Vào lúc năm cùng tháng tận, khí trời miền Bắc rất là giá lạnh. Bắt đầu từ tiết Lập Ðông, hầu như không có lấy một hôm trời nắng, suốt ngày trời ẩm lạnh âm u, gió ù ù thổi lộng trời, nhốt chặt mọi người ở trong nhà. Ngày tám tháng Chạp, trời đổ trận mưa tuyết đầu tiên, phủ kín những con đường mòn trong thôn xã, phủ kín cả đường quan. Mọi người càng không ra khỏi cửa, mà Tết cũng sắp đến rồi, ai cũng bận bịu nấu nướng, muối trữ đồ ăn thức uống chẩn bị đón Tết.
Những lúc thế này, ngoài đường phố vắng tanh. Gió thổi tuyết bay, rét buốt thấu xương. Mới sau bữa cơm chiều trời đã tối sẩm, các cửa hàng cửa hiệu đều vội vã đóng cửa sớm, co ro cúm rúm trong nhà, xúm quanh bếp lửa sưởi và tí tách nhằn hạt dẻ rang
Đúng lúc đó, Vận Nô lại đang bước gấp trên đường phố khoác một tấm áo choàng bằng lụa ren cũ nát rách lỗ chỗ, chiếc áo khoác bay tốc lên, để lộ chiếc quần buộc ống màu phấn hồng. Bên ngoài đôi hài thêu hoa không có giày đi tuyết, cứ thế mà giẫm bừa lên tuyết dầy hàng thước; người rã rời, bước chân líu ríu cô chạy đến trước cửa hiệu thuốc có tấm biểu đề "Hồi xuân nhà thuốc cổ" Tay gõ cửa rất mạnh, miệng cô không ngừng gọi to:
- Chu công công! Chu công công! Chu công công! mở cửa! mở cửa! Chu công công!
Chu công công là chủ hiệu thuốc bắc duy nhất ở thị trấn này, mà cũng là ông thầy thuốc duy nhất ở đây. Vì ông đã cao tuổi nên moi người đều xưng ông là "Chu công công" (Chứ kỳ thực ông có bao giờ làm quan đâu). Vì trời quá lạnh, ông Chu đóng cửa hiệu sớm và đã trèo lên lò sưởi rồi. Nghe tiếng Vận Nô gọi cửa một cách cấp thiết, ông không thể không trở dậy xem sao. Một cậu học việc đã nhanh chân cầm đèn ra mở cửa.
- Chu công công, Chu công công có nhà không? Vận Nô vừa thở hổn hển vừa hỏi.
- Có nhà đấy cô ạ. Nhưng đã ngủ rồi! - Người đồ đệ có tên là "Hai Ngố" trả lời cô
- Xin hãy nói với Chu công công, xin ông đi xem giúp mẹ tôi, xin hãy giúp cho, nhanh lên, nhanh lên! - Vận Nô nước mắt vòng quanh, giọng nói run rẩy, từng đám hơi trắng như mù đọng lại sau mỗi câu nói của cô - Xin ông làm ơn làm phúc cho, mẹ tôi... mẹ tôi không xong mất rồi!
Chu công công đã ra đến cửa, vừa thấy tình cảnh là ông hiểu ngay. Không mảy may chậm trễ, ông quay lại nói với đồ đệ.
- Hai Ngố này, thắp đèn lồng lên, đi theo tôi xem sao.
Chu công công mặc áo lông cừu vào cùng đồ đệ đi theo Vận Nô. Cô gái đi nhanh như chạy nên thỉnh thoảng lại phải dừng chân đứng đợi ông già. Chu công công nhìn theo bóng dáng gầy gò bé nhỏ với đôi chân phong phanh thụt trong tuyết và chiếc áo trùm đầu cũ nát có dính những bông tuyết lấm tấm... bất giác lắc đầu thương cảm, tự nhủ thầm:
- Thật đáng thương, càng nghèo thì càng khổ, mà càng không tránh nổi bệnh tật.
Đã đến cửa nhà Vận Nô, hai gian giột nát, đổ xiêu không che nổi gió mưa, giấy dầu che cửa chính đã rách tả tơi, song cửa cái long đã gẫy sơn cửa bong tróc nứt nở. Xem ra thì hai mẹ con nhà này đã không dễ dầu gì trong năm qua, chẳng nói gì cái tết. Chu công công thở dài bước chân vào nhà. Vừa vào tới nhà ngoài đã nghe tiếng thở khò khè, tiếng rên của mẹ Vận Nô cùng tiếng gọi thều thào:
- Vận Nô, Vận Nô, Vận Nô ơi!
Vận Nô vội chạy tới bên giường, cầm lấy bàn tay bà mẹ gầy guộc giật giật, thò ra ngoài chăn, cô cuống quýt kêu lên:
- Mẹ ơi! con đây, con đã mời được Chu công công về xem bệnh cho mẹ đây!
Chu công công đến gần giường, bảo Vận Nô để dịch chiếc đèn dầu lại. Ông xem sắc mặt của người bệnh, nó đã khô héo và vàng như sáp, hai gò má nhô cao cằm nhọn hoắc. Ông không nói gì, chỉ cầm bàn tay người bệnh, chăm chú bắt mạch. Sau đó ông đứng dậy, ra nhà ngoài kê đơn. Vận Nô theo chân ông lo lắng hỏi:
- Ông thấy thế nào, thưa công công?
- Bà ấy còn ăn cơm gì không?
- Cháu bón một tí cháo, nhưng nôn ra hết. Vận Nô lại trào nước mắt. Chu công công nhìn Vận Nô: da trắng, mày thanh, mắt sáng, miệng nhỏ môi cắn chỉ, khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa... Thật là một cô gái xinh đẹp, nhưng sao số khổ vậy? Ông thở dài một tiếng, nhấc bút vừa kê đơn vừa nói.
- Tôi kê đơn thuốc tạm dùng thử xem sao đây. Cô bé ơi, tối hôm nay tốt nhất là nên mời thím Lý ở cạnh đây sang phụ giúp cùng cô.
- Chu công công! - Vận Nô hoảng hốt kêu lên, quì thụp xuống trước mặt Chu công công, nước mắt vòng quanh - Chu công công, xin công công cứu mẹ cháu! cháu van ông! công công ơi, ông nhất định phải cứu mẹ cháu... ông phải cứu, ông phải cứu mẹ cháu nhé ông ơi...
- Cô gái ơi, cô hãy đứng dậy! - Chu công công đỡ cô một tay, mũi ông cũng cay cay - Giờ tôi đi về bốc thuốc, cô không phải đi theo đâu, tôi sẽ bảo Hai Ngố đem lại cho cô. Sắc ngay thuốc cho mẹ uống nếu uống vào được thì tất cả sẽ còn hy vọng, nếu không uống vào được thì... Chu công công khẽ lắc đầu không nói hết lời - Thôi, ở hiền nhất định gặp lành, cô đừng sốt ruột, sáng sớm ngày mai tôi sẽ đến xem sao.
- Chu công công ông nhất định cứu được mẹ cháu, cháu biết, ông nhất định cứu được mà! - Vận Nô giống như người sắp chết đuối vớ được cọc, cô gửi tất cả hy vọng vào Chu công công. Cô ngẩng mặt nhìn Chu công công một cách khẩn khoản và tuyệt vọng, nước mắt loang loáng trên mặt cô - chỉ mong ông cứu sống được mẹ cháu, cháu tuy không có tiền nhưng có thể suốt đời may vá, suốt đời làm con hầu người ở để báo đáp ông.
- Cô gái ơi, tôi sẽ đem hết sức mình ra cứu chữa cho mẹ cô! - Chu công công thương xót, nói - cô hãy đi vào nhà đi, tôi về bốc thuốc. Nghe kìa hình như mẹ cô gọi, cô vào đi, nói chuyện với bà ấy cho đỡ buồn, đắp chăn ấm một chút kẻo bà ấy bị lạnh đấy.
Đúng là bà mẹ đang gọi Vận Nô giọng khàn khàn yếu ớt. Vận Nô vội lau nước mắt, vái công công mấy vái rồi chạy vào buồng. Chu công công lại lắc đầu, gọi đồ đệ.
- Hai Ngố theo ta về lấy thuốc đi! nhưng chắc thuốc cũng chẳng cứu được bà ấy nữa rồi, chỉ còn trông vào vận may thôi! Đem thuốc đến xong, con hãy mời thím Lý bên hàng xóm đến trông giúp nhé.
Vân Nô đã chạy đến bên giường mẹ cô, ngồi lên mép giường, cô lấy một tay nắm tay người mẹ, sợ hãi kêu lên:
- Mẹ, mẹ ơi!
Người bệnh miễn cưỡng mở mắt ra, cố gượng nhìn cô con gái đang ở trước mặt mình, bàn tay khô gầy bất giác nắm chặt tay cô, bà nói lắp bắp rất khó nghe.
- Vận Nô, mẹ con... không qua nổi nữa...rồi!
- Mẹ ơi! - Vận Nô kêu to một tiếng, gục lên chăn, nức nở khóc, nước mắt tuôn như mưa, cô gọi - Mẹ ơi, mẹ không được đi, mẹ nhất quyết không được đi, mẹ đi rồi, con phải làm gì bây giờ? thà con đi theo mẹ còn hơn.
- Vận Nô, con ơi đừng khóc! - Người mẹ cố gắng dùng bàn tay không còn hơi sức vuốt lên tóc con gái, bà cố hết sức tập trung thần trí đang dần dần tan tác của mình. Bà còn bao nhiêu điều cần nói, cần phải nói trong những giây phút cuối cùng, nhưng lưỡi bà đã muốn cứng lại, ý nghĩ... của bà đã rối tung lên, bà đau khổ dặn dò - Nghe mẹ nhé, Vận Nô... con... con nhất định phải tiếp tục đi, đến thành X... tìm...tìm... cậu của con, cậu ấy... cậu sẽ chăm sóc con!
- Mẹ ơi, không, không con không cần! - Vận Nô khóc đứt ruột đứt gan - con muốn đi theo mẹ, mẹ đến đâu, con đến đấy!
- Con ơi đừng... đừng nói nhảm! chỗ mẹ đi...con không đến được... không được. Con... con lấy cái... tráp ở đầu giường... mang lại đây...nhanh lên nhé!
