành cho đối tượng F1, được chia vào các phòng và phát tờ ghi nội quy. Tiếng loa truyền thanh thông báo oang oang về những quy định phòng chống dịch Covid-19 khiến ai nấy đều nghĩ có lẽ tình hình căng lắm đây. Nhìn bọn trẻ con mầm non kín mít trong bộ quần áo mưa, ngơ ngác như gà con lạc mẹ mà Linh thương thắt lòng lại. Có đứa mếu máo khóc nhè khiến mấy cô y tá phải dỗ dành, khuyên nhủ và ấn vào tay chúng gói bim bim...
    Nhận phòng xong, Linh đi một vòng quanh khu cách ly để tìm xem nhà vệ sinh ở chỗ nào, việc ăn uống sẽ ra sao rồi xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm. Trời nóng như thiêu như đốt, mặc cho mồ hôi nhễ nhại nhưng các y bác sĩ vẫn quyết tâm làm thông trưa, đến tận đầu giờ chiều họ vẫn chưa nghỉ tay để đi ăn cơm. Tất cả phải được lấy mẫu xét nghiệm ngay trong ngày. Linh xăm xắn tham gia vào việc chia các suất cơm đến từng phòng. Cắp theo túi bánh mì của phòng mình thì vướng víu nên Linh để trên bàn nước cạnh hành lang, định bụng phát cơm xong sẽ quay lại lấy. Không ngờ quay đi ngoảnh lại, túi bánh mì đã không cánh mà bay. Linh hậm hực, làu bàu: “Tham! Vào đến đây rồi còn tham lam thế. Người đâu mà quá thể, có ăn được không mà lấy lắm thế”. Lúc về phòng, Linh sững lại khi thấy túi bánh mì để chình ình ở góc phòng. Cô bé công nhân trẻ măng, giọng hồn nhiên:
    - Em thấy túi bánh trên bàn nước ngoài kia, nghĩ phòng mình chưa có nên em cứ lấy, chiều đói còn có cái mà ăn vặt cho đỡ buồn mồm.
    Linh dặn:
    - Vào đây, cái gì không phải của mình thì em đừng tự lấy nhé!
    Cô gái vùng vằng, sẵng giọng:
    - Em biết rồi, đằng nào chả của phòng mình. May em lấy sớm chứ chị để đấy, đứa nào thó được thì cả phòng nhịn nhá. Các chị thấy đấy, bữa cơm trưa thì thiếu rau xanh, thịt thì thái rõ là nghệ thuật, chiều gặm bánh mì khô khốc, cứ thế này thì sinh bệnh thêm ấy chứ.
    Linh nín lặng, nuốt tiếng thở dài vào trong, thầm nghĩ: “Có cơm mà ăn đúng bữa, đúng giờ là tốt rồi”. Một chị công nhân lớn tuổi nhất phòng hất hàm ra hiệu cho mọi người nhìn ra khu lấy mẫu xét nghiệm:
    - Đấy! Những người mặc áo blouse trắng kia đã được ăn bữa trưa đâu mà chúng ta sắp được ăn bữa tối rồi đấy. Đừng có kêu ca phàn nàn gì nữa. Mỗi người biết điều một tí đi, xác định là ở đây không thể như ở nhà mình được.
    Mọi người im bặt.
    Đêm đầu tiên trong khu cách ly, Linh không sao ngủ được, cứ thao thức trằn trọc, có lúc tim thắt lại như nghẹt thở, hết nằm ngửa lại nằm nghiêng, có lúc phải ngồi dậy cho dễ thở và nghe ngóng. Tiếng ếch nhái ngoài đồng không mông quạnh vọng vào rõ mồn một. Thỉnh thoảng có con chim lợn bay qua kêu éc... éc... từng hồi nghe rợn cả tóc gáy. Khu cách ly này chính là ký túc xá của một trường đại học nhưng lâu rồi không sử dụng hết và chưa được sửa sang nên chân tường ẩm mốc, mọc cả rêu xanh, vôi vữa bong tróc khiến các bức tường lở loét, trông như cóc ghẻ. Mùi thuốc khử trùng vẫn vảng vất trong đầu nên Linh không dám bỏ khẩu trang cả khi đi ngủ.
    Nhưng Linh không ngủ được. Cô đếm đến 100, 200... rồi 1000... mà mắt vẫn tỉnh như sáo. Nằm trên cái giường tầng như hồi ở ký túc xá sinh viên bốn năm đại học thì cũng không đến nỗi lạ lẫm với Linh, chỉ khác là ngày trước bạn bè vui vẻ, tíu tít cười nói, trêu đùa, kể chuyện, dọa ma hay bật đèn học khuya thì bây giờ chẳng ai dám gần nhau hay nói chuyện chõ sang giường khác.
