Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mầu Ký Ức Tác Giả: Sưu Tầm    
    Những buổi trưa dưới hiên mát rượi, nghe tiếng lá xào xạc trên mái nhà, ba hay nói rằng ký ức về bác Hai vẫn không bao giờ phai mầu trong lòng bà nội. Có lúc tôi đã hỏi bà, “ký ức của nội có mầu gì?”. “Ðó là mầu mận chín”. Nhìn lên tán cây mận trước sân nhà rất lâu, tôi vẫn không hiểu sao ký ức lại mang một mầu cây trái bình dân và thôn dã đến như vậy? Bà cười, “khi nào lớn lên rồi con sẽ hiểu”.
    Ðó là khoảng thời gian gió chướng về, cây mận trước nhà lại xào xạc. Những đêm như vậy, bà nội lại khó ngủ. Bà nằm trằn trọc, có khi ngồi dậy, mở cái đèn cà na (hình trái ớt) trước hiên nhà. Bắc cái ghế nhỏ, bà nội ra đó ngồi rồi ngó bâng quơ về phía cây mận trước sân. Xa xa nữa là con sông, nơi những ngọn đèn câu cứ hiu hắt mãi. Nơi năm xưa bà chèo xuồng đưa ông qua sông vào căn cứ, nơi bác Hai xuống tàu đò ra bắc bảo vệ biên cương. Và bến sông trong lòng bà nội bao giờ cũng mang mầu sắc của sự hiu hắt và đau đáu về một niềm tin đang nằm sâu ở đâu đó, phương xa.
    Bà nội hay kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cây mận trước sân nhà. Bà nói hồi ra bắc, bác Hai có viết thư về nói rằng cây mận, miền bắc gọi là cây roi còn miền trung gọi là cây đào. Mỗi nơi có tên gọi khác nhau, nhưng mận vẫn là thứ cây trái vườn nhà thơm thảo và gắn liền nỗi nhớ bao người con xa quê. Trong ký ức, cây mận nhà tôi cao to, tán rộng che khắp cả một khoảng sân. Mấy nhánh mận dài, vươn xa đụng đến tận mái hiên. Mấy dạo lá rụng đầy trên mái tôn, đêm về gió đẩy đưa cành cây cọ thành tiếng xào xạc. Dẫu biết người già khó ngủ, nhưng khi thấy bà nội trằn trọc cả đêm, ba cũng lắng lo. Ông định đốn nhánh mận, để gió đêm đừng làm xào xạc mái. Nghe vậy bà nội không ưng bụng. Bà nói, nhờ tán cây rộng mà sân nhà mát rượi từ phía lộ vào đến tận nhà. Vả lại nhánh cây này sai quả suốt mấy mùa qua, đốn bỏ đi bà thấy xót lòng. Ba biết, bà nội có một niềm khác nữa. Những lúc đứng dưới tán cây, bà ngó vô định vào những trái mận trĩu cành, lòng không nỡ đốn đi bất cứ nhánh cây nào đều chở đầy ký ức.
    Khi còn nhỏ, tôi không cách nào ôm giáp được gốc cây. Tôi ước gì mình mau lớn, để có thể vòng tay ôm lấy cây một cách dễ dàng. Nhưng lạ thay, khi tôi lớn lên, vẫn không cách nào ôm cây giáp một vòng tay cho được. Nghe vậy, bà nội xoa đầu tôi cười: “Mỗi ngày con một lớn lên, thì mỗi ngày cây cũng lớn lên như con vậy”. Khi đó tôi lại thắc mắc: “Sao cây giống con đến như vậy, bộ cây nó cũng có suy nghĩ hả nội?”. Bà gật đầu: “Ðúng rồi, cây cũng như người, cũng biết nghĩ suy, cũng biết yêu thương và cho quả tặng người nuôi tưới nó”. Tôi lại đăm chiêu hỏi: “Vậy cái cây có ba mẹ hông nội? Ai đã đẻ ra cây mận?”. Bà lặng im không nói, có lẽ bà không biết phải trả lời sao cho đứa cháu lên năm hiểu rành rọt được. Bà lại xoa đầu tôi rồi nói: “Lớn lên con sẽ hiểu!”. Tôi tin, và tôi tin chắc vào lời bà, có những điều mà phải chờ cho đến khi lớn lên mới hiểu hết ngọn ngành! Những lần trèo lên cây mận đu đưa, nhìn xuống hiên nhà, nơi chỗ bà nội ngồi bên rổ mận và vài lá trầu phơ phất, tôi thấy bà mình chất chứa một kho ký ức về bác Hai. Lúc ấy, tôi càng tin hơn, có những điều mà khi lớn lên, mình mới hiểu rành rõ được.