Người bệnh tay run run, gắng giơ ra chỉ vào chỗ chiếc kỷ nhỏ kê ở đầu giường, trên đó đặt một cái tráp nhỏ màu đỏ. Trên nền đỏ có hình vẽ "Quan Âm tống tử" nét vẽ bằng nhũ vàng. Nhưng năm tháng đã quá lâu, hình Quan Âm đã mờ lắm rồi, nền sơn đỏ cũng đã rạn bong rơi rụng đi nhiều. Vận Nô tay bưng tráp mà nước mắt vẫn thánh thót rơi, cô biết ở trong đó có một chút trang sức của mẹ cô; khi một mẹ con rời quê hương đến thành X để tính nương náu ở nhà người cậu thì lộ phí chỉ biết trông vào mấy món trang sức này. Đã đi những mấy trăm dặm đường rồi...Mà nay, bà mẹ ngã bệnh, phải dừng lại thị trấn nhỏ này đã hai tháng. Bao nhiêu đồ trang sức đã phải bán để trả tiền nhà, tiền chữa bệnh, Vận Nô không tin là trong tráp lại còn gì nữa. Mà có còn đi nữa thì cũng chẳng làm sao cứu được cô khỏi nỗi đau mất mẹ? cô đặt tráp lại chỗ bà mẹ nước mắt vẫn chảy dài. Người mẹ sờ cái tráp nói:
- Chìa khóa... ở... ở...trong túi áo lót của mẹ, lấy...lấy ra rồi... mở...mở tráp!
- Mẹ ơi - Vận Nô khóc - mẹ giữ sức một tí nào!
- Nhanh lên, Vân Nô, nhanh... nhanh đi, mở... nó ra!- Người bệnh sốt ruột, - nhanh... đi nào?
- Vâng, thưa mẹ - Vận Nô không nỡ trái ý, đưa tay lấy chìa khóa mở tráp ra. Cô nhìn vào trong tráp, chỉ có một chiếc túi thêu bằng đoạn màu xanh lam, ngoài ra không còn gì nữa. Hiển nhiên là đồ vật trong túi kia phải là vật thiết thân cuối cùng của mẹ cô đẩy cái tráp lại chỗ tay bà mẹ - Mẹ ơi tráp đã mở rồi đây ạ.
Bà mẹ chạm tay vào chiếc túi thêu, bà thều thào:
- Mở nó... ra!
- Mở cái bao này ư, mẹ?
- Phải rồi... phải... nhanh đi! Vận Nô!
Vận Nô mở túi, lấy ra một vật và đưa lên xem: đó là một chiếc vòng đeo tay bằng pha lê trong suốt. Vòng pha lê thì không là vật lạ, cái lạ là ở những hình khắc trên đó. Một đôi phượng cuốn quanh, từng nét khắc trên cánh phượng, đuôi phượng, từng chiếc lông vũ trên thân... tất cả đều cực kỳ tinh tế. Pha lê vốn là một loại đá hết sức cứng trong các loại đá, khó điêu khắc nhất, vậy mà chiếc vòng đã được chế tác rất lung linh hoàn hảo, thật là vô cùng hiếm thấy, Vận Nô giơ chiếc vòng lên, nếu không phải là trong hoàn cảnh thế này, thì tất nhiên cô phải vui thích ngắm nghía vật báu hiếm hoi của thế gian đó. Nhưng lúc này cô chẳng còn tâm ý nào nữa, chỉ hơi thầm ngạc nhiên vì từ khi lớn đến nay, cô luôn bên mẹ mà chưa một lần nhìn thấy chiếc vòng.
- Đựa...đưa mẹ! - bà mẹ hổn hển thở gấp.
- Thưa mẹ đây ạ - Vận Nô đưa chiếc vòng vào tay mẹ cô. Bà mẹ cầm chặt chiếc vòng mân mê hoa văn của nó, trong màu sắc pha lên trong suốt có một ánh xanh lam, hết sức nhạt trước ánh đèn dầu đo đỏ, toàn bộ chiếc vòng lại hiện thành màu tía nhạt. Người bệnh nhìn như kiểm tra lại nó rồi tỏ vẻ yên tâm, thở ra một hơi, kéo tay Vận Nô, đặt chiếc vòng vào tay cô. Kinh qua một phen gắng gỏi, bà mẹ hầu như quá mệt mỏi, bà nói thầm thì, tiếng nghe chỉ còn như hơi gió thoảng qua:
- Hãy giữ lấy nó, Vân Nô con, đây... đây là một vật báu...một vật báu. Chiếc vòng này đã... theo... theo mẹ mười mấy năm rồi, con hãy giữ gìn...giữ gìn nó cho cẩn thận. Nghe này, Vận Nô, mẹ... mẹ... mẹ cần phải nói với con...phải nói, về cái vòng... vòng này, nó... nó... ôi... ồi...ài... !
Người bệnh thở hắt ra một hơi, đầu ngửa ra phía sau, bàn tay đang nắm tay Vận Nô bỗng lỏng ra, đầu lăn nghiêng xuống gối, toàn thân lại giật giật và co rúm lại, rồi sau đó không hề động cựa nữa. Vận Nô gào lạc giọng:
- Mẹ... ơi!
Cô chồm lên ôm lấy đầu mẹ ôm thật chặt và lay lắc mãi, miệng không ngớt kêu la:
- Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi!
Nhưng người bệnh đã không trả lời nữa, một sắc máu cuối cùng trên môi đã phai mất hẳn, Vận Nô kêu gào không ngớt, kêu đến kiệt sức hết hơi, một hồi lâu sau, cô đành buông bà mẹ, ngồi thừ người nhìn khuôn mặt không còn một chút sinh khí của mẹ, cô dường như không tin vào giác quan của mình. chẳng lẽ một người vừa mới sống rành rành ra đó mà cuối cùng chỉ còn lại một thân hình bất động không hề nói năng một lời như thế kia ư? Cô ngây thộn, ngẩn người, mê mụ đi. Cô không khóc, cũng không nói gì nữa cả, ngồi như một pho tượng, mắt không hề chớp, chằm chằm nhìn vào người nằm trên giường. Ngoài cửa sổ gió đang rít, hoa tuyết đập vào giấy dán cửa phát ra những âm thanh xào xạc, xào xạc.
Khi Hai Ngố mang thuốc và đưa thím Lý bên láng giềng sang, mới bước vào cửa đã thấy cảnh tĩnh lặng tờ như một bức tranh, người bệnh thì đã tắt hơi từ lâu. Vận Nô thì ngồi ngây như pho tượng bên mép giường, trong tay cầm chặt cứng một chiếc vòng pha lê long lanh quí giá.
- o O o -
- Vận Nô nghe tôi đi, mẹ cô mất đã hai tháng rồi, cô tính rồi đây ra sao, phải quyết một bề đi, suốt ngày ngồi trong nhà lau nước mắt thì không xong đâu. Khóc mãi ốm người mất, mà cũng chẳng giải quyết được việc gì. Hơn nữa để mẹ cô mãi trong miếu không phải là kế lâu dài, phải đưa linh cữu về quê chứ? hay định chôn ở đây? Hay đi tìm ông cậu rồi bàn cách giải quyết? - Thím Lý ngồi bên cạnh Vận Nô, đặt tay lên vai cô, ân cần khuyên bảo.
- Ôi, thím Lý ơi, quả thật cháu không biết tính thế nào cả! - Vận Nô cúi đầu, không ngừng vặn chiếc khăn lụa trong tay - Trước kia, việc gì cháu cũng biết nghe theo mẹ cháu, bây giờ, mỗi mình cháu là con gái, chẳng biết tính ra sao. Cháu chỉ buồn là đã không đi theo mẹ cháu thôi.
- Cô bé nói dở quá đi, tuổi còn trẻ thế này, biết đâu lại chẳng gặp nhiều may mắn về sau! - Thím Lý kéo tay Vận Nô, nhẹ nhẹ vuốt ve an ủi Vận Nô, có phải trước kia mẹ cháu thường nói đi tìm cậu ở thành X đấy sao? Nay sao cháu không đi?
Trước khi mất mẹ cháu cũng bảo cháu đi tìm ông cậu, nhưng... nhưng... nhưng từ đây đến đó hàng mấy trăm dặm mà cháu thì trong người không có nổi một đồng xu, tiền quan tài của mẹ cháu còn phải nhờ thím và Chu công công, đến tiền thuê căn nhà này của thím cháu cũng đã trả được đâu.
- Thôi nào, Vận Nô, nói đến tiền nhà mà làm gì, hai gian nhà này của thím để không thì cũng đến vậy mà thôi. Cháu phải rời bỏ quê hương, gặp bao nhiêu biến cố thế này, chúng tôi chẳng giúp thì ai giúp? - Thím Lý ôn tồn nói và nhìn Vận Nô thương cảm - Vận Nô ạ, giá mà giúp được cháu một chút tiền thì tốt quá, nhưng cháu biết đấy, thím cũng chẳng giàu có gì...
- Ôi, thím Lý ơi, thím giúp cháu nhiều lắm rồi mà, cháu thật không thể để thím phải tốn kém nhiều cho cháu nữa. Cháu nghĩ... cháu muốn đi may vá thuê để kiếm một chút tiền... - Vận Nô nghẹn ngào nói.
- Không phải nói để cháu nản đâu, Vận Nô này, nếu cháu định may thuê vá mướn để kiếm kế sinh nhai và về quê thì có kiếm suốt đời cũng chẳng đủ. Ở đây là trấn nhỏ nhà cửa thưa thớt, người ít, có ai phải thuê người may vá đâu, họ đều tự làm lấy cả. Chỉ có nhà họ Châu ở phía Tây thành là giàu có, nhưng họ đã nuôi mấy người trong nhà để khâu vá rồi. Thím thấy cách của cháu có lẽ không được đâu.
- Vậy thì... vậy thì... cháu còn biết làm thế nào nữa? Cháu... cháu còn biết ít chữ...
- Cái đó cũng chẳng dùng được có ai mời thầy giáo đàn bà đâu. Vận Nô cúi đầu thấp hơn nữa, đôi mắt đen ngơ ngác dưới mái tóc chỉ che trước trán trông thân thương và tuyệt vọng, hàm răng trắng nhỏ cắn vào môi buồn bực, bứt rứt. Thím Lý nhìn cô suy nghĩ rất lâu rồi chợt như nghĩ được kế gì, vụt đứng lên nói:
- Đúng rồi, Vận Nô thím có cách rồi.
- Gì cơ?
- Thím nhớ cái hôm mẹ cháu mất, cháu có cầm một chiếc vòng...
- Vòng pha lê! - Vận Nô nói
- Phải, vòng pha lê đó có thể có giá đấy...
- Nhưng... nhưng... lúc mẹ cháu sắp đi, còn cố lắp bắp định nói gì với cháu về chiếc vòng này, nhưng đã không kịp nói thì..., mẹ đã bán đi tất cả mọi thứ, chỉ còn chiếc vòng này không nỡ bán, lại nói đó là báu vật bảo cháu phải giữ gìn cẩn thận sợ rằng đó là báu vật gia truyền, cháu không bao giờ dám bán đi đâu!
- Ồ, đó là của báu gia truyền ư? - Thím Lý tự nhiên cụt hứng đứng dậy, chậm rãi bước quanh căn phòng, tay khoanh trước bụng. Lúc sau, thím chợt đứng lại trước mặt Vận Nô.
- Vận Nô này, thím xem chiếc vòng pha lê đó một chút được không?
- Được ạ?
Vận Nô lấy cái tráp đỏ ra, mở khóa, lấy túi thêu và trịnh trọng rút chiếc vòng ra đưa cho thím Lý. Thím cũng cầm lấy một cách rất cẩn thận và chăm chú xem. Chiếc vòng trong vắt, phát sáng long lanh, những nét điêu khắc nhỏ hơn sợi tóc trên đầu, trên cánh trên đuôi chim phượng không khỏi khiến người xem tấm tắc thán phục! Thím Lý suýt xoa sống quá nửa đời người, mới lần đầu nhìn thấy một vật báu hiếm có trên thế gian như vậy! Thím buộc miệng khen.
- Trời, thật là quá đẹp!
- Mẹ cháu cũng nói đó là của quí mà.
- Thôi cất đi đi, không thím cầm cũng lo lắm, chỉ sợ đánh rơi vỡ mất thì chết - Nhìn thấy Vận Nô cất vòng xong, trầm ngâm giây lát, thím lại nói - Thím lại nghĩ ra cách rồi.
- Cách gì cơ ạ?
- Có biết tiệm cầm đồ "Hữu Lợi" ở trấn này không?
- Có ạ - Vận Nô đã hơi xấu hổ vì đến trấn này mới hơn bốn tháng mà đã đến tiệm cầm đồ đó những mấy lần.
- Người coi tiệm ở đó đều rất sành hàng hóa, sao cháu không đem vòng pha lê đến để cầm cho họ lấy một khoản tiền nhỉ? Cháu xem nhé, cầm đồ không giống bán đứt đâu, chỉ cần trước khi đến hạn, mình có thể đưa tiền ra chuộc là đồ của mình vẫn nguyên vẹn về tay mình. Thím tính cho cháu nhé: tốt nhất cháu hãy đi cầm cái vòng để lấy một khoản tiền rồi đi ngay đến thành X mà tìm ông cậu, tìm được cậu rồi, cháu có thể quay về an táng cho mẹ và chuộc vòng của cháu. Đấy như vậy có phải là vẹn cả mấy đường không? Vừa giữ được vòng quí, vừa gặp được cậu cháu.
Vận Nô suy nghĩ một lúc lâu.
- Tốt thì có tốt, nhưng... nếu cậu cháu không chịu đến thì sao?
- Mẹ cháu đã phải cố lặn lội đường xa như vậy để đi tìm cậu, chắc cũng tin là việc có thể thành. Thím nghĩ ông cậu chẳng đến nỗi không nhận một người ruột thịt nghèo như cháu. Với lại, cháu không đi hỏi ông ấy xem, biết đâu ông ấy biết lai lịch chiếc vòng kia! Nếu quả thật đó là vật báu gia truyền thì ông ấy cũng sẽ không để cho nó thất lạc ra ngoài đâu.
Vận Nô cắn môi, nghĩ ngợi cân nhắc rất kỹ, cảm thấy hình như ngoài cách của thím Lý ra, cũng chẳng còn cách nào khác. Nghĩ lại lúc lâm chung, mẹ đã trịnh trọng trao chiếc vòng cho mình như là trong đó có gì bí hiểm lắm, phải chăng mẹ cũng muốn mình nhờ vào nó mà đến được thành X nhỉ? Không, không, mẹ đã nói rõ là phải giữ gìn cẩn thận cơ mà? nhưng bây giờ thì không thể làm gì được nữa rồi. Trong khi nguy cấp không thể không tìm thấy một lối ra! Cô gái cắn răng, gật mạnh đầu:
- Thôi được rồi! Thím Lý ạ, chiều nay cháu sẽ đến tiệm cầm đồ thử xem sao. Hi vọng họ có thể ứng cho cháu một món tiền đáng giá.
Và thế là chiều hôm đó, Vận Nô đã ôm chiếc túi thêu bước vào tiệm cầm đồ Hữu Lợi.
Đi cầm đồ với Vận Nô không có gì là lạ lẫm cả. Từ khi lên đường rời quê hương, mẹ con cô đã từng vào nhiều tiệm cầm đồ rồi. Các tiệm đó bố trí gần giống như nhau: một bức rèm châu treo trước cửa lớn, bên trong cửa là ánh sáng lờ mờ, một bục tủ cao cao, một người trông quầy đứng nấp sau bục tủ, một cái cửa nhỏ để đưa đồ vào cầm. Tuy không còn lạ nhưng Vận Nô vẫn không nói nổi những tâm trạng bức xúc, hồi hộp bất an và hơi xấu hổ. Khi còn ở quê nhà, Vận Nô cũng là một khuê tú trong một nhà có tiếng tăm, ông bố đã từng làm quan ở kinh thành, chỉ vì thời vận không đến, mới từ quan về quê sống bằng nghìn mẫu ruộng tốt của nhà. Cuộc sống cũng vẫn mười phần dễ chịu, Vận Nô vẫn là thiên kim tiểu thơ có a hoàn nhũ mẫu hầu hạ. Lúc đó, cô nằm mơ cô cũng không nghĩ được rằng, một ngày nào đó mình sẽ trở thành người lang thang cơ nhỡ đơn độc trên đường ly biệt quê hương, co ro cúm rúm bước vào tiệm cầm đồ thế này, ôi giá như quê nhà không mắc phải thiên tai, hết hạn đến lụt rồi lại ôn địch... giá mà cha mình không quá hảo tâm phát tán hết cả của cải để cứu người nghèo đến thế, hoặc cha không mất sớm như vậy... giá mà những họ hàng thân thích kia không phải là những tên cùng hung cực ác đã bắt nạt quả phụ cô nhi, hoặc mình còn có một người anh em trai có thể thừa kế nối dõi tông đường... giá mà... Ôi, nếu không có bao nhiêu cái giá mà đó, thì làm sao mà bà mẹ lại chết khổ ở nơi đất khách quê ngườỉ làm sao cô phải cô đơn khổ cực không còn lối thoát thế này?
Vận Nô đứng trước quầy hàng trong lòng đương thổn thức nghĩ ngợi lan man. Người trông quầy nhìn qua cửa quầy, thấy Vận Nô đứng đấy, nét mặt vừa bần thần vừa có vẻ ngượng ngùng. Những người trông quầy thường là loại gặp nhiều hiểu rộng, chỉ cần quan sát qua cử chỉ quần áo của Vận Nô là đã biết cô vốn là con gái nhà giàu chẳng may sa cơ lỡ vận.
- Cô định cầm đồ phải không? - ông ta hỏi một cách ôn hòa.
- Vâng, mời ông xem hàng - Vận Nô thận trọng rụt rè đưa cái túi thêu ra - Xin ông nhẹ tay cho, kẻo vỡ mất.
Người trong quầy rút chiếc vòng pha lê ra, giơ lên ánh sáng, ông ta xem rất chăm chú, hồi lâu dường như giật mình, ngẩng đầu lên nhìn Vận Nô một cách rất nghi hoặc. Ông ta nhìn đi nhìn lại cô gái, ánh mắt rất kỳ dị và đầy vẻ không tin tưởng. Rất lâu sau, ông ta mới đứng dậy hơi có ý căng thẳng và nói:
- Thưa cô, mời cô ngồi sang bên này đợi một chút uống chén nước chè nóng, để tôi còn đưa vòng cho ông chủ nghiên cứu kỹ thêm, chắc cô cũng biết đây không phải là một vật tầm thường?
Quả nhiên là một báu vật rồi. Vận Nô gật gật đầu, theo chân người trông quầy đi sang một gian nhà nhỏ khác, ngồi xuống một chiếc ghế bằng gỗ đàn tía. Người trông quầy cầm vòng đi vào trong nhà, chắc là để cùng ông chủ xem xét đánh giá nó. Vận Nô thấp thỏm ngồi chờ, trong lòng hồi hộp nghĩ đến giá trị của chiếc vòng pha lê, Lát sau, một đồ đệ nhỏ bưng đến cho cô một cốc nước chè thơm ngon nóng bỏng tay; lại một lát nữa, chú nhỏ khác đưa đến cho cô chiếc lồng ấm sưởi tay; chỉ tội không biết là người trông quầy ở đâu mà mãi không trở lại.
Vận Nô uống một ngụm trà, ôm lồng ấm trong vạt áo, và cố công ngồi đợi, cô không ngờ là họ lại nghiên cứu cái vòng lâu đến thế. Cô thấy chú nhỏ vừa bưng trà cho cô chui qua bức rèm và đi ra ngoài phố, cô thấy một con mèo vàng đang gừ gừ trên mặt quầy... chén trà của cô đã nguội hẳn từ lâu.
Cuối cùng người trông quầy cũng đã trở ra, nhưng tay ông ta không có chiếc vòng.
- Thưa cô, cô đợi thêm một chút - ông ta mỉm cười, nhưng ánh nhìn của ông ta lại có vẻ đang dò hỏi xét nét một cái gì thâm thúy lắm - ông Triều Phụng đang xem vòng của cô! Thưa cô, trước nay cô có đến đây rồi thì phải.
- Vâng - nỗi thấp thỏm của Vận Nô tăng lên. Có thể là cô không nên mang vòng đi cầm, hay là cái vòng quá quí, không thể đánh giá được.
- Cô định cầm chiếc vòng đó lấy bao nhiêu bạc ạ?
- Ông xem có thể được bao nhiêu? - Vận Nô bẽn lẽn nói - tất nhiên cũng hy vọng được nhiều một chút, tôi chỉ định cầm độ nửa năm thôi, có khi còn phải chuộc lại cũng nên.
- Ủa - Người trông quầy thốt ra một tiếng và tia mắt ông ta lại chĩa sang phía cô, đánh giá, soi mói cô từ đầu đến chân. Không hiểu tại sao trong đáy mắt ông ta lại còn chứa đựng cái gì đó như là tiếc thương và hồi hộp - chiếc vòng này, chắc hẳn là... chắc hẳn là... đồ gia truyền của nhà cô chăng?
- Đúng là của gia truyền, vì vậy mới cần chuộc lại.
- Ồ, vâng, thưa cô - Người kia vẫn tiếp tục cái nhìn xét nét, làm cho Vận Nô thấy càng áy náy không yên. Nhưng, chẳng biết cô đã nghe ai nói chăng, " cầm đi thì dễ, chuộc về thì khó " chưa?
À, thì ra là ông ta sợ mình không đến chuộc? Vận Nô ôm chặt cái lồng ấm hơn và ngồi thẳng lưng lên.
- Nhất định tôi sẽ đến chuộc, tôi chỉ thiếu có một ít tiền đi đường thôi.
- Cô định rời khỏi đây ư?
- Vâng tôi định đến thành X, để tìm cậu tôi - Vận Nô nói, và cô bắt đầu cảm thấy khó chịu. Cô đến để cầm đồ, chứ đâu phải đến để nói chuyện phiếm, cầm có một cái vòng mà lôi thôi rắc rối thế này ư? Đang trầm ngâm suy nghĩ thì nghe tiếng mành cửa rung lên, chú nhỏ vừa ra phố đã quay lại, đi cùng với hắn là những mấy người đàn ông cao to lực lưỡng. Người trông quầy lập tức rời bỏ cô để đón tiếp những người mới đến, một mặt nói với cô:
- Xin cô ngồi lại một lúc nữa là được.
Ông ta đưa mấy người đàn ông vào phía trong, rõ ràng mấy người này đến không phải để cầm đồ, mà họ là bạn của ông chủ tiệm. Vận Nô tiếp tục ngồi ở đó, bàn tay rỗi việc mân mê cái lồng sưởi nhỏ. Chú nhỏ lại xuất hiện, rót trà nóng cho Vận Nô và đứng luôn bên cạnh đó không đi đâu nữa. Vận Nô tự nhiên cảm thấy rợn rợn, một nỗi sợ hãi kinh khủng kỳ lạ nào đó trùm lên người cô. Bây giờ cô mới mơ hồ cảm thấy như từ lúc bắt đầu đưa ra chiếc vòng pha lê thì mọi việc xảy ra với cô đều trở nên không bình thường. Cô hoang mang nhìn xung quanh, căn phòng lặng ngắt âm u này, bộ tủ quày nặng nề kia, tấm rèm đung đưa theo gió ngoài cửa và chú nhỏ đang đứng tráo mắt canh chừng nó... Nỗi sợ hãi càng tăng lên, đè nặng cô xuống. một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng, dần dần dâng lên đầu. Cô đứng bật dậy bảo chú nhỏ:.
- Nói với mấy ông giữ quầy, đưa trả vòng cho tôi, tôi không cầm nữa.
Chú nhỏ còn chưa kịp nói gì thì người trông quầy đã bước gấp ra ngay, theo sau ông ta là mấy người đàn ông lực lưỡng kia và ông chủ tiệm cùng với Triều Phụng. Họ đi thẳng đến chỗ Vận Nô và đứng lại, Vận Nô chợt nhận ra mình đã bị bao vây trong một lớp bình phong bằng người sống, dày đặc rồi. Bốn phía đều là những đôi mắt trợn trạo dữ dằn, và những bộ mặt không có gì là thiện ý. Vận Nô nhìn bọn họ toàn thân bỗng run bắn, miệng lắp bắp nói:
- Các... các ông... định làm gì?
Một người đàn ông bước lên trước một bước, bàn tay hộ pháp của y đột nhiên túm chặt lấy cổ tay cô như một con diều hâu quắp con gà con vậy; một người khác rút ra sợi đây thừng to tướng:
- Các... các ông... các ông sao lại... sao lại... - Vận Nô sợ hết hồn hết vía, mặt trắng bệch ra - Các ông... các ông định lấy vòng... hay định bắt người.
- Cả vòng lẫn người! - một người nói và quặc tay cô ra sau lưng trói nghiến lại.
- Xin... xin các ông tha cho tôi, cái vòng... cái vòng... vòng các ông lấy đi, biếu các ông!
Vận Nô run bần bật, nước mắt lưng tròng. Thật không thể nào ngờ được, đi cầm chiếc vòng đó mà lại bị sa vào cái họa sát thân! cô ngẩng mặt nhìn người coi quầy cầu cứu:
- Thưa ông, xin ông làm ơn làm phúc, xin ông làm ơn làm phúc!
Nước mắt thành dòng rơi xuống đôi má trắng bệch của cô, thân hình nhỏ nhoi của cô bị quay tròn trong tay bọn công sai lực lưỡng để cho cái dây thừng to lớn quấn chặt cô lại. Trông cô thật quá nhỏ bé đơn độc đáng thương xót
- Chà, cô gái ạ - người coi quầy hơi có vẻ xúc động chép miệng một tiếng, nói với Vận Nô - thật không phải với cô, nhưng tôi không có cách nào cứu cô được, tôi phải phục tùng mệnh lệnh, phải theo việc công. Ai bảo cô đem vòng ra cầm nào? Tất cả các nhà cầm đồ chúng tôi đều đã có bản vẽ của chiếc vòng đó đấy!
- Cái vòng đó... cái vòng đó... cái vòng đó thì có gì là không tốt? - Vận Nô cãi lại, cô tức run người, nước mắt lã chã:
- Đừng hỏi nữa, đi theo chúng ta! Đừng ở đây mà vờ vịt! - một tay công sai kéo dây trói trên mình cô - Thật không thể nhận ra được tên kẻ cắp lại là cái cô xinh xắn thế này!
- Kẻ cắp - Vận Nô giật nảy mình, lúc nào cô mới nhận ra mấy người cao to lực lưỡng kia chính là bọn công sai chuyên đi bắt người của phủ huyện, răng cô đánh lập cập, mắt mở to đến hết mức - Trời ơi! tôi đã làm kẻ cắp bao giờ?
- Lại còn cãi nữa! cô muốn nói thì gặp quan huyện mà nói! - bọn họ giải cô đi ra cửa. Ngoài cửa tiệm đã có một đám đông những người hiếu sự đang xúm xít đứng xem, chỉ chỉ trỏ trỏ bàn tán xôn xao làm cho Vận Nô vừa xấu hổ, vừa sợ hãi, vừa buồn bực, vừa phẫn nộ. Cô chỉ muốn chết đi cho rảnh. Cô khóc nức lên:
- Thế tôi đã ăn cắp cái gì cơ chứ?
- Những thứ khác thì chưa biết, nhưng cái vòng pha lê kia thì đích là ăn cắp của nhà họ Châu ở phía Tây thành rồi! họ đã báo quan từ mấy tháng trước kia, đã vẽ lại hình và đưa các nơi tra xét từ lâu rồi, còn cô ăn cắp những thứ gì nữa thì tự ra mà nói ở ngoài công đường!
- Vòng pha lê! Vòng pha lê! - Vận Nô đau đớn kêu, ngửa mặt lên trời, mặt lại nhòe nước - Trời ơi, cái vòng pha lê chết người kia, Mẹ ơi, mẹ đưa con cái vòng đó, rốt cuộc là có ý gì đây?
Ông Trình Chính là huyện thái gia đã phải thăng đường, ông ngồi trên đài cao nhìn Vận Nô đang quì trước mặt. Vận Nô bị bắt hôm qua và bị giam suốt đêm ở nhà lao đàn bà, đã khóc sưng đỏ cả hai mắt, đầu tóc rối bù. Mặc dầu chẳng phấn son, không chải chuốt, ở cô vẫn toát lên vẻ sáng sủa, thanh thoát ưa nhìn. Đôi mắt trong sáng, nét mặt thẳng thắn thật thà, cô không mảy may mang dáng nét gì có vẻ yêu ma tà khí. Ông Trình Chính vốn là một quan thanh liêm, trước nay đều sáng suốt minh bạch, xem xét sự việc rạch ròi công tâm. Nhìn Vận Nô ông quả không dám tin cô là kẻ cắp, trước nay ông vẫn tin vào khoa " xem tướng mặt" nếu cô gái quì trước mặt ông mà đúng là kẻ cắp thật thì thuật xem tướng của ông kể như hỏng cả.
Nhưng cái án này, thật đúng là làm người ta phải bó tay. Nhà họ Châu ở phía Tây là nhà giàu nhất huyện, ông chủ đã qua đời, có chàng công tử tên là Châu Trọng Liêm, tuổi còn trẻ mà đã thạo văn sành thơ, nổi danh là "tài tử" Chỉ vì cha Trọng Liêm trước đã sớm lạnh nhạt với con đường sĩ hoạn, khi qua đời dặn lại con chớ tham danh lợi, đừng ra làm quan; thế nên chàng trai này chưa bao giờ tham gia khoa cử, chỉ quản lý việc nhà, trông nom ruộng đất, phụng dưỡng mẹ già. Trình Chính nhậm chức quan huyện tại đây đã nhiều năm, chứng kiến sự khôn lớn của Trọng Liêm yêu thích chàng vì giỏi thơ văn, để kết thành bạn vong niên của chàng. Nhà họ Châu gặp cướp khoảng 4 tháng trước đây, nghe nói nửa đêm có một toán người trèo tường vào, có thể bọn chúng đã dùng hương có thuốc mê làm cho cả nhà mê mệt đi rồi cướp mất cái tráp đựng trang sức của phu nhân (mẹ Trọng Liêm). Họ Châu ra báo quan có nói, những vật khác mất đi không tiếc lắm, chỉ tiếc mỗi chiếc vòng pha lê trong tráp; đó là vật báu vô giá, hy vọng tìm lại được. Thế là, Trình Chính hạ lệnh cho thợ vẽ lại hình trạng chiếc vòng rồi phân phát đi khắp các tiệm cầm đồ và tiệm bán vàng bạc ngọc quí trong vòng một trăm dặm để truy bắt tội phạm. Theo kinh nghiệm của ông thì bọn cướp nhất định không giấu được lâu, sẽ phải mang bán những của cải chúng cướp được. Hơn nữa, có thể bọn chúng cũng không biết giá trị của chiếc vòng kia và phải mang đến tiệm cầm đồ để định giá. Đến nay, quả nhiên ông đã đoán đúng, chiếc vòng pha lê xuất hiện rồi. Nhưng điều làm ông rất ngạc nhiên và khó hiểu là người đi cầm chiếc vòng đó lại là một cô gái nhỏ yếu đuối đáng thương đến thế! Quì trước công đường và đang cố cầm nước mắt, trông cô như một con dê nhỏ đang sắp bị giết thịt.
- Triệu Vận Nô! ngẩng đầu lên! - ông thét.
Vận Nô ngoan ngoãn ngẩng đầu lên, đưa mắt nhìn Trình Chính, nước mắt vẫn chưa khô, trông rất khổ sở tội nghiệp, nhất là đôi mắt đen sáng nhưng tuyệt vọng, trông cô không giống kẻ cắp tí nào.
- Chiếc vòng pha lê này có phải chính cô mang đến hiệu để cầm cố không? - Trình Chính tay giơ chiếc vòng tai họa kia, nghiêm giọng hỏi:
- Vâng, thưa ngài.
- Cô lấy nó ở đâu? Phải nói thực, không được nói một câu nào dối trá.
- Thưa, đây là của mẹ tôi cho ạ.
- Mẹ cô đâu.
- Mẹ tôi đã mất cách đây hai tháng rồi ạ.
- Bà ấy lấy chiếc vòng ở đâu ra?
- Thưa tôi không biết ạ.
- Phải nói thật!- Ông quan huyện cầm khẩu gỗ đập chát rất mạnh xuống bàn.
- Quả thật tôi không biết, thưa ngài! - Vận Nô bị tiếng đập bàn làm giật nảy mình, nhìn lên một cách cực kỳ buồn bã khiếp hãi, không thể nào nói nổi nữa.
- Cô là người bản địa phải không?
- Không ạ, thưa ngài. Hơn 4 tháng trước chúng tôi mới đến đây, vốn định đi vào thành, nhưng vì mẹ tôi ngã bệnh phải ở lại đây. Hai tháng trước mẹ tôi mất. Trước khi qua đời, mẹ tôi đã cho tôi chiếc vòng này.
Bốn tháng trước họ đến đây, phủ họ Châu cũng gặp cướp bốn tháng rồi, thời gian khá trùng khớp, có vấn đề đây... ông Trình Chính nghĩ thầm, nhưng vẫn chưa nắm được điểm chính. Ông lại nhìn kỹ Vận Nô, cô gái tuy vừa bị kinh hoàng giật thót nhưng vẫn giữ được cung cách lễ độ của đại gia. Cũng có thể cô ta chưa biết lai lịch chiếc vòng này thực.
- Truớc khi mẹ chết, cô đã từng thấy chiếc vòng này chưa?
- Thưa chưa ạ.
- Khi cho cô chiếc vòng, mẹ cô nói thế nào?
- Mẹ tôi nói đó là một báu vật, bảo tôi phải giữ gìn cẩn thận, mẹ tôi còn nói đây là đồ vật đã có từ lâu trong gia đình, với lại mẹ tôi còn nói... còn nói là...
- Còn nói cái gì! nói ra mau! - Trình Chính lại đập bàn.
- Ồ! thưa ngài! - Vận Nô lại giật nảy mình, run lẩy bẩy nói - Mẹ tôi nói sẽ bảo một số việc liên quan đến chiếc vòng nhưng chưa kịp nói thì đã tắt thở mất rồi! - Vận Nô nói và quá đau lòng, cô lại trào nước mắt. Lấy khăn tay lau mắt, rồi cô ngẩng lên.
Rồi cô ngẩng lên trời, thầm gọi mẹ không biết bao lần, cuối cùng cô tuyệt vọng, khẽ kêu thành tiếng - Mẹ ơi, cứu con! Mẹ ơi giúp con! mẹ hãy bảo cho con biết thế này là thế nào?
Nhưng trời xanh lồng lộng ai biết được mẹ cô đang phiêu bạt ở nơi nào?
Ông Trình Chính chăm chú nhìn cái bóng hình nhỏ bé đó, ánh mắt lộ chút cảm động và nghĩ suy, một ý nghĩ chợt nảy ra trong óc ông. Tay chống cằm trầm xuống trong giây lát, nhìn lại Vận Nô lần nữa, ông nói:
- Cô là người ở đâu?
- Thưa, ở Hà Nam ạ.
- Cha cô mất rồi ư?
- Thưa, vâng ạ.
Ra vậy, một quả phụ dẫn con gái từ đất Hà Nam xa xôi chạy đến đây, là vì cái gì? Vụ án ở nhà họ Châu kia, không thể là do đàn bà gây ra được phải là một bọn cướp rất hung tợn trên giang hồ. Nhìn cô con gái thì biết mẹ cô chắc là xinh đẹp và cũng còn khá trẻ, khoảng 37, 38 là cùng. Trẻ chưa qua, già chưa tới, đàn bà ở tuổi đó là khó đứng được nhất, vậy có thể chiếc vòng pha lê đó là một món tặng phẩm chăng?
- Nghe đây, Vận Nô, cô không được nói dối, mẹ cô bình thường đi lại với những ai?
- Chúng tôi không quen ai cả, thưa ngài, chỉ có Chu công công xem bệnh cho mẹ tôi và thím Lý ở hàng xóm, ngài có thể cho đòi họ đến để hỏi. Chúng tôi chỉ đi qua đây thôi, nên không có bạn bè gì ạ.
- Nói bậy! - Trình Chính nổi cáu, không nhịn được ông đập bàn một hồi! - Đồ quí của nhà họ Châu bị mất làm sao rơi vào tay mẹ con cô. Trong việc này nhất định phải có uẩn khúc nào đây, cô không chịu nói thật, chẳng lẽ để ta phải dùng hình tra khảo? Phải nói thật đi, mẹ cô tại sao lại quen được bọn cướp đó?
- Ối trời, thưa ngài! - Vận Nô chợt như bừng tỉnh, lòng cô trào lên uất hận đến run người, cô ngẩng đầu nhìn thẳng vào Trình Chính, quên cả nỗi khiếp đảm và sợ sệt, cô hăng hái nói một cách đĩnh đạc - Trước kia cha tôi xuất thân khoa cử, từng đỗ đầu hai bảng, nhiều năm làm việc ở Hàn lâm. Nhà họ Triệu chúng tôi là nhà có tên tuổi, nếu không bị trời làm hết hạn đến lụt, rồi ôn dịch, cha chết, đầy tớ gia đình kẻ chết người bỏ đi, gia đình sa cơ thất vận, tàn bại trong nội mấy năm... thì đâu đến nỗi chúng tôi phải lưu lạc đến đây? Mẹ tôi tuy không phải danh môn tài nữ, nhưng cũng là một phu nhân đại gia có học hành, biết lễ nghĩa, ngài cho rằng mẹ tôi nhẹ dạ kết giao với bọn giặc cướp ư? Thưa ngài! quả thật là tôi không biết nguồn gốc của vòng pha lê, xin ngài minh xét! Nhưng xin ngài muôn vạn lần, đừng làm oan uổng cho mẹ tôi, bà mới chết thi thể còn chưa lạnh ngài đừng làm cho người chết phải mắc oan!
Trình Chính nghe cô gái kể lể một hồi, nhìn khuôn mặt chan chứa nước mắt của cô, không biết sao, ông cũng không nén được lòng trắc ẩn. Cô gái nhỏ này, tiếng nói lại đĩnh đạc gọn gàng... nghe ra rõ ràng không giống con gái nhà quê dốt nát mà giống như người xuất thân ở nơi cao sang quí hiển. Một cô gái như thế này thật khó mà ghép vào vụ án trộm cướp Trình Chính nhíu mày suy nghĩ ông hết sức lúng túng. Nếu ông không phải là người làm việc thực sự cầu thụ, nếu ông là một quan mê muội thì sự tình đó đã không rắc rối. Dẫu sao thì đã đầy đủ nhân chứng vật chứng, cứ nhắm mắt mà quyết hai bài, khép vụ án lại, thế cũng là xong. Nhưng mà nhưng mà... đúng như Vận Nô nói đó, đừng làm cho người chết hàm oan!
- Vận Nô!
- Dạ, thưa ngài.
- Ngoài chiếc vòng pha lê này, mẹ cô còn cho cô đồ trang sức khác không? - Trình Chính hỏi nếu có thể tìm được vài vật trong danh sách những đồ bị cướp thì người chết có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa hết nhục.
- Thưa, không có ạ, chúng tôi chỉ còn mỗi thứ này thôi.
- Tại sao chỉ còn mỗi đồ trang sức này thôi?
- Bẩm lão gia, khi mẹ tôi ốm, chúng tôi phải đem đồ trang sức đi cầm hết rồi.
- Cầm ư? đã cầm những thứ gì?
- Dây chuyền vàng, hoa tai bằng hồng ngọc, vòng tay bằng mã não... với lại các loại nhẫn mặt đá quí... tôi không nhớ hết được nữa ạ.
- Ai mang đi cầm.
- Thưa là tôi ạ.
- Cầm ở tiệm nào?
- Thưa, vẫn cầm ở tiệm Hữu Lợi ạ.
- Thôi được! - Ông Trình Chính nói to - Hôm nay bãi đường ở đây, người đâu, giải Vận Nô đi, cho người đến ngay tiệm Hữu Lợi rút tất cả những đồ của Vận Nô về đây. Cho truyền Chu công công và thím Lý ngày mai đến công đường đốt chất! Bãi đường!
Sau khi bãi đường, Trình Chính trở về thư phòng trong Nha môn để nghỉ ngơi. Ngồi tựa vào chiếc ghế bành, ông uể oải bóp đầu suy nghĩ. Đã làm bao nhiêu vụ án, chưa thấy vụ nào lạ lùng như thế này. Chiếc vòng pha lê tai họa kia đang lấp lánh tỏa hào quang trên bàn, thật là đẹp mắt; Trình Chính bất giác đưa tay cầm nó lên ngắm nghía, đôi phượng nằm trên mặt vòng, đầu đuôi tiếp giáp nhau, cùng cưỡi đám mây lành, đập cánh muốn bay lên... đúng là một của báu thật đẹp! Ông tấm tắc khen mà cũng không nén nổi một tiếng thở dài: con người đã bỏ ra bao nhiêu công phu vào những bảo bối này mà cũng không tiếc công tranh giành trộm cắp, phạm tội vì nó. Vậy mà những báu vật này nói cho cùng là gì chứ? Nói một cách chặt chẽ ra thì chúng chẳng qua chỉ là những hòn đá mà thôi! Ông ta cầm chiếc vòng trong tay, tự nhiên nói một mình.
- Vòng pha lê ơi! vòng pha lê ơi! nếu mi đúng là một món báu vật thì mi phải đem đến điềm lành, tin vui chứ không nên làm tội phạm và tai nạn, phải không?
Đang trầm ngâm cảm khoái thì có kẻ dưới vào bẩm báo rằng:
- Bẩm lão gia, công tử họ Châu đã đến!
Trọng Liêm, ông Trình Chính đã sớm cho người báo cho chàng biết việc tìm ra vòng, có thể vì vậy mà chàng đến chăng? Trình Chính lập tức cho mời, Trọng Liêm bước vào phòng. Chàng trai này không những khá về văn thơ chữ nghĩa mà người cũng đẹp đẽ khôi ngô, ngũ quan đoan chính, thần thái phong lưu. Trình Chính thường nói với phu nhân rằng mình có ba đứa con trai, không đứa nào bì kịp Trọng Liêm cả mà lại tiếc rằng mình không có con gái để gả cho Trọng Liêm, chàng này con mắt quá cao kén chọn rất ghê gớm, đông bất thành, tây bất tựu, vì vậy cho đến bây giờ vẫn chưa buồn đính hôn với ai.
- Bác Trình ạ, nghe nói bác đã tìm được vòng pha lê của nhà cháu! - Trọng Liêm vừa vào đã cười hi hi; đối với Trình Chính vì thân nên đã không câu nệ lễ nghĩa nhiều; từ trước đến nay đều gọi Trình Chính là " bác".
- Không phải nó đây hay sao? - Trình Chính đưa chiếc vòng trong tay cho Trọng Liêm - cháu đến đúng lúc quá, hãy xem cho kỹ đi có phải chính là vòng mà nhà cháu bị mất đây không?
Trọng Liêm đón lấy chiếc vòng, ngồi xuống ghế trước mặt Trình Chính, người nhà đã rót trà cho chàng, Trọng Liêm xem xét kỹ lưỡng rồi ngẩng lên mặt chàng tươi rói.
- Không sai tí nào, đúng là cái vòng đó rồi bác ạ. Đây là vật báu gia truyền mà! mất rồi lại thấy thật là hiếm có! mẹ cháu nhất định phải mừng lắm. Từ khi bị mất vòng pha lê này, mẹ cháu cứ phàn nàn than tiếc với cháu hằng mấy tháng trời! thế cuối cùng là bác đã có cách gì bắt được bọn kẻ cắp đó.
- Không phải một bọn, mà chỉ là một tên thôi - Trình Chính lắc đầu nói nhỏ.
- Một tên? đơn thương độc mã mà dám gây án sao hả bác? - Trọng Liêm rất lạ lùng hỏi - chắc chắc phải là tướng cướp ba đầu sáu tay dọc ngang sông biển.
- Cháu có muốn gặp mặt tên cướp khét tiếng ba đầu sáu tay đó không? Trình Chính bỗng thấy thú vị nổi hứng lên nói - tên tội phạm này ngoan cố, cứng đầu lắm, hắn lại còn biết nói đạo lý nữa. Hắn một mực không chịu thừa nhận vật báu đó là do ăn cắp, kiên trì nói vòng pha lê này là báu vật của nhà hắn. Nếu không phải là chính cháu báo án thì bác cũng đã tin lời hắn rồi. Nếu cháu không ngại thì đối chất với nó một chút xem sao? Vốn trước bác đã định mời cháu ra công đường đối chất, nhưng lại e rằng ngoài đó vẫn nhiều những cung cách rườm rà, sợ cháu không quen.
- Hay quá - Trọng Liêm tỏ vẻ hơi hăng hái - cháu thấy tò mò về tên phạm nhân này rồi đấy, bác cho người giải hắn ra đây cháu được xem xem hắn là nhân vật ghê gớm đến thế nào.
Trình Chính lập tức cho người giải Vận Nô đến nhìn Trọng Liêm ông nghĩ: anh chàng này có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng ra phạm nhân lại là một cô gái bé nhỏ, yếu đuối như thế. Ông cũng rất muốn xem Trọng Liêm ngạc nhiên đến thế nào!
Vận Nô đã được dẫn đến, cô cúi đầu đi vào cửa và đứng lại chờ đợi với nét mặt buồn thương, ấm ức và sợ sệt. Trình Chính đã dặn trước, nên cô không phải đeo gông, không bị trói. Nhưng vì trải qua mấy tháng buồn lo vất vả và mấy ngày vừa qua chua xót, ấm ức, kinh hoảng nên hình dung cô vẫn tiều tụy, da mặt cô xanh tái. Tuy nhiên vẻ tiều tụy xanh xao đó cũng không giấu nổi nét đẹp thanh tú của cô. Cô đang đứng yếu ớt như cây liễu mong manh trước gió và trắng xanh như búp sen mới nhú lên mặt nước.
- Đó là phạm nhân - Trình Chính nói với Trọng Liêm - Chiếc vòng là do cô ta đem đi cầm đấy!
Trọng Liêm nhìn Vận Nô, bất giác mở to mắt sững sờ. Nếu như ông Trình Chính thật sự có cho giải một quái vật ba đầu sáu tay đến đây thì chàng cũng chỉ có ngạc nhiên đến thế! chàng đã hoàn toàn ngây ngất cả người, nhìn Vận Nô không hề chớp mắt.
- Vận Nô! - Trình Chính hét - vị này là công tử họ Châu, người mất vật báu. Vòng pha lê đã được công tử nhận diện kỹ rồi, xác định là của nhà họ Châu bị cướp mất. Bây giờ người có còn gì để nói không?
Vận Nô ngước mắt nhìn Trọng Liêm một cái rất nhanh nhưng cái đó đã biểu đạt hết những điều chứa chất trong lòng cô: thảm thê, oán hận tuyệt vọng phẫn uất không đường giải thoát.
- Tôi còn nói gì được nữa? - cô nói trầm trầm như là tự nói với mình, đầu cúi xuống, thấy rõ ràng mình không còn khả năng nào thoát tội, đến người mất cũng đã cố tình khẳng định đó là vật của nhà họ bị mất thì mình còn nói gì nữa? Cô cảm thấy chán nản cùng cực, tự dưng nói như muốn vặc lại - Những cái mà tôi biết thì tôi đã nói hết rồi. Bây giờ đã có người mất của, có vật bị mất, lại đã bắt được cả kẻ cắp thì các ông muốn xử thế nào là tùy các ông, tôi còn nói gì được nữa?
- Vận Nô! - Trình Chính nghiêm giọng quát - Không được cãi bướng.
Vận Nô rùng mình, ngẩng đầu lên cô lại lướt mắt qua Trọng Liêm và Trình Chính một cái, nước mắt trào ra, cô cúi xuống cắn chặt răng vào môi, không dám nói một lời nào nữa.
- Cháu có câu gì muốn hỏi cô ta không? - Trình Chính hỏi Trọng Liêm.
- Có ạ. - Trọng Liêm quay sang Vận Nô, vẻ thảm thương tủi cực và dáng điệu như có gì khó nói trong lòng của cô làm cho chàng rất động lòng. Chàng đã không thể rời mắt khỏi khuôn mặt thanh tú của cô, giọng chàng tự nhiên buông ra cực kỳ dịu nhẹ - Thưa cô, cô đừng sợ, cô chỉ cần nói chiếc vòng này từ đâu đến tay cô là được mà!
- Tôi có thể nói được sao? - Vận Nô buồn rầu hỏi lại.
- Làm sao mà không được nhỉ? - Trọng Liêm nói,
Thế rồi Vận Nô bắt đầu lấy giọng nho nhỏ buồn buồn kể lại một lần những sự việc đã nói ở công đường. Nói rồi, cô ngước mắt nhìn Trọng Liêm rụt rè nói thêm.
- Hay là, chiếc vòng của nhà công tử với chiếc này có thể không hoàn toàn giống nhau. Có thể nó có một chút xíu phân biệt chăng mà cũng có thể là người thợ kia đã làm thêm một chiếc vòng nữa gần giống vòng nhà công tử thì sao?
Trọng Liêm bắt đầu hơi do dự, tự nhiên cầm chiếc vòng lên xem kỹ lại. Đúng thế, biết đâu chiếc vòng ngày lại không phải là vòng của nhà mình bị mất thì sao? biết đâu nó là đồ vật của nhà cô ấy thật thì sao? Sự hiểu lầm này không đáng làm ra to chuyện. Vậy mà... vậy mà... vậy mà đem một cô gái ngoan của nhà người ta mà giam vào nhà lao? Nhìn cô gái yếu ớt run rẩy tưởng như gió cũng thổi bay được thì chịu sao thấu sự nặng tay của bọn ngục tốt, chịu sao thấu cảnh cơm tù, nhà đá? Hơn nữa năm nay trời lại quá lạnh, có khi chết cóng cả con người ta thì sao? Hơn nữa nếu để người ta mắc oan thì tấm thân mỏng manh kia chịu sao nổi nhục hình? Càng nghĩ càng thấy không đúng, càng nghĩ càng muốn lần khân, Trọng Liêm thấy không thể dừng được, chàng đứng dậy nói với Trình Chính.
- Thưa bác, cháu muốn đem chiếc vòng này về nhà để hỏi mẹ cháu xem, Bác biết chiếc vòng này vốn là của mẹ cháu, nên cháu cũng không thường xem xét nó, chưa chắc đã nhận được thật chuẩn. Nói như cô gái này cũng hơi có lý. Vạn nhất mà sai thì sự ấm ức của cô ấy không nói làm gì, nhưng sự sai đó nó còn tổn hại đến danh dự của người ta nữa! đó chẳng phải là việc đùa đâu, thưa bác?
Trình Chính nhướng lông mày nhìn Trọng Liêm rồi lại nhìn Vận Nô, định nói gì đó nhưng lại thôi. Xem ra, Trọng Liêm vẫn còn là một thư sinh trẻ tuổi mà! chàng thực sự nghi ngờ chiếc vòng là không đúng hay là đã động lòng trắc ẩn thương tiếc cho người đẹp đang mang tội? Trình Chính không để lộ cảm giác của mình, ông vỗ vai Trọng Liêm cười cười:
- Cũng nên làm như vậy Trọng Liêm ạ cháu cứ mang vòng này về nhà đi, hỏi phu nhân xem. Mất của là việc nhỏ, làm oan người là việc lớn, đúng không?
- Vâng ạ. - Trọng Liêm cất vòng đi, bất giác nhìn lại Vận Nô một cái, cũng vừa đúng lúc Vận Nô đang len lén nhìn chàng. hai luồng mắt vừa chạm vào nhau. Trọng Liêm chợt thấy trong tim rung lên một cái. Còn Vận Nô đã nhanh chóng cúi đầu nhưng một luồng cảm giác e thẹn đã dâng lên làm ủng đỏ đôi má xanh tái của cô, Trọng Liêm có vẻ bức xúc, chàng vái ông Trình Chính một cái thật thấp, nói:
- Thưa bác, cháu xin phép về để sớm làm ra sự việc cho mọi người được yên tâm ạ.
- Được bác cũng không giữ cháu nữa, bác đợi tin của cháu!
- Với lại - Trọng Liêm quay nhìn Vận Nô, chần chừ một chút rồi nói - không nên quá bắt ức cô gái này, trong tình hình như bây giờ, cô ấy chưa phải là tù phạm, chẳng nên đối đãi như bọn tù thường, bác bảo có đúng không?
- Tất nhiên, tất nhiên - Trình Chính đáp liền và dặn người đem Vận Nô đi. Trước khi dời chân cô lại ngước nhìn Trọng Liêm một lần nữa, mắt cô vẫn chan hòa lệ nóng nhưng ánh mắt chứa chan bao nhiêu là cảm kích, khẩn cầu, uất ức, hy vọng và biết bao ẩn ý không nói thành lời... Trọng Liêm lặng người dựa vào khung cửa, đờ đẫn trong giây lát. Sống đã gần 20 năm, lầu đầu tiên trong đời chàng cảm thấy trong tim căng ứ lên những cảm xúc mới mẻ: chua xót, dịu dàng, thương cảm, xao xuyến, bâng khuâng...
Trọng Liêm vừa trở về nhà đã vội vã xộc ngay vào nội viện, không đợi a hoàn bẩm báo, chàng cứ thể bước vào phòng phu nhân. Bà đang hướng dẫn các bà già và a hoàn chuẩn bị vật phẩm, đèn đóm để đón Tết. Nhìn thấy con xồng xộc đi vào, tưởng là xảy ra việc gì to tát, bà không khỏi giật mình, đứng ngay dậy, sốt ruột hỏi:
- Có việc gì hay sao?
- Ôi, không có gì - Trọng Liêm dừng bước cảm thấy mình có phần đểnh đoảng nên tự nhiên lắp ba lắp bắp, nhìn thấy bọn các bà già và a hoàn, chàng như muốn nói, lại do dự cắn môi...
- Thôi cho các ngươi lui đi! - bà mẹ cảm thấy sự ấp úng của con trai nên đã ra lệnh cho bọn họ ra ngoài, khi họ đã đi hết, bà mới hỏi - Có việc gì nào? Lại đánh mất thêm thứ gì nữa ư?
- Không, trái lại kia! - Trọng Liêm nói và rút ra chiếc vòng pha lê lấp lánh - Mẹ, mẹ nhìn này chiếc vòng của nhà ta bị mất có phải là đây không?
- Ôi, đã tìm được rồi ư? - Bà mẹ vui mừng kêu lên, cầm lấy chiếc vòng - Sao thế này được? Chính là vòng của nhà ta đây rồi! vòng này vốn gọi là "vòng pha lê song phượng" tìm được thật là quá may mắn, thứ khác mà mất cũng thôi, nhưng chiếc vòng này thì quả là vật báu vô giá đấy.
- Mẹ ơi - thấy đồ vật được chứng thực Trọng Liêm cảm thấy chán ngán, cau đôi lông mày lại - Mẹ cũng chẳng chịu xem kỹ lại xem rốt cục có phải là vòng của nhà ta hay không, có bị nhần lẫn chút nào không? Có khi hai chiếc vòng mới nhìn thì tương tự như nhau, nhưng sự thực thì lại không hoàn toàn giống nhau đâu! mẹ xem lại có đúng không?
- Sao thế, Trọng Liêm? - Bà mẹ băn khoăn nhìn đứa con trai - chiếc vòng này là báu truyền mấy đời của nhà mẹ đấy. Ngày xưa ông ngoại con có ba vật báu: Thứ nhất là vòng pha lê song phượng này, thứ hai đôi bình pha lê như ý, trên mặt khắc đôi rồng, gọi là " song long pha lê như ý" còn vật thứ ba là một đôi bình pha lê gọi là song lân pha lê. Ba vật này gọi là tam bảo pha lê. Về sau "song long pha lê như ý" đem cho cậu của con, "song lân pha lê" thì làm của hồi môn của dì con, còn vòng "song phượng pha lê" thì làm của hồi môn cho mẹ. Đồ vật như vậy, hỏi mẹ nhận nhầm thế nào được? Một ly cũng không nhầm, đây chính là chiếc vòng của nhà ta bị mất, chỉ trừ...
- Trừ thế nào? - Trọng Liêm sốt ruột hỏi:
- Chỉ cái túi thêu là không phải của nhà ta trước kia mẹ đựng nó trong hộp bọc bằng gấm, bọn chúng đã vứt cái hộp đó đi mà thay bằng cái túi thêu này.
Trọng Liêm tiu nghỉu ngồi dựa vào cạnh bàn chàng nhìn chiếc vòng pha lê một cách thất vọng chẳng còn biết làm gì, lơ đãng mân mê dây tua của chiếc túi thêu, bà mẹ chăm chú nhìn con, thắc mắc:
- Con làm gì vậy? Trọng Liêm? Tìm được vòng đáng lẽ phải vui chứ sao con lại như người mất hồn mất vía thế? hay uống hụm nước đi, con có vẻ mệt rồi?
- Đợi một chút mẹ ơi - một luồng ánh sáng loé lên trong óc Trọng Liêm, chàng đã nghĩ ra một ý gì mới - Mẹ nói là tam bảo pha lê kia có một đôi "song long như ý" một đôi “song lân pha lê”, phải không ạ?
- Phải rồi.
- Thế tại sao chiếc vòng này lại có một chiếc mà không phải là một đôi?
- Ồ, con hỏi không sai đâu - Bà mẹ suy nghĩ một lát rồi hơi mỉm cười, từ từ ngồi xuống ghế, đôi mắt ánh lên nét vui vẻ như đang chìm đắm vào hồi ức. Cuối cùng, bà nhìn con trai, tủm tỉm - vòng pha lên này vốn trước cũng là một đôi đấy.
- Thế chiếc kia đâu rồỉ - Trọng Liêm hấp tấp hỏi:
- Mẹ tặng cho người ta rồi - bà mẹ khẳng định.
- Tặng ư? tại sao? tặng ai cơ ạ?
- Ôi chà, việc này nói lại dài dòng lắm - bà mẹ dựa lưng vào ghế, lấy chiếc gối kê tay ôm vào lòng, nhìn Trọng Liêm và vẫn cười tủm tỉm. Trọng Liêm thì nóng lòng như lửa đốt mà bà mẹ thì cứ chậm rãi ê à mãi! Chàng kéo một chiếc ghế thấp dùng để gác chân, ngồi xuống đó và giục.
- Đó là việc của 17, 18 năm trước rồi, nó có quan hệ đến con đấy. - Phu nhân nhấp một ngụm trà - lúc đó cha con còn làm việc ở kinh đô, cha con có một người bạn rất thân, cùng nhậm chức ở viện Hàn lâm, hai bên gia quyến hai nhà cũng trở thành thân mật như chị em. Lúc đó con mới ba tuổi, nhà bên ấy không có con trai, chỉ có một con gái nhỏ mới tròn một tuổi. Có một lần họ mang cả cô bé đó đến nhà ta chơi, con không biết đâu, cô bé con đó hồng hào khỏe mạnh, xinh xắn lắm, rất dễ thương. Lúc đó con mới biết nói, đi còn chưa vững, nhưng chẳng biết làm sao mà cứ đòi bế con nhà người ta, đòi chơi với em bé. Không cho bế nó thì con khóc, không chịu. Cô bé cũng rất mến con, hễ trông thấy con là toét miệng ra cười. Mẹ thấy tình cảnh như vậy tự nhiên động lòng, thế là nói chuyện với mẹ cô bé, rủ kết thông gia, hai bên vốn đã môn đăng hộ đối, lại là bạn thân, kết thông gia thì chẳng đâu bằng. Nhà bên ấy vừa nói đã ưng ngay. Mẹ liền lấy một chiếc vòng pha lê ra đưa cho họ, gọi là làm của tin. Họ đang là khách, không đem đồ quí gì, mới tháo cái khánh vàng đeo ở cổ cô bé ra đưa cho mẹ. Đến nay, khánh vàng vẫn để trong hòm nhà mình đấy! Việc hôn sự nói thế là đã thành rồi, nào ngờ mấy tháng sau, có nơi thiếu tri phủ, cha con phải đi xuống phương Nam làm tri phủ, do đó nhà ta phải rời kinh thành. Lúc đó hai bên vẫn giao ước tiếp tục giữ quan hệ, đợi hai đứa lớn lên sẽ tác thành hôn sự. Nào ai biết việc chẳng chiều người, một năm sau nhà họ có việc phải từ quan, nghe nói trở về quê. Cha con cũng bất đắc chí, phải chuyển đi mấy nơi làm quan, nhưng đều không thuận tâm nên đã cáo lão về hưu. Từ đó hai bên biệt tin nhau. Quay đi quay lại đã 17, 18 năm rồi cũng không biết nhà bên ấy ra sao. Năm, sáu năm trước còn nghe nói quê nhà bên ấy không được bình yên, sợ rằng họ lại chuyển đi rồi. Cha con cũng chỉ vì quê nhà chộn rộn mới dọn đến đây cư ngụ hai bên chắc chẳng còn cơ hội gặp nhau mẹ nghĩ tiểu thư bên ấy chắc đã gả chồng lâu rồi, việc ngày xưa chỉ là chuyện nói miệng với nhau, chẳng coi là chuyện gì chắc chắn... Vì vậy, mẹ cũng không nói chuyện này với con. Nếu con không hỏi làm sao chiếc vòng pha lê này lại không có đôi thì có lẽ mẹ đã quên không nhớ tới việc kia nữa rồi!
Trọng Liêm há miệng nghe chăm chú, mê cả đi, đến lúc đó mới vội vàng hỏi:
- Nhà bên ấy họ gì?
- Họ Triệu.
- Trời ơi! - Trọng Liêm vỗ vỗ vào đầu, không biết trong lòng mừng hay sợ đau hay hồi hộp! cô gái kia chẳng phải cũng là họ Triệu đó sao? chàng ta đứng hẳn dậy, cuống quýt hỏi tiếp một câu - tiểu thư nhà họ tên là gì?
- Nói đến tên cô tiểu thư bên ấy, cũng có chuyện lạ lắm, hay lắm nhé - bà mẹ vẫn chậm rãi nói - người ta nói khi bà mẹ sinh cô ấy, nằm mơ gặp một cô tiên nhỏ giẫm trên đám mây hồng, tay cầm đàn vừa gảy vừa giáng hạ vào nhà. Sau đó bụng mới đau và bà mẹ đẻ được một cô con gái. Mọi người trong nhà, cả a hoàn nhũ mẫu đều nói, khi sinh tiểu thư, nghe thấy cả tiếng nhạc du dương nữa! vì vậy nhà họ liền đặt tên cho tiểu thư là Tiên Âm.
- Tiên Âm? -Trọng Liên sững người.
- Nhưng sau, mẹ cô ấy chê rằng tên đó khi gọi không thuận miệng, nên mới đặt cho một tên tục gọi là Vận Nô.
- Ái chà! trời ơi! - Trọng Liêm nhảy cẫng lên, vui mừng và ngạc nhiên, không thể tưởng, mà cũng đau lòng xót ruột biết bao! chàng trẻ tuổi không biết làm gì cho phải, chỉ quay vòng, nhảy nhót xung quanh buồng, vừa nhảy vừa kêu - Ái chà, trời ơi! Ái chà trời ơi!
- Thằng bé này sao thế nhỉ - bà mẹ sửng sốt, hỏi - Hôm nay làm sao mà cứ điên điên rồ rồ, kỳ kỳ quái quái thế? con va vào đâu? Hay con xung khắc với quỉ thần nào rồi?
- Ái chà, mẹ ơi! mẹ không biết đâu! - Trọng Liêm hét to - Tên kẻ cướp bị người ta bắt kia kìa, chính cái tên ăn cắp vòng pha lê ấy, là cô gái 18, 19 ấy tên người ta là Triệu Vận Nô đấy.
Phu nhân giật mình kinh ngạc, cũng nhảy lên khỏi ghế.
- Con nói có thật hay giả đấy?
- Còn cái gì mà thật với giả. - Trọng Liêm vẫn quay cuồng nhảy nhót trong phòng - con vừa mới tới nha môn về đây, đã gặp tiểu thư đó rồi, người ta bị giam trong nhà lao khóc đến nỗi cả người cũng tan thành nước mắt, đang bị oan mà không có nơi kêu cứu đấy.
Phu nhân như chợt tỉnh, giật tay con trai hỏi:
- Con đã gặp cô gái đó rồi ư?
- Vâng ạ.
- Trông người thế nào?
Trọng Liêm bỗng chốc đỏ bừng mặt, giậm chân, hứ một tiếng, quay mình đi, nói:
- Mẹ còn phải hỏi con, con dâu do mẹ chọn đấy còn gì! mẹ còn không biết ư?
Nghe ra ý tứ của cậu con trai rồi, thật là niềm vui từ trên trời rơi xuống, không thể tưởng nổi việc đáng mừng đến thế, bà mẹ còn cuống quýt còn ngạc nhiên vui sướng, còn vội vã bức xúc hơn cả cậu con trai! Đẩy chiếc ghế ra, bà vỗ tay gọi rối rít.
- Chuẩn bị kiệu! nhanh lên, chuẩn bị kiệu cho tôi!
- Mẹ ơi, mẹ định làm gì thế! - Trọng Liêm hỏi.
- Làm gì nữa? - bà mẹ chỉ vào mũi chàng trai - Mẹ phải thân tự đi đến nha môn đón con dâu mẹ chứ! còn làm gì nữa đây! cái ông Trình Chính kia thật hồ đồ quá đáng tôi phải tính sổ với ông ta, làm sao mà lẫn lộn vàng thau, ù ù cạc cạc đem con dâu người ta nhốt vào nhà lao chứ?
- Mẹ đừng vội trách bác Trình - Trọng Liêm nói - nếu mà bác Trình không bắt giam cô ấy thì...
- Thôi đừng nói nữa con trai ạ, mẹ biết bụng dạ con rồi!- Phu nhân cười phấn khởi - Anh kén chỗ nọ, chọn chỗ kia, chỗ nào cũng chê, bao nhiêu năm chẳng chọn được một nàng dâu, hóa ra là số mệnh đã chọn sẵn cho anh cô gái nhà họ Triệu này rồi! Anh đừng cảm ơn bác Trình, mà phải cảm ơn chiếc vòng pha lê có thần tích kia cơ! Làm sao vừa hay lúc gia đình mình mất cắp vòng pha lê thì lại đúng vào lúc cô ấy đưa chiếc vòng của cô ấy ra chứ? Đúng là cái sợ tơ trời xe duyên, cách xa nghìn dặm cũng không đứt nổi thật!
Trọng Liêm đứng đó, không khỏi có chút thẹn thùng nhưng chàng thấy sung sướng vui mừng là chính. Nhớ lại dáng điệu Vận Nô nửa giận nửa oán, ngơ ngác sợ sệt khi ở nha môn, chàng chỉ cảm thấy trong lòng như cháy bỏng lên mà chẳng nói ra nổi một câu. Nụ cười ngượng ngùng lại hơi ngớ ngẩn gắn chặt trên môi, chàng cứ trân trân nhìn mãi chiếc vòng pha lê quí giá trong vắt trên bàn đang tỏa ánh lung linh bốn phía.
- o O o -
Trọng Liêm và Vận Nô đã kết hôn vào ngay cuối năm đó để kịp thời gian theo tục cưới chạy tang, chứ nếu không thì phải đợi những ba năm nữa. Thế là giai thoại về chiếc vòng pha lê đã không có chân mà chạy biến khắp nơi. Tất cả trong xã, trấn đều đồn đại câu chuyện ly kỳ đó. Còn Trọng Liêm và Vận Nô thì sao? Họ cũng cảm thấy mối nhân duyên này quá thần kỳ, nhất là Vận Nô, cô thấy kỳ lạ là chiếc vòng đã mang đến bao nhiêu nỗi cơ cực giày vò khốn khổ, nhưng cuối cùng lại hoàn thành việc chung thân đại sự cho cô. Trong đêm động phòng hoa chúc, chàng rể nâng khuôn mặt đỏ hồng của cô và thì thầm hỏi nhỏ:
- Nàng có hận chiếc vòng pha lê kia không? nó đã làm nàng phải chịu bao nhiêu cực khổ, bị giam cả vào nhà lao.
- Hận nó ư? - cô dâu thẹn thùng xấu hổ rồi mỉm cười sung sướng - Ôi, chàng đừng đùa trêu em nữa đi! Làm sao mà em phải hận nó nào? em phải cảm ơn nó còn chưa đủ đấy!
- Nàng cũng chưa bao giờ biết vòng pha lê này có quan hệ đến việc chung thân của mình ư?
- Không biết - cô dâu cúi đầu - Lúc ấy, khi mẹ cho em chiếc vòng, có lẽ định nói với em mấy việc, nhưng chưa kịp nói đã đi rồi. Chắc là mẹ sắp nói ra việc này đấy! Nếu lúc ấy mà mẹ kịp nói thì...
- Thì nàng sẽ không phải chịu bao nhiêu khổ cực thế này - chàng rể tiếp lời.
- Không, thì em sẽ chẳng gặp được chàng đâu - cô dâu lắc đầu.
- Tại sao?
- Nếu vậy thì em làm sao lại nỡ đem chiếc vòng đính hôn để đi cầm chứ? - Vận Nô nói, mặt đỏ lên, đỏ như màu cây nến tân hôn đang cháy trên bàn kia.
Cuộc đời thật lắm chuyện ngẫu nhiên, cả một chuỗi ngẫu nhiên đã xây thành mối nhân duyên ân ái mặn nồng của Trọng Liêm và Vận Nô.
Sau khi chôn cất mẹ. Vận Nô, thưởng hậu Chu công công và thím Lý, vợ chồng càng đầm ấm dương hòa, khuê trung xướng họa, xa gần ngợi khen. Ông Trình Chính càng là vị khách quí thường xuyên của họ Châu, ông thường cười ha hả mà nói rằng vợ chồng nhà Trọng Liêm "bén duyên" nhau tại nha môn đấy!
Còn chiếc vòng pha lê thì sao? Mấy tháng sau ở huyện bên có phá một vụ án cướp của, bắt được bọn cướp, trong tang vật, tìm được chính chiếc vòng pha lê bị mất khi xưa. Thế là "châu về hiệp phố" vòng lại thành đôi! Vợ chồng nâng niu cất giữ đôi vòng thần kỳ ấy và luôn sẵn lòng kể với bạn bè về sự tích ly kỳ của chúng.
Kết Thúc (END) |
|
|