Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Những Người Đàn Ông Phố Cũ Tác Giả: Sưu Tầm    
    Những đêm trăng mùa hạ bao giờ cũng đẹp lộng lẫy. Những vảy mây trên trời, những mảnh lá trong vườn, những mắt người, tóc người… và hầu như tất cả những gì rung rinh, xao động đều lấp lánh ánh trăng, đong đựng ánh trăng, tung hô trăng và muốn hóa thành trăng. Cái sân thượng nhỏ xíu của nhà tôi như rộng mênh mông vô tận. Trăng sáng, sao cũng sáng. Những ngôi sao như to hơn, rực rỡ hơn, và nhìn kỹ hình như chúng không ngừng nhấp nháy, hình như chúng đang to nhỏ chuyện vãn, như hàng trăm triệu cái lục lạc nhỏ mà Saint Exupéry mô tả trong Hoàng tử bé. Mấy chị em tôi ríu rít chỉ cho nhau xem những ngôi sao và tranh cãi về tên của chúng. Hoàn, cô em út của tôi chẳng thể nào hình dung được cái gáo úp ngược của chòm sao Bắc đẩu làm cho chị Hậu phải ngửa lên đến mỏi cả cổ để chỉ cho nó. Và trò đếm sao ngỡ như sẽ làm cho chúng tôi khản cổ nếu chiếc cầu thang gỗ không rung lên kèn kẹt. Bố lên đấy! - Hoàn ra hiệu cho tôi và chị Hậu im lặng. Tất cả cúi rạp người xuống trốn. Những tiếng nói ồ à vang lên:
    
    - Ơ hay, lũ “thị mẹt” đâu cả rồi?
    
    - Trăng sáng quá!
    
    - Ba cô công chúa ơi ời, chú Cuội tìm đây này…
    Giọng trầm trầm ồ ồ của bác Lâm, giọng vui vẻ của bố, giọng trẻ trung tinh nghịch của chú Khang. Tiếp theo là những cái bóng không lẫn vào đâu được. Bố dong dỏng cao, tay xách cái hộp kèn đen dài, bóng loáng dưới ánh trăng. Chú Khang vác cây ghi ta, tóc bay bồng bềnh. Bác Lâm dù có đem theo cây đàn accooc hay không thì vẫn luôn đi chúi người về phía trước, vai nghiêng nghiêng. Người sau cùng là bác Khuần với dáng
    đi nặng nhọc, chậm chạp. Mẹ tôi cũng theo lên chỉ để một bình trà với vài cái chén nhỏ rồi xuống.
    
    Bố là người duy nhất trong mấy người con trai của ông nội biết chơi kèn và yêu âm nhạc giống ông. Ngày trước, ông nội tôi ở trong đội quân nhạc, thổi clarinet rất hay. Hồi ông tôi còn sống, suốt ngày bố tôi ở bên ông, trau chuốt từng cái nhíp kèn, tập đi tập lại từng nốt nhạc. Ông bảo không phải chỉ thổi làm sao để khi lên cao không bị chóe, xuống thấp thì không tắt tiếng hoặc rè ngang, trong tiếng kèn làn hơi của cái miệng phải mất đi để chỉ còn làn hơi của trái tim... Ông mất, bố có những người bạn cùng trong đội văn nghệ của cơ quan đến tụ họp, chỉ là vui chơi nhưng mọi người vẫn thích nhất là nghe bố tôi thổi kèn.
    Những buổi tối cuối tuần, mảnh sân nhà tôi luôn vang lên tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười. Bác Lâm bảo chưa uống trà ở đâu ngon như trà mẹ tôi pha. Mẹ tôi tự ướp trà bằng hoa nhài trong vườn nhà. Đó là loại hoa ít cánh, trắng tinh, hương thơm ngọt hơn thứ hoa bông to, cánh nhiều và dày, lại hơi ngả màu trắng xanh. Hoa nhài mẹ hái từ đêm trước khi còn là những chiếc nụ sắp nở. Mẹ ướp ít một, uống hết lại làm tiếp, không bao giờ trữ lâu.
    Hồi đó tôi tưởng lý do mọi người tới nhà tôi là vì khu vườn rộng, vì mảnh sân thượng lộng gió, vì trà của mẹ ngon và vì ba chị em tôi lúc nào cũng ríu rít khi làm diễn viên, khi làm khán giả… Nhưng sau này, khi tất cả những điều đó còn nguyên vẹn mà không bao giờ có được những đêm trăng mùa hạ đáng nhớ như thế thì tôi mới hiểu rằng, những người đàn ông không phải bao giờ cũng chỉ đến với nhau bằng những cuộc vui chơi.
    Bác Lâm trông coi mấy bãi than ngoài cảng. Bác bảo nếu mỗi ngày về không tắm một lần, không “kéo ra kéo vào” vài cái thì con người coi như vứt đi. Bác kể đi kể lại chuyện đã từng có lúc chơi trong một dàn nhạc giao hưởng lớn, đứng cạnh nghệ sĩ này nghệ sĩ kia nổi tiếng. Chuyện làm công nhân khi nhận than từ các tàu đổ về, khi xúc than mặt mày đen nhẻm, bác coi như một “cây thập tự” của đời mình, vì vợ vì con mà thôi.
    Chú Khang hay đến nhà tôi hơn cả. Những ngày cuối tuần chú ăn cơm ở nhà tôi, giúp mẹ chăm sóc mấy cây cam, cây bưởi. Có khi chú xách nước cùng bố tưới rau. Thỉnh thoảng rảnh rỗi chú đệm đàn cho chị Hậu hát, diễn kịch câm với con bé Hoàn làm cả nhà cười lăn. Tôi thì rất thích chú vì những cuốn truyện. “Này, cháu đọc Con hươu trắng chưa, chưa hả. Chà chà, con hươu trắng chạy nhanh như gió- Vểnh đôi sừng nhiều nhánh cong cong- Ai trông thấy cũng đều mơ ước- Bắt được hươu nhưng chỉ phí công- Các em nhỏ nếu không ngần ngại- Mau lại đây nghe kể chuyện này!…Cháu có ngần ngại không nhỉ?”. Chú nheo nheo mắt trêu tôi, tay giơ cao cuốn truyện tranh đầy hấp dẫn. Có khi chú đem cho tôi Hoàng tử bé, Những tấm lòng cao cả, Truyện cổ Anđecxen… Chú bảo những cuốn sách ấy là kỷ vật của bố mẹ chú để lại. Họ đều đã mất sớm.
     Qua những câu chuyện của người lớn, tôi biết chú có vợ là một người đàn bà rất đẹp, nhưng tôi chưa bao giờ được gặp cô ấy. Là diễn viên đoàn kịch nói của tỉnh, cô thường xuyên đi vắng, cô không muốn sinh con vì sợ ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật của mình. Chú Khang thường nói với bố tôi rằng “Anh là một người hạnh phúc”. Bố cười, kể lại ngày gặp mẹ, cũng trong một hội diễn quần chúng. Mẹ hát chèo, diễn vai Thị Mầu đong đưa mà sắc sảo. Từ ngày lấy bố, những đêm rực rỡ sắc màu và xiêm áo của mẹ chỉ còn trong mấy tấm ảnh đen trắng đã dần ố. Ngoài việc ở cơ quan, mẹ còn phải chăm sóc cả một khu vườn lớn với những rau, những trái, những hoa để lo cho cả gia đình. Bố bảo:“May mà em là diễn viên nghiệp dư”. “Nói như anh thì diễn viên là không chân chính hết à. Với lại, làm nghệ thuật, hơn ai hết, phải là những người biết hy sinh”. Mẹ biết bố đùa, nhưng nói vậy là vì chú Khang. Chú gật gật đầu: “Đúng là, làm nghệ thuật là vô giá”, rồi chú với lấy cây đàn, hát bài hát quen thuộc: “Mây, sao còn bay mãi không quay về đây… sao còn hờ hững với tôi từng giây…”. Bất chợt, chú dừng lời, nói với tôi: “Này bé Hạ, cái con hươu trắng ấy mà, trong đời người, ai cũng từng một lần đuổi theo nó, dù biết nó chỉ là ảo ảnh thôi”. Tôi chớp chớp mắt suy nghĩ. Chú Khang lại quệt những ngón tay vào dây đàn, giọng thì thầm như một lời van vỉ: “Mây, xin đừng…”.
    
    Tôi không biết từ khi nào, bác Khuần đến nhà tôi, nhưng điều ấy dường như đã thành chuyện đương nhiên đến nỗi hôm nào không có bác chúng tôi cảm thấy vắng vẻ hẳn. Bác là người Tàu, lưu lạc xa quê từ hồi còn bé. Ký ức về quê hương của bác chỉ là một cái làng nhỏ xanh rì bóng liễu và vài điệu dân ca xưa mà thỉnh thoảng người cha của bác thường hát. Bảy đứa con lít nhít với bà vợ mù, gia đình bác rất thiếu thốn. Thường thì bác nhập hội nhưng chỉ ngồi bất động suốt buổi tối, ít nói ít cười. Đôi khi bố tôi trao cây kèn cho bác, bác lấy tay vuốt vuốt, bập bập thử mấy ngón tay vào các nốt sáng lấp loáng, rồi thổi một vài điệu lạ tai, nghe véo von, cái đầu và đôi tay bác hơi lảo đảo. Có khi bác từ chối, chỉ trầm ngâm như một dấu lặng trong những người bạn của bố- một dấu lặng vô hình nhưng chẳng thể thiếu được trong một bản nhạc.
    
    Vào những đêm khuya ấy, khi những câu chuyện cùng tiếng đàn tiếng hát tạm ngưng, chú Khang nằm dài ngửa mặt nhìn trăng, bác Lâm cúi rạp xuống chén trà, bác Khuần vẫn ngồi bó gối như chờ đợi, nét mặt khắc khổ khuất trong bóng lá, hướng về phía bố tôi. Bố thổi Hạ trắng. Tiếng kèn vút cao, âm thanh sáng và rạng ngời như vượt lên giới hạn của mảnh sân thượng nhỏ bé, của khu vườn và con ngõ nhỏ, các mái nhà và các giới hạn muôn thuở của trần thế rồi hạ xuống êm đềm, thoáng một chút rung cảm. Những ngón tay bố mở ra, khép vào rất nhẹ, dường như không có một cố gắng nào về làn hơi mà chỉ có sự say mê đuổi theo chuỗi nốt nhạc đang hiển hiện, tuôn chảy. Mỗi âm thanh đều tròn đầy như ý bố. Tôi nhìn như thôi miên vào cây kèn đen bóng với những nốt bấm lấp lánh, cảm thấy một điều kỳ diệu đang lan tỏa trong không gian, như hương đêm ngọt ngào, như trăng huyền hoặc đang dịu dàng ngấm vào mọi vật thể.
    
    Bác Lâm là người đầu tiên vắng mặt trong những buổi tối sáng trăng vốn đã thưa dần vào mùa mưa bão. Người ta bắt quả tang bác lấy trộm than đá của cảng. Mẹ tôi bảo: “Các anh cứ nhạc nhung kèn kiếc cao đạo như thế mà vẫn phải sống vì miếng cơm manh áo thôi. Tội nghiệp”. Mẹ thở dài. Đó là thời kỳ cuộc sống rất khó khăn. Buổi sáng ở gần nhà tôi người ta bán một thứ nước luộc lòng lợn nhếnh mỡ và luyễnh loãng màu nâu đen, đựng trong một cái thùng phuy lớn, vậy mà người ta xếp hàng dài để mua về nấu cháo. Mẹ gặp con bác Khuần ở đó nhiều lần, và mẹ thường tránh đi để chúng không nhìn thấy mẹ.
    Với tài sản duy nhất là cây đàn accooc đã cũ, bị thôi việc, bác Lâm tìm theo những tay chơi nhạc sống ở mấy câu lạc bộ, quán xá, đình đám. Bị chê là già, bác cắt tóc cao, mặc áo chim cò chẽn sát người theo mốt thanh niên thời đó. Có lần tôi và chị Hậu gặp bác ở một đám cưới, bác cười giả lả: “Con bố Qua đấy à? Lớn xinh quá nhỉ. Nhà mày còn vui như hồi đó không? Bác biết mà. Vắng tao là cũng tan hội chứ gì…”. Rồi bác bảo bận quá, bác đi, cái dáng đi như chúi về phía trước khiến tôi có cảm giác như bác trốn chạy vào trong đám đông.
    
    Quả thật từ hồi bác Lâm chia tay, rồi chú Khang đi lao động xuất khẩu sang Tiệp Khắc, hầu như bác Khuần cũng không tới nhà tôi nữa. Thỉnh thoảng mẹ sai chị em tôi đem cho bác một giỏ vừa rau vừa trái cây, thêm ít bột ngọt hay gói đường nhỏ. Tôi có dịp đi qua khu phố của người Tàu, nơi luôn phảng phất mùi thuốc Bắc, mùi thảo quả. Những cánh cửa gỗ giống nhau, những người đàn bà tóc ngắn cài cặp bím đen, mặc áo cài nút lệch một bên thường nhìn chúng tôi xoi mói. Tự dưng tôi cứ nhớ đến điệu kèn lạ tai hôm nào. Có lần bác Khuần bảo đấy là bài Diễm ca hành trong nhạc phủ. Bài hát kể về một người xa xứ, khi tới một vùng nọ, có người phụ nữ chủ nhà trọ cám cảnh đất khách quê người nên vá giùm cái áo rách, chồng chị ta nhìn thấy tỏ ý không vui làm cho người khách tha phương thấy chạnh lòng, nghĩ thà về quê còn hơn… Kể đến đấy, bác Khuần tặc lưỡi: “Về, cũng vì cuộc sống mà họ đã phải rời xa nơi chôn rau cắt rốn”…
    
    Tôi chưa thấy ai như bác Khuần, lần nào cũng thế, không từ chối nhưng bác nhận những giỏ rau với vẻ mặt hầm hầm đầy tức giận, bực bội. Rồi bác gần như đẩy chúng tôi ra cửa, không để cho tôi đứng lâu hơn trong căn nhà tối, nơi có một lũ trẻ luôn luôn im lặng một cách đáng ngạc nhiên bên cạnh người vợ mù của bác. Có một lần bác hỏi, giọng trầm trầm như vọng lên từ đất “Hồi này bố Qua còn hay thổi kèn không?”, nhưng tôi chưa kịp trả lời thì bác đã đi vào, đóng sập cửa lại.
    
    Tháng mười với những cơn mưa dài đã biến cái sân thượng nhà tôi thành một nơi vắng lạnh, những mảnh lá rơi đầy, nhàu nhĩ, sũng nước, mùi rêu ẩm ướt nôn nao… Lâu rồi bố tôi không thổi bài nào.
    
    Năm ấy, bác Khuần đưa cả nhà ra đi, để lại một lời chào muộn màng trên cánh cửa gỗ, viết bằng phấn. Tôi biết, ở đây, ngoài gia đình tôi, bác Khuần không còn ai để chào. Tôi mang giỏ rau về. Từ đó, bố mẹ tôi không hề có tin tức gì về bác.
    Bác Lâm hết thời, người ta chê bác ấy là “quê”, không còn thấy bác mặc chiếc áo chim cò nữa. Hàng ngày bác ngồi vá xe ở trước cửa nhà, có hôm bố tôi đi qua, bác chào rất lạnh nhạt.
    
    Còn chú Khang, khi chú đi Tiệp, vợ chú đã làm xong thủ tục ly hôn. Sau này tôi nghe nói chú bị tai nạn, chết ở xứ người. “Mỗi người đều có lúc mải đuổi theo một con hươu trắng”, nhưng còn khi trở lại…? Người ta gửi một lọ tro về, nhưng người vợ cũ của chú không dám nhận, vì đã kết hôn với người khác.
    
    Có lẽ chú Khang nói đúng, rằng bố tôi là người hạnh phúc nhất. Nhưng giờ đây, với bố, cây kèn nhỏ màu đen với những nốt bấm lấp lánh cũng chỉ còn là kỷ niệm.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Mảnh Tình Sầu
» Cho Tôi Xin
» Lời Cuối Cho Anh
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Một Thoáng Yêu Đương
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Tiêu Sầu
» Mơ Xuân
» Ly Hôn
» Con Trai Của Vova
» Thổn Thức Dây Tơ
» Vẫn Chưa Đâu 1