Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đi Ra Từ Làng Tác Giả: Nguyễn Trọng Hoạt    
    Với người quê tôi, “đi ra” không chỉ ngược lại với “đi vô” mà còn có nghĩa đi ra khỏi làng, sống tha hương. Người đi ra trong trường hợp này được người ngồi nhà trông theo với bao kỳ vọng. Trong suy nghĩ của nhiều người, đã đi ra đương nhiên phải hơn người ở lại, có thể học vấn, tiền tài, vinh hoa phú quý hay cộng các thứ đó lại. Nếu không được thế thì ở nhà cày ruộng, băm bèo nuôi heo hay cầm sào chăn vịt; đi ra làm gì cho mang tiếng (?).
    
    Lắm người ở xa nhưng thông tin về họ được người ở quê cập nhật sát sao; ai vừa được bổ nhiệm chức to, ai mua đất cất nhà mới hay vừa tậu xe sang… đều được người làng biết tuốt. Cùng với đó là dự báo độ thăng tiến của kẻ đi xa, thường thì có sự đi tắt đón đầu hay cơi nới chút ít.
    
    Chẳng hạn, ai đó chưa lên chức nhưng người thân đã khẩn trương tự phong từ lâu; rồi có thể bơm thổi sự thành đạt hay độ giàu sang của ai đó để câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Đã đi ra đồng thời đi xa mới oách, chưa cần biết làm gì nhưng nghe nói ở Hà Nội hay Sài Gòn… vẫn khoái hơn quẩn quanh ở huyện, xã.
    
    Kẻ đi ra tất nhiên rất thuộc thói sĩ diện của quê mình nên đáp lại theo kiểu khác nhau. Người thì cố vượt lên chính mình để thành đạt bằng nội lực nhưng cũng lắm kẻ tìm cách thể hiện tinh vi, có khi ngụy tạo. Ấy là điều tôi ngộ ra qua chuyện của hai chàng trai gần nhà, lại là con cháu cùng dòng họ.
    
    Tôi nhớ, Điền rời liềm cuốc lên thành phố cầm cái bay đứng trên giàn giáo từ khi chưa tròn mười tám tuổi. Cái nghề phơi mưa đội nắng cùng vôi vữa chắc chẳng cho cậu khá hơn việc cuốc cày. Từ người Điền toát lên sự lam lũ đi cùng năm tháng - da đen, dáng tất bật, áo quần cũ nhàu; nghe giọng nói là định vị ngay nơi cắt rốn khô cằn, dù cậu xa quê đã lâu.
    
    Nhìn cái xe Điền đi là biết độ phát triển kinh tế của chủ nhân chắc túc tắc như người già đi bộ. Xe đạp một thời gian dài rồi tới chiếc xe máy mới ta cũ người; và nay, khi nhiều người làm ăn xa về làng chễm chệ trên xe hơi thì cậu vẫn khom người trên chiếc xe tay ga bong sơn, vẹt lốp. Nhìn Điền, tôi thầm nghĩ, giàu sang chắc khó đến với đứa cháu cứ quê mùa như ruộng rẫy.
    
    Cũng gần nhà tôi nhưng Ninh thì khác, cậu lên thành phố học rồi lập nghiệp trên đó. Ngày cậu đưa vợ về làm xôn xao xóm nhỏ; chẳng những vợ xinh như công chúa trong chuyện đời xưa tái thế mà cậu cũng rất xứng đôi; đặc biệt cậu đổi thay như đập đi làm lại, từ ăn mặc đến đi đứng, nói năng. Người già mắt kém như tôi không tường đã đành, ngay lũ trẻ cũng tròn mắt bởi người quen nay đã hóa thành kẻ lạ.
    