    Linh biết chục người trong căn phòng nhỏ bé này ai cũng đang lo lắng, bồn chồn, chẳng thể ngủ yên. Ai cũng sợ cái con vi rút vô hình và coi nhau như đối tượng nghi nhiễm nên phải giữ khoảng cách. Đa số họ là công nhân của một công ty lớn, chỉ có Linh là giáo viên. Mầm bệnh bùng phát ở chính nơi các công nhân làm việc nên phải chờ kết quả xét nghiệm diện rộng để sàng lọc thì mới yên tâm. Ngực Linh càng lúc càng tưng tức vì hai bầu sữa căng đầy, đau nhói. Linh băn khoăn không biết nên làm thế nào bây giờ, chỉ vì sự việc diễn ra nhanh quá, đột ngột quá nên cô chưa kịp mua thuốc uống cho tiêu sữa. Nghĩ đến con gái nhỏ ở nhà thiếu hơi mẹ, thèm bú sữa mẹ mà lòng Linh nôn nao. Sữa bỗng chảy ào ra ướt đẫm ngực áo. Linh vốn nhiều sữa nên con bé rất ít khi phải dùng thêm sữa ngoài. Không dám bật điện vì sợ mọi người tỉnh giấc, khó chịu nên Linh soi điện thoại vào vali, lấy một chiếc áo đi thay, tiện thể vắt sữa bớt đi cho ngực đỡ tức.
    Nhà vệ sinh ở tít cuối dãy, giữa đêm khuya vắng lặng như tờ, ánh điện ở hành lang chiếu hắt vào mờ mờ ảo ảo. Tiếng tắc kè vang lên khô khốc làm trống ngực Linh đập rộn lên. Vừa định bước vào thì Linh nhìn thấy một bóng áo trắng thập thò bên trong nhà vệ sinh nữ nhưng cửa không khép. Cô giật mình sững lại, mồ hôi rịn ra trán vì cảm giác sợ hãi nhưng cũng đánh bạo lên tiếng hỏi to:
    - Ai? Có ai trong đó vậy?
    Bóng áo trắng bước ra:
    - Tôi là bác sĩ Hoan. Tôi xong rồi, chị vào đi.
    Bấy giờ Linh mới nhìn rõ bộ đồ blouse trắng trên người nữ bác sĩ. Linh thở phào, bật cười:
    - Bác sĩ làm em hết hồn à! Em bị tức sữa, bác sĩ có thuốc tiêu sữa thì cho em xin vài viên nhé. Sữa trào ra làm em không tài nào ngủ được.
    - Chị chịu khó ngày nào cũng vắt sữa vài lần để khi hết thời gian cách ly thì sữa vẫn về cho con bú tiếp, chị nhé! Tôi phải làm thế đấy, con tôi mới được tám tháng. Ở nhà con không có sữa mẹ mà bú, ở đây thì mẹ phải vắt đổ đi.
    - Sao bác sĩ không xin nghỉ vì lý do con nhỏ, vào khu cách ly như này biết bao giờ mới hết dịch để về với con? - Linh thắc mắc.
    Bác sĩ Hoan lắc đầu:
    - Không! Ai lại xin nghỉ trong khi có lệnh lên đường chi viện cho tâm dịch. Công việc như hôm nay chị biết rồi đấy! Thiếu nhân lực là sẽ quá tải. Thôi! Chị vắt sữa rồi còn đi ngủ để bảo đảm sức khỏe. Cuộc chiến này còn lâu dài.
    Bác sĩ Hoan đi rồi, Linh vẫn còn nhìn hút theo bóng áo blouse trắng, bần thần một lúc, quên đi cảm giác tức sữa của mình. Hóa ra không phải chỉ có mình Linh đi cách ly khi đang cho con bú. Linh không biết trong khu nhà này, còn có bao nhiêu người phụ nữ đang nuôi con nhỏ như Linh. Vừa vắt sữa, Linh vừa tự an ủi mình để vơi đi nỗi nhớ con. Linh coi đây là dịp cai sữa bé Mi cho thuận tiện, chứ hồi cai sữa thằng lớn lúc nó hai tuổi cứ nhùng nhằng mất cả tháng trời, thậm chí Linh bị nó đuổi khắp nhà để “ti mẹ một miếng” vì khi ấy thằng bé đã nói rất sõi.
    Thi thoảng gọi điện thoại video về nhà, Linh thấy chồng như đang đánh vật với hai đứa con. Đứa ôm cổ bố, đứa nằm trong lòng đang bị bố ép uống sữa bình chưa quen nên khóc ngằn ngặt. Linh cổ vũ: “Ba bố con cố lên! Còn 6 ngày nữa thôi là mẹ Mi được về nhà rồi”. Nhìn mặt mẹ, nghe giọng nói quen thuộc của mẹ, bé Mi vùng dậy, càng khóc nức nở. Cái mặt mếu máo của con làm Linh giàn giụa nước mắt.
    Nhận kết quả xét nghiệm lần thứ hai âm tính, cả phòng chỉ thầm vui trong bụng chứ không ai dám reo to. Vì sau lần một âm tính vẫn xuất hiện mấy ca dương tính từ khu cách ly này. Mọi người đều hy vọng lần ba cũng cho kết quả âm tính để nhanh được về với gia đình, để trở lại cuộc sống bình thường. Nếu chỉ ngồi đếm thời gian, chờ đến bữa ăn thì quả là mệt mỏi.
    Hằng ngày, Linh vẫn tham gia cùng nhóm người tình nguyện dạy các bé và các ông bà già tập thể dục buổi sáng, buổi chiều, đi phát cơm, phát văn phòng phẩm tới từng phòng. Linh còn kiêm chân phát thanh viên, thông báo những bản tin nóng hổi và nhắc nhở mọi người về tinh thần phòng chống dịch bệnh. Linh chẳng chịu ngồi yên một chỗ, dù những việc đó không phải việc của riêng ai. Linh nghĩ mỗi người chung một tay thì công việc trong khu cách ly sẽ bớt căng thẳng.
    Nhận kết quả xét nghiệm lần ba, cả phòng Linh bàng hoàng vì có một người dương tính. Chị ấy được đưa đi điều trị thì phòng còn chín người. Tất cả được chuyển sang phòng cách ly mới để người ta phun hóa chất khử khuẩn. Thời gian cách ly dài thêm 14 ngày nữa khiến ai nấy đều buồn bã. Có người hậm hực: “Cứ thế này thì bị lây chéo mất”. Linh chỉ buồn vì nhớ con, thương chồng phải nghỉ việc không lương để ở nhà “đánh vật” với hai đứa nhỏ. Lúc gọi điện thông báo cho chồng, Linh cố nói giọng trêu đùa: “Thời gian an dưỡng của em thêm 14 ngày nữa nha”, nhưng khi thấy bé Mi òa khóc, giơ tay huơ huơ như đòi sà vào lòng mẹ là Linh tắt vội video và chuyển sang nhắn tin cho chồng. Nhắn xong, không thấy chồng nhắn lại, Linh ngồi bó gối ở góc phòng thật lâu, nhớ con quay quắt mà chẳng thể làm gì được. Sữa đã tiêu hết, ngực Linh không còn tức nữa nhưng cô vẫn có cảm giác nhoi nhói bên ngực trái mỗi khi nghe tiếng con khóc. “Phải phấn chấn lên nào!” - Linh tự nhủ và quyết tâm sắp xếp lại kế hoạch cho những ngày tiếp theo để thời gian trôi đi không vô ích.
    Đến tối, nhiều người được chuyển bớt sang khu cách ly mới nên chín người phòng Linh được chia ra làm đôi để bảo đảm khoảng cách an toàn. Vừa dọn chỗ ngủ xong, ngả lưng chưa ấm chỗ thì tiếng khóc nức nở ở dãy nhà đối diện vang lên khiến Linh bật dậy, ngó sang:
    - Không biết có chuyện gì thế? Ai làm sao mà khóc to thế nhỉ?
    Không được phép bước chân sang dãy nhà bên kia nên mọi người tự hỏi rồi tự nhìn nhau, đoán già đoán non. Linh nghĩ chắc cô gái nào nhớ nhà hay đau bụng, hay chia tay người yêu... Ôi, có hàng tá lý do để khóc. Nhưng Linh không ngờ, cô gái ấy là sinh viên trường y xung phong vào đội quân tình nguyện đi chống dịch, đêm qua nghe tin bố mất ở quê mà không được nhìn mặt bố lần cuối nên cứ khóc tức tưởi, đòi về chịu tang bố. Mọi người an ủi, động viên mãi cô ấy mới vững tâm ở lại.
    Sáng hôm sau, một bàn thờ được dựng vội ở khu cách ly. Lễ viếng được tổ chức giản dị, đơn sơ để người ra đi được siêu thoát, còn người ở lại cũng được thanh thản, nguôi ngoai phần nào. Linh không nhìn rõ mặt cô gái vì từ hôm vào đây, ai cũng đeo khẩu trang kín mít, chỉ hở hai con mắt nhưng Linh biết cô gái ấy thật kiên cường. Linh đứng vái vọng từ xa, thầm cầu mong cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc để mỗi người lại được trở về với gia đình của mình.
    Nhận kết quả xét nghiệm lần ba âm tính, cả phòng Linh reo lên mừng rỡ. Mọi người không ai bảo ai, vội vã gói ghém quần áo và đồ dùng cá nhân, chỉ chờ có thông báo là xách vali ra cổng. Ngoài kia, cuộc sống vẫn không ngừng chảy trôi. Ánh nắng chớm thu rực rỡ chan hòa. Linh ngửa mặt nhìn bầu trời bao la, những đám mây u ám đã tan ra tự khi nào. Bầu trời hôm nay sao mà xanh biếc...

Kết Thúc (END)
Trần Thúy Lành
» Hồi Hương
» Trở Về
» Sau Cánh Cửa
» Thiên Chức
» Cách Ly
» Ngôi Nhà Thừa Kế
» Điều Giản Dị
» Điểm Tựa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng