Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Trò Đời Tác Giả: Sưu Tầm    
    Tôi có một thói quen rất tốn tiền là không bỏ sót buổi ca nhạc, sân khấu nào ở rạp thị xã. Chồng tôi không có thói quen ấy. Anh mê đánh tổ tôm.
    Một ông kỹ sư về hưu, một anh sĩ quan đương chức, một ông già đạp xích-lô hết khách, và chồng tôi thành một hội. Hội tổ tôm đánh từ lúc ăn cơm xong đến lúc đọc truyện đêm khuya trên đài mới tan. Có hôm, Đoàn ca nhạc nhẹ trung ương về biểu diễn, tôi mua hai vé, gửi con cho bà nội trông giúp, nằn nì anh đưa đi xem. Anh rề rà kéo cái điếu cày tra thuốc lào vào nõ: “Ôi dào ôi! Xem mấy đứa hở ngực hở đùi nhảy nhót gào rát tai. Chán bỏ xừ! Đánh tổ tôm thú hơn!”. Tôi cáu: “Anh là đàn ông. Anh phải biết chiều phụ nữ chứ. Anh hãy ga lăng một chút với vợ anh xem nào”. Chồng tôi ngẩng mặt thả những vòng khói chữ o bay lên, rồi nói: “Anh đâu biết đi xe máy? Em chịu khó đi một mình vậy. Chẳng lẽ em mặc váy lại ngồi đằng sau xe đạp để anh đèo”. - “Anh không đưa em đi xem hát thì sẽ có thằng khác đưa đi đấy”. Tôi phát khóc! Đúng là ông cù lần. Chồng ơi là chồng! Phí công mặc đầm, đeo dây chuyền, tô son đánh phấn, xức nước hoa. Lúc đầu, tôi rất khó chịu, sau cũng quen dần và chúng tôi tôn trọng ý thích của nhau. Chồng tôi hút thuốc lào cứ hút, đánh tổ tôm cứ đánh. Tôi đi chơi, đi đến rạp, cứ đi...
    Tình cờ tôi gặp lại Hoan trong rạp hát. Người ta giới thiệu Hoan là một nghệ sĩ xiếc thú. Anh đi cùng đoàn ca nhạc, tạp kỹ của thành phố về thị xã của tôi biểu diễn. Hoan mặc trang phục sân khấu rất đặc thù. Quần ống bó mầu chàm. Bắp chân quấn xà cạp trắng sọc đen, áo thụng tay ống loe, mầu đỏ. Chân đi giày sừng trâu cụt. Đầu đội mũ rộng vành. Tay cầm roi mềm. Anh vừa giống nghệ sĩ xiếc thú tôi vẫn nhìn thấy ở tranh áp-phích của Nga, lại vừa giống chàng cao bồi chăn bò miền Tây nước Mỹ.
    Hoan nắm chặt tay tôi, mắt đắm đuối nhìn:
    - Trời đất phù hộ cho anh lại gặp em.
    Tay tôi run run trong bàn tay chuyên cầm roi chăn dắt khỉ của Hoan. Tuy vậy, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay anh không ấm, không lạnh và rất mềm. Tôi lập bập, nói:
    - Em cứ nghĩ chẳng bao giờ được gặp anh nữa.
    - Còn anh thì lúc nào cũng mơ tưởng sẽ có cuộc hội ngộ này.
    - Ngày ấy, anh bỏ đi luôn và không hề đi tìm em!
    Hoan lùa bàn tay vào mái tóc xõa ngang vai của tôi:
    - Còn em thì đi tìm anh?
    - Đừng nói thế, Hoan! Em là con gái. Chẳng lẽ trâu đi tìm cọc ư?
    - Ôi! Trang! Lúc nào em cũng bé bỏng, yêu thương.
    Tôi xốn xang tình cảm sau bao ngày gặp lại. Chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có tiếng loa giới thiệu đến lượt Hoan biểu diễn. Anh giục tôi vào ghế ngồi xem. Anh bảo:
    - Hết buổi biểu diễn, em chờ anh nhá.
    Tôi khẽ gật đầu, nhìn anh âu yếm. Anh hôn nhẹ lên má tôi và chạy vụt vào hậu trường với bầy khỉ đang sẵn sàng ra sân khấu.
    Cả rạp ồ lên khi anh xuất hiện với một đàn khỉ mười con. Mười con khỉ mặc áo cộc tay, mặc váy, mặc quần đùi, khăn quàng cổ, mầu sắc sặc sỡ trông rất ngộ. Con Lục Lạc! Tôi đã nhận ra con Lục Lạc - một con khỉ đực lông đen nhánh đeo lục lạc. Con Lục Lạc già quá. Mặt mũi nhăn nheo, khụ khị như một ông cụ. Bấy nhiêu năm rồi mà nó vẫn còn biểu diễn được.
    Bàn tay Hoan như có ma lực dẫn dắt, điều khiển các miếng diễn. Con nhảy dây, con đi xe đạp, con đưa võng. Miếng ăn có sức cám dỗ, hấp dẫn vô cùng. Hoan móc túi quần lấy kẹo, nhử. Đàn khỉ được thí cho miếng ăn ở chỗ đông người, hí hửng làm trò tiếp. Cái roi mềm và những chiếc kẹo là vũ khí, là miếng ăn, chăn dắt, sai khiến đàn khỉ làm theo ý muốn của anh. Điệu nghệ. Hào hoa. Hoan chinh phục khán giả nhà quê, tỉnh lẻ đói khát tinh thần ngay từ tiết mục đầu tiên. Nét mặt, ánh mắt, nụ cười, đều hàm chứa một sự sung sướng, mãn nguyện. Niềm vui của Hoan nhân đôi cùng sự lạ lẫm, thăng hoa của người dân quê tỉnh lẻ một năm đôi ba lần đến rạp...
    Tôi lại chợt nhớ đến chồng, trong lòng đầy nghẹn ngào, tủi thân. Chồng tôi là bộ đội chưa một ngày đi đánh giặc. Lúc còn binh nhất, binh nhì làm lính văn phòng, khi là sĩ quan thì chuyên giữ chức trợ lý. Suốt đời binh nghiệp chỉ đóng quân ở tỉnh đội. Người ta, nay mượn chỗ này, mai thuê chỗ khác ở; nhưng chồng tôi được tiêu chuẩn chia đất làm nhà ngay thị xã. Lương sĩ quan chuyên nghiệp không giàu nhưng chưa bao giờ chồng tôi để vợ con phải khổ. Anh làm việc cần mẫn như một chiếc đồng hồ đúng thời gian. Nhà tôi gần cơ quan. Sáng, bảy giờ chồng tôi ra khỏi nhà, năm giờ chiều xách cặp về, bảy giờ tối đi đánh tổ tôm, mười một giờ đêm lên giường ngủ. Chồng tôi mà ngủ thì giặc càn đến nơi, đại bác nổ bên cạnh cũng không đánh thức nổi anh dậy. Chồng tôi không rượu chè, bia bọt, không quán xá và cũng chẳng bao giờ mời bạn bè đến nhà nhậu nhẹt. Anh biết nhường nhịn, chiều vợ quý con. Quanh năm bốn mùa chồng tôi bận quân phục, nom có vẻ nghiêm túc đứng đắn; nhưng nhìn già nua cũ kỹ lắm. Tôi cứ gọi chồng tôi là âm lịch, ông già âm lịch. Anh không vì thế mà tự ái, thậm chí còn hãnh diện khi được vợ trêu đùa...
    
    Tôi ngồi ngay hàng ghế đầu. Dưới ánh đèn mầu rực rỡ, tôi thấy Hoan ga lăng, rất đàn ông và nghệ sĩ. Tôi nhìn anh biểu diễn. Chăm chắm. Lặng lẽ. Và xao động. Lòng tôi nấp nỏm, trông đợi. Một thoáng tự hào, kiêu hãnh, suýt nữa tôi quay sang nói với người bên cạnh: “Người nghệ sĩ kia là người tôi đã từng yêu thương”. Bâng lâng. Hoài niệm. Hiện tại quá khứ đan cài lộn xộn. Ký ức một thời tươi đẹp, buồn bã trở lại trong tôi...
    Mùa hè năm ấy.
    Tôi khoác ba-lô bụi, nhảy tàu đi thăm cha. Cha tôi sống độc thân. Tôi ở với mẹ. Mẹ tôi là ca sĩ, chỉ vì những phút yếu lòng mà nhiều lần lầm lỡ. Cha tôi giận và tuyệt đường chồng vợ. Cha tôi bị phản bội, ông ghét mẹ tôi nên ghét luôn những người làm sân khấu, ca hát. Cha tôi là trưởng trạm kiểm lâm ở vùng rừng đông nam dãy núi Tam Điệp. Trạm kiểm lâm đóng ở cửa rừng, ngay giữa đèo Yên Ngựa. Đồng nghiệp cha tôi tịch thu được rất nhiều gỗ. Gỗ để ngổn ngang chờ xử lý, lâu ngày quá có cây đã mục. Bắt được thợ săn trộm cùng tang vật là súng kíp, bẫy và thú rừng, họ giữ thợ săn trộm lại lập biên bản, giao cho công an áp tải xuống huyện. Chim thú khỏe, lành lặn thả trở lại rừng. Chim thú bị thương, họ chuyển sang Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở đảo Khỉ điều trị, khỏe lại thả vào rừng. Đảo Khỉ giống quả đồi hình mu rùa nhô lên giữa đầm Vạc. Cây cối um tùm, rậm rạp. Đảo Khỉ nuôi hươu, nai, gấu, kỳ đà... bị thương, nhưng nhiều nhất là khỉ. Chúng cứ ngày một đông thêm. Cái giống khỉ rất sợ nước. Nuôi khỉ và thú rừng ở đảo giữa đầm Vạc, chúng chẳng chạy đi đâu mất mà sợ.
    Trạm cứu hộ động vật hoang dã có bác Hàn là y sĩ thú y tầm tuổi cha tôi. Quanh năm bốn mùa bác Hàn mặc quân phục. Hằng ngày, bác dậy sớm chèo thuyền từ đảo Khỉ sang bờ đầm chờ mua chuối làm thức ăn cho khỉ. Cũng có khi người ta chở chuối sang đảo Khỉ bán. Thỉnh thoảng tôi theo cha chèo thuyền ra đảo Khỉ chơi. Cha tôi và bác Hàn như một đôi bạn tri kỷ.
    Tôi về chơi với cha khoảng một tuần thì Hoan mang giấy giới thiệu từ đoàn xiếc của thành phố về. Gặp cha tôi, Hoan ngại ngùng xin ở lại Trạm kiểm lâm để tìm mua khỉ. Khỉ không phải là động vật hoang dã quốc cấm và rất sẵn nên mua hoặc xin vài con cũng không khó khăn gì. Mặc dù không ưa văn nghệ sĩ, nhưng cha tôi vẫn chấp nhận Hoan tạm trú để tìm chọn những con có khả năng nuôi dạy diễn trò. Cha tôi bảo: “Tìm được khỉ ưng ý thì chúng tôi cho. Mua bán gì!”. Cha tôi gọi Hoan là thằng nghệ sĩ. Ông dặn: “Con gái mới lớn dễ bị những thần tượng hào nhoáng làm mờ mắt. Thằng nghệ sĩ đang ở nhờ trạm, con hãy tránh nó ra”.
    Lần tôi chạm mặt Hoan đầu tiên là ở đảo Khỉ. Nhân viên Trạm kiểm lâm chặt được mấy buồng chuối rừng. Cha bảo tôi chở thuyền đem chuối ra đảo Khỉ cho bác Hàn. Thuyền tôi vừa cập bến Đá, Hoan đã lên tiếng:
    - Con gái trưởng trạm đẹp mà kiêu!
    Tôi vênh mặt, không thèm nhìn Hoan, đáp:
    - Đẹp có bằng vợ chú? Kiêu có hơn con gái chú không?
    Hoan cười, làm lành:
    - Ghê nhỉ! Cô bé! Cứ ngồi yên ở thuyền, anh cho quân lính bốc chuối lên cho.
    Tôi chưa kịp vênh mặt đối đáp tiếp thì Hoan kêu khẹc... khẹc... Một con khỉ lông đen nhánh đeo lục lạc chạy đến. Nó nhảy nhoằng xuống thuyền thúng. Tôi sợ rúm người, ngồi co ở góc thuyền. Con khỉ điềm nhiên vặt quả chuối chín nhất giữa buồng bóc ăn như đứa trẻ con ăn. Đánh hơi mùi chuối chín, đàn khỉ trên đảo chuyền cành xô đến, láo nháo, nghiêng ngó nhìn và hau háu định nhảy xuống thuyền. Con khỉ đực đeo lục lạc dạng háng, gãi và nhìn tôi, nhe răng cười. Tôi bối rối. Ngượng ngùng. Hai má ửng hồng.
    - Đẹp quá! Lúc này cô bé đẹp, mà không kiêu.
    Hoan đứng trên bờ cười rũ. Bác Hàn đến mà Hoan vẫn không biết.
    - Thôi, thôi... Em nó còn bé lắm, cậu Hoan ơi.
    Bác Hàn đến làm cho tình cảm của cô bé mới lớn ương bướng với anh chàng lạ hoắc ấm nóng và thân mật lại. Tôi với anh nói chuyện bớt ngượng và tự nhiên hơn. Hoan đặt tên con khỉ của anh là Lục Lạc. Đi đâu Hoan cũng cho con Lục Lạc đi theo.
    Đêm đó, tôi nằm mơ. Giấc mơ đến lúc nửa đêm về sáng. Tôi thấy con Lục Lạc ngồi bắc chân chữ ngũ, nghiêng một bên thuyền thúng. Rồi chẳng nể mặt tôi, con Lục Lạc thoăn thoắt vặt từng quả chuối tung lên bờ. Đàn khỉ đứng trên giơ bàn tay dài ngoẵng thay nhau bắt. Nhẹ nhàng. Chuẩn xác. Và tinh nhanh. Chúng bóc chuối ăn và cười đùa chí chóe. Tôi trố mắt ngạc nhiên, cứ nghĩ mình đang lạc vào động Hoa Quả Sơn, đứng giữa bầy đàn con cháu Tôn Ngộ Không.
    Những ngày sau đó, tôi và Hoan quen nhau khá nhanh và thân. Bác Hàn rất tinh ý gọi tôi lại bảo nhỏ: “Thằng Hoan đã có vợ rồi. Cháu mới mười bảy tuổi, quan hệ chơi bời gì cũng phải cẩn thận nhá”. Tôi nói: “Thì cháu chỉ chơi với anh ấy thôi, có chuyện gì đâu”. - “Ấy là bác cứ rào đón trước thế”.
    Gần Hoan, tôi biết thêm biệt tài của anh là bắt chước tiếng thú vật, chim muông trong rừng giống y hệt. Hoan nhép nhép miệng kêu khe...ẹc... khe...ẹc... Lát sau, một lũ khỉ đực chuyền cây ào ào tới, lá cành run rẩy. Chúng ngó nghiêng, nhảy lộn xộn, gãi háng. Hoan bảo: “Anh bắt chước tiếng kêu của khỉ cái mùa động dục”. Kỳ lạ quá! Tôi tròn xoe mắt thán phục. Hoan vành miệng, lưỡi đưa ra trước kêu: té... te... te... Lập tức, gà rừng đang ngủ trưa thức dậy cùng vươn cổ gáy te... te đáp lại. Hoan bắt chước tiếng hổ gầm giống y hệt. Tiếng gầm của Hoan đập vào vách núi vọng trở lại, vang ngân vừa xa vừa gần. Khỉ trên cành nháo nhác nhảy rung cây. Chim chóc đập cánh bay vút lên không trung kêu loạn xạ.
    Thán phục và ngưỡng mộ Hoan, trước mắt tôi, anh là một chàng trai tài hoa, hoàn hảo. Tôi quý mến anh lúc nào không biết. Tôi thường giấu cha, theo anh đi vào rừng. Tôi há hốc miệng nghe Hoan nhại tiếng cu gáy, tiếng bù chao. Tôi ngẩn ngơ nghe anh bắt chước tiếng họa mi, tiếng yểng... Hoan đi đến đâu là chim chóc chuyền cành, nhảy, đập cánh bay loạn xị, kêu, hót vang, ồn ào cả một vùng. Anh hoàn toàn chinh phục trái tim thơ ngây, trong trắng của tôi.
    Cha cho tôi đi xem lễ mở cửa rừng.
    Tôi hẹn anh cùng đi. Hoan dắt theo con Lục Lạc. Tiếng lục lạc kêu lắc xắc theo mỗi bước chân con khỉ đen. Lễ mở cửa rừng của người Mường mở vào đầu mùa đi săn. Thầy mo là người chủ lễ. Thầy mo có con khỉ cái lông vàng, trông giống đứa trẻ con lên ba. Con khỉ cái khéo tay và được việc. Nó biết mở tráp, biết cầm gậy, biết nhặt các thứ thầy mo hay bỏ quên. Nó theo thầy mo như hình với bóng. Trên đèo Yên Ngựa, cách Trạm kiểm lâm khoảng một trăm thước, người ta bày đồ cúng lễ lên hòn đá xám. Cây, cành xanh lá cắm xuống đất sỏi, chắn ngang đường. Thế ra đó là cánh cửa rừng? Họ mở như thế nào nhỉ? Một cái thủ lợn sống đặt ngửa mõm lên trời. Ông thầy mo lầm bầm tiếng Mường. Tôi nghe tiếng gió nhiều hơn tiếng người... Phập! Dao quắm chặt đứt cổ gà. Ông thầy mo cầm đầu gà trống vẩy máu vào lá cây. Tôi sợ hãi nép vào ngực Hoan. Anh khẽ vòng tay lên ôm vai tôi. Người im lặng. Cả cửa rừng Tam Điệp im lặng. Khói hương nghi ngút bay gọi thần rừng hiện lên. Linh thiêng! Kính cẩn. Rồi những cây, cành lá xanh được kéo ra bên. Cửa rừng đèo Yên Ngựa mở toang. Con khỉ cái kêu liên hồi như báo hiệu: Thần rừng mở rộng vòng tay đón thợ sơn tràng vào. Hơn chục người đàn ông, chân quấn xà cạp, hông đeo dao quắm, bước qua cửa, vào rừng. Hoan nhìn con khỉ cái rất thích. Hoan bảo: “Nếu được nuôi dạy tốt, nó diễn trò khéo hơn người. Nó mà về làm bạn với con Lục Lạc của anh thì tốt quá”. Lúc đó, con Lục Lạc của Hoan tru lên và giật dây xích đòi tự do. Hoan cúi xuống cởi xích. Anh nói với nó bằng ngôn ngữ của khỉ, chỉ anh hiểu được. Và con Lục Lạc mon men bước đến gần con khỉ cái của thầy mo. Hoan bảo tôi: “Anh đánh cuộc với em rằng: Con khỉ cái của thầy mo sẽ theo không con Lục Lạc của anh”. Tôi hút vào không khí của lễ mở cửa rừng nên không để ý đến chuyện con khỉ.
    Ông thầy mo lầm rầm xong một bài khấn nữa. Bài khấn cầu mong thần rừng cho thợ sơn tràng săn được nhiều chim thú, tránh được đá lở, rắn độc... Một lát sau, những người thợ sơn tràng quay trở về. Người ôm chú khỉ con. Người xách cái bẫy có con gà bị thắt nút thòng lọng cổ. Người khoác níp củ nâu, củ mài. Người gánh hai xâu chim cu gáy lúc lắc ở hai mấu đòn... Tất cả các đồ rừng đó đều được chuẩn bị trước và để sẵn ở phía trong rừng. Trong buổi lễ, thợ sơn tràng chỉ việc đi qua cửa rừng làm động tác săn bắn, bẫy, đào,... có tính tượng trưng, mang về tựa hồ, như vừa đi săn bắt, đào bới được. Họ khoác cả tấm da lông gấu, hổ, báo cũ kỹ từ thời xa xưa. Những con vật ấy đâu còn nữa, rừng trọc lốc và chúng đã bị nấu cao lâu rồi. Hóa ra lễ mở cửa rừng là như vậy.
    Ba hôm sau, Hoan bảo tôi: “Buồn quá, Trang ạ”. Tôi lo lắng: “Có chuyện gì thế anh?” - “Con Lục Lạc của anh phải lòng con khỉ cái của ông thầy mo, nó không chịu về”. - “Gậy ông lại đập lưng ông. Cho anh chết”.
    
    Hoan và tôi phải vào trong bản nói với ông thầy mo xin con Lục Lạc về. Hoan thả con Lục Lạc xuống đảo Khỉ. Sáng hôm sau, Hoan lại vò đầu bứt tai: “Nó lại chuồn rồi em ạ. Thảo nào, đêm, anh nghe tiếng khỉ gọi nhau rất lạ”. Tôi ngạc nhiên: “Nó đi bằng cách nào, anh?”. Hoan chỉ cây gỗ mục dạt vào sát bờ đầm: “Có lẽ nó nhảy lên cây gỗ mục này rồi dùng tay chèo vào bờ. Con khỉ này hư thân mất nết quá”. Lại một lần nữa Hoan đến nhà thầy mo xin con Lục Lạc về. Để chắc ăn, Hoan nhốt con Lục Lạc trong lồng sắt. Bác Hàn nhìn, chỉ thở dài. Tôi thấy con vật bị gông cùm, tù tội, thương quá. Khổ thân con Lục Lạc! Đi theo tiếng gọi của bạn tình mà nên nông nỗi này.
    Đêm hôm đó, tôi lại nghe tiếng khỉ gọi bạn tình khản giọng. Rạng sáng, nghe tiếng khỉ kêu rất thảm. Con Lục Lạc có chuyện gì chăng? Tôi nóng ruột, vùng dậy bơi thuyền ra đảo Khỉ.
    Những điều tôi linh cảm đã xảy ra. Một cây gỗ khô táp vào sát đảo Khỉ. Bác Hàn và Hoan đã đứng bên lồng sắt. Tôi kinh ngạc quá. Đầu con Lục Lạc choe choét máu, hai bàn tay xước xát. Và con khỉ cái của thầy mo đang nhai lá đắp vào các vết thương cho con Lục Lạc. Lòng tôi rưng rưng, thương con Lục Lạc phá chuồng ra ngoài với bạn tình, thương con khỉ cái suông rừng, vượt đầm đi theo tiếng gọi của tình yêu.
    Cha tôi biết tôi yêu Hoan. Bác Hàn và cha tôi yêu cầu Hoan phải rời khỏi đảo Khỉ và Trạm kiểm lâm ngay. Cha tôi không muốn con gái mình dính vào anh nghệ sĩ xiếc thú đã có vợ. Tôi oan ức. Tôi khóc. Tình yêu của tôi dành cho Hoan trong sáng, tự nhiên đến. Tôi có thể không nghe lời cha để yêu anh nghệ sĩ, chứ tôi không thể chống lại cha để lấy người đã có vợ. Hoan lặng lẽ ôm con Lục Lạc bị thương rời khỏi Trạm kiểm lâm, không nói lời chia tay cùng tôi. Con khỉ cái của thầy mo mất bạn tình. Và từ đó chúng tôi bặt tin nhau...
    TIM tôi chợt nhói đau. Tôi lại nghĩ đến chồng. Chồng tôi chưa biết chuyện tôi và Hoan. Chồng tôi là một thái cực. Hoan là một thái cực. Hoan càng lung linh, vụt sáng bao nhiêu thì chồng tôi càng tối tăm, mờ mịt bấy nhiêu. Có lúc tôi tự hỏi: Nếu Hoan không có vợ, chuyện gì sẽ xảy ra với tôi. Tôi có chống lại ý cha để lấy chàng nghệ sĩ hào hoa kia không? Bây giờ, Hoan đang biểu diễn ở dưới sân khấu, vẫn phong độ, tài hoa. Hoan đang chỉ roi mềm cho đàn khỉ đi đến tận nơi chào khán giả. Tuyệt quá! Con Lục Lạc vẫy tay còn chín con khỉ cái nhún chân, tay cầm váy xòe ra chào khán giả. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Đàn khỉ nhấc mũ trên đầu chìa đến tận mặt người xem. Các bà, các cô móc ví lấy tiền lẻ bỏ vào mũ. Bọn trẻ con hò reo tung kẹo tới tấp, có đứa tung cả gói cho đàn khỉ bắt. Hoan sung sướng cũng ngả mũ cúi gập người chào khán giả. Rạp hát ồn ào như muốn vỡ tung. Chỉ đến khi Hoan ne được đàn khỉ chạy vào phòng chờ, phông từ cánh gà kéo ra để thay tiết mục khác thì tiếng vỗ tay mới hết.
    Lồng ngực tôi như sắp vỡ ra. Tôi đứng dậy chạy ngay vào phòng chờ biểu diễn với Hoan. Tôi muốn chúc mừng anh. Tôi muốn được ngắm nhìn anh thật kỹ. Tôi muốn được lao vào lòng anh như ngày nào ở cửa rừng.
    Tôi bị bất ngờ. Bàng hoàng, tôi đứng nhìn Hoan. Hoan đang bốc những đồng tiền lẻ nhàu nhĩ trong mũ các con khỉ, bỏ vào túi. Và cả vài đồng xu con Lục Lạc đang khư khư nắm chặt cũng bị Hoan vành các ngón tay ra, moi kỳ được...
    - Anh làm cái trò gì thế? - Có tiếng ai đó hỏi. Chắc là một đồng nghiệp của Hoan. Hoan đáp:
    - Trò đời chứ còn cái gì nữa!
    - Tối nay có được khá không?
    Giọng Hoan bực dọc, cáu kỉnh:
    - Dân tỉnh lẻ, nghèo bỏ mẹ. Toàn tiền mấy trăm đồng rách.
    Hình ảnh con Lục Lạc và Hoan mờ nhòe trong mắt. Tôi lặng lẽ quay đầu. Ra khỏi rạp hát, tôi thất thểu bước, nước mắt cứ trào ra.
    

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Một Thoáng Yêu Đương
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Người Phụ Nữ Bố Yêu