Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Còn Có Ngày Mai Tác Giả: Trần Anh Thuận    
    Mấy chú nhóc quần đùi cởi trần vừa chạy vừa gọi:
    - Bà Lũng ơi, chú Thụy về… về !

    Bà Lũng rướn người lên, khổ thân bà, mắt mũi thế liệu có nhìn thấy con không? Người trong xóm đổ ra "nút" chặt lấy ngõ. Ông Kiên bảo mọi người tránh ra để bà Lũng đến với con. Thụy nhảy lò cò xộc đến:
    - Mẹ!
    Thân hình dỏng cao của anh cúi xuống ôm lấy mẹ. Bà hít hà hơi con, rồi troài người ra thoát khỏi đôi tay lực lưỡng của con và ôm ghì lấy khuôn mặt yêu quý ấy. Miệng bà méo xệch đi. Hơi từ vòm ngực còm của bà dội lên. Thanh âm của tiếng "con" đắm trong dòng nước mắt. Nước mắt của mẹ, con tan hòa vào nhau. Nhìn cảnh tượng ấy mọi người lặng đi cảm động. Tay bà lần sờ lên khuôn mặt con, vuốt vuốt vào hai cánh tay, rồi chạm phải cái nạng gỗ "Sao thế này con?" Người mẹ nhìn con bằng trái tim. Bà khom khom người sờ vào bên chân đi dép cao su, bên kia là ống quần buông thõng. "Con tôi". Bà nấc lên… nhưng ghìm lại được. "Trở về thế này là tốt rồi! Tốt rồi!". Chỉ người lính dạn dày trận mạc mới cảm nhận được cái rùng mình của mẹ. Anh ôm mẹ thật lâu. Bà Lũng như bừng tỉnh, nói với con:
    - Mẹ con mời bà con vào nhà uống nước cho phải đạo, con nhé!
    Thụy "dạ" khẽ: “Xin mời bà con vào nhà, mừng cháu trở về với xóm làng, quê hương ạ.”
    Mấy cô gái trẻ đã nhanh tay đun nước, rửa cốc chén, kê bàn ghế. Thụy lấy gói chè, bao thuốc đặt lên bàn.
    - Nhờ các bạn giúp hộ nhé!
    Ngoài sân kẻ đứng, người ngồi. Có người nhấp nhổm tiếp cận với Thụy. Rồi như "đồng khởi" những tiếng hỏi gối lên nhau như sóng: “Cháu chiến đấu ở chiến trường nào?”; “Cháu có gặp thằng Tiến trong B không?”; “Thằng Lộc ba năm không có dòng tin gửi về. Anh có gặp em nó không?”; “Thằng Quốc, có tin đồn hy sinh rồi. Ối trời ơi!...”. Thụy quay sang phải, sang trái, lùi lại đằng sau, tiến lên phía trước đáp lại cái nhìn rồi trả lời, câu hỏi của bà con chòm xóm.
    - Thưa bà con. Tôi lái xe tải, dọc đường Trường Sơn gặp nhiều người ở các tỉnh. Lần nào gặp đồng hương thì mừng lắm. Nắm chặt tay nhau động viên, nhắn gửi những thông tin cần thiết rồi lên đường ngay, không thì ùn tắc nguy hiểm vô cùng. Các ông bà, các bác, các chú cứ yên tâm. Giờ, xin các ông bà, các bác, chú, các em uống chén nước mừng tôi trở về với gia đình ạ.
    Non chiều mọi người giải tán. Lúc chỉ còn hai mẹ con, bà Lũng sụt sịt định hỏi con bị thương như thế nào? Nhưng biết tính con bà lại thôi. Bà lần vào trong buồng, lát sau trở ra cầm gói nhỏ bọc giấy ni lông, đưa cho con.
    - Có lạng cao hổ cốt, các anh ở huyện biếu mẹ. Con cầm lấy mà dùng. Bị thương nặng hao tổn xương máu lắm đấy… - Bà ngừng lại thăm dò ý con, sau tiếp - Con cứ nghỉ ngơi cho thoải mái bõ ngày gian lao vất vả. Cứ từ từ…
    - Xin tuân lệnh!