    Hai mươi tuổi, tôi theo ba và bà ra biên giới. Trước ngày đi mấy bữa, bà bảo tôi xuống sông múc lên thùng nước, bà xới quanh mớ đất ở gốc mận trước nhà rồi rưới nước lên một cách tỉ mỉ và cẩn trọng. Như người làm vườn cần mẫn và tâm huyết. Bà nhổ hết mớ cỏ quanh cây, chỉ chừa lại những chiếc rễ con đâm ra từ cái rễ lớn sần sùi trổ một đoạn lên mặt đất. Tôi thắc mắc sao phải là nước của dòng sông, mới tưới cho cây được. Sao không kéo dây nước máy, tưới cho cây, vừa nhanh vừa tiện. Bà cười, miệng móm mém thật có duyên: “Nước sông chở nặng phù sa, dưỡng chất tựa như sữa của dòng sông mẹ, giúp cho cây được sai quả”.
    Bà nội hay đi loanh quanh gốc mận. Vừa đi bà vừa lượm những trái chín rụng bị dập và những chiếc lá rơi, gom về một chỗ. Bà đốt cho lên khói, khói mận thơm lừng, bay phất phơ trong buổi chiều, hòa vào mầu tóc nội. Lúc ấy lòng tôi bỗng xốn xang, lần đầu tiên trong đời, tôi ý thức rằng nội mình đã già. Và quỹ thời gian bà ở cùng con cháu cũng dần ngắn lại.
    Mấy hôm sau đó, chúng tôi ra biên giới. Bà nói “đi rước thằng Hai”. Ngồi trên tàu hỏa, bà nội vẫn không thôi ôm bọc mận. Ðó là những trái to nhất, ngon nhất mà tôi hái được. Bà nội đã chọn lọc để dành đem ra biên giới, “cho mấy chú”. Dọc đường đi, bà không thôi kể chuyện say mê về đứa con của mình. Bà kể rằng, năm xưa bà có chửa bác Hai đến tận chín tháng hai chục ngày mới đẻ. Ðứa nhỏ lớn quá, nặng hơn bốn ký lô, bà cứ tưởng rằng sẽ không qua khỏi. Nhưng đứa nhỏ thương mẹ, nên nó cố vùng ra. Bà lại kể, bác Hai tôi từ nhỏ đã mê cây trái. Ông nội thấy vậy nên trồng quanh nhà mấy chục gốc mận đá cho trái mầu xanh. Nhưng ngặt nỗi, mùa nước năm Thìn, nước ngâm suốt mấy tháng, cây cối chết hết, chỉ còn duy nhất một cây mận trước sân nhà.
    Sau mùa nước năm đó, ông nội vào căn cứ kháng chiến khi chưa kịp trồng lại mấy gốc mận mới quanh nhà. Bác Hai mới lên mười, không có cha, bác tự học cách chăm sóc cây và dưỡng cho cây mận duy nhất còn lại không chết dẫu trải qua nhiều lần lũ úng. Năm đó cây mận rộ trái thật to và thơm ngon, bác Hai trèo bẻ gần cả thúng, chất vào chiếc ba-lô con, bác chống xuồng mang vào căn cứ cho cha. Nhưng đâu ai biết rằng, đó cũng là lần cuối cùng bác gặp được ông nội. Sau lần đó căn cứ bị bom oanh tạc, ông hóa thành mây gió, nhưng ông nội vẫn mãi sống cùng hơi thở của núi rừng quê hương, với những nhánh mận ông vun trồng. Bà nội nói, ông tôi sống khôn thác thiêng, nên mấy chục năm qua với biết bao mùa nước lũ, cây mận vẫn xanh tươi và phát triển ngày một lớn.
    Vườn mận bác Hai gây từ cây mẹ ở trước sân cũng lớn dần. Hòa bình lập lại. Những cây mận từ thành quả của hai thế hệ có dịp đáp đền. Nhưng cũng chỉ được bốn năm thì biên cương có giặc. Bác Hai theo tiếng gọi của non sông, khoác cái ba-lô con cùng cái bình nước, lên đường. Trước khi đi, bà nội còn dúi theo tay bác mấy trái mận nhà, mong sao lỡ đường cũng có trái cây để bụng.
    Trước ngày chúng tôi ra biên giới rước bác Hai về, mùa chướng bắt đầu gieo gió. Do nhánh cây xào xạc hay do bà nội chập chờn những giấc mơ, mà sáng nào bà cũng mệt mỏi khôn nguôi. Bà kể, đêm qua mơ thấy bác Hai về. Bác mang chiếc ba-lô chứa đầy mận đá. Vía bà nhớ rất rõ, bà ôm chầm lấy bác Hai, khóc ròng: “Hai ơi, con ở đâu, má tìm con mà không gặp”. Bác Hai nói, bà nội quả quyết giọng nói y hệt giọng của bác năm xưa, không chút gì đổi khác: “Con đi trồng mận, khi nào mùa mận chín, con sẽ nhắn má rước con về”. Nói xong rồi bác ra đi, lúc đó tiếng cành mận xào xạc ở mái hiên nhà. Bà nội giật mình thức giấc trong nỗi ám ảnh niềm đau mất chồng, mất con. Bà tốc mùng chạy ra sân nhà, đến gốc mận thì dừng lại, ngó ra phía con sông trước nhà, bà gọi “Hai ơi, Hai ơi, con ở đâu để má rước con về, Hai ơi!”.
    Sau lần mê sảng đó, ba tôi nghĩ rằng, phải lên đường tìm cho được bác Hai. Ba đi suốt từ năm này sang năm khác. Mỗi năm cứ đến mùa nghỉ hè, ông lại lên đường. Vất vả lăn lộn khắp dải biên giới, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người. Ba nắm níu lại được một vài manh mối về bác Hai, khi ông dừng chân ở chân đồi trồng đầy mận đá trái xanh.
    Ba tôi gặp lại những đồng đội của anh mình. Các chú, các bác kể lại, hồi mới vào đơn vị, bác khoe với các đồng đội rằng có mang theo trái mận miền nam “ngon bà lạy”. Nhưng chỉ có mấy trái thì làm sao chia đều cho đơn vị, vậy là bác Hai tôi dành thời gian ra ươm mầm gieo trồng. Bác vừa chiến đấu, vừa cẩn thận vun gốc tưới cẩn thận từng chút một cho mớ mận mới vừa nhú mầm. Những mùa miền bắc rét nặng, bác phải ủ ấm cho cây đừng bị chết. Bác chăm chút mận như chăm chút hồn quê của mình.
    Mấy chú mấy bác bùi ngùi kể, có lần pháo giặc đột ngột oanh tạc ngọn đồi, bác tôi hy sinh trong trận đó, nhưng những gốc mận bác trồng vẫn may mắn sống sót và lên xanh. Bác tôi thất lạc mồ mả, suốt mấy chục năm sau đồng đội cũ mới tìm được, nhưng lại không biết rõ nguyên quán nơi đâu để tìm thân nhân. Những người đồng đội đã đặt bác nằm bên những cây mận vượt qua lửa đạn, họ cố gắng giữ gìn chăm sóc gốc mận miền nam đồng đội đã để lại mảnh đất này. Ðất đã có hơi người, nên những gốc mận đá bám rễ lên xanh trên ngọn đồi Bắc Bộ. Mấy năm sau chúng ra trái xanh, những người đồng đội có dịp trở về ăn miếng ngon thơm thảo, mà bùi ngùi nhớ quá một đồng đội.
    Ngày cải táng bác Hai, ngoài di cốt chúng tôi còn mang về mấy ký mận từ cái cây bác trồng. Ðặt trước mộ ông nội và mộ bác Hai, nhang khói trăng trắng bay vô định… Rất lạ, những trái mận chúng tôi mang về và những trái mận từ cây trước nhà giống nhau như đúc, dẫu hai cây được trồng ở hai miền khác nhau, khác cả thổ nhưỡng và khí trời. Bà nội ngồi trước ngôi mộ bác Hai, gọt miếng mận đá đặt vào tay tôi, giọng bà mát ngọt như chất chứa cả hương sắc của cây cối vườn nhà: “Khi nào con đến tuổi như bà, con sẽ hiểu. Cũng như mầu của mận, ký ức là thứ mầu giữ được lâu bền mãi trên đời!”.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Một Thoáng Yêu Đương
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Người Phụ Nữ Bố Yêu