Mới sớm ra, cụ Tự đã lọ mọ sang nhà cụ Huyền. Dạo trước các cụ ở xóm thường lấy nhà cụ Huyền để làm nơi tụ tập chơi cờ, nhưng từ bận có dịch Covid-19 các cụ ít giao lưu hẳn. Nhưng mấy ngày nay làng Phượng Hùng rộn ràng hẳn lên chuẩn bị chào đón hai sự kiện quan trọng nên các cụ ở trong nhà cũng sốt ruột. Sự kiện thứ nhất là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thứ nữa là kỷ niệm 60 năm thành lập làng (1961-2021). Cùng một lúc, làng có sự kiện, cả tầm vĩ mô và vi mô. Bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp, ngày hội non sông, tầm quốc gia, vĩ mô là rõ rồi. Còn vi mô thì chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập làng, tròn một “hội” xây dựng quê hương mới, đồng thời triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã nữa. Ấy là nói chữ theo kiểu ông giáo Tác. Chứ với cụ Tự thì làng sắp mở hội. Hội bầu ra người tài đức lo việc xã hội, hội kỷ niệm ngày lập làng. Thế thôi. Thế là vui lắm rồi. Vi mô với vĩ mô làm gì cho phức tạp ra.
Đã tưởng mình là người đến sớm nhất, nào ngờ cánh ông Chiến, ông Tờ, ông giáo Tác đã ở đó rồi. Mọi người chào nhau. Cụ Huyền vẻ tất bật. Trong lúc cụ bà rửa ấm pha trà thì cụ đi lấy bộ bàn cờ. Vừa xếp quân cờ, cụ vừa nói chuyện với khách. Ông giáo Tác chăm chú xem ti vi. Đang mục nói về bầu cử, đúng vấn đề ông quan tâm. Cánh ông Tờ, ông Chiến thì bàn luận về tình hình Covid. Chỉ mới trao đổi với nhau dăm ba câu thì cụ bà Huyền đã xởi lởi mời mọi người uống trà. Sau đó, cuộc cờ bắt đầu. Kính lão đắc thọ. Cụ Huyền và cụ Tự giao đấu đầu tiên. Cánh ông Tác, ông Tờ, ông Chiến ngồi chầu rìa, cổ vũ.
Đi được dăm nước thì cụ Tự vuốt râu cười khà khà: “Làng này sướng nhất cụ Huyền các ông ạ”. Đang chuẩn bị xuất xe, nghe cụ Tự nói vậy, cụ Huyền ngẩng lên nhìn cụ Tự: “Sao cụ lại nói vậy? Tôi có gì mà sướng nhất làng?”. Cụ Tự nheo mắt nói: “Cụ chả sướng nhất làng thì còn ai vào đây nữa? Lớp tiền bối đưa làng lên đây đã ra đi gần hết cả rồi. Chỉ còn lại có cụ và mấy cụ khác nữa. Số này giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Trong đó, cụ lại là người minh mẫn hơn cả. Các cụ kia thì giờ nhớ nhớ quên quên. Thế chả là người sướng nhất à?”.
Ba ông nghe thấy thế cũng góp nhời. Ông giáo Tác nói: “Cụ Tự nói đúng đấy. Tuy không là người cao tuổi nhất nhưng cụ Huyền là công dân đầu tiên xây dựng làng này”. Ông Tờ quay sang hỏi cụ Huyền: “Có phải cụ ở trong đội tiền trạm năm sáu mốt không?”. “Phải”. Rồi cụ gật gù và nhắc thêm mấy vị nữa, trong đó có vị đã mất. Ký ức ngày đó ùa về, quên cả cuộc cờ, cụ hào hứng kể về những năm tháng đó. Cuối cùng, cụ bâng khuâng: “Giá cứ ở dưới xuôi thì có phải bây giờ mình đã là người thành thị rồi không?”. Đôi mắt cụ xa xăm, nói với mọi người mà như nói một mình vậy...
Thấy cụ Huyền có vẻ hoài niệm về quê cha đất tổ, ông giáo Tác chép miệng: “Đã đành là thế. Nhưng cụ ơi, làng mình giờ cũng có kém gì thành phố đâu. Xã nông thôn mới đầu tiên của huyện này. Làng mình được chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của xã này. Cụ thấy đấy, đường làng ngõ xóm đẹp chưa? Nhà cửa nhân dân khang trang, hoành tráng chưa? Đời sống bây giờ khác xa ngày mới lên rồi và cả những ngày xa xưa ở quê nữa cụ ạ”. “Vẫn biết vậy", cụ Huyền thở dài đáp.
Ông Tác tiếp lời động viên cụ Huyền: "Ngày bầu cử này, kính các cụ ra nhà văn hóa làng bỏ lá phiếu đầu tiên cho chúng con theo. Bỏ phiếu xong, xin mời các cụ ở lại chứng kiến vui cùng dân làng”.
“Thì vưỡn. Nhắc đến bầu cử, tôi mới nhớ. Gia đình cụ Huyền thuộc diện đặc biệt trong cuộc bầu cử này đấy. Các vị có biết đặc biệt ở điểm nào không?”, cụ Tự vuốt râu cười khà khà. Cả cụ Huyền và ba ông đều lắc đầu. Cụ Tự lại lên tiếng: “Cụ mà cũng không biết thật à? Thứ nhất, năm cụ đủ tuổi công dân thì đi tiền trạm khai hoang. Thứ hai, thằng Toàn cháu nội đích tôn của cụ, con bố Thắng đó, năm nay mười tám tuổi, đúng bằng tuổi cụ ngày xưa lên đây thì nay đến lượt nó cũng vừa đủ tuổi công dân và có luôn thẻ cử tri. Ối người đủ tuổi đó mà không đúng dịp bầu cử thì còn lâu mới có nha. Số thằng bé thế mà sướng. Làm công dân cái là có quyền và nghĩa vụ ngay. Thế chẳng đặc biệt thì là gì?”.
“Kể cũng đúng nhưng chưa đủ đâu cụ Tự ơi" - ông Chiến lên tiếng - "Làng này, cánh thanh niên tuổi ấy đầy, đâu chỉ có thằng Toàn nhà cụ Huyền?”. “Đã đành là thế" - cụ Tự tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình - "Cụ ấy đặc biệt còn ở chỗ là cả nhà đều có thẻ cử tri, đều được đi bầu cử các ông ạ. Ba thế hệ, hai vợ chồng già, hai vợ chồng trẻ, hai cháu nội. Vị chi là sáu công dân cứng cựa. Một trăm phần trăm nhé. Ngoài ra, nhà cụ Huyền còn gần chục công dân nữa làm hợp đồng cho xưởng mộc vợ chồng thằng Thắng đó. Và đặc biệt còn ở chỗ này này" - cụ Tự hạ giọng - "Anh Thắng, con trai cụ lại là ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân xã đấy. Nào, tôi hỏi cụ Huyền và các ông xem làng này có nhà nào như nhà cụ nữa không?”.
Cả cụ Huyền và ba ông khách cùng nhìn nhau ớ ra. Đúng là thế thật. Nhà cụ ấy toàn người lớn. Thằng Toàn út ít thì năm nay cũng đã có thẻ cử tri. Cái Trang chị nó, năm nay hai ba tuổi, chưa chồng, đang ở nhà. Vợ chồng Thắng Nhanh, bố mẹ hai đứa đó thì khỏi nói. Gần năm mươi tuổi, chí thú làm ăn, kế thừa nghề mộc truyền thống của cụ Huyền họ đã mở xưởng, thuê người làm, phát triển lên thành doanh nghiệp, bây giờ đã trở thành đại gia của làng rồi. Vừa có tài, vừa có đức, vợ chồng anh Thắng đã giúp bao nhiêu người trong làng này. Nguyên chuyện tạo công ăn việc làm cho cả chục lao động trong xưởng mộc đã đáng nể rồi. Nhờ xưởng đó mà nhà Khuyến Hằng, nhà Tạo Thảo thoát nghèo đấy. Rồi thì ủng hộ xây dựng cổng làng, sửa sang nhà văn hóa, cải tạo khu nghĩa trang nữa, công đức, từ thiện, tài trợ các phong trào, vợ chồng họ đều nhiệt tình hăng hái. Trong cuộc bầu cử này, hiệp thương lần thứ ba chốt danh sách, Thắng là doanh nhân thành đạt, ứng viên sáng giá của làng để tham gia Hội đồng Nhân dân xã khóa tới. Đúng là gia đình cụ ấy đặc biệt trong cuộc bầu cử này thật.
Cả ông giáo Tác, cả bản thân cụ Huyền và ông Chiến, ông Tờ nữa đều ngỡ ngàng về sự phát hiện của cụ Tự. Đúng lúc đó thì anh Huy trưởng thôn tới. Anh chào mọi người và thông báo về cuộc họp chiều nay của làng: “Cháu tới báo cho cụ Huyền, may quá gặp mấy cụ, mấy ông đây, tiện thể cho phép cháu được trân trọng mời các cụ, các ông chiều nay ra làng họp để nghe các ứng viên vận động tranh cử ạ. Mặc dù đã thông báo trên loa rồi nhưng cháu vẫn phải đi tới từng hộ để nhắc nhở kẻo mọi người quên”.
“Thế hả? Vừa mới đầu tháng họp bầu cử mà giờ lại họp là sao?”, ông Tờ hỏi lại. Trưởng thôn Huy giải thích: “Lần đó là họp hiệp thương, chốt danh sách ứng viên. Lần này họp để các ứng viên vận động tranh cử theo luật định, cụ và các ông ạ”. “Vậy hả? Thế là dân chủ quá rồi còn gì!" - cụ Tự vui vẻ nói - "Tôi thấy ai cũng xứng đáng cả”. “Chắc qua đợt vận động tranh cử này xem ai sáng giá hơn, kế hoạch, chương trình công tác oách hơn, hứa hẹn thiết thực hơn thì chọn chứ gì?”, ông Chiến nói. “Cháu cảm ơn ông ạ. Chiều, cháu mời các cụ ra nhà văn hóa họp nghe các ứng cử viên vận động tranh cử rồi quyết định bỏ phiếu hôm này ạ”, anh Huy nói xong chào mọi người rồi ra cổng. Bộ đội về được mấy năm thì anh Huy gánh vác nhiệm vụ trưởng thôn. Năng nổ, nhiệt tình lắm. Dân làng ai cũng mến, cũng yêu. Kỳ này, anh ấy cũng nằm trong danh sách ứng viên Hội đồng Nhân dân xã cùng với anh Thắng con cụ Huyền.
Ván cờ đó, mặc dù có “hội đồng cố vấn” hô hét, chỉ trỏ bên ngoài, thậm chí ông Tờ, ông Chiến nhiều lúc còn tranh cả quân cờ đi thay hai cụ nhưng mải chuyện bầu cử, giằng co mãi cuối cùng vẫn không phân thắng bại. Cụ Huyền sốt ruột quá lấy tay gạt các quân cờ, xóa thế nước đi trên bàn cờ và nói: “Thôi. Hôm nay hòa. Mà tôi thua cũng được. Bây giờ mời cụ Tự và các ông, ta nhâm nhi chén trà mới pha tiếp tục thảo luận về bầu cử. Cái này quan trọng hơn. Sau đó, ta ra nhà văn hóa xem sao?”.
Thế là chuyện lại ran như pháo nổ. Gần trưa, cuộc họp giải tán. Cụ Tự rủ cụ Huyền bách bộ ra nhà văn hóa. Hai cụ mỗi người một cái khẩu trang vừa đi vừa ngắm cảnh. Chưa tới ngày bầu cử mà băng cờ, khẩu hiệu, pa nô, áp phích đã thấy tưng bừng lắm. Hai cụ tiến tới bảng niêm yết danh sách cử tri, ngó sát bảng và đọc. Sau đó, hai cụ vào phòng truyền thống ngắm bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của làng. Đến khu treo ảnh các vị tiền bối đã có công “khai sơn phá thạch” lập dựng nên làng thì cả hai đều rưng rưng. Cụ Thục, cụ Út, cụ Chà, cụ Dộp, rồi cụ Pháp, cụ Kỳ, cả cụ Y, cụ Giao nữa. Chân dung các cụ còn đây mà bây giờ thân xác các cụ đã ở miền cực lạc rồi. "Những lần bầu cử trước, có các cụ đã rất vui. Lần này có tôi và cụ Tự, lớp đàn em của các cụ thôi nhưng không khí bầu cử vẫn rộn ràng lắm. Xin các cụ cứ an tâm yên nghỉ nhé. Làng quê mình bây giờ giàu đẹp, văn minh lắm, đúng tâm nguyện của các cụ ngày trước đấy", cụ Huyền lẩm nhẩm nói một mình rồi thò tay vào túi áo lấy cái khăn mùi xoa ra chấm chấm vào hai khóe mắt. Cụ đang xúc động. Bàn tay cụ chạm vào cái ví trong đó có ba tấm thẻ cử tri. Thẻ của hai vợ chồng cụ và thẻ của thằng cháu Toàn. Nó bảo cụ giữ hộ nó, hôm nào đi bầu cử thì cho nó xin lại. Cha cái thằng, chỉ được cái loang toàng. Sợ cất đâu quên mất đây mà. Thì để ông giữ. Nhưng phải biết có được nó không phải dễ dàng đâu. Bao máu xương đổ xuống đấy. Nó cười nói: “Cháu biết rồi. Học lịch sử thầy giáo chúng cháu dạy rõ lắm. Quyền công dân của một nước tự do, độc lập mà ông. Năm bốn sáu dân mình mới được thực thi cái quyền này ông nhỉ?”.
Thằng bé thế mà được. Cũng hiểu quyền và nghĩa vụ công dân đáo để. Thì lớn tướng rồi còn gì. Lại có trình độ nữa. Đâu như mình ngày trước, ở tuổi đó mới học có lớp bốn bình dân học vụ. Lớp công dân mới này của đất nước vừa khỏe khoắn, năng động lại vừa có trình độ. Yên tâm lắm. Dứt khoát hôm này cả nhà mình sẽ đi bầu cử từ sáng sớm. Mình sẽ dẫn đầu đoàn. Ngày hội lớn của cả nước, đoàn cử tri nhà mình đông nhất làng phải tập hợp đi cùng cho khí thế. Thì vưỡn. Lão Tự này nói đúng. Mình phải tự hào chứ. Nghĩ vậy, cụ lại mỉm cười thay cho niềm xúc động nhớ thương các vị tiền bối của làng.
Một làn gió hạ thổi tới khiến cụ Huyền thấy da thịt mình mơn man. Trên ngọn đa, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Vừa lúc đến giờ truyền thanh của xã, chiếc loa trên nóc nhà văn hóa vang lên khúc hát về bầu cử. Làng Phượng Hùng rộn ràng trong tiếng nhạc lời ca ngân vang…
Kết Thúc (END) |
|
|