    Thụy chống nạng đứng lên chào kiểu quân sự rồi ngồi xuống bên mẹ. Bà vỗ vào tay con:
    - Cha bố anh!
    - Lạng hổ cốt này để bu dùng. Tuổi con chưa dùng được! Con dự định rồi. Mai mốt con đi quanh làng khảo sát cụ thể rồi báo cáo cho đồng chí bu biết. Báo cáo…
    - Thôi, thôi. Anh lém lỉnh lắm. Còn vấn đề "an cư lạc nghiệp" thì bu đã “dấm” cái Liên ở làng bên. Con biết nó đấy.
    - Thủ trưởng bu phải cho con thở đã chứ. – Anh nắm lấy tay mẹ, bóp nhẹ - Vâng, con tuân lệnh.
    Đêm. Thụy sờ bụng vợ:
    - Con trai hay con gái đây, em? - Liên thỏ thẻ:
    - Em cũng không biết nữa. Anh thích trai hay gái?
    - Cái đó không quan trọng. Làm sao phải nuôi dạy chúng nên người, em ạ. Mình thả bè muống, rau dút. Nuôi thêm con lợn, đàn gà, vịt. Anh sẽ hỏi trồng sen như thế nào rồi ươm trăm gốc sen - Thụy hạ giọng, tâm tình - Anh yêu em! Sen là Liên đấy. Anh áp má vào ngực Liên - Hương sen thơm quá! - Người vợ trẻ cười trong hạnh phúc.
    - Anh mở mang vườn, ao, chuồng có quá sức không? Mấy tháng trước anh bị sốt rét phải đi viện đấy?
    - Nhớ chứ. Thụy quả quyết: Thành công từ hai bàn tay mà em! Thụy hôn vợ, rồi nối lời “Đêm đã khuya ngủ đi em!” Liên nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Tiếng ngáy của vợ đã đều đều, Thụy với tay lấy nạng, lộc cộc ra khỏi buồng ngủ. Anh tựa vào vách liếp đan bằng nứa mắt nhìn ra mặt hồ phía xa kia. Những làn sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ như động viên anh. Anh nhớ lại hơn năm trước huyện và xã đồng ý cấp cho anh một khoảng ao đầu làng để anh mở hàng tạp hóa sinh sống. Anh mừng và rất lo lắng. Mừng vì có chỗ để mưu sinh. Lo vì ở chiến trường ra không đồng xu dính túi. Phải mạnh dạn lên! Chưa thử sức thì không bao giờ tới đích. Và thật may anh gặp người bạn tốt cho anh tìm đến Hội Cựu chiến binh tỉnh, đồng đội, bạn bè… Tất cả, hợp sức, chung tay lại giúp Thụy.
    Và giờ anh thương binh Thụy đã sờ thấy, nhìn thấy và nắm bắt được mạch sống giúp anh tồn tại, phụng dưỡng mẹ già, nuôi vợ con…
    Thụy tựa vào vách liếp nghĩ miên man. Mắt anh đuổi theo con sóng mang theo ánh trăng. Anh phác thảo trong đầu kế hoạch cho ngày mai, ngày kia. Rồi tuần sau, tuần kế tiếp. Và xa hơn nữa.
    Dân làng quý mến anh ở phẩm chất người lính dũng cảm và sống chân thành vì thế cửa hàng tạp hóa Hồ Sen ngày càng đông khách. Người đi đâu về, hay làm ruộng xong đều tạt vào quán ngồi nghỉ, uống chén nước, ngắm sen, nhìn đàn gà, đàn vịt không chán mắt. Bà con trao đổi với nhau thông tin trong làng ngoài xóm. Thụy cả ngày "bắt vít" vào cửa hàng. Đã có lần Liên tỏ ra không bằng lòng thấy Thụy bán chịu. Cô phàn nàn: "Rồi có ngày không có tiền đong gạo huống chi đi lấy hàng!". Thụy cười cười: "Người làng cả mà, họ thật thà lắm. Có tiền là trả ngay". Sang tháng thứ chín, bụng Liên to kềnh càng, đi đứng khó khăn. Liên nhâm nhẩm đau bụng. Thụy cùng em gái Liên đưa Liên đến trạm xá xã. Cô y sĩ khám cho Liên bảo đây là ca khó sinh, phải chuyển lên tuyến huyện. Mùi thuốc tỏa lan. Những dụng cụ y tế loảng xoảng va đập vào nhau. Thụy nắm chặt tay vợ: "Em yên tâm, có các bác sĩ ở đây rồi!". Liên nới rộng ngón tay của mình với chồng vào cuộc vượt cạn đầy cam go…
    Giờ thì Liên đã tỉnh. Tay cô sờ vào cái chăn bên cạnh. "Con đâu anh?". Thụy ân cần đáp: "Con nằm trong lồng ấp điện em ạ". “Bao giờ con về với em?". "Vài ba ngày …". "Con khỏe không anh?". "Khỏe!". "Vậy em yên tâm rồi!". "Em ăn tý cháo cho lại sức". Lúc em gái vào Liên hỏi nhỏ: “Cháu có ngoan không? Cách phòng này có xa không?”, “Cháu ngoan. Cách xa ba phòng. Chị yên tâm!”
    Đến ngày thứ 4, y tá được lệnh của bác sĩ bế trẻ sơ sinh đặt cạnh sản phụ Liên. Người mẹ trẻ nở nụ cười đón con. Nhìn khuôn mặt đỏ hồng cô toại nguyện. Liên nhìn chồng: “Cái tã này không phải của con”. Thụy chưa kịp phản ứng cô đã nghiêng người, giở cái tã ra. Đôi chân dị tật của con đập vào mắt cô. Liên ú ớ rồi gục xuống giường. Thụy đỡ lấy Liên, cô em gái chạy đi gọi bác sĩ trực …
    Được cấp cứu, Liên đã tỉnh. Sắc mặt cô thất thần. Hỏi ăn gì cô cũng lắc đầu. Thụy nhắc cho con bú, cô không trả lời. Cho đến khi bé khóc lặng đi vì đói, Liên mới cho bú. Lặng lẽ, thờ ơ, vô cảm. Nhìn thái độ của chị, em gái chỉ biết thở dài. Thụy vẫn tươi cười, động viên, khích lệ. Nhưng thâm tâm anh biết đây là vấn đề rất khó khăn, nan giải. Nếu mai kia mẹ anh biết thì sao? Còn xóm làng nữa, miệng lưỡi thế gian? Chính bản thân Thụy cũng không biết tại sao lại thế? Ừ, trước mắt phải động viên vợ, và chuẩn bị tư tưởng cho mẹ. Một tuần sau xuất viện. Suốt quãng đường dài Liên không nói một lời. Cô em gái lặng nhìn anh rể cảm thương. Bà Lũng ra tận đầu đường đón cháu nội. Ấm trà xanh đã hãm. Nồi cháo gà thơm phức. Chỉ chờ cháu con về là chung vui…
    Giường mẹ con Liên nằm trong buồng được mẹ chồng dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mọi thứ tươm tất. Khi con khóc, Thụy khẽ nhắc Liên mới cho con bú. Bà Lũng đi ra đi vào mong được sờ lên người thằng cháu đích tôn tìm lại hòn máu đỏ con mình ngày xưa xa… Thụy nói nhỏ với mẹ: "Cháu ngủ rồi mẹ ạ". Tiếng mẹ âu yếm:
    - Thằng "chó con" ngoan quá! - Ngừng lại giây lát bà sực nhớ ra - Ý vợ chồng đã đặt tên con chưa?
    - Đặt tên cháu là Thùy. Bởi bố là Thụy rồi mà.
    - Bố Thụy, con là Thùy. Thụy, Thùy. Ừ, được đấy, con ạ!
    Không biết nguồn tin từ đâu mà cả làng, cả xã xì xào biết thằng con Thụy bị dị tật cả hai chân. Những người đến mua hàng cứ ngong ngóng muốn nhìn thấy tận mắt xem dị tật của đứa bé. Bà Lũng buồn lắm!
    Thụy đến cạnh mẹ, nắm lấy tay bà, ôn tồn:
    - Kệ họ, mẹ ạ. Bịt làm sao được miệng lưỡi thế gian. Thời gian sẽ làm sáng tỏ hết mọi việc. Mẹ ơi, ân tình sâu sắc thường đến từ lẽ phải đấy ạ.
    Nước mắt người mẹ già rơi xuống ướt đẫm tay mình, tay con …
    Liên nằm cho con bú. Nằm thế thì Liên không nhìn thấy đôi chân tật nguyền của bé. Thụy nhận ra điều đó. Anh nhẹ nhàng góp ý, Liên vẫn không sửa. Thụy cất công đi sưu tầm các bài hát, bài thơ viết về tình mẹ con cho Liên. Nhưng nào cô có đọc có ngâm cho con đâu. Thụy sợ nhất nơi không có tình người, lạnh tình mẹ con. Hay Liên bị bệnh trầm cảm? Anh linh tính có một ngày …
    Lúc rỗi mẹ con Thụy thay nhau bóp chân tay cho Thùy. Thằng "chó con" có vẻ thích lắm. Bà nội vừa làm vừa khấn cầu cho cháu. Bà lạy Đức Phật từ bi, lạy ông nội liệt sĩ để chân cháu trở lại bình thường như con nhà người. Thế là vui lắm rồi, có mệnh hệ nào bà có thể nhắm mắt đi theo ông nhà …
    Sau sinh nhật bé Thùy một năm, Thụy đi lấy hàng. Quá trưa anh mới về. Từ xa đã nghe thấy Thùy khóc ngằn ngặt. Anh lao xe vào mép cửa.
    - Liên ơi, sao con khóc thế?
    Anh gọi hai, ba lần không thấy trả lời. Vào đến cửa buồng thấy mẹ nằm vật trên sàn nhà, bên cạnh là mảnh bát vỡ, cháo bắn tứ tung. Thụy phần nào hiểu sự việc diễn ra từ lúc anh đi. Một tay anh lay mẹ, tay kia anh vỗ về con. Lát sau mẹ ú ớ mở mắt, nhỏm dậy. Mẹ nhìn anh như có lỗi.
    - Mẹ không thấy cái Liên đâu. Gọi cũng không thấy lên tiếng. Cu Thùy khóc vì đói sữa. Mẹ đành nhóm bếp nấu cháo.
    Anh ôm lấy con nói cho mẹ yên lòng:
    - Chắc cô ấy có việc đi đâu, hẳn sắp về. Mẹ có đau lắm không? Cháo có còn không ạ? Cháu mệt quá, ngủ rồi. Nào, mẹ bám vào tay con, con vực mẹ dậy. Nào… nào… Nói với mẹ thế chứ lòng anh rừng rực như núi lửa bắt đầu hoạt động phun nham thạch. Trong đầu anh bao chữ "nếu" đặt ra. Chữ "nếu" này đẩy anh vào vòi bạch tuộc khổng lồ. Anh tự nhủ mình: Phải bình tĩnh, thật bình tĩnh! Anh chợt nhớ lời thủ trưởng đơn vị khi anh từ "cõi chết" trở về: "Anh là người bạn tốt nhất của bản thân khi anh là người dũng cảm!". Thụy căng người lên để làm việc. Anh đến hỏi bố mẹ vợ, ông bà bảo không về. Và hứa đi hỏi thăm họ hàng xem Liên có về không? Hôm sau đã thấy ông bà ngoại lễ mễ khoác túi to túi nhỏ (đường sữa, áo quần …) đến thăm cháu. Những cử chỉ ấm tình người như thế... Thụy gạn hỏi bè bạn của Liên đều nhận được cái lắc đầu. Thụy duy nhất bám vào chút hy vọng: nhớ thương con mà ngày một, ngày hai Liên quay về.
    Nhưng rồi một tuần… Một tháng… Một năm… dài như thế kỷ. Vẫn không một dòng tin, lá thư Liên gửi về.
    * * *
    Thụy vừa là bố, là mẹ và cũng là bạn của bé Thùy. Bé Thùy có đôi tay khỏe và rất khéo. Nhìn cách "đi" của Thùy, bà và bố chảy nước mắt. Mừng và thương. Đã có lần bé hỏi: "Sao bà và bố lại khóc? Có phải Thùy không ngoan?". Bà vội lau nước mắt, bố quay mặt đi. Hai tay Thùy xòe ra chống xuống giường nâng cả cơ thể lên. Còn hai cái chân dị dạng được lẳng về phía trước, cái mông khéo léo đỡ lấy cơ thể. Thùy đã "đi" như thế đấy.
    Nhiều ngày quan sát Thùy "đi", Thụy đã nghĩ ra cách giúp con "đi" trong nhà, ra đường và đến cả trường nữa. Đấy là Thụy nhớ đến đôi guốc gỗ mộc ngày xưa. Và thế là anh hối hả mượn cưa, đục, bào, gỗ để làm. Thùy ngồi trên giường xem bố làm. Cái mà Thùy "đi" bằng tay giống cái ghế bà, bố ngồi, nấu cơm, đun nước, nhưng nó nhỏ, nhẹ, xinh xắn. Làm xong hai cái "guốc" Thụy hướng dẫn và bảo con "đi" thử. Lúc đầu còn lúng túng, sau được chỉ dẫn tận tình, cu cậu quen dần, "đi" khá nhẹ nhàng và nhanh nữa. Bé Thùy sướng lắm, cười nói luôn miệng, cầm tay bố vuốt vuốt, nói:
    - Con cảm ơn bố bằng trời!
    Nghe hai bố con nói chuyện nước mắt bà nội chảy ròng ròng. "Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả!". Tiếng "guốc đi" của thằng cháu nội "đóng đanh" vào tâm trí bà. Và từ đây bà chỉ nghe hai âm thanh: tiếng nạng gỗ và tiếng "guốc đi" của hai người đàn ông trong nhà. Bà sẽ nhận ra đâu là con là cháu ngay. Những âm thanh đó đem đến cho bà một chút thư thái, vui vui. Sáng dạ, Thùy còn viết, đọc được những chữ cái a, b, c … và con số từ 1 đến 10 cơ đấy …
    Sắp tới cháu bà đi học. Liệu cháu có mặc cảm không khi bố thế, con thế? …
    Cuối tháng 4. Thụy nhận được thư Liên. Lá thư bị nhòe ở nhiều chỗ, chắc Liên đã suy nghĩ rất nhiều, khóc nhiều, vừa khóc vừa viết!
    "Ngày …. tháng …. năm …..
    Thụy kính mến!
    Chắc mẹ và anh nguyền rủa em nhiều lắm?" Hổ dữ không ăn thịt con", nhưng đằng này …Em quỳ xuống cầu xin mẹ, bố con anh tha thứ để em được trở về tổ ấm chăm sóc mẹ lúc tuổi già và ngày ngày đưa đón con đi học. Và …
    Cho em lạy mẹ ngàn lạy.
    Xin anh cho em được một lần được nghe con gọi "mẹ", rồi em có bị đánh, đuổi đi, em cũng cam lòng!
    Mong gặp lại anh và con!
    Liên."
    Thụy đã thăm dò mẹ, mẹ chỉ thở dài, im lặng. Hỏi Thùy, con hớn hở ra mặt. Nó hỏi bao giờ mẹ về, mẹ mua đồ chơi gì cho con? Hôm đón mẹ con mặc áo gì? Nhưng mẹ nhìn thấy bố con mình thế này thì … Đôi mắt đen tròn như hai hạt nhãn ầng ậc nước mắt. Còn Thụy? Thụy tha thứ, tha thứ tất cả. Trái tim vẫn ấm tiếng gọi "Liên ơi, em ơi! Bố con anh đang chờ em!”
    Sau tiếng thở dài, bà Lũng nhìn thằng Thùy, bà biết nó đang háo hức đợi mẹ, bất chợt bà thấy nao nao lòng. Bà vội ra ngoài sân, giữa trưa nắng, đàn gà con chiêm chiếp gọi mẹ nghe rộn ràng.

Kết Thúc (END)
Trần Anh Thuận
» Còn Có Ngày Mai
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam