Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Phố Ốm Tác Giả: Sưu Tầm    
    Đột nhiên, tôi nhớ quay quắt cái không khí ấm áp khi cuộn mình trong ổ rơm, bên bếp lửa đốt bằng gộc tre của mùa đông miền Bắc 40 - 45 năm trước. Đó là cảm giác an lành trong nghèo khó. Củi gộc nỏ, ngọn lửa kêu tí tách, thỉnh thoảng lại bắn vài tia hoa lửa lên trời. Nằm co quắp sát đống lửa, bóng thằng bé con là tôi hắt lên choán hết cả bức tường đất đen kịt bồ hóng. Lửa cháy lắt leo, cái bóng trên tường lay động, không rõ hình hài. Dưới ổ rơm là một thằng bé còi cọc. Trên bức tường, bóng tôi là một gã khổng lồ chập chờn. Gã khổng lồ đang ốm, mong manh và yếu ớt. Bóng cứ lụi dần, nhòe dần khi ngọn lửa tàn đi. Đến đó thôi là ký ức tôi cũng chìm vào giấc ngủ cay cay mùi khói bếp.
    Không hiểu sao cái hình ảnh “người khổng lồ đang ốm” cứ trăn qua trở lại trong ý nghĩ của tôi suốt những ngày hè qua. Nó xuất hiện lần đầu khi tôi chạy xe máy chầm chậm trên đường phố rộng thênh thang, thưa thớt người qua lại của Sài Gòn mùa giãn cách. Bình thường, ngày cũng như đêm, phố luôn nườm nượp, ùn ứ mỗi đầu giờ sáng hoặc lúc tan tầm. Ngụ cư hơn 30 năm, phố của tôi chật hẹp, khi nào cũng hối hả và ồn ã. Giờ khác. Phố rộng thênh thang, chậm rãi và im vắng. Dường như nghe được cả tiếng thở dài rất khẽ của ai đó ở phía cuối con đường. Phố ốm. Người khổng lồ đang ốm.
    Ký ức và thực tại dường như chẳng ăn nhập gì với nhau, không đủ mà cũng chẳng hợp để thành một phép so sánh. Chỉ là, lâu lắm rồi, những nửa đời người, tôi mới ngạc nhiên thấy mình sống chậm, nghĩ chậm, có đủ thời gian và cảm giác an toàn trong âu lo để suy nghĩ vẩn vơ. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đã qua hai tuần phong tỏa theo Chỉ thị 16. Cả nước đang dõi theo và âu lo.
    Trên dưới 10 triệu dân, thu ngân sách hàng năm bằng ¼ cả nước, kể ra ví TP Hồ Chí Minh như một gã khổng lồ cũng không sai mấy. Năm nào cũng thế, thiên tai, lũ lụt ở đâu, gã khổng lồ cũng sớm vươn vai, đi đầu trợ giúp. Phải thôi, thành phố là đất ngụ cư, con người tụ về từ cả nước. Con người thì dù sống ở đâu cũng canh cánh một cố hương. Sự sẻ chia của TP Hồ Chí Minh, sự hào sảng, sốt sắng của người Sài Gòn cũng giản dị bắt nguồn từ đó. Giờ phố ốm, cả nước lại đau đáu dõi theo, hướng về.
    Cách đây mấy hôm, 3 giờ sáng, từ Phan Rang, Ninh Thuận, cô giáo Lê Thị Huyền nhắn tin cho tôi: “Em không làm được gì, mà nhớ thương Sài Gòn đến mất ngủ. Phan Rang cũng phải giãn cách rồi. Nhưng ngoài này rộng, nhà cửa thoáng, chắc không sao đâu”. Cô nói thế, để mào đầu cho một sự quan tâm: “Em có chuẩn bị 20 kg chả cá, 20 kg măng tây mai gửi vô cho Sài Gòn. Giờ này, xe chắc lăn bánh rồi”. Gửi cùng với Huyền là nhiều người khác ở Ninh Thuận, người chục cân nấm, người tạ gạo mùa, trăm thùng mì, người nữa gửi 3 thùng cá…
    Nơi “thực phẩm cứu trợ” của Huyền gửi đến là xóm Công viên Hạnh Phúc, cái tên cư dân tự đặt nằm ở phường Tân Thới Nhất, q.12. Thực phẩm gửi vào qua xe quen, chỉ cần ghi vậy là sẽ được chở đến tận nơi. Ai trong xóm đứng ra nhận cũng được. Cả phường đã bị phong tỏa từ hơn 1 tháng. Tính đến ngày 18-7, phường này có 211 ca dương tính. Hàng trăm phòng trọ, hàng ngàn công nhân, sinh viên ở trọ tại phường bị phong tỏa. Mất việc, hết tiền, không được ra ngoài mua bán, ở trọ không sẵn sàng cho việc dự trữ phòng xa, chừng đó con người khốn đốn. Riêng xóm Công viên Hạnh Phúc – toàn cán bộ, nhà báo, là chẳng dính ca nào. Không bị “giăng dây”, tất cả cư dân trong xóm bỗng nhiên tự gánh trách nhiệm tình nguyện viên, đi kêu gọi, vận chuyển, đóng gói, chia quà cứu trợ cho cả phường. Công viên chẳng còn chỗ nào trống để bày hoa cỏ, chỉ toàn thùng, gói, từ cá, mắm, rau củ, sữa bột cho trẻ con bày ra, vơi đi, đi khắp phường, khắp quận rồi tỏa đi các quân, huyện khác đang gặp khó. Nó y như những ngày bão lũ miền Trung năm ngoái, Công viên không ngủ, ngày nườm nượp gói bánh, đêm nấu, liên tục, để chuyển ra Trung cho bà con.
    Ngày 22-7, có 250 phần quà từ đây đã được chuyển đến khu vực giáp ranh Dĩ An (Bình Dương) và các phường của Thủ Đức quanh Sóng Thần, nơi có có ít nhất 250 công nhân người Chăm Ninh Thuận đang mắc kẹt trong các xóm trọ. Chẳng biết từ khi nào, nhưng từ nhiều năm nay, xóm Công viên Hạnh Phúc đã trở thành một điểm tiếp nhận và trung chuyển hàng cứu trợ. Cư dân xóm đó, từ ông già hưu trí, anh nhà báo đến em học sinh, người nào cũng rành rẽ, tự biết phải làm gì, sẽ làm gì mỗi đợt xã hội cần. Đợt này, ủng hộ bằng tiền qua xóm này cũng đã lên hơn 1 tỷ đồng. Gạo, mì, rau, củ, cá mắm, sữa đủ loại thì nhận hôm nào mang đi phát ngay hôm đó, đếm không xuể.
    Sài Gòn, điểm làm thiện nguyện như xóm này không ít. Trong đợt dịch này, không riêng Ninh Thuận mà tỉnh nào, ở đâu cũng có quà tiếp tế gửi về thành phố. Phố hào sảng đang nhận từ khắp nơi những ân tình hào sảng. Cứ vậy mà tình người đến với nhau thôi. Những ân tình vẫn tỏa đi, mà không ghi bằng diễn văn hay báo cáo. Chưa bao giờ TP Hồ Chí Minh lao đao như lúc này. Chính quyền đã dốc hết lòng, hết sức trong suốt một thời gian dài, nhưng đến giờ thì không xuể nữa. Nhưng TP Hồ Chí Minh vốn dĩ mạnh lên, thành người khổng lồ là nhờ lòng dân, sức dân.
    Thật ra, TP Hồ Chí Minh không thiếu lương thực, thực phầm, rau xanh hay nguồn cung thiết yếu khác cho dân, kể cả khi phải sống trong quy định giãn cách hay phong tỏa. Cái khó là bài toán lưu thông. Tính trung bình, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh cần 12.000 con heo loại 100kg/con. Khoảng 70% lượng thịt heo này được cung cấp từ chợ đầu mối An Sương. 70% các loại rau củ, cá đồng, cá biển… tương ứng cũng xuất phát từ hai chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức, từ đó tỏa đi hàng ngàn chợ dân sinh lớn nhỏ, chợ tự phát, chợ tạm khác trong toàn thành phố. Chợ đầu mối, chợ truyền thống bị cấm hoạt động, hàng hóa tập trung vào một số siêu thị trong khi đường phố buộc phải cấm người ra đường, đương nhiên hàng hóa không thể đến được với người tiêu dùng. Khan hàng, đội giá là không tránh khỏi. Rất may, thực tế đó chỉ diễn ra trong ba bốn ngày đầu. Quyết định cho mở lại một số chợ truyền thống, bán các mặt hàng thiết yếu đã đưa nhịp lưu thông hàng hóa trở lại khá bình thường. Những nơi phải phong tỏa nghiêm ngặt, chính quyền sẽ tập trung trợ giúp, coi như tạm ổn. Về khoản này, chính quyền khi hoạch định chính sách, chủ trương cần phải học hỏi, cậy nhờ sự năng động linh hoạt từ phía người dân. Chính quyền có chủ trương đúng, tự khắc người dân sẽ có giải pháp ổn. Cơn ốm, dù là ở người khổng lồ, cũng sẽ có cơ hội hồi phục.
    Đến ngày 22-7, TP Hồ Chí Minh có 4218 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với virus Covid 19 lên đến hơn 43.700 ca, 332 ca tử vong (cả nước có hơn 71.000 ca nhiễm). Nhưng dự đoán chuyên môn, đó vẫn chưa phải là đỉnh dịch. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh lân cận, số lượng ca nhiễm mới cũng đang tăng lên chóng mặt từng ngày. Một loạt 19 tỉnh thành phía Nam đã phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Hơn bao giờ hết, chính sách và bài toán lưu thông phải được đặt lên hàng đầu, trên phạm vi cả nước.
    Khi TP Hồ Chí Minh trở thành người khổng lồ bị ốm thì còn nhiều điều khác cần phải được nhìn lại thấu đáo. Sau 2 tuần áp dụng chỉ thị 15, từ 00 giờ 00 ngày 20-6, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng giãn cách toàn thành theo mức tạm gọi là “Chỉ thị 15 +” và sau đó là “Chỉ thị 10”. Đến ngày 9-7, nguy cơ đã trở nên quá cao, TP Hồ Chí Minh phải phong tỏa theo “Chỉ thị 16” trên phạm vi toàn thành. Làn sóng Covid thứ tư đã chứng tỏ các biện pháp ngăn dịch được coi là quyết liệt trong một năm rưỡi qua không còn hiệu quả như mong muốn nữa. Nó cũng chứng tỏ chiến lược vaccine toàn quốc đã không phù hợp, đến nay đang đẩy TP Hồ Chí Minh và cả nước vào thế chống đỡ cuống cuồng. Nó tương tự như việc huy động sức dân cố thủ thành trì với tất cả quyết tâm, nhưng lại không sắm đủ vũ khí cho quân – dân chống địch.
    Năm 2020, với chiến thuật phòng thủ giãn cách, cách ly, phong tỏa sớm, Việt Nam đã ngăn dịch khá tốt. Kết quả này đã dẫn đến tư duy cho rằng, khi các nước đại dịch bùng phát mạnh đã có vaccine thì dịch ở họ sẽ giảm, nếu ta kiểm soát chặt dòng nhập cảnh thì không vỡ trận. Kỳ vọng là giãn cách tạm thời sẽ giúp đủ thời gian chờ vaccine nội (dự kiến sẽ được sử dụng đại trà vào tháng 9-2021,sau giãn ra đến cuối năm), sẽ lợi đôi đường, cả chính trị lẫn tài chính.
    Hướng tới đạt mục tiêu kép (ổn định chính trị và duy trì phát triển kinh tế), chiến lược chờ vaccine này đã tỏ ra không phù hợp. Đã coi chống dịch như chống giặc nhưng chỉ dựa vào phòng thủ chặt, quyết tâm và cảnh giác cao độ mà không trang bị vũ khí chiến đấu thì chống kiểu gì? Virus Covid 19 lây lan theo cấp số lũy thừa, kiểm soát theo kiểu đuổi theo, truy vết sẽ không xuể? Lo giữ cửa thành mà quân dân trong thành tay không vũ khí.... thì chỉ cần một vài tên nội gián lọt vào, mở cổng thành đại nạn ngay. Và thực tế, dịp 30-4 và 1-5, chủ quan với khả năng phòng thủ, một số nơi trên cả nước đã “mở cửa” cho người dân thoải mái qua lại, tụ tập, vui chơi, hội hè, tạo điều kiện cho virus xâm nhập.
    Việt Nam không lựa chọn miễn dịch cộng đồng kiểu bão hòa. Cách phòng thủ kiểu “con nhà nghèo” này có thể chấp nhận để giảm thiểu tổn thất nhân mạng. Nhưng nhớ cho rằng, nó chỉ đúng khi đi kèm với việc áp dụng chích vaccine đại trà cho 70% dân số. “Thiệt hại ban đầu” ở nhiều quốc gia là rất lớn, nhưng đó là thiệt hại phải chấp nhận để bảo đảm đại dịch không kéo dài quá lâu, sẽ tàn phá dai dẳng nền kinh tế và nhiều mặt khác của xã hội. Việt Nam đang rơi vào hệ lụy thứ 2, rơi vào một nguy cơ không được tính toán đủ từ trước, đó là khả năng nguy hiểm tăng cao của các dòng virus biến thể.
    Ban đầu, việc tìm và cung cấp vaccine được để Bộ Y tế lo tất, có lẽ để nhằm thống nhất cả về chiến lược, chủng loại và sự phân bổ vaccine. Một kiểu quản lý tập trung trong tư duy quân bình chủ nghĩa. Nhưng chống dịch như chống giặc, không thể chờ Trung ương lo tất, cũng không thể công bằng theo kiểu bình quân. Phải đến khi vài nơi – Vũng Tàu chẳng hạn - xé rào, tuyên bố sẽ tự liên hệ mua vacine thì chiến lược mới thay đổi. Các địa phương trong đó có TP Hồ Chí Minh mới được tự quyết đàm phám mua vaccine cho dân. Lúc này thì đã khá muộn, vì vaccine không phải là mặt hàng (vũ khí) muốn là có thể mua được liền, khi mà năng lực sản xuất chưa thể đáp ứng được nhu cầu của toàn thế giới. Rất may, đến nay thì chiến lược vaccine đã thay đổi. Hàng chục triệu liều vaccine từ nhiều nguồn đã về đến Việt Nam. ¼ trong số đó đã được ưu tiên chuyển cho TP Hồ Chí Minh.
    Thực tế hàng chục ngàn tỉ đồng từ các nguồn huy động, đóng góp chưa thể sử dụng vào việc mua vaccine ngay. Việc công khai gửi tạm số tiền này vào ngân hàng, nhằm minh bạch hóa, lại khiến tạo ra một làn sóng dư luận đẫm mùi dân túy. Điều này dễ hiểu. Người dân đã quá mệt mỏi với dịch bệnh suốt 18 tháng, việc ủng hộ, được/bị vận động đóng góp khi đời sống đang bị hạn chế nhiều thứ, phải thắt lưng buộc bụng đã ủ mầm dân túy trỗi lên rất nhanh, dễ che mờ các hiểu biết đúng đắn cần có.
    Mặt khác, chính ý thức của một bộ phận người dân, kể cả cán bộ, quan chức, cũng đang gây khó cho việc phòng chống dịch bệnh. Ý thức chung của số người này là không muốn tạm thời dừng sự hưởng thụ, nhất định xem việc chống dịch là của mọi người, trừ chính mình và... đã có nhà nước lo. Thực tế, nhà nước đã lo nhưng không thể lo xuể.
    Cũng chính những người này sẽ dễ sa vào sai lầm tiêu chuẩn kép. Họ rất hào hứng với việc quy kết lỗi nhà nước trong việc vaccine chậm trễ, quy toàn bộ nguy cơ dịch bùng phát mạnh mẽ vào lỗi này. Thế nhưng, họ lại phản đối quyết liệt việc dùng một vài loại vaccine nào đó. Họ quay sang say sưa viện dẫn sự “vô tác dụng” và các “biến cố” khi so sánh cảm tính vaccine này với loại vaccine khác mà quên mất rằng, để được cho phép lưu hành, bất kỳ loại vaccine nào cũng phải đáp ứng vô số các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt, vượt qua những vòng kiểm tra gắt gao.
    Nếu xem các trận đấu trong khuôn khổ EURO 2020, rất có thể nhiều người sẽ phải nghĩ lại. Sân vận động hàng chục ngàn chỗ ngồi chật kín khán giả, hầu như đều không mang khẩu trang. Thật ra, họ cũng cuồng nhiệt, nhưng không điên, không chủ quan. Tất cả khán giả đều chỉ được vào sân khi đã được chích đủ 2 mũi vaccine. Chừng này năm trước, họ đều là các quốc gia oằn mình chống chọi vì đại dịch hoành hành. Với chiến lược vaccine chủ động của nhà nước và ý thức tham gia chích ngừa rộng khắp của người dân, bây giờ thì họ có quyền thỏa sức vào sân la hét, ủng hộ đội nhà.
    Trong nhiều trường hợp, dân túy cực đoan cũng là một thứ dịch tư tưởng, tàn phá xã hội không nhỏ. Trong 4 ngày, từ 1 – 4/7/2021, tập đoàn Vingroup đã chi ra một khoản tài chính lớn để tài trợ cho TP Hồ Chí Minh bộ test, kit và hỗ trợ máy móc thiết bị để xét nghiệm cho cho 5 triệu mẫu. Chỉ âm thầm tổ chức thực hiện, không chủ động công khai hay tuyên truyền gì cho việc này, Vingroup đã huy động hơn 4.000 nhân viên trẻ của Vinpearl trên cả nước về TP Hồ Chí Minh giúp lấy mẫu và triển khai chiến dịch xét nghiệm cho toàn thành phố. Có 300 y sinh từ Hải Dương được Bộ Y tế điều động tham gia đợt hỗ trợ này. Không cần đếm bằng con số cũng thấy rằng, Vingroup đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) rất cao. Các em y sinh cũng đầy tinh thần, nhiệt huyết đóng góp với xã hội, nhất là khi trước đó các em đã liên tục hỗ trợ Bắc Giang 40 ngày, Bắc Ninh 30 ngày và Hải Dương 10 ngày...
    Trong tình trạng khẩn cấp, sự phối hợp, điều hành chương trình hỗ trợ đã có những trục trặc nhỏ xảy ra. Nhiều bạn trẻ đã quá phấn khích khi được tham gia đoàn đã nhanh nhảu đưa hình ảnh trước chuyến đi, một số (ít thôi) đăng kèm các phát ngôn không đúng mực, vô lối, thậm chí trịch thượng, gây phảm cảm. Bên cạnh, Việt Nam Airline cũng quá ồn ào, đẩy mạnh truyền thông hình ảnh, gọi chuyến bay chở sinh viên từ Hải Dương là “chuyên cơ”, vống lên thành “cầu hàng không”, “đường mòn Hồ Chí Minh trên không”, kèm với việc để hàng trăm em trên chuyến bay với trang phục không phù hợp trong mùa dịch vung tay thể hiện quyết tâm, khí thế....
    Nhưng sai sót đó chỉ thuộc về vài cá nhân, chỉ thể hiện qua một thông cáo báo chí của Việt Nam Airlines nhưng cũng đủ thổi bùng lên hàng trăm, hàng ngàn lời công kích, thóa mạ, phủ định sạch trơn nhắm vào doanh nghiệp. Quá đà hơn, nhiều kẻ chỉ trích còn cố lồng ghép vào sai sót nhỏ những tư tưởng kích động chia rẻ, kỳ thị vùng miền. Họ đang cố tách vị thế TP Hồ Chí Minh ra trong một sự cô lập.
    Rõ ràng, bức xúc xã hội là một phần động cơ thúc đẩy sự phát triển. Nhưng bức xúc chỉ tích cực khi nhận thức đúng đắn, có sức đề kháng tốt với các loại “virus” sản sinh ra sự lệch lạc, chia rẽ, phá hoại. Vào sân xem bóng đá, cổ động viên các nước châu Âu cũng đầy phấn khích. Nhưng họ khác chúng ta. Người Việt thường la hét rất to trên mạng xã hội, nơi hầu như không bị kiểm soát, về những vấn đề không thèm kiểm tra kiểm soát. Còn với các biện pháp chống dịch, cách suy nghĩ đúng đắn và tích cực thì cứ trốn được là trốn, chưa kể không trốn thì cũng áp dụng với không ít sai lầm.
    Nhà báo Nguyễn Công Khế - nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên nhận xét: “Sức tàn phá xã hội của sự kỳ thị này rất kinh khủng. Điều này càng nguy hiểm hơn vì nếu không được ngăn lại, nó sẽ lây lan nhanh như một thứ bệnh dịch tư tưởng. Nó chia rẽ lòng người khi đang cần đoàn kết, đồng lòng chống dịch. Nó phá hủy các giá trị”.
    Những điều đó đang hùa với dịch bệnh tàn phá cơ thể đất nước. Nhưng nó không thể hủy hoại mọi giá trị tốt đẹp. Đồng sức, đồng lòng, sự sẻ chia của người dân, cùng với sự sáng suốt, linh động và quyết liệt từ phía chính quyền, hy vọng không lâu nữa, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi. TP Hồ Chí Minh, phố lại bừng lên rạng rỡ. Ngày đó, có lẽ ruổi xe trên phố, tôi vẫn sẽ còn nghĩ nhiều, nhớ nhiều, từ hơi ấm bếp lửa ngày xưa đến vị thế người khổng lồ của thành phố hôm nay. Chỉ suy tư, liên tưởng để sống chậm và cảm nhận phố vui thôi. Những âu lo sẽ nhòa đi, loãng ra rồi tắt hắn. Như giấc ngủ ngày xưa khi ngọn lửa đã tàn...

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Một Thoáng Yêu Đương
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Người Phụ Nữ Bố Yêu