    Về quê, Ninh đi thăm láng giềng khắp lượt, dù nhà này cách nhà kia chỉ vài chục bước chân nhưng cậu vẫn ngự trên ô-tô bóng nhoáng với máy điều hòa mát lạnh. Lúc đầu tôi tưởng điếu thuốc cậu ngậm lệch cả mồm là thuốc lá quấn của các bà nghiện, sau mới biết xì-gà; càng sửng sốt khi nghe, dồn hai tháng trợ cấp của Nhà nước cho người già như tôi chưa chắc đã mua được một điếu! Cả bộ đồ đi cùng để hút điếu thuốc khủng kia, từ cái gạt tàn giống như cái giá treo khẩu pháo đến chiếc bật lửa hệt chiếc đèn khò thui chân giò làm giả cầy đã khiến nhiều người lác mắt.
    Mỗi lần thấy Ninh về là mấy bà bán hàng ở chợ đầu làng tranh nhau nở nụ cười khuyến mãi và mời chào ơi ới, sướng như gặp thượng đế đến từ hành tinh khác. Không những cậu mua nhiều mua nhanh mà còn thoáng thôi rồi; chẳng mặc cả bao giờ, thừa năm mười ngàn là cậu tươi cười, khoát tay lia lịa: “Thôi, thôi, không phải thối!” Cậu đi rồi mà lời xuýt xoa còn vẳng theo: “Người thành phố có khác!!!”
    Trong khi Ninh phô bày sự giàu sang thì Điền cứ như muốn con cũng biết sự nghèo khó của quê mình. Đưa con về quê, cậu dẫn đi chỉ từ dòng sông sau làng rất hung dữ vào mùa lụt đến những vồng khoai queo quắt trên trảng cát trước nhà, từ vũng nước ngày xưa cậu hay tát cá đến cánh đồng chăn trâu cắt cỏ thuở nhỏ. Việc nhà nông với thợ xây cũng na ná như bùn đất với vôi vữa nên về quê là Điền lại chân đất, quần đùi áo cộc rồi cuốc đất, tỉa trồng, lại kéo xe rùa đi quanh xóm xin phân chuồng.
    
    Ninh về thường sà ngay vào quán cà phê đầu làng, tán dóc cả buổi để rồi sau đó chuyện thành đạt của cậu phát tán nhanh như sóng điện. Hơn thế, cậu thường bao luôn chầu cà phê hay bữa nhậu cho những người ngồi cùng nên lời ngợi ca càng lan xa bát ngát. Lạ là Ninh rất khỏe chém gió trước mấy người quanh quẩn trong làng nhưng ngồi với những kẻ từ quê lên phố như cậu thì im re, chẳng rõ sợ đụng hàng hay có điều chi khuất tất.
    
    Không biết tự bao giờ, người trong xóm thường lấy Ninh và Điền làm gương tương phản để răn con bảo cháu: “Đã đi ra thì phải cố cho được như cậu Ninh mới xứng; còn như Điền thì thôi!”. Ngay sau đó là chuyện về hai con dân của làng với thái độ trái ngược - tán dương nể phục và nhạt nhẽo hững hờ.
    
    Người quê tôi rất chuộng cái “tiếng” nên lắm khi hành xử theo kiểu con gà tức nhau tiếng gáy, thấy người cưỡi ngựa đánh bò gãy chân. Chỉ lướt qua cũng thấy thói sĩ diện thấp thoáng trong những việc thường tình. Đám cưới thì càng nhiều mâm cỗ càng thích; vậy nên có khi quen sơ sơ cũng dúi cho cái thiệp mời khiến người nhận cười dở mếu dở, rồi thì cỗ bàn thừa mứa ê hề. Đám ma thì đếm vòng hoa và xe đưa rồi trầm trồ tán dương hay lắc đầu ta thán, tùy nhiều hay ít.
    
    Con làm ăn xa về thăm mẹ cha, cứ đánh chiếc xe hơi để chình ình trước sân là như sáng cả góc trời, như cho thiên hạ lé mắt và tất nhiên phụ mẫu thêm phần mát mặt, không cần biết xe chính chủ hay thuê mượn. Con lên thành phố mở tiệm may, chỉ kêu thêm vài thợ cùng làm là có thể trở thành giám đốc công ty như quảng bá của cha mẹ… Chuyện na ná như thế còn nhiều.
    
    
- o O o -

    Mới rồi, tiện thể lên thành phố khám bệnh, tôi đến thăm Điền và Ninh; tiếng là thăm nhưng chủ yếu là vận động hai cậu đóng góp đại trùng tu từ đường dòng họ. Chờ các cậu về quê nói chuyện cũng được nhưng tôi nghĩ, người đứng đầu gia tộc đến tận nhà trao đổi thì sẽ thuyết phục hơn, dù cả hai đều thuộc hàng con cháu. Nghe tôi gọi, Điền phấn chấn “dạ, dạ” liên hồi rồi chạy xe tới cổng bệnh viện đón.
    
    Ngạc nhiên đầu tiên của tôi là nhà Điền khang trang quá, phòng khách sáng choang, mát rượi; từ bàn ghế đến tranh ảnh treo tường, từ bộ ấm trà đến hòn non bộ ở góc nhà đều hài hòa, trang nhã. Dù biết Điền đã thành chủ thầu xây dựng nhưng tôi không nghĩ cậu khá giả đến thế. Tôi nhìn mãi câu thơ của danh nhân Nguyễn Trãi được khắc trên gỗ, chắc chủ nhà tâm đắc lắm nên mới treo trân trọng trên cao như thế: “Nên thợ nên thầy vì có học/Có ăn có mặc bởi hay làm.” Tôi buột miệng thành thật: “Cậu như này mà về quê cứ giả nghèo!?”. Đáp lại là giọng xuề xòa lẫn trong tiếng cười hồn nhiên: “Có giàu đâu mà giả nghèo, hả bác!?”.
    
    Chẳng chờ người đứng đầu dòng họ thuyết khách dài dòng về việc đóng góp xây dựng từ đường, cậu nói nhanh: “Trước mắt, cháu xin góp 50 triệu.” Tôi mừng không chỉ vì số tiền góp gấp mười lần so với định mức mỗi hộ trong gia tộc mà còn vì sự nồng nhiệt của đứa cháu trước việc trọng đại của dòng họ.
    
    Tuy nhiên, tôi lấy làm lạ khi Điền chần chừ trước lời đề nghị đưa tôi qua nhà Ninh. Cậu kiếm cớ thoái thác, nào là giờ này chắc Ninh không có nhà, nào là đường xa, lại hay bị kẹt xe. Cậu còn lái người đứng đầu dòng họ theo ý mình: “Hay bác chờ bữa nào Ninh về quê, gặp cũng được.” Thấy tôi quyết không bỏ ý định bằng cách nhờ gọi xe ôm, Điền mới chiều.
    
    Tiếp diễn sau đó đã cho tôi hiểu lý do chần chừ của Điền. Khi gần tới cổng, thấy Ninh ngồi trên chiếc xe đã nổ máy, Điền gọi giật giọng, tôi thì nhoài người qua bên vẫy tay, ra hiệu là người quen. Ninh ngoái lại, vẻ như nhận ra chúng tôi nhưng rồi bất ngờ rồ ga biến vội trước sự ngơ ngác của người thân.
    
    Chưa kịp hiểu đầu đuôi, tôi bần thần đứng nhìn hai dãy nhà dài đối diện nhau qua lối đi ở giữa, có nhiều phòng, nhiều xe máy và áo quần treo đầy trên dây phơi. Tôi ngạc nhiên: “Nhà Ninh đây sao?”. Điền nói khẽ, giọng rời rạc, như bẽ bàng thay cho bạn: “Đúng hơn là cậu ấy… thuê trọ ở đây, bác ạ.”
    
    Tần ngần một lúc rồi hai bác cháu quay lui. Phố xá loang loáng, tôi ngồi phía sau nghĩ ngợi mông lung. Chợt nảy ra thắc mắc, tôi ghé tai Điền: “Phải thuê trọ nhưng sao Ninh không dành tiền mua đất làm nhà, lại sắm ô-tô nhỉ!?”. Điền lờ đi, giả như đang tập trung lái xe hay không nghe. Tôi lặp lại điều thắc mắc; cậu ngập ngừng rồi lên tiếng; tôi lại thêm một lần hẫng hụt khi nghe: “Xe cậu ấy… thuê đấy, bác ạ”.
    
    Sự trốn chạy của Ninh cứ ám ảnh tôi, vừa giận vừa thương, rồi tự vấn: “Sao thế nhỉ?”. Bất chợt tôi chua chát nhận ra hình như mình cũng có phần can dự trong lỗi lầm của cậu ấy. Bởi chính thói sĩ diện của những người xung quanh có khi là tác nhân dẫn tới bi hài kịch như đứa cháu tôi đã diễn.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Trọng Hoạt
» Với Tình Yêu
» Ông Lão Nằm Viện
» Ngày Hạnh Phúc
» Những Chiếc Ghế
» Mùa Hạ Trong Tim
» Người Về Để Lại
» Thầy Trò Xưa Nay
» Ngược Chiều Đón Tết
» Đi Ra Từ Làng
» Con Út
» Tiếng Của Ai Cũng Quý
» Lửa Cũng Khác Nhau
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )